TikTok sắp có cú chuyển mình lớn

Nhóm tin về ngành bán lẻ – thương mại điện tử

1. Thị trường tiêu dùng Trung Quốc xoay chuyển để phục vụ khách hàng cao tuổi
Dân số Trung Quốc đang già đi nhanh hơn nhiều so với các nước đang phát triển khác. Nước này hiện có số người cao tuổi lớn nhất thế giới, với hơn 280 triệu người trên 60 tuổi. Dân số già ngày càng tăng khiến một số công ty đa quốc gia và công ty nội địa Trung Quốc phải suy nghĩ lại về cơ hội tăng trưởng dài hạn của họ, đồng thời các công ty này đang điều chỉnh sản phẩm và chiến lược tiếp thị để giành được khách hàng lớn tuổi. Các công ty từng tập trung vào kinh doanh các mặt hàng liên quan đến trẻ em hiện tập trung vào người già ở Trung Quốc.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), người cao tuổi hiện chiếm gần 20% tổng dân số Trung Quốc và tỷ lệ này sẽ tăng lên 28% vào năm 2040. Một thách thức tiềm tàng đối với các doanh nghiệp là những người về hưu thường có ít khả năng chi tiêu hơn những người trưởng thành đang đi làm có thu nhập ổn định. Nhiều người sống bằng lương hưu và phần lớn tài sản của họ gắn liền với bất động sản, trong khi giá nhà đang giảm. Vì vậy, họ có thể sẽ phải cân nhắc kỹ hơn khi mua sắm.
Nguồn: https://bnews.vn/thi-truong-tieu-dung-danh-cho-nguoi-cao-tuoi-trung-quoc/319150.html
2. Siêu thị cũng livestream bán hàng Tết
Chương trình livestream bán hàng Tết năm nay mở đầu cho sự thay đổi theo hướng “đưa chợ Tết lên online” của hệ thống siêu thị Co.opmart. Các phiên livestream bán hàng Tết được thực hiện trên website và ứng dụng Saigon Co.op theo 8 chủ đề riêng biệt để giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ đặc trưng của hệ thống Co.opmart. Trong đó, phiên livestream ngày 14/1/2024 sẽ dành riêng cho các mặt hàng nhãn riêng Co.op; phiên ngày 24/1/2024 thì giới thiệu, tư vấn cho khách hàng cách sắm sửa cho năm mới sung túc. Phiên livestream cuối cùng diễn ra vào 31/1/2024, giới thiệu mâm cúng ông Táo cuối năm.
Đại diện Liên hiệp HTX TP.HCM cho biết trong khuôn khổ chương trình “Đến Co.op chở Tết về”, bên cạnh tổ chức tại các điểm bán trực tiếp tại Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food, Co.op Smile, Cheers, Finelife), Saigon Co.op đồng thực hiện hàng loạt các chương trình mua sắm online với những hoạt động đa dạng, ưu đãi hấp dẫn, bắt nhịp xu hướng Gen Z.
Nguồn: https://nld.com.vn/sieu-thi-tham-gia-cuoc-dua-livestream-ban-hang-tet-196231221070330768.htm
3. Thế Giới Di Động đóng gần 150 cửa hàng trong 2 tháng
Ngày 25-12, Thế Giới Di Động công bố về kết quả kinh doanh của doanh nghiệp tháng 11-2023 với tổng doanh thu toàn hệ thống đạt 9.900 tỉ đồng, tương đương cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, doanh thu chuỗi thegioididong và Điện máy Xanh chiếm hơn 6.500 tỉ đồng, giảm so với tháng 10, chủ yếu do nhu cầu iPhone hạ nhiệt sau đợt cao điểm ra mắt sản phẩm mới. Lũy kế 11 tháng, chuỗi thegioididong và Điện máy Xanh có tổng doanh thu đạt 76.700 tỉ đồng, giảm 21% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bên cạnh kết quả kinh doanh, Thế Giới Di Động thông tin thêm về quá trình tái cấu trúc hoạt động hướng đến năm 2024. Theo đó, đến cuối 2023, quá trình tái cấu trúc toàn diện Thế Giới Di Động vẫn tiếp tục diễn ra trên mọi mặt của công ty, từ khối cửa hàng, khối mua hàng, kho vận đến các phòng ban hỗ trợ. Trong 2 tháng 10 và 11-2023, Thế Giới Di Động đóng cửa thêm 150 cửa hàng trong chuỗi thegioididong, Điện máy Xanh, Topzone và sẽ tiếp tục đóng một số cửa hàng kém hiệu quả.
Nguồn: https://nld.com.vn/the-gioi-di-dong-dong-gan-150-cua-hang-trong-2-thang-19623122515302564.htm
4. Shopee tiếp tục dẫn đầu thị phần mua sắm online tại Việt Nam
Theo báo cáo tháng 11/2023 của YouNet ECI, hơn 1 triệu nhà bán hàng trên 4 sàn thương mại điện tử (TMĐT) Shopee, Lazada, Tiktok Shop và Tiki mang về nguồn thu lên tới 115.450 tỷ đồng, tức gần 5 tỷ USD và tăng 1,6 lần so với doanh thu cả quý 3/2023. Trong đó, Shopee dẫn đầu thị phần doanh thu với 78,3% (tương đương 90.420 tỷ đồng). Trong tất cả các nhóm ngành hàng, Shopee đều đứng đầu về doanh thu, bỏ xa các sàn đối thủ. Theo sau là TikTok Shop và Lazada và Tiki, lần lượt chiếm 11,1%, 9,7%, 0,9% thị phần.
Nhìn vào cụ thể từng nhóm ngành hàng, báo cáo chỉ ra Lazada và TikTok Shop đang đi theo hai hướng riêng và mỗi sàn chiếm thị phần cao hơn trong các nhóm ngành hàng khác nhau. Cụ thể, nhóm ngành hàng thời trang và phụ kiện, Shopee chiếm 64,4% thị trường, TikTok Shop hiện chiếm 30,9%, Lazada chỉ 4,7%. Ngược lại, Lazada lại cho thấy thế mạnh nằm ở những ngành hàng có giá trị sản phẩm cao, trong đó, nhóm ngành hàng công nghệ đóng góp doanh thu cao nhất, với 385 tỷ đồng, vượt trên TikTok Shop.
Nguồn: https://nld.com.vn/nguoi-tieu-dung-viet-mua-hang-nhieu-nhat-o-san-thuong-mai-nao-196231224161834911.htm

