Hôm nay, 27/3/2019, một hội chợ lớn về thuỷ sản khai mạc tại tỉnh Vũ Hán, Trung Quốc, do một doanh nghiệp tư nhân làm thuỷ sản có tiếng ở Trung Quốc đứng ra tổ chức.
Hội chợ có tổ chức hội thảo, kết nối giao thương, mời các chuỗi nhà hàng về thuỷ sản tại Trung Quốc vào chế biến các món mới, giới thiệu các nhu cầu mới của khách hàng Trung Quốc. Có cả giới thiệu về xu hướng tiêu dùng và chế biến trong ngành thuỷ sản.
Bà G.M, chủ một doanh nghiệp đang làm ăn về thuỷ sản với Trung Quốc, cho biết: đa số các doanh nghiệp thuỷ sản tại đồng bằng sông Cửu Long cùng tham dự hội chợ lần này, nhưng theo bà, doanh nghiệp Việt đến nay chưa thật sự dốc sức đầu tư cho thị trường này. Nhiều doanh nghiệp đưa người như đi… cưỡi ngựa xem hoa.
Biết người để theo đúng luật chơi
Thị trường xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc không khó, nhưng cũng như các thị trường khác, Trung Quốc có luật chơi riêng của họ.Doanh nghiệp Việt trước khi thâm nhập cần có thời gian tìm hiểu thấu đáo thị hiếu, nhu cầu, các tiêu chuẩn chất lượng mà Trung Quốc yêu cầu.
Vai trò nhà nước để mở đột phá trong làm ăn chính ngạch với Trung Quốc, hiện nay là rất quyết định. Vì thị trường này có những đặc điểm khác hẳn các thị trường khác. Ngoài việc đòi hỏi về chất lượng luôn tăng cao, yêu cầu truy xuất nguồn gốc nay đã được quy định khá nghiêm ngặt.
Như với những mặt hàng trái cây tươi, hiện ta chỉ được xuất có tám loại chính ngạch, gồm thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, xoài, mít, chôm chôm. Các sản phẩm đang được phía ta đề nghị tổng cục Hải quan Trung Quốc tiếp tục mở cửa thị trường theo thứ tự ưu tiên, gồm: sầu riêng, bưởi, chanh leo, khoai lang, dừa, na, roi (mận), măng cụt. Vậy, nhà vườn và doanh nghiệp vẫn phải chờ cuộc đàm phán mở rộng dải sản phẩm có thành công tiếp không.
Nhiều quy định của nhà nước Trung Quốc về nhập khẩu nông sản cần được phổ biến rộng và sâu, cho cả ba đối tượng liên quan trực tiếp: nông dân, thương lái và doanh nghiệp.
Ông Lê Thanh Hoà, phó cục trưởng cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản, bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, cho biết có hàng loạt các quy định đối với hoa quả xuất khẩu của Việt Nam khi xuất sang Trung Quốc, như phải đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật và quy định về an toàn nguyên liệu thực phẩm (nghị định 15/2018/NĐ-CP); đáp ứng quy định về an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật của Trung Quốc; phải đăng ký mã số vùng trồng, địa danh với Hải quan Trung Quốc; các đơn vị nhập khẩu phải khai báo rõ ràng xuất xứ nguồn gốc vùng trồng – có nhãn mác; sản phẩm đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật bao gói, đảm bảo điều kiện vệ sinh, không nhiễm côn trùng hại.
Đặc biệt, Trung Quốc có một số thay đổi trong giám sát xuất nhập khẩu hoa quả vào nước này. Từ 1/10/2019, sản phẩm thực phẩm nhập khẩu vào Trung Quốc phải có Chứng nhận an toàn thực phẩm, do cơ quan có thẩm quyền nước xuất khẩu cấp cho các lô hàng.
Từ tháng 12/2018, Hải quan Trung Quốc đã thông báo khẩn tới các chi cục hải quan của họ về hàng loạt yêu cầu trong nhập khẩu hoa quả từ Việt Nam, trong đó nhấn mạnh các hạng mục kiểm dịch hoa quả xuất nhập khẩu giữa hai nước.
