Sầu riêng Thái Lan được người Trung Quốc chuộng hơn trái của Việt Nam, nhưng sầu riêng của xứ chùa vàng chỉ rộ mùa từ tháng 5 đến tháng 7. Yếu tố này đã buộc người Thái phải “cắt đôi nỗi sầu”, nhường bớt sân chơi cho thương lái Việt trên thị trường đại lục, bởi sầu riêng có trái quanh năm ở Việt Nam.
1/ Hôm nay, tại Hồng Kông bà Narunon Pinyosinwat – Đại diện Thương mại Thái Lan – đã gặp đại diện của Tencent Yan Zhang để bàn về việc sử dung công nghệ của Tencent để xây dựng mã QR xác thực cho sầu riêng Thái Lan. Cả hai cũng trao đổi về việc xây dựng một nền tảng điện tử bán sầu riêng Thái tại Trung Quốc.
Zhang cũng đồng thời là CEO của Shanghai East Best Foreign Trade(SEBFT), nhà nhập khẩu sầu riêng lớn của Trung Quốc.
Sau cuộc họp, theo The Nation, bà Nuramon nói SEBFT đã ký hợp đồng mua 3.000 cointainer sầu riêng từ Thái Lan với giá 10 tỷ baht (275 triệu USD), với 400 container đầu tiên sẽ được chuyển sang Trung Quốc vào tháng 4 tới. Bà Nuramon nói mỗi trái sầu riêng sẽ được gắn mã QR vô hình để xác thực nguồn gốc của trái là từ Thái Lan.
Các nhà nghiên cứu Tencent đã phát triển loại mực chỉ phát huỳnh quang dưới những bước sóng ánh sáng nhất định, chẳng hạn như tia hồng ngoại. Điều này sẽ đảm bảo mã QR không thể nhìn thấy được bằng mắt thường, nhưng có thể đọc được bằng camera của smartphone có bộ lọc đặc biệt hoặc camera hồng ngoại.
“Công nghệ này sẽ nâng cao niềm tin của người mua Trung Quốc rằng họ đang mua được trái cây chất lượng cao từ Thái Lan, không phải nước nào khác. Mã QR vô hình sẽ ngăn cản bất cứ ai ngụy trang sản phẩm là trái cây đến từ Thái Lan”, Đại diện Thương mại Thái Lan nhấn mạnh.
Bà Narumon cũng nói rằng Bộ Thương mại Thái Lan cũng đang nhờ Tencent xây dựng nền tảng trực tuyến cho phép các nhà cung cấp Thái Lan bán sản phẩm cho người mua ở Trung Quốc thông qua quy trình ảo tận nhà, tăng sự thuận tiện cho các nhà cung cấp Thái Lan.
Narumon cho biết nền tảng thương mại điện tử mới hiện đang trong giai đoạn thử nghiệm và sẽ đi vào hoạt động sau khoảng 45 ngày.
2/ Thái Lan từng chiếm lĩnh 100% thị trường sầu riêng tươi trị giá 18-20 tỷ USD của Trung Quốc. Đến năm 2022, Việt Nam bắt đầu giành thị phần khiêm tốn 5% để rồi lấn sân “ngoạn mục” lên 30% trong năm 2023 và tiếp tục có thể cao hơn trong năm nay.
Trung Quốc cũng trở thành thị trường hái ra tiền của các trang trại sầu riêng Việt Nam khi chiếm tỷ lệ 95-99% lượng trái xuất khẩu. Năm 2022, xuất khẩu sầu riêng Việt Nam chỉ đạt 420 triệu USD, nhưng kết thúc năm 2023 “vua trái cây” đem về 2,3 tỷ USD, tăng gấp 5 lần so với năm 2022 và gấp 10 lần so với năm 2021.
Sầu riêng Thái Lan được người Trung Quốc chuộng hơn trái của Việt Nam, nhưng sầu riêng của xứ chùa vàng chỉ rộ mùa từ tháng 5 đến tháng 7. Yếu tố này đã buộc người Thái phải “cắt đôi nỗi sầu”, nhường bớt sân chơi cho thương lái Việt trên thị trường đại lục, bởi sầu riêng có trái quanh năm ở Việt Nam.
Thế rồi mới có cảnh thương lái Thái hay Hoa đổ về Việt Nam mua sầu, dĩ nhiên có sự giúp sức thương lái Việt, để xuất sang Trung Quốc lúc trái vụ. Lúc vào vụ, người tiêu dùng đại lục khó phân biệt được trái nào từ xứ nào. Thế rồi, mới có cảnh bẻ kèo thẳng thừng, hơn một năm qua, của nông dân trong các vườn cây trái ở đồng bằng.
Giữa tháng 5 tới, khi chiếc QR vô hình bắt đầu thực sự “hữu hình” với người dân đại lục, rồi nền tảng bán sầu của Tencent thì lúc đó người Việt mới quên đi chuyện bẻ kèo mà tập trung vào chuyện trồng cây cho trái ngon hơn sầu Muangthong của Thái Lan, chuyện kho vận bến bãi tốt hơn để sầu từ đồng bằng qua Trung Quốc nhanh hơn.
Tháng 6-2023, trong báo cáo phân tích về thế mạnh của sầu riêng Việt Nam, Ngân hàng Thái Lan (BoT) đã chỉ ra rằng: Việt Nam chỉ có hai thế mạnh giá rẻ và thuận lợi hơn Thái Lan trong vận chuyển.
Sắp tới thì có thêm cái mã QR đáng ghét kia, thêm một nền tảng chuyên bán sầu Thái. Cũng cần nhắc là hai nền tảng JD và Alibaba cũng đã đầu tư vào trồng sầu riêng ở Thái Lan và đưa trái về bán ở Trung Quốc.