Cô gái đến từ cao nguyên đá Đồng Văn, Hà Giang, trong ngày thi chung kết khởi nghiệp và chủ nhiệm CLB Bếp ngon Phương Nam.

Đỗ Văn Cương từ Gia Lai tới cuộc thi Dự án khởi nghiệp 2018 “Phát triển tài nguyên bản địa bằng sức mạnh công nghệ”, chỉ để lắng nghe và tự trả lời câu hỏi “Làm gì để khởi nghiệp thành công?”

Tất cả là bạn…

Cuối cùng, câu trả lời là phải từ cái tâm và bài toán tài chính phải rõ ràng. “Nhờ những câu hỏi của ban giám khảo mà tôi nhận ra điều này”, Cương nói tiếp, “nhiều câu hỏi “quắn  não” nghe rồi – tự hỏi sao lâu nay mình không nghĩ ra!?”

Nhiều bạn đã thất bại vì cứ mãi nói thông điệp, trong khi cần phải chi tiết bài toán tài chính.Hay khi cần nói chi tiết thì các bạn cứ nói lòng vòng.Có bạn nói ra đã biết ứng dụng công nghệ gì rồi mà cứ sợ lộ bí mật, có phải đó là bí quyết công nghệ và nếu là bí quyết công nghệ thì mình có đủ sức bảo vệ nó không? Nhiều bạn đã từng tham gia cuộc thi lần thứ hai, quyết tâm vượt qua những câu hỏi “khảo hạch”, địa hình giả lập gai góc, hiểm trở từ ban giám khảo. Đó là ban giám khảo có một không hai, gắt tới mức nói cho bỏ hết ý tưởng bay bổng tới đường cùng, nhưng các vị ngọt tới mức “chú sẽ đầu tư”, “chị sẽ giúp em”…

Một cuộc thi khá bất ngờ với hình ảnh hộp bánh của Lê Na, người bán cam Kỳ Yên, xứ Nghệ kèm theo trà Thái Nguyên “Ngọc Trà”, sản phẩm của một bạn khởi nghiệp vừa qua đời khi mọi việc dở dang. Một cuộc thi ấm áp khi nhóm thi trước giúp cho người thi sau, không kể địa phương, sắc tộc, vùng cao hay miền xuôi… Chỉ ở đây, tại dinh Thống Nhất ngày 27 – 28/10/2018 mới thấy.

Cuộc thi này, nghe góp ý từng trường hợp sẽ tự hiểu cách “mưu sinh, thoát hiểm” từ những câu hỏi và trả lời. Ban giám khảo, có một vị là cựu bộ trưởng, một vị từng là cố vấn cho Thủ tướng, ba chuyên gia về kỹ thuật  – công nghệ –môi trường, ba người chuyên về thị trường, một người chuyên về tài chính, hai người chuyên về  góc nhìn văn hoá và dân tộc học.

TS Nguyễn Trọng Luân, phó giám đốc trung tâm Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng, tự nguyện hỗ trợ nhóm bạn trẻ dự thi với sản phẩm năn bộp, nói rằng cuộc thi có quá nhiều bất ngờ trong cách vận hành một dự án và cuộc tiếp sức, đồng hành với startup.

Đỗ Văn Cương thú thật đã theo đuổi cuộc thi từ lần thứ ba tổ chức hồi năm ngoái. Cương từng khởi nghiệp từ cà phê, chanh dây không thành, bây giờ là gạo nương – đầu tiên chỉ có 10kg gạo nương, Cương đem vào TP.HCM, nay đã có nơi tiêu thụ ổn định trên 3 tấn/mùa, giá mua tại gốc 55.000 đồng/kg, trừ chi phí khoảng 10.000 đồng/kg, phần còn lại gởi hết cho người trồng.

Đối với Cương, sau khi nghe những câu chuyện, lời phản biện, góp ý, anh trở về làng mang theo câu chuyện gạo nương của bà con Bahnar vô TP.HCM, rồi tiếp tục vận động trồng lúa theo tự nhiên và bán “câu chuyện” gạo nương để ổn định cuộc mưu sinh ở làng. Người trong làng nói rằng họ chỉ muốn Cương giữ lời hứa để họ yên tâm trồng lúa, để con cháu họ có lòng tin sau này.

“Tôi là người di cư gốc Hưng Yên, lâu nay nợ đồng bào dân tộc, nay muốn giúp bà con có cuộc sống tốt là trả ơn cho người đã từng giúp đỡ gia đình mình”, Cương nói.

 Không chỉ thi xong là hết

Thay đổi lớn nhất vẫn là suy nghĩ và cách hành động của các startup gắn với nguyên liệu nơi mình đang sống và cuộc tìm kiếm công nghệ thích hợp. Những ý tưởng được hiện thực hoá với dòng sản phẩm chỉn chu, tử tế, thể hiện sự tôn trọng người tiêu dùng và luật lệ. Có điều không thay đổi đó là quy mô của các startup. Dù mới đưa sản phẩm ra thị trường hay đã bán với doanh số 500 triệu đồng, thì quy mô vẫn còn nhỏ và vẫn mơ ước về hệ sinh thái khởi nghiệp với những cam kết đồng bộ hoá từ chính sách.