Nhóm tin về ngành thực phẩm – ẩm thực

1. Nguồn cung lương thực toàn cầu dự báo căng thẳng trong năm 2024
El Nino, gây khô hạn ở phần lớn châu Á trong năm nay, được dự báo sẽ tiếp tục diễn ra trong nửa đầu năm 2024, gây rủi ro cho nguồn cung gạo, lúa mì, dầu cọ cũng như các nông sản khác ở một nước xuất khẩu và nhập khẩu nông nghiệp hàng đầu thế giới. Các thương nhân dự báo, sản lượng gạo của châu Á trong nửa đầu năm 2024 sẽ giảm khi điều kiện trồng trọt khô hạn và các hồ chứa nước cạn kiệt có khả năng làm giảm sản lượng.
Sản lượng dầu cọ toàn cầu cũng có khả năng giảm trong năm tới do thời tiết El Nino khô hạn, hỗ trợ cho thị trường dầu ăn sau khi mặt hàng này giảm giá hơn 10% vào năm 2023. Sản lượng dầu cọ sụt giảm trong bối cảnh nhu cầu sản xuất dầu diesel sinh học và dầu ăn làm từ dầu cọ dự kiến tăng cao hơn.
Nguồn: https://thesaigontimes.vn/nguon-cung-luong-thuc-toan-cau-du-bao-cang-thang-trong-nam-2024/
2. Kim chi Trung Quốc ‘xâm chiếm’ Hàn Quốc
Tờ Central Daily News của Hàn Quốc đưa tin, dù sản lượng xuất khẩu kim chi của Hàn Quốc tăng mạnh vào năm 2023, nhưng sẽ dần bị kim chi Trung Quốc bỏ xa trong cuộc cạnh tranh về giá. Thống kê thương mại xuất nhập khẩu do Cục Hải quan Hàn Quốc công bố ngày 24/12 cho thấy, từ tháng 1 đến tháng 11 năm nay, lượng xuất khẩu kim chi của nước này là 142 triệu USD, trong khi lượng nhập khẩu đạt 151 triệu USD, thâm hụt hơn 8,8 triệu USD. Trên bảng xếp hạng tìm kiếm kim chi của nền tảng thương mại điện tử Hàn Quốc, kim chi Trung Quốc được xếp vào hàng có lượng bán tốt nhất.
Truyền thông Hàn Quốc lo ngại thâm hụt thương mại kim chi sẽ còn tăng thêm trong thời gian tới khi giá thành của kim chi Trung Quốc tiếp tục giảm. Theo báo cáo, không chỉ nhiều nhà hàng Hàn Quốc sử dụng kim chi Trung Quốc để giảm chi phí mà tỷ lệ người tiêu dùng bình thường mua kim chi Trung Quốc cũng đang dần tăng lên. Nhiều nhà hàng Hàn Quốc thích sử dụng kim chi nội địa nhưng giá bắp cải và các nguyên liệu khác như ớt đỏ tăng cao gần đây đã buộc họ phải tăng cường sử dụng kim chi nhập khẩu từ Trung Quốc.
Nguồn: https://vtc.vn/kim-chi-trung-quoc-xam-chiem-han-quoc-ar843478.html
3. Các chuỗi cà phê đua mở quán ở Singapore với tham vọng mở rộng toàn cầu
Thị trường cà phê Singpore vốn đã đông đúc, nhưng các thương hiệu tiếp tục khai trương các điểm bán mới ở đảo quốc sư tử với hy vọng thành công ở đây sẽ tạo bệ phóng để mở rộng toàn cầu. Trong vài tháng qua, ít nhất năm công ty, Luckin Coffee của Trung Quốc, Kenangan Coffee và Fore Coffee của Indonesia, Tim Hortons của Canada và chuỗi cà phê đặc sản Louisa Coffee của Đài Loan đã thành lập cửa hàng tại Singapore.
Sự nổi bật của Singapore với tư cách là một trung tâm tài chính toàn cầu đã thu hút các thương hiệu cà phê đến với đất nước này. “Tôi nghĩ rằng các chuỗi cà phê hiện diện ở Singapore vì chúng tôi là một trung tâm tài chính toàn cầu, nơi họ có thể thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư quốc tế, đặc biệt là các quỹ đầu tư vốn mạo hiểm”, Peng T. Ong, đồng sáng lập và đối tác quản lý của Monk’s Hill Ventures (Singapore), nói. Bên cạnh đó, người Singapore ở mọi lứa tuổi, giới tính và mức thu nhập đều yêu thích cà phê. Một cuộc khảo sát vào hồi tháng 7-2022 cho thấy gần 55% số người Singapore được hỏi cho biết họ đã mua cà phê vào tuần trước cuộc khảo sát.
Nguồn: https://thesaigontimes.vn/cac-chuoi-ca-phe-dua-mo-quan-o-singapore-voi-tham-vong-mo-rong-toan-cau/
4. KIDO nhảy vào mảng nước mắm, hạt nêm
Ngày 25/12, KIDO công bố chính thức cho lên kệ của các hệ thống phân phối 4 sản phẩm mới thuộc ngành hàng gia vị, gồm: nước mắm cá cơm Tường An; hạt nêm Tường An Unicook. “Ông lớn” ngành hàng tiêu dùng nhanh này đồng thời phát triển những bộ sản phẩm thiết yếu đi cùng nhau gồm dầu ăn, hạt nêm, nước mắm, bơ thực vật… trong dịp Tết nguyên đán này nhằm giúp các điểm bán và người tiêu dùng có thêm nhiều sự lựa chọn, đa dạng hóa việc trải nghiệm sản phẩm.
Ông Trần Lệ Nguyên, Phó chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tập đoàn KIDO kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Dầu thực vật Tường An, cho biết gia vị trở thành một ngành hàng đầy tiềm năng của KIDO. “Ngành hàng gia vị là một chiến lược quan trọng của KIDO trong việc mở rộng trong ngành hàng thực phẩm thiết yếu, “lấp đầy gian bếp Việt” đã được KIDO đã đặt ra từ nhiều năm nay” – ông Nguyên nói.
Nguồn: https://nld.com.vn/kido-nhay-vao-mang-nuoc-mam-hat-nem-196231225102314584.htm

Nhóm tin về nông nghiệp – thủy sản – chăn nuôi

1. Nguồn cung thiếu hụt đẩy giá cà phê xuất khẩu tiếp tục tăng
Tồn kho cà phê tại các nguồn cung lớn như Việt Nam, Brazil ở mức thấp cùng tình trạng nông dân hạn chế bán ra khiến lo ngại thiếu hụt nguồn cung trong ngắn hạn và hỗ trợ giá tăng. Trong báo cáo về thị trường cà phê phát hành ngày 21/12, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), ước tính tồn kho cà phê thế giới đang được ghi nhận ở mức thấp nhất trong 12 năm trở lại đây. Hiện tại, Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới. Dù giá xuất khẩu cao nhưng theo thống kê của ngành Hải quan lượng cà phê xuất khẩu giảm dần trong 2 tháng gần đây do lượng tồn kho của cà phê Việt Nam hiện đã giảm đến mức thấp nhất từ trước đến nay.
Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam, khép lại ngày giao dịch 26/12, giá xuất khẩu cà phê Arabica hợp đồng tháng 3 tăng 0,8%, lên mức 4.284 USD/tấn. Giá Robusta đang giữ ở mức 2.837 USD/tấn, cao hơn thời điểm giao dịch tháng 11 tới 316 USD/tấn. Theo Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam (Vicofa) dự báo giá cà phê sẽ tiếp tục cao do nhu cầu thị trường vẫn lớn, đặc biệt là EU giai đoạn từ nay đến tháng 4 năm sau. Cùng với đó dư địa tại Trung Quốc ngày càng tăng do chuyển dịch xu hướng ưa chuộng cà phê hơn trà của giới trẻ nước này. Tuy nhiên, Vicofa cũng dự báo sản lượng niên vụ 2023/2024 thấp, có thể giảm từ 5-10%, tương ứng mức sản lượng chỉ đạt khoảng 1,6 – 1,7 triệu tấn và sản lượng xuất khẩu dự kiến sẽ chỉ đạt khoảng 1,4 triệu tấn.
Nguồn: https://vnbusiness.vn/thi-truong/nguon-cung-thieu-hut-day-gia-ca-phe-xuat-khau-tiep-tuc-tang-1097535.html

