Nhóm tin về ngành bán lẻ – thương mại điện tử

1.    Macy’s: Khi gã khổng lồ bách hóa Mỹ ‘đuối sức’ và sự xuống dốc của toàn ngành
Ngày 27/2, công ty sở hữu chuỗi cửa hàng bách hoá hàng đầu nước Mỹ cho biết họ sẽ đóng cửa 150 cửa hàng (tức gần 1/3 tổng số cửa hàng) trong một động thái tái cơ cấu để phát triển, tập trung nguồn lực vào các cửa hàng hoạt động hiệu quả và các thương hiệu cao cấp hơn.
Chuỗi bách hoá hàng đầu này chỉ là một trong những trường hợp tiêu biểu cho thấy ngành bách hoá, các cửa hàng bách hoá tại Mỹ đã không còn trong thời kỳ hoàng kim. Sự sụp đổ dần dần của các cửa hàng bách hóa ở Mỹ có thể được đổ lỗi cho nhiều yếu tố: Sự cạnh tranh từ các nhà bán lẻ lớn, sự chuyển đổi sang mua sắm trực tuyến và các cổ đông đang tăng cường đấu tranh để giành quyền kiểm soát hội đồng quản trị của công ty.
Nguồn:
https://vietnamfinance.vn/macys-khi-ga-khong-lo-bach-hoa-my-duoi-suc-va-su-xuong-doc-cua-toan-nganh-20180504224295677.htm
2.    Thương mại điện tử Mexico dẫn đầu thế giới về tốc độ tăng trưởng
ngày 29/2, Hiệp hội Bán hàng Trực tuyến Mexico (AMVO) cho biết lĩnh vực thương mại điện tử của Mexico đạt doanh thu gần 38,5 tỷ USD trong năm 2023, tăng 25% so với năm 2022 và dẫn đầu thế giới về tốc độ tăng trưởng. Báo cáo của AMVO nêu rõ lĩnh vực thương mại điện tử của nền kinh tế lớn thứ hai Mỹ Latinh đạt tốc độ tăng trưởng hai chữ số liên tiếp trong suốt 5 năm qua, giúp Mexico dẫn đầu trong danh sách các quốc gia đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất về bán lẻ thương mại điện tử, cũng như có thị trường bán hàng online năng động bên cạnh Philippines, Malaysia, Ấn Độ, Colombia và Indonesia.
Nghiên cứu của AMVO cho hay gần 66 triệu người tiêu dùng Mexico đã mua sắm và sử dụng dịch vụ thương mại trực tuyến trong năm 2023. Trung bình cứ 10 người dân nước này thì có 4 người chi tiền hằng tuần mua hàng trên các nền tảng thương mại điện tử. Tỷ lệ mua hàng nhiều nhất qua các kênh này là phụ nữ, chiếm 51% và với độ tuổi trung bình là 38. Thời trang, thực phẩm chế biến sẵn, làm đẹp và chăm sóc cá nhân, đồ điện tử và điện thoại di động là những mặt hàng thu hút sự quan tâm nhiều nhất.
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/mexico-dan-dau-the-gioi-ve-tang-truong-thuong-mai-dien-tu-nam-2023-post930253.vnp
3.    Tik Tok trở thành nền tảng mua sắm trực tuyến phổ biến nhất với giới trẻ Thái Lan
Theo Bộ Thương mại Thái Lan thực hiện cho thấy, nền tảng chia sẻ video trực tuyến TikTok đã trở thành nền tảng mua sắm trực tuyến phổ biến nhất đối với người Thái Lan từ 29 tuổi trở xuống. Cuộc khảo sát được thực hiện với 4.699 người trả lời trên khắp Thái Lan. Kết quả cho thấy TikTok đã trở nên phổ biến như một nền tảng thương mại trực tuyến trong giới trẻ, còn gọi là “Mua sắm giải trí” (Shoppertainment).
Bên cạnh đó, người mua hàng trong độ tuổi trên cũng thích mua sắm qua các kênh thương mại điện tử truyền thống, như Shopee và Lazada, do hệ thống quản lý sản phẩm và cửa hàng chặt chẽ cũng như hệ thống thanh toán và hoàn tiền của các kênh này. Cuộc khảo sát cũng cho thấy giới trẻ Thái Lan thường xuyên mua sắm nhưng không mua hàng đắt tiền. Họ thích mua hàng thông qua các kênh thương mại xã hội tập trung vào việc giải trí và khiến họ “hạnh phúc”. Điều này trái ngược với những người mua sắm lớn tuổi vốn sẽ ưu tiên giá trị và chất lượng của hàng hóa và dịch vụ.
Nguồn: https://bnews.vn/tik-tok-tro-thanh-nen-tang-mua-sam-truc-tuyen-pho-bien-nhat-voi-gioi-tre-thai-lan/325235.html
4.    Cạnh tranh đưa hàng vào siêu thị ngày càng gay gắt
Theo giới kinh doanh, sức mua thị trường từ sau đại dịch COVID-19 đến nay phục hồi chậm, các doanh nghiệp (DN) bán lẻ lớn tại Việt Nam hiện nay gồm Saigon Co.op, Central Retail, MM Mega Market, Lotte Mart, Emart, Aeon, Satra… chịu nhiều áp lực trong việc cạnh tranh thị phần lẫn các chỉ tiêu tăng trưởng doanh số. Trong bối cảnh sức mua còn thấp, các nhà phân phối, bán lẻ buộc phải cơ cấu lại hàng hóa, tinh gọn các ngành hàng để tối ưu hóa mặt bằng kinh doanh Chiến lược kinh doanh ở giai đoạn mới, nhiều DN thẳng tay loại bỏ những mặt hàng không hiệu quả, tăng diện tích cho các nhóm sản phẩm bán chạy.
Thống kê không chính thức của một hệ thống bán lẻ lớn cho thấy số lượng mã hàng (SKU) tại mỗi siêu thị trong hệ thống đã giảm từ khoảng 50.000 SKU xuống còn hơn 30.000 SKU. Tại một hệ thống khác, số SKU cũng giảm từ khoảng 30.000 – 35.000 SKU xuống còn hơn 20.000 SKU. Khâu tiếp nhận và mở mã hàng mới cho nhà cung cấp cũng được siết chặt so với trước. Theo đó, ngoài yêu cầu về giấy tờ chứng nhận, năng lực sản xuất, bao bì mẫu mã đạt yêu cầu, nhà cung cấp còn phải chứng minh được sự khác biệt, tính cạnh tranh và tiềm năng thị trường của mặt hàng đang chào.
Ngoài yêu cầu ngày càng cao, một số DN sản xuất cho biết chi phí đưa hàng vào siêu thị quá cao đang là gánh nặng cho họ. Đặc biệt, một số DN nhỏ sau thời gian ngắn đưa hàng vào siêu thị đã chủ động rút vì không hiệu quả.
Nguồn: https://nld.com.vn/canh-tranh-dua-hang-vao-sieu-thi-196240228210257611.htm
5.    Doanh số thương mại điện tử của Saigon Co.op đạt gần 1.700 tỉ đồng
Doanh số bán hàng trực tuyến của nhà bán lẻ Saigon Co.op trong năm 2023 đạt gần 1.700 tỉ, tăng trưởng 19,5% so với cùng kỳ. Mục tiêu năm 2024, hệ thống sẽ nâng doanh số bán hàng trực tuyến đạt 3.000 tỉ đồng. Kết quả này có được là nhờ kiểm soát khá tốt chi phí, đảm báo hiệu quả kinh doanh trong bối cảnh vẫn còn nhiều khó khăn.
Đặc biệt là đẩy mạnh số hóa, nâng doanh số bán hàng trực tuyến đạt 3.000 tỉ đồng, hình thành nhóm hàng hoá và dịch vụ mang tính chất đặc thù vốn là thế mạnh của Saigon Co.op, đồng thời duy trì và tăng số lượng khách hàng lên hơn 6 triệu thành viên.
Nguồn: https://tuoitre.vn/doanh-so-thuong-mai-dien-tu-cua-saigon-co-op-dat-gan-1-700-ti-dong-20240303194905102.htm
6.    Công ty Trung Quốc ngỏ lời mua cổ phần, Bách Hoá Xanh có thể được định giá 1,7 tỷ USD
Theo Reuters, công ty CDH Investments của Trung Quốc đang đàm phán trước để mua cổ phần thiểu số tại Bách Hóa Xanh từ nhà bán lẻ Việt Nam Thế giới Di động. Công ty này được cho là đang đàm phán mua 10% cổ phần Bách Hoá Xanh, sau khi vượt qua nhiều đối thủ cạnh tranh khác.
Việc CDH muốn mua cổ phần Bách Hoá Xanh cho thấy sự quan tâm của các nhà đầu tư toàn cầu đối với các lĩnh vực kinh doanh đang phát triển nhanh chóng của Việt Nam, bao gồm cả lĩnh vực tiêu dùng, bất chấp những khó khăn đang diễn ra trong lĩnh vực bất động sản.
Nguồn: https://vietnamfinance.vn/cong-ty-trung-quoc-ngo-loi-mua-co-phan-bach-hoa-xanh-co-the-duoc-dinh-gia-17-ty-usd-20180504224295691.htm
7.    Thị trường bán lẻ Việt Nam sôi động: Trung tâm thương mại không ngừng hút khách
Theo ghi nhận của Tổng cục Thống kê, năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành đạt 6.231,8 nghìn tỷ đồng, tăng 9,6% so với năm trước (năm 2022 tăng 20%). Thị trường đồng thời ghi nhận sự sôi động hơn của phân khúc bán lẻ cao cấp với các hoạt động mở rộng và khai trương của hàng mới. Một trong số những lý do thị trường thu hút các thương hiệu nổi tiếng phải kể tới số lượng người thuộc nhóm có thu nhập cao tại Việt Nam đã tăng thêm 70% trong 5 năm qua, dự báo tiếp tục tăng vọt trong 5 năm tới.
Nói về TTTM trong cuộc đua thu hút nhãn hàng, Giám đốc cấp cao, Bộ phận Cho Thuê thương mại, Savills Hà Nội cho biết, các đơn vị bán lẻ trong nước và nước ngoài đang có xu hướng chuyển vào các TTTM. Các TTTM không chỉ hỗ trợ đắc lực cho các thương hiệu bán lẻ trong việc xây dựng danh mục khách thuê, nâng cấp dịch vụ, tiện ích mà còn thu hút khách hàng hiệu quả.
Nguồn: https://baodautu.vn/thi-truong-ban-le-viet-nam-soi-dong-trung-tam-thuong-mai-khong-ngung-hut-khach-d209951.html
8.    Thị trường điện máy, công nghệ vắng khách
Thị trường điện máy sau Tết tiếp tục ế ẩm, chỉ riêng mặt hàng tivi đã tồn kho tới 1 triệu chiếc. Tương tự, các hãng máy tính và nhà bán lẻ công nghệ cũng đang tồn tới cả triệu chiếc laptop, bán cả năm cũng không hết. Sức mua dịp Tết có cải thiện nhưng không đáng kể khiến nguồn hàng mà các đơn vị chuẩn bị tồn kho khá nhiều. Áp lực tồn kho lớn buộc các hãng sản xuất cũng như hệ thống bán lẻ đang phải tìm mọi cách để đẩy hàng đi càng nhanh càng tốt.
Dù các nhà bán lẻ điện máy, công nghệ đang tích cực đẩy mạnh bán hàng để giải quyết sản phẩm tồn và đón nhận các đợt hàng mới ra mắt nhưng tình hình vẫn không mấy cải thiện.
Nguồn:    https://nld.com.vn/thi-truong-dien-may-cong-nghe-vang-khach-196240302204038161.htm

