HỘI DN HVNCLC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Số 02/2014/QC-HDNHVNCLC Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
TP.HCM, ngày 30 tháng 06 năm 2014
QUY CHẾ SỬ DỤNG NHÃN HIỆU CHỨNG NHẬN
“HÀNG VIỆT NAM CHẤT LƯỢNG CAO DO NGƯỜI TIÊU DÙNG BÌNH CHỌN”
——————————————–
CHƯƠNG I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Mục tiêu:
– Quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “HÀNG VIỆT NAM CHẤT LƯỢNG CAO -_DO NGƯỜI TIÊU DÙNG BÌNH CHỌN” (HVNCLC_ DNTDBC, sau đây gọi tắt là “Quy chế” ) được ban hành nhằm quản lý, khai thác có hiệu quả đối với nhãn hiệu chứng nhận này;
– Nâng cao chất lượng hàng hoá và dịch vụ, tạo khả năng cạnh tranh giữa các doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp nước ngoài, đồng thời đảm bảo uy tín cho người sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “HVNCLC_ DNTDBC” (sau đây gọi tắt là “Nhãn hiệu chứng nhận”).
Điều 2. Đối tượng và phạm vi áp dụng:
– Đối tượng áp dụng: Tất cả các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hợp pháp trên toàn lãnh thổ Việt Nam đáp ứng điều kiện sử dụng được ban hành tại Quy chế này và đã được Hội doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao Thành phố Hồ Chí Minh cấp Giấy chứng nhận đạt danh hiệu “HVNCLC_ DNTDBC” (Theo danh sách được cập nhật hàng năm).
– Phạm vi áp dụng: Quy chế này chỉ áp dụng để quản lý, khai thác đối với Nhãn hiệu chứng nhận “HVNCLC_ DNTDBC”.
Điều 3. Xác định chủ sở hữu nhãn hiệu chứng nhận:
Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao Thành phố Hồ Chí Minh (Sau đây gọi tắt là Hội có địa chỉ tại 72/5F Trần Quốc Toản, Phường 8, Quận 3, TPHCM là chủ sở hữu đối với Nhãn hiệu chứng nhận “HVNCLC_ DNTDBC”.
Điều 4. Mẫu nhãn hiệu chứng nhận:
– Phần hình: là biểu tượng hình chữ V cách điệu nằm trong hình tròn;
– Phần chữ: HÀNG VIỆT NAM CHẤT LƯỢNG CAO DO NGƯỜI TIÊU DÙNG BÌNH CHỌN.
CHƯƠNG II
ĐIỀU KIỆN VÀ CÁC QUY ĐỊNH VỀ SỬ DỤNG NHÃN HIỆU CHỨNG NHẬN
Điều 5. Điều kiện sử dụng nhãn hiệu chứng nhận:
Tổ chức, cá nhân muốn sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận phải đáp ứng các điều kiện sau:
1. Phải có Giấy chứng nhận đạt danh hiệu “Hàng Việt Nam chất lượng cao” do Hội doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao Thành phố Hồ Chí Minh cấp.
2. Được chủ sở hữu Nhãn hiệu chứng nhận cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận.
Điều 6. Quy định về sử dụng nhãn hiệu chứng nhận:
1. Tổ chức, cá nhân được phép sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận phải sử dụng theo đúng mẫu do Hội đã đăng ký.
2. Nhãn hiệu chứng nhận được sử dụng kèm với nhãn hiệu hàng hóa chính thức của tổ chức, cá nhân. Không được sử dụng nhãn hiệu chứng nhận làm tên, nhãn hiệu chính của sản phẩm/ dịch vụ.
3. Tổ chức, cá nhân được phép sử dụng nhãn hiệu chứng nhận phải tuân thủ các quy định của pháp luật và phải tuân thủ các quy định của chủ sở hữu nhãn hiệu chứng nhận.
4. Tổ chức, cá nhân được phép sử dụng nhãn hiệu chứng nhận có quyền gắn nhãn hiệu chứng nhận lên bao bì sản phẩm, lên các hoạt động dịch vụ, các công cụ quảng cáo; được quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên các chương trình quảng bá và truyền thông của mình.
5. Cam kết giữ vững chất lượng sản phẩm/dịch vụ và hình ảnh của Nhãn hiệu chứng nhận; đảm bảo an toàn và quyền lợi cho người tiêu dùng trong suốt quá trình sử dụng nhãn hiệu chứng nhận.
6. Các tổ chức, cá nhân sử dụng nhãn hiệu chứng nhận hoàn toàn bình đẳng về quyền, lợi ích cũng như nghĩa vụ liên quan đến nhãn hiệu chứng nhận.
7. Quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận không được chuyển nhượng dưới bất kỳ hình thức nào, kể cả trường hợp tự cho phép sử dụng giữa các đơn vị thành viên thuộc Tổng Công ty, Công ty mẹ với các Công ty con và ngược lại.
