Các diễn giả tham gia tọa đàm: “Dòng chảy thị trường gia vị Việt”. Toạ đàm do BSA Center tổ chức chuẩn bị cho Lễ hội Tinh hoa Gia vị Việt tại khu hoạt động cộng đồng của Landmark 81 vào dịp lễ 30/4 và 1/5 tới đây.

Trong thời gian qua có sự cạnh tranh quyết liệt giữa các đơn vị làm gia vị của Việt Nam với các công ty đa quốc gia và với các sản phẩm ngoại nhập. Đây là thị trường cạnh tranh có thể không dễ thấy ở bề mặt nhưng thực tế đầy quyết liệt và sống động.

Bà Vũ Kim Hạnh – Chủ tịch Hội DN HVNCLC, người chủ xướng Lễ hội Tinh hoa Gia vị Việt: Chúng ta biết rằng, trong các thế mạnh của nền kinh tế nông nghiệp Việt Nam thì có gia vị. Thực ra, chữ gia vị có vẻ như nó là phụ. Nhưng bạn thử tưởng tượng mình mua một gói mì gói mà không có gia vị thì sao? Thì gói mì gói đó coi như bỏ đi, đúng không?

Trong thời gian qua có sự cạnh tranh quyết liệt giữa các đơn vị làm gia vị của Việt Nam với các công ty đa quốc gia và với các sản phẩm ngoại nhập. Đây là thị trường cạnh tranh có thể không dễ thấy ở bề mặt nhưng thực tế đầy quyết liệt và sống động.

Nếu ai có theo dõi thị trường gia vị thì sẽ thấy những tháng liên tiếp nhau thời gian qua, tương ớt của công ty này vượt lên, sau đó vài tháng lại có công ty kia vượt lên. Điều này cho thấy sự cạnh tranh quyết liệt trên thị trường. Nó cũng cho thấy sự lớn mạnh của thị trường gia vị của Việt Nam.

Tôi đọc hồ sơ của Trí Việt Phát thì tôi thấy một câu chuyện rất hay. Một câu chuyện đầy đam mê và có thể nói là liều lĩnh, nhưng rất mừng là các bạn đã thu được các thành tựu.

Bà Nguyễn Thị Vân Anh, giám đốc Công ty TNHH Thương mại – Dịch vụ và Sản xuất Trí Việt Phát: Tôi tốt nghiệp Bách khoa ngành Hóa – Thực phẩm năm 2002, bước vào công việc là làm gia vị mì gói. Từ đó tôi đã yêu gia vị. Người sếp của tôi khi đó là Đài Loan hàng ngày phải bằm hành, tỏi… ngửi phân biệt từng loại quế, hồi… Khi sếp tôi khi đó là người Đài Loan qua đây thấy rất lạ là sao người Việt khi ăn phở lại thích bỏ vào đó hành, ngò, tương ớt… Từ đó tôi thấy người nước ngoài cũng rất quan tâm đến sản phẩm gia vị của Việt Nam.

Tất cả các món ăn mà thiếu gia vị thì đều không thể thành món ăn được. Tất cả các bàn ăn trong nhà hàng, khách sạn đều không thể nào thiếu gia vị.

Bà Nguyễn Thị Vân Anh, giám đốc Công ty TNHH Thương mại – Dịch vụ và Sản xuất Trí Việt Phát.

Chuyên gia thị trường Ngô Đình Dũng, GĐ điều hành Công ty Giải pháp Quản trị Tổng thể – ISM: Gia vị là một thành phần không thể thiếu trong cuộc sống hiện đại của người tiêu dùng. Con người hiện nay có hai xu hướng. Thứ nhất họ thích ăn ngon hơn, ăn uống tinh tế hơn. Thứ hai là người ta thích sự thuận tiện dễ dàng hơn. Thế nên, các loại gia vị đóng gói sẵn càng ngày càng phổ biến nhiều hơn vì người ta thích sự thuận tiện trong việc nấu nướng và ăn uống. Chẳng hạn, cách đây vài năm các loại muối chấm trái cây chưa phổ biến, thì nay đã rất phổ biến, từng loại muối chấm cho từng loại trái cây đã được bán cho thị trường.

Nếu chúng ta nghĩ gia vị là thành phẩm sẵn cho từng loại món ăn thì thị trường gia vị rất là rộng lớn. Đặc biệt, với người Việt và người châu Á các khẩu vị ăn uống của họ rất tinh tế.

