Xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Ấn Độ năm 2023 tăng trưởng 6,7%

Nhóm tin về ngành bán lẻ – thương mại điện tử

1. Doanh số bán xa xỉ phẩm tại Trung Quốc phục hồi
Doanh số bán xa xỉ phẩm của Trung Quốc đang phục hồi dù chưa quay trở lại mức của năm 2021. Các nhà phân tích trong ngành và báo cáo tài chính từ các thương hiệu lớn đang đánh đi tín hiệu về những cơ hội tăng trưởng mới so với trước đại dịch. LVMH, “gã khổng lồ” trong lĩnh vực xa xỉ phẩm cho biết các sản phẩm thời trang và đồ da đã chứng kiến mức tăng trưởng hơn 30% tại Trung Quốc trong tháng 12/2023. Mặc dù các chuyến du lịch nước ngoài đã được nối lại nhưng nhiều người tiêu dùng Trung Quốc vẫn mua sắm các sản phẩm xa xỉ tại quê nhà.
Theo công ty tư vấn Bain & Company, thị trường hàng xa xỉ cá nhân tại Trung Quốc Đại lục đã tăng khoảng 12% trong năm ngoái lên hơn 400 tỷ NDT (56,43 tỷ USD). Mặc dù con số này vẫn chưa quay trở lại mức của năm 2021, do tâm lý người tiêu dùng yếu đi và hoạt động mua sắm hàng xa xỉ ở nước ngoài quay trở lại, song Bain & Company vẫn kỳ vọng thị trường hàng xa xỉ trong nước sẽ tăng trưởng trong những năm tới.
Nguồn: https://bnews.vn/trung-quoc-doanh-so-ban-xa-xi-pham-phuc-hoi/322497.html
2. Doanh nghiệp Trung Quốc tìm kiếm tăng trưởng ở thị trường nước ngoài
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Trung Quốc, bao gồm những doanh nghiệp chưa từng nghĩ về kinh doanh quốc tế trước đây, đang tích cực tìm kiếm các cơ hội tăng trưởng ở thị trường nước ngoài. Điều này diễn ra khi sự cạnh tranh trong nước trở nên khốc liệt, cùng với nhu cầu nội đia suy yếu, khiến doanh thu của họ giảm mạnh. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Trung Quốc không đi theo con đường xuất khẩu truyền thống cũ. Benjamin Xiao, giám đốc bán hàng của một OEM ở Thâm Quyến, cho biết, mô hình xuất khẩu truyền thống, bao gồm nhiều trung gian và đôi khi được dẫn dắt bởi các tổ chức nhà nước, có nhiều hạn chế. Do đó, ngoài các hợp đồng sản xuất cho khách hàng, công ty của ông cũng muốn phát triển thương hiệu riêng và bán trực tiếp ra nước ngoài.
Theo Chris Pereira, người sáng lập kiêm CEO của hãng tư vấn kinh doanh iMpact, các công ty trong lĩnh vực công nghệ tiêu dùng, năng lượng mới và công nghệ sinh học Trung Quốc đặc biệt tích cực trong nỗ lực thúc đẩy doanh số bán hàng ở nước ngoài. Pereira nhận thấy, xu hướng đáng chú ý nhất là nền tảng sản xuất công nghiệp của Trung Quốc đang nâng cấp lên mức có thể cạnh tranh với các thương hiệu và sản phẩm phương Tây. Vì vậy, ông cho rằng, vấn đề chính, không phải các công ty phương Tây đến Trung Quốc để mua sản phẩm, mà là các công ty Trung Quốc sản xuất sản phẩm và xây dựng thương hiệu riêng để bán sản phẩm ra nước ngoài bằng cách loại bỏ các bên trung gian.
