Mô hình hợp tác phát triển toàn cầu đang thay đổi và Châu Phi cần các đối tác phi truyền thống để cùng học hỏi và phát triển. Việt Nam là một trong những đối tác như vậy.
Trong bài Why Africa needs non-traditional partners like Vietnam (Tại sao châu Phi cần những đối tác phi truyền thống như Việt Nam) trên The Africa Report, cây viết Musa Kpaka đã lý giải: Vì sao châu Phi nhìn sự phát triển của Việt Nam với sự ngưỡng mộ?
Phần lớn các nước châu Phi đang là đối tượng được hưởng lợi từ sự hợp tác phát triển theo trục Bắc-Nam, mà phương Bắc là nơi các nhà tài trợ phương Tây và các tổ chức đa phương cung cấp viện trợ cũng như hỗ trợ kỹ thuật cho các quốc gia châu Phi ở phương Nam. Loại hình hợp tác này đã đạt được nhiều tiến bộ nhưng vẫn cần phải làm nhiều hơn nữa để biến đổi lục địa này.
Người Trung Quốc đã đến châu Phi với sáng kiến Vành đai và Con đường nhưng được đón nhận với thái độ trái chiều. Trong khi quan hệ Bắc-Nam và ảnh hưởng của Trung Quốc sẽ tiếp tục là một phần quan trọng trong hợp tác phát triển ở châu Phi, các nhà lãnh đạo trên lục địa này vẫn đang hăm hở tìm kiếm nhiều mối quan hệ đối tác theo chiều ngang hơn dựa trên bình đẳng, tin cậy và cùng có lợi.
Những gì mà Việt Nam đã đạt được trong ba mươi năm qua và những gì mà Việt Nam đang trên đường đạt được trong thời gian tới khiến quốc gia ở Đông Nam Á trở thành một ứng cử viên sáng giá để các nước có thu nhập thấp và trung bình ở Châu Phi hợp tác vì sự thịnh vượng chung.
Sự tăng trưởng ấn tượng của Việt Nam thường ít được nhắc tới ở châu Phi bởi sự trỗi dậy của Trung Quốc và phạm vi ảnh hưởng ngày càng tăng của nền kinh tế số 2 thế giới trên lục địa Đen. Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây, sự tiến bộ của Việt Nam đã lọt vào mắt xanh của các nhà lãnh đạo châu Phi vì họ nhìn thấy những điểm tương đồng và cơ hội để noi gương những gì Việt Nam đã làm rất tốt.
Đồng thời, với tham vọng đạt mức thu nhập cao vào năm 2045, Việt Nam đang tìm kiếm các thị trường và cơ sở sản xuất mới bên ngoài biên giới. Mặc dù là nền kinh tế chú trọng định hướng xuất khẩu, với giá trị xuất khẩu chiếm tỷ trọng cao trong GDP nhưng giao dịch thương mại của Việt Nam với châu Phi còn hạn chế. Nếu hợp tác tốt, các quốc gia châu Phi có thể thu được nhiều lợi ích từ Việt Nam.
Không giống như Trung Quốc, Việt Nam khó có thể trở thành một nguồn hỗ trợ tài chính hoặc là nơi cho các chính phủ châu Phi vay tiền. Trung Quốc là chủ nợ lớn nhất của châu Phi, cung cấp các khoản vay đặc biệt để tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn. Có thể tin rằng, nhiều khoản đầu tư trong số này nhằm mục đích tạo điều kiện thuận lợi cho việc mua lại nguyên liệu thô để cung cấp năng lượng cho nền kinh tế Trung Quốc. Trong các cam kết này, chuyển giao công nghệ bị hạn chế hoặc không tồn tại.
Còn Việt Nam lại hoàn toàn khác. Quốc gia Đông Nam Á này đang mang đến cơ hội chia sẻ học tập và phát triển. Chuyển giao công nghệ, chia sẻ thông tin và cùng nhau học hỏi cũng là một phần những gì Việt Nam đang làm cho Châu Phi.
Châu Phi có thể nắm bắt cơ hội này như thế nào?
Để tận dụng lợi thế này, các chính phủ châu Phi đang tìm kiếm quan hệ đối tác với Việt Nam, cần có sự lãnh đạo mạnh mẽ và cam kết chính trị ở cấp cao nhất để hướng tới hợp tác lâu dài. Việc hợp tác phải dựa trên cơ sở xác định lợi ích chung, với trách nhiệm được xác định rõ ràng trong thỏa thuận hợp tác. Quan hệ đối tác chính thức nên vượt ra ngoài các mối quan hệ giữa chính phủ với chính phủ mà cần  tạo niềm tin cậy vững chắc trong mối quan hệ giữa các chủ thể là doanh nghiệp với doanh nghiệp, vì đây có thể là những tác nhân có động lực thay đổi mạnh mẽ.
Nếu cần chỉ ra một ví dụ điển hình thì đó mối quan hệ giữa Việt Nam và Sierra Leone. Tổng thống Julius Maada Bio của Sierra Leone là nhà lãnh đạo châu Phi tích cực tìm kiếm hợp tác với Việt Nam. Nhận thấy Việt Nam chuyển mình từ nước nhập khẩu ròng gạo thành nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới và sẵn tham vọng đưa Sierra Leone tự cung tự cấp lương thực, Tổng thống Bio đã có chuyến thăm Việt Nam năm cách đây đúng 2 năm, tháng 2/2022. Lấy nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản làm nền tảng cho sự hợp tác, hai nước đã ký nhiều thỏa thuận hợp tác liên quan đến 2 lĩnh vực này.
Trong các hiệp định này, Sierra Leone sẽ được hưởng lợi từ sự tư vấn chuyên môn và chuyển giao công nghệ, trong khi Việt Nam sẽ có cơ hội sản xuất và chế biến cá và gạo từ Sierra Leone. Điều này sẽ tiếp tục thúc đẩy năng suất trong các lĩnh vực.
Sierra Leone có thể chuyển mối quan hệ song phương với Việt Nam thành mối quan hệ hợp tác ba bên, trong đó nguồn vốn của các nhà tài trợ phương Tây hoặc thậm chí đầu tư của Trung Quốc được sử dụng để tài trợ cho các dự án chung với các chuyên gia Việt Nam. Phái đoàn của Tổng thống Bio trong chuyến thăm Việt Nam hồi năm 2022 cũng có mặt các doanh nghiệp khu vực tư nhân và họ tham gia các cuộc tiếp xúc ở cấp độ doanh nghiệp với doanh nghiệp và chia sẻ trách nhiệm duy trì lợi ích từ sự hợp tác.
Mô hình hợp tác phát triển toàn cầu đang thay đổi và Châu Phi cần các đối tác phi truyền thống để cùng học hỏi và phát triển. Việt Nam là một trong những đối tác như vậy.
Anh Tú