1. “Cuộc chiến” thương mại điện tử ngày càng lan rộng ở Hàn Quốc
Trong khi các nền tảng thương mại điện tử quyền lực nhất Hàn Quốc thường tính phí hoa hồng từ 10% đến 20% thì AliExpress đang thu hút người bán Hàn Quốc bằng chính sách không tính phí. Sự khuyến khích này đã ảnh hưởng đến thứ hạng của các ứng dụng mua sắm trực tuyến phổ biến nhất của người Hàn Quốc trong tháng 2 là Coupang, AliExpress, 11Street và TMON. Trong khi Coupang có mức tăng 570.000 người dùng hoạt động hàng tháng so với năm 2023 thì AliExpress chứng kiến sự gia tăng đáng kể với 4,63 triệu người dùng, cho thấy tốc độ tăng trưởng rất nhanh.
Khi AliExpress trở thành nền tảng thương mại điện tử lớn thứ hai ở Hàn Quốc, các công ty của nước này đang tìm mọi biện pháp để ngăn người bán chuyển sang những nền tảng mới nhất của Trung Quốc. Các công ty thương mại điện tử Hàn Quốc đang nghĩ ra các chiến lược để đối phó. Các công ty như Coupang và Interpark Shop+ mới đang tăng cường khả năng vận chuyển xuyên biên giới của họ, trong khi 11Street đã ra mắt dịch vụ hoàn thiện đơn hàng đầu tiên được thiết kế riêng cho người bán trên thị trường mở, cùng nhiều ưu đãi khác nhằm thu hút và giữ chân người bán
Sự phát triển mạnh mẽ của các “gã khổng lồ” thương mại điện tử Trung Quốc vào năm 2023 đã dẫn đến số lượng trung tâm mua sắm trực tuyến trong nước đóng cửa kỷ lục. Điều này được chứng minh bằng dữ liệu – số lần đóng cửa của các doanh nghiệp bán lẻ trực tuyến ở Hàn Quốc đạt mức kỷ lục 78.580 vào năm ngoái, đánh dấu mức tăng 37,3% so với năm trước. Đến tháng 2/2024, số lượng đóng cửa đã tăng 29,3% so với cùng kỳ năm ngoái, cho thấy tiềm năng vượt qua con số của năm ngoái.
2. Xu hướng các nhà sản xuất trực tiếp bán hàng đến người tiêu dùng ngày càng gia tăng
Xu hướng các nhà sản xuất trực tiếp bán hàng đến người tiêu dùng ngày càng gia tăng bên cạnh việc thông qua các kênh phân phối truyền thống, đại lý khác. Điều này không chỉ tăng được độ phủ của sản phẩm, tiếp cận nhiều khách hàng hơn mà còn giúp nhà sản xuất hiểu rõ nhu cầu của khách hàng để điều chỉnh và cải tiến sản phẩm phù hợp hơn.
Trên thực tế, chiến lược nhà sản xuất bán hàng trực tiếp đến người tiêu dùng (D2C) đã tạo được sức hút từ trước khi xảy ra dịch Covid. Dưới sự phát triển mạnh về công nghệ và hành vi mua sắm của người tiêu dùng thay đổi sau đại dịch ngày càng thúc đẩy các nhà sản xuất giày dép, quần áo, thiết bị điện tử, sản phẩm gia dụng… bán hàng trực tiếp đến người tiêu dùng. Điều này không chỉ giảm chi phí so với kênh phân phối truyền thống mà còn cho phép nhà sản xuất kiểm soát toàn diện quy trình hoạt động như sản xuất, marketing và bán hàng. Đồng thời, chi phí trung gian giảm tới mức tối đa giúp biên lợi nhuận cao hơn.
Sự trỗi dậy của livestream đang được một số nhà sản xuất chọn lựa để trực tiếp bán hàng và tiếp xúc với người tiêu dùng nhiều hơn. Hình thức bán hàng này mạnh và phổ biến không chỉ ở châu Á, mà lan rộng ra cả châu Âu, Mỹ và Trung Đông. Chưa thể bàn đến sự bền vững của hình thức bán hàng qua livestream, tuy nhiên theo các chuyên gia, trước mắt, để đối mặt với khó khăn kinh tế, phải lấy ngắn nuôi dài, đi theo xu hướng để tồn tại và làm quen với công nghệ số trên các nền tảng như Tiktok, Youtube… cũng là cách để doanh nghiệp trụ vững.
1. Các hãng chocolate thích ứng với giá ca cao tăng mạnh trong mùa lễ phục sinh
Tại châu Âu, trong năm qua, giá ca cao đã tăng gấp ba lần do dịch bệnh trên cây ca cao ở Tây Phi tiếp tục diễn biến trầm trọng. Lần đầu tiên hôm 26/3, giá ca cao vượt mốc 10.000 USD/tấn. Đối mặt với sự tăng giá đột ngột và triển vọng xu hướng này vẫn tiếp tục, các nhà sản xuất trứng chocolate cho mùa lễ phục sinh phải tăng cường sự sáng tạo của họ. Một số thương hiệu lựa chọn giải pháp là phát minh ra sản phẩm mới không chứa ca cao. Thương hiệu chocolate Hershey (Kit Kat) là một trong những nhà sản xuất đưa ra chiến lược tiếp thị thúc đẩy các món ăn ngọt lễ Phục Sinh không có chocolate.
Ở hướng tiếp cận khác với tiêu chí “càng đắt đỏ, càng trở thành sản phẩm cao cấp”, Mondelez đã giới thiệu dòng sản phẩm mới “bánh trứng Phục sinh cao cấp” (Cadbury Ultimate Egg) và một dòng sản phẩm đặc biệt “Trứng Phục sinh cao cấp” (Toblerone Edgy Egg), dành cho người tiêu dùng có thể sẵn lòng chi tiền cho chocolate. Có thể thấy, việc giá ca cao tăng không chỉ ảnh hưởng đến giá cả của sản phẩm mà còn đặt ra thách thức đối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực này để thích ứng và duy trì lợi nhuận.
2. Nhật Bản siết chặt quy định sản xuất rượu whisky
Nhằm bảo vệ các sản phẩm nội địa và chống hàng giả, từ ngày 1/4, các sản phẩm rượu whisky Nhật Bản phải đáp ứng một số quy định mới. Cụ thể, các sản phẩm rượu whisky Nhật Bản phải sử dụng nguồn nước lấy từ Nhật Bản và các thùng rượu whisky phải được lưu trữ tại Nhật Bản trong ít nhất 3 năm, cùng với một số quy định khác.
Mặc dù người vi phạm không phải đối mặt các biện pháp trừng phạt, song các nhà sản xuất đã hoan nghênh quy định mới, coi đây là biện pháp bảo vệ hình ảnh sản phẩm trên toàn thế giới. Nhà sản xuất đồ uống lớn Suntory của Nhật Bản chia sẻ: “Chúng tôi tin rằng những quy định mới sẽ góp phần tạo nên danh tiếng của rượu whisky Nhật Bản vì giúp khách hàng quốc tế dễ dàng phân biệt sản phẩm của chúng tôi với các sản phẩm khác”.
