Trong khuôn khổ Lễ công bố HVNCLC 2024, chiều 14/3, đã diễn ra Hội thảo “Bán hàng với công cụ và công nghệ mới & Chinh phục các thị trường tỷ dân” với sự tham dự livestreamer ViruSs và hai diễn giả là chuyên gia nhượng quyền Nguyễn Phi Vân, CEO Vinamit Nguyễn Lâm Viên.
ViruSs: Doanh nghiệp học livestream bán hàng hoặc là bị đào thải
Với kinh nghiệm 13 làm livestream, hiện vừa làm founder, vừa quản lý (khoảng 300 nhân viên), vừa là người trực tiếp livestream bán hàng, Livestreamer ViruSs cho rằng đây là thời kỳ các chuyên gia bán hàng tốt hơn người nổi tiếng. Xu hướng hiện nay là CEO đứng trước khách hàng nói về sản phẩm của mình, như Steve Jobs trước đây hay Elon Musk và Mark Zuckerberg bây giờ.
ViruSs cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam hãy cố gắng học livestream bán hàng, vì đó là phương thức rẻ và hiệu quả nhất. Để làm livestream bán hàng, các doanh nghiệp chỉ cần bỏ ra chi phí khoảng 40-50 triệu đồng cho tất cả các thiết bị, rẻ hơn rất nhiều so với đầu tư cửa hàng vật lý. Trong khi đó khả năng tiếp cận khách hàng của livestream bán hàng vượt trội so với tất cả các phương thức bán hàng truyền thống, chẳng hạn các báo cáo cho thấy trang livestream Tiktok thấp nhất cũng tiếp cận được đến hơn 250 người. “Các anh chị cũng không cần phải thuê người nổi tiếng, quá đắt đỏ mà không hiệu quả. Chính các anh chị, chính nhân viên của các anh chị đứng bán hàng mới hiệu quả, đó là cách marketing 0 đồng, nhưng hiệu quả nhất hiện nay” – ViruSs nói.
Livestreamer ViruSs chia sẻ tại hội thảo.
Xu hướng bây giờ là shoppertainment – đó là một cuộc cách mạng đang thịnh hành ở Trung Quốc, tức là người ta vừa mua hàng (shopping), vừa giải trí (entertainment). Với kinh nghiệm trực tiếp tìm hiểu và đi giảng dạy ở Trung Quốc, Livestreamer ViruSs bày tỏ sự khâm phục về khả năng thích ứng và sẵn sàng trải nghiệm công nghệ mới của họ. “Họ luôn sẵn sàng thử nghiệm những công cụ, công nghệ mới ngay khi mới ra đời” – ViruSs nói.
Thương mại điện tử bắt đầu ở thị trường Trung Quốc vào năm 2005, đến năm 2016 họ đã có hai nền tảng đó là Classic E-commerce và New Generation E-commerce. Thậm chí, hiện nay trên thị trường Trung Quốc họ đã xây dựng nên những trường học, dạy livestream, họ làm gấp đến mức mời cả chuyên gia nước ngoài (bản thân ViruSs cũng là người được mời). Trong khi đó khi đi nói chuyện với các doanh nghiệp Việt Nam thì ViruSs lại nhận thấy một xu hướng ngược lại đó là cảm giác e ngại về công nghệ. “Tôi lo lắng và quan ngại cho doanh nghiệp Việt, đối với các xu hướng bán hàng cũ mình có thể lựa chọn, nhưng từ 2024 chúng ta không có sự lựa chọn thay thế. Nếu chúng ta không đáp ứng được với công nghệ livestream bán hàng thì chúng ta sẽ bị đào thải.”
Livestreamer ViruSs và CEO Vinamit Nguyễn Lâm Viên.
Theo ViruSs thuật toán của Tiktok giúp bất kỳ ai cũng có thể lên xu hướng, bất kể số lượng theo dõi của họ. Đối với các nền tảng thương mại điện tử họ sẽ ưu tiên các nội dung có thể khai thác thương mại (livestream bán hàng). Điểm khác nhau giữa Tiktok và Facebook là ở chỗ Facebook là social media còn Tiktok không phải là social media mà là media. “Chúng ta không có phương thức tìm kiếm (searching) mà chỉ có thể lướt, nhìn. Nếu anh chị có livestream trên Tiktok thì người xem sẽ buộc phải xem chứ không thể “chuyển kênh được” – ViruSs.
Một e ngại khác của nhiều người là tôi già rồi, làm sao tôi có thể livestream bán hàng trên Tiktok, Facbook… nhưng đó là nhận thức sai lầm. “Tôi đã từng đào tạo cho rất nhiều người 40-50 hay thậm chí 60 tuổi nhưng vẫn có thể lập kênh livestream bán hàng rất tốt” – ViruSs nói.
Hội thảo thu hút đông đảo sự tham gia của các chuyên gia và doanh nghiệp.
Nguyễn Phi Vân: Ấn Độ – thị trường của nhiều thị trường
Nếu muốn khai phá thị trường Ấn Độ thì doanh nghiệp phải có sự chuẩn bị tâm lý tốt để không bị sốc về sự tương phản bạn có thể gặp ở vùng đất này. Sự phân biệt đẳng cấp, giai cấp xã hội ở Ấn Độ còn rất lớn. Nếu không hiểu được những yếu tố này các doanh nghiệp có thể gặp những sự cố khóc dở mếu dở khi đàm phán làm ăn.
