Nhóm tin về ngành bán lẻ – thương mại điện tử
1. Triển vọng ngành bán lẻ thuộc về Gen Alpha
Tiếp nối Gen Z, Gen Alpha được dự đoán là thế hệ đầy triển vọng khi hoàn toàn được lớn lên trong thời đại kỹ thuật số. Với hơn 2,5 triệu đứa trẻ Gen Alpha được sinh ra mỗi tuần Đến năm 2030, Gen Alpha sẽ chiếm 11% lực lượng lao động. Đây được dự đoán sẽ là nhóm đối tượng người tiêu dùng lớn nhất trong lịch sử và đầy triển vọng mà các thương hiệu nên tập trung khai thác trong tương lai.
Theo tờ CNBC, ngay từ bây giờ, những người mua sắm các mặt hàng xa xỉ đã ngày càng trẻ hơn. Mọi đô thị giờ đã quen thuộc với hiện tượng mới: các cửa hàng đón tiếp lượt khách lớn từ Tik Tok. Đó là những người trẻ đi từ quốc gia này sang quốc gia khác để tham quan, mua hàng bởi vì thấy các sản phẩm lan truyền trên Tik Tok. “Thế giới đã thay đổi, mạng xã hội bùng nổ. Gen Z đã khiến độ tuổi mua các mặt hàng xa xỉ trở nên trẻ hơn, từ 18 đến 20 tuổi. Nhưng sau đó, trong những năm tiếp theo, lần đầu tiên những người mua hàng xa xỉ có thể ở độ tuổi từ 15 đến 17”, ông Jan Rogers Kniffen, Giám đốc điều hành Công ty tư vấn bán lẻ J Rogers Kniffen WWE, nhận định.
Ước tính đến cuối năm 2024, khi thế hệ Alpha lớn nhất tròn 14 tuổi, sẽ có hơn 5,39 nghìn tỷ USD sẽ được chi tiêu cho các bé hàng năm trên khắp thế giới. Con số đó “đánh bại” sức mua của thế hệ Millennials và Gen Z, được dự đoán vào khoảng 2,5 nghìn tỷ USD và 3 nghìn tỷ USD, theo nghiên cứu của Harvard Business Review.
Nguồn: https://vneconomy.vn/trien-vong-nganh-ban-le-thuoc-ve-gen-alpha.htm
2. Pháp nói “Không” với khuyến mãi đại hạ giá
Để tạo sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), Pháp gần đây đã thực thi luật cấm siêu thị giảm giá quá 34% cho nhiều sản phẩm cá nhân và gia dụng, giúp giá của một giỏ hàng mua sắm tương tự sẽ không dao động quá nhiều từ tuần này sang tuần khác, đảm bảo sự ổn định giá cả cho người mua hàng. Ngoài ra, theo lập luận của giới lập pháp viên nước Pháp, các SME đang gặp khó khăn không thể nào cạnh tranh được với các công ty đa quốc gia khổng lồ khi nói đến việc giảm biên lợi nhuận của họ để đưa ra các mức khuyến mãi lớn như vậy.
Theo Euro News, hiện tại đạo luật mới nhận được nhiều lời khen ngợi vì thúc đẩy tính minh bạch về giá, cho phép người tiêu dùng so sánh giá thực tế và đưa ra những lựa chọn sáng suốt, thay vì có cảm giác sai lầm về những mặt hàng giá rẻ mà chỉ các tập đoàn lớn mới có khả năng để bày lên kệ. Với luật hiện đang mở rộng sang các sản phẩm cá nhân và gia dụng, người mua hàng một lần nữa có thể điều chỉnh thói quen của mình và khám phá các lựa chọn mua sắm thay thế thay vì các siêu thị truyền thống.
Nguồn: https://vneconomy.vn/vi-sao-phap-noi-khong-voi-khuyen-mai-dai-ha-gia.htm
3. 6 hệ thống siêu thị bắt tay kiểm soát chất lượng thực phẩm
Ngày 8-3, tại “Hội nghị kết nối xây dựng chuỗi cung ứng bền vững nâng cao chất lượng hàng Việt Nam”, sáu hệ thống bán lẻ gồm Saigon Co.op, Central Retail Việt Nam, MM Mega Market, Bách Hóa Xanh, Aeon Việt Nam và Satra đã cùng ký thỏa thuận hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa trên địa bàn TP.HCM. Theo đó, các bên thống nhất chỉ sản xuất hoặc mua các sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn chung. Hệ thống phân phối nếu phát hiện các sản phẩm không an toàn thì lập tức kiểm tra, kiểm soát; tạm dừng nhập/phân phối/kinh doanh sản phẩm đó… Mục tiêu nhằm bảo vệ lợi ích người tiêu dùng, phát huy năng lực kiểm soát chất lượng của từng hệ thống trong việc cùng hành động, ngăn chặn thực phẩm không an toàn.
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 9-3, đại diện Sở Công Thương TP.HCM cho biết để đi đến thỏa thuận này là cả một quá trình làm việc của đơn vị và các hệ thống bán lẻ, và thực chất đây là vấn đề tự nguyện để cùng nhau hỗ trợ, kiểm soát chất lượng hàng hóa tốt hơn. Sau buổi ký kết, sẽ còn chặng đường để thực thi, nhưng có khó cũng phải làm. “Thời hạn triển khai thỏa thuận là một năm, sau đó sẽ tiếp tục xem xét triển khai tùy vào tình hình thực tế. Tuy nhiên, để giải quyết các vấn đề phát sinh và sớm thực hiện việc lan tỏa chương trình, các bên liên quan sẽ ngồi lại họp định kỳ, có thể hằng tháng”, vị này khẳng định.
Nguồn: https://tuoitre.vn/6-he-thong-sieu-thi-bat-tay-kiem-soat-chat-luong-thuc-pham-se-mo-rong-them-20240310084926708.htm
4. Chuỗi nhà sách lớn nhất Việt Nam liên tục mở rộng
Công ty CP Phát hành sách TP.HCM – Fahasa đang liên tục mở rộng các nhà sách hiện hữu trong chuỗi, mới nhất là việc mở rộng Nhà sách Fahasa Kiên Giang lên gần 800 m2. Theo Fahasa, với việc nâng cấp nhà sách tại Kiên Giang, đây đã trở thành nhà sách quy mô và hiện đại bậc nhất khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long.
Bên cạnh việc mở rộng hoạt động kinh doanh thông qua việc tăng quy mô các nhà sách hiện hữu, Fahasa cũng đẩy mạnh việc thay đổi nhận diện các nhà sách để phù hợp với thị hiếu khách hàng. Trong năm 2023, toàn hệ thống nhà sách của Fahasa đã thu về gần 4.000 tỷ đồng doanh thu thuần và báo lãi sau thuế gần 57 tỷ đồng.
Nguồn: https://znews.vn/chuoi-nha-sach-lon-nhat-viet-nam-lien-tuc-mo-rong-post1463921.html
5. Xu hướng quan tâm đến giá trị sản phẩm thay vì giá cả của người tiêu dùng
Khuyến mãi là không thể thiếu nhưng hiện nay, người tiêu dùng cần nhiều hơn thế để ra quyết định mua sắm nhằm bảo vệ túi tiền khi kinh tế còn khó khăn. Trước xu hướng tiêu dùng mới, các doanh nghiệp (DN) cũng phải thay đổi để thích ứng, giữ thị trường. Tuy nhiên, nếu cứ chạy đua giảm giá thì sẽ không tốt cho DN lẫn người tiêu dùng. Thay vào đó, DN cần cải thiện chất lượng và dịch vụ sản phẩm tốt hơn để làm hài lòng khách hàng.
Bà Naree Nguyễn – Giám đốc Kinh doanh khối đại lý – TikTok Việt Nam, cho biết người tiêu dùng Việt Nam ngày càng ưu tiên giá trị hơn giá cả khi mua sắm. Nhận định này dựa trên nghiên cứu của Accenture thực hiện tại các thị trường: Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan và Việt Nam. Trung bình trong khu vực, chỉ 21% người dùng bị tác động bởi các chương trình khuyến mãi khi cân nhắc quyết định mua hàng. Người tiêu dùng ngày càng có xu hướng chuyển dịch mối quan tâm về giá trị sản phẩm, thay cho các chủ đề xoay quanh giá cả và khuyến mãi như trước đây.