3. Skyline VMAC phân phối độc quyền máy pha chế đồ uống tự động tại Việt Nam
Ngày 27/3/2024, tại TP. Hồ Chí Minh, Công ty Skyline VMAC ký kết hợp tác với đối tác LeVending về phân phối độc quyền máy pha chế đồ uống tự động tại Việt Nam. Theo đó, Skyline VMAC (Công ty cổ phần máy bán cà phê và đồ uống tự động Skyline VMAC) sẽ phân phối độc quyền tại Việt Nam, về các dòng máy có chức năng tự động như: Máy pha chế đồ uống cà phê – trà sữa – nước trái cây, máy làm đá, máy bán mỳ ăn liền tự động… của Công ty LeVending (Hangzhou Yile International Trading Co.,Ltd) đóng tại Trung Quốc.
Được biết, thương hiệu Skyline VMAC trực thuộc Tập đoàn TLC Group với hơn 23 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực cung cấp giải pháp, thiết bị công nghệ; hơn 12 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý chuỗi nhà hàng và coffee shop. Hiện nay, máy Skyline VMAC đã có gần 300 điểm đặt ở các vị trí đắc địa như: Tòa nhà dân cư, văn phòng, trường học, bệnh viện, bảo tàng, khu công nghiệp, chợ đêm, bến xe, nhà ga… tại Hà Nội, Hồ Chí Minh, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Hải Phòng, Hòa Bình, Quy Nhơn,… (dự kiến sẽ có 1.000 điểm vào năm 2025).
4. Chuyên gia dự báo doanh thu ngành F&B năm nay tăng trưởng gần 11%
iPOS.vn vừa công bố Báo cáo về thị trường kinh doanh ẩm thực tại Việt Nam năm 2023, sau khi nghiên cứu gần 3.000 nhà hàng/quán café cùng gần 4.000 thực khách trên toàn quốc, kết hợp phỏng vấn chuyên sâu gần 100 chuyên gia F&B (ngành dịch vụ ẩm thực và đồ uống). Bất chấp nhiều thách thức, doanh thu ngành F&B năm 2023 đạt 590,9 tỷ đồng, tăng 11,47%. Theo ông Đỗ Duy Thanh, Giám đốc FnB Director, năm 2023 chứng kiến sự tăng trưởng vượt bậc của ngành kinh doanh nhà hàng trung và cao cấp, không chỉ bởi số lượng gia tăng tương ứng của nhóm khách hàng trung lưu mà còn từ hiệu ứng giải thưởng Michelin tại Việt Nam.
Năm 2024, giá trị thị trường ngành F&B tại Việt Nam dự kiến tăng 10,92% so với năm 2023 và đạt mốc hơn 655 nghìn tỷ đồng. Dự báo từ nay đến năm 2027, cơ cấu doanh thu không có nhiều sự thay đổi khi cửa hàng F&B độc lập vẫn áp đảo với 93,9% thị phần. Theo khảo sát của iPOS.vn, có đến 79,6% doanh nghiệp F&B đánh giá tình hình kinh doanh có triển vọng tốt, 50% cửa hàng sẵn sàng mở rộng quy mô trong năm 2024.
Năm 2024 sẽ chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của các mô hình đồ uống quy mô vừa và nhỏ. Sự tăng trưởng này sẽ theo sát xu thế tiện và lợi. Các cửa hàng này được mở ra đáp ứng với các tiêu chí: có chi phí đầu tư vừa phải, vị trí cửa hàng thuận tiện, phù hợp với mua mang đi và giao hàng và giá sản phẩm ở phân khúc tầm trung và bình dân. Báo cáo của iPOS.vn cũng cho thấy xu hướng cạnh tranh giữa các nhà hàng phân khúc cao cấp để nhận giải thưởng Michelin bắt đầu bùng nổ. Nhận thức được tầm quan trọng của giải thưởng này, nhiều thương hiệu F&B đã và đang dốc sức cải thiện chất lượng món ăn, nâng cao dịch vụ và hoàn thiện trải nghiệm khách hàng để chinh phục “ngôi sao Michelin” danh giá.
5. Thị trường giao đồ ăn trực tuyến còn nhiều dư địa để tăng trưởng
Năm vừa qua, thị trường F&B chứng kiến sự tăng trưởng số lượng cửa hàng trực tuyến trên các ứng dụng giao đồ ăn. Tuy vậy, thị phần cửa hàng trực tuyến gần như giữ nguyên so với năm 2022, chỉ chiếm khoảng 53,1%. Trên thực tế, các ứng dụng giao đồ ăn cũng vấp phải làn sóng dừng hoạt động. Đồng thời, lượng cửa hàng F&B mới khai trương nhưng chưa bán online vẫn còn khá cao. Nhìn chung, thị trường giao đồ ăn trực tuyến còn nhiều dư địa để tăng trưởng thị phần khi mới có hơn 50% doanh nghiệp tham gia vào cuộc chơi này.
Kinh doanh online đang giúp các cửa hàng F&B có thêm dòng tiền. Trong danh sách các doanh nghiệp F&B sử dụng ứng dụng giao đồ ăn, gần 48% doanh nghiệp có tỷ lệ doanh thu trực tuyến chiếm 25-50% tổng doanh thu. Mặt khác, chỉ gần 10% doanh nghiệp có doanh thu online đóng góp trên 50% vào tổng doanh thu. Hầu hết doanh nghiệp F&B kinh doanh trên các nền tảng gọi đồ ăn thừa nhận GrabFood và ShopeeFood đem lại nguồn doanh thu cao nhất cho cửa hàng với tỷ lệ tương đối cân bằng, khoảng 41%. Con số này với GoFood là 2% và Baemin chỉ 1%. Các ứng dụng còn lại khoảng 12%, hầu hết hoạt động tại các khu vực ngoài vùng phủ sóng của 2 ông lớn dẫn đầu thị trường.
1. Việt Nam trúng thầu 108.000 tấn gạo xuất sang Indonesia
Mới đây Cơ quan hậu cần quốc gia Indonesia (Bulog) vừa chốt hợp đồng 300.000 tấn gạo với các nhà cung cấp. Theo thứ tự, các doanh nghiệp Thái Lan trúng thầu với sản lượng nhiều nhất 117.000 tấn, đứng thứ 2 là Việt Nam 108.000 tấn, phần còn lại từ Pakistan và Myanmar. Trong đó, Việt Nam chiếm 4/12 gói thầu.