Nguồn: https://thesaigontimes.vn/doanh-nghiep-trung-quoc-tim-kiem-tang-truong-o-thi-truong-nuoc-ngoai/
3. FPT Retail lỗ gần 300 tỷ đồng năm 2023
Theo báo cáo kết quả kinh doanh, quý 4/2023, Công ty cổ phần Bán lẻ kỹ thuật số FPT (FRT Retail) lỗ hợp nhất trước thuế 97 tỷ đồng. Lũy kế cả năm 2023, lợi nhuận hợp nhất trước thuế của FPT Retail âm 294 tỷ đồng. Đây là lần đầu tiên công ty báo lỗ (tính theo năm) kể từ khi niêm yết trên HoSE năm 2018. Kết quả này cũng trái ngược với kế hoạch kinh doanh công ty đặt ra hồi năm 2023.
Đến hết năm ngoái, chuỗi FPT Shop có 755 cửa hàng, giảm hơn 30 cơ sở so với đầu năm. Trong khi đó, chuỗi Long Châu tăng 560 lên gần 1.500 cửa hàng. Chuỗi nhà thuốc này cũng tiếp tục là điểm sáng, động lực tăng trưởng với FPT Retail. Doanh thu từ Long Châu tăng đến 66% trong năm ngoái và đóng góp một nửa vào tổng doanh thu 31.850 tỷ đồng. Năm trước đó, nguồn thu từ Long Châu mới chỉ chiếm trên 30% tổng doanh thu của nhà bán lẻ này. Một số đơn vị phân tích cũng đánh giá Long Châu sẽ là động lực trong dài hạn của FPT Retail.
Nguồn: https://vnexpress.net/chuoi-nha-thuoc-long-chau-thu-gan-16-000-ty-dong-nam-2023-4706347.html
4. Chủ shop online khổ sở tìm shipper dịp Tết
Cứ đến mỗi dịp Tết, các chủ shop kinh doanh online lại vào mùa đóng đơn hàng gửi khách không kịp nghỉ tay. Tuy nhiên, họ chia sẻ rằng đơn nào được khách đặt càng cận Tết họ lại càng sợ. Bà Huỳnh Thanh Ngân (ngụ tại TP Thủ Đức, TP HCM) – chủ shop bán hàng online mặt hàng đồ gia dụng trên Facebook – cho biết đang đau đầu khi các đơn vị vận chuyển gặp tình trạng quá tải trong dịp cuối năm.
Trong khi đó, ông N.H.Anh, nhân viên giao hàng của một đơn vị vận chuyển ở khu vực phường Hiệp Bình Phước, TP Thủ Đức, cho hay lý do quá tải trong dịp Tết 2024 là từ giữa năm 2023, lượng đơn hàng ít khiến nhiều shipper và tài xế xe tải nghỉ việc. Đến cuối năm, lượng hàng tăng đột biến mà lại thiếu nhân sự nên hàng hóa giao lâu. Bên cạnh những đơn hàng tiêu chuẩn, mùa Tết cũng chứng kiến sự gia tăng đột biến của các đơn hàng như hoa mai, chậu lan, đào, bàn ghế… Khối lượng và kích thước lớn khiến thời gian giao hàng kéo dài, giá ship cho dịch vụ giao hàng tăng cao.
Nguồn: https://nld.com.vn/chu-shop-online-kho-so-tim-shipper-dip-tet-196240129142021898.htm