Chuyên gia thị trường Ngô Đình Dũng, GĐ điều hành Công ty Giải pháp Quản trị Tổng thể – ISM.

Bà Nguyễn Thị Vân Anh, giám đốc Công ty TNHH Thương mại – Dịch vụ và Sản xuất Trí Việt Phát: Hàng năm Việt Nam xuất khẩu nhiều gia vị thô: quế, hồi, đinh hương, thảo quả… Từ khi xây dựng nhà máy mình đã xây dựng một đội ngũ kỹ sư hóa, nông lâm và đào tạo cho họ các kỹ năng cảm nhận bằng mắt, mũi, miệng… nên hồi Covid-19 vừa rồi chúng tôi rất sợ chuyện mất vị giác. Các bạn kỹ sư này không chỉ thành thạo về công nghệ mà còn được đến các nhà hàng, bếp ăn để ăn và cảm nhận.

Người Nhật rất thích các món ăn truyền thống của Việt Nam, thì làm sao mang gia vị Việt đến cho họ? Người Nhật thích ăn sản phẩm ăn liền nhưng phải có dinh dưỡng. Chẳng hạn, gói gia vị phở chúng tôi làm cho người Nhật, có hai gói ở trong và hai gói gia vị, để chế biến cho hai người, hai tô vào buổi sáng. Người Nhật họ rất tinh tế và đòi hỏi cao, kinh doanh không chỉ đơn thuần là kinh doanh mà họ còn đòi hỏi cả yếu tố văn hóa trong sản phẩm. Đó là điều tôi học được khi làm sản phẩm cho thị trường Nhật Bản.

Tọa đàm thu hút đông đảo phóng viên và doanh nghiệp ngành gia vị thực phẩm tham dự.

Bà Vũ Kim Hạnh – Chủ tịch Hội DN HVNCLC, người chủ xướng Lễ hội Tinh hoa Gia vị Việt: Không chỉ có gia vị hầu hết các sản phẩm khác của Việt Nam hiện chưa có thương hiệu trên thị trường thế giới. Vì không có thương hiệu nên giá bán chưa thể tương xứng với giá trị. Để thay đổi hiện trạng này thì phải mất nhiều thời gian và đòi hỏi từng thương nhân và tất cả thương nhân cùng ý thức xây dựng. Chẳng hạn, hồi đó tôi đi ThaiFex có doanh nghiệp Thái nói đã xây nhà máy cung cấp cho người Mỹ sản phẩm phở Việt Nam đúng điệu Việt Nam. Tôi chúc mừng họ mà tím gan tím ruột vì đó là sản phẩm của người Việt mình mà.

Nếu các thương gia biết bắt tay với nhau thì chúng ta có thể quảng bá, làm thương hiệu cho một dải sản phẩm rất rộng, từ gia vị đến các loại nông sản, thực phẩm xuất khẩu.

Chuyên gia thị trường Ngô Đình Dũng, GĐ điều hành Công ty Giải pháp Quản trị Tổng thể – ISM: Kinh nghiệm cho thấy tất cả các sản phẩm thành công ra được thế giới thì chúng ta phải mạnh ở nội địa trước đã. Chúng ta phải làm sao khai thác, thuyết phục được người tiêu dùng, đặc biệt là những người tiêu dùng trẻ.

Bà Nguyễn Thị Vân Anh, giám đốc Công ty TNHH Thương mại – Dịch vụ và Sản xuất Trí Việt Phát: Các hệ thống đã chuẩn hóa lâu đời như KFC, Jollibee… đòi hỏi các sản phẩm của họ bán ở khắp mọi nơi trên thế giới đều phải có chuẩn vị, đồng đều như nhau. Để cung cấp được gia vị cho họ thì chúng ta phải có chứng nhận chuẩn vị, đồng đều. Cái quan tâm của các nhà hàng như thế này là phải chuẩn vị và đồng đều.

Để chuẩn hóa các sản phẩm thứ nhất phải đo các chỉ tiêu như độ sánh, độ mặn… Nhưng đầu tiên tất cả các nguyên liệu đầu vào phải được kiểm tra gắt gao. Nếu chỉ kiểm tra công đoạn cuối cùng mà phát hiện sai lệch thì làm sao biết lỗi ở đâu. Tôi muốn nhấn mạnh là việc kiểm tra, kiểm soát từng khâu, từng công đoạn gắt gao.