Nhóm tin về thị trường xuất nhập khẩu

1. Hãng tàu lớn thông báo tiếp tục vận chuyển ở Biển Đỏ
Theo Đài CNN, ngày 24-12 (giờ Mỹ), hãng tàu Maersk quyết định nối lại các chuyến hàng ở Biển Đỏ và vịnh Aden, sau khi Mỹ thiết lập hoạt động an ninh để bảo vệ khu vực. Hôm 19-12, Mỹ đã tuyên bố thành lập chiến dịch Người bảo vệ thịnh vượng – liên quân 10 nước nhằm “bảo vệ tuyến đường giao thương trên Biển Đỏ” sau một loạt cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái do nhóm phiến quân Houthi thực hiện. Maersk cho biết chiến dịch Người bảo vệ thịnh vượng sẽ cho phép các tàu vận tải đi qua khu vực và gọi đó là “tin tức đáng hoan nghênh cho toàn ngành”.
Trong thông báo ngày 24-12, hãng cho biết đang chuẩn bị cho các tàu đầu tiên trở lại vận chuyển qua Biển Đỏ “sớm nhất có thể”. Maersk nhấn mạnh ưu tiên hàng đầu là đảm bảo an toàn cho các thuyền viên. Dù an ninh đã được tăng cường, tuy nhiên “rủi ro tổng thể trong khu vực vẫn chưa được loại bỏ ở giai đoạn này”. “Maersk sẽ không ngần ngại đánh giá lại tình hình và một lần nữa bắt đầu các kế hoạch chuyển hướng, nếu chúng tôi thấy đó là sự cần thiết vì an toàn của các thuyền viên”, hãng nêu.
Nguồn: https://tuoitre.vn/hang-tau-lon-thong-bao-tiep-tuc-van-chuyen-o-bien-do-20231225171234828.htm
2. Thái Lan kỳ vọng xuất khẩu 8,8 triệu tấn gạo trong năm 2023
Ông Chookiat Ophaswongse, Chủ tịch danh dự của Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan, cho biết tổng khối lượng gạo xuất khẩu vượt qua ước tính trước đó là 8,5 triệu tấn và tăng so với mức 7,69 triệu tấn năm ngoái. Những nước mua gạo chính của Thái Lan bao gồm Indonesia (đã mua 1,3 triệu tấn) và Philippines (đã mua khoảng 500.000 tấn). Giá trị xuất khẩu gạo ước đạt 180 tỷ baht (5,22 tỷ USD) trong năm nay, tăng 23-24% so với một năm trước, nhờ giá gạo cao hơn và khối lượng xuất khẩu tăng trong tháng 11 và tháng 12.
Ông Chookiat cho biết Thái Lan dự kiến xuất khẩu gần 1 triệu tấn gạo trong tháng 11 và tháng 12 do các nhà nhập khẩu lớn tăng dự trữ để bù đắp cho sản lượng gạo trong nước giảm và cho giai đoạn cuối năm, tiếp tục cho đến đầu năm 2024. Bên cạnh đó, điều kiện thời tiết tốt đã cho phép giao hàng nhanh chóng, tránh tình trạng chậm trễ.
Nguồn: https://bnews.vn/thai-lan-ky-vong-xuat-khau-8-8-trieu-tan-gao-trong-nam-2023/318880.html
3. Giá gạo xuất khẩu bất ngờ giảm 10 USD/tấn
Theo Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam giảm 10 USD còn 653 USD/tấn, cao nhất thế giới; trong khi gạo cùng phẩm cấp của Thái Lan vẫn duy trì mức 648 USD/tấn, đứng ở vị trí thứ 2; còn gạo Pakistan mức 593 USD/tấn xếp thứ 3. Bên cạnh đó, gạo 25% tấm của Việt Nam giảm 10 USD về mức 633 USD/tấn, cao hơn tới 49 USD so với gạo cùng phẩm cấp của Thái Lan (584 USD/tấn) và cao hơn gạo Pakistan đến 120 USD.
Theo các chuyên gia thị trường, giá gạo Việt Nam giảm nhẹ vào cuối năm là do thị trường trầm lắng vì không còn nhiều hàng để giao dịch. Cả người mua và bán đều trông chờ vào vụ đông xuân sắp tới, cao điểm thu hoạch vào tháng 2/2024. Do nhu cầu tiêu thụ gạo của thế giới vẫn ở mức cao nên giá vẫn sẽ duy trì ở mức có lợi cho người nông dân.
Nguồn: https://thanhnien.vn/bat-ngo-quay-dau-gia-gao-viet-chi-con-cach-gao-thai-5-usd-tan-185231225145056927.htm
4. Mỗi năm Việt Nam thu 300 – 400 USD từ xuất khẩu surimi
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) trong 5 năm qua, mỗi năm Việt Nam thu về 300 – 420 triệu USD từ sản phẩm surimi xuất khẩu, bao gồm cả surimi cá biển và surimi cá tra, chiếm 4%-5% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Theo VASEP, surimi (thịt cá xay) và bột cá là nhóm ngành đặc trưng và tiêu biểu tạo nên chuỗi kinh tế tuần hoàn của thủy sản. Nhóm ngành này đã đóng góp đáng kể cho kinh tế thủy sản của đất nước và chăn nuôi.
Ngành sản xuất, xuất khẩu surimi đang phát triển mạnh vì được đánh giá là sản phẩm thủy sản phổ biến nhờ hiệu quả về mặt chi phí, được sử dụng như một thành phần quan trọng trong một số món ăn, đặc biệt là trong ẩm thực châu Á. Ngoài ra, người tiêu dùng ưa chuộng surimi vì giá trị dinh dưỡng cao, thời hạn sử dụng phù hợp.
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/san-pham-surimi-xuat-khau-gan-500-trieu-usd-moi-nam-post719495.html
5. Xuất khẩu tôm Việt đối mặt khó khăn mới, đầy phức tạp
Mặt hàng tôm nước ấm đông lạnh xuất khẩu đi Mỹ tiếp tục bị điều tra chống trợ cấp với nhiều cáo buộc phức tạp nhất từ trước tới nay. Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trịnh Anh Tuấn, cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), cho biết từ giữa tháng 11-2023, Mỹ đã khởi xướng điều tra chống trợ cấp với tôm nước ấm đông lạnh của Việt Nam.
Theo đó, Mỹ điều tra tôm nước ấm đông lạnh thuộc nhóm các mã HS 0306.17, 1605.21, 1605.29 với các nước bị điều tra gồm: Ecuador, Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam. Trong đó, sản phẩm tôm nước ấm đông lạnh của Việt Nam mặc dù chỉ bị điều tra chống trợ cấp nhưng số lượng các chương trình cáo buộc của nguyên đơn tại Mỹ lớn hơn nhiều nên DOC đã quyết định điều tra toàn bộ 40 chương trình. Điều này khiến Việt Nam là nước có số lượng chương trình trợ cấp bị điều tra nhiều nhất so với các nước khác. Nhiều chương trình bị cáo buộc có nội dung mới và phức tạp, liên quan nhiều bộ ngành, địa phương ở nhiều cấp khác nhau.
Nguồn: https://tuoitre.vn/con-tom-viet-doi-mat-kho-khan-moi-day-phuc-tap-20231226100328951.htm
6. Cảnh giác với thông tin lừa đảo về giấy chứng nhận của Hải quan Trung Quốc
Ngày 26/12, ông Ngô Xuân Nam, Phó giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam cho biết: Thời gian gần đây, có ý kiến của doanh nghiệp Việt Nam đề nghị làm rõ thông tin của khách hàng phía Trung Quốc yêu cầu hàng nông sản thực phẩm của Việt Nam khi nhập khẩu vào thị trường Trung Quốc phải kèm theo “Giấy chứng nhận đăng ký của Tổng cục Hải quan Trung Quốc – Certificate of GACC Registration”.
Về việc này, Văn phòng SPS Việt Nam thông tin như sau: Đến nay, GACC không có yêu cầu về biểu mẫu giấy chứng nhận đăng ký của GACC và quy định thu phí trực tuyến thông qua các website: https://www.gacc.app, https://www.aqsiq.net. Thông tin chi tiết về chỉ dẫn đăng ký doanh nghiệp sản xuất, chế biến và bảo quản xuất khẩu nông sản thực phẩm vào Trung Quốc xin liên hệ Văn phòng SPS Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, địa chỉ: số 10 Nguyễn Công Hoan, Ba Đình, Hà Nội; điện thoại: 024.32444150, email: spsvietnam@mard.gov.vn, website: http://www.spsvietnam.gov.vn/
Nguồn: https://thanhnien.vn/canh-giac-voi-thong-tin-lua-dao-ve-giay-chung-nhan-cua-hai-quan-trung-quoc-185231226110756515.htm
7. Doanh nghiệp thận trọng khi xuất khẩu thực phẩm sang Singapore
Thương vụ Việt Nam tại Singapore cho biết, theo thông cáo báo chí của Cơ quan quản lý Thực phẩm Singapore (SFA), vừa qua, Công ty tư nhân Viet-Sin Grocery, có đăng ký kinh doanh tại Singapore từ năm 2020, đã phải chịu mức phạt 36.000 SGD với lý do vận hành trái phép hai kho trữ lạnh, nhập khẩu trái phép một số sản phẩm thịt và hải sản từ Việt Nam. Theo báo cáo của SFA, Công ty Viet-Sin Grocery đã 3 lần vi phạm việc vận hành kho lạnh và nhập khẩu trái phép một số sản phẩm thịt và hải sản từ Việt Nam.
Singapore là thị trường có yêu cầu cao, khắt khe về vệ sinh an toàn thực phẩm. Bên cạnh những đòi hỏi về chất lượng sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm thực phẩm, người tiêu dùng Singapore còn rất nhạy cảm đối với các thông tin liên quan đến đảm bảo vệ sinh thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, minh bạch và tính tuân thủ pháp luật của các doanh nghiệp. Những trường hợp như công ty Viet-Sin Grocery nói trên có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến lựa chọn mua hàng của người tiêu dùng Singapore đối với hàng thực phẩm Việt Nam nói chung và tạo tiếng xấu cho doanh nghiệp xuất khẩu hàng Việt Nam nói riêng.
Nguồn: https://baodautu.vn/doanh-nghiep-than-trong-khi-xuat-khau-thuc-pham-sang-singapore-d206035.html
8. Thặng dư thương mại của Việt Nam với thị trường Âu – Mỹ đạt 125 tỷ USD
Theo số liệu thống kê của Vụ thị trường châu Âu – châu Mỹ (Bộ Công Thương), tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và khu vực châu Âu, châu Mỹ năm 2023 dự kiến đạt khoảng 208 tỷ USD giảm khoảng 9,5% so với năm 2022. Trong đó, xuất khẩu dự kiến đạt khoảng 166 tỷ USD giảm 9,6%, nhập khẩu dự kiến đạt gần 41 tỷ USD giảm 9,1%. Thặng dư thương mại của Việt Nam với thị trường Âu – Mỹ dự kiến đạt 125 tỷ USD, trong đó thặng dư với các nước châu Âu đạt khoảng 33 tỷ USD, với châu Mỹ đạt khoảng 92 tỷ USD.
Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang thị trường này như: Máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác; điện thoại, máy tính và linh kiện; Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; hàng dệt may; da giầy và túi xách; gỗ và sản phẩm gỗ; thủy sản… đều chứng kiến mức sụt giảm trung bình trên 10% so với năm 2022.
Nguồn: https://vneconomy.vn/thang-du-thuong-mai-cua-viet-nam-voi-thi-truong-au-my-dat-125-ty-usd.htm