Nhóm tin về ngành thực phẩm – ẩm thực

1. Đồ ăn sẵn ‘chiếm lĩnh’ bàn tiệc đêm Giao thừa của người Trung Quốc
Người Trung Quốc rất coi trọng bữa ăn đoàn tụ đêm Giao thừa đón năm mới. Năm nay, việc đặt bàn tại các nhà hàng đã ‘nóng’, trong khi một số người đã bắt đầu mua nguyên liệu để chuẩn bị bữa tiệc thịnh soạn tại nhà. Tuy nhiên, khác với những năm trước đây, năm nay dù tổ chức ở nhà hàng, khách sạn hay ở nhà riêng, những món ăn chế biến sẵn đều “chiếm lĩnh” các bàn tiệc đêm Giao thừa. Năm nay, các sàn thương mại điện tử và siêu thị lớn đều đã tung ra thị trường nhiều sản phẩm món ăn chế biến sẵn. Cùng với nhu cầu đặt bàn ăn tại chỗ đang rất phổ biến, một số nhà hàng cũng đã tung ra combo bàn tiệc gia đình và các sản phẩm món ăn chế biến sẵn khác để người tiêu dùng lựa chọn.
Một báo cáo điều tra của một cơ quan truyền thông công bố hôm 28/1 cho thấy: 54% người được hỏi nói sẽ đặt mua món ăn chế biến sẵn cho bữa ăn Giao thừa, trong đó 21% nói sẽ dùng toàn bộ các món chế biến sẵn cho bữa tiệc, 33% sẽ dùng kết hợp với món tự nấu. Về nguyên nhân đặt mua, 56% nói do thấy ăn ngon, hợp khẩu vị; 53,5% nói do muốn thưởng thức các món ăn khác nhau; 51,2% do tiện lợi, dễ bảo quản. Tỷ lệ đặt mua món ăn chế biến sẵn của cư dân đô thị loại 1 cao nhất, tới 45,7%; đô thị loại 2 là 19,8%; đô thị loại 3 là 16,4%.
Một số cư dân mạng cho rằng việc mua các món ăn chính chế biến sẵn cho bữa tiệc đêm Giao thừa chủ yếu là để tiết kiệm công sức và bớt lo lắng. Trên một nền tảng thương mại điện tử, doanh số các món ăn làm sẵn cho bữa tiệc đêm Giao thừa với giá gốc là 398 NDT (1,31 triệu VND) và giá khuyến mại là 348 NDT (1,14 triệu VND) đã bán vượt quá 10.000 suất.
Nguồn: https://viettimes.vn/do-an-san-chiem-linh-ban-tiec-dem-giao-thua-cua-nguoi-trung-quoc-gay-tranh-cai-post173057.html
2. Chuỗi mì ramen Nhật Bản đi tìm thị trường mới toàn cầu
Các chuỗi mì ramen của Nhật Bản đang tận dụng hương vị và chất lượng dịch vụ truyền thống để thu hút người tiêu dùng khắp nơi từ Mỹ, sang Âu và Đông Nam Á. Mì ramen đang được xem là món ăn Nhật Bản thứ hai phổ biến trên toàn cầu, xếp sau sushi. Theo Bộ Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản Nhật Bản, số lượng nhà hàng, tiệm ăn Nhật Bản ở nước ngoài đã tăng khoảng 20% ​​từ năm 2021 lên 187.000 vào năm 2023. Bộ cho biết sự phổ biến của suhi và ramen giúp tăng nhanh số lượng nhà hàng Nhật Bản.
Một tô mì ramen nóng hổi sau bữa rượu bí tỉ có lẽ đã trở thành một phần trong nhu cầu giải trí về đêm của người Nhật. Nhưng nhu cầu này đã giảm kể từ hồi Covid bùng phát. Nhưng mì ramen được xem là nguồn lợi mới của doanh nghiệp F&B Nhật Bản. Một mô mì ramen ở New York có thể bán với giá 21,5 đô la, gồm cả tiền tip, tương đương hơn 3.000 yen. So với mức giá trung bình dưới 1.000 yen, lợi nhuận ở các cửa hàng ramen ở nước ngoài cao hơn ba lần.