Ngay từ khi mới ra trường, tôi được đào tạo về khẩu vị. Hiện nay, các chuyên viên của tôi cũng được đào tạo về khẩu vị như vậy. Thường có hai ngưỡng, một ngưỡng nhận ra liều lượng. Ví dụ pha muối ở liều lượng thật loãng thử xem ngọt hay mặn. Chúng ta vẫn nghĩ muối là mặn, nhưng không phải vậy, phải ở một cường độ nhất định mới nhận ra vị mặn. Đường cũng vậy, phải ở mức độ nhất định mới nhận ra được vị ngọt. Các bạn nhân sự bên tôi đều được tập luyện như vậy để cảm nhận về liều lượng.

Trí Việt Phát có hệ thống kiểm soát côn trùng tiên tiến là mối nguy tiên quyết của các nhà hàng, nhà sản xuất thực phẩm; Thiết bị tiên tiến có kiểm soát CCP trên từng thiết bị; Máy dò vật thể lạ trong từng sản phẩm cuối cùng ra khỏi nhà máy (Kim loại, cát sạn….); Phòng kiểm nghiệm kiểm sản phẩm đầu ra theo chuẩn 17025.

Đầu bếp Nguyễn Huỳnh Đăng Tuyên: Các gia vị như sả, hành, ngò… của Việt Nam kích thích vị giác và muốn ăn hơn, thấy ăn ngon miệng hơn, ngoài ra còn có yếu tố cân bằng âm dương, chưa kể nhiều loại gia vị còn có thể có tác dụng hỗ trợ cho sự tăng cường sức khỏe, phòng ngừa bệnh như chúng ta đã thấy với một số loại gừng, sả… trong thời gian Covid-19 vừa rồi.

Đầu bếp Nguyễn Huỳnh Đăng Tuyên.

Bà Nguyễn Thị Vân Anh, giám đốc Công ty TNHH Thương mại – Dịch vụ và Sản xuất Trí Việt Phát: Trí Việt Phát ra đời năm 2012, chủ yếu cung cấp cho các khách hàng sản xuất công nghiệp. Đầu tiên là cung cấp tiêu cho các công ty sản xuất xúc xích. Sau đó Trí Việt Phát có cơ hội cung cấp cho Mondelez – Kinh Đô bột ớt. Khi đó Mondelez-Kinh Đô muốn thay đổi, chuẩn hóa để đạt mức chất lượng mới. Lúc đó chúng tôi là công ty khởi nghiệp rất nhỏ, để cung cấp cho Kinh Đô là một thách thức lớn khi họ đang mua gia vị của các công ty khác rất là lớn vì thay đổi sẽ mất chi phí hết sức lớn. Khi đó tôi về nói với các nhân viên trẻ của mình là mình quyết tâm thay đổi, để được làm việc với khách hàng lớn. Sau đó, chúng tôi không chỉ làm việc với Mondelez mà sau đó làm việc được với các khách hàng Nhật

Sau một thời gian cung cấp cho các khách hàng công nghiệp thì 2021 chúng tôi mới quyết định ra sản phẩm riêng. Quan điểm của mình không biết thì học, không ngại thử thách mới. Ban đầu chúng tôi thử bán cho Bách Hóa Xanh, bắt đầu là muối ớt Kim Quất, được phản hồi rất tốt. Hiện nay, sản phẩm đã được phân phối rộng khắp từ miền Tây cho đến Quảng Trị.

Trong kinh doanh tôi không xem đối thủ là cạnh tranh, mà xem những cái tốt của họ để học hỏi, và luôn tìm ra những hướng đi mới, những sản phẩm mới chứ không làm lại những sản phẩm đơn vị khác đã làm.

Đến nay, mỗi tháng mình đều xuất được một container sốt ớt sang Mỹ với các giống ớt hoàn toàn của Việt Nam. Đặc biệt, không phải bán cho người Việt ở Mỹ mà bán cho người Mỹ ở Mỹ. Sau đó họ còn tin tưởng đưa một giống ớt xuất xứ từ Mexico có độ cay gấp 300 lần ớt thường để trồng ở Việt Nam. Hiện mình đã trồng được 2 năm và chuẩn bị xuất công tương ớt đầu tiên được sản xuất từ giống ớt này.

Các sản phẩm của Trí Việt Phát.

