Bà Nguyễn Cẩm Chi – Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ hỗ trợ phát triển thanh niên (FYE), giám khảo cuộc thi, nói: “Những dự án thi, ngoài việc coi như đây là buổi học, bổ sung kiến thức, tôi cũng mong muốn, các “doanh nông” này hãy học theo những bạn trẻ thi trước, đưa sản phẩm của mình không những có mặt tại nhiều nơi ở thị trường nội địa mà còn vươn ra thế giới. Rất nhiều bạn trẻ khởi nghiệp trước đây trong cuộc thi này đã đưa hàng qua Châu Âu, Nhật Bản và nhiều nước khác, nhờ sự nỗ lực đầu tư cho công nghệ và tiêu chuẩn”.
Trong vòng bán kết thứ 2 này, TP.HCM có số dự án thi vòng Bán kết nhiều nhất, với 17 dự án; Lâm Đồng 5 dự án; Thừa Thiên Huế 3 dự án; Quảng Nam 3 dự án; Thành phố Đà Nẵng, Gia Lai, Đắk Lắk, Bến Tre mỗi địa phương có 2 dự án; các địa phương còn lại mỗi nơi 1 dự án. Trong đó có quá nữa số dự án thi do các nhóm thực hiện, mỗi cá nhân đều có những thế mạnh riêng, để nâng cao tính khả thi của dự án mình.
Anh Đặng Dương Minh Hoàng – Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp số Bình Phước, Chủ nhiệm Mạng lưới Lương Định Của toàn quốc – chia sẻ, khởi nghiệp nông thôn từ tài nguyên bản địa hiện đang phát triển mạnh nhờ các yếu tố như làn sóng bỏ phố về quê, kết nối giao thông và công nghệ khiến khoảng cách giữa nông thôn và thành thị gần lại.
“Nhiều người trẻ rời thành phố với một số vốn liếng, mối quan hệ và được gia đình cho đất để khởi nghiệp. Thế hệ này sẽ làm nên làn gió mới ở nông thôn, tạo ra các sản phẩm mới từ tài nguyên bản địa từ góc nhìn của những người đã biết về nhu cầu thị trường ở các đô thị” – Chủ nhiệm Mạng lưới Lương Định Của toàn quốc nhận xét.
Theo anh Hoàng, hiện các địa phương có nhiều chương trình đào tạo để thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp nông thôn và đang bắt đầu phát huy hiệu quả. Cộng đồng khởi nghiệp địa phương hình thành, chia sẻ kinh nghiệm để cùng nhau phát triển.
Trong khi đó, anh Trần Đăng Đạt, đồng sáng lập Công ty TNHH Đạt Butter (Đạt Foods, chuyên các sản phẩm từ hạt đậu phộng, TP.HCM) nói rằng khởi nghiệp từ tài nguyên bản địa phù hợp với người trẻ với nguồn lực nhỏ, khai thác những thị trường ngách mà các DN lớn không tham gia vì không đủ quy mô. Người trẻ đã lấp khoảng trống thị trường, kể câu chuyện sản phẩm quê hương với những cảm xúc mới mẻ, thu hút được cộng đồng, tạo được chỗ đứng trên thị trường.
Tuy nhiên, từ trải nghiệm bản thân, anh cho rằng hiện nay có nhiều chương trình hỗ trợ khởi nghiệp địa phương nhưng triển khai không đồng bộ, trùng lắp nên chưa mang hiệu quả cao. Nơi nào được địa phương quan tâm thì dự án mau trưởng thành, còn lại đa số khá vất vả vì phải “tự bơi”. Ngoài ra, nhiều tỉnh, thành có các vùng nguyên liệu và đặc sản na ná nhau nên các chủ dự án khó khăn trong việc truyền thông sự khác biệt.
“Từ thực tế khởi nghiệp, chúng tôi rút ra kinh nghiệm phải hợp tác cùng nhau để phát triển. Hiện chúng tôi tập hợp được 30 doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp tạo tác động xã hội để cùng nhau chia sẻ thông tin thị trường, chia sẻ vùng nguyên liệu, cùng tạo combo để chào hàng vào các hệ thống bán lẻ để tăng khả năng thành công” – anh Đạt nêu kinh nghiệm.
Ở một góc nhìn khác, anh Lê Minh Cương, Giám đốc Công ty TNHH Spicy Country (chuyên sản phẩm tương ớt, tương cà Thanh Hóa), cho biết các hoạt động xúc tiến thương mại sẽ hiệu quả hơn khi đi theo nhóm, vừa đa dạng sản phẩm với khách hàng vừa chia sẻ chi phí gian hàng. “Các DN khởi nghiệp từ tài nguyên bản địa rất mong muốn được kết nối với hệ thống bán lẻ vì đây là nơi giúp DN trưởng thành nhanh” – anh Cương bày tỏ.
