Hội Doanh Nghiệp Hàng Việt Nam Chất Lượng Cao (HVNCLC) TP.HCM vừa ra Quyết định (số 37 ngày 19 tháng 09) ban hành Quy chế xử lý hành vi sử dụng trái phép Nhãn hiệu HVNCLC. Theo đó, Quy chế này quy định nguyên tắc, trường hợp, hình thức xử lý, thời hiệu, thời hạn thẩm quyền, trình tự, thủ tục xử lý đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi sử dụng trái phép nhãn hiệu của Hội DN HVNCLC  TP.HCM. 

Xem toàn văn Quy chế: Tại đây 

Sau đây là những nội dung chính của Quy chế (Ban hành kèm Quyết định số: 37 ngày 19 tháng 09)
Chương 1
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi áp dụng
Quy chế về việc xử lý hành vi sử dụng trái phép nhãn hiệu này (“Quy Chế”) quy định nguyên tắc, trường hợp, hình thức xử lý, thời hiệu, thời hạn thẩm quyền, trình tự, thủ tục xử lý đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi sử dụng trái phép nhãn hiệu (“Nhãn Hiệu”) của Hội Doanh Nghiệp Hàng Việt Nam Chất Lượng Cao Thành phố Hồ Chí Minh (Sau đây gọi tắt là “Hội”).
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Quy Chế này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân (Sau đây gọi tắt là “Đối Tượng Vi Phạm”) có hành vi sử dụng trái phép Nhãn Hiệu (“Hành Vi Vi Phạm”) của Hội được nêu tại Điều 4 của Quy Chế này.
Điều 3. Nguyên tắc xử lý
Việc xử lý Đối Tượng Vi Phạm có hành vi sử dụng trái phép Nhãn Hiệu của Hội cần đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc sau:
  • Kịp thời, khách quan, công khai, minh bạch, nghiêm minh và không trái pháp luật.
  • Mỗi Hành Vi Vi Phạm có thể bị áp dụng lần lượt hoặc song song các hình thức xử lý được nêu tại Điều 6 của Quy Chế này.
Điều 4. Các trường hợp bị xử lý
Đối Tượng Vi Phạm sẽ được xem là sử dụng trái phép Nhãn Hiệu và bị xử lý khi có Hành Vi Vi Phạm thuộc một trong các trường hợp sau:
  • Vi phạm các quy định của Quy Chế số 02/2014/QC-HDNHVNCLC ngày 30 tháng 6 năm 2014 về sử dụng Nhãn Hiệu của Hội (“Quy Chế 02”).
  • Vi phạm các quy định theo pháp luật về sở hữu trí tuệ tại từng thời điểm đối với Nhãn Hiệu của Hội. 
Chương 2
THẨM QUYỀN, TRÌNH TỰ, THỦ TỤC XEM XÉT XỬ LÝ VI PHẠM
Điều 5. Thẩm quyền xử lý vi phạm
  • Bộ Phận Thường Trực của Hội có trách nhiệm thực hiện các công việc như được nêu tại Điều 7.1 dưới đây trước khi Chủ tịch Hội đưa ra quyết định phương thức xử lý Hành Vi Vi Phạm.
  • Ban Chấp Hành của Hội có trách nhiệm xem xét và rà soát các công việc đã được Bộ Phận Thường Trực của Hội thực hiện như được phân công tại Điều 5.1 trên đây, báo cáo kết quả và đề xuất hình thức xử lý đối với Hành Vi Vi Phạm cho Chủ tịch Hội.
  • Chủ tịch Hội có thẩm quyền xem xét và quyết định phương thức xử lý đối với Hành Vi Vi Phạm của Hội đối với Đối Tượng Vi Phạm dựa trên kết quả báo cáo của Ban Chấp Hành của Hội.
