Ngày thứ 2 hoạt động, chương trình “Đặc sản bản địa-Làng nghề truyền thống” tại Hội trường Thống Nhất (quận 1) TP.HCM thu hút nhiều khách hàng đến trải nghiệm những hoạt động ấn tượng.
Chương trình “Đặc sản bản địa-Làng nghề truyền thống” do Hội doanh nghiệp (DN) hàng Việt Nam chất lượng cao, Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ DN (BSA), Công ty Cổ phần Vinamit tổ chức. Chương trình với sự tham gia gần 40 đơn vị gồm DN Hàng Việt Nam chất lượng cao, DN khởi nghiệp, Câu lạc bộ đặc sản vùng miền,địa phương đến từ 18 tỉnh, thành.
Ngay từ sáng khi Lễ hội mở cửa, tại khu vực trải nghiệm vẽ tranh, hàng chục em nhỏ được phụ huynh dẫn vào tham gia hoạt động. Trong đó, nhiều nhất là các em nhỏ từ 3 – 10 tuổi. Tương tự như thế, khu vực trải nghiệm nặn tò he cũng thu hút những em nhỏ, học sinh được cha mẹ dẫn đi trong kỳ nghỉ lễ.
Trải nghiệm nét văn hóa làng nghề truyền thống
Cũng thu hút khách tham quan, mua sắm không kém là khu vực có các nghệ nhân làng dệt đũi Nam Cao (Thái Bình) thể hiện. Tại đây, khách tham quan được chứng kiến nguyên một quy trình dệt lụa với các nguyên liệu từ những con tằm ăn dâu đang bò nhúc nhích, những cuộn kén vàng, trắng óng ánh cùng các nghệ nhân đang quay tơ, kéo đũi… đến những tấm vải lụa nhiều màu, đẹp mắt.
Chính những sản phẩm hoàn chỉnh được bày bán như khăn mặt tơ tằm, áo dài, áo kiểu với chất liệu 100% tơ tằm. Sản phẩm hoàn toàn thủ công như vậy đặc biệt thu hút người dùng. Trong chương trình, có khách hàng chi tiền mua những chiếc áo kiểu, áo dài lụa với giá 2.000.000-3.500.000 đồng/cái.
Bà Lương Thanh Hạnh, Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) lụa đũi Nam Cao tỉnh Thái Bình cho biết, tại đây hợp tác xã giới thiệu đến du khách một phần quy trình sản xuất. Bắt đầu với con tằm ăn lá dâu, xong đóng kén. Tiếp đến là vùi kén trong vòng 3-5 tiếng đồng hồ, sau đó đũi được kéo sợi bằng tay trong nước lạnh.
Theo bà Hạnh, lần đầu tiên tham gia chương trình đặc sản làng nghề, nhất là tại Dinh Thống Nhất. Đây là một điểm du lịch có nhiều khách quốc tế, HTX mong muốn quảng bá làng nghề truyền thống đũi Nam Cao tỉnh Thái Bình cũng như muốn lan tỏa lụa Việt Nam. Để từ đó, người tiêu dùng Việt càng yêu những sản phẩm thủ công của Việt Nam hơn.
Trong khi đó, tại khu vực biểu diễn ẩm thực, nhiều khách mua sắm chờ đợi để thưởng thức những món ăn, món bánh dân gian do các đầu bếp trong CLB đầu bếp Chiếc thìa vàng thể hiện.
Trong đó, nhiều thực khách thú vị khi được dùng các sản phẩm nem nướng của Công ty TNHH Thực Phẩm Khang Nhi Ý do đầu bếp chế biến món ăn. Nem Ông Ù mang đến giới thiệu đa dạng sản phẩm mang đậm đặc trưng hương vị vùng miền tiêu biểu như : nem tươi, nem nướng, bò lá lốt, thịt chả, tương gia truyền … với tiêu chí “không màu tổng hợp, không chất bảo quản nhân tạo, không tạp chất”  nên được khách hàng ưa chuộng, đánh giá cao về chất lượng cùng hương vị.
Livestream bán hàng ngay tại sự kiện
Tại gian hàng cà phê Meet More, các hoạt động sôi động qua hình thức livestream đã tăng thêm lượng bán hàng, tương tác cho các doanh nghiệp, nhất là sản phẩm cà phê muối biển.
Ông Nguyễn Ngọc Luận, Giám đốc Công ty cà phê Meet More cho biết, Cà phê muối biển vừa tung ra thị trường hai tuần nhưng không phải “bắt trend” mà được nghiên cứu từ hai năm trước.
Muối biển có lượng lớn khoáng chất như magiê, kali… tốt cho sức khỏe. Bên cạnh đó, Việt Nam có nhiều làng nghề muối biển nổi tiếng nhưng bà con diêm dân vẫn nhọc nhằn với giá muối thấp, có khi chỉ bán vài trăm đồng/kg.
Một số hình ảnh tại Chương trình “Đặc sản bản địa-Làng nghề truyền thống”:

TQ