Tiềm năng lớn
Gắn bó với hoạt động hỗ trợ DN khởi nghiệp từ tài nguyên bản địa lâu năm, bà Vũ Kim Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ DN (BSA), cho rằng tài nguyên bản địa của Việt Nam bao la, là lợi thế để các dự án phát triển kinh doanh. Hiện nay, các dự án đã tiến bộ vượt bậc so với cách đây 10 năm khi đa dạng hóa danh mục sản phẩm, bao bì mẫu mã đẹp. Đặc biệt, các dự án biết khai thác tài nguyên bản địa gắn với bảo vệ tài nguyên.
Đơn cử, một dự án làm tinh dầu từ lá cây rừng của một người đồng bào phía Bắc, khi khai thác luôn đi kèm trồng mới cây rừng để bảo vệ tự nhiên, bảo vệ vùng nguyên liệu. “Nhiều dự án có sản phẩm tốt, bao bì đẹp nhưng còn yếu khâu xúc tiến thương mại. Đây là khâu quan trọng cần phải được quan tâm bởi có thị trường mới tạo điều kiện cho dự án phát triển, tiếp tục tái đầu tư” – bà Vũ Kim Anh góp ý.
Với kinh nghiệm tư vấn các dự án khởi nghiệp bằng tài nguyên bản địa, ông Mai Hữu Tài, Ủy viên Ban Điều hành Hội đồng Tư vấn Hỗ trợ khởi nghiệp phía Nam (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – VCCI), nhận xét những dự án nhóm này tác động xã hội tích cực như thêm việc làm cho dân địa phương, bảo vệ môi trường và bảo tồn văn hóa. Các chủ dự án làm ra sản phẩm và dịch vụ đa dạng bao gồm: thực phẩm, thảo dược, nguyên liệu chế biến, thủ công mỹ nghệ, du lịch…, trong đó nhiều nhiều sản phẩm dịch vụ đã đạt OCOP. Đặc biệt, nhiều dự án đã tận dụng được nền tảng trực tuyến để tiếp cận thị trường và quản lý hoạt động kinh doanh, đem lại hiệu quả khả quan.
Chuyên gia Mai Hữu Tài nhận xét tài nguyên bản địa Việt Nam vẫn còn dồi dào chưa được nhận diện hoặc thiếu sự quan tâm hỗ trợ đúng mức để đưa vào khai thác. Ông Tài đề xuất cần hỗ trợ tài chính cho các dự án từ các chương trình vay ưu đãi hoặc các nhà đầu tư quan tâm đến phát triển bền vững. “Cần xây dựng mạng lưới cộng đồng mạnh mẽ; tạo cơ hội liên kết với các tổ chức, DN và cơ quan Chính phủ để chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và cơ hội hợp tác trong mảng khai thác tài nguyên bản địa. Tăng cường tổ chức triển lãm, hội nghị để quảng bá sản phẩm và dịch vụ, bao gồm cả việc thúc đẩy du lịch nông nghiệp, nông thôn để tạo cơ hội gặp gỡ khách hàng và kết nối với các đối tác tiềm năng” – ông Tài đề xuất.
Với các chủ dự án, ông Tài khuyên nên xây dựng thương hiệu độc đáo, tập trung vào việc tạo ra câu chuyện thú vị xung quanh sản phẩm hoặc dịch vụ để kết nối một cách sâu sắc với khách hàng, tạo sự khác biệt so với những dự án tương tự. “Cần gắn kết chặt chẽ với cộng đồng địa phương để làm chủ nguồn tài nguyên và bảo vệ được lợi thế cạnh tranh. Đồng thời, ứng dụng tốt các nền tảng số để gia tăng sự nhận biết sản phẩm dịch vụ trên thị trường và giảm tối đa chi phí vận hành” – ông Tài chia sẻ.
Cuộc thi Dự án Khởi nghiệp Xanh lần thứ 9, năm 2023 do Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (Trung tâm BSA) tổ chức với sự phối hợp của Công ty Cổ phần Vinamit, Quỹ Hỗ trợ phát triển Thanh niên, Công ty CP Phân bón dầu khí Cà Mau cùng sự đồng hành của các Doanh nghiệp HVNCLC, như: Công ty CP Cơ điện Tân Hoàn Cầu, Công ty TNHH SX TM DV Qui Phúc, Công ty Lợi Lợi Dân, Công ty CP Tập đoàn Trung Nguyên, Công ty TNHH Tân Nhiên, Công ty Khang Nhi Ý, Khánh Hà Food, Công ty TNHH Minh Long 1, Công ty Mỹ thuật Trà Quế, Chương trình lâm sản ngoài gỗ (NTFP-EP Việt Nam), Tâp đoàn Nam Dương group, Công ty Cổ phần dừa nước Việt Nam…
Một số hình ảnh tại vòng bán kết 2:
Một số hình ảnh dự án trưng bày