Bà Nguyễn Thị Vân Anh, giám đốc Công ty TNHH Thương mại – Dịch vụ và Sản xuất Trí Việt Phát: Bắt đầu từ quy trình thì mình mới nghĩ đến việc xây dựng nhà máy. Trên từng bước phải sử dụng thiết bị gì, bao nhiêu công nhân… rồi mình mới đi xây dựng nhà máy. Hiện nay các bạn trẻ làm ngược lại, là xây nhà máy rồi gắn thiết bị vô. Nên việc xây nhà máy không đúng chuẩn nên cứ phải sửa đi sửa lại hoài.

Đó là câu chuyện tôi muốn chia sẻ vì bản thân chúng tôi cũng gặp phải rồi. Đó là việc tôi cũng sẵn sàng chia sẻ, tư vấn cho các bạn mới khởi nghiệp.

Khi nhận được đơn hàng chúng tôi phải tìm hiểu rất kỹ các yêu cầu của khách hàng sau đó đưa về các các bạn chuyên viên để phân tích các thông số, thử bằng cảm quan… sau đó đưa lại cho khách hàng. Mình cùng ngồi thử với khách hàng, và nhận phản hồi trực tiếp của khách hàng, từ cử chỉ nét mặt hay từ ngữ họ dùng. Chẳng hạn, họ nói: “cái này cứng”, khi đó mình cũng thử và cố gắng hiểu xem cái “cứng” họ muốn nói là gì. Sau đó mình về đưa lại cho các bạn sản xuất để điều chỉnh, và thường là thành công. Sau đó còn phải kiểm tra lại các quy chuẩn tiêu chuẩn của thị trường, Việt Nam thì tiêu chuẩn Việt Nam, Mỹ thì theo tiêu chuẩn Mỹ. Thông thường, mỗi quy trình như vậy sẽ mất chừng 4-5 tháng.

Chuyên gia thị trường Ngô Đình Dũng, GĐ điều hành Công ty Giải pháp Quản trị Tổng thể – ISM: Các công ty nước ngoài thu mua cà phê muốn khuyến khích nông dân trồng sản phẩm theo đúng quy chuẩn thì họ tập huấn và cam kết bao tiêu. Họ cũng có đội ngũ đi kiểm tra định kỳ. Khuyến khích nông dân có nhật ký canh tác, nhật ký trồng trọt. Đó là cách các công ty đa quốc gia kiểm soát chất lượng nguyên liệu đầu vào.

Bà Nguyễn Thị Vân Anh, giám đốc Công ty TNHH Thương mại – Dịch vụ và Sản xuất Trí Việt Phát: Tôi có 4 năm nghiên cứu các loại gia vị Việt Nam bằng phương pháp chưng cất lôi cuốn hơi nước. Mình có thể chia sẻ việc này nếu bà con hay có bạn trẻ nào muốn khởi nghiệp. Mình cũng biết trên lá rau màu gì, bao nhiêu ký có thể ra được bao nhiêu lít tinh dầu. Đây cũng là mặt hàng đang có nhu cầu rất lớn trên thị trường.

Bà Nguyễn Thị Vân Anh, giám đốc Công ty TNHH Thương mại – Dịch vụ và Sản xuất Trí Việt Phát trả lời phỏng vấn VTC bên lề tọa đàm.

Bà Nguyễn Thị Vân Anh, giám đốc Công ty TNHH Thương mại – Dịch vụ và Sản xuất Trí Việt Phát: Nhiều khi mình cứ nói tiêu chuẩn này tiêu chuẩn kia thấy khó quá. Tôi thì chỉ đơn giản tiêu chuẩn là làm theo những gì mình viết và viết ra những gì mình làm. Khi mình hiểu từng tiêu chuẩn thì mình làm theo rất đơn giản. Tức là, mình đọc tiêu chuẩn rồi viết ra luật áp dụng cho nhà máy, rồi khi làm thì mình viết lại những gì mình làm. Khi mình làm theo những gì mình viết thì đó là cách cam kết. Còn khi viết lại những gì mình làm thì mình sẽ hiểu chỗ nào mình làm sai, làm trật từ đó điều chỉnh, làm chỉn chu mỗi ngày thì mình sẽ đến được với tiêu chuẩn.

Bà Vũ Kim Hạnh – Chủ tịch Hội DN HVNCLC, người chủ xướng Lễ hội Tinh hoa Gia vị Việt: Chúng ta có thể hình dung, gia vị hiện nay có nhiều loại xuất hiện dưới nhiều hình thức: tươi, khô, dạng bột… có thể xuất hiện độc lập hoặc một thành phần trong sản phẩm. Tùy theo từng loại mà chúng ta xem xét thực trạng xuất khẩu.

