“Hàng Việt Nam Chất Lượng Cao” do Người tiêu dùng bình chọn là chương trình hoàn toàn miễn phí
HỘI DOANH NGHIỆP HÀNG VIỆT NAM CHẤT LƯỢNG CAO
QUY TRÌNH ĐIỀU TRA BÌNH CHỌN HÀNG VIỆT NAM CHẤT LƯỢNG CAO
I – ĐẶT VẤN ĐỀ
– Từ khi Việt Nam gia nhập khối ASEAN (1996) những người khởi xướng chương trình “Hàng Việt Nam Chất Lượng Cao” đã nhận thức được rằng các doanh nghiệp Việt Nam sẽ đứng trước nhiều thách thức lớn trên thương trường, cả trong nước lẫn ngoài nước, khi Việt Nam tham gia đầy đủ AFTA (khu vực mậu dịch tự do ASEAN) trong khi năng lực cạnh tranh còn khá thấp kém.
– Để cổ vũ ý thức “ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm của các doanh nghiệp sản xuất trong nước, chương trình bình chọn “Hàng Việt Nam chất lượng cao” đã ra đời.
– Sau khi Việt Nam chính thức gia nhập WTO (2007), bên cạnh những cơ hội, các doanh nghiệp trong nước lại đứng trước hàng loạt những thách thức mang tính sống còn, thách thức lớn nhất là sản phẩm sản xuất trong nước phải đối mặt với mức độ cạnh tranh khốc liệt với sản phẩm các doanh nghiệp nước ngoài trong khi đó, khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp nước ta chưa cao, khiến các doanh nghiệp Việt Nam phải đứng trước hai sự lựa chọn: hoặc chấp nhận sự cạnh tranh, mạnh dạn đổi mới công nghệ, vận hành hệ thống quản lý tiên tiến, xây dựng & phát triển thương hiệu, nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, dịch vụ, tạo sức cạnh tranh với sản phẩm, dịch vụ cùng loại, chiếm lĩnh thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu bền vững; hoặc bị đào thải khỏi thị trường. Lúc này định hướng và sứ mệnh của chương trình “Hàng Việt Nam chất lượng cao” càng trở nên có ý nghĩa và cấp thiết hơn bao giờ hết. Đứng trước những đòi hỏi trong tình hình mới cần có một đơn vị xứng tầm để đảm nhận sứ mệnh quan trọng này, ngày 14.4.2010 Hội doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao được thành lập.
1 – Điểm mới trong chương trình điều tra (sau khi chuyển giao về Hội DN HVNCLC)
– Điểm mới mang tính chất tâm điểm của Hội DN HVNCLC là tạo dựng một mạng lưới hình tam giác thể hiện sự kết nối, tác động qua lại giữa: trách nhiệm của DN với chính sách quản lý nhà nước, với NTD và ngược lại (sự ủng hộ của NTD, ưu đãi trong chính sách của cơ quan nhà nước với cộng đồng DN Việt,…)
– Điểm mới quan trọng ưu tiên thứ 2 phải kể đến là vai trò của Hội DN HVNCLC đối với cộng đồng nói chung. Trong đó, tập trung tạo ra các hạng mục thông tin thị trường có ý nghĩa để cung cấp cho doanh nghiệp tận dụng vào thực tiễn xây dựng chiến lược phát triển kinh doanh, mở rộng thị trường, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt trong tình hình mới (trước mức độ cạnh tranh thâm nhập ngày càng sâu vào mọi hoạt động của doanh nghiệp, và ngày càng trở nên khốc liệt).
– Điểm mới ưu tiên thứ 3 là cung cấp thông tin phản hồi của DN và NTD đối với các cơ quan quản lý nhà nước về các chính sách quản lý kinh tế, thương mại, để các cơ quan ban ngành có thêm cơ sở tham khảo trong việc đưa ra chính sách quản lý kinh tế, thương mại phù hợp nhằm tạo được ưu thế cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt trong tình hình mới.