Nguồn: https://nld.com.vn/chi-khuyen-mai-chua-du-de-kich-cau-196240310215801637.htm
Nhóm tin về ngành thực phẩm – ẩm thực
1. Người tiêu dùng Hàn Quốc ưa chuộng các mặt hàng thực phẩm cỡ lớn
Các cửa hàng tiện lợi và nhà bán lẻ khác với giá cả cạnh tranh ở Hàn Quốc đang đặt cược vào sản phẩm thực phẩm cỡ lớn thu hút nhiều khách hàng hơn trong bối cảnh lạm phát tăng và lãi suất cao kéo dài. Đối với những người tiêu dùng quan tâm đến chi tiêu hàng ngày của họ, những sản phẩm khổng lồ này đang mang lại sự trợ giúp đáng hoan nghênh. Xu hướng tăng không chỉ giúp người tiêu dùng vượt qua thời kỳ khó khăn về tài chính. Theo ghi nhận của BGF Retail, nhà điều hành CU, một trong những thương hiệu nhượng quyền tiện lợi lớn nhất Hàn Quốc, điều này cũng mang lại lợi ích cho các nhà sản xuất thực phẩm khi có nhiều lợi nhuận hơn.
Một quan chức của công ty cho biết nhiều cửa hàng tiện lợi đang tung ra nhiều loại sản phẩm thực phẩm đóng gói cỡ lớn vì chúng không chỉ giúp người tiêu dùng tiết kiệm tiền trong bối cảnh giá thị trường cao mà còn là chiến lược bán thêm của công ty nhằm tăng giá cơ bản và tăng doanh số bán hàng của các bên nhượng quyền. Quan chức này nói. “Xu hướng kích thước lớn này sẽ tiếp tục trong thời gian tới vì chúng tôi sẽ sử dụng các sản phẩm chính của mình để đáp ứng nhu cầu của nhiều người tiêu dùng hơn”.
Nguồn: https://bnews.vn/nguoi-tieu-dung-han-quoc-ua-chuong-cac-mat-hang-thuc-pham-co-lon/326429.html
2. Nước tương Nam Dương lên kệ siêu thị ở Mỹ
Thông qua đối tác là Công ty CP Quốc tế LNS, Công ty TNHH Thực phẩm Quốc tế Nam Dương đưa nước tương truyền thống nhãn hiệu Con mèo đen xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Mỹ. Sản phẩm này được kiều bào Việt Nam tại Mỹ ưa thích tìm mua khi về thăm quê hương. Ngay trong đợt mở bán đầu tiên, sản phẩm đã nhận được phản hồi tích cực của người tiêu dùng.
Các nghiên cứu mới nhất của Fortune Business Insight cho kết quả thị trường nước tương toàn cầu đang có những chuyển biến khả quan, dự kiến sẽ đạt 56,67 tỉ USD vào năm 2027. Riêng tại Mỹ, gia vị Việt Nam, trong đó có nước tương có nhiều tiềm năng phát triển vì có hương vị hòa hợp với các món Á, Âu. Hiện nay, 80% siêu thị ở Mỹ có khu vực riêng dành cho thực phẩm châu Á.
Nguồn: https://nld.com.vn/nuoc-tuong-con-meo-den-len-ke-sieu-thi-o-my-196240308155543865.htm
3. Acecook Việt Nam xây dựng nhà máy sản xuất 200 triệu USD tại Vĩnh Long
Vừa qua, Công ty Cổ phần Acecook Việt Nam đã tiến hành động thổ dự án nhà máy sản xuất các sản phẩm ăn liền có quy mô đầu tư lớn, lên đến 200 triệu USD ở khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long. Nơi đây sẽ sản xuất các sản phẩm ăn liền như: mì, miến, phở, bún, hủ tiếu với tổng quy mô lên đến 17 dây chuyền và dự kiến thu hút trên 3000 lao động địa phương.
Điểm nổi bật của dự án này là được thiết kế xây dựng theo tiêu chí thân thiện với môi trường. Đặc biệt, nhà máy có thể lắp đặt pin năng lượng mặt trời cung cấp nguồn điện cho sản xuất và sinh hoạt. Nhà máy này được xây dựng cũng là để đáp ứng việc kinh doanh ngày càng phát triển của công ty và phục vụ tốt hơn nữa cho nhu cầu của người tiêu dùng.
Nguồn: https://plo.vn/acecook-viet-nam-xay-dung-nha-may-san-xuat-200-trieu-usd-tai-vinh-long-post779824.html
4. Bia hơi Hà Nội thích nghi để tồn tại
Hai tháng đầu năm 2024 đáng lẽ là mùa kinh doanh cao điểm của các quán bia trước xu hướng ăn uống, vui chơi của người dân dịp tất niên. Song, trái với kỳ vọng, doanh thu của một hệ thống bia hơi có tiếng ở Hà Nội ước tính giảm ít nhất 50% so với năm ngoái. Từ năm 2022 đến nay, những tác động của đại dịch, nền kinh tế đi xuống hay động thái siết chặt quy định về nồng độ cồn khi tham gia giao thông đã thực sự tác động lớn tới các chuỗi bia hơi, quán nhậu.
Để đối mặt với những khó khăn trong môi trường kinh doanh hiện nay, các hệ thống nhà hàng bia hơi đều thử nghiệm nhiều giải pháp khác nhau cũng như chiến lược thúc đẩy xu hướng tiêu dùng của khách hàng. Một số quán đã triển khai nhiều ưu đãi như tặng lẩu cho bàn khách mua bia, rượu hay giảm giá hóa đơn 10-15% cho các đoàn khách đông người. Các hoạt động quảng cáo cũng được thay đổi liên tục để phù hợp theo mùa và thị hiếu khách hàng. Điển hình như trước tâm lý lo ngại việc siết chặt kiểm tra nồng độ cồn, các quán đã bán thêm bia không độ hay hợp tác với các bãi xe nhằm phục vụ nhu cầu gửi xe lại quán của khách.
Nguồn: https://znews.vn/nhieu-chuoi-bia-hoi-ha-noi-phai-thu-hep-kinh-doanh-post1463359.html
Nhóm tin về nông nghiệp – thủy sản – chăn nuôi
1. Giá cà phê tiếp tục tăng, khả năng chạm mốc 100.000 đồng/kg
Ngày 7-3, giá cà phê trong nước đã ở mức 90.000 đồng/kg. Nhiều dự đoán giá “vàng đen” này sẽ tiến tới mức 100.000 đồng/kg là điều không xa, vì thị trường thế giới đang rất hạn chế nguồn cung. So với tháng 2-2023, giá cà phê chỉ ở mức 42.000 – 43.000 đồng/kg. Như vậy, giá cà phê đang tăng bứt phá, tăng hơn gấp đôi cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức giá cao chưa từng có với cà phê Việt Nam.
Còn thị trường thế giới, hôm nay giá cà phê robusta bất ngờ tăng mạnh trở lại, mức tăng từ 104 – 129 USD/tấn. Giá cà phê arabica Brazil cũng tăng lên 234,40 USD/tấn… Và theo dự báo của nhiều doanh nghiệp, giá cà phê vẫn còn có khả năng tăng tiếp do thị trường thế giới “khát” nguồn cung, Việt Nam vẫn “một mình một chợ” vì ảnh hưởng El Nino nên cà phê Indonesia giảm sâu sản lượng. Dự đoán cà phê đạt mức 100.000 đồng/kg là điều không xa.
Nguồn: https://tuoitre.vn/gia-ca-phe-tiep-tuc-tang-kha-nang-cham-moc-100-000-dong-kg-20240307130250017.htm
2. Hồ tiêu lập đỉnh giá, nông dân Gia Lai phấn khởi vào vụ thu hoạch
Hiện nay, nông dân tỉnh Gia Lai đang phấn khởi vào chính vụ thu hoạch hồ tiêu 2024. Giá hồ tiêu dao động từ 93 đến 95 triệu đồng/tấn, là mức giá cao nhất từ 2016 trở lại đây. Tại Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Nam Yang, ở xã Nam Yang, huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai-nơi có 110 thành viên, với 80 ha hồ tiêu sản xuất theo hướng bền vững, hồ tiêu của hợp tác xã được mua giá cao hơn thị trường 3.000 đồng/1kg, riêng 15 ha hồ tiêu được chứng nhận hữu cơ luôn được mua cao hơn so với giá thị trường 25%.
Trước việc giá hồ tiêu tăng cao, chính quyền địa phương khuyến cao người dân không ồ ạt mở rộng diện tích, mà kiên trì hướng canh tác bền vững để đứng vững trước sự biến động của giá cả và dịch bệnh.