Điều 6. Các hình thức xử lý vi phạm
  • Hình thức xử lý trực tiếp: gửi Thư Nhắc Nhở (như được đề cập tại Điều 7.2 của Quy Chế này) cho Đối Tượng Vi Phạm và hạn chế Đối Tượng Vi Phạm tham gia tất cả các chương trình do Hội tổ chức, phù hợp với quy chế tổ chức các chương trình tương ứng và pháp luật liên quan.
  • Hình thức xử lý gián tiếp: gửi Đơn Kiến Nghị (như được đề cập tại Điều 7.2 của Quy Chế này) cho Tổ Chức Bảo Vệ Người Tiêu Dùng có thẩm quyền (“Tổ Chức BVNTD”); và/hoặc gửi Hồ Sơ (như được đề cập tại Điều 7.2 của Quy Chế này) cho Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền (“CQNN”). 
Điều 7. Quy trình, thủ tục xem xét xử lý vi phạm 
Quy trình xử lý Hành Vi Vi Phạm đối với Đối Tượng Vi Phạm được quy định tại sơ đồ đính kèm theo Quy Chế này và được cụ thể như sau:
  • Khi nhận thấy có Hành Vi Vi Phạm, Bộ Phận Thường Trực của Hội sẽ tiến hành thu thập các thông tin, tài liệu, hình ảnh chứng minh hoặc hình thức khác ghi nhận cụ thể Hành Vi Vi Phạm của Đối Tượng Vi Phạm (“Tài Liệu Vi Phạm”).
  • Sau khi thu thập đầy đủ thông tin và tài liệu cần thiết, Bộ Phận Thường Trực của Hội sẽ gửi Tài Liệu Vi Phạm cho Ban Chấp Hành Hội để xem xét và báo cáo cho Chủ tịch Hội về nội dung và kết quả của Tài Liệu Vi Phạm để Chủ tịch Hội có cơ sở quyết định về hình thức xử lý Hành Vi Vi Phạm đối với Đối Tượng Vi Phạm.
  • Tùy theo quyết định về hình thức xử lý của Chủ tịch Hội và căn cứ theo nguyên tắc được quy định tại Điều 3.2 của Quy Chế, quy trình tiếp theo sẽ được thực hiện như sau:
  • Hội gửi văn bản nhắc nhở đính kèm Tài Liệu Vi Phạm (“Thư Nhắc Nhở”) cho Đối Tượng Vi Phạm (một hoặc nhiều lần, tùy vào quyết định của Hội). Thư Nhắc Nhở sẽ bao gồm các yêu cầu (“Các Yêu Cầu”) sau:
  • Đề nghị Đối Tượng Vi Phạm ngay lập tức chấm dứt Hành Vi Vi Phạm;
  • Đề nghị Đối Tượng Vi Phạm gỡ bỏ hoàn toàn Nhãn Hiệu trên tất cả sản phẩm mà Đối Tượng Vi Phạm (“Sản Phẩm”) đã và đang sản xuất, sử dụng, lưu hành trên thị trường trong vòng 10 (mười) ngày (hoặc một thời hạn nhất định khác nhưng sẽ không quá 30 (ba mươi) ngày) kể từ ngày Đối Tượng Vi Phạm nhận được Thư Nhắc Nhở; và
  • Thông báo (bằng nhiều hình thức) tới người tiêu dùng và các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp có liên quan về Hành Vi Vi Phạm trong vòng 07 (bảy) ngày (hoặc một thời hạn nhất định khác nhưng sẽ không quá 15 (mười lăm) ngày) kể từ ngày Đối Tượng Vi Phạm nhận được Thư Nhắc Nhở do Hội gửi.