– Tạo dựng kênh thông tin phản hồi từ phía NTD, từ cơ quan nhà nước đến doanh nghiệp, nhằm đề cao trách nhiệm của doanh nghiệp đối với việc thực hiện chính sách của nhà nước và cộng đồng.
– Nội dung thực hiện cụ thể:
+ Thực hiện các chương trình điều tra mang tính dẫn đường để nắm bắt bức tranh chung của thị trường và mức độ cạnh tranh của doanh nghiệp từng ngành hàng, từ đó xây dựng các hạng mục thông tin thu thập phù hợp, sát thực tế, có độ chuẩn xác cao, có giá trị trong từng thời điểm (mỗi năm).
+ Thực hiện cuộc điều tra bình chọn trên diện rộng không chỉ nhằm vào mục tiêu xác định danh sách DN đạt nhãn hiệu chứng nhận HVNCLC mà còn hướng đến mục tiêu cung cấp các hạng mục thông tin thị trường giúp doanh nghiệp xây dựng, phát triển kinh doanh sát với những đòi hỏi khách quan trong tình hình mới.
+ Thực hiện chương trình thu thập và tham khảo trực tiếp ý kiến của các cơ quan quản lý nhà nước về trách nhiệm của doanh nghiệp đối với việc thực hiện các chính sách của nhà nước nhằm kêu gọi, hỗ trợ & thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp trong việc tuân thủ các quy định của nhà nước về các chính sách liên quan như thuế, môi trường, trách nhiệm xã hội,…
+ Thực hiện các chương trình điều tra sâu mang tính nghiên cứu hành vi tiêu dùng nhằm có các hạng mục thông tin mang tính chiều sâu để cung cấp – phục vụ doanh nghiệp.
2 – Các đặc tính cơ bản của cuộc điều tra bình chọn “Hàng Việt Nam Chất Lượng Cao”
– Tính nghiêm túc và khoa học trong thực hiện các điều kiện và tiêu chuẩn của thống kê học trong quá trình điều tra và xử lý dữ liệu.
– Tính khách quan, đại diện và độ tin cậy trong phương pháp chọn mẫu (ngẫu nhiên) và cơ cấu đối tượng điều tra cộng với công tác giám sát, kiểm tra chặt chẽ trong từng khâu tiến hành.
– Tính độc lập: không đơn vị, tổ chức, cá nhân nào có thể gây ảnh hưởng hay chi phối đến mẫu điều tra, địa bàn, đối tượng và kết quả điều tra, vì đây là cuộc điều tra trực tiếp trên diện rộng (người tiêu dùng cả nước).
– Độ tin cậy cao: số lượng mẫu điều tra lớn (thực hiện hàng năm khoảng 14.000 mẫu) đây là cỡ mẫu điều tra thị trường được xem là lớn nhất hiện nay, được phân chia dựa trên cơ sở khoa học, công với việc tổ chức, hoạch định, triển khai và giám sát chặt chẽ suốt quá trình thực hiện cho phép tin tưởng vào độ chính xác, chuẩn mực và có độ tin cậy cao.
3 – Hiệu quả và tác động (ý nghĩa) của chương trình điều tra bình chọn “Hàng Việt Nam Chất Lượng Cao”
– Chương trình điều tra đã được triển khai thực hiện 16 năm, nên đã tạo được vị thế vững chắc trong lòng người tiêu dùng cũng như cộng đồng doanh nghiệp.
– Qua 16 đợt điều tra, tổng số lượt doanh nghiệp đạt nhãn hiệu chứng nhận là 7,417 lượt doanh nghiệp, với tổng số doanh nghiệp đạt là 1,338 doanh nghiệp, tổng số các hội chợ đã tổ chức trong và ngoài nước là 107 lần. Chương trình “hàng Việt về nông thôn” được khởi xướng năm 2009 với mục đích đưa hàng Việt trực tiếp tới người tiêu dùng thị trường nông thôn được cộng đồng doanh nghiệp và người tiêu dùng hưởng ứng mạnh mẽ, từ khi khởi xướng đến nay chương trình này đã thực hiện được 81 phiên chợ nông thôn thuộc 24 tỉnh thành trên toàn quốc.