Các doanh nghiệp trúng thầu gồm Công ty CP Thực phẩm thiên nhiên King Green (30.000 tấn), Công Ty CP Quốc Tế Gia (31.000 tấn), Tổng công ty Lương thực Miền Nam (26.000 tấn) và Olam (21.000 tấn). Trong đợt thầu này, xét về giá C&F (chi phí và cước phí), gạo Myanmar cao nhất khi đạt mức 626 USD/tấn, tiếp theo là Pakistan có giá 623 USD/tấn. Gạo Thái Lan đứng vị trí thứ 3, có giá từ 611,5 – 617 USD/tấn, còn Việt Nam có giá từ 607 – 616 USD/tấn, thấp nhất trong các nước dự thầu.
2. Tôm Ecuador và Ấn Độ bị Trung Quốc từ chối nhập khẩu mở ra cơ hội cho tôm Việt
Mới đây theo Tổng cục Hải quan Trung Quốc, có 43 lô tôm Ecuador đã bị từ chối trong 2 tháng đầu năm nay, chủ yếu do hàm lượng sulfite (chất bảo quản) vượt mức cho phép. Ngoài ra có 16 lô tôm bị từ chối do nitơ cơ bản dễ bay hơi vượt mức, 31 lô có mầm bệnh và chưa qua kiểm dịch. Còn với tôm nhập khẩu của Ấn Độ bị phát hiện có chứa một chất kháng khuẩn, phát hiện có mầm bệnh bị GACC từ chối nhập khẩu.
Trong khi đó, vào tháng 3, xuất khẩu tôm Việt sang Trung Quốc tăng trên 30%. Đặc biệt, xuất khẩu tôm hùm bứt phá mạnh mẽ trong quý 1 năm nay. Cụ thể, tôm hùm tăng gấp 11 lần; tôm chân trắng tăng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ. Trung Quốc đang siết chặt kiểm tra tôm nhập khẩu từ Ecuador, khiến cho nguồn cung từ nước này giảm, tạo ra dư địa cho tôm chân trắng của Việt Nam.
3. Gạo, cà phê, rau quả xuất khẩu của Việt Nam ‘đắt hàng’
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu nông lâm thủy sản tháng 3 đạt 4,85 tỉ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu nông sản tiếp tục tăng mạnh so với cùng kỳ khi đạt 2,75 tỉ USD (tăng 31%), xuất khẩu lâm sản có dấu hiệu chững lại khi giá trị chỉ đạt 1,22 tỉ USD (tương đương cùng kỳ năm trước), còn xuất khẩu thủy sản lại giảm gần 15% và chỉ đạt 653 triệu USD. Tính chung 3 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 13,53 tỉ USD, tăng gần 22% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị xuất siêu đạt 3,36 tỉ USD, tăng 96,5%.
Cũng theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong quý 1, cà phê là mặt hàng nông sản xuất khẩu tăng mạnh nhất. 3 tháng qua, Việt Nam xuất khẩu gần 800.000 tấn cà phê (tăng 44%), với giá bình quân 2.373 USD/tấn (tăng 7%) và thu về 1,9 tỉ USD (tăng 54%). Đây là giá trị xuất khẩu kỷ lục trong 3 tháng đầu năm của ngành cà phê. Tương tự, kim ngạch xuất khẩu rau quả cũng tăng mạnh khi tới 1,23 tỉ USD, tăng gần 26% so với cùng kỳ năm trước. Đây là lần đầu tiên, xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt và vượt con số 1 tỉ USD ngay trong quý đầu tiên của năm. Dự báo những tháng tới, xuất khẩu nông sản sẽ tiếp tục khởi sắc, nhất là các mặt hàng gạo, cà phê, rau quả, tiêu,… do nhu cầu nhập khẩu của các nước tăng.
4. Dừa tươi và sầu riêng đông lạnh sắp được xuất khẩu sang Trung Quốc
Các dạng sầu riêng có vỏ, sầu riêng xay nhuyễn và cơm sầu riêng không có vỏ đông lạnh đang được đẩy mạnh quá trình mở cửa thị trường Trung Quốc. Cục Bảo vệ thực vật – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa yêu cầu các địa phương rà soát, tổng hợp các vùng trồng, cơ sở đóng gói dừa tươi và sầu riêng đông lạnh xuất khẩu sang Trung Quốc và gửi kết quả tổng hợp danh sách về cục trước ngày 1-4. Việc này nhằm đẩy nhanh quá trình mở cửa thị trường cho mặt hàng quả dừa tươi và sầu riêng đông lạnh xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc.
Tính chung quý I/2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 93,06 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước. Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu quý I/2024, nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt 82,02 tỷ USD, chiếm 88,1%. Về xuất, nhập khẩu dịch vụ, cán cân thương mại dịch vụ quý I/2024 nhập siêu 2,33 tỷ USD; trong đó, kim ngạch xuất khẩu dịch vụ ước đạt 5,67 tỷ USD, tăng 24,7% so với cùng kỳ năm trước
Cùng với đó, tiếp theo thành tích và dấu ấn của năm trước, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng rau quả, nông sản và gạo tăng ở mức cao với 2 con số gấp 1,34 lần so với mức tăng của cùng kỳ năm trước. Một số mặt hàng xuất khẩu truyền thống là thế mạnh của Việt Nam đã chấm dứt đà suy giảm, tăng trưởng cao trở lại như: gỗ và sản phẩm gỗ tăng 18,9%; dệt may tăng 7,9%; giày dép tăng 11,7%.
6. Hàng trăm tấn tinh dầu quế tồn kho vì “tắc đường” xuất khẩu
Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA) vừa có công văn kiến nghị Chính phủ về vấn đề liên quan xuất khẩu tinh dầu quế. Đáng chú ý, trong công văn, Hiệp hội Phản ánh về quy định xuất khẩu mặt hàng tinh dầu quế theo quy định tại Thông tư 48 ngày 28-12-2018 của Bộ Y tế. Điều này dẫn tới các doanh nghiệp xuất khẩu tinh dầu quế tại Lào Cai và Yên Bái gặp khó khăn trong việc xuất khẩu khi tất cả loại tinh dầu đều phải áp dụng các quy định về kinh doanh dược liệu, không phù hợp với điều kiện sản xuất, sản phẩm và thị trường tiêu thụ.
Do vướng quy định để xuất khẩu, tại vùng nguyên liệu Lào Cai và Yên Bái hiện đang tồn kho khoảng 100 tấn và ước tính hết vụ quế mùa Xuân tháng 3 đến 4-2024 sẽ có thêm khoảng 400 tấn tinh dầu quế. Giá trị thị trường khoảng 400 triệu đồng/tấn. Hiệp hội và các địa phương đã báo cáo các Bộ NN-PTNT, Công Thương, Tổng cục Hải quan và đồng thời kiến nghị Bộ Y tế xem xét tạo điều kiện cho tinh dầu quế được xuất khẩu theo kê khai doanh nghiệp, là nhóm thực phẩm hàng hóa xuất khẩu thông thường, mục đích sử dụng không phải làm nguyên liệu thuốc hay dược liệu.