Nguồn: https://bsamedia.vn/chuoi-mi-ramen-nhat-ban-di-tim-thi-truong-moi-toan-cau/

Nhóm tin về nông nghiệp – thủy sản – chăn nuôi

1. Giá lúa gạo quay đầu giảm mạnh
Hai tuần qua, giá lúa gạo tại ĐBSCL liên tục sụt giảm từ 800-1.500 đồng/kg/tùy theo giống. Nhiều cò lúa bỏ tiền cọc hoặc đàm phán giảm giá lúa so với đã đặt cọc. Doanh nghiệp dự báo giá lúa sẽ tiếp tục giảm sau Tết. Ông Trần Mạnh Linh – giám đốc điều hành ngành gạo thuộc Tập đoàn Tân Long – thừa nhận các loại gạo đang có xu hướng giảm mạnh. “Nguyên nhân dẫn đến giá lúa, gạo giảm là do nhiều nơi bắt đầu thu hoạch rộ lúa đông xuân. Tết đến nơi nên nông dân cần nguồn tiền ăn tết nên lúa thu hoạch xong bán ngay. Đối với doanh nghiệp cũng cần nguồn tiền nên bán lượng gạo trong kho để qua tết họ sẽ thu mua trở lại”, ông Linh nói.
Còn ông Phạm Thái Bình – chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (TP Cần Thơ) – cho hay đến nay giá lúa đông xuân đã giảm mạnh, chỉ còn khoảng 8.000 đồng/kg đối với đài thơm 8, so với tuần rồi giảm hơn 1.000 đồng/kg. Nhiều thương lái, cò lúa đã bỏ tiền đặt cọc hoặc đàm phán với người dân giảm giá mới mua lúa của dân.
Nguồn: https://tuoitre.vn/gia-lua-gao-quay-dau-giam-manh-can-tet-doanh-nghiep-noi-con-giam-tiep-20240130152840704.htm
2. Lo ngại thiếu hụt nguồn cung, giá cà phê xuất khẩu tạo đỉnh mới
Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), kết thúc ngày giao dịch 30/1, giá cà phê Arabica phục hồi 2,51%; giá Robusta tăng thêm 1,86%, tạo đỉnh mới trong 30 năm. Tồn kho trên Sở ICE tiếp tục giảm sâu, đẩy lo ngại thiếu hụt nguồn cung thêm nghiêm trọng. Tồn kho Robusta trên Sở ICE-EU tính đến hết ngày 29/1 giảm 910 tấn, còn 28.860 tấn, một trong những lượng cà phê lưu trữ thấp nhất từng ghi nhận. Tại Việt Nam, Hiệp hội Cà phê, Ca cao ước tính sản lượng cà phê niên vụ 2023/2024 (từ tháng 10/2023 đến tháng 9/2024) giảm 10% so với niên vụ trước đó, xuống còn 1,6 triệu tấn. Điều này là do ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, diện tích trồng xen tăng, người nông dân đầu tư vào các cây trồng có hiệu quả kinh tế cao như: sầu riêng, cây ăn trái.
Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng 31/1, giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ tiếp tục tăng 1.000 đồng/kg. Theo đó, cà phê trong nước hiện được thu mua quanh mức 78.000 – 79.000 đồng/kg. Theo chuyên gia, Việt Nam có lợi thế về cà phê Robusta. Giá loại này tăng nhiều phiên liên tiếp do lo ngại nguồn cung từ châu Á và tuyến vận tải biển Âu – Á qua kênh đào Suez bị tắc nghẽn. Các chuyên gia dự báo giá cà phê niên vụ 2023-2024 sẽ tiếp tục giữ ở mức cao, bởi đây là lúc các nhà rang xay trên thế giới mua tồn kho và nhu cầu sẽ càng tăng, vì vậy giá cà phê khó có cơ hội đi xuống.
Nguồn: https://congthuong.vn/lo-ngai-thieu-hut-nguon-cung-gia-ca-phe-xuat-khau-tao-dinh-moi-301202.html