– Chương trình “Hàng Việt Nam Chất Lượng Cao” đã trở thành chương trình xúc tiến thương mại không chỉ trong phạm vi TPHCM mà trên toàn quốc.
– Chương trình đã trở thành chương trình xúc tiến trọng điểm của TPHCM qua quyết định 147/2005/QĐ-UBND ngày 18.8.2005 của UBNDTPHCM, đến ngày 16/09/2011 được thay thế bằng quyết định 4395/QĐ-UBND TPHCM.
– Chương trình góp phần thúc đẩy và cổ võ hiệu quả nhất cuộc vận động “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của Bộ chính trị, tạo dựng niềm tin của người tiêu dùng vào sản phẩm hàng hóa và sản phẩm dịch vụ của Việt Nam.
– Logo “Hàng Việt Nam Chất Lượng Cao” trở thành biểu tượng của sự tín nhiệm và lựa chọn của người tiêu dùng.
– Chương trình đã cung cấp thông tin điều tra về người tiêu dùng, thông tin thị trường cho các doanh nghiệp sản xuất & doanh nghiệp cung cấp dịch vụ giúp các doanh nghiệp có cơ sở đánh giá toàn diện về nhu cầu thị trường, sự kỳ vọng của người tiêu dùng và sự lựa chọn của họ đối với sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp.
– Chương trình góp phần thúc đẩy các doanh nghiệp xây dựng các hạng mục (cải thiện chất lượng sản phẩm, dịch vụ, hướng đến chuyên nghiệp hóa từ khâu quản lý đến sản xuất và cung ứng (phân phối), phát triển thương hiệu,…) mang lại lợi thế cạnh tranh trên thị trường.
– Nhãn hiệu chứng nhận “Hàng Việt Nam Chất Lượng Cao” và chứng nhận sản phẩm “Dịch Vụ Được Hài Lòng Nhất” trở thành một trong các mục tiêu phấn đấu của doanh nghiệp do hiệu quả tác động của nó nơi người tiêu dùng.
– Các mặt hàng đạt nhãn hiệu chứng nhận “Hàng Việt Nam Chất Lượng Cao” chiếm đại đa số các mặt hàng tại các hệ thống siêu thị Việt Nam và có khuynh hướng ngày càng gia tăng.
– Các sản phẩm đạt nhãn hiệu chứng nhận “Hàng Việt Nam Chất Lượng Cao” đã có mặt và ngày càng được tín nhiệm trên thị trường khu vực và thế giới, các doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao được các nhà phân phối, các siêu thị lớn ký kết hợp đồng hợp tác.
II – QUY TRÌNH ĐIỀU TRA HVNCLC
1 – Giai đoạn chuẩn bị:
– Nghiên cứu tài liệu thứ cấp làm cơ sở lý thuyết cho việc thiết kế – xây dựng đề cương điều tra.
+ Tổng hợp Data đáp viên, dữ liệu điều tra các năm trước
+ Tổng hợp các lý thuyết khoa học xã hội học thực nghiệm, marketing, hành vi tiêu dùng
+ Tổng hợp dữ liệu điều tra về mức sống, điều tra dân số của Tổng cục thống kê.
– Thiết kế điều tra tổng thể.
+ Xác định mục tiêu, phương pháp điều tra
+ Xây dựng kế hoạch, quy mô, phân bổ mẫu điều tra
+ Phân ngành hàng, nhóm sản phẩm, sản phẩm điều tra, thao tác hoá khái niệm, phạm trù điều tra (nếu có)
+ Xây dựng bảng câu hỏi (nội dung điều tra)
+ Xây dựng bộ mã (code) nhập liệu, thiết kế Data nhập liệu và xử lý số liệu
– Các công tác chuẩn bị khác: Tuyển chọn, huấn luyện nhân sự, đầu tư trang thiết bị, phương tiện và vật dụng điều tra, In phiếu điều tra,…
2 – Giai đoạn thực hiện:
– Triển khai điều tra hiện trường
+ Tổ chức thực hiện chiến dịch truyền thông về chương trình điều tra
+ Tổ chức triển khai thực hiện điều tra hiện trường, thu thập thông tin trực tiếp từ người tiêu dùng về sản phẩm tiêu dùng, sản phẩm dịch vụ, sản phẩm tư liệu sản xuất.