7. Cảnh báo nguy cơ Canada áp thuế phòng vệ thương mại với đinh ốc
Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết: Ngày 28 tháng 3 năm 2024, Cục đã nhận được thông tin về việc Cơ quan hải quan Canada (CBSA) sẽ gia hạn vụ việc điều tra lại (re-investigation) nhằm cập nhật các giá trị thông thường và giá xuất khẩu đối với một số mặt hàng đinh ốc carbon có xuất xứ hoặc xuất khẩu từ Trung Quốc và vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc). Theo đó, vụ việc sẽ được gia hạn thêm 7 ngày và ra kết luận vào ngày 30 tháng 5 năm 2024.
Theo Cục Phòng vệ thương mại, tuy hàng hóa có xuất xứ Việt Nam không bị điều tra nhưng có một số bằng chứng cho thấy tồn tại hoạt động giao dịch xuất khẩu giữa nhà xuất khẩu của Việt Nam và nhà nhập khẩu tại Canada. Do vậy, không loạt trừ khả năng Canada tiến hành các cuộc điều tra nhằm mở rộng phạm vi sản phẩm/điều tra chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại hoặc khởi xướng các vụ việc phòng vệ thương mại mới với mặt hàng tương tự của Việt Nam.
1. Nhiều thương hiệu thời trang cao cấp rút khỏi thị trường Nga
Thương hiệu thời trang cao cấp Fendi của Italy sẽ không ký hợp đồng thuê cửa hàng duy nhất còn lại tại Nga, và thương hiệu Hermès của Pháp cũng không gia hạn hợp đồng thuê cửa hàng tại Trung tâm thương mại hạng sang GUM ở trung tâm Moskva. Lý do của việc “rút quân” khỏi địa điểm kinh doanh lâu năm này là điều dễ hiểu qua các con số. Năm 2023, Hermès Nga báo lỗ ròng 1,8 tỷ ruble (hơn 19,5 triệu USD). Trong khi đó, doanh thu của nhà mốt Fendi tại Nga đã giảm gần 22 lần trong năm 2023, từ hơn 800 triệu ruble (8,63 triệu USD) năm 2022 còn 36,7 triệu ruble (gần 400.000 USD).
Theo tính toán của các chuyên gia, trong hai năm qua, khoảng một phần ba số các nhãn hàng cao cấp đã ngừng hoạt động tại Nga. Ông Ekaterina Nogai, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu và phân tích tại IBC Real Estate, cho biết 73% thương hiệu xa xỉ có mặt trên thị trường Nga tiếp tục hoạt động ở Nga, nhưng hầu hết không có nguồn cung mới. 25% thương hiệu xa xỉ đã tạm dừng hoạt động ở Nga, trong đó có Chanel, Gucci, Cartier.
2. Thương mại điện tử hàng xa xỉ trong cơn suy thoái
Đại dịch Covid-19 thúc đẩy sự trỗi dậy của các nhà bán lẻ thương mại điện tử chuyên về thương hiệu thời trang xa xỉ. Thế nhưng, khi đại dịch qua đi, nhiều tên tuổi lớn trong lĩnh vực này như Matches và Farfetch đang đối mặt với hiện thực ảm đạm là nhu cầu toàn cầu chậm lại và người tiêu dùng nhìn chung ngại mua trực tuyến các món đồ đắt tiền. Khó khăn không chỉ giới hạn ở Matches và Farfetch. Tập đoàn xa xỉ phẩm Richemont của Thụy Sĩ cũng đang tìm cách bán nền thương mại điện tử đang thua lỗ Yoox-Net-a-Porter (YNAP) sau khi kết toán giảm giá trị sổ sách của nền tảng này 1,8 tỉ euro.
Giới phân tích nhận định, những nền tảng không giảm giá và cung cấp dịch vụ có chọn lọc hơn cho tầng lớp người tiêu dùng giàu có, chẳng hạn như nhà bán lẻ hàng xa xỉ trực tuyến Mytheresa của Đức, sẽ có vị thế tốt nhất để vượt qua khó khăn hiện nay. “Khách hàng vẫn đánh giá cao môi trường mua sắm đa thương hiệu. Trải nghiệm mua sắm hàng xa xỉ của chỉ một thương hiệu có thể nhàm chán. Thách thức hiện nay là tìm ra một công thức kinh doanh hài hòa có thể áp dụng được cho cả thương hiệu xa xỉ và nhà bán lẻ trực tuyến”, Claudia D’Arpizio, đối tác của hãng tư vấn Bain cho biết.
3. Hãng thời trang Shein vào top đầu thế giới về lợi nhuận
Bằng cách sử dụng ứng dụng đặt hàng riêng và tận dụng mạng xã hội để quảng bá sản phẩm, Shein đang phát triển nhanh chóng trên toàn thế giới. Theo một báo cáo trên tờ Financial Times, công ty này đã ghi nhận tổng giá trị giao dịch (GMV) lên đến 45 tỷ USD vào năm 2023. Các số liệu cũng cho thấy Shein là một trong những công ty thời trang có lợi nhuận cao nhất thế giới trong năm 2023, khi đã tăng gấp đôi lợi nhuận của mình lên hơn 2 tỷ USD khi chờ phê duyệt để niêm yết trên thị trường chứng khoán. Công ty này đã vượt qua tập đoàn thời trang Thụy Điển H&M và chỉ kém Inditex, công ty mẹ của của Zara 7,4 tỷ USD.
Với mô hình kinh doanh thời trang nhanh độc đáo, Shein liên tục cho ra nhiều mẫu mã đa dạng với hơn 1000 mẫu mã mới mỗi ngày với giá cả phải chăng. Điều này đã đánh đúng vào tâm lý mua sắm “ngon – bổ – rẻ” của nhiều người tiêu dùng và giúp công ty này nhanh chóng sở hữu một mạng lưới khách hàng khổng lồ từ khắp nơi trên thế giới. Theo nhiều dự báo, doanh thu của Shein có thể chạm mốc 56 tỷ USD vào năm 2025.
1. 5 triệu người Việt Nam du lịch nước ngoài năm 2023
Do nhiều biến động trên thị trường thế giới và các thị trường nguồn cùng các yếu tố đầu vào như chi phí hàng không, vận tải và các chi phí khác nên mức độ cạnh tranh về du lịch đang ngày càng gay gắt. Trong bối cảnh đó, theo ông Hà Văn Siêu (Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam), đang nổi lên sự cạnh tranh giữa du lịch nội địa và du lịch ra nước ngoài. Thống kê năm 2023 cho thấy có 5 triệu người Việt Nam đi du lịch nước ngoài, trong đó các điểm thu hút đông khách Việt nhất là Thái Lan, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)…
Theo ông Siêu, có nhiều lý giải cho việc các tour du lịch nước ngoài hấp dẫn người Việt. Bên cạnh yếu tố mới lạ, có thể thấy giá thành hợp lý là một trong những lý do tiên quyết. Từ chi phí vé máy bay, chi phí lưu trú, vé tham quan các điểm du lịch, kể cả chi phí ăn uống, đi lại đều rất hợp lý. Đặc biệt, chi phí tại các quốc gia khu vực Đông Nam Á đều đang có mức giá rẻ hơn so với các tour du lịch trong nước của Việt Nam.
