Brazil dừng nhập khẩu cá rô phi Việt Nam

Nhóm tin về ngành bán lẻ – thương mại điện tử

1. Thị trường bán lẻ di động năm 2024: Gồng mình vượt sóng
Năm 2023 là một năm thị trường bán lẻ di động gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của kinh tế vĩ mô dẫn đến sức mua giảm mạnh. Theo đại diện truyền thông của Thế Giới Di Động, năm 2023 sức mua nhóm hàng điện thoại, điện máy đã giảm mạnh. Đặc biệt là mặt hàng điện thoại, hầu hết các phân khúc và thương hiệu đều giảm sút so với năm 2022. Nguyên nhân dẫn đến việc này là do tình hình kinh tế vĩ mô, thu nhập người dùng giảm mạnh, điện thoại không phải là mặt hàng thiết yếu hay nhu yếu phẩm nên không còn được ưu tiên lựa chọn.
Đại diện các nhà bán lẻ cho rằng, năm 2024 thị trường bán lẻ di động tiếp tục trải qua đầy khó khăn và thách thức, đòi hỏi phải gồng mình vượt sóng bằng các chương trình ưu đãi và chờ hi vọng vào các sản phẩm mới. Theo bà Phùng Phương, đại diện truyền thông Di Động Việt, năm 2024 sẽ tiếp tục là một năm nhiều thách thức, do người dùng công nghệ khả năng vẫn thắt chặt chi tiêu, thị trường vẫn cần gồng mình để vượt sóng. Trong khi đó ông Nguyễn Thế Kha, Giám đốc Thương mại, Hệ thống FPT Shop cho biết, năm 2024 thị trường di động sẽ hi vọng vào các điện thoại được tích hợp hay trang bị những ‘khác biệt’ mang tính cách mạng, sẽ tạo động lực nâng cấp với người dùng.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/thi-truong-ban-le-di-dong-nam-2024-gong-minh-vuot-song-2247756.html
2. Hết thời điện thoại ‘đẻ trứng vàng’, doanh nghiệp bán lẻ tìm động lực mới
Thời kỳ điện thoại, máy tính ‘đẻ trứng vàng’ cho ngành bán lẻ ICT đã qua đi. Từ cuối năm 2022, sức cầu tiêu dùng bị ảnh hưởng bởi nền kinh tế hậu Covid khiến doanh số bán hàng sụt giảm. Cùng với đó là sự bão hòa của các mặt hàng điện thoại, máy tính khiến sự cạnh tranh trong ngành trở nên vô cùng khốc liệt. Thực tế này phản ánh ngay vào kết quả kinh doanh của MWG, FRT, DGW năm 2023.
Trong bối cảnh các mặt hàng điện thoại, máy tính không còn sức hút, các doanh nghiệp đã phải xoay chuyển phương hướng kinh doanh để tìm kiếm động lực tăng trưởng mới. MWG “đặt cược” vào chuỗi bán lẻ thực phẩm Bách Hóa Xanh, với việc tái cơ cấu toàn diện để có thể đóng góp lợi nhuận cho công ty. Tương tự MWG, FPT dồn lực cho chuỗi dược phẩm, khi trong năm vừa qua, FPT Long Châu mở mới tới 560 cửa hàng, nâng số lượng nhà thuốc phát sinh doanh thu lên đến 1.497. FRT còn xác định dược phẩm là mũi nhọn sắp tới khi mở rộng hệ sinh thái quanh lĩnh vực này, bắt đầu bằng việc mở các trung tâm tiêm chủng mang thương hiệu FPT Long Châu.
Nguồn: https://mekongasean.vn/het-thoi-dien-thoai-de-trung-vang-doanh-nghiep-ban-le-tim-dong-luc-moi-post31789.html
3. 2 tỉ đồng đã được chi để mua sô cô la qua Shopee dịp trước Tết
Năm nay, ngày lễ tình nhân (Valentine) rơi mùng 5 Tết âm lịch. Do đó, khách hàng có xu hướng đặt hàng sô cô la qua nền tảng trực tuyến từ sớm để chủ động trong việc tặng quà và sử dụng đồng thời cho cả dịp Tết. Thống kê trong vòng cuối tháng 1 đến những ngày đầu tháng 2-2024 (trước Tết Nguyên đán), sàn thương mại điện tử Shopee có doanh thu khoảng 2 tỉ đồng với nhóm sản phẩm sô cô la, gần 700 cửa hàng phát sinh đơn hàng, 30 triệu sản phẩm giao thành công qua nền tảng này, ước tính doanh thu tăng 91% so với cùng kỳ 2023.
Năm 2024, theo Metric, nền tảng phân tích số liệu thương mại điện tử, dự báo sản phẩm sô cô la 2024 phân khúc giá 50.000 – 200.000 đồng đem lại doanh thu và sản lượng cao nhất với gần 2 tỉ đồng, chiếm gần 50% doanh thu mặt hàng sô cô la các loại.
Nguồn: https://www.sgtiepthi.vn/2-ti-dong-da-duoc-chi-de-mua-so-co-la-qua-shopee-dip-truoc-tet/
4. Flagship Store – Kết nối gian hàng địa phương trên sàn thương mại điện tử
Trước khó khăn của doanh nghiệp, cũng nhằm phát huy đầy đủ hiệu quả của các kênh thương mại điện tử, Trung tâm Tin học và Công nghệ số (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số – Bộ Công Thương) đã và đang kết nối các Sở, Ban, ngành địa phương với các nền tảng thương mại điện tử và các đơn vị cung cấp dịch vụ thương mại điện tử để triển khai mô hình Flagship Store – Gian hàng địa phương trên các sàn thương mại điện tử.
Đây cũng là một giải pháp nằm trong Chương trình ứng dụng thương mại điện tử quốc gia GoOnline do Cục thương mại điện tử và Kinh tế số đầu mối chủ trì, hợp tác với các nền tảng TMĐT lớn, sẽ cung cấp các giải pháp đồng bộ giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa ở các địa phương tối ưu quy trình vận hành, quản lý kênh bán hàng để phân phối các sản phẩm của các Doanh nghiệp của địa phương mang lại hiệu quả tốt nhất.
Nguồn: https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/flagship-store-ket-noi-gian-hang-dia-phuong-tren-san-thuong-mai-dien-tu-116965.htm