+ Tổ chức triển khai thực hiện công tác giám sát, kiểm tra
+ Tổ chức triển khai thực hiện nhập liệu và xử lý số liệu điều tra người tiêu dùng
– Giai đoạn 2: triển khai thực hiện tiếp nhận thông tin doanh nghiệp và ý kiến các sở ban ngành (cơ quan quản lý nhà nước)
+ Xây dựng biểu mẫu (form mẫu) tiếp nhận thông tin doanh nghiệp
+ Soạn công văn thông báo DN và CV đề nghị các sở ngành cung cấp thông tin liên quan đến việc tuân thủ qui định pháp luật trong hoạt động SX KD của DN
+ Gửi CV thông tin tới Doanh nghiệp đạt tỷ lệ NTD bình chọn & các sở ngành địa phương (nơi có DN đạt đủ tỷ lệ bầu chọn)
+ Triển khai nhân sự thực hiện việc tiếp nhận thông tin DN & sở ngành;
+ Triển khai nhân sự thực hiện việc hối thúc DN,…
+ Tổ chức triển khai thực hiện nhập liệu và xử lý số liệu thông tin doanh nghiệp và ý kiến sở ban ngành.
3 – Giai đoạn công bố kết quả điều tra:
– Công bố kết quả sơ bộ (DN đạt tỷ lệ 2% bầu chọn)
+ Chạy kết quả doanh nghiệp; ghép ngành; tính tỷ lệ
+ Trình kết quả final
+ Tổ chức hội đồng xét duyệt, thẩm định
+ Xác lập danh sách công bố sơ bộ
+ Liên hệ đăng báo công bố danh sách lần 1.
– Công bố kết quả DN chính thức đạt HVNCLC
+ Trình DS DN nộp hồ sơ, DN có vi phạm
+ Tổ chức hội đồng xét duyệt, thẩm định
+ Xác lập danh sách công bố chính thức
+ Báo cáo tổng quan kết quả điều tra
+ Tổ chức họp báo công bố,…
+ Liên hệ đăng báo công bố danh sách lần 2.
III – TỔNG QUAN KẾ HOẠCH ĐIỀU TRA HVNCLC
1 – Mục đích điều tra
– Xác định các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ có chất lượng cao (hàng tốt) từ kinh nghiệm tiêu dùng trong thực tế của người tiêu dùng.
– Ngoài yếu tố chất lượng sản phẩm và dịch vụ, tìm hiểu những lý do ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn mua dùng như: giá cả, khuyến mãi, thương hiệu, dễ mua, hậu mãi, quen dùng, vệ sinh/an toàn…; tìm hiểu mối tương quan giữa sản xuất, cung cấp dịch vụ và phân phối, tác động của các yếu tố tiếp thị sản phẩm trên quyết định chọn mua sản phẩm.
– Giúp các nhà sản xuất có thông tin đáng tin cậy từ thị trường, phát huy ưu điểm, hạn chế và khắc phục điểm yếu từ khâu sản xuất đến phân phối, từ chính sách giá cả đến các chính sách tiếp thị, chuyên nghiệp hóa, mẫu mã … nâng cao thị phần và mở rộng thị trường; tìm hiểu vai trò của các kênh thông tin nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm.
– Qua kết quả bình chọn, tổ chức các chương trình biểu dương hàng Việt Nam (sản phẩm hàng hóa và dịch vụ) và tôn vinh doanh nghiệp Việt Nam, một mặt góp phần xây dựng niềm tin cho hàng Việt Nam nơi người tiêu dùng, nâng cao ý thức, cổ vũ và mở rộng phong trào “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong nhân dân, một mặt thúc đẩy các nhà sản xuất nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm hàng hóa và sản phẩm dịch vụ của Việt Nam và cho vị thế của doanh nghiệp Việt ở thị trường trong nước cũng như xuất khẩu.