Nhóm tin về thị trường xuất nhập khẩu

1. Indonesia muốn cạnh tranh xuất khẩu giày dép với Việt Nam tại EU
Indonesia muốn sớm có thỏa thuận thương mại với EU để cạnh tranh với Việt Nam, đặc biệt trong xuất khẩu giày dép. Bộ trưởng Điều phối vấn đề kinh tế Indonesia Airlangga Hartarto cho biết Việt Nam hiện có Hiệp định thương mại với Liên minh châu Âu (EVFTA), điều mà nước này để mắt trong nhiều năm. Hiệp định EVFTA đã loại bỏ 99% các mức thuế, mở đường cho nhiều hàng hóa, đặc biệt là giày dép của Việt Nam thâm nhập thị trường châu Âu.
Indonesia đã đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện (CEPA) với EU từ năm 2016. Hai bên đã kết thúc vòng đàm phán thứ 16 và sẽ tổ chức cuộc gặp tiếp theo vào tháng tới. Chính phủ nước này rất muốn kết thúc các cuộc đàm phán CEPA trong năm nay. “Đây là một hiệp định thương mại rất quan trọng để mở ra khả năng tiếp cận thị trường”, Bộ trưởng Airlangga nói.
Nguồn: https://vnexpress.net/indonesia-muon-canh-tranh-xuat-khau-giay-dep-voi-viet-nam-tai-eu-4705416.html
2. Giá gạo Ấn Độ xuất khẩu cao kỷ lục
Giá gạo đồ xuất khẩu của Ấn Độ đã tăng lên mức cao kỷ lục trong tuần này do nguồn cung hạn chế và nhu cầu ổn định từ các khách hàng châu Á và châu Phi. Trong khi đó, giá gạo của Việt Nam và Thái Lan có xu hướng giảm. Gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ được báo giá ở mức cao kỷ lục 533-542 USD/tấn trong tuần này, so với mức 525-535 USD/tấn của tuần trước.
Phó Chủ tịch của Olam Agri tại Ấn Độ, ông Nitin Gupta cho rằng nguồn cung trên thị trường bị hạn chế do hoạt động thu mua lúa của chính phủ. Thêm vào đó, hoạt động xay xát gạo vụ mới hiện đang được tiến hành – nhân tố gây sức ép với nguồn cung. Sản lượng gạo của Ấn Độ dự kiến sẽ giảm trong năm tài chính này, lần giảm đầu tiên sau 8 năm, làm tăng khả năng New Delhi sẽ gia hạn hạn chế xuất khẩu gạo để kiểm soát giá lương thực trước cuộc bầu cử.
Nguồn: https://bnews.vn/gia-gao-an-do-xuat-khau-cao-ky-luc/322349.html
3. Đường sắt Việt Nam – Trung Quốc sẽ nối ray từ năm 2025
Cục Đường sắt Việt Nam (Bộ GTVT) cho biết đang làm việc với Cục Đường sắt quốc gia Trung Quốc thống nhất điểm nối ray đường sắt khổ tiêu chuẩn 1.435 mm giữa hai bên tại Lào Cai, triển khai từ năm 2025. Theo đó, cục đường sắt hai nước sẽ thúc đẩy việc xây dựng thỏa thuận liên Chính phủ về phương án, điểm nối ray đường sắt khổ tiêu chuẩn giữa ga Lào Cai (Việt Nam) và ga Hà Khẩu Bắc (Trung Quốc).
Đây sẽ là cơ sở để triển khai xây dựng đoạn tuyến này vào năm 2025, chuẩn bị sẵn sàng cho tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng khổ tiêu chuẩn đang được thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư. Hiện, dự án đấu nối ray giữa ga Lào Cai với ga Hà Khẩu Bắc đã được đề xuất đầu tư giai đoạn 2021 – 2025 với tổng mức đầu tư dự kiến hơn 2.206 tỷ đồng.
Nguồn: https://thanhnien.vn/duong-sat-viet-nam-trung-quoc-se-noi-ray-tu-nam-2025-18524012609425583.htm
4. Xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Ấn Độ năm 2023 tăng trưởng 6,7%
Xuất khẩu hàng hóa sang Ấn Độ năm 2023 vẫn tăng trưởng 6,7% so với năm 2022, đạt kim ngach 8,5 tỷ USD, là 1 trong số ít thị trường đạt mức tăng trưởng dương. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Ấn Độ trong tháng 12/2023 đạt 702,5 triệu USD, giảm 3,6% so với tháng trước. Tính chung năm 2023 đạt hơn 8,49 tỷ USD, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm trước.
Dẫn đầu kim ngạch xuất khẩu trong năm 2023 là nhóm mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 1,94 tỷ USD, tăng 88,2% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 22,9% tỷ trọng. Tiếp đến là nhóm hàng điện thoại các loại và linh kiện đạt 1,03 tỷ, chiếm 12,2% tỷ trọng. Ấn Độ hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Nam Á, chiếm tỷ trọng gần 80% xuất khẩu của Việt Nam đến khu vực này.
Nguồn: https://congthuong.vn/xuat-khau-hang-hoa-cua-viet-nam-sang-an-do-nam-2023-tang-truong-67-300414.html
5. Cước phí vận tải biển tăng cao: Doanh nghiệp chuyển hướng thị trường
Căng thẳng trên Biển Đỏ đang khiến cước phí vận tải tàu biển tăng cao. Nhiều doanh nghiệp (DN) đã phải chuyển hướng thị trường để duy trì hoạt động xuất khẩu. Tình trạng bất ổn tại khu vực Biển Đỏ được dự báo có thể còn kéo dài khiến DN Việt đối diện nguy cơ mất đơn hàng, hàng hóa bị ùn ứ.
Ông Lê Quang Trung, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN Dịch vụ Logistics Việt Nam cho rằng, tình trạng bất ổn tại khu vực Biển Đỏ có thể còn kéo dài. Do vậy, các DN xuất nhập khẩu và DN logistics cần chủ động theo dõi sát tình hình để lên các phương án trao đổi với các đối tác lựa chọn phương thức vận chuyển phù hợp. Ví như thay vì thực hiện bằng đường biển có thể kết hợp vận tải bằng đường hàng không, đường sắt hay xà lan. Bên cạnh đó, DN cần tiếp tục tìm kiếm và đa dạng nguồn cung để hạn chế ảnh hưởng bất lợi trong chuỗi cung ứng, đồng thời bổ sung ngay điều khoản liên quan đến bồi thường và miễn trách nhiệm trong những tình huống khẩn cấp.
Nguồn: https://tienphong.vn/cuoc-phi-van-tai-bien-tang-cao-doanh-nghiep-chuyen-huong-thi-truong-post1608804.tpo