Nhóm tin về ngành thực phẩm – ẩm thực

1. Một tiệm bánh Nhật Bản dùng AI để sản xuất ‘bánh mì tình yêu’
Tiệm bánh lâu đời nhất đất nước, Kimuraya, đã hợp tác với công ty điện tử Nhật Bản NEC Corp để sản xuất thứ mà họ gọi là “Ren AI Pan” – có nghĩa là “Bánh mì lãng mạn AI”. NEC và Kimuraya tuyên bố sản phẩm mới, có năm hương vị, nắm bắt được bản chất cảm xúc mà nhiều người trong chúng ta liên tưởng đến tình yêu. Theo đó, NEC đã sử dụng công nghệ AI của mình để phân tích các cuộc trò chuyện từ một chương trình hẹn hò thực tế trên truyền hình cũng như các bài hát có đề cập đến trái cây và đồ ngọt trong lời bài hát.
Thông qua phân tích này, họ xác định được 5 cảm xúc lãng mạn chính: lần gặp gỡ đầu tiên, buổi hẹn hò đầu tiên, ghen tuông, đau lòng và yêu nhau. Sau đó, người ta cho rằng tiệm bánh đã sử dụng bí quyết riêng của mình để biến những cảm xúc này thành nhiều hương vị khác nhau của bánh mì. Hiện tại, những loại “bánh mì tình yêu” này đã được bán tại các siêu thị khu vực Kanto của Nhật Bản và trên cửa hàng trực tuyến của Kimuraya Bakery.
Về nguyên nhân dẫn đến sự kết hợp này, có vẻ như cả hai thương hiệu đều phải đối mặt với một thách thức tương tự: làm thế nào để tăng sức hấp dẫn đối với thế hệ người Nhật trẻ tuổi. Thông qua nghiên cứu thị trường, Kimuraya phát hiện dù ngày càng nhiều thanh niên Nhật nói rằng họ không quan tâm đến việc theo đuổi các mối quan hệ lãng mạn nhưng trên thực tế, mong muốn hẹn hò, yêu và kết thúc với một người bạn đời của giới trẻ vẫn rất mạnh mẽ. Nhận ra khoảng cách này, công ty đã quyết định tạo ra AI Love Bread, sản phẩm tái tạo hương vị lãng mạn để gợi lên cảm giác yêu đương khi họ ăn nó – trên thực tế, truyền cảm hứng cho họ đưa một số cảm giác đó vào cuộc sống cá nhân của mình.
Nguồn: https://znews.vn/doanh-nghiep-nhat-tung-ra-loai-banh-mang-5-huong-vi-cua-tinh-yeu-post1459334.html
2. Hội chợ THAIFEX – HOREC Asia 2024: Quy tụ hơn 300 công ty trưng bày giới thiệu các sản phẩm nổi bật trong lĩnh vực HORECA
Hội chợ THAIFEX – HOREC Asia 2024 (gọi tắt là HOREC) sẽ diễn ra từ 6 đến 8-3-2024, tại trung tâm hội chợ IMPACT Muang Thong Thani, Bangkok, Thái Lan – được tổ chức bởi Cục Xúc tiến Thương mại Quốc tế – DITP, Phòng Thương mại Thái Lan (TCC – the Thai Chamber of Commerce), và Công ty Koelnmesse. Cho đến nay, HOREC dự kiến có hơn 300 công ty trưng bày, trong đó 212 công ty quốc tế ở 23 quốc gia từ châu Âu, châu Mỹ và châu Á.
Hội chợ sẽ bao gồm 9 phân khúc trong ngành HoReCa, bao gồm Bánh nướng & Kem, Quán cà phê & Quán bar, Dịch vụ vệ sinh và giặt ủi, Dịch vụ ăn uống, Đồ nội ngoại thất, Bếp ăn thương mại, Dịch vụ, Công nghệ, Dịch vụ chăm sóc sức khỏe, với diện tích trưng bày trải rộng hơn 27.000 mét vuông. HOREC 2024 sẽ tập trung giới thiệu 6 xu hướng mới, như trải nghiệm không chạm, chuyển đổi kỹ thuật số, tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu thực phẩm thừa, thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật và tính bền vững.
Nguồn: https://thesaigontimes.vn/hoi-cho-thaifex-horec-asia-2024-quy-tu-hon-300-cong-ty-trung-bay-gioi-thieu-cac-san-pham-noi-bat-trong-linh-vuc-horeca/
3. Sản phẩm OCOP mang về lợi ích kép
Cho đến nay, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã không còn là chương  trình xóa đói giảm nghèo cho các địa phương vùng nông thôn, đặc biệt là khu vực nông thôn vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Sản phẩm OCOP đã dần khẳng định vị thế cũng như chất lượng và khả năng cạnh tranh khi giao thương thị trường nội địa và thị trường thế giới. Đây là chương trình tạo nên tiếng vang cho sản phẩm nông nghiệp Việt Nam, kết nối nhiều lĩnh vực cùng phát triển, thu lợi nhuận kép cho nông thôn.
Sau 5 năm triển khai, theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nước đã có trên 10.800 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên của trên 5.600 chủ thể OCOP; trong đó, có 37,9% là hợp tác xã, 24% là doanh nghiệp, 35,2% là cơ sở sản xuất/hộ kinh doanh, còn lại là tổ hợp tác. Sản phẩm OCOP đã từng bước khai thác và phát huy được những giá trị đặc sản, văn hóa và giá trị truyền thống của địa phương.
Nguồn: https://bnews.vn/san-pham-ocop-mang-ve-loi-ich-kep/324299.html
4. Sức mua thịt, trứng đang yếu
Tại TP HCM những ngày gần đây, nhiều xe đẩy bán trứng gia cầm với giá rất thấp, chỉ 15.000-20.000 đồng/chục. Các chợ, siêu thị cũng bán trứng giá rẻ hơn trước Tết khá nhiều. Nguyên nhân giá trứng gia cầm liên tục giảm từ trước Tết chủ yếu do các cơ sở sản xuất bánh không làm từ trứng tươi mà chuyển sang dùng bột trứng, công nhân nghỉ Tết sớm cộng học sinh nghỉ học dài ngày dẫn tới lượng tiêu thụ sụt giảm đáng kể.
Không chỉ các mặt hàng trứng gia cầm ế ẩm mà tiêu thụ thịt heo cũng khá chậm. Hiện giá heo hơi có nhích lên so với trước Tết nhưng vẫn chưa thể vượt 60.000 đồng/kg. Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, nhận xét giá heo hơi tăng nhẹ nhưng sức mua vẫn còn chậm; tiêu thụ thịt heo đang giảm khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nguồn: https://nld.com.vn/suc-mua-thit-trung-dang-yeu-196240220203744389.htm