 Nhóm tin về ngành thực phẩm – ẩm thực

1.    Thái Lan đặt mục tiêu trở thành trung tâm halal khu vực
Thủ tướng Srettha Thavisin cho biết chính phủ sẽ thành lập Ủy ban Công nghiệp halal quốc gia và Trung tâm Công nghiệp Halal Thái Lan để quảng bá các sản phẩm và hàng hóa thực phẩm Thái Lan ra quốc tế, đồng thời hướng tới tăng cường du lịch. Nhà lãnh đạo Chính phủ Thái Lan cho biết ông đã thảo luận với Quốc vương Brunei và Thủ tướng Malaysia về việc hợp tác phát triển một trung tâm thực phẩm halal. Ông cũng nhấn mạnh cam kết của chính phủ thành lập các trung tâm công nghiệp halal và mở rộng thị trường sản phẩm halal, đặc biệt là nỗ lực biến Thái Lan trở thành nhà bếp halal toàn cầu. Nỗ lực nâng tầm Thái Lan trở thành trung tâm sản phẩm halal vào năm 2028 tập trung vào 5 loại sản phẩm: thực phẩm, thời trang, dược phẩm và các sản phẩm thảo dược, ca cao, dịch vụ và du lịch.
Theo truyền thông Thái Lan, giá trị thị trường toàn cầu của các doanh nghiệp halal ước tính đạt 2.100 tỷ USD, với mức tăng trưởng trung bình 7,5%/năm. Tuy nhiên, thị phần của Thái Lan tại thị trường này đã giảm xuống còn 2,7%, so với mức 4,1% được ghi nhận một thập kỷ trước. Giá trị xuất khẩu các sản phẩm thực phẩm halal của Thái Lan trong 11 tháng đầu năm 2023 là 217 tỷ baht, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Phần lớn hàng xuất khẩu này thuộc nhóm thực phẩm halal tự nhiên, bao gồm gạo, ngũ cốc và mía. Có 15.043 nhà sản xuất thực phẩm halal và hơn 3.500 cơ sở thực phẩm halal ở Thái Lan.
Nguồn: https://bnews.vn/thai-lan-dat-muc-tieu-tro-thanh-trung-tam-halal-khu-vuc/325019.html
2.    Thị trường Algeria ưa chuộng các sản phẩm cà phê của Việt Nam
Algeria được đánh giá là một trong những thị trường tiêu thụ cà phê lớn, với mức nhập khẩu trung bình 130.000 tấn cà phê hạt/năm, kim ngạch trên 300 triệu USD, trong đó cà phê nhân xanh Robusta của Việt Nam thường chiếm từ 25-30% thị phần. Chiều 2/3, Thương vụ Việt Nam tại Algeria đã phối hợp với Trung tâm Thương mại Bab Ezzouar tại thủ đô Algiers tổ chức Ngày giới thiệu các sản phẩm cà phê của Việt Nam.
Các khách hàng địa phương sau khi dùng thử cà phê Việt Nam đều có cảm nhận tốt và đánh giá cao hương vị cũng như chất lượng sản phẩm. Rất nhiều khách hàng bày tỏ mong muốn được mua trực tiếp tại Algeria các loại cà phê hòa tan, cà phê nguyên chất của các thương hiệu nổi tiếng Việt Nam.
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/post-930576.vnp