Nhóm tin về xu hướng xanh – bền vững

1. Thái Lan lên kế hoạch thành lập các quỹ đầu tư trồng rừng đề bán tín chỉ carbon
Các nhà quản lý tài sản ở Thái Lan sẽ sớm được phép thành lập các quỹ đầu tư vào rừng và các dự án trồng rừng với mục đích bán tín chỉ carbon. Trong cuộc trao đổi với Bloomberg hôm 25/1, Pornanong Budsaratragoon, Tổng thư ký của Ủy ban Chứng khoán và sàn giao dịch Thái Lan (SEC), cho biết SEC sẽ cung cấp chi tiết và quy định đầy đủ về quỹ tín thác đầu tư xanh vào giữa năm nay sau khi có ý kiến đóng góp từ nhiều bên liên quan. Bà nói các quỹ tín thác đầu tư xanh này ban đầu sẽ bị giới hạn ở các khoản đầu tư vào các dự án liên quan đến rừng, giúp ra thu nhập từ tín chỉ carbon.
Thái Lan đã đặt mục tiêu Net-Zero vào năm 2050, tạo ra làn sóng đầu tư trong cả khu vực công và tư nhân vào những lĩnh vực giúp giảm phát thải khí nhà kính. Tuy nhiên, giới chức trách bắt đầu giám sát kỹ lưỡng hơn sau một số dự án lớn bị phát hiện tuyên bố quá mức về lợi ích đối với việc bảo tồn sinh thái và giảm phát thải khí nhà kính.
Nguồn: https://thesaigontimes.vn/thai-lan-len-ke-hoach-thanh-lap-cac-quy-dau-tu-trong-rung-de-ban-tin-chi-carbon/
2. Pandora ngừng sử dụng vàng bạc mới khai thác
Pandora, công ty trang sức lớn nhất thế giới tính trên doanh số, đã ngừng sử dụng vàng bạc mới khai thác và hiện chỉ sản xuất bằng kim loại quý tái chế, vốn tiêu thụ ít năng lượng hơn để sản xuất. Theo báo cáo thường niên, chuỗi cung ứng của Pandora đã phát thải 264.224 tấn CO2 vào năm 2022. Ông Mads Twomey-Madsen, Phó Chủ tịch cấp cao về truyền thông và bền vững của Pandora cho biết, việc sử dụng kim loại tái chế thay vì kim loại mới khai thác nhằm giảm lượng khí thải CO2 gián tiếp của Pandora khoảng 58.000 tấn mỗi năm.
Tuy nhiên, chuỗi cung ứng kim loại tái chế vẫn gây ra rủi ro khi vàng bị đánh cắp có thể được bán dưới dạng phế liệu để tái chế và rất khó để chứng minh nguồn gốc của kim loại sau khi nấu chảy. Để giảm thiểu rủi ro, Pandora sử dụng tiêu chuẩn chuỗi hành trình sản phẩm do Hội đồng Trang sức Có trách nhiệm (RJC) phát triển. Ông Twomey-Madsen cho biết, Pandora đã đạt chỉ tiêu sử dụng 100% vàng và bạc tái chế vào tháng 12/2023. Công ty này đang đầu tư khoảng 10 triệu USD mỗi năm vào việc chuyển đổi, một khoản chi phí mà công ty sẽ gánh vác thay vì chuyển sang người tiêu dùng thông qua việc tăng giá sản phẩm.
Nguồn: https://baotintuc.vn/the-gioi/pandora-ngung-su-dung-vang-bac-moi-khai-thac-20240130120922044.htm

Nhóm tin về ngành du lịch

1. Lượng khách Trung Quốc ra nước ngoài dự kiến tăng mạnh trong dịp Tết
Mong muốn du lịch trong dịp Tết Giáp Thìn 2024 được phản ánh trong một báo cáo nghiên cứu của Công ty công nghệ Baidu. Báo cáo cho biết, du lịch đón mừng Tết Nguyên đán có thể trở thành xu hướng mới, được thúc đẩy bởi các chuyến du lịch gia đình cũng như hoạt động tham quan các tỉnh khác. Nhu cầu du lịch quốc tế của người dân Trung Quốc cũng dự kiến tăng sau một loạt các thỏa thuận miễn thị thực với Thái Lan, Malaysia, Singapore cũng như Pháp, Đức, Ý, Hà Lan và Tây Ban Nha.
Báo cáo của Baidu cho biết, các nước Đông Nam Á như Thái Lan vẫn là điểm đến ưa thích của du khách Trung Quốc vì họ thích những nơi có khí hậu ấm áp hơn ở quê nhà. Ngoài ra, dữ liệu từ nền tảng du lịch trực tuyến lớn nhất Trung Quốc Trip.com cho thấy Singapore, Thái Lan và Malaysia nằm trong số những điểm đến hàng đầu được khách Trung Quốc ưa chuộng trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán sắp tới. Theo dự báo của Công ty tiếp thị kỹ thuật số China Trading Desk, có trụ sở tại Singapore, lượng khách Trung Quốc đi du lịch nước ngoài có thể sẽ tăng 50% trong năm 2024, phục hồi về mức 62% so với trước đại dịch.
Nguồn: https://thesaigontimes.vn/luong-khach-trung-quoc-ra-nuoc-ngoai-du-kien-tang-manh-trong-dip-tet/