Năm nay, Đồng Tháp không tạo được thế áp đảo so với Bến Tre và một số dự án độc đáo từ vùng cao. Lãnh đạo tỉnh đoàn  Đồng Tháp nói, năm ngoái việc phát hiện ý tưởng từ cơ sở rất tốt, nhưng cuộc thi năm nay cho thấy chỉ phát hiện thôi chưa đủ, cần phải nuôi dưỡng nguồn ý tưởng sáng tạo, độc đáo và phải huấn luyện để startup “cứng cáp” bước vào cuộc thi.

Cuộc thi thu hút nhiều thầy cô từ các trường đại học, trung học và doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư mạo hiểm. Anh Lê Thành, một nhà đầu tư muốn hỗ trợ ý tưởng lọc nước ở Hậu Giang, nhiều thành viên ban giám khảo muốn đầu tư, đồng hành từ A tới Z với một số sự án khác. Riêng ban tổ chức tiếp tục dẫn dắt các bạn khởi nghiệp đi Thái Lan, tiếp cận mô hình năng động là câu chuyện tự kể, tự viết của lớp khởi nghiệp trong quyển sách vừa sang trang mới. Và đó cũng là cách khác biệt trong cách làm của trung tâm BSA, người sở hữu những bài học khởi nghiệp từ cây nhà lá vườn, cho tới những giá trị bất ngờ.


Nguyễn Thị Hồng Yến (Bến Tre): Dự án Chậu gáo dừa trồng lan và hoa cảnh treo

Mình muốn áp dụng máy móc công nghệ làm gáo dừa cho đẹp, nhưng gặp khó khăn về kinh phí và thời gian do hai vợ chồng đều đi dạy học. Ở Bến Tre, hiện nay kiếm lao động cũng khó lắm, người đi Bình Dương, Đồng Nai làm công nhân rất nhiều. Kiếm được lao động, đào tạo nghề cho họ cũng gian nan vì nghề này đòi hỏi sự kiên nhẫn, tỉ mỉ. Sau cuộc thi, mình sẽ về ứng dụng thêm vào công việc giảng dạy bằng cách cho ra thêm sản phẩm đồ chơi, dụng cụ âm nhạc bằng gáo dừa.

Hồ Văn Tuấn (Hậu Giang): Dự án Thiết bị tự động lọc nước ao, hồ, sông thành nước sinh hoạt bằng năng lượng xanh

Dù không được giải nhưng không cảm thấy buồn.Mình sẽ tiếp tục cải tiến sản phẩm, làm cho “hình dáng” đẹp hơn, có công dụng hơn. Ở các tỉnh miền Tây, ai cũng nghĩ là vùng dồi dào nước nhưng thực ra tình trạng thiếu nước sạch khá phổ biến, hơn nữa nguồn nước lại bị ô nhiễm, nếu thiết bị này tới tay người dân sẽ mang đến nguồn nước sạch, giúp họ tiết kiệm. Thiết bị lọc nước của mình nhận được tin vui là có một anh ở An Giang đặt hàng, do ở chỗ đó không có nước sạch.

Chị Sùng Y Xía (Hoà Bình): Dự án xây dựng nhà truyền thống dân tộc H’Mông – Hoà Bình

Đây là lần đầu tiên được tới TP.HCM dự cuộc thi khởi nghiệp. Mình mong muốn khôi phục ngành nghề truyền thống dệt thổ cẩm, khai thác những sáng tạo vẽ sáp ong, thêu, kết hợp với du lịch. Khi nghe thầy trong ban giám khảo khen dự án của mình thấy vui lắm. Thích nhất là được mọi người chú ý và hỏi vềsản phẩm truyền thống của dân tộc mình.

Đặng Thị Huyền Mi (Sơn La): Dự án Phát triển thị trường cho sản phẩm gà nướng và chẩm chéo của đồng bào dân tộc Thái – Tây Bắc

Cảm giác khi được nghe tên nhóm mình đạt giải nhất rất bất ngờ. Nhận được tín hiệu vui thì mừng, nhưng cũng lo, vì khi về Sơn La rồi không biết làm sao trở vào được do chi phí đi lại tốn kém lắm. Mình đang tìm nhà phân phối ở trong Nam. Mình nhận thấy, khách hàng luôn hy vọng mua được gà ngon và an toàn vệ sinh thực phẩm. Họ muốn mua được nhanh và tiện lợi, tiết kiệm được thời gian. Họ cũng mong có món ăn được sơ chế, chế biến sẵn và hương vị mới lạ.

Ngọc Bích ghi


Hoàng Lan