Nhóm tin về nông nghiệp – thủy sản – chăn nuôi

1.    Dâu tây xuống phố, nông dân thu về trăm triệu đồng mỗi ha
Vụ năm nay giá dâu tây ở Sơn La được nhận định khá ổn định, giúp nông dân có thể thu về trung bình từ 150 – 200 triệu đồng/ha. Từ đầu vụ tới nay, Hợp tác xã đã thu hoạch và xuất bán khoảng 1.000 tấn dâu tây, với mức giá trung bình 30.000 – 100.000 đồng/kg. Trong đó, siêu thị chiếm khoảng 10% thị phần sản lượng tiêu thụ của Hợp tác xã Xuân Quế. Số còn lại được Hợp tác xã phân phối cho các thương lái phân phối tới Hà Nội, TP HCM và các tỉnh thành khác.
Thống kê cho thấy hiện nay, tỉnh Sơn La có khoảng trên 400 ha dâu tây, sản lượng trên 3.000 tấn quả/năm, trồng chủ yếu ở Mộc Châu, Yên Châu và Mai Sơn. Có 20 hợp tác xã sản xuất, kinh doanh sản phẩm quả dâu tươi, mứt dâu, siro dâu; trong đó, quả dâu tươi chiếm từ 80-90% sản lượng.
Nguồn: https://nld.com.vn/dau-tay-xuong-pho-nong-dan-thu-ve-tram-trieu-dong-moi-ha-196240301085449059.htm
2.    Rau màu mất giá, nông dân miền Tây không có lãi
Ở thời điểm này, hầu hết các loại rau xanh tại tỉnh Tiền Giang đều sụt giá hơn cùng vụ năm ngoái từ 20-30%; trong đó cải Thìa giá giảm sâu nhất, chỉ còn từ 1.500 – 2.000 đồng/kg, rau muống 3.000 đồng/kg, rau má, rau răm, hành hẹ trên dưới 5.000 đồng/kg. Theo các thương lái, giá rau màu giảm sâu do vụ Đông Xuân sản lượng tăng cao, lượng rau màu từ Đà Lạt và kể cả rau màu nhập ngoại về nhiều nên dẫn đến “cung vượt cầu”.
Nguồn: https://vov.vn/kinh-te/rau-mau-mat-gia-nong-dan-khong-co-lai-post1079950.vov
3.    Giá cà phê cao kỷ lục, nông dân thắng lớn
Những ngày này, người trồng cà phê khắp cả nước rất phấn khởi bởi mức giá của mặt hàng này cao kỷ lục, hơn 80.000 đồng/kg, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Thông tin nhu cầu của thế giới với cà phê robusta của Việt Nam rất lớn, đây là nguyên nhân dẫn đến giá cà phê trong nước tăng cao so với nhiều năm trong lịch sử. Người nông dân trồng cà phê thu về lợi nhuận cao hơn.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam 2 tháng đầu năm 2024 đạt 1,38 tỉ USD (tăng 85%) so với cùng kỳ. Cà phê là một trong những mặt hàng có tốc độ tăng trưởng ấn tượng, giúp ngành nông nghiệp đạt kim ngạch xuất khẩu gần 10 tỉ USD.
Nguồn: https://nld.com.vn/gia-ca-phe-cao-ky-luc-nong-dan-thang-lon-196240303223055161.htm