Nhóm tin về xu hướng xanh – bền vững

1. PRO Việt Nam được ủy quyền thực hiện tái chế sản phẩm, bao bì
Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa có thông tin về danh sách các tổ chức được ủy quyền thực hiện việc tái chế sản phẩm, bao bì đáp ứng yêu cầu quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường. Theo đó, Công ty CP Tái chế bao bì – PRO Việt Nam là đơn vị đầu tiên nằm trong danh sách này. Công ty CP Tái chế bao bì – PRO Việt Nam là một công ty xã hội. Những hoạt động của công ty được tài trợ bởi Liên minh tái chế bao bì Việt Nam. Theo quy định tại Luật Bảo vệ môi trường 2020, đến tháng 1/2024, các doanh nghiệp sẽ phải thực hiện mô hình trách nhiệm mở rộng nhà sản xuất (EPR).
Từ năm 2021, PRO Việt Nam đã xây dựng nền tảng cho các mô hình thu gom và tái chế bao bì có khả năng nhân rộng. Trong năm 2023, từ những dự án thí điểm, PRO Việt Nam đã dần chuyển đổi sang các mô hình thu gom, tái chế phù hợp. Cùng với việc Bộ Tài nguyên và Môi trường công nhận là tổ chức được ủy quyền thực hiện tái chế bao bì theo luật, đơn vị đã sẵn sàng thực thi EPR.
Nguồn: https://thesaigontimes.vn/pro-viet-nam-duoc-uy-quyen-thuc-hien-tai-che-san-pham-bao-bi/

Nhóm tin về ngành dịch vụ

1. Nhu cầu lái xe hộ, đưa người say về nhà tăng đột biến dịp cuối năm
Dịch vụ lái xe hộ, đưa người say về nhà đã có mặt từ lâu trên thị trường. Nhưng phải đến khi Chính phủ ban hành Nghị định 100, trong đó đưa ra khung xử phạt mới cao hơn nhiều đối với các hành vi sử dụng đồ uống có cồn khi tham gia giao thông, thói quen di chuyển của người Việt sau mỗi bữa tiệc mới thay đổi. Đại diện ứng dụng tìm lái xe hộ VISAFE cho biết nhu cầu tìm người lái xe hộ có xu hướng tăng mạnh trong các dịp lễ. Khi Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 vẫn còn cách hơn một tháng, hệ thống tổng đài đã ở trong trạng thái tất bật tư vấn cách sử dụng ứng dụng hoặc đặt tài xế. Lượng người tải, sử dụng ứng dụng và số lượt đặt hẹn trực tuyến cũng tăng lên đáng kể.
Tương tự, đại diện ứng dụng BUTL (Bạn Uống Tôi lái) BUTL cũng ghi nhận nhu cầu khách hàng tăng gấp nhiều lần so với ngày thường. “Theo thống kê, tốc độ tăng trưởng mỗi tháng luôn ở mức 2 con số”, ứng dụng tiết lộ. Hiện nay, mỗi tài xế đối tác của BUTL có thể phục vụ 5-15 khách hàng/ngày, tùy thuộc vào thời gian và khu vực phục vụ.
Nguồn: https://znews.vn/nhu-cau-lai-xe-ho-dua-nguoi-say-ve-nha-tang-dot-bien-dip-cuoi-nam-post1451069.html

Nhóm tin về ngành thời trang – làm đẹp

1. Bất chấp kinh tế khó khăn, người Việt chi nghìn tỉ mua mỹ phẩm online
Chỉ tính riêng 10 tháng đầu năm, doanh số ngành hàng mỹ phẩm, làm đẹp trên các sàn thương mại điện tử đã cán mốc 22,2 nghìn tỉ đồng, tăng 74% so với cùng kỳ 2022. Đây là số liệu trong báo cáo vừa được nền tảng phân tích số liệu thị trường Metric công bố. Theo đó, bất chấp khó khăn kinh tế, ngành hàng mỹ phẩm vẫn chứng tỏ tiềm năng với sức mua lớn trên sàn thương mại điện tử.
Trong đó, nhóm hàng dẫn đầu doanh số ngành hàng mỹ phẩm gồm chăm sóc da mặt với mức tăng trưởng 61% so với cùng kỳ 2022. Serum, chống nắng và dưỡng ẩm là các dòng sản phẩm có doanh số cao nhất với lần lượt 2.262 tỉ đồng, 1.873 tỉ đồng, 1.576 tỉ đồng. Các nhóm hàng khác đều tăng trưởng so với cùng kỳ 2022, đặc biệt nhóm hàng bộ sản phẩm làm đẹp tăng trưởng cao nhất đạt 191% nhờ tính tiện dụng, tiết kiệm thời gian, chi phí. Phân khúc giá dưới 500.000 đồng chiếm đến 80% thị phần doanh số của ngành hàng mỹ phẩm. Trong đó phân khúc trong tầm giá 100.000 – 200.000 đồng là phân khúc giá bán chạy nhất. Phân khúc có doanh số cao nhất là từ 200.000 – 500.000 đồng với gần 8 nghìn tỉ đồng, chiếm 35% thị phần toàn ngành hàng.
Nguồn: https://tuoitre.vn/bat-chap-kinh-te-kho-khan-nguoi-viet-chi-nghin-ti-mua-my-pham-online-20231226174934262.htm