8. Tổ chức, cá nhân sử dụng nhãn hiệu chứng nhận phải có trách nhiệm và nghĩa vụ tương đương trong việc bảo vệ nhãn hiệu chứng nhận cũng như bất kỳ một hành vi nào làm tổn hại đến uy tín nhãn hiệu và xâm phạm về quyền sở hữu công nghiệp liên quan đến nhãn hiệu nói trên.
9. Nếu có sự giả mạo hoặc khiếu nại phát sinh liên quan đến nhãn hiệu chứng nhận, người sử dụng phải thông báo kịp thời cho chủ sở hữu. Mọi vấn đề khiếu nại đều phải được giải quyết theo quy định của pháp luật hiện hành. Ban quản lý Nhãn hiệu chứng nhận là người ra quyết định cuối cùng trong việc giải quyết các tranh chấp.
10. Tổ chức, cá nhân sử dụng nhãn hiệu chứng nhận có nghĩa vụ duy trì và bảo đảm chất lượng hàng hóa/ dịch vụ mang nhãn hiệu chứng nhận. Chất lượng hàng hóa/ dịch vụ của các đơn vị sử dụng được kiểm tra, giám sát dựa trên tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa/ dịch vụ được quy định tại Quy chế xét chọn “HVNCLC_ DNTDBC”.
11. Tổ chức, cá nhân sử dụng nhãn hiệu chứng nhận HVNCLC phải luôn đảm bảo các điều kiện theo quy định tại điều 4 – Quy chế cấp giấy chứng nhận HVNCLC_ DNTDBC do Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao ban hành ngày 30/06/2014.
CHƯƠNG III
CÁC ĐẶC TÍNH CỦA HÀNG HOÁ / DỊCH VỤ ĐƯỢC CHỨNG NHẬN BỞI NHÃN HIỆU
Điều 7. Các đặc tính:
1. Hàng hoá/dịch vụ có chất lượng cao dưới góc nhìn của người tiêu thụ trực tiếp.
2. Mức độ phù hợp của giá cả, phương thức phân phối thuận tiện, khả năng cải tiến đổi mới sản phẩm, tiếp thị hấp dẫn, nhãn hiệu ấn tượng.
3. Có mối tương quan giữa sản xuất và phân phối; tác động của các yếu tố tiếp thị sản phẩm trên quyết định chọn mua sản phẩm.
4. Các yếu tố về xã hội (các thông số liên quan đến trách nhiệm của doanh nghiệp đối với xã hội, người lao động, người tiêu dùng)
CHƯƠNG IV
PHƯƠNG PHÁP ĐÁNH GIÁ CÁC ĐẶC TÍNH CỦA HÀNG HOÁ/DỊCH VỤ VÀ PHƯƠNG PHÁP KIỂM SOÁT VIỆC SỬ DỤNG NHÃN HIỆU CHỨNG NHẬN
Điều 8: Phương pháp đánh giá các đặc tính của hàng hoá/ dịch vụ
Đánh giá các đặc tính của hàng hoá/dịch vụ theo phương pháp tiếp cận từ phía người tiêu dùng bằng loại hình điều tra xã hội học:
1. Cách tiếp cận:
a. Phỏng phấn trực tiếp tại hiện trường những người tiêu dùng theo bảng câu hỏi soạn sẵn và theo phương pháp bất kỳ.
b. Phỏng vấn các chuyên gia (là những nhà quản lý ngành, chuyên gia về kỹ thuật trong từng lĩnh vực, nhà phân phối…)
2. Quy trình thực hiện:
a. Chọn mẫu điều tra:
(i) Xây dựng mẫu điều tra v cơ cấu điều tra: cỡ mẫu 17.400 (2/10.000 trên dân số 87 triệu). Đây là cỡ mẫu kiểm tra được Liên hiệp quốc công nhận. Hệ thống số liệu cơ bản để xây dựng mẫu điều tra; lấy từ công bố chính thức của Tổng cục Thống kê.
(ii) Cơ cấu điều tra trên từng địa bàn theo giới tính, theo nghề nghiệp (nội trợ, công nhân viên chức, tiểu thương, sinh viên học sinh), theo thành thị nông thôn, theo 7 nhu cầu cơ bản (ăn, mặc, ở, đi lại, chữa bệnh, học hành, giải trí).
b. Cơ cấu ngành hàng điều tra:
(i) Đối với doanh nghiệp sản xuất: tiến hành điều tra 48 ngành hàng, trong đó 42 ngành hàng tiêu dùng và 6 ngành hng tư liệu sản xuất nông nghiệp.
(ii) Đối với doanh nghiệp dịch vụ: điều tra 10 nhóm bao gồm: tiết kiệm, cho vay, ATM, taxi, du lịch lữ hành, xe chất lượng cao, resort, bệnh viện, phòng khám, siêu thị.
c.Bảng câu hỏi:
(i) Tổng cộng có 20 bảng câu hỏi và một (01) showcard. Trong đó 19 bảng câu hỏi dành cho doanh nghiệp sản xuất, 01 dành cho doanh nghiệp dịch vụ. Showcard để điều tra về sự nhận biết của người tiêu dùng đối với nhãn hiệu chứng nhận Hàng Việt Nam chất lượng cao và dịch vụ được hài lòng.