Nhóm tin về nông nghiệp – thủy sản – chăn nuôi

1. Sầu riêng, cà phê… tiếp tục trúng giá
Tết này, nông dân trồng sầu riêng, cà phê, lúa gạo ăn Tết lớn vì trúng giá và vui hơn khi mặt bằng giá cao có thể vẫn duy trì. Ngay đầu năm Giáp Thìn, nhà vườn trồng sầu riêng nghịch vụ, chủ yếu ở ĐBSCL đã phấn khởi khi giá bán xô tại vườn ở mức từ 120.000 – 150.000 đồng/kg (giống Ri 6) và 170.000 – 200.000 đồng/kg (giống Monthong). Với mức giá này, theo tính toán của nhà vườn, dù phải đầu tư lớn để xử lý ra quả nghịch vụ nhưng lợi nhuận mang về lên đến 1 tỉ đồng/ha.
Bên cạnh sầu riêng, những ngày đầu năm Giáp Thìn, giá cà phê lập đỉnh lịch sử hơn 80.000 đồng/kg vào ngày 12-2 (mùng 3 Tết), ngoài sức tưởng tượng của những người có kinh nghiệm lâu năm trong ngành và cao gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023.  Trên sàn London, giá cà phê Robusta cao nhất khi giao vào tháng 3, ở mức 3.247 USD/tấn và giao vào tháng 7 là 3.050 USD/tấn do sau tháng 4, thế giới có thêm nguồn thu hoạch từ cà phê Brazil. Dù vậy, so với mức 1.200 USD – 1.400 USD/tấn những năm trước đây thì “vàng đen” của Việt Nam đã có giá hơn hẳn.
Nguồn: https://nld.com.vn/sau-rieng-ca-phe-tiep-tuc-trung-gia-196240214174130491.htm
2. Vụ muối đầu năm năng suất cao nhưng giá thấp, diêm dân thất thu
Vụ muối đầu năm nay của diêm dân Bến Tre rất thuận lợi do nắng gay gắt, không có mưa trái mùa, năng suất muối đạt cao. Tuy nhiên, diêm dân kém vui vì giá muối đầu vụ ở mức trung bình và thấp hơn gần phân nửa so với cùng vụ năm ngoái. Ở thời điểm này, muối sản xuất theo mô hình phủ bạc chỉ ở mức gần 40.000 đồng/giạ; trong khi đó thời điểm này năm ngoái muối giá trên 70.000 đồng/giạ. Do đó, hiện nay đa số diêm dân sau khi thu hoạch muối đều trữ lại chờ giá lên mới bán để có lợi nhuận cao hơn.
Bến Tre là một trong số ít các địa phương vùng ĐBSCL còn duy trì nghề sản xuất muối thương phẩm. Toàn tỉnh hiện có khoảng 1.400 ha muối, tập trung chủ yếu ở 2 huyện Bình Đại, Ba Tri. Cá biệt tại huyện Ba Tri có gần 1000 ha, chủ yếu ở xã Bảo Thạnh, Bảo Thuận, An Thủy, Tân Thủy.
Nguồn: https://vov.vn/kinh-te/vu-muoi-dau-nam-nang-suat-cao-nhung-gia-thap-diem-dan-that-thu-post1077296.vov
3. Giá tôm thương phẩm đầu năm tăng khá
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang cho biết, năm  2024, Tiền Giang có kế hoạch đưa trên 14.700 ha mặt nước vào nuôi thủy sản, tạo nguồn nông sản hàng hóa với sản lượng thu hoạch dự kiến trên 200.000 tấn tôm cá các loại phục vụ nhu cầu thị trường. Từ đó, đưa việc nuôi trồng thủy sản trở thành một trong những mũi nhọn kinh tế nông nghiệp của địa phương. Đáng mừng là đầu năm, giá tôm thương phẩm tăng khá, nông dân các vùng nuôi rất phấn khởi.
Cụ thể, giá tôm sú đang ở mức 120.000 – 225.000 đồng/kg tùy cỡ, tăng 6.000 – 10.000 đồng/kg so với tháng trước; tôm thẻ cũng có giá khoảng 82.000 – 118.000 đồng/kg tùy cỡ, tăng 9.000 – 15.000 đồng/kg so tháng trước.
 Nguồn: https://baotintuc.vn/kinh-te/gia-tom-thuong-pham-dau-nam-tang-kha-20240219102217847.htm
4. Giá cà phê vượt mốc 81.000 đồng/kg
Dù giá cà phê thế giới nhiều biến động trong tuần qua nhưng giá cà phê Tây  nguyên vẫn giữ xu hướng tăng và tiếp tục lập đỉnh mới. Sáng 19.2, giá cà phê ở Tây nguyên tiếp tục xu hướng tăng với mức phổ biến 400 – 500 đồng/kg và lập đỉnh mới. Hiện giá cao nhất ở Đắk Nông 81.600 đồng/kg, tại Đắk Lắk 81.500 đồng/kg, Gia Lai 81.400 đồng/kg, riêng Lâm Đồng 80.800 đồng/kg.
Theo một số doanh nghiệp, giá cà phê Tây Nguyên liên tục tăng vì sản lượng trong dân đang cạn dần. Những người có tài chính tốt trữ hàng đợi giá cũng đã bán ngay sau tết khi thị trường đạt mốc 80.000 đồng/kg. Vì thế nhiều doanh nghiệp buộc phải tiếp tục tăng giá thu mua để đủ số lượng trả nợ hợp đồng. Từ nay đến tháng 5, Việt Nam là nguồn cung cà phê duy nhất trên thế giới nên xu hướng tăng giá tiếp tục duy trì.
Nguồn: https://thanhnien.vn/gia-ca-phe-vuot-moc-81000-dong-kg-185240219104710283.htm
5. Hàng trăm nghìn ha cao su trên thế giới bị bỏ hoang, ngành cao su Việt Nam hưởng lợi
Giá cao su thế giới dự kiến tiếp tục hồi phục tích cực trong năm nay khi hàng trăm nghìn ha cao su tiểu điền trên thế giới đang bị bỏ hoang, khiến nguồn cung suy giảm. Trong khi đó, nhu cầu săm lốp toàn cầu dự kiến tăng. Giá cao su tự nhiên trên thị trường quốc tế đã có xu hướng phục hồi kể từ tháng 8/2023 và giá bán trung bình trong quý 4/2023 đã tăng hơn 10% so với quý 3/2023.
Theo đánh giá mới nhất của hãng chứng khoán FPT Securities (FPTS), thị trường toàn cầu có thể thiếu hụt khoảng 750.000 tấn cao su tự nhiên trong năm nay do hiện tượng El Nino tác động tiêu cực đến năng suất cây cao su; trong khi đó, nhu cầu săm lốp toàn cầu hồi phục tốt, kéo theo nhu cầu về cao su tự nhiên tăng lên.
Nguồn: https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/hang-tram-nghin-ha-cao-su-tren-the-gioi-bi-bo-hoang-nganh-cao-su-viet-nam-huong-loi-117003.htm
6. Giá cao su tự nhiên khó hạ nhiệt trong vài tháng tới
Giá cao su tự nhiên đã tăng lên mức cao chưa từng thấy trong 7 năm do nhu cầu ngày càng tăng từ ngành công nghiệp xe điện của Trung Quốc cùng với sản lượng kém ở Thái Lan, nước sản xuất cao su hàng đầu thế giới. Khu vực Đông Nam Á đã qua giai đoạn sản xuất cao điểm và đang bước vào mùa sản xuất cao su thiên nhiên thấp, kéo dài từ tháng 2 đến tháng 4. Không chỉ thời tiết ở Thái Lan bất lợi, nhiệt độ ban ngày khắc nghiệt ở Malaysia cũng khiến sản lượng mủ cao su giảm và buộc một số thợ cạo mủ cao su phải làm việc vào ban đêm.
Trong khi đó, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc dự kiến doanh số bán ô tô của nước này năm nay sẽ tăng lên khoảng 31 triệu xe. Doanh số bán ô tô tăng cao thúc đẩy nhu cầu cao su tự nhiên. Theo Michelin, vào tháng 12/2023, nhu cầu lốp dành cho xe mới của Trung Quốc đã tăng 30% so với một năm trước đó.
Nguồn: https://markettimes.vn/gia-cao-su-tu-nhien-kho-ha-nhiet-trong-vai-thang-toi-51603.html