Nhóm tin về ngành du lịch

1. Hơn 5 triệu người Việt Nam đi du lịch nước ngoài trong năm 2023
Ngày 22/12, ông Vũ Quốc Trí, Tổng thư ký Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết, trong năm 2023, có hơn 5 triệu khách Việt Nam đi du lịch nước ngoài. Trong đó, Thái Lan đón hơn 800.000 khách Việt Nam, Hàn Quốc đón hơn 420.000 khách Việt Nam, Đài Loan (Trung Quốc) là 350.000 lượt khách Việt Nam… Ở chiều ngược lại, theo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, đến hết tháng 11/2023, Việt Nam đã đón 11,2 triệu lượt khách quốc tế (ước tính đạt 69% so với năm 2019), phục vụ 103,2 triệu lượt khách nội địa. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 628,3 nghìn tỷ đồng. Trong đó, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Mỹ, Nhật Bản là những thị trường gửi khách đến Việt Nam lớn nhất.
Năm 2024, Hiệp hội Du lịch Việt Nam kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp du lịch nỗ lực, phấn đấu hướng tới mục tiêu phục hồi hoàn toàn hoạt động du lịch trên tất cả các tiêu chí đã đạt được vào năm 2019. Các doanh nghiệp du lịch quyết tâm thu hút và phục vụ trên 20 triệu khách quốc tế đến Việt Nam.
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/hon-5-trieu-nguoi-viet-nam-di-du-lich-nuoc-ngoai-trong-nam-2023-post719521.html
2. Du lịch Tết 2024: Tour nước ngoài kín chỗ, tour nội địa ‘trông’ khách
Theo thống kê của các doanh nghiệp ngành du lịch, sức mua tour du lịch Tết hiện chưa “nóng” bằng mọi năm. Cho đến thời điểm hiện tại, điểm sáng nhất của thị trường là lượng khách đặt chỗ tour đi nước ngoài khá cao do lợi thế giá tốt, nhiều ưu đãi và chi phí hầu như không tăng so với năm ngoái. Các tour nước ngoài dịp Tết hiện đã kín khoảng 90%, trong đó tập trung ở các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ…
Bà Huỳnh Phan Phương Hoàng, Phó Tổng giám đốc Công ty Vietravel cho biết, công ty đã tung ra chương trình khuyến mại chào Xuân 2024 với thông điệp “Tết – Kết vạn niềm vui” với khoảng 100 sản phẩm du lịch nội địa và hơn 200 sản phẩm du lịch nước ngoài. Đến nay, các tour nước ngoài đang được lấp đầy, nhất là các tour đường xa, trong khi các tour nội địa vẫn đang chờ khách.
Nguồn: https://baotintuc.vn/du-lich/du-lich-tet-2024-tour-nuoc-ngoai-kin-cho-tour-noi-dia-trong-khach-20231220110217086.htm
3. Bamboo Airways ‘chia tay’ đơn vị dịch vụ mặt đất SAGS, hợp tác với Pacific Airlines
Bamboo Airways và Công ty cổ phần phục vụ mặt đất Sài Gòn (SAGS) sẽ chấm dứt hợp tác từ 1-1-2024. Khâu check-in, bốc xếp hành lý, xe buýt chở khách… của SAGS không còn phục vụ cho Bamboo Airways. Theo tìm hiểu, Bamboo Airways và SAGS có vướng mắc trong khâu hợp tác liên quan các khoản nợ quá hạn thanh toán. Đó là một phần lý do dẫn đến việc “chia tay” của hai bên trong quá trình cung cấp dịch vụ hàng không phục vụ chuyến bay của Bamboo Airways.
Đánh giá sự việc SAGS dừng cung cấp dịch vụ cho Bamboo Airways ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc đi lại của hành khách, Cục Hàng không đã nhập cuộc yêu cầu các bên báo cáo, đánh giá phương án thay thế nhà cung cấp dịch vụ mới. Bamboo Airways thông tin chọn được đối tác mới thay thế SAGS, theo đó  đơn vị lo dịch vụ mặt đất cho hãng bay này sẽ là Hãng Pacific Airlines. Hoạt động mặt đất của Bamboo Airways vẫn đảm bảo, theo hãng là không có vấn đề xáo trộn gì quá lớn, chỉ thay đổi giữa nhà cung cấp này sang nhà cung cấp dịch vụ khác.
Nguồn: https://tuoitre.vn/bamboo-airways-chia-tay-don-vi-dich-vu-mat-dat-sags-hop-tac-voi-pacific-airlines-20231227121047117.htm