Nguồn: https://vov.vn/kinh-te/ho-tieu-lap-dinh-gia-nong-dan-gia-lai-phan-khoi-vao-vu-thu-hoach-post1081977.vov
Nhóm tin về thị trường xuất nhập khẩu
1. Việt Nam nhập khẩu thịt và các sản phẩm thịt từ 37 thị trường
Cục Xuất nhập khẩu dẫn số liệu thống kê từ của Tổng cục Hải quan cho thấy, tháng 1/2024, Việt Nam nhập khẩu gần 62,44 nghìn tấn thịt và các sản phẩm từ thịt, trị giá 127,52 triệu USD, trong đó, Ấn Độ là thị trường cung cấp thịt và các sản phẩm từ thịt lớn nhất, chiếm 29,53% tổng lượng thịt và các sản phẩm từ thịt nhập khẩu của cả nước.
Tháng 1/2024, lượng thịt nhập khẩu vào Việt Nam giảm 3,5% về lượng và giảm 1,8% về trị giá so với tháng 12/2023. Thế nhưng, so với tháng 1/2023 nhập khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt tăng 76,2% về lượng và tăng 72% về trị giá.
Nguồn: https://baotintuc.vn/kinh-te/viet-nam-nhap-khau-thit-va-cac-san-pham-thit-tu-37-thi-truong-20240307183810072.htm
2. Tin vui cho nông sản Việt xuất qua các cửa khẩu Trung Quốc
Viettel Post sẽ xây dựng 2 trung tâm logistics tại thành phố Bằng Tường và Nam Ninh (Trung Quốc) nhằm góp phần giải quyết tình trạng ách tắc và hư hỏng hàng hoá tại các cửa khẩu.
Đây là những bước tiến của Viettel Post sau nỗ lực triển khai chiến lược quy hoạch hạ tầng logistics bao gồm công viên – trung tâm logistics, kho ngoại quan, cảng cạn để kết nối các vùng nguyên liệu, vùng nông nghiệp, thủy hải sản với điểm kết nối giao thông đường sắt, đường biển, cảng hàng không và các cửa khẩu để giảm thời gian và chi phí lưu thông hàng hóa.
Việc hoàn thiện mạng lưới hạ tầng vận chuyển xuyên biên giới sẽ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam, góp phần giải quyết tình trạng ách tắc và hư hỏng hàng hoá tại các cửa khẩu nhằm nâng cao vị thế logistics của Việt Nam trong việc kết nối các quốc gia trong khu vực ASEAN và Trung Quốc
Nguồn: https://nld.com.vn/tin-vui-cho-nong-san-viet-xuat-qua-cac-cua-khau-trung-quoc-196240308113632735.htm
3. Giá gạo Việt giảm sâu, nhường ngôi cao nhất thế giới cho gạo Thái Lan
Giá gạo Việt liên tục giảm mạnh. Hiện, gạo loại 5% tấm của Việt Nam giao dịch ở mức 574 USD/tấn, thấp hơn gạo Thái Lan 39 USD/tấn và Ấn Độ 13 USD/tấn. Trong khi đó, gạo loại 25% tấm giao dịch khoảng 570 USD/tấn, thấp hơn gạo Thái Lan 7 USD/tấn.
Chỉ trong vòng gần 1 tháng trở lại đây, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã giảm khoảng 63 USD/tấn và giảm 89 USD so với mức đỉnh 663 USD/tấn vào tháng 12 năm ngoái. Giá gạo xuất khẩu lao dốc đã kéo giá lúa tại thị trường nội địa giảm từ giữa tháng 1/2024, từ 9.000 đồng/kg còn 7.300-7.800 đồng/kg.
Về nguyên nhân sụt giảm giá lúa, lãnh đạo Tổng công ty Lương thực miền Bắc cho biết năm ngoái khi được giá thì các tỉnh đồng thời gieo hạt. Hiện, tất cả các vùng cùng thu hoạch một lúc nên nảy sinh sự ùn ứ từ ruộng, từ nhà máy, thậm chí từ các cảng nội địa. Hơn nữa, Thái Lan, Philippine, Indonesia cũng thu hoạch đúng tháng 3-5. Bên cạnh đó, một số nước châu Phi đang tồn nhiều gạo, dẫn đến giá gạo giảm theo.
Nguồn: https://tienphong.vn/gia-gao-viet-giam-sau-nhuong-ngoi-cao-nhat-the-gioi-cho-gao-thai-lan-post1618723.tpo
4. Xuất khẩu cá ngừ sang Châu Âu tăng mạnh
Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, xuất khẩu các nhóm mặt hàng cá ngừ của Việt Nam sang EU trong tháng đầu năm đều tăng so với cùng kỳ với mức tăng 96%, đạt hơn 17 triệu USD và tăng mạnh ở tất cả các thị trường. Đáng chú ý, xuất khẩu cá ngừ tươi, đông lạnh và khô mã HS03 (trừ thịt/loin cá ngừ đông lạnh mã HS0304) tăng gấp 317 lần. Xuất khẩu cá ngừ chế biến khác, trong đó chủ yếu là loin cá ngừ hấp đông lạnh, tăng gấp hơn 9 lần. Điều này cho thấy những ưu đãi về thuế quan theo Hiệp định Thương mại tự do giữa EU và Việt Nam (EVFTA) đang tạo ra sức hút lớn cho các sản phẩm cá ngừ của Việt Nam trong tháng đầu năm.
Tháng 1/2024, cá ngừ của Việt Nam đã xuất được sang 21 nước thành viên của EU. Trong đó, Italy, Đức và Hà Lan vẫn là 3 thị trường nhập khẩu nhiều nhất cá ngừ cả Việt Nam. Cùng với Italy, xuất khẩu cá ngừ sang Ba Lan cũng đang tăng mạnh với doanh số đạt hơn 1,6 triệu USD. Ngoài Ba Lan, xuất khẩu sang Thụy Điển, Bỉ và Sip cũng đang tăng phi mã lần lượt là gấp 11 lần, gấp 2 lần và gấp 5 lần.
Nguồn: https://markettimes.vn/mot-mat-hang-cua-viet-nam-bat-ngo-dat-hang-tai-italy-chau-au-tang-nhap-khau-gap-300-lan-la-bau-vat-gan-2-3-the-gioi-san-don-52272.html
5. Mỹ siết nhập khẩu cá minh thái Nga, xuất khẩu cá tra Việt Nam kỳ vọng bứt tốc
Vừa qua, Chính phủ Mỹ đã có một số động thái siết chặt lệnh cấm nhập khẩu cá minh thái xuất xứ từ Nga. Cụ thể, trong tháng 3/2022, Chính phủ Mỹ đã công bố Sắc lệnh 14068 (E.O 14068) nhằm cấm nhập khẩu các sản phẩm thủy sản có xuất xứ từ Nga. Đến tháng 12/2023, Chính phủ Mỹ đã ban hành thêm một Sắc lệnh mở rộng phạm vi EO 14068 với việc mở rộng định nghĩa “xuất xứ từ Nga”, cấm tất cả các sản phẩm đã được chế biến và xuất khẩu từ nước thứ 3 mà có sử dụng nguyên liệu thủy sản từ Nga. Đồng thời, nhấn mạnh các sản phẩm thủy sản bị cấm bao gồm: cá hồi, cá tuyết, cá minh thái, và cua.
Theo đánh giá của chuyên trang tin thủy sản Undercurrent News (Anh), việc mở rộng lệnh cấm có thể khiến nước Mỹ thiếu hụt khoảng 55.000 – 57.000 tấn cá tuyết thành phẩm, tạo điều kiện thuận lợi cho mặt hàng cá tra của Việt Nam vốn được coi là mặt hàng thay thế cho cá minh thái và cá tuyết. Dữ liệu của hãng nghiên cứu thị trường Circana (Mỹ), cá tra hiện nằm trong top 5 loại thủy sản đông lạnh được tiêu thụ nhiều nhất tại Mỹ, nguồn cung lớn nhất đến từ Việt Nam (chiếm 84% thị phần). Do đó, với việc lượng hàng tồn kho thủy sản tại Mỹ đã hạ nhiệt kể từ nửa cuối năm 2023 kết hợp với lệnh cấm hải sản từ Nga, nhu cầu tiêu thụ cá tra tại Mỹ dự kiến sẽ sớm hồi phục tích cực.