Hậu Covid-19, Việt Nam có nhiều dư địa phát triển, đặc biệt du lịch MICE là dòng khách chất lượng cao. Chỉ trong ba tháng đầu năm, Công ty Vietravel đón lượng khách MICE quốc tế tăng khoảng 200% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó thị trường châu Á chiếm 91%. Cùng giai đoạn, Công ty Vietluxtour cũng chứng kiến sự gia tăng số lượng đoàn khách MICE đến 35%. Ông Trần Quốc Bảo, Phó Tổng giám đốc Lữ hành Saigontourist, cho biết trong quý 1/2024, công ty này phục vụ hơn 50 đoàn MICE trong nước và quốc tế đến TP.HCM, với tổng cộng hơn 6.000 du khách.
Đầu tháng 3, tại Berlin (Đức), TP.HCM được vinh danh là “Điểm đến Du lịch MICE hàng đầu châu Á năm 2023” trong 4 năm liên tiếp. Cũng trong khuôn khổ World MICE Awards, Hội An được vinh danh “Điểm đến nghỉ dưỡng dành cho doanh nghiệp tốt nhất châu Á 2023”. Mordor Intelligence, tổ chức nghiên cứu thị trường hàng đầu thế giới, nhận định ngành du lịch MICE của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng đầy hứa hẹn trong những năm gần đây và ước tính sẽ đạt mức tăng trưởng kép hàng năm là 5% trong 5 năm tới.
3. TP.HCM tung gói kích cầu, gần 200.000 voucher tổng giá trị hơn 50 tỉ đồng chờ du khách
Ngày 3-4, tại họp báo công bố chương trình kích cầu du lịch TP.HCM, bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, phó giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, cho biết chương trình kích cầu năm 2024 là chương trình đầu tiên có sự tham gia, hưởng ứng của gần 100 đơn vị. Theo dự kiến sẽ có 36 chương trình du lịch và hơn 200.000 voucher dịch vụ lưu trú, ăn uống, mua sắm, chăm sóc sức khỏe giảm từ 10 – 60% với tổng giá trị giảm giá ưu đãi hơn 50 tỉ đồng nhằm kéo dài thời gian lưu trú, tăng mức chi tiêu bình quân của khách, tăng doanh thu cho ngành du lịch TP và giới thiệu các sản phẩm dịch vụ du lịch đến với công chúng.
Chương trình nhằm nắm bắt cơ hội từ chính sách kéo dài thời hạn visa điện tử từ 30 ngày lên 90 ngày, tăng 10% lượng khách nội địa, 20% khách quốc tế đến thành phố trong năm 2024. Chương trình kích cầu sẽ được giới thiệu và bán trực tiếp cho khách du lịch ngay trong Ngày hội Du lịch năm 2024 tại Gian hàng Du lịch TP.HCM (diễn ra từ ngày 4 đến 7-4 tại công viên 23-9) và được giới thiệu trong thư chào mừng du khách đến với thành phố trong thời gian diễn ra Lễ hội sông nước lần 2 vào cuối tháng 5 và đầu tháng 6-2024.
1. Hà Lan sẵn sàng chi cả tỷ euro để giữ chân ASML
Vào đầu tháng 3, tờ báo địa phương De Telegraaf tiết lộ ASML cân nhắc di dời địa điểm hoạt động. Ngay lập tức, chính phủ Hà Lan thành lập một lực lượng đặc nhiệm bí mật, mang tên “Chiến dịch Beethoven” với mục tiêu làm giảm mối lo ngại của ASML về môi trường kinh doanh tại nước này. Hiện tại, theo nguồn tin nội bộ từ hãng thông tấn Hà Lan NOS, lực lượng đặc nhiệm sẽ phân bổ hơn 1 tỷ euro để phát triển Eindhoven, nơi đặt trụ sở chính của ASML. Khoản tiền này được dùng để đầu tư cơ sở hạ tầng trong khu vực, nhà ở và mở rộng Đại học Công nghệ Eindhoven nhằm hỗ trợ đào tạo lực lượng lao động kỹ thuật cao trong tương lai.
Khả năng mất ASML sẽ có tác động bất lợi đến nền kinh tế Hà Lan. Nhà sản xuất máy đúc chip là một trong những doanh nghiệp sử dụng lao động lớn nhất và sinh lời cao nhất đất nước, đạt doanh thu 27,6 tỷ USD vào năm 2023. Không chỉ là công ty công nghệ có giá trị nhất châu Âu, ASML còn nắm giữa vị trí độc tôn trên toàn cầu. Họ là tập đoàn duy nhất có thể chế tạo ra máy in thạch bản EUV, dùng trong dây chuyền sản xuất chip tiên tiến.
2. Toyota thâu tóm liên doanh sản xuất pin cho ô tô
Toyota tuyên bố đã đồng ý với Panasonic để biến công ty liên kết Primearth EV Energy (PEVE) thành công ty con thuộc sở hữu hoàn toàn của thương hiệu ô tô Nhật Bản nhằm tăng cường năng lực sản xuất hàng loạt pin ô tô. Việc mua lại đó hiện đã hoàn tất và Toyota có ý định đổi tên công ty PEVE thành Toyota Battery từ ngày 1/10/2024. Hãng xe Nhật Bản cho biết tên công ty mới thể hiện quyết tâm tận dụng nguồn lực đã được tích lũy kể từ khi thành lập vào năm 1996 của PEVE để mở rộng phạm vi sản xuất pin.
Ngoài việc sản xuất pin cho xe hybrid, Toyota còn có kế hoạch sản xuất pin cho xe điện chạy pin hoàn toàn và xe plug-in hybrid tại PEVE. Công ty cho biết việc chuyển sang sản xuất hàng loạt nhiều loại pin xe điện sẽ giúp hãng có thể đáp ứng linh hoạt nhu cầu pin ngày càng tăng. Trụ sở chính của PEVE dự kiến sẽ vẫn ở thành phố Kosei, tỉnh Shizuoka, Nhật Bản.