Nhóm tin về thị trường xuất nhập khẩu

1.    Cảng Incheon của Hàn Quốc mở thêm các dịch vụ vận tải biển tới Việt Nam
Chính quyền cảng Incheon (IPA) ngày 6/3 thông báo hãng tàu nước ngoài Maersk từ ngày 4/3 đã bắt đầu dịch vụ PH5 tại Cảng Incheon. PH5 là tuyến đường biển hàng tuần khởi hành từ Cảng Incheon của Hàn Quốc đến Việt Nam và Thái Lan đi qua Trung Quốc. Thông tin cho biết 5 tàu sức tải từ 2.544 TEU đến 2.826 TEU sẽ được triển khai và tàu đầu tiên mang tên MAERSK NINGBO đã vào Cảng container Hanjin Incheon nhận hàng. Các cảng chính trên tuyến mà tàu sẽ ghé là Trung Quốc (Hạ Môn, Hong Kong), Thái Lan (Leam Chabang) và Việt Nam (Cát Lái). Tuyến đường vận chuyển này được kỳ vọng sẽ giúp phục hồi thương mại giữa Incheon với Trung Quốc, Việt Nam và Thái Lan.
Một lãnh đạo IPA cho biết với dịch vụ mới này, số lượng dịch vụ ghé cảng của Cảng Incheon tới Việt Nam và Thái Lan đã tăng lên 29, giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể phát triển thị trường xuất khẩu, đồng thời mở rộng phạm vi lựa chọn cho các chủ hàng cũng như những nhà giao nhận ở khu vực đô thị.
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/cang-incheon-cua-han-quoc-mo-them-cac-dich-vu-van-tai-bien-toi-viet-nam-post931063.vnp
2.    Hai tháng, cả nước xuất siêu 4,72 tỷ USD
Tổng cục Thống kê vừa công bố thông tin: 2 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 113,96 tỷ USD, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm 2023. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 4,72 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 3,5 tỷ USD). Về nhập khẩu hàng hóa tháng 2/2024 ước đạt 23,72 tỷ USD, giảm 23,2% so với tháng trước. Lũy kế 2 tháng đầu năm 2024, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 54,62 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 19,67 tỷ USD, tăng 27,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 34,95 tỷ USD, tăng 13,3%.
Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 2 tháng qua, với kim ngạch ước đạt 17,4 tỷ USD, tăng 33,7% so với cùng kỳ, xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 8,1 tỷ USD, tăng 7,7%, sang Nhật Bản đạt 4,0 tỷ USD, tăng 19,6%.
Nguồn: https://baotintuc.vn/kinh-te/hai-thang-ca-nuoc-xuat-sieu-472-ty-usd-20240229155308447.htm
3.    Hàng loạt nông sản Việt Nam đón tin vui đầu năm
Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản tháng 2 ước đạt 4,48 tỉ USD, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 2 tháng đầu năm 2024 đạt 9,84 tỉ USD, tăng 50,3% so với cùng kỳ năm 2023. Xuất khẩu các mặt hàng nông sản đạt 5,18 tỉ USD, tăng 55,7%; xuất khẩu thủy sản đạt 1,37 tỉ USD, tăng 28,9%; xuất khẩu lâm sản đạt 2,9 tỉ USD, tăng 59,7%.
Cà phê là mặt hàng có mức giá xuất khẩu tăng cao nhất, lên tới 44,7% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 3.153 USD/tấn; giá gạo xuất khẩu cũng tăng tới 32,2%, đạt 699 USD/tấn; giá hồ tiêu tăng 28,7%, ở mức bình quân 4.041 USD/tấn; và sắn tăng 16,6% với mức giá 444 USD/tấn.
Nguồn: https://nld.com.vn/hang-loat-nong-san-viet-nam-don-tin-vui-dau-nam-196240301100609475.htm
4.    Xuất khẩu thủy sản tăng gần 30%, tín hiệu lạc quan những tháng đầu năm
Qua 2 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản đang ghi nhận tín hiệu lạc quan trở lại khi kim ngạch xuất khẩu đạt 1,37 triệu USD, tăng 28,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật bản và Liên minh châu Âu tiếp tục là những thị trường nhập khẩu lớn thủy sản của Việt Nam Các mặt hàng chủ lực như: tôm, cá tra, cá ngừ đều có sự bứt phá đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) ngoài tìm kiếm mở rộng thị trường, việc cung cấp thêm nguồn vốn tiếp sức cho ngành là yêu cầu cần thiết hiện nay để ngành sớm phục hồi và tăng trưởng.
Nguồn:  https://vov.vn/kinh-te/xuat-khau-thuy-san-tang-gan-30-tin-hieu-lac-quan-nhung-thang-dau-nam-post1080074.vov  
5.    Xuất khẩu sắt thép sang Mỹ tăng ‘khủng’ hơn 400%
Mỹ đã chi hơn 113 triệu USD để nhập khẩu sắt thép Việt Nam trong tháng đầu năm, đạt hơn 139.000 tấn, tăng 419% về lượng và hơn 361% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính), nửa đầu tháng 2 (1 – 15.2), cả nước xuất khẩu 377.858 tấn sắt thép các loại, trị giá 269,5 triệu USD.
Các thị trường xuất khẩu hàng đầu của sắt thép Việt Nam dịp đầu năm là Ý, Mỹ và Malaysia với mức tăng trưởng xuất khẩu đều khá ấn tượng. Cụ thể, xuất khẩu sắt thép sang Ý đạt 203.000 tấn, tăng 114%; xuất khẩu sắt thép sang Malaysia đạt 120.000 tấn, tăng 625%.
Nguồn: https://thanhnien.vn/xuat-khau-sat-thep-sang-my-tang-khung-hon-400-185240304085043394.htm
6.    Nguy cơ Canada điều tra phòng vệ thương mại với dây thép nhập từ Việt Nam
Phòng Xử lý phòng vệ thương mại nước ngoài, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) vừa phát đi cảnh báo về nguy cơ Canada điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với mặt hàng dây thép nhập khẩu từ Việt Nam. Tính đến nay, Canada đã khởi xướng điều tra 8 vụ việc phòng vệ thương mại đối với các mặt hàng thép xuất khẩu của Việt Nam, nhắm tới hầu hết các mặt hàng, loại hình thép xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như thép cốt bê tông, thép tấm chống ăn mòn, thép cuộn…
Việc gia tăng tuyệt đối về trị giá là một trong các tiêu chí để Canada tiến hành điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với dây thép của Việt Nam. Với chính sách giám sát và siết chặt quản lý với thép nhập khẩu để bảo vệ thị trường nội địa, dự kiến trong thời gian tới, Canada sẽ tiếp tục nghiên cứu, điều tra với những mặt hàng, loại hình thép còn lại của Việt Nam, trong đó có mặt hàng dây thép.
Nguồn:  https://vtv.vn/kinh-te/nguy-co-canada-dieu-tra-phong-ve-thuong-mai-voi-day-thep-nhap-tu-viet-nam-20240305151822328.htm

Nhóm tin về xu hướng xanh – bền vững

  1. Cân nhắc bổ sung cơ sở lĩnh vực chăn nuôi vào danh mục kiểm kê khí nhà kính
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam vừa có công văn góp ý cho Dự thảo Quyết định ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính cập nhật của Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài Nguyên và Môi trường). Theo đó, liên quan đến danh mục kiểm kê khí nhà kính ngành nông nghiệp, VCCI cho rằng Dự thảo bổ sung các cơ sở trong lĩnh vực chăn nuôi là bổ sung hoàn toàn mới so với Quyết định 01/2022/QĐ-TTg, và không có trong các trường hợp tại Điều 6 Nghị định 06/2022/NĐ-CP.
Theo VCCI, quy định bổ sung các cơ sở trong lĩnh vực chăn nuôi vào danh mục kiểm kê khí nhà kính còn tác động lên doanh nghiệp, bởi theo phản ánh của doanh nghiệp, hiện nhiều cơ sở chăn nuôi đang đối mặt với vấn đề chi phí kinh doanh lớn do các tác động từ dịch bệnh Covid-19 và các yêu cầu về di dời địa điểm chăn nuôi theo yêu cầu về bảo vệ môi trường. Quy định này sẽ ngay lập tức tạo thêm gánh nặng lên các doanh nghiệp tại thời điểm này.
Nguồn: https://congthuong.vn/can-nhac-bo-sung-co-so-linh-vuc-chan-nuoi-vao-danh-muc-kiem-ke-khi-nha-kinh-307040.html