Nhóm tin về thị trường xuất nhập khẩu

1. Trung Quốc và Malaysia đi đến những bước cuối trong thỏa thuận xuất khẩu sầu riêng
Thông tin từ South China Morning Post tiết lộ Trung Quốc và Malaysia đang trong quá trình hoàn tất thủ tục, để sầu riêng tươi Malaysia có thể tiếp cận thị trường tỷ dân. Dẫn lời Tổng lãnh sự Malaysia tại Hồng Kông, ông Muzambli Markam, South China Morning Post cho biết cả 2 chính phủ đang “xem xét thêm một số chi tiết” nhưng không có thông tin cụ thể về thời điểm thỏa thuận này sẽ được hoàn tất.
Trong một cuộc phỏng vấn hồi cuối tháng 12/2023 với tờ The Star, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và An ninh lương thực Malaysia, ông Chan Foong Hin, cho biết, việc xuất khẩu sầu riêng tươi sang Trung Quốc dự kiến sẽ trùng với dịp kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Malaysia-Trung Quốc, được tổ chức vào ngày 31/5 tới.
Nguồn: https://baodautu.vn/trung-quoc-va-malaysia-di-den-nhung-buoc-cuoi-trong-thoa-thuan-xuat-khau-sau-rieng-d209188.html
2. Brazil dừng nhập khẩu cá rô phi Việt Nam
Theo văn bản của Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, Cục này đã nhận được công thư số 65/2024/SDA/MAPA ngày 14/2/2024 của Cơ quan Kiểm dịch động thực vật, Bộ Nông nghiệp và Chăn nuôi Brazil (MAPA) về việc dừng nhập khẩu cá rô phi (Tilapia) từ Việt Nam kể từ ngày 14/2/2024 cho đến khi có kết luận rà soát rủi ro bệnh do virus TiLV theo Quyết định số 270 ngày 9/2/2024 của MAPA.
Vì vậy, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường đề nghị các cơ sở chế biến thủy sản trong danh sách xuất khẩu sang Brazil dừng xuất khẩu cá rô phi (Tilapia) sang thị trường Brazil kể từ ngày 14/2/2024.
Nguồn: https://baotintuc.vn/kinh-te/brazil-dung-nhap-khau-ca-ro-phi-viet-nam-20240220200637456.htm
3. Nhộn nhịp đơn hàng xuất khẩu đầu năm
Theo báo cáo từ Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 1-2024 ước đạt 33,57 tỉ USD, tăng 6,7% so với tháng 12-2023. So với cùng kỳ năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 1-2024 tăng 42%; trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 62,6%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 35,6%. Đây cũng là tháng có kim ngạch xuất khẩu cao nhất kể từ tháng 9-2022.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhận định thị trường đang phục hồi tốt. “Mặt hàng nào xuất khẩu cũng tăng đột biến. Xuất khẩu gạo, tôm, cá tra, cao su đều tăng trưởng 52,6% – 81% tùy mặt hàng; xuất khẩu hạt điều tăng tới 129%, rau quả tăng 112%, cà phê tăng 103%…” – ông Tiến dẫn chứng.
Nguồn: https://nld.com.vn/nhon-nhip-don-hang-xuat-khau-dau-nam-196240219214946007.htm
4. An Giang xuất khẩu lô xoài cát hạt lép đầu tiên sang Hàn Quốc
Ngày 19-2, Sở NN-PTNN tỉnh An Giang phối hợp với UBND huyện Chợ Mới    (tỉnh An Giang) tổ chức lễ công bố xuất khẩu lô xoài hạt lép đầu tiên sang thị trường Hàn Quốc và ký kết liên kết sản xuất, tiêu thụ xoài theo chuỗi giá trị. Phát biểu tại buổi lễ, bà Nguyễn Thị Minh Thuý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, nhấn mạnh xoài là cây chủ lực, có giá trị kinh tế cao, được An Giang định hướng chuyển đổi mạnh mẽ và đã đóng góp tích cực cho tăng trưởng nông nghiệp của tỉnh.
Nguồn:   https://nld.com.vn/an-giang-xuat-khau-lo-xoai-cat-hat-lep-dau-tien-sang-han-quoc-196240219124413486.htm
5. ‘Đường đua xanh’ thách thức doanh nghiệp năm 2024
Nhiều thị trường xuất khẩu đang đưa ra những tiêu chuẩn về xanh hóa sản phẩm. Nếu không tham gia vào đường đua này,  doanh nghiệp Việt sẽ bị loại khỏi cuộc chơi. Cập nhật về các quy định mới về xanh hóa, ông Trần Ngọc Quân, Tham tán thương mại Việt Nam tại tại Bỉ và EU, cho biết cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) sẽ thực hiện khai báo theo mẫu của EU từ tháng 6/2024. Tương tự, quy định Due Diligent trong EUDR, quy định Ecodesign trong ngành dệt may cũng sẽ có hiệu lực trong năm 2024.
Đồng thời, trong tháng 1, EU cũng đã ban hành rất nhiều ngưỡng dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, hầu hết ở mức 0.01mg/1kg, phê chuẩn chương trình kiểm soát thực phẩm có nguồn gốc động vật (Việt Nam là thủy sản, mật ong – đang xem xét trứng và sữa), và các biện pháp khẩn cấp và tạm thời kiểm soát an toàn thực phẩm tại cửa khẩu.
Bước sang năm 2024, Bộ Công Thương cũng liên tục phát đi cảnh báo về những khó khăn liên quan tới phát triển xanh. Ngoài ra, Bộ Công Thương đánh giá, xu hướng phát triển kinh tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế số ngày càng rõ nét và đang định hình lại các hình thức, loại hình dự án FDI trên toàn cầu.
Nguồn: https://vnbusiness.vn/viet-nam/duong-dua-xanh-thach-thuc-doanh-nghiep-nam-2024-1098281.html
6. Soán ngôi Hàn Quốc, Trung Quốc trở thành ‘ông trùm’ cung cấp điện thoại và linh kiện cho Việt Nam
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, nhập khẩu điện thoại các loại và linh kiện về Việt Nam trong tháng 12 đạt hơn 727 triệu USD, giảm 19,8% so với tháng trước đó. Nguyên nhân chính khiến nhập khẩu điện thoại các loại và linh kiện giảm là do tiêu dùng trong nước yếu, trong khi các đơn hàng xuất khẩu điện thoại, linh kiện cũng giảm mạnh.
Xét về thị trường, nhập khẩu điện thoại và linh kiện về Việt Nam năm 2023 đã có sự thay đổi về nhà cung cấp lớn nhất. Nếu như trong năm 2022, Hàn Quốc là nhà cung cấp lớn nhất với hơn 11,4 tỷ USD, tương đương với hơn 54% thị phần và Trung Quốc đứng thứ 2 với hơn 8 tỷ USD, tương đương hơn 38% thị phần thì bước sang năm 2023, quốc gia láng giềng đã chứng kiến sự thay đổi mạnh mẽ.
Nguồn:  https://markettimes.vn/soan-ngoi-han-quoc-trung-quoc-tro-thanh-ong-trum-cung-cap-cho-viet-nam-mot-mat-hang-cuc-quan-trong-nuoc-ta-chi-gan-9-ty-usd-nhap-khau-51548.html

Nhóm tin về ngành dịch vụ

1. Amway Việt Nam khai trương chuỗi siêu thị và Trung tâm trải nghiệm đầu năm mới
Ngày 19/2/2024, Amway Việt Nam – Thương hiệu toàn cầu về sức khỏe và sắc đẹp vừa đưa vào vận hành chuỗi Siêu thị và Trung tâm Trải nghiệm (Amway Experience Center – AEC) tại Hải Phòng, An Giang và Tây Ninh nhằm phục vụ nhu cầu mua sắm và sử dụng các sản phẩm và dịch vụ Amway của người tiêu dùng ngày càng tăng tại khu vực duyên hải Bắc Bộ, Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long.
Các trung tâm của Amway tại Hải Phòng, An Giang và Tây Ninh được xây dựng theo mô hình hiện đại và trẻ trung, được truyền cảm hứng từ các trung tâm trải nghiệm đẳng cấp quốc tế của tập đoàn Amway trên toàn thế giới. Mỗi trung tâm được tích hợp siêu thị mua sắm, trung tâm trải nghiệm sản phẩm và văn phòng hội họp, mang đến cho nhà phân phối và khách hàng những trải nghiệm mới mẻ, cơ hội tiếp cận với những sản phẩm chất lượng hàng đầu thế giới. Việc khai trương chuỗi siêu thị và trung tâm trải nghiệm sẽ đẩy mạnh sự phát triển kinh doanh, cũng như củng cố và gia tăng kết nối giữa công ty, nhà phân phối và khách hàng tại khu vực duyên hải Bắc Bộ, Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long.
Nguồn:  https://www.congluan.vn/amway-viet-nam-khai-truong-chuoi-sieu-thi-va-trung-tam-trai-nghiem-dau-nam-moi-post284941.html
2. Hãng cho thuê xe lớn nhất Mỹ sắp khai trương dịch vụ tại Việt Nam
Ngày 15/2, City Auto – nhà phân phối lớn nhất của Ford Việt Nam ký hợp đồng bán 38 xe Ford Ranger XLS AT 4×4 cho Công ty Hertz Việt Nam. Ông Nguyễn Đăng Hoàng, Tổng giám đốc City Auto tiết lộ, City Auto sẽ hợp tác toàn diện về cung cấp xe cho Hertz Việt Nam trong thời gian tới, dự kiến trong năm 2024 số lượng khoảng 200 xe. Sự kiện Hertz bắt đầu cung ứng dịch vụ sau 5 năm mở chi nhánh nhượng quyền tại Việt Nam là mốc quan trọng, khi thị trường cho thuê xe của Việt Nam còn sơ khai và chưa có hãng cho thuê xe nào đủ tầm.
Kế hoạch kinh doanh của Hertz ở Việt Nam bị trì hoãn suốt 5 năm qua, một phần là bởi Hertz suýt bị vỡ nợ, từng phải nộp đơn xin phá sản tại Mỹ năm 2020 do khủng hoảng nặng bởi Covid-19. Sau quá trình bán tài sản và tái cơ cấu khoản nợ khổng lồ kéo dài 4 năm, Hertz dần hồi phục từ năm 2022 và đang nỗ lực kích hoạt lại dịch vụ ở quy mô toàn cầu.
Nguồn: https://xe.baogiaothong.vn/hang-cho-thue-xe-lon-nhat-my-sap-khai-truong-dich-vu-tai-viet-nam-192240219230439984.htm