3. Huawei ‘vượt khó’, tăng trưởng mạnh nhất kể từ năm 2019
Năm 2023, Huawei ghi nhận tăng trưởng mạnh nhất trong vòng 4 năm trở lại đây nhờ hồi phục trong mảng tiêu dùng và thu nhập đến từ mảng kinh doanh mới như linh kiện xe thông minh. Huawei cho biết trong năm 2023, doanh thu tăng 9,63% so với năm 2022 lên 704,2 tỷ NDT (97,48 tỷ USD). Lợi nhuận ròng tăng 144,5% lên 87 tỷ NDT, biên lợi nhuận tăng hơn gấp đôi lên 12,35%. Mảng tiêu dùng đóng góp phần lớn doanh thu nhờ tăng trưởng 17,3% lên 251,49 tỷ NDT. Dù công ty không công bố chi tiết, mảng này bao gồm mảng thiết bị cầm tay, vốn ghi nhận phục hồi vào năm ngoái nhờ quay trở lại thị trường smartphone 5G với Mate 60.
Năm 2023 đánh dấu năm tăng trưởng thứ ba liên tiếp của “ông lớn” công nghệ Trung Quốc kể từ khi doanh thu giảm gần 1/3 vào năm 2021. Dù vậy, doanh thu Huawei vẫn thấp hơn mức đỉnh 891,3 tỷ NDT của năm 2020.
4. Năm 2023, Samsung “thua xa” Nvidia và Intel về doanh số chip
Samsung Electronics đã tụt xuống vị trí thứ ba về doanh số bán chip vào 2023, bị cản trở bởi sự suy thoái kéo dài theo chu kỳ về nhu cầu chip nhớ. Theo dữ liệu từ nhà phân tích toàn cầu Omdia, nhà sản xuất chip Hàn Quốc đã đạt doanh thu 44,4 tỷ USD trong hoạt động kinh doanh chip vào năm 2023, giảm 33,8% so với mức 67,1 tỷ USD của năm trước đó. Nguyên do chính của sự sụt giảm này là bởi ngành công nghiệp chip nhớ trải qua tình trạng dư cung nghiêm trọng vào năm 2023.
Nhà sản xuất chip Intel của Mỹ đã vươn lên vị trí dẫn đầu vào năm ngoái khi đạt doanh thu 51,2 tỷ USD, nhưng vẫn thấp hơn 15,8% so với năm 2022. “Siêu sao” chip AI Nvidia đã leo lên vị trí thứ hai khi ghi nhận 49,2 tỷ USD doanh thu chip vào năm 2023, mức tăng 133,6% đáng kinh ngạc so với năm trước đó. Theo ý kiến của các nhà phân tích, bộ phận chip của Samsung Electronics dự kiến vẫn sẽ chật vật trong quý đầu năm 2024 với lợi nhuận dao động từ 200 tỷ won (149 triệu USD) đến 700 tỷ won.
5. Hoạt động sản xuất chip của Intel chìm trong thua lỗ
Intel cho biết đơn vị sản xuất chip lỗ 7 tỉ USD trong hoạt động kinh doanh vào năm 2023, lớn hơn mức lỗ 5,2 tỉ USD của năm 2022. Đơn vị sản xuất chip của Intel có doanh thu 18,9 tỉ USD vào năm 2023, giảm 31% so với mức 27,49 tỉ USD của 2022. Trong buổi thuyết trình với các nhà đầu tư, Pat Gelsinger (Giám đốc điều hành Intel) cho biết 2024 sẽ là năm thua lỗ tồi tệ nhất với hoạt động kinh doanh sản xuất chip của họ và hãng dự kiến sẽ hòa vốn trên cơ sở hoạt động vào khoảng năm 2027.
Hoạt động kinh doanh sản xuất chip của Intel đang bị ảnh hưởng bởi những quyết định sai lầm, gồm cả việc không sử dụng máy in thạch bản cực tím (EUV) từ công ty ASML. Một phần hậu quả của những sai lầm này khiến Intel phải thuê các nhà sản xuất hợp đồng, gồm cả TSMC, gia công khoảng 30% tổng số wafer (đĩa bán dẫn).
6. Ấn Độ trở thành điểm đến hấp dẫn của doanh nghiệp công nghệ Hàn Quốc
Trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ-Trung ngày càng leo thang, Ấn Độ, nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới, đang nhận được sự chú ý mới từ các “gã khổng lồ” công nghệ Hàn Quốc. Samsung Electronics đã tăng tốc mở rộng kinh doanh tại Ấn Độ trong một động thái rõ ràng nhằm giảm thiểu rủi ro từ Trung Quốc, nơi tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc đang phải vật lộn để nâng cao doanh số bán hàng đang trì trệ. Samsung đã giành lại vị trí dẫn đầu về doanh số bán điện thoại thông minh ở Ấn Độ vào năm ngoái, nắm giữ 19% thị phần, đánh bại Vivo của Trung Quốc (18%), Xiaomi (17%) và Realme (12%), công ty nghiên cứu thị trường Canalys cho biết. Theo công ty, lợi nhuận ròng mà Samsung India Electronics kiếm được đạt 1.150 tỷ won (858 triệu USD) vào năm ngoái, tăng hơn gấp đôi so với 508,5 tỷ won của năm trước. Theo các nguồn tin trong ngành, “gã khổng lồ” công nghệ không chỉ đặt cược lớn vào sức mua của dân số trẻ và khổng lồ của Ấn Độ mà còn muốn biến nước này thành một trung tâm tích hợp sản xuất, bán hàng và R&D.
Trong khi đó, LG Electronics, nhà sản xuất thiết bị gia dụng lớn nhất thế giới, cũng có mức tăng trưởng ấn tượng ở Ấn Độ. Năm ngoái, đơn vị ở Ấn Độ đã công bố doanh thu 3.300 tỷ won, tăng 33,6% so với mức 2.400 tỷ won của năm 2018, theo một hồ sơ pháp lý gần đây. Giống như đối thủ cạnh tranh Samsung, LG cũng có mạng lưới kinh doanh rộng khắp trong nước, từ bán hàng, sản xuất đến R&D. LG Electronics đã khẳng định mình là thương hiệu cao cấp trên thị trường thiết bị gia dụng Ấn Độ.
Amazon đang thực hiện khoản đầu tư bên ngoài lớn nhất trong lịch sử 30 năm của hãng với quyết tâm giành ưu thế trong cuộc đua trí tuệ nhân tạo (AI). ‘Gã khổng lồ’ công nghệ cho biết sẽ chi thêm 2,75 tỷ USD để hỗ trợ Anthropic, một công ty khởi nghiệp có trụ sở tại San Francisco và đang được xem là công ty đi đầu trong lĩnh vực AI tạo sinh. Đây sẽ là đợt tài trợ thứ 2 của Amazon dành cho công ty này.
Amazon cho biết sẽ duy trì cổ phần thiểu số và sẽ không có ghế trong Hội đồng quản trị Anthropic theo thỏa thuận mà hai bên đã thống nhất trong lần định giá gần đây nhất về giá trị của công ty này là 18,4 tỷ USD. Trong khi đó, Anthropic sẽ sử dụng Amazon Web Services (AWS) làm nhà cung cấp dịch vụ đám mây chính, đồng thời sử dụng các chip của Amazon để đào tạo, xây dựng và triển khai các mô hình nền tảng.