 Nhóm tin về ngành dịch vụ

1.    Thái Lan với tham vọng trở thành trung tâm hàng không toàn cầu
Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin đã công bố kế hoạch “Tầm nhìn Thái Lan 2030” với một loạt sáng kiến nhằm đưa quốc gia Đông Nam Á trở thành trung tâm toàn cầu trong 8 lĩnh vực. Theo báo Bangkok Post, một phần của mục tiêu đầy tham vọng này là biến Thái Lan thành một trung tâm hàng không. Ông Srettha mong muốn các sân bay trong nước – đặc biệt là sân bay hàng đầu Thái Lan Suvarnabhumi – có thể đón nhiều hành khách hơn, qua đó không chỉ mang lại trải nghiệm tốt hơn và thuận tiện hơn cho du khách mà còn làm cho các sân bay nội địa trở nên hấp dẫn hơn đối với các hãng hàng không bay đến Thái Lan hoặc kết nối Thái Lan vào mạng lưới toàn cầu của họ.
Để đưa Thái Lan trở thành trung tâm hàng không, Thái Lan cần thiết lập các quy định rõ ràng để ngăn chặn nạn tăng giá. Mặc dù giá cao chỉ có thể phản ánh cung và cầu, nhưng nếu không có bất kỳ quy định minh bạch nào về cách đặt giá, điều này có thể tạo ra hình ảnh tiêu cực về một nơi mà du khách không thể mong đợi trải nghiệm suôn sẻ và công bằng. Biến sân bay Suvarnabhumi trở thành trung tâm hàng không toàn cầu chắc chắn là một nhiệm vụ đầy tham vọng, đặc biệt là trong nửa thập kỷ tới. Sân bay Changi phải mất vài thập kỷ để thay thế Hong Kong (Trung Quốc) trở thành trung tâm hàng không ở châu Á và đó chỉ là do thành phố này tập trung phát triển cơ sở hạ tầng và đầu tư vào trải nghiệm du lịch tốt hơn.
Nguồn: https://bnews.vn/thai-lan-voi-tham-vong-tro-thanh-trung-tam-hang-khong-toan-cau/324974.html
2.    Hãng hàng không giá rẻ AirAsia tìm đường vào Việt Nam
AirAsia là hãng hàng không giá rẻ lớn nhất Đông Nam Á, hiện hoạt động tại Malaysia, Philippines, Indonesia, Thái Lan và Campuchia. Theo Bloomberg, các kế hoạch mở rộng đầy tham vọng của hãng hàng không giá rẻ AirAsia đang hướng tới Singapore và Việt Nam. Điều này báo hiệu một bước đi táo bạo nhằm mở rộng dấu ấn của hãng tại Đông Nam Á.
Tại Việt Nam, hãng hàng không giá rẻ này chưa có pháp nhân mà chỉ đang khai thác các chặng bay quốc tế trên các tàu bay mang quốc tịch nước ngoài. Trước đây, hãng đã 4 lần lên kế hoạch thành lập liên doanh hàng không giá rẻ tại thị trường Việt Nam nhưng đều thất bại.
Nguồn: https://znews.vn/hang-hang-khong-gia-re-airasia-tim-duong-vao-viet-nam-post1463364.html

Nhóm tin về ngành thời trang – làm đẹp

  1. Giá tăng vàng tăng cao
Sáng 5/3, giá vàng miếng SJC và vàng nhẫn đều tăng mạnh, thậm chí giá vàng nhẫn tăng cao nhất từ trước đến nay. Giá vàng SJC duy trì trên mức 80 triệu đồng/lượng và vàng nhẫn trên 68 triệu đồng/lượng thu hút sự quan tâm của bộ phận lớn người dân.
Giá vàng miếng SJC đang cao hơn giá vàng thế giới khoảng 18 triệu đồng/lượng, giá vàng nhẫn cũng cao hơn vàng thế giới khoảng 5 triệu đồng mỗi lượng. Đây là mức chênh cao lịch sử đối với vàng nhẫn và gần kỷ lục đối với vàng miếng SJC.
Nguồn: https://tienphong.vn/gia-tang-vu-vu-dan-do-xo-mua-ban-nha-vang-phai-phat-phieu-post1617456.tpo

 Nhóm tin về ngành du lịch

1.    Indonesia phát triển xu hướng “du lịch tĩnh” trong năm 2024
Trong bối cảnh du lịch quay trở lại thời kỳ bùng nổ sau đại dịch, du lịch tĩnh đang nổi lên như một xu hướng du lịch mới vào năm 2024. Du lịch tĩnh bao gồm việc trở về và hòa mình với thiên nhiên, ngắt kết nối với các thiết bị công nghệ, kết nối bản thân và thế giới. Một trong những lý do chính cho sự gia tăng của xu hướng này là nhận thức ngày càng tăng về tầm quan trọng của sức khỏe tinh thần và hạnh phúc.  Một yếu tố khác thúc đẩy xu hướng này là mong muốn có những trải nghiệm du lịch chân thực và ý nghĩa.
Nắm bắt được xu hướng mới này, Bộ Du lịch và Kinh tế sáng tạo Indonesia hướng đến vấn đề “du lịch xanh” làm trọng tâm trong năm 2024. Indonesia với tiềm năng tài nguyên thiên nhiên phong phú và đa dạng về văn hóa, có tiềm năng cao trong phát triển du lịch xanh. Bộ trưởng Bộ Du lịch và Kinh tế sáng tạo Indonesia – ông Sandiaga Uno cho rằng việc phát triển ngành du lịch và kinh tế sáng tạo trong tương lai, đặc biệt là lĩnh vực đầu tư, cần phải quan tâm đến các vấn đề bền vững về môi trường và đầu tư xanh là chìa khóa thành công.
Nguồn: https://vov.vn/du-lich/du-lich-tinh-xu-huong-du-lich-moi-trong-nam-2024-post1079466.vov
2.    Du lịch Singapore hưởng lợi lớn nhờ các sự kiện âm nhạc quốc tế
Với mong muốn đem lại nguồn lợi khổng lồ cho kinh tế nước nhà và nuôi tham vọng trở thành điểm đến hàng đầu của người hâm mộ âm nhạc khu vực ASEAN, các chuyên gia, cơ quan quản lý tại Singapore đã chủ động thực hiện những động thái tích cực để ngày càng thu hút nhiều nghệ sĩ toàn cầu đến đây biểu diễn. Singapore đã trải thảm đỏ cho nhiều nghệ sĩ quốc tế như nhóm nhạc BlackPink, Harry Styles và Ed Sheeran, kể từ khi nước này chấm dứt các biện pháp phòng chống đại dịch COVID-19. Các nghệ sĩ sắp đến đây gồm Bruno Mars, Sum 41 và Jerry Seinfeld. Sắp tới, Singapore khiến một số nước láng giềng ghen tị khi được độc quyền tổ chức Eras Tour của nữ ca sỹ Taylor Swift và thu lợi từ bùng nổ du lịch.
Những buổi biểu diễn của các ngôi sao lớn như Taylor Swift tác động rất lớn đến nền kinh tế, nhất là ngành du lịch, dịch vụ của Singapore. Các chuyên gia ước tính rằng chỉ riêng các buổi hòa nhạc của Coldplay sẽ đóng góp 96 triệu USD vào tổng sản phẩm quốc nội của Singapore. Du lịch sự kiện đang định hình lại ngành du lịch sau đại dịch khi ngày càng có nhiều người sẵn sàng bay ra nước ngoài để tham dự các buổi hòa nhạc hoặc sự kiện thể thao. Lượng khách du lịch đến Singapore để tham gia các sự kiện âm nhạc như trên mang lại nguồn lợi khổng lồ cho nước này, từ tăng trưởng kinh tế cho đến làm giàu văn hóa và được công nhận toàn cầu.
Nguồn:  https://baotintuc.vn/the-gioi/du-lich-singapore-huong-loi-lon-nho-cac-su-kien-am-nhac-quoc-te-20240301225316367.htm
3.    Khách Trung Quốc, Hàn Quốc chiếm hơn 40% lượt khách quốc tế đến Việt Nam
Lượng khách quốc tế đến Việt Nam tháng 2-2024 đạt trên 1,53 triệu lượt, đưa tổng số khách quốc tế trong 2 tháng đầu năm đạt hơn 3 triệu lượt, tăng 68,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong tổng số hơn 3 triệu lượt khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, khách đến bằng đường hàng không chiếm 84,2%, gấp 1,6 lần cùng kỳ 2023; đường bộ chiếm 12,8%; đường biển chiếm 3%.
Chỉ tính riêng thị trường khách Hàn Quốc và Trung Quốc đã chiếm hơn 40% tổng lượt khách quốc tế đến Việt Nam. Trong top 10 thị trường lớn nhất của du lịch Việt Nam còn có Nhật Bản (107.000 lượt), Úc (97.000 lượt), Malaysia (92.000 lượt), Ấn Độ (79.000 lượt), Campuchia (79.000 lượt), Thái Lan (76.000 lượt).
Nguồn: https://tuoitre.vn/khach-trung-quoc-han-quoc-chiem-hon-40-luot-khach-quoc-te-den-viet-nam-20240301165457165.htm

