Ông Nguyễn Lê Quốc Tuấn, Tổng giám đốc Công ty Chế biến Thực phẩm công nghệ Sông Hương (Sông Hương Foods) cho biết đang dịch chuyển sản phẩm sang dòng chay. Ông Tuấn tiếp quản công ty gia đình từ năm 2018 với các sản phẩm như: cà pháo, dưa món, kim chi, bánh nậm, bánh lọc, các loại mắm… Năm 2021, riêng doanh số sản phẩm từ cà pháo (cà pháo chua ngọt, cà pháo mắm nêm, mắm cà pháo, mắm tôm chua trộn cà pháo) đạt 30 tỉ đồng, từ mức doanh thu 5-6 tỉ đồng/năm trước khi Tuấn tiếp quản.
‘Tôi mơ một ngày cà pháo có mặt ở mâm cơm mọi gia đình Việt như kim chi ở Hàn Quốc’. Đó là lời bộc bạch, cũng là quyết tâm hành động của ông Nguyễn Lê Quốc Tuấn, TGĐ Sông Hương Foods tại buổi tọa đàm “Dòng chảy thị trường thực phẩm chay và thịt thay thế” sáng 1/3.
Tọa đàm do Thế Giới Hội Nhập/BSA phối hợp cùng Hội DN HVNCLC tổ chức vào lúc 8h30 – 11h30, ngày 1/3/2022, tại Cà phê Regina, số 84 Nguyễn Du, Quận 1, TP.HCM. Tham dự tọa đàm có bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao. PGS.TS Đàm Sao Mai, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM và ông Nguyễn Lê Quốc Tuấn, Tổng giám đốc Công ty Chế biến Thực phẩm Công nghệ Sông Hương – Sông Hương Foods. Chương trình tọa đàm được live stream trực tiếp trên Thế Giới Hội Nhập, trang fanpage Thế Giới Hội Nhập, Hàng Việt Nam Chất lượng cao và trang Youtube của Hội DN HVNCLC và Trung tâm BSA – BsaChannel.
Ông Nguyễn Lê Quốc Tuấn – TGĐ Sông Hương Food cho biết, nhà máy cà pháo của Sông Hương Food vừa kết hợp truyền thống vừa kết hợp công nghệ hiện đại. Chúng tôi vừa đảm bảo giữ tất cả các công đoạn truyền thống để duy trì chất lượng, hương vị, nhưng cũng phải có các công đoạn áp dụng công nghệ để đáp ứng cho việc sản xuất hàng loạt, đủ sản phẩm để cung cấp cho thị trường. Thế nhưng, dịp tết vừa rồi, riêng mặt hàng cà pháo, công ty vẫn sản xuất không đủ bán.
Hiện ở Sông Hương Food món được đầu tư trọng điểm là cà pháo. Chúng tôi xây một nhà máy dưới An Giang chỉ làm đúng một món: cà pháo. Trong cà pháo có một thứ mà người Việt rất cần đó là vitamin, đúng ra thời gian rồi chúng tôi tập trung nhiều cho marketing nhưng thực sự vẫn chưa làm nổi bật yếu tố dinh dưỡng này của món cà pháo. Chắc chắn, chúng tôi sẽ điều chỉnh chiến lược quảng bá sản phẩm trong thời gian tới.
Bà Vũ Kim Hạnh: Theo báo cáo nghiên cứu thị trường thì cứ 100 người ăn chay thì có 65 người là phụ nữ. Đây chắc chắn là thông tin rất quan trọng, vì trong gia đình, người phụ nữ thường là người quyết định bếp ăn và chi tiêu nội trợ.
Có bốn lý do khiến số người ăn chay ngày càng đông, không chỉ ở châu Á mà cả ở các nước phương Tây: thứ nhất là lý do sức khỏe; thứ hai là đạo đức; thứ ba là tôn giáo; thứ tư là môi trường, đây là lý do phổ biến ở phương Tây, vì công nghiệp chăn nuôi lớn có thể gây ra phát thải lớn.
Ở góc độ thị trường, tôi quan tâm đến cơ hội kinh doanh, nền nông nghiệp nhiệt đới và sự đa dạng trong chế biến thực phẩm chay khiến chúng ta có rất nhiều cơ hội để đáp ứng nhu cầu ăn chay đang ngày càng cao này. Như thế, ngoài bốn lý do chính ở trên thì chúng ta còn có thêm một lý do thứ năm quan tâm đến thực phẩm chay, đó là cơ hội cho thị trường, cho các nhà sản xuất, chế biến thị trường chay. Tôi cho rằng đây là cơ hội cho thực phẩm chay của Việt Nam.