8. Ngành logistics tích hợp AI vào hoạt động để tiết kiệm chi phí
Các công ty logistics đang đang tích hợp công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) tạo sinh vào hoạt động để tiết kiệm chi phí, giao hàng nhanh hơn và hiệu quả hơn. Một lợi ích dễ nhận thấy của công nghệ này là tập hợp và phân tích dữ liệu nhanh chóng để các công ty trong ngành có thể nắm bắt tình hình chuỗi cung ứng theo thời gian thực, từ đó đưa ra các quyết định kịp thời. Hãng phần mềm Celonis của Đức đang cung cấp công cụ AI cho nhà sản xuất thực phẩm và bánh kẹo Mars (Mỹ) để hỗ trợ kết hợp các lô hàng trong cùng một chuyến xe tải, giúp cắt giảm chi phí vận chuyển và tăng tốc độ giao hàng.
Nhà cung cấp dịch vụ chuỗi cung ứng Uber Freight, một đơn vị của Uber Technologies và FourKites, một công ty khởi nghiệp theo dõi các chuyến hàng vận chuyển trong thời gian thực, đã tạo ra các chatbot cho phép người gửi hàng đặt câu hỏi đàm thoại về hoạt động hậu cần của họ. Chatbot của FourKites có thể trả lời các câu hỏi như lô hàng nào đang bị hoãn giao để giúp các công ty đưa ra quyết định nhanh chóng. Tập đoàn dược phẩm và nông nghiệp Bayer của Đức đang sử dụng chatbot của FourKites để giúp ứng phó với tình trạng gián đoạn hàng hải ở Biển Đỏ.
9. Cơ hội và thách thức khi ứng dụng AI trong điện ảnh
Việc ứng dụng AI (công nghệ trí tuệ nhân tạo) đang ngày càng phổ biến ở hầu hết các lĩnh vực. Thời gian gần đây, giới chuyên môn đã đưa ra cảnh báo về nguy cơ “AI hóa” điện ảnh, tác động trực tiếp đến những giá trị cốt lõi liên quan tới sự cảm nhận và sáng tạo của con người. Theo đó, công nghiệp điện ảnh càng phát triển, AI có thể được sử dụng một cách triệt để từ khâu viết kịch bản đến tạo hình, đạo cụ, chọn diễn viên, sản xuất, hậu kỳ…
Hollywood và nhiều nền điện ảnh lớn trên thế giới đang ứng dụng sôi nổi AI trong sáng tạo nghệ thuật dù đây là vấn đề gây nhiều tranh cãi về nhân sự, đạo đức và bản sắc. Một bộ phim, kịch bản được xác định đóng vai trò quan trọng thì giờ đây, dựa trên dữ liệu sẵn có, thuật toán AI sẽ phân tích, sáng tạo và từ đó cho ra đời kịch bản, thậm chí là nhiều phiên bản kịch bản. Bên cạnh đó, AI cũng có thể đưa ra dự đoán mức độ thành công của kịch bản khi được dựng thành phim thông qua việc nghiên cứu cốt truyện, phản biện về những điểm chưa tối ưu và đề xuất cải thiện.
Thách thức AI đang đặt ra với nền công nghiệp điện ảnh thế giới không chỉ ở câu chuyện về cảm xúc, bản sắc cá nhân, cộng đồng mà giá trị nhân văn, hài hòa cũng đang được phân tích, cân nhắc. Tháng 5/2023, Hollywood dậy sóng trước làn sóng đình công từ 11.500 thành viên của Hiệp hội Biên kịch Mỹ phản đối mức lương thấp, cơ hội việc làm ngày càng ít, lại thêm cạnh tranh với AI khiến thu nhập bấp bênh, phải làm nhiều nghề khác để kiếm sống.
10. VinFast chính thức khai trương đại lý đầu tiên tại Indonesia
Ngày 2/4, Công ty PT Gallerie Setia Utama chính thức khai trương đại lý VinFast đầu tiên tại Indonesia, đánh dấu bước tiến của VinFast tại thị trường này sau màn ra mắt tại Triển lãm Ô tô Quốc tế Indonesia 2024 tháng 2 vừa qua. Cửa hàng VinFast của đại lý PT Gallerie Setia Utama tọa lạc tại thành phố Depok, phía tây Thủ đô Jakarta. Cửa hàng trưng bày các dòng xe điện thông minh của VinFast, trước mắt là VF 5 và VF e34. Ngoài ra, cửa hàng cũng cung cấp dịch vụ tư vấn, chăm sóc khách hàng, và sửa chữa xe chuyên nghiệp.
Ngoài PT Gallerie Setia Utama, VinFast dự kiến phát triển mạnh mẽ mạng lưới đại lý phân phối xe điện trải rộng khắp các thành phố lớn của Indonesia ngay trong năm 2024, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng đối với xe điện.
Trong tuần qua, giá dầu Brent tăng 2,4% và dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) của Mỹ tăng khoảng 3,2%. Giá dầu tăng hơn 1 USD/thùng trong phiên 28/3 do khả năng Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) tiếp tục cắt giảm sản lượng, cơ sở hạ tầng năng lượng của Nga bị tấn công và số lượng giàn khoan của Mỹ giảm.
2. ‘Ông lớn’ dầu khí Trung Quốc xoay chiến lược trong kỷ nguyên xe điện
Doanh số xe điện tại thị trường ô tô lớn nhất thế giới dự kiến chiếm 40% trong tổng số 23 triệu ô tô bán ra trong năm nay. Nhu cầu xăng của Trung Quốc được dự đoán đạt đỉnh vào năm 2025 và có thể giảm một nửa vào năm 2045. Viễn cảnh đó khiến thay đổi chiến lược trở thành mệnh lệnh bắt buộc đối với hai nhà lọc dầu và kinh doanh nhiên liệu lớn nhất của nước này, Sinopec và Tập đoàn dầu khí nhà nước Trung Quốc (PetroChina). Các công ty dầu mỏ quốc doanh Trung Quốc đã nhìn thấy rõ tương lai suy yếu của mảng kinh doanh nhiên liệu. Đó là lý do vì sao họ đang nỗ lực điều chỉnh các trạm dịch vụ để phù hợp với nền kinh tế carbon thấp.
Sinopec, công ty vận hành 21.000 trụ sạc vào cuối năm 2023, dành 18,4 tỉ nhân dân tệ (2,55 tỉ đô la Mỹ) cho mảng phân phối trong năm nay để xây dựng mạng lưới trạm năng lượng tích hợp. PetroChina, công ty vận hành 28.000 trụ sạc thông qua công ty con Potevio New Energy mới mua lại gần đây, công bố kế hoạch tăng chi tiêu đầu tư cho mảng tiếp thị và phân phối thêm 49,8%, lên 7 tỉ nhân dân tệ trong năm 2024.