Tôi hy vọng nhà nước có thể dành ra một đội ngũ hùng hậu để nghiên cứu các loại gia vị và đưa ra một thứ tự ưu tiên đầu tư cho một số gia vị nào đó. Chẳng hạn, hỗ trợ cho công ty mì gói, đồ khô, thực phẩm ăn liền của Việt Nam. Đây là một nguồn xuất khẩu rất lớn. Mì Acecook hiện đứng đầu trên thị trường xuất khẩu. Mì của Masan xuất khẩu ít hơn, nhưng có một con số đáng kể. Tôi theo dõi thấy những sản phẩm này có những cản trở rất vô lý.

Bà Vũ Kim Hạnh – Chủ tịch Hội DN HVNCLC, người chủ xướng Lễ hội Tinh hoa Gia vị Việt chia sẻ tại tọa đàm.

Chuyên gia thị trường Ngô Đình Dũng, GĐ điều hành Công ty Giải pháp Quản trị Tổng thể – ISM: Cách đây hơn 10 năm, chính phủ Thái Lan có chương trình phủ nhà hàng Thái khắp các thành phố lớn ở châu Âu và được sự hỗ trợ của các thương vụ Thái để truyền bá các món ngon Thái Lan. Như vậy, họ đã truyền bá được ẩm thực Thái, rồi sau đó là gia vị Thái. Hay như họ tổ chức ThaiFex cũng vậy cũng là để quảng bá ẩm thực, gia vị Thái rất thành công. Đây là những việc mà nhà nước mình có thể làm được.

Doanh nghiệp thì đầu tiên chúng ta có thể sản xuất gia công. Gia công là bước đầu tiên để xây dựng năng lượng sản xuất. Khi đã chuẩn ở năng lực sản xuất thì có thể đưa ra các sản phẩm thương mại của riêng mình lên tới bàn ăn.

Bà Nguyễn Thị Vân Anh, giám đốc Công ty TNHH Thương mại – Dịch vụ và Sản xuất Trí Việt Phát: Ban đầu ước mơ có nhà máy sấy, sản xuất các gia vị sấy, nhưng không đủ lực. Nên ban đầu tôi đi gia công cho các đơn vị. Năm 2021, khi đủ nguồn lực sản xuất, tài chính thì mới ra thị trường. Một năm liền không nhận được bất cứ phản hồi không tốt nào từ thị trường, nên sản phẩm, doanh số cứ phát triển đều đều.

Đầu bếp Nguyễn Huỳnh Đăng Tuyên: Món ăn Việt, kể cả người Việt cũng vậy, ăn ở các vùng miền khác nhau là khác nhau rồi. Tại sao người Nhật làm được Sushi, người Hàn có Kim Chi… một cách chuẩn hóa được. Liệu mình có thể chuẩn hóa vị món Việt được không? Chẳng hạn, món phở liệu có thể chuẩn hóa vị phở được không? Hay ví dụ, món gỏi cuốn, mỗi nhà hàng quá độc quyền, quá riêng biệt về nước chấm… Điều này có lợi là đa dạng về hương vị, nhưng một món nào đó mình muốn quảng bá thì nên có sự chuẩn hóa nhiều hơn. Tôi lấy ví dụ, các đầu bếp Nhật Bản họ sang đây chia sẻ với các đầu bếp Việt Nam, nên hiện nay đầu bếp người Việt Nam nấu món Nhật Bản rất tốt, các món Âu cũng vậy. Nhưng, các đầu bếp nước ngoài giờ bắt họ nấu món Việt là rất khó.

Chuyên gia thị trường Ngô Đình Dũng, GĐ điều hành Công ty Giải pháp Quản trị Tổng thể – ISM: Người Việt mình vì gia vị và ẩm thực quá phong phú, mang tính vùng miền cao. Bây giờ thương mại hóa, thị trường hóa thì chúng ta phải hỏi chuẩn vị là gì? Theo tôi, chuẩn vị là chẳng hạn, bạn đưa ra một gói gia vị phở thì họ ăn đưa vào nấu sẽ ra ngay vị phở. Ý tôi muốn nói, chuẩn là cơ bản, chứ không hẳn phải là hoàn mỹ.