Nguồn: https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/my-siet-nhap-khau-ca-minh-thai-nga-xuat-khau-ca-tra-viet-nam-ky-vong-but-toc-117976.htm
6. Việt Nam vươn lên đứng thứ 2 về xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc
Số liệu từ Hải quan Trung Quốc cho thấy, năm 2023, xuất khẩu rau, củ, quả và sản phẩm chế biến của các nước sang nước này đạt 24,4 tỷ USD. Thái Lan tiếp tục dẫn đầu với kim ngạch 8,6 tỷ USD, chiếm 36% thị phần tại thị trường này. So với cùng kỳ năm 2022, thị phần của Thái Lan giảm gần 2%. Đứng vị trí thứ 2 là Việt Nam với kim ngạch 3,4 tỷ USD. Thị phần của Việt Nam tại thị trường Trung Quốc tăng gần gấp đôi từ 8% năm 2022 lên 14% năm 2023.
Như vậy, Việt Nam hiện đã vượt Chile – quốc gia nhiều năm liền đứng thứ 2 về kim ngạch xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc. Theo Hiệp hội rau quả Việt Nam, nguyên nhân khiến Việt Nam vượt Chile về thị phần rau quả là nhờ kim ngạch xuất khẩu sầu riêng tăng đột biến. Cùng với đó, Trung Quốc đang tăng mạnh nhập rau quả chế biến từ Việt Nam nên kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này tăng vọt.
Nguồn: https://tienphong.vn/ly-do-viet-nam-tang-manh-xuat-khau-rau-qua-sang-trung-quoc-post1618914.tpo
7. Việt Nam vẫn chủ yếu xuất khẩu cafe nguyên liệu
Theo Hiệp hội Cà Phê – Ca cao Việt Nam (Vicofa), 2 tháng đầu năm 2024, Việt Nam xuất khẩu khoảng 394.167 tấn cà phê, mang về giá trị khoảng 1,25 tỉ USD, tăng 15,1% về lượng và tăng 67,7% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, cà phê nhân Robusta đóng góp giá trị nhiều nhất với gần 1,84 tỉ USD, cà phê nhân Arabica đạt kim ngạch hơn 56,62 triệu USD, cà phê nhân đã khử caffeine kim ngạch gần 3,2 triệu USD. Cà phê chế biến (rang xay và hòa tan) có giá trị xuất khẩu hơn 401 triệu USD.
Trong 5 tháng đầu niên vụ cà phê 2023/2024, xét về khối lượng xuất khẩu cà phê nhân sống (cà phê nguyên liệu) thì Công ty TNHH Vĩnh Hiệp dẫn đầu với 81.025 tấn. Tiếp theo là: Intimex Group, Tuấn Lộc Commodities, Simexco Daklak, Louis Dreyfus Company Việt Nam, Intimex Mỹ Phước, Phúc Sinh, NKG Việt Nam, Olam Việt Nam và Hoa Trang – Gia Lai. Bảng xếp hạng này cho thấy doanh nghiệp Việt Nam chiếm thị phần lớn ở mảng xuất khẩu cà phê nhân sống.
Tuy nhiên, tốp 10 doanh nghiệp xuất khẩu cà phê rang xay và hòa tan hầu hết là doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Trong đó, NESTLÉ Việt Nam (Thụy Sĩ) dẫn đầu với khoảng 57,5 triệu USD. Tiếp theo là các thương hiệu: OUTSPAN Việt Nam, Cà phê Ngon, Tập đoàn Trung Nguyên, IGUACU Việt Nam, URC Việt Nam, TATA COFFEE Việt Nam, INSTANTA Việt Nam, SUCAFINA Việt Nam và Lựa chọn đỉnh. Trong danh sách này chỉ có một thương hiệu Việt là Tập đoàn Trung Nguyên.
Nguồn: https://nld.com.vn/bat-ngo-voi-danh-sach-doanh-nghiep-xuat-khau-ca-phe-rang-xay-hang-dau-viet-nam-196240311150641776.htm
8. Indonesia trở thành nhà cung cấp ô tô lớn nhất của Việt Nam đầu năm 2024
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 1/2024 số lượng ô tô nguyên chiếc các loại nhập khẩu vào Việt Nam đã giảm 9,1% so với lượng nhập khẩu trong tháng trước. Nếu so với cùng kỳ năm 2023, cả lượng và kim ngạch nhập khẩu ô tô về Việt Nam đều giảm hơn 50%.
Cụ thể về sản lượng, Indonesia giữ vị trí số 1 với 2.647 chiếc ô tô, đứng sau là Trung Quốc với 1.987 chiếc và Thái Lan giữ vị trí thứ 3 với 1.858 chiếc được nhập khẩu vào Việt Nam. Tỷ trọng của 3 quốc gia này lần lượt là 38%, 29% và 27%. Về kim ngạch, ô tô từ Trung Quốc dẫn đầu với hơn 47 triệu USD, trong khi đó Thái Lan đứng thứ 2 với hơn 35,7 triệu USD và Indonesia đứng thứ 3 với 35,2 triệu USD. Như vậy Thái Lan đều tụt xuống vị trí thứ 2 cả về lượng lần kim ngạch.
Nguồn: https://markettimes.vn/khong-phai-thai-lan-day-moi-la-nha-cung-cap-o-to-lon-nhat-cua-viet-nam-dau-nam-2024-52318.html
9. Việt Nam nhập khẩu 40.000 tấn tôm hùm Úc
Ngày 11-3, thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết nhờ Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), thương mại thủy sản giữa Việt Nam và Úc đang tăng trưởng tốt.
Trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản sang Úc đạt 56,7 triệu USD, tăng trưởng 33% so với cùng kỳ năm ngoái. Tôm, cá tra và một số loài cá biển là nhóm ngành hàng chủ lực xuất khẩu sang Úc. Ở chiều ngược lại, Úc là đối tác quan trọng cung cấp thủy sản cho Việt Nam, với sản phẩm chủ đạo là tôm hùm đá với khoảng 40.000 tấn/năm.
Nguồn: https://nld.com.vn/viet-nam-nhap-khau-40000-tan-tom-hum-uc-196240311210015004.htm
Nhóm tin về xu hướng xanh – bền vững
-
Hàn Quốc cấm khách sạn sử dụng đồ vệ sinh cá nhân dùng một lần để giảm rác thải nhựa
Từ cuối tháng 3, Hàn Quốc sẽ áp dụng quy định mới về môi trường, theo đó các khách sạn và cơ sở lưu trú khác ở Hàn Quốc có hơn 50 phòng sẽ bị cấm trang bị đồ vệ sinh cá nhân dùng một lần miễn phí cho khách. Theo Đạo luật Tái chế tài nguyên đã được Quốc hội Hàn Quốc thông qua, các khách sạn vi phạm sẽ bị phạt tới 3 triệu won (2.245 USD).
Tuy nhiên, để đáp ứng quy định mới này, nhiều khách sạn lớn của Hàn Quốc đã bắt đầu thay thế các sản phẩm vệ sinh cá nhân dùng một lần bằng các sản phẩm đa dụng. Ví dụ, các khách sạn Lotte, Shilla và Paradise đã bắt đầu cung cấp các bình đựng lớn dầu gội, dầu xả và sữa tắm trong phòng nghỉ của họ.
Nguồn: https://daibieunhandan.vn/the-gioi-24h/han-quoc-cam-khach-san-su-dung-do-ve-sinh-ca-nhan-dung-mot-lan-de-giam-rac-thai-nhua-i362289/
Nhóm tin về ngành thời trang – làm đẹp
-
Giá vàng thế giới cao nhất từ trước tới nay
Giá vàng tương lai đã tiếp tục duy trì đà tăng trong phiên giao dịch ngày 8/3 tại Sàn Giao dịch vàng Chicago Mercantile Exchange (COMEX) của Mỹ. Chốt phiên giao dịch ngày 8/3, giá vàng giao theo hợp đồng tháng 4/2024 đã tăng 20,30 USD, tương đương 0,94%, đứng ở mức 2.185,50 USD/ounce – mức cao nhất từ trước đến nay.
Theo Giám đốc giao dịch kim loại David Meger của High Ridge Futures, các yếu tố tiền đề thúc đẩy đà tăng giá của vàng là kỳ vọng Fed vẫn sẽ cắt giảm lãi suất vào cuối năm nay và sự suy yếu của đồng USD.