– Góp tư liệu cho các cấp lãnh đạo kinh tế trong việc điều hành vĩ mô, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển trong phạm vi cả nước và trong từng vùng kinh tế.
2 – Phương pháp, đối tượng, phạm vi điều tra
– Phương pháp điều tra
+ Loại hình điều tra: điều tra xã hội học
+ Phương pháp tiếp cận: tiếp cận từ phía người tiêu dùng, đây là phương pháp tiếp cận phổ biến trên thế giới.
+ Tuân thủ các quy định của tổ chức nghiên cứu thị trường quốc tế ESOMAR (European Society for Opinion and Marketing Research).
+ Phỏng vấn trực tiếp người tiêu dùng theo bản câu hỏi soạn sẵn, kết hợp với phỏng vấn chuyên gia đầu ngành trên các lĩnh vực, thông tin của các cơ quan quản lý nhà nước ở các địa phương nơi doanh nghiệp trú đóng, các nhà phân phối trong từng lĩnh vực.
– Đối tượng điều tra
+ Người tiêu dùng trực tiếp sản phẩm hàng hóa & sản phẩm dịch vụ.
+ Người trực tiếp phân phối sản phẩm hàng hóa & sản phẩm dịch vụ.
+ Thông tin minh bạch của các doanh nghiệp.
+ Cơ quan quản lý nhà nước cấp cơ sở tại địa phương doanh nghiệp trú đóng hoạt động
– Phạm vi điều tra: thực hiện điều tra trên phạm vi cả nước, với 16 tỉnh thành phố tiêu biểu, thuộc 5 vùng kinh tế trọng điểm (miền Bắc, miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ).
3 – Phương pháp và kế hoạch chọn mẫu và phân bổ mẫu điều tra
3.1 – Quy mô mẫu
– Việc xác định quy mô mẫu của cuộc khảo sát có quy mô lớn và phức tạp như cuộc điều tra Hàng Việt Nam Chất Lượng Cao căn cứ vào các yếu tố sau :
+ Chỉ tiêu cần ước lượng
+ Phạm vi sai số chọn mẫu cho phép
+ Số lượng nhóm sản phẩm trong phạm vi khảo sát bình chọn của chương trình
3.2 – Phân bổ mẫu vào các địa bàn
– Địa bàn khảo sát bao gồm 16 tỉnh/thành phố tiêu biểu cho 5 vùng miền (miền Bắc, miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ), theo khu vực (thành thị, nông thôn), ước khoảng 25% số lượng tỉnh/thành cả nước. Tổng cỡ mẫu sẽ được phân bổ vào các tỉnh/thành phố dựa trên cơ sở quy mô dân số, sức mua (tổng mức bán lẻ) và đặc điểm kinh tế xã hội của từng tỉnh thành.
– Cơ cấu điều tra: cơ cấu điều tra trên từng địa bàn được phân chia theo từng ngành hàng tiêu dùng, ngành hàng tư liệu sản xuất và dịch vụ, theo đối tượng tiêu dùng (giới tính, thu nhập, nghề nghiệp,… ).
– Cơ cấu phân ngành hàng tiêu dùng dựa trên 7 nhóm nhu cầu cơ bản của người tiêu dùng gồm ăn, mặc, ở, đi lại, học hành, chữa bệnh, giải trí. (Nguồn Tổng cục Thống kê). Cơ cấu phân ngành phục vụ sản xuất – nuôi trồng nông ngư nghiệp của các hộ sản xuất (ngành hàng tư liệu sản xuất gồm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y – thủy sản, máy móc công cụ nông ngư nghiệp). Bên cạnh đó, chương trình còn thực hiện chương trình điều tra bình chọn sản phẩm “Dịch Vụ Được Hài Lòng Nhất” chương trình điều tra này được tiến hành độc lập với điều tra bình chọn “Hàng Việt Nam Chất Lượng Cao” dành cho các doanh nghiệp cung cấp sản phẩm dịch vụ trực tiếp cho người tiêu dùng gồm các sản phẩm dịch vụ (dịch vụ ngân hàng, dịch vụ khám chữa bệnh, giáo dục đào tạo, dịch vụ mạng internet, điện thoại, mua sắm, du lịch lữ hành, vận chuyển hành khách, chăm sóc sắc đẹp).
