Liên kết mật thiết với cộng đồng DN thuộc các tỉnh ĐBSCL là mục tiêu quan trọng của Hội HVNCLC và Trung tâm BSA, có ý nghĩa do mối quan hệ không thể tách rời giữa TP.HCM và ĐBSCL, gắn bó 28 năm thông qua Chương trình HVNCLC.
Ông Nguyễn Tường Nam, chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Vĩnh Long cho rằng cộng đồng DN trong vùng không chỉ liên kết mật thiết trong việc xây dựng chương trình hành động thiết thực, hiệu quả, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển kinh tế – xã hội của địa phương mà còn mở rộng liên kết với Hội DN HVNCLC, Trung tâm BSA – cơ quan hỗ trợ xúc tiến cho hàng Việt.
Theo đó, rất nhiều thành viên của hiệp hội DN các tỉnh gắn bó hoạt động với Hội DN HVNCLC thông qua hai chương trình lớn: HVNCLC do NTD bình chọn và HVNCLC – Chuẩn hội nhập. Với hơn 64.000 DN đang hoạt động ở ĐBSCL, họ là những ứng viên tiềm năng cho đội hình DN thực chiến vì “màu cờ sắc áo” của Doanh nhân Việt, Hội HVNCLC không ngừng chia sẻ kinh nghiệm để các địa phương phát triển “Đội hình LBC” (thương hiệu CLB DN dẫn đầu), khích lệ tinh thần khởi nghiệp, hướng các DN theo chương trình phát triển kinh tế xanh – thích ứng BĐKH, Doanh nông trẻ…
Đặc biệt, khi tham gia giải thuật 6 nhóm nguyên nhân dẫn đến thách thức cho kinh tế ĐBSCL, Hội HVNCLC – Trung tâm BSA đã trình bày cách vận hành – vừa phát hiện giới hạn cũng như lợi thế – đề cao sáng kiến địa phương trong hợp tác Công – Tư. Liên kết giữa TPHCM – ĐBSCL không chỉ tạo lợi thế, khai thác tối đa tiềm lực kinh tế giữa các địa phương trong vùng, giữa ĐBSCL với TP.HCM, mà còn là cơ sở để tiến tới thực hiện nhất quán các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước.
Bà Nguyễn Thị Kim Chi, Phó chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh An Giang, người từng tham gia chương trình khởi nghiệp, gắn bó chương trình hoạt động chia sẻ thông tin với Hội DN HVNCLC nói rằng các cuộc hội thảo, tư vấn, chia sẻ từ Hội DN HVNCLC là cách làm rất thực tế. Ví dụ những toạ đàm bàn về cách bán hàng thực chiến Tiktok Shop, chinh phục tiêu chuẩn để chinh phục thị trường Halal…
“An Giang là nơi có yếu tố đặc thù của cộng đồng người Chăm Islam (hiểu biết văn hóa và giới luật Hồi Giáo có thể kết nối với Trung tâm TP.HCM chia sẻ nhận thức để tiếp cận thị trường), có đặc thù mối quan hệ với Tổng Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Campuchia…, nên cần phối hợp với Hội DN HVNCLC bàn cách nâng cấp phối hợp “toàn diện” hơn nữa để chinh phục các thị trường này”, bà Kim Chi nói.

Đẩy mạnh kết nối

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, cố vấn của Hội DN HVNCLC, cho rằng các DN và Hiệp hội DN trong vùng ĐBSCL nên xác định thị trường trong nước là điểm tựa quan trọng thúc đẩy phát triển của DN. Đồng thời, đẩy mạnh kết nối với các DN khu vực kinh tế trung tâm TP.HCM, xuất khẩu các sản phẩm chủ lực của từng địa phương qua thị trường Mỹ, Trung Quốc, đặc biệt EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN, Australia… Từng DN xác định rõ tiềm năng, thế mạnh, từng lĩnh vực, từng dự án ưu tiên của mình để phát triển, hợp tác. Ở phạm vi rộng hơn, là cấp vùng có bốn trụ cột hiện đại; thay đổi thể chế sở hữu đất theo luật định; thay đổi khoa học – công nghệ cải thiện chất lượng và giá trị nông sản; thay đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp gắn bó hữu cơ với hoạt động công nghiệp và dịch vụ. Từ đó, tạo cơ hội rất rộng lớn cho doanh nghiệp, doanh nông ĐBSCL. Các địa phương trong vùng cần đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số, tận dụng công nghệ để thay đổi cách thức vận hành, mô hình kinh doanh, cung cấp các giá trị mới cho khách hàng; chuẩn hóa quy trình sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm và doanh nghiệp các tỉnh cần liên kết, cùng nhau hình thành các chuỗi cung ứng ngành, vùng.