Nguồn: https://baotintuc.vn/thi-truong-tien-te/gia-vang-the-gioi-cao-nhat-tu-truoc-toi-nay-20240309102035865.htm
2. The Body Shop nộp đơn phá sản ở Mỹ và Canada
Sau sự sụp đổ của công ty mẹ ở Anh vào tháng trước, The Body Shop đã phải nộp đơn phá sản tại Mỹ và Canada do gặp khó khăn về tài chính. Ở thời điểm xin phá sản, hãng mỹ phẩm của Anh còn khoảng 50 cửa hàng tại đây. Các cơ sở này sẽ dần bị đóng cửa. Tại Canada, khoảng 30% cửa hàng của hãng đã đóng cửa, hơn 200 lao động bị mất việc.
Tại các quốc gia khác, thương hiệu này đang tiến hành tái cấu trúc hoạt động. Quỹ đầu tư mạo hiểm Aurelius – chủ sở hữu chuỗi này – chỉ định một công ty phụ trách rao bán các công ty con ở các nước châu Âu và một số khu vực ở châu Á. Mạng lưới được rao bán chiếm 14% doanh số thương hiệu.
Nguồn: https://znews.vn/the-body-shop-nop-don-pha-san-o-my-va-canada-post1464666.html
-
Mỹ phẩm dành cho nam giới bùng nổ doanh số trên TikTok Trung Quốc
Tại Trung Quốc, Ngày Quốc tế Phụ nữ đã trở thành một sự kiện bán hàng trực tuyến lớn cho các nền tảng bán lẻ hàng đầu, bao gồm Taobao, JD.com và đặc biệt là Douyin, nền tảng đã mở rộng tính năng thương mại điện tử của mình trong những năm gần đây. Theo dữ liệu của Douyin, tổng khối lượng hàng hóa dành cho các sản phẩm làm đẹp và chăm sóc da đã tăng 54% so với cùng kỳ năm ngoái, bao gồm cả lượng mua hàng của nam giới tăng đáng kể. Số lượng người dùng mua bộ trang điểm và kem che khuyết điểm dành cho nam giới đã tăng vọt trong đợt giảm giá năm nay, tăng lần lượt hơn 27 lần và 22 lần so với năm 2023.
Euromonitor, một công ty nghiên cứu có trụ sở tại London, đã dự đoán rằng thị trường sản phẩm chăm sóc da dành cho nam giới của Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng trưởng nhanh chóng, với tốc độ tăng trưởng kép trung bình hàng năm là 15,88% từ năm 2021 đến năm 2026. Quy mô thị trường ước tính đạt 20,7 tỷ nhân dân tệ (2,8 tỷ USD) vào năm 2026.
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/my-pham-danh-cho-nam-gioi-bung-no-doanh-so-tren-tiktok-trung-quoc-post934246.vnp
-
Các nhà đầu tư yêu cầu chủ sở hữu Zara phải minh bạch chuỗi cung ứng
Các nhà đầu tư muốn chủ sở hữu Zara – Inditex theo chân các đối thủ H&M và Primark trong việc công khai danh sách đầy đủ các nhà cung cấp, để họ có thể đánh giá rủi ro chuỗi cung ứng của công ty này tốt hơn. Hàng năm, công ty này công bố danh sách chi tiết số lượng nhà cung cấp của họ ở 12 quốc gia chính, nhưng giữ kín tên các nhà sản xuất cụ thể.
Các nhà đầu tư và cơ quan quản lý cũng khuyến khích các công ty minh bạch hơn về hoạt động sản xuất của mình nhằm ngăn chặn những hành vi phi đạo đức cũng như đảm bảo điều kiện công bằng cho người lao động.
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/post-934078.vnp
-
Các thương hiệu xa xỉ đạt mức tăng trưởng lợi nhuận vượt bậc tại Việt Nam
Các hãng hàng xa xỉ như Gucci, Louis Vuitton, Chanel, Cartier và Dior đã đạt mức tăng trưởng lợi nhuận trung bình 140% trong năm 2022 so với năm trước đó. Dữ liệu của hãng nghiên cứu thị trường Vietdata công bố đầu tháng 1-2024 cho thấy mức lợi nhuận cao hơn gần bốn lần trong năm 2022.
Hãng dữ liệu Statista ước đoán thị trường hàng xa xỉ tại Việt Nam đạt doanh thu 957,2 triệu đô la trong năm 2023, với mức tăng trưởng hàng năm là 3,23% từ nay đến 2028. Việt Nam là ngôi sao đang lên của ngành hàng xa xỉ. Việt Nam đã nỗ lực giữ được tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người nhanh và vững chắc, trung bình trên 4% trong bốn năm gần đây.Trong khi hầu hết các nước đang phải vật lộn để phục hồi sau đại dịch, Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng kinh tế kỷ lục là 7,2% trong năm 2022 và 5% trong năm 2023.
Nguồn: https://bsamedia.vn/cac-thuong-hieu-xa-xi-dat-muc-tang-truong-loi-nhuan-vuot-bac-tai-viet-nam/?fbclid=IwAR0sjppabGeJeEgtRqzGESQ3Z4aJbRqoJ0f4lIVpgNlDeBue3_SAHbGJmQE
-
Giá vàng SJC lập kỉ lục mới
Tối nay, 12-3 giá vàng thế giới lao dốc. Nhưng giá vàng miếng SJC lại lập kỷ lục mới: 82,5 triệu đồng/lượng. Còn giá vàng nhẫn 9999 tăng lên 70,15 triệu đồng/lượng. Tại Công ty PNJ, giá bán miếng SJC ở mức 82,4 triệu đồng/lượng, mua vào ở mức 80,1 triệu đồng/lượng.
Trong khi đó, Công ty DOJI và Bảo Tín Minh Châu sau nhiều ngày duy trì giá bán vàng nhẫn 9999 ở mức trên 71 triệu đồng/lượng, cuối ngày hôm nay đã giảm mạnh giá bán vàng nhẫn. Như vậy, so với giá vàng thế giới quy đổi, hiện giá vàng miếng SJC đang cao hơn đến 17,83 triệu đồng/lượng, còn giá vàng nhẫn 9999 cao hơn 5,48 – 5,78 triệu đồng/lượng.
Nguồn: https://tuoitre.vn/gia-vang-the-gioi-bat-ngo-lao-doc-vang-sjc-van-lap-ki-luc-moi-20240312202101374.htm
Nhóm tin về ngành du lịch
1. Xu hướng thu phí du lịch tại các điểm đến Châu Á
Nhiều điểm đến tại Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc… có kế hoạch thu phí du khách nhằm tạo thêm các nguồn lực bảo trì cơ sở hạ tầng và phát triển du lịch bền vững. Bali (Indonesia) là cái tên mới nhất trong số những điểm đến trên thế giới thu phí du khách nhằm mục đích bảo tồn di sản văn hóa độc đáo của Bali và củng cố các nỗ lực du lịch bền vững. Các điểm đến nổi tiếng khác ở châu Á, chẳng hạn như Jeju ở Hàn Quốc hoặc Taketomi và Amami ở Nhật Bản, đều đang cân nhắc thu phí du lịch.
Bên cạnh các biện pháp tài chính, các điểm đến có thể khuyến khích hành vi du lịch tốt hơn thông qua giáo dục. Các tổ chức, công ty du lịch cũng nên thông báo cho du khách về những thách thức của tình trạng quá tải du lịch, từ đó du khách có thể đưa ra “quyết định sáng suốt” về địa điểm tham quan, dựa trên sức tải của điểm đến.
Nguồn: https://vov.vn/du-lich/vi-sao-cac-diem-den-chau-a-tim-cach-thu-phi-du-lich-post1081205.vov
2. Du lịch Hong Kong vẫn mong chờ ở các sự kiện lớn
Bỏ lỡ cơ hội mời Taylor Swift, ngành khách sạn tại Hong Kong vẫn mong chờ vào các sự kiện lớn khác để phục hồi kinh doanh. Theo SCMP, các khách sạn tại Hong Kong (Trung Quốc) đang tập trung vào việc tổ chức sự kiện thể thao, nghệ thuật, tiêu dùng và giải trí nhằm kích thích sự phát triển của ngành du lịch. Hành động của họ càng mạnh mẽ hơn sau khi bỏ lỡ cơ hội tổ chức The Eras Tour cùng Taylor Swift.