– Hiện nay, đã dừng chương trình điều tra dịch vụ được hài lòng.
3.3 – Chọn mẫu
– Phương pháp chọn mẫu định mức kết hợp với chọn mẫu thuận tiện mô phỏng mẫu hệ thống được sử dụng. Đáp viên sẽ được tuyển chọn theo hộ gia đình dùng phương pháp chọn mẫu hệ thống trên địa bàn với bước nhảy ít nhất là 3 trên thực địa.
3.4 – Tiêu chuẩn tuyển chọn đáp viên (người được khảo sát)
– Người tiêu dùng cá nhân hay đại diện cho hộ thỏa các điều kiện sau đây:
+ Người trưởng thành nam và nữ trong độ tuổi 18-60.
+ Thành phần kinh tế từ trung bình trở lên, thu nhập hộ gia đình từ 3 triệu đồng/tháng trở lên.
+ Là người mua trực tiếp, tham gia quyết định mua, sử dụng các sản phẩm được khảo sát tại các hộ gia đình Việt Nam trong vòng 1 năm qua.
+ Không có bất kỳ người thân nào trong gia đình làm việc trong các ngành: quảng cáo, tiếp thị, nghiên cứu thị trường, báo chí, phát thanh, truyền hình
+ Bản thân hoặc bất kỳ người thân trong gia đình không làm việc trong các cửa hàng, công ty sản xuất kinh doanh loại sản phẩm đang được khảo sát.
– Đối với các sản phẩm lâu bền, phức tạp hay tiêu dùng cho sản xuất hộ gia đình mà người tiêu dùng ít có khả năng đánh giá chất lượng chính xác thì cần bổ sung 2 đối tượng điều tra bên cạnh người tiêu dùng là người bán và chuyên gia.
IV – BỘ MÁY NHÂN SỰ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH ĐIỀU TRA BÌNH CHỌN HÀNG VIỆT NAM CHẤT LƯỢNG CAO
1 – Ban chỉ đạo, điều hành chung toàn cuộc điều tra
– Ban chấp hành hội doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất Lượng Cao: chỉ đạo dự án
– Chuyên gia tư vấn & phản biện: Tham gia tư vấn, phản biện tất cả các khâu, giai đoạn trong suốt quá trình thực hiện dự án
– Ban điều hành chung toàn cuộc điều tra: chịu trách nhiệm tổ chức, điều hành, giám sát tất cả quy trình điều tra từ khâu thiết kế điều tra đến khâu công bố, cung cấp số liệu cho doanh nghiệp; ban điều hành chung sẽ chia thành hai mảng:
+ Thực hiện tiếp nhận và xử lý phản ánh của doanh nghiệp trong quá trình điều tra, quán xuyến các mảng công việc triển khai tại trụ sở (việc giám sát lại, nhập liệu, thu nhận hồ sơ doanh nghiệp,…).
+ Thực hiện triển khai điều tra tại tất cả các địa bàn.
2 – Khối sự vụ: thực hiện vai trò cung cấp các dịch vụ hành chính (in phiếu, thư từ, cung cấp văn phòng phẩm, trang thiết bị,…) và cung cấp tài chính, hậu cần (nếu cần) trong suốt quá trình thực hiện điều tra theo kế hoạch tổng thể đã được giám đốc phê duyệt.
3 – Khối nghiệp vụ: tổ chức điều hành các công việc chuyên môn cụ thể trong quy trình điều tra. Gồm các nhân sự: (1) phụ trách điều tra vùng; (2) phụ trách điều tra địa bàn; (3) quản lý nhóm (tổ trưởng); (4) giám sát trực tiếp và (5) giám sát gián tiếp; (6) phỏng vấn viên.