Nhóm tin về ngành kĩ thuật – công nghệ

1.    CEO Nvidia: AI siêu thông minh có thể xuất hiện trong 5 năm tới
Ông Jensen Huang, Giám đốc điều hành Nvidia, hôm 1.3 nói rằng trí tuệ nhân tạo tổng quát (AGI) có thể xuất hiện trong 5 năm tới. AGI là một AI siêu thông minh, tiên tiến đến mức có thể làm được nhiều việc ngang bằng hoặc tốt hơn con người.
Theo Jensen Huang, nếu định nghĩa là khả năng vượt qua các bài kiểm tra của con người thì AGI sẽ sớm xuất hiện. Song theo những định nghĩa khác, Jensen Huang nói việc đạt được AGI có thể mất khoảng thời gian dài hơn (5 năm), bởi các nhà khoa học vẫn còn bất đồng về cách mô tả cách thức hoạt động của trí óc con người.
Nguồn: https://1thegioi.vn/ceo-nvidia-ai-sieu-thong-minh-co-the-xuat-hien-trong-5-nam-toi-214659.html
2.    Tỉ phú Elon Musk kiện OpenAI và CEO Sam Altman
Theo Đài CNBC, vụ kiện của Elon Musk với công ty OpenAI được đệ trình lên tòa án ở bang San Francisco vào cuối ngày 29-2 (giờ Mỹ). Theo đơn kiện, vào năm 2015, hai nhà sáng lập OpenAI là ông Sam Altman và ông Greg Brockman đã tiếp cận tỉ phú Elon Musk. Họ sau đó đã đồng ý thành lập một phòng thí nghiệm phi lợi nhuận nhằm phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) vì lợi ích của nhân loại.
Đơn kiện của ông Musk cho rằng dưới sự điều hành của hội đồng quản trị mới, OpenAI không chỉ phát triển mà thực sự đã tinh chỉnh AGI để tối đa hóa lợi nhuận cho Microsoft, thay vì lợi ích của nhân loại. Các luật sư của tỉ phú Elon Musk cho biết vụ kiện được đệ trình để buộc OpenAI tuân thủ thỏa thuận thành lập và quay trở lại sứ mệnh phát triển AI vì lợi ích của nhân loại, chứ không phải mang lại lợi ích cá nhân cho cá nhân bị kiện và Microsoft. Hiện tại, OpenAI và Microsoft đều chưa bình luận về vụ việc này.
Nguồn: https://tuoitre.vn/ti-phu-elon-musk-kien-openai-va-ceo-sam-altman-20240301204212072.htm
3.    Sri Lanka đưa AI vào trường học
Ngày 3-3, Bộ Giáo dục Sri Lanka thông báo kể từ ngày 19-3, chương trình thí điểm về sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong trường học sẽ được triển khai tại 20 cơ sở giáo dục ở quốc gia Nam Á này. Trước mắt Bộ Giáo dục sẽ áp dụng chương trình thí điểm trên đối với học sinh từ lớp 8 trở lên. Sau khi đánh giá kết quả từ chương trình thử nghiệm, bộ sẽ có thể triển khai chương trình trên phạm vi toàn quốc vào năm 2025.
Việc đưa AI vào trường học ở Sri Lanka được thực hiện theo đề xuất của nhóm chuyên trách có nhiệm vụ hoạch định chiến lược và kế hoạch quốc gia về phát triển và ứng dụng AI.
Nguồn: https://tuoitre.vn/sri-lanka-dua-ai-vao-truong-hoc-20240304084931136.htm
4.    EU có thể cho phép áp thuế chống trợ giá xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc
Ủy ban châu Âu (EC) dự kiến bắt đầu thực hiện đăng ký hải quan đối với xe điện (EV) nhập khẩu từ Trung Quốc, đồng nghĩa với việc có thể áp thuế nếu một cuộc điều tra đi đến kết luận xe được nhận trợ cấp trái quy định. EC đang tiến hành điều tra chống trợ giá đối với EV của Trung Quốc trước khi quyết định có áp thuế để bảo vệ các nhà sản xuất của Liên minh châu Âu (EU) hay không. Cuộc điều tra dự kiến kết thúc vào tháng 11/2024, dù EU có thể áp thuế tạm tính vào tháng 7/2024.
Trong một tài liệu được công bố ngày 5/3, EC cho biết đã có đủ cơ sở để cho thấy EV của Trung Quốc đang được trợ giá và lượng xe nhập khẩu tăng 14% kể từ khi cuộc điều tra được tiến hành vào tháng 10/2023. Theo EC, các nhà sản xuất EU có thể chịu tổn thất khó bù đắp nếu lượng nhập khẩu xe từ Trung Quốc tiếp tục tăng với tốc độ hiện nay.
Nguồn: https://baotintuc.vn/the-gioi/eu-co-the-cho-phep-ap-thue-chong-tro-gia-xe-dien-nhap-khau-tu-trung-quoc-20240306111741092.htm
5.    Úc – thiên đường mới dành cho ôtô điện Trung Quốc
Theo Reuters, BYD cùng các nhà sản xuất ôtô Trung Quốc khác đang đưa ôtô điện của mình đến thị trường Australia, nơi họ không phải đối mặt với những rào cản thương mại, còn doanh số đã tăng vọt do ảnh hưởng từ trợ cấp xe điện, lợi ích về thuế cũng như đà tăng phi mã của giá xăng. Năm ngoái, doanh số của BYD tại thị trường Australia đã tăng gần 6 lần so với năm 2022, thời điểm hãng xe Trung Quốc vừa đặt chân vào xứ sở chuột túi. Với tổng doanh số hơn 12.000 xe, BYD hiện nắm giữ 14% thị phần ôtô điện tại Australia và chỉ xếp sau Tesla với 53%, theo dữ liệu từ Phòng Công nghiệp Ôtô Liên bang Australia.
Theo Reuters, Australia ở thời điểm hiện tại vẫn là một thị trường ôtô sở hữu quy mô tương đối nhỏ, khi doanh số năm ngoái chỉ ở mức 1,2 triệu xe. Tuy nhiên trong con mắt các nhà sản xuất ôtô Trung Quốc, xứ sở chuột túi lại là một thị trường tương đối hấp dẫn. Chuyên trang Reuters lý giải Australia không sở hữu một nền công nghiệp ôtô hoàn chỉnh và do đó, quốc gia này được xem là không có khả năng đưa ra các rào cản đối với thương mại bảo hộ. Ngoài ra, những chính sách hấp dẫn khiến nhu cầu xe điện được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong vòng vài năm tới. PwC ước tính một nửa doanh số ôtô mới tại Australia sẽ là xe điện vào năm 2027, trong khi Fitch Ratings dự đoán con số này sẽ đạt 18% vào năm 2032.
Nguồn:https://znews.vn/thien-duong-moi-danh-cho-oto-dien-trung-quoc-post1463533.html

