Ông Võ Quan Huy giới thiệu Nhãn hiệu chuối Fohla tại Ngôi nhà triển lãm HVNCLC – Chuẩn hội nhập.

Họ là những doanh nghiệp lấy được nhiều chứng nhận tiêu chuẩn trong và ngoài nước, xuất hàng sang các thị trường khó tính. Để đạt tiêu chuẩn chất lượng, mỗi người có cách làm riêng…

Ông Võ Quan Huy, GĐ Công ty TNHH Huy Long An: “Tiêu chuẩn là sự thoả thuận, không ai ép doanh nghiệp”

Từng khởi nghiệp đến 25 lần về các cây, con trong nông nghiệp và không thành công nhiều, năm 2014, ông Huy quyết định trồng thử chuối, đến năm 2015 bắt đầu cho ra sản phẩm, và năm 2016 đưa quả chuối xuất khẩu. Từ đây, ông được nhiều người biết.

“Tôi chọn cây chuối vì nhu cầu sử dụng loại trái cây này trong khu vực khá lớn, từ 15 – 17 tỷ USD mỗi năm. Trong đó, Nhật Bản là nước nhập khá nhiều, mỗi năm khoảng 1,2 triệu tấn, Hàn Quốc khoảng 1 triệu, Trung Quốc trên 1 triệu tấn”, ông Huy cho biết.

Nhờ kinh nghiệm làm ăn với người Nhật thời còn làm tôm ở dưới Sóc Trăng, Bạc Liêu, ông Huy hiểu về văn hoá tiêu dùng của họ. Đối tác Nhật muốn hiểu thật rõ về nguồn gốc sản phẩm cần mua, nên ông xây dựng vườn chuối của mình theo hướng đó. Trong quá trình trồng chuối, ông mời đối tác Nhật Bản qua xem cách trồng chuối, minh bạch hết mọi thứ cho họ thấy.

Ông Huy cho biết, có lần xuất đi Nhật Bản, một số trái chuối bị trầy xước mà không biết, qua đó họ thấy và phản ánh.Nếu tỷ lệ hư này trong mức đã thoả thuận trước đó thì không sao, nhưng nhiều quá mình phải xin lỗi họ.

“Tôi bay qua Nhật Bản xem chuối mà họ nói xấu ở đâu để biết mà điều chỉnh sau này… Phía đối tác thấy sự thiện chí, có trách nhiệm với hàng hoá của mình, nên họ rất dễ chịu trong việc này”, ông Huy nói.

Ông Huy chia sẻ, người Nhật khi thấy mình sai điểm nào đó, họ góp ý ngay. Cứ như thế tôi tiếp cận và chiếm lòng tin của họ, và bằng sự chân thật tôi đã kết nối được với người Nhật.Nhiều người cho rằng VietGAP không có nhiều giá trị, nhưng ông Huy nghĩ khác, “VietG.A.P chỉ thua GlobalG.A.P về tính cộng đồng, về lao động”.

Lê Duy Toàn, GĐ Công ty TNHH XNK Thực phẩm Duy Anh: “Tiêu chuẩn làng nghề khác tiêu chuẩn xuất khẩu”

Phát triển sản phẩm từ làng nghề bánh tráng truyền thống xã Phú Hoà Đông, huyện Củ Chi, cùng vốn kiến thức học tập từ nước ngoài, Lê Duy Toàn đã tạo nên những sản phẩm mới, chinh phục nhiều thị trường xuất khẩu.

Toàn cho biết, khi mang sản phẩm truyền thống đi xuất khẩu thì tiêu chuẩn, chất lượng phải khác, chứ không như cách nghĩ chỉ cần làm thủ công truyền thống theo cách xưa.

“Nếu mãi suy nghĩ như vậy trong thời buổi hội nhập cạnh tranh với các nước tiên tiến như Thái Lan, Indonesia… thì không thể làm được, chỉ luẩn quẩn trong giới hạn nhỏ”.

Để xuất vào các siêu thị với cách làm đó, theo Toàn sẽ không đạt tiêu chuẩn về côn trùng, độ ẩm, mùi vị, vi sinh…

“Làm bánh thủ công người Việt nghĩ là ngon, đạt chất lượng, nhưng khi xuất đi nước ngoài họ lấy mẫu phân tích các chỉ tiêu sẽ không đạt. Bánh tráng sản xuất thủ công phơi ngoài nắng có mùi rất nặng, khi cuộn ăn gỏi cuốn hoặc chiên chả giò có mùi nồng… Các nước Nhật Bản, Hàn Quốc không chấp nhận, vì cho rằng do nguyên liệu không chuẩn, bảo quản không đúng cách, hay khi sấy khô độ ẩm quá nhiều nên có mùi…”.

Hiểu được điểm này yếu, Toàn chuyển nghề bánh thủ công qua làm máy công nghiệp tự động.Khâu sấy bằng máy giúp cải thiện rõ rệt về mùi, có thể bảo quản sản phẩm vài tháng, thậm chí đến hàng năm trong các chuỗi siêu thị nước ngoài.

Ông Hà Huy Thắng, TGĐ Công ty CP XNK Petrolimex (Pitco): “Yếu tố con người quan trọng nhất”

Tại nhà máy tiêu PitCo ở Bình Dương, những công nghệ hiện đại được trang bị trong các dây chuyền sản xuất, theo ông Hà Huy Thắng, đây là một phần quan trọng đảm bảo sản phẩm đạt tiêu chuẩn, chất lượng đúng cam kết với khách hàng trên thế giới.

PitCo là một trong số doanh nghiệp tiêu tiên phong sắm dàn máy tiệt trùng bằng hơi nước nhập khẩu từ Hà Lan, công suất khoảng 150 tấn/tháng. Nhờ công nghệ, PitCo làm ra tiêu đáp ứng các thị trường khó tính ở Mỹ, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản…

Cùng với đó là các dây chuyền chiết rót, đóng hộp, dán nhãn mác tự động… đã giúp các sản phẩm tiêu của PitCo đạt chuẩn từ khâu thu hoạch đến khâu chế biến.

Trong các quy trình sản xuất tại nhà máy của PitCo, những sản phẩm thô trước khi vào nhà máy, hay sau quá trình chế biến ở từng công đoạn, đều có những bước kiểm tra chéo lẫn nhau. Nhất là tại phòng thí nghiệm, sản phẩm ở từng công đoạn luôn được kiểm tra trước, trong và sau khi sản xuất hay xuất đi.Ông Thắng cho hay, PitCo đã có chứng nhận BRC vào thị trường Anh, nên việc đảm bảo các quy trình, quy chuẩn trong nhà máy luôn được đề cao.Trong đó, luôn ưu tiên số một cho việc đào tạo nguồn nhân lực để họ áp dụng đúng nhất các tiêu chuẩn.

Bài, ảnh Trần Quỳnh