Nhóm tin về ngành kĩ thuật – công nghệ

1. Mỹ xem xét tăng thuế đối với xe điện của Trung Quốc
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang thảo luận phương án tăng thuế nhập khâu với một số mặt hàng của Trung Quốc bao gồm xe điện và thiết bị năng lượng mặt trời. Theo các các nguồn tin, qua động thái này, Washington muốn củng cố sức mạnh của ngành năng lượng sạch trong nước trước các mặt hàng xuất khẩu giá rẻ của Trung Quốc. Các nguồn tin cho biết thêm, ngoài xe điện, các quan chức Mỹ cũng đang nhắm áp thuế các sản phẩm năng lượng mặt trời và bộ pin xe điện của Trung Quốc. Mỹ hiện chủ yếu nhập khẩu vật liệu và thiết bị năng lượng mặt trời từ các nước Đông Nam Á, nhưng Trung Quốc vẫn là nhà cung cấp pin xe điện hàng đầu.
Việc tăng một số mức thuế có thể cho phép Tổng thống Biden truyền đi thông điệp rằng, ông cứng rắn với Trung Quốc khi người đứng đầu nước Mỹ bước vào chiến dịch tái tranh cử trong năm 2024, và có thể một lần nữa sẽ so kè với đối thủ đảng Cộng hòa Donald Trump.
Nguồn: https://thesaigontimes.vn/my-xem-xet-tang-thue-doi-voi-xe-dien-cua-trung-quoc/
2. Dịch vụ giao hàng bằng máy bay không người lái đã sẵn sàng tại một số tiểu bang Hoa Kỳ
Mặc dù drone đã thực hiện giao hàng trên khắp thế giới suốt hơn một thập kỷ qua, nhưng chủ yếu là hoạt động kinh doanh tích hợp, giới hạn trong trường hợp khẩn cấp hay cung cấp vật tư y tế. Mới đây, Cục Hàng không Liên bang (FAA) đã cho phép sử dụng máy bay không người lái quy mô lớn hơn với bộ quy tắc được thay đổi vào tháng 9/2023. Zipline, công ty giao hàng bằng máy bay không người lái (drone) có trụ sở tại San Francisco, dự kiến đi vào hoạt động tại 15 thành phố Hoa Kỳ vào năm 2025, theo báo cáo từ Yahoo Finance.
Ông Rob Enderle, Chủ tịch kiêm cố vấn cấp cao tại Enderle Group, dịch vụ tư vấn đặt trụ sở tại Bend (Oregon), lưu ý: “Động thái thay đổi quy định từ chính phủ mở ra cơ hội cho thị trường phân phối máy bay không người lái, phát triển công nghệ cả về chi phí lẫn quy mô”. Tận dụng cơ hội, Zipline mở rộng hoạt động nhằm cung cấp thực phẩm, thuốc men, hàng tiêu dùng và một số sản phẩm khác cho hàng triệu người Mỹ theo xu hướng xanh, giảm hơn 97% lượng khí thải mỗi lần giao hàng so với một chiếc xe chạy bằng xăng.
Nguồn: https://vneconomy.vn/dich-vu-giao-hang-bang-may-bay-khong-nguoi-lai-da-san-sang-tai-mot-so-tieu-bang-hoa-ky.htm
3. Các hãng xe Nhật đầu tư hàng tỷ đôla sản xuất xe điện tại Thái Lan
Bốn hãng xe Nhật Bản gồm Toyota, Honda, Isuzu và Mitsubishi cam kết đầu tư 150 tỷ baht (4,34 tỷ đôla) vào Thái Lan trong 5 năm tới nhằm hỗ trợ nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á chuyển đổi sang sản xuất xe điện. Động thái này diễn ra sau khi Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin cảnh báo các hãng xe Nhật Bản có thể bị “bỏ lại phía sau” khi các đối thủ từ Trung Quốc đang dần chiếm lĩnh thị trường xe điện Thái Lan.
Hôm 25/12, ông Chai Wacharok, người phát ngôn chính phủ Thái Lan cho biết, con số 150 tỷ baht nói trên đến từ bốn hãng xe lớn của Nhật Bản. Trong đó, Toyota và Honda mỗi hãng đầu tư 50 tỷ baht, Isuzu cam kết 30 tỷ baht và Mitsubishi Motors là 20 tỷ baht. Các khoản đầu tư của các hãng xe Nhật Bản sẽ hỗ trợ chính sách chuyển đổi từ xe động cơ đốt trong sang xe điện của Thái Lan.
Nguồn: https://thesaigontimes.vn/cac-hang-xe-nhat-dau-tu-hang-ti-do-la-san-xuat-xe-dien-tai-thai-lan/
4. LG đàm phán xây nhà máy nguyên liệu pin trị giá 800 triệu USD ở Indonesia
LG Energy Solution (LGES) của Hàn Quốc đang đàm phán với Indonesia về thỏa thuận trị giá 600-800 triệu USD để xây dựng nhà máy cực âm pin xe điện (EV) ở khu công nghiệp Batang, tỉnh Trung Java. Nhà máy này là một phần trong cam kết trị giá 2,4 tỷ USD của LGES nhằm xây dựng một nhà máy tại khu công nghiệp Batang để sản xuất 220.000 tấn tiền chất và 42.000 tấn cực âm mỗi năm. Đây là những nguyên liệu thô chính cho nhà máy pin ở huyện Karawang, tỉnh Tây Java, do PT Hyundai LG Industry (HLI) Green Power – liên doanh giữa LGES và Tập đoàn ô tô Hyundai điều hành.
Trước đó vào ngày 8/6/2022, LGES đã khởi công các cơ sở chế biến nickel ở KCN Batang, một phần trong cam kết đầu tư 9,8 tỷ USD của công ty vào chuỗi cung ứng EV toàn diện tại Indonesia. Phát biểu tại buổi lễ với sự tham dự của Tổng thống Joko Widodo, các nhà lãnh đạo của LGES khẳng định rằng cam kết này cũng bao gồm các kế hoạch xây dựng một nhà máy luyện kim trị giá 3,5 tỷ USD với công suất 150.000 tấn nickel sunfat mỗi năm.
Nguồn: https://bnews.vn/lg-dam-phan-xay-nha-may-nguyen-lieu-pin-tri-gia-800-trieu-usd-o-indonesia/319143.html
5. Làn sóng xe điện đổ bộ ‘thế giới dầu mỏ’
Theo Automotive News, một số gã khổng lồ năng lượng đang tìm cách bổ sung cây sạc xe điện vào các trạm xăng sẵn có. Trong khi đó, người đứng đầu Saudi Aramco – công ty dầu mỏ lớn nhất thế giới – cũng vừa gia nhập ban giám đốc của BlackRock, một trong những công ty đi đầu trong việc đầu tư vào quá trình phi carbon. Các quốc gia Trung Đông từ lâu đã nổi tiếng với nguồn tài nguyên dầu khí dồi dào. Nhưng khu vực này đang tìm cách đầu tư vào một tương lai mới bền vững hơn, và xe điện có thể sẽ định hình tương lai đó.
Saudi Arabia đang nghiên cứu thương hiệu xe điện của riêng mình, Ceer, và sở hữu khoảng 60% cổ phần tại hãng xe điện hạng sang Lucid Motors. Quỹ đầu tư công của nước này cũng vừa rót thêm 1,8 tỷ USD vào Lucid. UAE cũng bắt tay với Einride, một công ty vận tải đường bộ có trụ sở tại Thụy Điển, chuyên vận chuyển hàng hóa bằng xe tải tự hành chạy điện. Dù vẫn chỉ dừng lại là một biên bản ghi nhớ, đây vẫn đánh dấu việc Einride đặt chân vào Trung Đông với kế hoạch phát triển đội xe tải điện tự hành lớn nhất khu vực. Kế hoạch này dự kiến mất khoảng 5 năm để hoàn thành.
Nguồn: https://znews.vn/lan-song-xe-dien-do-bo-the-gioi-dau-mo-post1451235.html
6. Intel chấp nhận lãi suất cao, trợ cấp lớn khi đầu tư chip tại Israel