Không có Taylor Swift, Hong Kong đang đặt kỳ vọng vào Hong Kong Rugby Sevens (Giải bóng bầu dục 7 người Hong Kong) và Art Basel (loạt hoạt động triển lãm nổi tiếng) – 2 sự kiện toàn cầu có thể thu hút hàng triệu du khách. Trong năm nay, Hội du lịch Hong Kong dự kiến đón tiếp 46 triệu du khách, tăng 35% so với năm 2023. Tuy nhiên, con số này chỉ đạt khoảng 70% so với con số 65 triệu du khách vào năm 2018.
Nguồn: https://znews.vn/du-lich-hong-kong-van-cho-them-nhung-taylor-swift-post1464354.html
3. Du khách Trung Quốc đã sẵn sàng “mở hầu bao” tại Đông Nam Á
Du khách Trung Quốc đang dần quay trở lại Thái Lan sau một thời gian dài vắng bóng. Trong đó có những người chưa từng đặt chân đến Đông Nam Á. Điều này cho thấy tín hiệu tích cực của sự phục hồi du lịch trong khu vực…Theo dữ liệu từ Tổng cục Du lịch Thái Lan, số lượng khách du lịch Trung Quốc trong kỳ nghỉ lễ ở mức gần 244.000, vượt dự báo và tăng hơn 6 lần so với năm 2023. Chi tiêu khoảng 8,6 tỉ baht (239 triệu USD) so với 1,3 tỉ baht vào năm 2023. Chính phủ Thái Lan đang hướng tới mục tiêu thu hút 8 triệu lượt khách Trung Quốc trong năm nay với các động thái như miễn thị thực song phương, giảm giá vé máy bay…
Trên Jing Daily, các chuyên gia phân tích dữ liệu kinh doanh về ngành du lịch dự báo sự phục hồi của du lịch của khu vực Đông Nam Á sẽ tiếp tục vào năm 2024 và đạt gần mức trước đại dịch năm 2019. Đặc biệt, thống kê lượng khách du lịch toàn cầu đến châu Á – Thái Bình Dương từ ngày 23/12/2023 đến ngày 6/1/2024, ForwardKeys cho biết các hãng hàng không VietJet Air, Air Asia và Thai Air Asia đã vượt quá công suất ghế năm 2019 lần lượt là 105%, 6% và 27%.
Ngoài các điểm đến truyền thống ở Đông Nam Á, người Trung Quốc còn lùng sục những chuyến phiêu lưu mới, trong đó Trung Đông là điểm đến Tết Nguyên đán nổi tiếng, với lượng du khách đến Arab Saudi tăng hơn 9 lần so với mức năm 2019 và lượng đặt chỗ tới Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất tăng 60%. Sự thay đổi trong thị hiếu kỳ nghỉ của thị trường lớn này đã được phản ánh trong một số dữ liệu khi khách du lịch tìm kiếm các chuyến đi dựa trên trải nghiệm nhiều hơn, trong đó Alipay báo cáo rằng khách Trung Quốc trên toàn cầu đã chi tiêu nhiều hơn 70% cho thực phẩm và đồ uống so với mức trước đại dịch.
Nguồn: https://vneconomy.vn/du-khach-trung-quoc-da-san-sang-mo-hau-bao-tai-dong-nam-a.htm
4. Né giá vé máy bay tăng cao, doanh nghiệp vội mở bán tour 30/4 trước vài tháng
Sợ cảnh khan hiếm, tăng đột biến giá vé máy bay trong dịp cao điểm như nhiều năm trước, các doanh nghiệp lữ hành vội vàng mở bán tour nghỉ lễ 30/4 – 1/5 từ rất sớm. Theo lãnh đạo Hanoitourist, giá tour trong thời gian tới sẽ tăng 5-7% do giá vé máy bay tăng. Điều này sẽ tác động mạnh đến nhu cầu đi du lịch của người dân. Vì thế, để hút khách, doanh nghiệp lữ hành phải xoay xở, tìm các phương án thích nghi.
Theo các công ty du lịch, việc các hãng hàng không ồ ạt cắt giảm đường bay, nhất là những đường bay đến các điểm du lịch nổi tiếng như Phú Quốc, Côn Đảo…đang gây khó khăn lớn với kinh doanh lữ hành nội địa.
Nguồn: https://vtcnews.vn/ne-gia-ve-may-bay-tang-cao-doanh-nghiep-voi-mo-ban-tour-30-4-truoc-vai-thang-ar857165.html
5. Du lịch Việt Nam tăng tốc đón khách siêu giàu
UBND TP Phú Quốc cho biết đầu năm 2024 đến nay, Phú Quốc liên tiếp đón các tàu du lịch biển 5 sao của Ý, siêu du thuyền của nước Pháp đưa hơn 3.000 khách ngoại thuộc hạng sang đến tham quan, tìm hiểu về nét đẹp văn hóa đời sống của người dân xứ đảo. Các sự kiện cao cấp, xa xỉ chọn Việt Nam dồn dập thời gian gần đây là minh chứng cho dịch vụ đẳng cấp ngày càng hoàn thiện của chuỗi cung ứng dịch vụ ở Việt Nam.
Một trong các lý do khiến nhiều đám cưới và các sự kiện tầm cỡ quốc tế được tổ chức tại Hội An, Đà Nẵng gần đây là đặc biệt do có sự chuẩn bị thị trường trong thời gian dài, cả bao gồm hạ tầng dịch vụ nên hiện nay các khu lưu trú đã nâng chuẩn để đón các đoàn MICE, các đám cưới, các chuyến nghỉ dưỡng của giới siêu giàu. Đây không chỉ là minh chứng về khả năng đáp ứng dịch vụ tiêu chuẩn khắt khe mà là một cơ hội tốt để quảng bá hình ảnh du lịch, cơ hội làm ăn, giới thiệu chính mình trong mắt giới tinh hoa.
Nguồn: https://tuoitre.vn/du-lich-viet-nam-tang-toc-don-khach-sieu-giau-2024030822524759.htm
Nhóm tin về ngành kĩ thuật – công nghệ
1. 5 xu hướng công nghệ mà doanh nghiệp SME cần quan tâm trong năm 2024
Việc đón đầu xu hướng quan trọng có thể giúp các SME (doanh nghiệp vừa và nhỏ) mở rộng quy mô, cải thiện hiệu quả kinh doanh cũng như hoạt động bền vững hơn. Các SME cần tập trung tìm kiếm các giải pháp công nghệ giúp việc kinh doanh trở nên dễ dàng hơn, đồng thời mở ra cơ hội tăng nguồn doanh thu. Trong môi trường đang thay đổi nhanh chóng này, đây là 5 xu hướng công nghệ mà các SME nên cân nhắc vào năm 2024:
-
Doanh nghiệp sẽ tập trung hoàn thiện chiến lược AI trong năm 2024
-
Công nghệ khí hậu (climate tech) và những công nghệ thúc đẩy hoạt động bền vững sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng
-
Công nghệ sẽ đóng vai trò quan trọng hơn nữa trong việc mang đến trải nghiệm vượt trội cho khách hàng trong năm 2024
-
Từ bảo mật đến các ngăn xếp phần mềm (software stacks), vai trò của công nghệ thông tin sẽ được đề cao trong năm 2024
-
Khả năng khai thác dữ liệu theo thời gian thực sẽ tiếp tục chứng minh giá trị trong năm 2024
Nguồn: https://viettimes.vn/5-xu-huong-cong-nghe-ma-doanh-nghiep-sme-can-quan-tam-trong-nam-2024-post173705.html
2. Italy đầu tư 1 tỷ euro cho các dự án trí tuệ nhân tạo
Ngày 12/3, Thủ tướng Italy Giorgia Meloni công bố quỹ đầu tư trị giá 1 tỷ euro (1,09 tỷ USD) nhằm thúc đẩy các dự án trí tuệ nhân tạo (AI) và kêu gọi đề cao ‘các quy tắc đạo đức’ để quản lý công nghệ. Ngày 12/3, Thủ tướng Italy Giorgia Meloni công bố quỹ đầu tư trị giá 1 tỷ euro (1,09 tỷ USD) nhằm thúc đẩy các dự án trí tuệ nhân tạo (AI) và kêu gọi đề cao ‘các quy tắc đạo đức’ để quản lý công nghệ.