Nhóm tin về ngành thời trang – làm đẹp

1. Nike sa thải hơn 1.600 nhân sự
Nike cho biết sẽ cắt giảm khoảng 2% lượng nhân sự, tương đương hơn 1.600 người, theo Reuters. Động thái này diễn ra sau khi gã khổng lồ thời trang thể thao ghi nhận kết quả kinh doanh không mấy khả quan. Doanh thu trong năm tài chính gần đây nhất của Nike kết thúc vào tháng 5/2023 tăng 10% so với năm trước đó, nhưng lợi nhuận lại giảm đến 16%. Tỷ suất lợi nhuận trước thuế và lãi vay của Nike xuống mức thấp nhất trong 10 năm. Không chỉ Nike mà các hãng khác bao gồm cả Adidas và Puma cũng dự báo về sự sụt giảm doanh thu trong năm nay do người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu đối với các mặt hàng không thiết yếu.
The Wall Street Journal cho rằng Nike đang phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt và những lo ngại từ phía khách hàng về khả năng sáng tạo của thương hiệu. Những năm gần đây, hãng cũng phải giải quyết tình trạng hàng tồn kho tăng cao, dẫn đến việc giảm giá sâu đối với các sản phẩm khiến lợi nhuận bị ảnh hưởng.
Nguồn: https://znews.vn/nike-sa-thai-hon-1600-nhan-su-post1460437.html

Nhóm tin về ngành du lịch

1. ‘Cơn địa chấn’ trên thị trường hàng không giá rẻ Hàn Quốc
Theo các quan chức trong ngành, ngày 19/2, những hãng hàng không giá rẻ (LCC) tại Hàn Quốc đang chuẩn bị cho những thay đổi đáng kể trong chiến lược tăng trưởng của họ, chuẩn bị cho việc ra mắt một hãng hàng không giá rẻ cỡ lớn sau khi Korean Air hoàn tất việc mua lại Asiana Airlines. Triển vọng này được đưa ra trong bối cảnh hai hãng hàng không đầy đủ dịch vụ ngày càng lạc quan về việc nhận được sự chấp thuận cuối cùng cho thỏa thuận từ Chính phủ Mỹ, có thể vào cuối năm 2024.
Sau khi hoàn thành, Korean Air được nhiều người mong đợi sẽ tiến hành sáp nhập Jin Air, Air Seoul và Air Busan – ba LCC do hai hãng vận hành. LCC mới ra mắt sẽ là hãng hàng không giá rẻ lớn nhất ở Hàn Quốc, vượt qua Jeju Air và T’way Air về doanh thu hàng năm.
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/con-dia-chan-tren-thi-truong-hang-khong-gia-re-han-quoc-post928534.vnp
2. Du lịch đầu năm Giáp Thìn khởi sắc
Theo Cục du lịch quốc gia Việt Nam, từ ngày 8 đến 14/2 (tức từ ngày 29 tháng Chạp đến ngày mùng 5 tháng Giêng), ngành Du lịch cả nước ước đón và phục vụ 10,5 triệu lượt khách nội địa (tăng 16,6% so với cùng kỳ năm 2023); trong đó có khoảng 3,5 triệu lượt khách lưu trú (tăng 75% so với cùng kỳ năm 2023).
Dịp nghỉ Tết Giáp Thìn cũng ghi nhận số lượng khách quốc tế đến tăng cao ở nhiều địa phương. Cụ thể, Đà Nẵng ước đón gần 177.000 lượt; Hà Nội ước đón gần 103.000 lượt khách, tăng gấp 2,2 lần so với cùng kỳ năm 2023; Ninh Bình ước đón gần 100.000 lượt; Quảng Nam ước đón 97.000 lượt, tăng 42%; Quảng Ninh ước đón 89.767 lượt; TP.HCM đón 75.000 lượt, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2023; Kiên Giang ước đón 44.370 lượt, tăng gấp 4,8 lần so với cùng kỳ năm 2023… Xu hướng du lịch tự túc, nhóm nhỏ, gia đình, tự đặt dịch vụ tại điểm đến gia tăng trong năm nay, đặc biệt là ở các điểm đến gần với các thị trường gần Hà Nội, TP.HCM.
Nguồn: https://vtc.vn/khach-un-un-di-du-xuan-nhieu-diem-du-lich-gan-ha-noi-that-thu-ar853032.html