Chính phủ Israel đã phê duyệt khoản tài trợ 3,2 tỷ USD cho một nhà máy chip mới trị giá 25 tỷ USD mà Intel dự định xây dựng ở miền nam nước này. Tin tức được đưa ra trong bối cảnh Israel vẫn đang mắc kẹt trong cuộc chiến với nhóm chiến binh Palestine Hamas. Intel có kế hoạch mở rộng địa điểm sản xuất Kiryat Gat, nơi họ có một nhà máy sản xuất chip cách Gaza do Hamas kiểm soát 42 km.Công ty Mỹ coi đây là “một phần quan trọng trong nỗ lực của Intel nhằm thúc đẩy chuỗi cung ứng toàn cầu linh hoạt hơn”. Đây cũng là khoản đầu tư nước ngoài lớn nhất vào Israel từ trước đến nay.
Ofir Yosefi, Phó tổng giám đốc Cơ quan Đầu tư Israel, cho biết Intel đã chọn mức trợ cấp cao đi kèm thuế suất doanh nghiệp tương ứng, thay vì lựa chọn trợ cấp ít và thuế suất thấp. Cụ thể, Intel sẽ phải trả thuế 7,5% so với 5,5%. Ngoài khoản tài trợ lên tới 12,8% tổng vốn đầu tư, nhà sản xuất chip này còn cam kết mua hàng hóa và dịch vụ trị giá 60 tỷ shekels (16,6 tỷ USD) từ các nhà cung cấp Israel trong 10 năm tới. Dưới thời CEO Pat Gelsinger, Intel đang rót hàng tỷ USD để xây dựng nhà máy bán dẫn trên khắp ba châu lục, nhằm khôi phục sự thống trị trong lĩnh vực sản xuất chip và cạnh tranh tốt hơn với các đối thủ AMD, Nvidia và Samsung.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/intel-pha-ky-luc-dau-tu-vao-israel-voi-nha-may-chip-moi-2231761.html
7. TikTok sắp có cú chuyển mình lớn
Không ‘giậm chân’ với dạng clip ngắn quen thuộc, TikTok đang lên kế hoạch đẩy mạnh các video dài trên 1 phút. Trong đó, động thái đáng chú ý nhất chính là việc hãng sẽ tắt chế độ kiếm tiền đối với những video dưới 60 giây. Quyết định này nhằm thúc đẩy các nhà sáng tạo nội dung chuyển sang sản xuất các đoạn video có thời lượng dài hơn. Từ trước tới nay, TikTok vốn luôn ấp ủ kế hoạch kéo dài thời lượng video, bắt đầu từ những đoạn clip 1 phút, sau đó nâng lên thành 3 – 5 phút và hiện là 10 phút. Thậm chí, một số nguồn tin cho biết công ty còn đang thử nghiệm những video dài 15 phút. Theo chuyên gia, yếu tố thời lượng chính là bàn đạp để TikTok gia tăng thêm doanh thu quảng cáo.
Theo ông Scott Kessler, người đứng đầu mảng công nghệ tại Công ty nghiên cứu Third Bridge, các đoạn video dài sẽ giúp TikTok dễ dàng chèn quảng cáo ở nhiều vị trí hơn. Ngoài ra, khi thời lượng chung của video tăng lên, thời lượng quảng cáo cũng sẽ được kéo dài tương ứng. Từ đó, các nhãn hàng sẽ truyền tải được nhiều thông điệp hơn tới người dùng. Không chỉ vậy, theo nhận định từ phía TikTok, các video dài hơn 1 phút sẽ góp phần giúp người dùng ở lại ứng dụng lâu hơn. Bên cạnh đó, những nhà sáng tạo nội dung từ các nền tảng khác, chẳng hạn YouTube, sẽ không còn phải “cắt gọt” video quá nhiều để đáp ứng tiêu chí thời lượng ngắn trên TikTok.
Nguồn: https://baodautu.vn/tiktok-sap-co-cu-chuyen-minh-lon-nhat-lich-su-d205900.html
8. Meta bị phạt 6,4 triệu USD vì quảng cáo cờ bạc
Cơ quan quản lý viễn thông quốc gia Ý (AGCOM) ngày 22-12 đã phạt Tập đoàn Meta 5,85 triệu euro (6,4 triệu USD) về hành vi quảng cáo cờ bạc. Theo AGCOM, khoản tiền phạt nói trên được áp dụng đối với Meta Platforms Ireland Limited – một công ty con thuộc Tập đoàn Meta. Kết quả điều tra đối với công ty này cho thấy “tài liệu quảng cáo hoặc các hình thức quảng cáo, bao gồm cả gián tiếp, cổ xúy cá cược hoặc đánh bạc ăn tiền liên quan tới hơn 18 hồ sơ/tài khoản (5 trên Instagram và 13 trên Facebook – cùng là những ứng dụng thuộc Meta), cũng như 32 nội dung được tài trợ”.
Kể từ năm 2018, Ý áp dụng lệnh cấm tất cả các phương tiện truyền thông – bao gồm cả các trang mạng xã hội – quảng cáo cho hoạt động cờ bạc. Trước Meta, AGCOM cũng đã phạt hai nền tảng YouTube và Twitch vì những hành vi tương tự.
Nguồn: https://tuoitre.vn/meta-bi-phat-6-4-trieu-usd-vi-quang-cao-co-bac-20231223113516161.htm
9. Giải thưởng 3 triệu USD của VinFuture 2023 gọi tên phát minh pin năng lượng xanh
Tối 20/12, lễ trao Giải thưởng VinFuture 2023 diễn ra tại Hà Nội. Bốn nhà khoa học: GS Martin Andrew Green (Úc), GS Stanley Whittingham (Mỹ), GS Rachid Yazami (Morocco), GS Akira Yoshino (Nhật Bản) đã được trao giải thưởng chính VinFuture 2023 với phát minh đột phá kiến tạo nền tảng bền vững cho năng lượng xanh thông qua việc sản xuất bằng pin mặt trời và lưu trữ bằng pin lithium-ion.
Giải đặc biệt VinFuture 2023 dành cho nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển vinh danh GS Gurdev Singh Khush (người Mỹ gốc Ấn) và GS Võ Tòng Xuân (người Việt Nam) vì những đóng góp quan trọng trong việc phát minh và phổ biến giống lúa kháng bệnh, góp phần đảm bảo an ninh lương thực. So với mùa giải VinFuture đầu tiên, số công trình được đề cử năm nay đã tăng gấp ba. Bốn công trình đạt giải đã xuất sắc vượt qua gần 1.400 đề cử ấn tượng đến từ 90 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Nguồn: https://tuoitre.vn/giai-thuong-3-trieu-usd-cua-vinfuture-2023-goi-ten-phat-minh-pin-nang-luong-xanh-20231220220650818.htm
10. Nhiều máy chủ Việt Nam có nguy cơ bị đánh cắp thông tin
Ngày 25-12, các chuyên gia của Bkav lên tiếng cảnh báo nguy cơ nhiều máy chủ tại Việt Nam bị đánh cắp thông tin sau khi rà soát các máy chủ Linux và phát hiện ra nhiều mẫu vi rút là biến thể của dòng vi rút có tên Elknot. Trước đó, nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam đã gửi yêu cầu đề nghị kiểm tra trong tháng 10 và 11.
Các chuyên gia Bkav khuyến cáo quản trị viên của các hệ thống mạng doanh nghiệp nên lập tức rà soát vi rút trên các máy chủ và cần thực hiện thường xuyên. Doanh nghiệp cần có chính sách hoặc quy định về việc định kỳ đánh giá an ninh dịch vụ máy chủ chạy công khai, cập nhật các phiên bản mới, bản vá cho các dịch vụ đang chạy trên máy chủ. Đồng thời nên sử dụng phần mềm diệt vi rút, giải pháp an ninh mạng để đảm bảo an toàn cho máy cá nhân cũng như hệ thống trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.
Nguồn: https://tuoitre.vn/nhieu-may-chu-viet-nam-co-nguy-co-bi-danh-cap-thong-tin-20231225102711842.htm