  • Nếu (1) quá thời gian theo Các Yêu Cầu tại Điều 7.3(a) trên đây mà Đối Tượng Vi Phạm không thực hoặc thực hiện không đầy đủ Các Yêu Cầu của Hội theo Thư Nhắc Nhở (bằng hình thức kiểm tra riêng của Hội), hoặc (2) theo quyết định riêng của Hội, Hội sẽ:
  • Gửi đơn kiến nghị yêu cầu xử lý Hành Vi Vi Phạm (“Đơn Kiến Nghị”) cho Tổ Chức BVNTD; và/hoặc
  • Gửi đơn yêu cầu xử lý vi phạm (“Đơn Yêu Cầu”) đến các cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với Hành Vi Vi Phạm (“CQNN”) theo quy định tại Điều 15 của Nghị Định 99/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Sở hữu công nghiệp (“Nghị Định 93”) (bao gồm các văn bản được sửa đổi, bổ sung tại từng thời điểm).
Đơn Yêu Cầu sẽ được nộp kèm theo Tài Liệu Vi Phạm và các tài liệu cần thiết khác theo quy định tại Điều 23 của Thông Tư 11/2015/TT-BKHCN quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị Định 93 (bao gồm các văn bản được sửa đổi, bổ sung tại từng thời điểm) (sau đây sẽ được gọi chung là “Hồ Sơ”).
  • Quy trình xử lý Đơn Yêu Cầu[1]
  • Trong vòng 10 (mười) ngày kể từ ngày tiếp nhận Hồ Sơ, CQNN xem xét tính hợp lệ của Hồ Sơ.
  • Trong vòng 30 (ba mươi) ngày kể từ ngày Hồ Sơ được gửi hợp lệ, CQNN gửi thông báo cho Hội về dự định thời gian, thủ tục, biện pháp xử lý và yêu cầu hợp tác, hỗ trợ trong thanh tra, kiểm tra, xác minh và xử lý vi phạm.
  • Trường hợp Hồ Sơ không hợp lệ, CQNN gửi thông báo yêu cầu các bên liên quan cung cấp thông tin, chứng cứ, giải trình (“Thông Báo”). Trong vòng 10 (mười) ngày kể từ ngày ấn định trong Thông Báo, Hội sẽ gửi ý kiến, giải trình, thông tin/chứng cứ bằng văn bản theo yêu cầu trong Thông Báo để CQNN có cơ sở xem xét theo quy trình như được nêu tại Điều 7.3.c.(i) và 7.c.(ii) trên đây.
  • Trong quá trình Tổ Chức BVNTD và/hoặc CQNN xem xét, xử lý Đơn Kiến Nghị và/hoặc Đơn Yêu Cầu, Bộ Phận Thường Trực của Hội và Ban Chấp Hành Hội trong phạm vi thẩm quyền được quy định tại Điều 5 của Quy Chế này, có trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ và tham mưu cho Hội/Chủ tịch Hội để kịp thời đưa ra các quyết định phù hợp.
  • Để rõ ràng, trường hợp pháp luật liên quan có quy định chi tiết và yêu cầu bắt buộc về trình tự thủ tục khác với các nội dung của Điều 7 này, các bộ phận liên quan sẽ thực hiện theo các quy định pháp luật và thực hiện điều chỉnh Quy chế này cho phù hợp với pháp luật.
Chương 3
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 8. Trách nhiệm thi hành
  • Các nội dung khác có liên quan đến Hành Vi Vi Phạm đối với Đối Tượng Vi Phạm không được nêu tại Quy chế này thì áp dụng theo các quy định pháp luật liên quan.
  • Các Phòng, Ban, Đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thực hiện Quy chế này. Trong quá trình thực hiện, có bất kỳ vấn đề nào chưa phù hợp, cần sửa đổi, bổ sung, các Trưởng các Phòng, Ban, Đơn vị có liên quan phản ánh cho Hội để tổng hợp, báo cáo Ban Chấp hành Hội xem xét, quyết định.
[1] Lưu ý: Quy trình này có thể được điều chỉnh, bổ sung hoặc thay đổi bởi các quy định của pháp luật liên quan của Việt Nam tại từng thời điểm. Do đó, nội dung tại đây sẽ được xem là tự động cập nhật và áp dụng theo các quy định liên quan tương ứng, trừ trường hợp Hội có quyết định khác.
Hội DN HVNCLC