Nhóm tin về ngành kĩ thuật – công nghệ

1. Công ty sản xuất chip Renesas mua lại công ty phần mềm Altium với giá 9,1 tỷ AUD
Ngày 15/2, công ty sản xuất chip bán dẫn Renesas Electronics (Nhật Bản) cho biết sẽ mua Altium – công ty phần mềm Mỹ được niêm yết trên sàn chứng khoán Australia – với giá khoảng 9,1 tỷ AUD (5,9 tỷ USD) nhằm mở rộng hoạt động, trong bối cảnh công nghệ của ngành công nghiệp chip tiến bộ nhanh. Công ty Renesas cho biết sẽ mua toàn bộ cổ phần của Altium trong nửa sau của năm nay và Altium sẽ trở thành công ty con thuộc sở hữu của Renesas.
Theo Renesas, Altium có doanh thu 263,3 triệu USD và đạt lợi nhuận ròng 66,3 triệu USD trong tài khóa kết thúc vào tháng 6/2023. Trong những năm gần đây, Renesas đã thâu tóm một số công ty chip, trong đó có các công ty Integrated Device Technology, Dialog Semiconductor , Panthronics AG và Celeno Communications.
Nguồn: https://bnews.vn/cong-ty-san-xuat-chip-renesas-mua-lai-cong-ty-phan-mem-altium-voi-gia-9-1-ty-aud/323816.html
2. Mỹ ‘rót’ thêm 1,5 tỷ USD mở rộng sản xuất chip trong nước
Bộ Thương mại Mỹ và nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn thứ 3 thế giới GlobalFoundries vừa ký thỏa thuận sơ bộ về việc cung cấp khoản tài trợ trực tiếp 1,5 tỷ USD từ chính phủ liên bang để thúc đẩy ngành sản xuất chip trong nước. Đây là khoản trợ cấp lớn đầu tiên được trích từ quỹ hỗ trợ sản xuất chất bán dẫn trị giá 39 tỷ USD theo đạo luật CHIPS mà Quốc hội Mỹ đã thông qua năm 2022.
Theo thỏa thuận, GlobalFoundries sẽ xây dựng một cơ sở sản xuất chất bán dẫn mới ở Malta, New York, đồng thời mở rộng hoạt động sản xuất hiện có của hãng ở khu vực này cũng như ở Burlington, Vermont. Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo cho biết, những con chip được GlobalFoundries tạo ra ở các cơ sở mới là “cần thiết đối với an ninh quốc gia” của nước này.
Nguồn: https://nhandan.vn/my-rot-them-15-ty-usd-mo-rong-san-xuat-chip-trong-nuoc-post796794.html
3. Tỉ phú Masayoshi Son muốn đầu tư 100 tỉ đô la vào dự án chip cạnh tranh với Nvidia
Hôm 17-2, hãng tin Bloomberg dẫn các nguồn thạo tin cho biết dự án trên – có mật danh Izanagi – đánh dấu nỗ lực lớn tiếp theo của tỉ phú người Nhật Bản sau khi SoftBank cắt giảm mạnh các khoản đầu tư trên thị trường khởi nghiệp. Theo các nguồn tin, Masayoshi Son muốn thành lập một công ty có thể bổ sung cho hãng thiết chip Arm Holdings của SoftBank, cho phép ông xây dựng một đế chế chip AI. Trong một kịch bản đang được cân nhắc, SoftBank sẽ cung cấp 30 tỉ đô la cho dự án Izanagi, và 70 tỉ đô la còn lại có thể đến từ các tổ chức ở Trung Đông.
Nếu thành công, dự án chip này sẽ đánh dấu một trong những khoản đầu tư lớn nhất vào lĩnh vực AI kể từ khi ChatGPT của OpenAI xuất hiện. Số tiền rót vào dự án vượt xa khoản đặt cược hơn 10 tỉ đô la gần đây của Microsoft vào OpenAI.
Nguồn: Tỉ phú Masayoshi Son muốn đầu tư 100 tỉ đô la vào dự án chip cạnh tranh với Nvidia – Tạp chí Kinh tế Sài Gòn (thesaigontimes.vn)
4. Công ty mẹ của Gojek sẽ không sáp nhập với Grab
Theo hãng tin CNBC, GoTo Group (Công ty mẹ của Gojek) mới đây đã khẳng định hiện tại không có cuộc đàm phán sáp nhập nào với hãng gọi xe công nghệ Grab (có trụ sở tại Singapore). Thông tin trên được công bố sau khi hãng Bloomberg đưa tin về việc GoTo và Grab đã bắt đầu lại các cuộc đàm phán về khả năng sáp nhập nhằm khắc phục tình trạng thua lỗ trong nhiều năm liên tiếp do sự cạnh tranh gay gắt của 2 doanh nghiệp này. GoTo nhấn mạnh rằng công ty đang có nền tảng cơ bản và tài chính ngày càng vững mạnh. Dự kiến vào tháng 3, GoTo sẽ công bố kết quả kinh doanh quý 4/2023.
Nguồn: https://nld.com.vn/cong-ty-me-cua-gojek-se-khong-sap-nhap-voi-grab-196240215122648445.htm
5. OpenAI ra mắt Sora: Ứng dụng tạo video từ văn bản
Sora là mô hình AI tạo sinh mới của OpenAI, hoạt động tương tự công cụ tạo ảnh Dall-E cùng nhà. Người dùng chỉ cần đưa ra prompt nội dung video và Sora sẽ trả về video clip chất lượng cao. Ngoài ra, nó còn có thể tạo ra video từ hình ảnh tĩnh, kéo dài video hoặc lấp đầy khung hình trống. Dù được giới mộ điệu AI chào đón, các công nghệ mới cũng gây lo ngại nghiêm trọng về thông tin sai lệch khi các cuộc bầu cử chính trị lớn trên toàn cầu đang đến gần. Theo dữ liệu từ công ty máy học Clarity, số lượng deepfake do AI tạo ra đã tăng 900% so với năm trước.
Với Sora, OpenAI đang tìm cách cạnh tranh với các công cụ AI tạo video từ các đối thủ như Meta, Google, hay một số startup như Stability AI. Amazon cũng đã phát hành Create with Alexa, mô hình chuyên tạo nội dung hoạt hình dạng ngắn dành cho trẻ em dựa trên prompt. Sora hiện chỉ có thể tạo các video dài một phút trở xuống. Cũng mới có một nhóm nhỏ – hay “đội đỏ” – được dùng mô hình để tìm kiếm các lỗ hổng bảo mật. OpenAI chưa phát hành bất kỳ bản demo công khai nào ngoài 10 clip mẫu có sẵn trên trang web.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/openai-ra-mat-ung-dung-tao-video-moi-sieu-ao-dung-cuc-de-2249635.html
6. Singapore đẩy mạnh tham vọng về AI với kế hoạch đầu tư hơn 743 triệu USD
Trong bài phát biểu về ngân sách mới đây, Phó thủ tướng Singapore – Lawrence Wong cho biết nước này sẽ đầu tư hơn 1 tỉ đô la Singapore (743,5 triệu USD) trong 5 năm tới để tăng cường hơn nữa khả năng AI. Là một phần của khoản đầu tư, Singapore sẽ nỗ lực đảm bảo có thể đảm bảo quyền tiếp cận các chip tiên tiến “rất quan trọng với việc phát triển và triển khai AI”, Phó thủ tướng Lawrence Wong nói. Ông cho biết thêm, Singapore cũng hợp tác với các công ty hàng đầu trong nước và trên thế giới để thành lập các trung tâm AI xuất sắc nhằm thúc đẩy đổi mới.
Theo báo cáo Future of Work (Tương lai việc làm) của LinkedIn được công bố vào tháng 8.2023, người lao động Singapore nhanh nhất thế giới trong việc áp dụng các kỹ năng AI. Pooja Chhabria, chuyên gia nghề nghiệp và trưởng ban biên tập khu vực châu Á – Thái Bình Dương của LinkedIn, cho biết kết quả này là nhờ Singapore có cơ sở hạ tầng kỹ thuật số và khuôn khổ pháp lý mạnh mẽ để bảo vệ tài sản trí tuệ. Ngoài ra, Singapore cũng là nơi có hệ sinh thái phát triển của các công ty đầu tư mạo hiểm, nhà đầu tư thiên thần, những bên cung cấp vốn đầu tư cho AI.
Nguồn: https://1thegioi.vn/singapore-day-manh-tham-vong-ve-ai-voi-ke-hoach-dau-tu-hon-743-trieu-usd-214238.html
7. Các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản tiếp tục đầu tư vào EV bất chấp tình trạng phát triển chậm chạp
Tăng trưởng doanh số bán xe điện đang chậm lại, các giám đốc điều hành ngành ô tô Nhật Bản đã nói mới đây. Nhưng điều này không gây sốc đối với các nhà sản xuất vốn bằng lòng để phần còn lại của thế giới chạy đua điện khí hóa trước khi pin rẻ và cơ sở hạ tầng sạc đầy đủ được xây dựng.
Do đó, thay vì lao thẳng vào phát triển xe điện, những gã khổng lồ như Toyota, Honda và Mazda đã tập trung vào xe hybrid như một bước chuyển đổi thực tế hơn để đạt được thành công lớn. Họ từng tận hưởng doanh số bán xe hybrid tăng vọt, điều này đã giúp các nhà sản xuất đạt được lợi nhuận kỷ lục hoặc gần kỷ lục.
Nguồn: https://vneconomy.vn/automotive/cac-nha-san-xuat-o-to-nhat-ban-tiep-tuc-dau-tu-vao-ev-bat-chap-tinh-trang-phat-trien-cham-chap.htm
8. Trung Quốc dẫn đầu thế giới về sản xuất robot, hướng tới mục tiêu robot tự sản xuất robot
CGXI là công ty khởi nghiệp với 300 nhân viên có trụ sở tại Vô Tích, phía bắc Thượng Hải, chuyên sản xuất ‘cobots’ (viết tắt của ‘robot’ và ‘collaborative’), tức các robot công nghiệp nhỏ có khả năng làm việc cùng con người. CGXI hiện thực hóa giấc mơ robot sản xuất robot, song chưa đạt đến mức độ tự động hóa cao do khối lượng sản xuất còn nhỏ. Được biết, CGXI đang đặt cược vào thị trường cobot bùng nổ. Không giống như những loại robot lớn cồng kềnh, phức tạp, những con robot nhỏ này dễ dàng hòa nhập vào dây chuyền sản xuất và làm việc chung với con người.
Với dân số trong độ tuổi lao động giảm kể từ năm 2010 trong khi tiền lương ngày càng tăng, Trung Quốc dường như không còn nhiều hấp dẫn đối với các công ty đa quốc gia tìm kiếm lao động giá rẻ. Để tiếp tục duy trì vị thế công xưởng của thế giới, đất nước này buộc phải thay đổi nhằm phát triển tự động hóa trong hầu hết các lĩnh vực kinh tế, từ công nghiệp đến nông nghiệp, y tế.. Với 322 con robot trên 10.000 công nhân, Trung Quốc là quốc gia được trang bị tốt thứ năm trên thế giới, sau Hàn Quốc (1.000 trên 10.000), Singapore, Nhật Bản và Đức.
Theo Liên đoàn Robot Quốc tế (IFR), đến năm 2022, Trung Quốc đã triển khai 290.000 robot công nghiệp, chiếm hơn một nửa tổng số robot lắp đặt trên toàn thế giới. Theo KR Asia, robot do Trung Quốc sản xuất đang nhanh chóng giành được thị phần ở châu Á, Bắc Mỹ, châu Âu và Trung Đông. Theo dữ liệu từ Hiệp hội Công nghiệp Robot Hàn Quốc, tính đến năm 2022, hơn 70% robot dịch vụ tại đây được sản xuất tại đại lục.
Nguồn:    https://antt.nguoiduatin.vn/trung-quoc-vo-dich-thien-ha-ve-robot-san-xuat-hon-6-trieu-connam-co-san-pham-re-bang-12-nhat-ban-tien-toi-de-robot-san-xuat-robot-9789.html
9. Giải pháp tự động hóa Việt Nam tăng trưởng trên thị trường quốc tế
Với hơn 10,000+ robot ảo vận hành trong 3,900 doanh nghiệp toàn cầu, giải pháp tự động hóa bằng robot ảo FPT akaBot đã có kết quả tăng trưởng vượt bậc trong năm 2023, trở thành giải pháp công nghệ đầu tiên của Việt Nam lọt vào báo cáo của Everest. Là một trong các sản phẩm chủ lực Made by FPT, akaBot ghi nhận 3,900 khách hàng trên 20 quốc gia, tăng trưởng 130% trong doanh thu tính đến hết năm 2023. Theo báo cáo RPA PEAK Matrix 2023 của Everest, akaBot tăng 244% số lượng các đối tác công nghệ và đối tác triển khai dịch vụ.
Bằng việc bắt tay với những đơn vị lớn như Zero One tại Đài Loan (Trung Quốc) hay Daiwabo tại Nhật Bản, akaBot thể hiện quyết tâm chinh phục các thị trường mới, nâng cao mức độ am hiểu nhu cầu của các doanh nghiệp địa phương và đầu tư về nhân sự chăm sóc khách hàng, cải thiện ngôn ngữ của nền tảng.
Nguồn:  https://toquoc.vn/giai-phap-tu-dong-hoa-viet-nam-tang-truong-tren-thi-truong-quoc-te-20240220160305739.htm