Bà Vũ Kim Hạnh.

PGS.TS Đàm Sao Mai: Tôi đồng ý với bà Kim Hạnh, nhưng tôi sẽ dùng thuật ngữ “thực phẩm thay thế thịt” thay vì nói “ăn chay”, hay “thực phẩm chay”. Nếu chay hoàn toàn thì rất khó, nhưng thay thế thì lại có thể mở rộng ra rất nhiều.

Trên thế giới hiện đã có rất nhiều hãng lớn phát triển dòng sản phẩm thay thế thịt… Chính vì thế chúng ta làm các sản phẩm thay thế từ Việt Nam rất ổn, nhưng chúng ta phải hiểu nhu cầu thị trường. Đầu tiên, tìm hiểu các xu thế đang thịnh hành trên thế giới, đầu tiên đáp ứng nó, sau đó tìm kiếm các sản phẩm khác để tập quen cho thị trường, người tiêu dùng.
Thị thay thế bằng rất nhiều thứ khác nhau, từ thực vật, hệ vi sinh… Ở Anh sử dụng nấm để sản xuất ra thịt. Người ta bắt đầu có món thịt bò, ban đầu rất đắt, nhưng hiện giờ đang hạ giá dần, đó là thịt bò nuôi từ tế bào.
PGS.TS Đàm Sao Mai.

Ông Nguyễn Lê Quốc Tuấn – TGĐ Sông Hương Food: Tôi cũng là người ăn chay trường hơn 6 năm trời. Tôi nghiên cứu rất kỹ các món tốt cho người ăn chay. Việt Nam mình tất cả mọi thứ đều có thể thay thế được, rất đa dạng.

Như Sông Hương Food đang đi bán mắm, niều người hay hỏi, tại sao anh ăn chay lại đi bán mắm thì tôi nói, vì mắm có hàng trăm năm, nhưng tôi chỉ ăn chay vài năm thôi. Nhưng tôi sẽ bán mắm chay.
Với góc nhìn doanh nghiệp, thị trường ăn chay là rất lớn. Bởi vì ai cũng có lầm lỗi, mà mỗi khi thấy người ta thấy lầm lỗi là nghĩ đến ăn chay. Nếu doanh nghiệp nhìn thấy cơ hội đó, lại được kết hợp với các chuyên gia dinh dưỡng nó thì là đều rất là may mắn. Nó sẽ mang lại niềm vui cho cả xã hội chứ không chỉ doanh nghiệp.
Bà Vũ Kim Hạnh: Mình làm thị trường thì phải biết xu hướng đang thịnh hành, đồng thời có cách khác đòi hỏi bản lĩnh hơn, đó là tạo ra xu hướng, tạo ra thị trường. Hiện nay, BSA đang đeo đuổi một nghiên cứu dài hạn về khoa học và thực tế: đó là thực phẩm lên men. Thực phẩm lên men không xa lạ với người Việt, ví dụ như mẻ, cơm rượu, dưa giá, dưa chua… Chúng ta ăn nhưng chúng ta không quan tâm đây là xu hướng mạnh của thị trường thế giới. Hai ba năm qua chúng ta va phải Covid, thì chúng ta rất quan tâm đến việc miễn dịch, thực phẩm lên men miễn dịch rất tốt. Như Hàn Quốc vừa tổng kết, sau thời gian dịch, lượng kim chi xuất khẩu ra thế giới tăng gấp rưỡi. Trong chiến dịch marketing của họ, họ đặc biệt nhấn mạnh đặc tính miễn dịch của kim chi để mở rộng thị trường. Trong khi họ chỉ có kim chi thì Việt Nam mình có biết bao nhiêu món dưa, vậy mà mình không thể quảng bá được thì phải nói là làm marketing dở quá.
Tôi hi vọng một ngày nào nữa Sông Hương Food có thể làm một chương trình lớn, chẳng hạn cà pháo ăn với mắm tôm. Làm sao mà cà pháo có thể vinh quang như kim chi vậy đó. Cà pháo tốt cho sức khỏe ra sao, miễn dịch ra sao.
Hiện nay chúng đi theo hai phương thức, tăng cường miễn dịch và thứ hai là dinh dưỡng thay thế.