Bà Meloni cho biết Italy cũng đang nghiên cứu luật riêng của mình, bổ sung cho luật đầu tiên trên thế giới hiện đang được EU soạn thảo, nhằm “thiết lập một số nguyên tắc”, đồng thời xác định cách thúc đẩy các công ty trong nước. Bà nhấn mạnh: “Đây là một công nghệ có thể giải phóng tất cả tiềm năng tích cực của mình chỉ khi được phát triển trong phạm vi các quy tắc đạo đức lấy con người, quyền lợi và nhu cầu của họ làm trung tâm”. Tại Hội nghị Bộ trưởng G7 ở Verona và Trento vào ngày 14-15/3 tới, Rome hy vọng sẽ hướng tới một “bộ công cụ cho sự phát triển và sử dụng đạo đức và lấy con người làm trung tâm của tất cả các hệ thống AI trong khu vực công”.
Nguồn: https://bnews.vn/italy-dau-tu-1-ty-euro-cho-cac-du-an-tri-tue-nhan-tao/326431.html
3. Ấn Độ đầu tư hơn 1,25 tỷ USD cho Sứ mệnh Trí tuệ nhân tạo
Ngày 7/3, Nội các Ấn Độ đã phê duyệt Sứ mệnh Trí tuệ nhân tạo (AI) với kinh phí hơn 1,25 tỷ USD trong 5 năm. “Sứ mệnh AI của Ấn Độ” sẽ cung cấp tài chính cho các công ty khởi nghiệp AI deep-tech cũng như tìm cách phát triển cơ sở dữ liệu nguồn mở có thể được sử dụng để đào tạo các mô hình AI và các ứng dụng khác. Bên cạnh đó, sứ mệnh AI cũng sẽ cung cấp một khuôn khổ để phát triển các đơn vị xử lý đồ họa (GPU) theo quan hệ đối tác công-tư cũng như các mô hình ngôn ngữ miền chuyên biệt lớn, đa dạng, hỗ trợ các nền tảng AI tổng hợp.
Sứ mệnh này đã liệt kê 7 mục tiêu chính gồm: xây dựng năng lực tính toán; mở các trung tâm đổi mới để xây dựng Mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) phục vụ cho các ngành đơn lẻ; thiết lập một nền tảng bộ dữ liệu để cung cấp dữ liệu phi cá nhân cho tất cả các bên quan tâm; thúc đẩy một “sáng kiến phát triển ứng dụng” để tạo ra thị trường cho các dịch vụ AI. Nền tảng dữ liệu hợp nhất trong Sứ mệnh AI sẽ là “giải pháp toàn diện” hướng tới việc cung cấp dữ liệu cho các công ty khởi nghiệp và nhà nghiên cứu.
Nguồn: https://bnews.vn/an-do-dau-tu-hon-1-25-ty-usd-cho-su-menh-tri-tue-nhan-tao/325919.html
4. Nvidia phả hơi nóng vào Apple
Nvidia hoàn toàn có khả năng soán ngôi Apple để trở thành công ty giá trị thứ hai thế giới nhờ pha bứt tốc mạnh mẽ trên sàn chứng khoán. Vốn hóa Nvidia hiện vào khoảng 2,38 nghìn tỷ USD, chỉ kém Apple khoảng 230 tỷ USD và Microsoft khoảng 645 tỷ USD.
Từ đầu năm 2024, cổ phiếu Nvidia đã tăng 95% và Meta tăng 46,6%, cho thấy sự “thèm muốn vô độ” của các nhà đầu tư đối với mọi thứ liên quan đến trí tuệ nhân tạo, theo Reuters. Trong khi đó, Apple, vốn đang vật lộn với doanh số iPhone tăng chậm, đã nhường lại vị trí số 1 thế giới cho Microsoft vào tháng 1, lần đầu tiên kể từ năm 2021. Hiện tại, Nvidia gần như độc quyền về chip AI. Một số nhà phân tích dự đoán tỷ suất lợi nhuận ròng của hãng sẽ vượt quá 50%, cao hơn nhiều so với lần lượt 25% và 24% của Apple và Alphabet.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/nvidia-pha-hoi-nong-vao-apple-2258113.html
5. Google DeepMind đau đầu vì cuộc chiến giành nhân tài AI với OpenAI, Cohere và các startup khác ở châu Âu
Làn sóng khởi nghiệp về trí tuệ nhân tạo (AI) đang làm nóng cuộc chiến giành nhân tài kỹ thuật ở châu Âu, khiến các công ty như Google DeepMind phải lựa chọn giữa việc trả nhiều tiền hoặc mất đi những bộ óc giỏi nhất khu vực này.
Những cái tên đáng chú ý rời DeepMind gần đây có nhà đồng sáng lập Mustafa Suleyman (thành lập công ty khởi nghiệp Inflection AI có trụ sở tại bang California cùng Reid Hoffman – tỷ phú sáng lập LinkedIn) và nhà khoa học nghiên cứu Arthur Mensch (hiện là giám đốc điều hành Mistral AI). Cả Inflection AI và Mistral AI đều được định giá hàng tỉ USD trong thời gian ngắn hoạt động.
Nguồn: https://1thegioi.vn/google-deepmind-dau-dau-vi-cuoc-chien-gianh-nhan-tai-ai-voi-openai-cohere-va-cac-startup-khac-o-chau-au-214959.html
6. Doanh số Tesla tại Trung Quốc sụt giảm mạnh
Doanh số ô tô điện tháng 2 của Tesla tại Trung Quốc giảm mạnh, không theo kịp toàn ngành trong bối cảnh cuộc chiến giá cả ngày càng leo thang. Tổng cộng Tesla đã giao được 70.022 chiếc ô tô điện trong hai tháng đầu năm 2024, tăng 15,2% so với cùng kỳ 2023. Thế nhưng, con số này đã bị lu mờ bởi mức tăng trưởng 37% hàng năm mà toàn bộ ngành ô tô điện ở Trung Quốc đạt được. Các hãng lắp ráp ô tô điện đã bán được tổng cộng 1,06 triệu chiếc tại Trung Quốc từ tháng 1 đến tháng 2.2024, tăng mạnh so với con số 770.610 cùng kỳ năm ngoái.
Tesla đang phải đối mặt với thách thức ngày càng tăng từ một số đối thủ Trung Quốc như Xpeng, Nio và thương hiệu ô tô điện Aito của Huawei, vốn thu hút ngày càng nhiều người tiêu dùng có thu nhập trung bình.
Nguồn: https://1thegioi.vn/tesla-khong-theo-kip-linh-vuc-o-to-dien-phat-trien-nhanh-o-trung-quoc-doanh-so-sut-giam-manh-214887.html
7. Đông Nam Á trở thành ưu tiên của Tesla
Ông Rohan Patel, quan chức cấp cao phụ trách chính sách công và phát triển kinh doanh cấp cao của Tesla, ngày 12/3 cho biết việc mở rộng tại Đông Nam Á là ưu tiên của hãng xe điện này. Ngoài ra, Tesla đang đàm phán để mở rộng hoạt động tại các quốc gia khác, bao gồm cả Thái Lan, nước sản xuất và xuất khẩu ô tô lớn nhất Đông Nam Á.
Tuy nhiên, tham vọng của Tesla tại Đông Nam Á sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh từ BYD, công ty đã vượt qua các đối thủ để chiếm hơn 25% doanh số bán xe điện tại khu vực. Không giống với cách tiếp cận trực tiếp người tiêu dùng của Tesla, BYD hợp tác với các tập đoàn lớn ở địa phương. Điều này cho phép nhà sản xuất ô tô Trung Quốc mở rộng phạm vi tiếp cận.
Nguồn: https://baotintuc.vn/o-to-xe-may/dong-nam-a-tro-thanh-uu-tien-cua-tesla-20240313085826043.htm
8. Xiaomi chuẩn bị ra mắt xe điện vào ngày 28/3
Ngày 12/3, Xiaomi đã thông báo sẽ bắt đầu bán xe điện trong tháng này. Xiaomi đã hợp tác với Công ty Công nghiệp Ô tô Bắc Kinh (BAIC Group) để sản xuất xe điện mới, nhằm tránh kéo dài thời gian chờ đợi giấy phép sản xuất từ các cơ quan quản lý trong nước. Xiaomi cho biết, tên SU7 là viết tắt của Speed Ultra và xe có thể tăng tốc từ 0 đến 100 km/h trong 2,78 giây. Xiaomi cho biết sẽ bán dòng xe điện SU7 vào ngày 28/3 nhưng không tiết lộ giá cả. Cổ phiếu của Xiaomi đã tăng tới 9,9% sau tin tức này.
“Kế hoạch bắt đầu bán xe điện đầu tiên của Xiaomi vào ngày 28/3 và được CEO Lei Jun công bố trên weibo, có thể thúc đẩy doanh số bán hàng lên tới 4% trong năm nay và có thể trở thành động lực tăng trưởng dài hạn.” Steven Tseng và Woo Jin Ho, nhà phân tích của Bloomberg Economics cho biết.