Nhóm tin về ngành công nghiệp nặng – năng lượng

1. Mỹ lo Trung Quốc bán tháo  giá rẻ thiết bị trong ngành năng lượng sạch ra toàn cầu
Washington đã cảnh báo Bắc Kinh rằng Mỹ và các đồng minh sẽ hành động nếu Trung Quốc tìm cách giải quyết tình trạng dư thừa công suất của nước này bằng cách bán tháo hàng hóa trên thị trường quốc tế – giới chức Mỹ cho hay. Mỹ lo ngại nhiều nhất về sự dư thừa công suất của Trung Quốc trong lĩnh vực sản xuất công nghệ cao, đặc biệt là các ngành năng lượng sạch như ô tô điện, tấm pin mặt trời và pin ion lithium.
Trung Quốc đã thừa nhận những rủi ro từ sự dư thừa công suất của nước này – điều vốn đã trở thành một nét đặc trưng trong phát triển công nghiệp của Trung Quốc nhiều thập kỷ qua – nhưng chưa vạch ra được một kế hoạch rõ ràng để giải quyết vấn đề. Tháng 12 năm ngoái, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói sự dư thừa công suất trong một số ngành là một trong những thách thức cẩn được xử lý để đảm bảo tăng trưởng kinh tế trong tương lai.
Nguồn:  https://vneconomy.vn/my-lo-trung-quoc-ban-thao-hang-hoa-gia-re-ra-toan-cau.htm
2. Ấn Độ giảm mạnh nhập dầu Nga
Sau thời gian ồ ạt mua dầu giá rẻ từ Nga, gần đây Ấn Độ bắt đầu giảm mạnh. Giới quan sát cho rằng đây cũng là một dấu hiệu cho thấy nỗ lực siết trừng phạt Nga của Mỹ và các đồng minh đang phát huy hiệu quả. Theo dữ liệu mới nhất, nhập khẩu dầu thô Nga của Ấn Độ trong tháng 1/2024 đã giảm 35% so với mức đỉnh của năm ngoái, xuống mức thấp nhất một năm. Điều này diễn ra trong bối cảnh quốc gia Nam Á đang đa dạng hóa nguồn cung dầu.
Gần đây, lượng dầu nhập khẩu từ Nga vào Ấn Độ có xu hướng giảm, xuống còn khoảng 1,29 triệu thùng/ngày trong tháng 1/2024. Ấn Độ giờ đây nhập khẩu dầu nhiều hơn từ các nhà cung cấp khác như Iraq.
Nguồn: https://vneconomy.vn/an-do-giam-manh-nhap-dau-nga.htm
3. Trung Quốc khiến giá nickel toàn cầu sụp đổ
Sự đầu tư mạnh mẽ của Trung Quốc vào nguồn cung mới đã tạo ra tình trạng dư thừa trong thị trường nickel, đẩy giá kim loại này rơi từ mức 50.000 USD/tấn còn 16.000 USD/tấn. Để cứu vãn tình hình, ngành công nghiệp nickel của Úc đã được cấp quyền tiếp cận hàng tỉ USD tài trợ liên bang, cũng như tiếp cận các gói cứu trợ từ chính phủ, sau khi giá nickel toàn cầu sụt giảm nghiêm trọng, đe dọa đến hàng nghìn việc làm tại “đất nước chuột túi”.
Nguồn: https://tuoitre.vn/trung-quoc-khien-gia-nickel-toan-cau-sup-do-20240220152732564.htm