PetroChina cùng với Sinpec chiếm khoảng 1% thị phần trong tổng số 2,73 triệu trụ sạc công cộng ở Trung Quốc. Nhưng hầu hết chủ sở hữu xe điện ở Trung Quốc có thể sạc xe tại các khu chung cư của họ. Nghĩa là 68% trong số 8,6 triệu trụ sạc ở Trung Quốc là trụ sạc tư nhân, chậm hơn. Theo Liên minh Xúc tiến cơ sở hạ tầng sạc xe điện Trung Quốc, 5 nhà điều hành trạm sạc hàng đầu nắm giữ 65,2% thị phần. Với quá nhiều sự cạnh tranh để phục vụ tương đối ít người lái xe điện hơn, nhiều trụ sạc có tuần suất sử dụng thấp và không được hoạt đông phần lớn thời gian trong ngày. Abhishek Murali, nhà phân tích cấp cao của Rystad Energy, nhận định, khả năng kiếm lợi nhuận từ dịch vụ sạc xe điện ở bất kỳ đâu trên toàn cầu đều không dễ dàng.
Cuộc khủng hoảng bất động sản kéo dài nhiều năm ở Trung Quốc vẫn đang tàn phá nhu cầu sắt thép. Hợp đồng tương lai ở Sàn giao dịch Singapore đã giảm xuống dưới mức 100 USD/tấn vào đầu ngày thứ Hai (1/4), giảm gần 4%. Đây là mức thấp nhất trong 10 tháng qua do hoạt động xây dựng trì trệ của Trung Quốc. Cuộc khủng hoảng bất động sản kéo dài nhiều năm ở Trung Quốc vẫn đang tàn phá nhu cầu, trong khi nguồn cung sẵn có ngày càng tăng gây áp lực lên giá cả bất chấp nhiều dấu hiệu cho thấy tăng trưởng kinh tế đang phục hồi.
Sự thất vọng về nhu cầu thép lại trùng với thời kỳ nguồn cung tương đối dồi dào, càng gây thêm áp lực lên giá cả. Australia, nước xuất khẩu hàng đầu, đã chứng kiến xuất khẩu tăng đột biến trong tuần kết thúc vào ngày 15/3. Hiệp hội Sắt thép Trung Quốc tuần trước cảnh báo rằng sự suy thoái bất động sản và cơ sở hạ tầng tương đối yếu đang trì hoãn sự phục hồi của nhu cầu thép.
1. Start-up trông đợi vào nguồn vốn đầu tư thiên thần
Gọi vốn khó khăn, “mùa đông gọi vốn” là câu chuyện kéo dài từ năm 2021 tới nay, khi nền kinh tế thế giới liên tục trải qua nhiều cơn sóng dữ. Xu hướng này thể hiện rõ hơn với mức giảm mạnh 40% về số lượng thương vụ, chạm mức thấp nhất kể từ năm 2018 với 56 giao dịch được ghi nhận.
Trong bối cảnh này, bà Nguyễn Phi Vân, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư thiên thần Đông Nam Á nhìn nhận, hiện nguồn vốn từ các nhà đầu tư thiên thần (angel investor – nhà đầu tư vào các dự án khởi nghiệp trong giai đoạn sớm, khi chưa có nhiều thông tin hoặc khả năng đánh giá rủi ro của dự án) sẽ là lối thoát cho các start-up. Trên thực tế, số lượng start-up mà các nhà đầu tư thiên thần đổ vốn vào từ 2022 – 2024 đang nhiều hơn so với trước đây.
Đứng ở góc độ doanh nghiệp, doanh nhân Lương Việt Quốc, người sáng lập Real-time Robotics (RtR) nhìn nhận, với đa số start-up công nghệ, đặc biệt là những công nghệ mới, sự đồng hành của các nhà đầu tư thiên thần sẽ là bệ đỡ hoàn hảo để start-up có thể thuận lợi bắt đầu.
2. Quỹ mạo hiểm sẽ chú trọng các startup châu Á ứng dụng AI
Các quỹ mạo hiểm nên thay đổi cách cấp vốn cho các công ty khởi nghiệp, vì những startup ứng dụng trí thông minh nhân tạo (AI) có thể mở rộng quy mô nhanh hơn nhiều so với các startup khác. Đó là nhận định của Taizo Son, người được mệnh danh là ‘phù thủy’ trong giới đầu tư mạo hiểm và cũng là em trai của ông Masayoshi Son, CEO của tập đoàn đầu tư SoftBank của Nhật Bản.
Ông Taizo giải thích rằng, thông thường một công ty khởi nghiệp khó có thể tăng nhân viên từ 50 lên 100 người trong một năm, vì mở rộng vội vàng có thể phá vỡ văn hóa công ty. Tuy nhiên, một công ty AI chỉ có 5-10 viên “có năng lực thực sự” mang lại doanh thu nhiều triệu đô la, bởi một người có thể đảm nhận nhiều vai trò hay nhiệm vụ với sự hỗ trợ của tự động hóa và AI. Có nghĩa là, các startup AI có thể mở rộng quy mô dễ dàng hơn nhiều, vì doanh thu sẽ được xác định không phải bởi số lượng nhân viên hay nhà máy mà bởi số lượng con chip mà họ có thể sử dụng. Điều này có nghĩa là cần phải đầu tư lớn và nhanh chóng. OpenAI, nhà phát triển ChatGPT, có thể là ví dụ rõ ràng nhất. Ban đầu, Microsoft đã đầu tư khoảng 1 tỉ đô la vào năm 2019, nhưng sau đó nhanh chóng triển khai kế hoạch đầu tư nhiều tỉ đô la trong nhiều năm hồi tháng 1-2023, chỉ hai tháng sau khi ChatGPT ra mắt vào cuối năm 2022.
1. Thị trường cho vay tiêu dùng Việt Nam có thêm ‘tay chơi’ mới
Sau một thời gian trầm lắng, thị trường cho vay tiêu dùng Việt Nam vừa có thêm một đơn vị mới nhập cuộc: Cathay United Bank – chi nhánh TP.HCM. Cụ thể, ngân hàng này vừa ra mắt ứng dụng di động CUB Vietnam để triển khai sản phẩm cho vay tiêu dùng trực tuyến giải ngân bằng tiền mặt tại Việt Nam thông qua app. Người vay chỉ cần căn cước công dân hợp lệ là có thể hoàn tất quy trình đăng ký các dịch vụ tài chính trên ứng dụng.
Đáng chú ý, thay vì cung cấp khoản vay từng lần, ứng dụng CUB Vietnam sẽ cấp cho khách hàng hạn mức tín dụng với thời hạn lên tới đến 5 năm. Trong thời gian này, khách hàng có thể đề nghị rút vốn vay và được giải ngân nhiều lần trong phạm vi hạn mức tín dụng đã được cấp mà không cần thực hiện lại toàn bộ thủ tục cho vay. Mức giải ngân tối đa 40 triệu đồng và lãi suất cho vay từ 40%/năm.