Ông Nguyễn Lê Quốc Tuấn – TGĐ Sông Hương Food: Lên men tự nhiên của cà pháo Sông Hương Food là gia truyền và cố gắng giữ vững việc này trong khi vẫn đáp ứng sản xuất số lượng lớn cho nhu cầu thị trường. Nhưng quả thật là chúng tôi đã quên mất đề cập đến giá trị dinh dưỡng của trái cà pháo. Sắp tới chúng tôi phải làm sao để nghiên cứu, phân tích 360 độ giá trị dinh dưỡng của trái cà pháo trong chiến lược marketing của mình.
Nhiều người hỏi tại sao không tập trung xuất đi mà cứ tập trung bán nội địa vậy. Vì tôi cố gắng tạo ra món thật ngon, để người Việt Nam mình ăn trước.
Bánh nậm, bánh lọc ở Huế rất ngon, mà không ai bán trong siêu thị như Sông Hương Food. Đến giờ chúng tôi có hai dòng, dòng mặn và dòng chay. Hiện vẫn chưa có công nghệ đặc biệt, chỉ đơn giản cấp đông, người mua mang về hấp ăn rất tiện lợi.
PGS.TS Đàm Sao Mai: Một câu hỏi cũng đáng đặt ra là dinh dưỡng của thực phẩm chay như thế nào? Thực phẩm chay hay thay thế thì không chỉ mùi vị giống mà hàm lượng dinh dưỡng phải tương đương. Đó là điều hết sức quan trọng.
Bà Vũ Kim Hạnh: Một nhận xét thực tế, có phải rất nhiều quán chay mới được mở ra. Có rất nhiều xu hướng mới mở ra, chẳng hạn các quán chay mở ra trong các chùa, với giá cả rất phải chăng. Bên cạnh đó cũng có những quán chay mà chủ nước ngoài, họ tính giá thực phẩm rất cao. Nhưng, ngoài việc trình bày rất đẹp, rất chuyên nghiệp, thì về chất lượng thì tôi không thấy có khác biệt nhiều. Nhưng quả thật họ trình bày, hình thức rất đẹp, và giá thành cao có lẽ nằm ở chỗ đó, đó cũng là chỗ chúng ta phải học.
Ông Nguyễn Lê Quốc Tuấn – TGĐ Sông Hương Food: Về an toàn của thực phẩm chay, những sản phẩm của Sông Hương luôn có lưu mẫu và được kiểm nghiệm đầy đủ. Phần lớn đồ chay của Sông Hương Food thì người đầu tiên ăn là ông chủ, là chính tôi. Tôi thường xuyên livestream trực tiếp ăn các thực phẩm của Sông Hương Food làm ra. Đó là về cảm quan. Nhưng điều quan trọng với thực phẩm là tiêu chuẩn. Tất cả các sản phẩm của chúng tôi đều phải tuân thủ các quy chuẩn và sản xuất theo quy trình tiêu chuẩn nghiêm ngặt.
Mặc dù chúng tôi không chủ trương đẩy mạnh xuất khẩu nhưng Sông Hương Food hiện định hướng xuất khẩu đi một nước đó là Nhật Bản. Bởi vì một sản phẩm vô được một thị trường khó tính như Nhật thì sẽ là một bảo chứng mạnh mẽ về độ an toàn.
Hiện Sông Hương Food có hai dòng sản phẩm: chay thực vật và thuần chay. Chúng tôi hiện vẫn làm thủ công, và thực tế là không đủ bán. Tết vừa rồi củ kiệu, kim chi bán rất nhiều. Năm nay chúng tôi chọn sản phẩm cà pháo làm trọng điểm. Ăn cơm ở nhà thì nhớ ngay cà pháo. Làm sao để món cà pháo xuất hiện trong mâm cơm của mọi người, mọi nhà ở Việt Nam. Đó là ước mơ, nhưng cũng là mục tiêu của Sông Hương Food trong thời gian tới.
PGS.TS Đàm Sao Mai: Có một thực tế là ở Việt Nam mình đi ra đường là có thể ăn thực phẩm tươi rồi, trong khi chưa quan tâm lắm đến an toàn thực phẩm, đó cũng là vấn đề. Tuy nhiên, hiện nay người tiêu dùng cũng đang quan tâm hơn đến các vấn đề an toàn thực phẩm, đến tiêu chuẩn thì đây cũng là cơ hội cho thực phẩm đóng gói đạt chuẩn.