Nhóm tin về ngành công nghiệp nặng – năng lượng

1.     OPEC+ gia hạn việc cắt giảm sản lượng dầu trong quý 2
Hãng tin Reuters dẫn các nguồn tin trong Tổ chức xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác, gọi tắt là OPEC+, đưa tin, nhóm các quốc gia này đã đồng ý gia hạn việc cắt giảm sản lượng dầu một cách tự nguyện trong quý 1 năm nay sang quý 2. Theo đó, Saudi Arabic sẽ gia hạn mức cắt giảm 1 triệu thùng mỗi ngày, còn Nga sẽ cắt giảm sản lượng thêm 471.000 thùng mỗi ngày trong quý 2. Kuwait sẽ cắt giảm 135.000 thùng/ngày; Algeria cắt giảm 51.000 thùng/ngày, trong khi con số này tại Oman là 42.000 thùng/ngày…
Trước đó, hồi tháng 11 năm ngoái, OPEC+ cam kết cắt giảm tự nguyện khoảng 2,2 triệu thùng mỗi ngày trong quý 1 năm nay, để hỗ trợ thị trường trong bối cảnh nhiều nền kinh tế lớn vật lộn với lãi suất cao.
Nguồn:  https://vov.vn/kinh-te/opec-gia-han-viec-cat-giam-san-luong-dau-trong-quy-2-post1080364.vov