Và từ ngày 1/1/2019, các cơ quan hải quan phải kiểm tra Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật hoa quả nhập từ Việt Nam, xem ở trong phần “Phụ lục” có ghi rõ tên, mã số của cơ sở đóng gói đã được đăng ký hay chưa. Hàng hoá phải có nguồn gốc từ các nhà vườn hay cơ sở đóng gói đã đăng ký với các cơ quan chức năng của Việt Nam, cũng như đã được tổng cục Hải quan Trung Quốc công nhận.
Nhiều định kiến, quán tính và thiếu sót…
Người Việt ít quan tâm theo dõi chính sách và động thái thị trường mình đang nhắm tới.
Các quy định của Chính phủ Trung Quốc đều có cập nhật trên các trang web chính thức của họ, như trang của bộ Nông Nghiệp. Khi họ đưa ra trước một luật gì đó, thì họ đều công bố dự thảo. Điều đáng hỏi là: có cơ quan hoặc hiệp hội nào ở Việt Nam theo dõi sát các ý kiến thảo luận và kết luận, để quảng bá tuyền truyền trước cho doanh nghiệp biết chưa? Tình hình hiện nay là doanh nghiệp Việt tự bơi.Trung Quốc làm chính sách rất nhanh.Thường từ khi công bố dự thảo đến khi có hiệu lực, chỉ trong vòng có ba tháng. Do đó, mình không theo dõi thật chặt thì không xoay xở kịp. Mà xoay xở không kịp thì hoảng lên, cho là họ thay đổi quá nhanh.Không phải họ quá nhanh mà là mình quá chậm.
Ngoài ra, người Việt còn nặng tính ỷ lại (tiến làm chính ngạch, thối về tiểu ngạch có sao), hay quán tính cạnh tranh không lành mạnh trong nội bộ, cứ bí mật giảm giá cùng lôi nhau xuống đáy.
Ngoài ra, rào cản nhãn tiền và vẫn là cái khó lớn nhất của doanh nghiệp Việt chính là… ngôn ngữ. Muốn tìm hiểu chính sách của họ thì phải hiểu kỹ các thông tin chính sách trên báo, trên mạng của họ.
Về mặt kỹ thuật, công nghệ, theo ông Shi Xin Biao, chuyên gia thị trường Trung Quốc, giám đốc công ty XNK Liaocheng Xinghao (chuyên xuất nhập khẩu nông sản), điều Việt Nam cần lo hơn cả là công nghệ bảo quản, giữ tươi; trong khi điều kiện hạ tầng kho bãi của Việt Nam còn nhiều hạn chế. Việt Nam phải nhập thêm công nghệ tiên tiến hơn để trồng các loại hoa quả, cũng như hệ thống tiêu chuẩn quản lý chất lượng hiện đại hơn cho các mặt hàng nông sản. Bên cạnh đó, làm tốt hơn việc quản lý nguồn gốc xuất xứ, quản lý về bao bì, để nhanh chóng được thông quan quy trình kiểm định kiểm dịch của Hải quan Trung Quốc. Cần thiết lập cơ chế hợp tác giữa nhà quản lý – doanh nghiệp – người sản xuất, nhằm đảm bảo an toàn trong toàn bộ chuỗi cung…
Một vấn đề nữa về kỹ thuật: hiện nay, thương mại điện tử ở Trung Quốc cũng đang phát triển mạnh đến từng ngóc ngách các hộ gia đình. Vì vậy, doanh nghiệp cần tận dụng các kênh bán hàng này, đồng thời hướng tới làm ăn bài bản tại thị trường Trung Quốc.
Từ năm 2012, nhóm nghiên cứu của nguyên bộ trưởng Thương mại với các đồng nghiệp danh giá như Võ Trí Thành, Nguyễn Đức Thành… đã công bố công trình nghiên cứu về tác động của các hiệp định thương mại tự do tới nền sản xuất, thương mại Việt Nam, có đưa ra những giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu sang Trung Quốc như: giảm dần buôn bán tiểu ngạch, chuyển những ngành có nhu cầu cao của Trung Quốc sang chính ngạch để giảm rủi ro; lập những chương trình phân phối lớn của Việt Nam ở Trung Quốc, tận dụng các hiệp định thương mại tự do với Trung Quốc.
Rất tiếc nghiên cứu này đã nằm yên trong ngăn tủ, giờ đọc lại thấy ta trễ mất bảy năm…
Kim Hạnh (TGTT)