Nhóm tin về liên kết, đầu tư, start-up, DN mới

1. Doanh nghiệp Nhật Bản đang ‘giảm lượng tăng chất’ khi đầu tư ở Việt Nam
Bên cạnh sản xuất để xuất khẩu, đầu tư doanh nghiệp Nhật Bản ở Việt Nam ngày càng có khuynh hướng khai thác thị trường nội địa và phát triển những sản phẩm công nghệ cao, giá tăng giá trị, sử dụng công nghệ hiện đại hơn. Trong cuộc khảo sát các công ty mẹ tại Nhật Bản, các doanh nghiệp Nhật Bản coi Việt Nam là một trong những thị trường hấp dẫn, nhiều tiềm năng thứ 2 (chỉ đứng sau thị trường Mỹ). Với thu nhập bình quân đầu người 4.000 đô la Mỹ/năm và ngày càng tăng, thị trường Việt Nam ngày càng có sức hút với doanh nghiệp ngành phi chế tạo Nhật Bản. Điều này lý giải vì sao bên cạnh sự gia tăng đầu tư của doanh nghiệp thuần thương mại thì các doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu của Nhật Bản cũng ngày càng chú ý khai thác thị trường này.
Nếu như trước đây, Việt Nam là quốc gia cho sản xuất với chi phí rẻ phục vụ xuất khẩu thì giờ dần đang dịch chuyển sản xuất các sản phẩm giá trị gia tăng cao cũng như lĩnh vực dịch vụ như phân phối. Xu hướng cho thấy ngày càng có nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đẩy mạnh đầu tư vào sản phẩm có giá trị gia tăng, sử dụng máy móc công nghệ hiện đại hơn, hoặc đầu tư những dự án mới, công nghệ cao như lĩnh vực bán dẫn, công nghệ mới… Bởi lẽ thực tế kỹ sư công nghệ thông tin ở Nhật Bản đang thiếu và họ quan tâm nhiều đến Việt Nam với niềm hy vọng sẽ tuyển được nhân sự kỹ thuật này. Xu hướng này sẽ tiếp tục tăng cao trong năm nay và những năm tới.
Nguồn: https://thesaigontimes.vn/doanh-nghiep-nhat-ban-dang-giam-luong-tang-chat-khi-dau-tu-o-viet-nam/
2. Bất động sản Việt Nam đang được nhiều nhà đầu tư nước ngoài săn đón
Tập đoàn CBRE của Mỹ vừa công bố kết quả khảo sát “Ý định và kế hoạch của nhà đầu tư tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương trong năm 2024”, cho thấy thị trường bất động sản Việt Nam đứng thứ hai trong số những thị trường mới nổi được săn đón nhất về chiến lược đầu tư cơ hội và giá trị gia tăng, chỉ xếp sau Ấn Độ.
Theo khảo sát của CBRE, các nhà đầu tư đánh giá thị trường bất động sản Việt Nam có bối cảnh độc đáo, nơi các danh mục đầu tư bao gồm tài sản tạo thu nhập rất khan hiếm và thường không chào bán nhiều trên thị trường. Hầu hết các nhà đầu tư vào Việt Nam đều tập trung sự chú ý vào bất động sản công nghiệp và văn phòng. Ngoài ra, đất dự án để phát triển nhà ở tại Việt Nam tiếp tục thu hút sự quan tâm mạnh mẽ từ các chủ đầu tư và nhà đầu tư nước ngoài. Nhiều nhà đầu tư tích cực tìm kiếm tài sản giảm giá hoặc tài sản thuộc sở hữu chủ đất đang phải đối mặt những khó khăn pháp lý hoặc nguồn vốn. Xu hướng này nêu bật khả năng phục hồi và sức hấp dẫn của phân khúc nhà ở tại Việt Nam.
Nguồn: https://nld.com.vn/bat-dong-san-viet-nam-dang-duoc-nhieu-nha-dau-tu-nuoc-ngoai-san-don-196240220101828426.htm
3. Tập đoàn bất động sản bán lẻ lớn nhất Thái Lan vào Việt Nam
Đầu tháng 2, Central Pattana – thành viên của Central Group – đã có thông báo tới Sở Giao dịch Chứng khoán Thái Lan (SET) về việc thành lập công ty con. Theo đó, tập đoàn này đã thành lập Công ty TNHH CPN Global tại Việt Nam do CPN Global nắm giữ 100% cổ phần.
Theo Central Pattana, việc thành lập công ty con tại Việt Nam nhằm phát triển các dự án tương lai của tập đoàn. Theo giới thiệu, Central Pattana là nhà phát triển bất động sản bán lẻ lớn nhất Thái Lan. Hiện nay công ty sở hữu và quản lý 38 trung tâm mua sắm cao cấp, 10 tòa nhà văn phòng, 5 khách sạn và 28 tòa chung cư. Tổng diện tích cho thuê hơn 2,3 triệu m2.
Nguồn: https://znews.vn/tap-doan-bat-dong-san-ban-le-lon-nhat-thai-lan-vao-viet-nam-post1460921.html
4. Khai trương Công ty Cổ phần TMDV M1 Việt Nam – “Hạt giống mới” cho ngành phụ trợ ô tô
Ngày 18/02/2024 vừa qua, Công ty Cổ phần Thương mại dịch vụ M1 Việt Nam (M1 VIETNAM JSC) chính thức khai trương, hứa hẹn sẽ mang đến những dấu ấn mới trên thị trường phụ kiện, phụ trợ ô tô Việt Nam trong thời gian tới.
Đón trước làn sóng xu hướng phát triển của thời đại, trước đó ngày 01/02/2024, MT GROUP và M1 Việt Nam đã có những bước đàm phán đặc biệt quan trọng cho việc MT GROUP nhượng quyền phân phối các thương hiệu tại thị trường Việt Nam. Đây là một bước đi quan trọng cho kế hoạch phát triển đa ngành, đa quốc gia trong thời gian tới của MT GROUP. Điều này đặt ra những yêu cầu và tiêu chí ngày một cao hơn đối với công tác điều hành và kinh doanh cho từng thị trường riêng biệt.
Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/khai-truong-cong-ty-co-phan-tmdv-m1-viet-nam-hat-giong-moi-cho-nganh-phu-tro-o-to-a650547.html

Nhóm tin về tài chính

1. Ngân hàng đánh giá triển vọng tăng trưởng tín dụng thấp trong năm 2024
Ngày 31/12/2023, Ngân hàng Nhà nước giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 khoảng 15% cho các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài để các tổ chức tín dụng chủ động, quyết liệt tăng trưởng tín dụng và triển khai các giải pháp đáp ứng nhu cầu vốn của doanh nghiệp, người dân, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng đầu năm 2024 khá thấp so với các năm gần đây. Lý giải về tình trạng tín dụng giảm trong tháng đầu năm, lãnh đạo các ngân hàng cho biết đây là hiện tượng bình thường trong các tháng đầu năm do tâm lý khách hàng và các hoạt động kinh tế chưa sôi động do đây là mùa nghỉ lễ.
Tuy nhiên, đánh giá về triển vọng tăng trưởng tín dụng năm 2024, đại diện các ngân hàng cho rằng khả năng hấp thụ vốn sẽ tăng chậm. Bởi lẽ, tổng cầu thế giới và trong nước phục hồi chậm. Năng lực tài chính của các doanh nghiệp vẫn đang suy giảm, khả năng chống chịu kém. Trong khi đó, áp lực nợ xấu đối với các ngân hàng trong năm 2024 là rất lớn; bộ đệm dự phòng rủi ro nợ xấu đang mỏng đi nên các ngân hàng sẽ thận trọng trong việc cấp tín dụng.
Nguồn: https://vneconomy.vn/ngan-hang-danh-gia-trien-vong-tang-truong-tin-dung-thap-trong-nam-2024.htm
BSAi