Thực ra, nghi ngại của người ta về độ an toàn của thực phẩm chay vì tên gọi của động vật từ một sản phẩm có nguyên liệu từ thực vật. Khi nguyên liệu từ thực vật thì hệ vi sinh sẽ khác với nguyên liệu từ động vật. Do đó ta phải có cách kiểm soát khác. Còn lại phụ thuộc vào quy trình chế biến, quy trình phân phối sản phẩm. Còn lại phụ thuộc vào việc tuân thủ các quy chuẩn.
Bà Vũ Kim Hạnh: Khối lượng sản phẩm của Việt Nam xuất khẩu đi thành một khối độc lập gọi là thực phẩm chay thì có lẽ chưa có. Có thể trong các dòng sản phẩm xuất khẩu như mì gói, nước mắm… có đan xen các sản phẩm chay, nhưng để nói một khối sản phẩm chay độc lập, đặc sắc như kim chi thì có lẽ chưa có. Kể cả như Vinamit xuất khẩu mít non thì cũng chưa thể thành một sản phẩm đặc sắc để người ta phải đi tìm kiếm để mua. Còn về phía nhà nước, theo tôi biết thì hiện chưa có chiến dịch nào để marketing riêng cho các sản phẩm chay của Việt Nam.
Về vấn đề an toàn, thì không chỉ với thực phẩm chay mà thực phẩm chế biến xuất khẩu nói chung, sự tinh tế, nghiêm ngặt về kiểm nghiệm hóa chất của châu Âu và các thị trường khó tính khác đang đặt ra thách thức cho các nhà sản xuất của chúng ta. Tôn trọng quy trình thật chặt chẽ chỉ mới là kỷ luật cơ bản.
Tôi kể một câu chuyện cũ của thực phẩm Bích Chi, bây giờ Bích Chi xuất khẩu quá quen rối, nhưng ban đầu cũng có nhiều vấp váp lắm. Ông chủ Bích Chi kể với tôi có lúc nhận được yêu cầu của FDA Mỹ, làm mới nhà xưởng, may mới quần áo công nhân… Nhưng đoàn FDA thì họ không để ý chuyện đó họ lại chỉ đi tìm các hốc kẹt, tìm đường kiến đi… có xuất hiện dấu vết của con côn trùng có thể đi vào xưởng máy được không? Họ mò đi theo hốc kẹt để tìm các con côn trùng. Đó là bài học. Hàng ngày mình không tìm kiếm các con côn trùng như vậy, ai ngờ tiêu chuẩn họ lại đi tìm đường đi của côn trùng, đường đi vệ sinh của công nhân có thể gây ra nhiễm khuẩn hay không, đồ mặc của công nhân chất liệu thế nào có nóng quá không?
PGS.TS Đàm Sao Mai: Mình đi thị trường nào thì phải tuân thủ tiêu chuẩn của thị trường đó, mới nghe thì rất khó nhưng thực ra mình làm được hết, và đó cũng là cách để phát triển nâng cao chất lượng sản phẩm.
Về cân đối dinh dưỡng khi ăn chay thì cũng giống như ăn thực phẩm thường, mình cần phải biết hài hòa, cân đối phối hợp các loại thực phẩm chay khác nhau. Chúng tôi cũng đang dự kiến phát triển app tư vấn chuyên sâu về thực đơn, bữa ăn hài hòa đủ dinh dưỡng cho người ăn chay hay thuần chay và người tiêu dùng nói chung.
Tham dự tọa đàm có bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao. PGS.TS Đàm Sao Mai, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM và ông Nguyễn Lê Quốc Tuấn, Tổng giám đốc Công ty Chế biến Thực phẩm Công nghệ Sông Hương – Sông Hương Foods.
Các diễn giả sẽ chia sẻ nhiều nội dung liên quan và xung quanh chủ đề này, cụ thể như: Cung cấp thông tin thị trường, phát họa chân dung người tiêu dùng; Trải nghiệm sản xuất, nhu cầu về thị trường, xu hướng tiêu dùng, lợi thế cạnh tranh, đối thủ cạnh tranh… Công nghệ thực phẩm, công nghệ chế biến, thị trường công nghệ.
Tọa đàm với chủ đề: “Dòng chảy thị trường thực phẩm chay và thịt thay thế” do Thế Giới Hội Nhập tổ chức vào lúc 8h30 – 11h30, ngày 1/3/2022, tại Cà phê Regina, số 84 Nguyễn Du, Quận 1, TP.HCM.
Chương trình tọa đàm được live stream trực tiếp trên Thế Giới Hội Nhập, trang fanpage Thế Giới Hội Nhập, Hàng Việt Nam Chất lượng cao và trang Youtube của Hội DN HVNCLC và Trung tâm BSA – BsaChannel.