Nhóm tin về ngành kĩ thuật – công nghệ

1. Microsoft sa thải 1.900 nhân viên mảng game
Microsoft vừa thông báo sa thải 1.900 nhân viên mảng game tại Activision Blizzard và Xbox, chiếm khoảng 8% tổng số nhân viên của bộ phận Microsoft Gaming. Đây là một quyết định gây tranh cãi, đặc biệt là khi diễn ra chưa đầy nửa năm sau khi Microsoft chi gần 70 tỉ USD để mua lại Activision Blizzard.
Hành động sa thải nhân viên của Microsoft là một dấu hiệu cho thấy ngành công nghiệp game đang trải qua một giai đoạn khó khăn. Microsoft cần có những giải pháp kịp thời để giải quyết những thách thức này, nếu không muốn dần mất đi vị thế của mình trong tương lai.
Nguồn: https://viettimes.vn/microsoft-sa-thai-1900-nhan-vien-mang-game-post173065.html
2. TSMC sẽ đầu tư 13,5 tỷ USD xây dựng nhà máy chip thứ 2 ở Nhật Bản
Nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới Taiwan Semiconductor Manufacturing Co. (TSMC) của Đài Loan (Trung Quốc) sẽ xây dựng nhà máy thứ 2 cùng địa điểm với nhà máy đầu tiên ở tỉnh Kumamoto, Nhật Bản. Theo Bộ trưởng Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản, Tetsushi Sakamoto, TSMC có thể ra thông báo chính thức về địa điểm xây dựng nhà máy thứ hai vào tháng 2/2024.
Nhà sản xuất chip này được cho là sẽ đầu tư khoảng 2.000 tỷ yen (13,5 tỷ USD) cho nhà máy mới, đưa đến hy vọng sẽ thúc đẩy hoạt động kinh tế ở tỉnh phía Tây Nam Nhật Bản. Tuy nhiên, việc xây dựng nhà máy có thể gây ra những lo ngại về ô nhiễm nước ngầm và tình trạng ùn tắc giao thông. Nhà máy đầu tiên của TSMC tại Nhật Bản có số vốn đầu tư 8,6 tỷ USD và theo kế hoạch sẽ sản xuất đại trà trong năm nay.
Nguồn: https://bnews.vn/tsmc-se-dau-tu-13-5-ty-usd-xay-dung-nha-may-chip-thu-2-o-nhat-ban/322529.html#google_vignette
3. Nhà máy sản xuất linh kiện máy bay Boeing 787, Boeing 737 Max sẽ xuất hiện tại Đà Nẵng
Ngày 25/1, Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng cho biết đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho nhà đầu tư KP AERO INDUSTRIES CO., LTD để đầu tư dự án Nhà máy linh kiện hàng không KP VINA. Dự án có tổng vốn đầu tư là 20 triệu USD. Nhà máy sẽ là nơi sản xuất, gia công và lắp ráp các bộ phận của máy bay, bao gồm cửa động cơ phụ, đầu MIC, hộp cánh, cánh lượn, dàn hỗ trợ cánh tả của các dòng máy bay Boeing 787, Boeing 737 Max.
Đại diện nhà đầu tư KP AERO INDUSTRIES CO., LTD cho biết từ việc hỗ trợ sớm hoàn thành thủ tục hồ sơ và cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, đơn vị dự kiến khởi công xây dựng công trình vào đầu tháng 2/2024.
Nguồn: https://tuoitre.vn/da-nang-cap-phep-cho-nha-may-san-xuat-linh-kien-may-bay-boeing-787-boeing-737-max-20240125160911901.htm
4. Vingroup sẽ đầu tư vào Philippines
Vinfast sẽ là công ty đầu tiên của Tập đoàn Vingroup đầu tư vào Philippines trong năm 2024 với việc thiết lập mạng lưới kinh doanh ôtô, xe máy điện. Kế hoạch đầu tư được Chủ tịch Tập đoàn Vingroup Phạm Nhật Vượng chia sẻ với Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos JR và phái đoàn cấp cao trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam.
Đây là bước đi tiếp theo trong chiến lược mở rộng kinh doanh tới tối thiểu 50 quốc gia trong năm nay của VinFast, trong đó xác định Đông Nam Á là một trong những khu vực trọng điểm. Ông Phạm Nhật Vượng cũng khẳng định Philippines là một trong những thị trường quan trọng của Vingroup khi vươn ra khu vực và quốc tế.
Nguồn: https://vnexpress.net/vingroup-se-dau-tu-vao-philippines-4706684.html
5. Công nghiệp an ninh mạng bứt tốc
Báo cáo tổng kết của Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá, “an toàn thông tin mạng tiếp tục là điểm sáng”, với nhiều kết quả tích cực. Theo đó, doanh thu lĩnh vực an toàn thông tin mạng ước đạt 5.522 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2022 (4.062 tỷ đồng). Tổng số lao động của doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực an toàn thông tin mạng đến nay là 3.866 người, tăng 13% so với năm 2022. Bên cạnh đó, số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này cũng không ngừng tăng lên. Đến nay, có tổng cộng 119 doanh nghiệp được cấp phép (3 tập đoàn nhà nước, 69 công ty cổ phần và 34 công ty trách nhiệm hữu hạn).
Còn theo số liệu của OPSWAT, thị trường an ninh mạng tại Việt Nam đạt doanh thu lên đến hơn 260 triệu USD, trong đó các giải pháp an ninh mạng đạt khoảng 170 triệu USD. Dự báo, thị trường sẽ phát triển với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 16,37% trong giai đoạn 2023-2028, đạt mức doanh thu khoảng 565 triệu USD vào năm 2028.
Nguồn: https://baodautu.vn/cong-nghiep-an-ninh-mang-but-toc-d208061.html