(ii) Có hai loại bảng câu hỏi:
– Bảng câu hỏi dành cho doanh nghiệp sản xuất
– Bảng câu hỏi dành cho doanh nghiệp dịch vụ.
d. Tổ chức điều tra:
– Lập kế hoạch điều tra
– Lựa chọn, huấn luyện phỏng vấn viên
– Thu thập thông tin thực tế
e. Xử lý phân tích kết quả:
– Tập hợp tư liệu xử lý thông tin phiếu điều tra
– Mã hóa, nhập liệu
– Báo cáo kết quả sơ bộ
f. Thông báo kết quả điều tra:
Điều 9. Phương pháp kiểm soát việc sử dụng nhãn hiệu chứng nhận:
1. Rà soát tổ chức, cá nhân sử dụng theo danh sách thành viên đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận;
2. Cập nhật danh sách các đơn vị được cấp Giấy chứng nhận “HVNCLC_ DNTDBC” hàng năm để so sánh với danh sách cấp quyền sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận nhằm phát hiện ra những tổ chức, cá nhân sử dụng chưa đáp ứng điều kiện sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận theo Quy chế ban hành;
3. Giấy chứng nhận quyền sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận ghi rõ thời hạn sử dụng để dễ kiểm soát việc sử dụng quá thời hạn cho phép;
4. Chủ sở hữu thành lập Ban kiểm soát để kiểm tra và giám sát việc sử dụng nhãn hiệu chứng nhận và tuân thủ Quy chế sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận.
CHƯƠNG V
ĐĂNG KÝ VÀ BẢO VỆ NHÃN HIỆU CHỨNG NHẬN
Điều 10. Đăng ký Nhãn hiệu chứng nhận:
1. Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao Thành phố Hồ Chí Minh có trách nhiệm làm các thủ tục đăng ký chuyển giao quyền sở hữu nhãn hiệu chứng nhận “HVNCLC_ DNTDBC” từ chủ sở hữu trước đó và tiếp tục tiến hành các thủ tục pháp lý khác liên quan đến việc bổ sung, sửa đổi, gia hạn hiệu lực văn bằng bảo hộ và ban hành Quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận phù hợp với thời điểm hiện tại.
2. Quy chế này được nộp theo hồ sơ chuyển giao quyền sở hữu Nhãn hiệu chứng nhận “HVNCLC_ DNTDBC”.
Điều 11. Bảo vệ Nhãn hiệu chứng nhận:
1. Tước quyền sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận
Tổ chức, cá nhân sẽ bị tước quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận trong các trường hợp sau:
– Không thực hiện đúng các quy định của Quy chế này.
– Bị loại trừ hoặc bị thu hồi Giấy chứng nhận đạt danh hiệu “HVNCLC_ DNTDBC” do Hội cấp.
2. Bảo vệ Nhãn hiệu chứng nhận
(i) Bất kỳ tổ chức, cá nhân nào phát hiện hành vi xâm phạm quyền đối với Nhãn hiệu chứng nhận này đều có quyền yêu cầu Hội tiến hành các thủ tục bảo hộ theo quy định của pháp luật hiện hành.
(ii) Tổ chức, cá nhân khi sử dụng nhãn hiệu chứng nhận phải tuân thủ tất cả các quy định tại Quy chế này và quy định của pháp luật về Sở hữu trí tuệ. Trường hợp vi phạm, tùy theo mức độ tổ chức, cá nhân vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành và những quy định khác có liên quan do Hội ban hành.
(iii) Ban kiểm soát Nhãn hiệu chứng nhận có trách nhiệm theo dõi và xử lý các trường hợp sai phạm hoặc kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xử lý hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.
CHƯƠNG VI
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 12. Sửa đổi bổ sung:
1. Bất kỳ sửa đổi, bổ sung, hoặc thiết lập phụ lục cho Quy chế này đều phải được lập thành văn bản do Hội ban hành mới có hiệu lực pháp lý.
2. Danh sách tổ chức, cá nhân sử dụng nhãn hiệu chứng nhận được lập hàng năm trên cơ sở được bình chọn và được cấp Giấy chứng nhận “HVNCLC_ DNTDBC” nên không phải danh sách cố định, do đó không phải kèm theo bản Quy chế này.
Điều 13. Hiệu lực thi hành:
1 – Kể từ ngày Quy chế này có hiệu lực, tất cả các quy chế về sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “HVNCLC_ DNTDBC” đều bị bãi bỏ và chấm dứt hiệu lực thi hành.
2 – Quy chế này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký ban hành.
TM.HỘI DN HVNCLC TP.HCM
CHỦ TỊCH
(Đã ký)
Vũ Kim Hạnh