Nhóm tin về ngành công nghiệp nặng – năng lượng

1. Công ty Singapore muốn mua 100% cổ phần 5 dự án điện gió ở Quảng Trị
Cuối tháng 11-2023, Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Trị nhận được hồ sơ của Công ty Sembcorp Solar Vietnam Pte.Ltd đề xuất được góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào Công ty TNHH Điện gió Hướng Phùng với số vốn góp là 710 tỉ đồng (chiếm 100% tổng vốn điều lệ của Công ty TNHH Điện gió Hướng Phùng). Cũng công ty trên muốn mua 100% tổng vốn điều lệ của Công ty TNHH MTV Năng lượng Gelex Quảng Trị với số vốn là 1.269 tỉ đồng. Doanh nghiệp muốn mua vốn có quốc tịch Singapore, trụ sở đặt tại Singapore và người đại diện có quốc tịch Singapore.
HIện tại, Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Trị đang lấy ý kiến các bộ ngành trung ương và địa phương về việc một công ty Singapore nộp hồ sơ mua lại 100% cổ phần của 5 dự án điện gió này.
Nguồn: https://tuoitre.vn/cong-ty-singapore-muon-mua-100-co-phan-5-du-an-dien-gio-o-quang-tri-20231223173848821.htm

Nhóm tin về liên kết, đầu tư, start-up, DN mới

1. Reliance, Walt Disney ký thỏa thuận về hoạt động truyền thông tại Ấn Độ
The Economic Times ngày 25/12 đưa tin, Reliance Industries – công ty có giá trị lớn nhất Ấn Độ- và tập đoàn giải trí và truyền thông đa phương tiện hàng đầu thế giới The Walt Disney Co. đã ký một bản điều khoản không ràng buộc để hợp nhất các hoạt động truyền thông của họ tại Ấn Độ. Theo thương vụ sáp nhập, Reliance sẽ sở hữu 51% cổ phần thông qua cổ phiếu và tiền mặt, còn Disney nắm giữ 49% cổ phần còn lại.
Thỏa thuận này có thể sẽ được hoàn thành vào tháng 2/2024 và Reliance đặt mục tiêu hoàn tất quá trình này vào cuối tháng Một tới, tùy thuộc vào sự thi hành quy định. Thương vụ này sẽ tạo ra một trong những đế chế giải trí lớn nhất Ấn Độ, cạnh tranh với các công ty truyền hình như Zee Entertainment và Sony, cũng như những gã khổng lồ trong mảng truyền phát trực tuyến bao gồm Netflix và Amazon Prime.
Nguồn: https://bnews.vn/reliance-walt-disney-ky-thoa-thuan-ve-hoat-dong-truyen-thong-tai-an-do/319288.html
2. AstraZeneca sắp thực hiện thương vụ mua lại đầu tiên tại Trung Quốc
AstraZeneca chuẩn bị thực hiện thương vụ mua bán và sáp nhập đầu tiên của hãng tại Trung Quốc với việc công bố kế hoạch mua Gracell Biotechnology với giá lên tới 1,2 tỷ USD để tăng đầu tư vào các liệu pháp tế bào để điều trị ung thư. Hãng dược phẩm Anh-Thụy Điển đang cố gắng tận dụng vị thế là một trong những nhà sản xuất dược phẩm lớn nhất ở Trung Quốc theo doanh số bán để tìm kiếm các giao dịch tiềm năng. Tuy nhiên, giống như các công ty dược phẩm đối thủ, AstraZeneca chủ yếu ký các thỏa thuận cấp phép cho một số loại thuốc cụ thể chứ không phải mua lại hoàn toàn.
Theo các điều khoản của thỏa thuận, AstraZeneca sẽ mua lại toàn bộ vốn cổ phần đã pha loãng (chào bán lần thứ hai0 của Gracell với mức giá 2 USD cho mỗi cổ phiếu phổ thông bằng tiền mặt, cộng thêm 0,3 USD trên mỗi cổ phiếu nếu đạt đến một mốc quy định. Trên cơ sở đó thương vụ được định giá ở mức 1,2 tỷ USD. Thỏa thuận dự kiến sẽ kết thúc vào quý I/2024.
Nguồn: https://bnews.vn/astrazeneca-sap-thuc-hien-thuong-vu-mua-lai-dau-tien-tai-trung-quoc/319376.html
3. KPMG lên kế hoạch sáp nhập các doanh nghiệp ở Anh và Thụy Sỹ
KPMG, một trong 4 công ty kế toán lớn nhất trên thế giới (còn gọi là nhóm “Big Four”), vừa cho biết họ đang xem xét việc sáp nhập các doanh nghiệp ở Anh (UK) và Thụy Sỹ nhằm tăng lợi nhuận. Giám đốc điều hành (CEO) Jon Holt của KPMG UK cho biết, KPMG UK đã bắt đầu đàm phán với đơn vị Thụy Sỹ để tìm cách hợp tác chặt chẽ nhằm mang lại lợi ích cho khách hàng và đối tác.
Tờ Financial Times lần đầu tiên đưa tin về khả năng sáp nhập và cho biết KPMG Thụy Sỹ có 2.600 nhân viên, trong khi họ sử dụng khoảng 17.000 nhân viên làm việc ở Anh. Trước đó, vào tháng 10/2023 hãng tin Reuters đưa tin rằng KPMG đang có kế hoạch cắt giảm khoảng 100 việc làm trong lĩnh vực tư vấn thỏa thuận ở Anh.
Nguồn: https://bnews.vn/kpmg-len-ke-hoach-sap-nhap-cac-doanh-nghiep-o-anh-va-thuy-sy/319368.html
4. Người Thái thâu tóm thêm một ‘ông lớn’ ngành bao bì
SCGP – một công ty thành viên của SCG Group (Thái Lan), vừa thông báo đã mua lại 70% vốn của Công ty cổ phần Starprint Việt Nam (SPV). Việc đầu tư được thực hiện thông qua SCGP Solutions – công ty con 100% vốn của SCGP. Tổng vốn đầu tư hơn 676 tỷ đồng, tương đương hơn 987 triệu baht. Như vậy, SPV được định giá khoảng 965 tỷ đồng. Trước đó, hồi cuối tháng 4, doanh nghiệp Thái từng cho biết đang mua lại 70% vốn của Starprint Việt Nam với giá 1,53 tỷ baht. Ban đầu, mọi thủ tục dự kiến được hoàn thành trong quý 3.
Starprint Việt Nam hoạt động từ năm 2001. Đây là nhà sản xuất bao bì carton in offset hàng đầu tại Việt Nam, với tổng công suất 16.500 tấn in offset và 8 triệu hộp cứng mỗi năm từ hai cơ sở sản xuất đặt tại Khu công nghiệp Long Bình (Amata) ở Đồng Nai. Khách hàng của doanh nghiệp này chủ yếu là các công ty trong nước và đa quốc gia trong lĩnh vực hàng tiêu dùng nhanh và tăng trưởng cao như Unilever, Colgate, Nestle, Heineken, P&G, Walmart, Trung Nguyên…
Nguồn: https://vnexpress.net/nguoi-thai-thau-tom-them-mot-ong-lon-nganh-bao-bi-4692209.html
5. Năm 2023, Việt Nam thu hút hơn 36,6 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), sự phục hồi của dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam những tháng cuối năm đã khiến dòng vốn này trong cả năm 2023 tăng mạnh so với năm 2022. Cụ thể, theo số liệu vừa được công bố, tính đến ngày 20/12/2023, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt gần 36,61 tỷ USD, tăng 32,1% so với cùng kỳ. Cùng với đó, vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt khoảng 23,18 tỷ USD, tăng 3,5% so với năm 2022. Đây là mức giải ngân kỷ lục kể từ trước tới nay.
Về lĩnh vực đầu tư, năm 2023, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt hơn 23,5 tỷ USD, chiếm 64,2% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng 39,9% so với cùng kỳ. Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư gần 4,67 tỷ USD, chiếm hơn 12,7% tổng vốn đầu tư đăng ký, tăng 4,8% so với cùng kỳ. Các ngành sản xuất, phân phối điện; tài chính – ngân hàng xếp thứ 3 và 4 với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt hơn 2,37 tỷ USD (tăng 4,9%) và gần 1,56 tỷ USD (gấp gần 27 lần). Còn lại là các ngành khác.
Nguồn: https://vneconomy.vn/nam-2023-viet-nam-thu-hut-hon-36-6-ty-usd-von-dau-tu-nuoc-ngoai.htm
6. Bầu Đức thông tin về việc bán 99% cổ phần Bệnh viện Hoàng Anh Gia Lai
Công ty CP Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, mã chứng khoán HAG) vừa công bố thông tin bất thường về việc chuyển nhượng 99% cổ phần Bệnh viện Đại học Y Dược – HAGL. Theo đó, HĐQT Hoàng Anh Gia Lai do ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) làm chủ tịch vào ngày 26-12 đã thông qua việc chuyển nhượng cổ phần 9,9 triệu cổ phần, tương đương 99% vốn điều lệ Công ty CP Bệnh viện Đại học Y Dược – HAGL để trả nợ gốc Trái phiếu 2016. Trước đó, HAGL đã bán khách sạn HAGL tại TP Pleiku, tỉnh Gia Lai với giá 180 tỉ đồng cũng với mục đích giảm nợ.
Từ khi HAGL công bố về mô hình “heo ăn chuối” vào đầu năm 2022, bầu Đức luôn thể hiện quyết tâm trả nợ. Ông đã lên kế hoạch xóa hết lỗ lũy kế của tập đoàn vào tháng 6-2024 và năm 2026 không còn nợ. Khi đó, HAGL sẽ là doanh nghiệp đầu tiên trên sàn chứng khoán không có nợ, kể cả vay vốn lưu động.
Nguồn: https://nld.com.vn/bau-duc-thong-tin-ve-viec-ban-99-co-phan-benh-vien-hoang-anh-gia-lai-196231227103731679.htm
BSAi