Nhóm tin về ngành công nghiệp nặng – năng lượng

1. Than Nga bán sang Đông Nam Á tăng gần 50%
Xuất khẩu than của Nga sang Đông Nam Á năm 2023 đạt 13,1 triệu tấn, tăng đến 47% so với năm 2022, theo thông tin được nhật báo kinh doanh Vedomosti trích dẫn dữ liệu từ công ty phân tích năng lượng Kpler. Tại Đông Nam Á, các nước tăng mua than Nga nhiều gồm: Việt Nam tăng gần gấp đôi lên 3,9 triệu tấn, Malaysia tăng 18% lên 3,8 triệu tấn, và Indonesia tăng 1,7 lần lên 3,4 triệu tấn. Ngoài ra, Myanmar cũng mua nhiều hơn 10%, đạt 41.000 tấn vào năm ngoái.
Xuất khẩu than Nga sang Đông Nam Á tăng mạnh nằm trong xu hướng chuyển đổi dòng chảy cung cấp than từ châu Âu sang châu Á năm qua, sau khi EU dừng mua hàng vì các lệnh trừng phạt của phương Tây với Moskva.
Nguồn: https://vnexpress.net/than-nga-ban-sang-dong-nam-a-tang-gan-50-4704762.html
2. Đầu tư cho chuyển đổi năng lượng đạt kỷ lục 1.800 tỉ đô la trong năm qua
Theo báo cáo mới phát hành của Công ty tài chính năng lượng mới Bloomberg ( BNEF), tổng chi tiêu đầu tư vào chuyển đổi năng lượng trên toàn cầu năm 2023 tăng 17% lên gần 1.800 tỉ đô la. Đây là con số tăng trưởng hàng năm cao nhất trong lịch sử. Tổng chi tiêu này bao gồm các khoản đầu tư để lắp đặt năng lượng tái tạo, điện hóa giao thông, xây dựng hệ thống sản xuất nhiên liệu hydro và triển khai các công nghệ sạch khác.
Khoản chi tiêu kỷ lục trên cho thấy tính cấp thiết của hành động chống lại biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan trên toàn cầu. Tuy nhiên BNEF cho rằng, thế giới cần đầu tư nhiều hơn gấp đôi vào công nghệ sạch để đạt được mục tiêu Net-Zero vào giữa thế kỷ này. Tổng chi tiêu cho quá trình chuyển đổi năng lượng năm ngoái thấp hơn nhiều so với mức hơn 4.800 tỉ đô la Mỹ mà BNEF ước tính sẽ cần hàng năm trong giai đoạn 2024- 2030 để đưa thế giới hướng đến mục tiêu Net-Zero.
Nguồn: https://thesaigontimes.vn/dau-tu-cho-chuyen-doi-nang-luong-dat-ky-luc-1-800-ti-do-la-trong-nam-qua/
BSAi