Nhóm tin về liên kết, đầu tư, start-up, DN mới

1.    Các startup ASEAN đã tăng 20% chi phí lương cho bộ phận bán hàng
Các startup ASEAN đã tăng 20% chi phí lương cho bộ phận bán hàng và phát triển kinh doanh trong năm ngoái. Mức tăng lương trung bình cho nhân viên bán hàng là 2% trong năm 2023 nhưng lại là sự bật tăng đáng chú ý, báo hiệu sự thay đổi lớn của startup trong cách tiếp cận thị trường. Báo cáo do nền tảng tuyển dụng Glints và quỹ mạo hiểm Monk’s Hill Ventures công bố hôm 29-2 nhận định, con số này phản ánh nhu cầu cấp thiết của những công ty non trẻ trong việc tạo ra dòng tiền giữa “mùa đông gọi vốn” và kinh tế thế giới trì trệ.
Cheryl Liew, người đứng đầu bộ phận nhân tài tại quỹ Monk’s Hill Ventures, cho rằng: “Với môi trường kinh doanh hiện nay, việc tìm kiếm và tuyển dụng người để giúp công ty mở rộng quy mô không còn là một lựa chọn nữa. Các công ty khởi nghiệp phải chứng minh rằng sản phẩm của họ có phù hợp thị trường hay không. Không kém phần quan trọng là lộ trình rõ ràng để đạt được lợi nhuận với hai yếu tố trọng tâm là hiệu quả và năng suất”.
Nguồn: https://thesaigontimes.vn/cac-startup-asean-da-tang-20-chi-phi-luong-cho-bo-phan-ban-hang/
2.    FPT mua 100% vốn công ty Next Advanced Communications của Nhật
Ngày 1/3, Tập đoàn FPT (HOSE: FPT) công bố mua 100% vốn của Next Advanced Communications NAC Co., Ltd. (NAC). Theo FPT, thương vụ này giúp Tập đoàn tiến gần tới mục tiêu doanh thu 1 tỷ USD từ thị trường Nhật Bản vào năm 2027 và có hơn một nửa số nhân viên tại đây là người nước ngoài.
Vì vậy, thành công trong thương vụ M&A đầu tiên tại Nhật đã thể hiện cam kết đầu tư lâu dài của FPT với thị trường trọng điểm này, và tạo ra bước đà để tập đoàn tiếp tục đẩy mạnh hoạt động mua bán sáp nhập trong thời gian tới.
Nguồn:
https://vietnamdaily.trithuccuocsong.vn/tai-chinh-ngan-hang/fpt-mua-100-von-cong-ty-next-advanced-communications-cua-nhat-203534.html
3.    Startup dạy tiếng Anh NativeX nhận 4 triệu $ vòng seed khi thu hút 70.000 người học chỉ trong 1 năm
NativeX là nền tảng học tiếng Anh online tối ưu hóa cho người đi làm Việt, được bảo chứng bởi 2 NXB giáo trình tiếng Anh lớn nhất thế giới là Macmillan Education và National Geographic Learning. Chỉ trong vòng 1 năm, NativeX đã mở hơn 60.000 lớp học với hơn 70.000 đăng ký tham gia. Nhờ tốc độ tăng trưởng bùng nổ này, giữa bối cảnh ‘mùa đông cấp vốn’ của toàn thị trường do suy thoái, NativeX vẫn thành công huy động 4 triệu đô vốn đầu tư từ quỹ Ansible Ventures, Blueprint Ventures, Northstar Ventures và các nhà đầu tư khác chỉ sau 8 tháng ra mắt. Đây là một bước đi tiên phong dẫn đầu tăng trưởng ngành giáo dục trực tuyến đang bùng nổ tại thị trường Việt Nam.
Với số vốn đầu tư nhận được, thời gian tới, NativeX dự định phân bổ 80% nguồn vốn ban đầu để đẩy nhanh quá trình nâng cấp sản phẩm và phát triển sản phẩm mới như chương trình tiếng Anh giao tiếp kết hợp kỹ năng mềm. Bên cạnh đó, NativeX hướng đến mở rộng phạm vi hoạt động ra nhiều khu vực khó khăn và các tỉnh thành nhỏ hơn trên khắp cả nước để hoàn thành mục tiêu giúp 10 triệu người đi làm tại Việt Nam học tiếng Anh dễ dàng và hiệu quả hơn.
Nguồn:
https://www.nguoiduatin.vn/startup-day-tieng-anh-native-x-nhan-4-trieu-vong-seed-khi-thu-hut-70-000-nguoi-hoc-chi-trong-1-nam-a652133.html
4.    TPHCM: Thu hút vốn FDI giảm mạnh
UBND TPHCM vừa có báo cáo Chính phủ về tình hình kinh tế – xã hội tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2024. Theo đó, tình hình thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trên địa bàn bất ngờ giảm mạnh. Cụ thể, 2 tháng đầu năm 2024, tính chung cả vốn thu hút được dưới hình thức cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và vốn thu hút được qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp của doanh nghiệp trong nước, TPHCM chỉ thu hút được khoảng 195,45 triệu USD, giảm 47% so với cùng kỳ.
Trong đó, các dự án đầu tư nước ngoài được cấp mới là 144 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký là 33,99 triệu USD (tăng 39,8% số dự án cấp mới nhưng giảm 65,7% vốn đầu tư so với cùng kỳ). Có 30 lượt dự án được cấp phép từ các năm trước thực hiện điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm 42,32 triệu USD (bao gồm các dự án tăng và giảm vốn), tăng nhẹ 3,4% số dự án nhưng giảm 39,9% vốn điều chỉnh so với cùng kỳ.
Nguồn: https://dttc.sggp.org.vn/tphcm-thu-hut-von-fdi-giam-manh-post112352.html#112352|zone-box-home-33|1
5.    Quỹ đầu tư của chính phủ Singapore đàm phán rót vốn vào OpenAI
Temasek Holdings, quỹ đầu tư của chính phủ Singapore đang đàm phán về kế hoạch đầu tư vào OpenAI của Mỹ. Thương vụ này sẽ đánh dấu lần đầu tiên một tổ chức đầu tư nhà nước hậu thuẫn tài chính cho nhà phát triển ChatGPT. Các cuộc đàm phán diễn ra khi Altman tìm cách huy động vốn cho kế hoạch đầy tham vọng nhằm khởi động dự án phát triển và sản xuất chip AI, cho phép OpenAI giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung chip cao cấp của Nvidia.
Ban lãnh đạo của Temasek xác định AI là trọng tâm đầu tư. Quỹ này đã rót tiền vào một loạt công ty trong lĩnh vực AI. Sự quan tâm đối với OpenAI phản ánh nỗ lực mở rộng dấu ấn toàn cầu của Temasek trong thập niên qua. Sự góp mặt của Temasek với tư cách là nhà đầu tư không chỉ mang lại cho OpenAI nguồn hậu thuẫn tài chính đáng kể, mà còn tạo sự hỗ trợ chiến lược để quản lý hệ sinh thái công nghệ toàn cầu phức tạp.
Nguồn: https://thesaigontimes.vn/quy-dau-tu-cua-chinh-phu-singapore-dam-phan-rot-von-vao-openai/

Nhóm tin về tài chính

1.    Deutsche Börse (Frankfurt – Đức) ra mắt sàn giao dịch tiền điện tử cho các nhà đầu tư
Sau thời gian dài chuẩn bị, Sở giao dịch chứng khoán Frankfurt (Deutsche Börse) ngày 5/3 tuyên bố ra mắt một sàn giao dịch tiền điện tử mới dành cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp. Các ngân hàng, nhà quản lý tài sản và công ty bảo hiểm giờ đây có thể mua bán các loại tiền điện tử phổ biến nhất như bitcoin và ethereum trên Sàn giao dịch kỹ thuật số Deutsche Börse (DBDX). Với bước đi mới này, Deutsche Börse cung cấp dịch vụ mua và bán trực tiếp tiền điện tử và xử lý các giao dịch và lưu trữ tài sản tiền điện tử, dựa trên nền tảng Crypto Finance của Thụy Sỹ mà công ty đã mua phần lớn cổ phần vào năm 2021.
Deutsche Börse giải thích việc mở sàn giao dịch là do có nhu cầu cao từ các nhà đầu tư tổ chức trong bối cảnh thị trường tiền điện tử hiện đang nóng lên từng ngày. Giá bitcoin hiện đã vượt qua mức cao kỷ lục thiết lập vào tháng 11/2021 là 68.789 USD.
Nguồn: https://bnews.vn/deutsche-b-rse-ra-mat-san-giao-dich-tien-dien-tu-cho-cac-nha-dau-tu/325664.html
2.    Sắp có cơ chế cho phép thử nghiệm cho vay ngang hàng P2P Lending
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa công bố Dự thảo Nghị định quy định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng, bao gồm cả lĩnh vực cho vay ngang hàng (P2P Lending). Trong bản dự thảo lần này, NHNN đã cho phép thử nghiệm với ba giải pháp tài chính công nghệ (fintech) là chấm điểm tín dụng; chia sẻ dữ liệu qua giao diện lập trình ứng dụng mở (Open API) và cho vay ngang hàng (P2P Lending), giảm so với 6 giải pháp trong những dự thảo trước.
Thời gian thử nghiệm các giải pháp trên tối đa 2 năm, tùy từng giải pháp và lĩnh vực cụ thể, tính từ thời điểm được NHNN cấp Giấy chứng nhận tham gia Cơ chế thử nghiệm. Căn cứ vào tình hình thực tế, NHNN có thể điều chỉnh thời gian thử nghiệm.
Nguồn: https://daidoanket.vn/sap-co-co-che-cho-phep-thu-nghiem-cho-vay-ngang-hang-p2p-lending-10274622.html