Nguồn: https://tinnhanhchungkhoan.vn/xiaomi-chuan-bi-ra-mat-xe-dien-vao-ngay-283-post340965.html
Nhóm tin về ngành công nghiệp nặng – năng lượng
1. Saudi Arabia chuyển nhượng thêm 8% cổ phần trong Saudi Aramco
Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman ngày 7/3 tuyên bố hoàn tất việc chuyển nhượng thêm 8% tổng số cổ phiếu đã phát hành của tập đoàn dầu khí khổng lồ Saudi Aramco cho các công ty thuộc sở hữu của Quỹ đầu tư công (PIF). Theo hãng thông tấn Saudi Arabia (SPA), sau thương vụ chuyển nhượng này, nhà nước Saudi Arabia vẫn là cổ đông chính của Saudi Aramco với tỷ lệ sở hữu 82,186% và tổng cộng Saudi Aramco đã chuyển 16% cổ phần cho PIF và các công ty con của quỹ này.
Việc chuyển quyền sở hữu này là một phần trong “các sáng kiến của Saudi Arabia nhằm củng cố nền kinh tế quốc gia trong dài hạn, đa dạng hóa nguồn lực” và tạo ra nhiều cơ hội đầu tư hơn. PIF đang tiếp tục xây dựng các mối quan hệ đối tác kinh tế mới và nội địa hóa công nghệ, đồng thời đóng vai trò tạo ra nhiều việc làm trực tiếp và gián tiếp hơn trên thị trường lao động.
Nguồn: https://baotintuc.vn/the-gioi/saudi-arabia-chuyen-nhuong-them-8-co-phan-trong-saudi-aramco-20240308075612871.htm
2. Trung Quốc vươn tới vị trí ‘thống trị’ về năng lượng mặt trời
Ngày 8-3, kênh truyền hình CGTN (Trung Quốc) nhấn mạnh Trung Quốc đã trở thành quốc gia dẫn đầu toàn cầu về năng lượng bền vững, bao gồm sản xuất khoảng 80% tổng số tấm pin năng lượng mặt trời trên thế giới. Năm 2023, Trung Quốc đã phát huy toàn bộ sức mạnh của ngành công nghiệp năng lượng mặt trời. Họ lắp đặt số tấm pin mặt trời nhiều hơn cả Mỹ, giảm gần một nửa giá bán các tấm pin này, xuất khẩu số pin thành phẩm tăng 38%, xuất khẩu các linh kiện chính tăng gần gấp đôi…
Theo dự báo của Công ty nghiên cứu năng lượng Wood Mackenzie, sau khi đầu tư hơn 130 tỉ USD vào ngành điện mặt trời năm 2023, Trung Quốc sẽ nắm giữ hơn 80% năng lực sản xuất polysilicon, wafer, pin và module năng lượng mặt trời của thế giới từ năm 2023 – 2026. Công suất của Trung Quốc sẽ đủ để đáp ứng nhu cầu toàn cầu hằng năm từ nay cho đến năm 2032.
Nguồn: https://tuoitre.vn/trung-quoc-vuon-toi-vi-tri-thong-tri-ve-nang-luong-mat-troi-the-nao-20240310090307019.htm
3. EVN được nới thẩm quyền tăng giá điện
Thẩm quyền điều chỉnh giá điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được nới rộng hơn lên tới 5%, với chu kỳ 3 tháng/lần. Việc này nhằm đảm bảo chi phí không bị dồn tích quá nhiều có thể gây ảnh hưởng cân bằng tài chính EVN, đưa giá điện thích ứng với sự biến động của thông số đầu vào theo thị trường.
Ngoài phạm vi điều chỉnh tăng giá trong biên độ 5%, EVN cũng sẽ được thực hiện việc tăng giá điện ở mức trên 5% và 10% sau khi có sự đồng ý của Bộ Công Thương và Thủ tướng Chính phủ.
Nguồn: https://tuoitre.vn/evn-duoc-noi-tham-quyen-tang-gia-dien-20240310131554271.htm
Nhóm tin về liên kết, đầu tư, start-up, DN mới
1. Buymed hợp tác chiến lược với Sanofi Việt Nam
Ngày 6/3 vừa qua, Công ty TNHH Buymed (thuocsi.vn) và Công ty Cổ phần Sanofi Việt Nam đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác chiến lược trong việc xây dựng thị trường bền vững và bình ổn giá. Thông qua việc ký kết hai bên mong muốn hướng đến mục tiêu giúp nhà thuốc, quầy thuốc và phòng khám có thể tiếp cận dễ dàng với các sản phẩm chăm sóc sức khỏe và dược phẩm từ Sanofi trên nền tảng thuocsi.vn; từ đó góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
Sắp tới, Buymed và Sanofi sẽ tập trung vào 2 chiến lược lớn: đẩy mạnh việc phân phối các sản phẩm mới thông qua nền tảng thuocsi.vn để giúp nhà thuốc, quầy thuốc truyền thống và phòng khám dễ dàng tiếp cận các sản phẩm mới và chính hãng; phối hợp triển khai các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn cho dược sĩ tại nhiều tỉnh thành trên cả nước.
Nguồn: https://suckhoedoisong.vn/buymed-hop-tac-chien-luoc-voi-sanofi-viet-nam-16924030807473686.htm
2. Startup lĩnh vực Web3 có cơ hội nhận 125 nghìn USD tăng tốc khởi nghiệp
Ninety Eight vừa công bố chương trình tăng tốc khởi nghiệp Kompass Accelerator, hỗ trợ các doanh nhân Web3. Kompass là chương trình tăng tốc khởi nghiệp giúp thúc đẩy sự đổi mới ở các doanh nghiệp Web3. Chương trình sẽ cung cấp các cố vấn chiến lược, mạng lưới quan hệ chất lượng, nguồn vốn giai đoạn sớm tạo điều kiện cho sự tăng trưởng và kiến tạo khác biệt rõ ràng cho các startup trong không gian Web3.
Kompass sẽ đầu tư 125.000 USD ở giai đoạn đầu mà không có mức trần định giá, một điều khoản MFN (tối huệ quốc) đi kèm phí tư vấn 5%. Những yếu tố này được Ninety Eight kỳ vọng là chất xúc tác cho làn sóng khởi nghiệp thành công, giúp tất cả mọi người đều có thể truy cập Web3.
Nguồn: https://vneconomy.vn/starup-linh-vuc-web3-co-co-hoi-nhan-125-nghin-usd-tang-toc-khoi-nghiep.htm
Nhóm tin về tài chính
1. Dòng tiền vào chứng khoán cao nhất 2 năm, mỗi phiên giao dịch 30.000 tỉ đồng
Sau 3 phiên tăng và 2 phiên giảm, VN-Index đóng cửa tuần giao dịch thứ 10 năm nay tại mốc 1.247,35 điểm, giảm 10,93 điểm (gần 0,9%) so với tuần trước. Điểm nhấn thị trường tuần qua là thanh khoản gia tăng đột biến với giá trị giao dịch trên 3 sàn đạt hơn 30.000 tỉ đồng mỗi phiên, tăng khoảng 16% so với tuần trước. Dữ liệu Fiintrade cho thấy đây là tuần có giá trị giao dịch bình quân phiên ở mức cao nhất kể từ đầu tháng 4-2022.
Nguồn: https://tuoitre.vn/dong-tien-vao-chung-khoan-cao-nhat-2-nam-moi-phien-giao-dich-30-000-ti-dong-20240309110404274.htm
2. Trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục ảm đạm
Theo số liệu của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), chỉ có ba đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trong tháng 2-2024 với trị giá 1.165 tỉ đồng. VBMA cho biết tiếp tục tình trạng phát hành ảm đạm trong tháng 1, giá trị phát hành trong tháng 2 vẫn ở mức rất thấp so với mặt bằng năm 2023 khi một số điều trong nghị định 65 có hiệu lực trở lại. Các doanh nghiệp thực hiện phát hành trái phiếu mới trong tháng 2 thuộc về ngành công nghiệp. Trong đó, công nghiệp hàng hóa chủ chốt chiếm 48% và công nghiệp vận tải chiếm 52%.
Nguồn: https://tuoitre.vn/trai-phieu-doanh-nghiep-tiep-tuc-am-dam-20240310081318085.htm
Bsa Media