36% người dân Ấn Độ có thể nói được tiếng Anh, nên qua Ấn Độ làm ăn thì phải nói được tiếng Anh. Ấn Độ cũng là cái nôi của Hindu giáo, Jaina giáo, Phật giáo và đạo Sikh. Cùng với sự đa dạng về tôn giáo, phân biệt về đẳng cấp nên sự tương phản, khác biệt giữa các vùng khác nhau, giữa các nhóm khách hàng khác nhau là rất lớn. Vì thế khi tiếp cận với thị trường Ấn Độ các doanh nghiệp phải hiểu rằng đang tiếp cận một thị trường của nhiều thị trường, quốc gia của nhiều quốc gia… Các doanh nghiệp phải nhắm rõ mình đi vào bang nào, nông thôn hay thành thị, đối tượng khách hàng nào?
Chuyên gia nhượng quyền Nguyễn Phi Vân.
Một điểm cần lưu ý khác khi tiếp cận thị trường Ấn Độ, đó là đây là thị trường cạnh tranh khốc liệt về giá. Công ty tôi từ Úc đi qua Ấn Độ bán cà phê, trên menu bán rất nhiều loại sản phẩm trong đó extra shot (ly thêm). Trong ngày đầu mở bán họ vào rất nhiều nhưng chỉ order extra shot vì đơn giản nó rẻ nhất.
Một điểm nữa không thể bỏ qua khi vào thị trường Ấn Độ đó là Ấn Độ có 38% ăn chay. Tất cả các công ty, kể cả các công ty lớn khi vào thị trường Ấn Độ là thì phải luôn nghĩ đến dân số ăn chay này. Các sản phẩm chay sẽ là sản phẩm đầu tiên trước khi nhìn qua các sản phẩm khác.
Điểm tiếp theo là vị, Ấn độ là quốc gia sản xuất gia vị hàng đầu thế giới.
Một điểm cực kỳ thú vị khác ở thị trường Ấn Độ, đó là người tiêu dùng quan trọng sự tối ưu hóa sản phẩm. Khi mua một chai nước, một hộp snack… họ quan tâm đến chuyện tận dụng cái chai, cái hộp đó để làm thàm lọ đựng hoa hay hộp đựng đồ. Tức là người ta rất quan trọng về tính năng, bạn phải nghĩ người ta mua hộp chip này, chai nước này có khi vì cái lọ hoa, cái hộp đựng đó mà mua chứ không phải vì sản phẩm bên trong.
Một yếu tố khác, đó là sản xuất ở đâu. Hiện giữa ASEAN và Ấn Độ đã có hiệp định thương mại tự do, nhưng không có nghĩa thuế bằng 0 có một số mặt hàng đặc biệt thuế xuất chỉ giảm từ 75% xuống 45%, thuế xuất cực cao. Vì thế khi vào thị trường Ấn Độ để tránh các khoản thuế này chúng ta có thể phải tính trước chuyện tìm đối tác nội địa để sản xuất.
CEO Vinamit Nguyễn Lâm Viên: Đừng ngại các kho ngoại quan của Trung Quốc
Một thị trường 1,4 tỷ dân quá gần chúng ta, có khả năng mua rất tốt, họ lại rất yêu mến các sản phẩm của Việt Nam chúng ta.
Nhưng tại sao chúng ta lại chỉ nghĩ rằng Trung Quốc họ chỉ mang hàng sang đây bán chứ đời nào họ chịu mua của chúng ta. Hiện kim ngạch xuất nhập khẩu của hai nước là trên 170 tỷ đồng. Trong những ngành mà người Trung Quốc yêu thích mà Việt Nam có thể cung cấp được là trái cây tươi, khô, chế biến… mỗi năm đều tăng trên 20% và sẽ còn tăng nhiều hơn nữa.
Những mặt hàng của Việt Nam mà người Trung Quốc thích đó là trái cây và trái cây chế biến, thủy sản, gỗ và sản phẩm từ gỗ.
Cũng như người Ấn Độ, người Trung Quốc họ cũng không thích ăn rau, đó là lý do vì sao mà người Trung Quốc ăn trái cây nhiều. Sau đại dịch người Trung Quốc đi theo xu hướng tốt cho sức khỏe, nên họ càng ăn trái cây nhiều hơn, đó là lý do họ mở hàng rào cho các nước như Việt Nam, Philippines, Malaysia để xuất trái cây vào (vì Thái Lan không đủ).
Đó là điểm mà chúng ta lưu ý để có thể tham gia vào thị trường Trung Quốc mà chúng ta không để ý hay không nghĩ ra.
Có nhiều người nói Trung Quốc cũng trồng sầu riêng nhiều, trồng trái cây nhiều… Tôi nói chúng ta không phải lo, vì Trung Quốc có nửa năm là mùa đông. Mùa hè trái cây họ có thể trồng tốt trong 6 tháng mùa hè, nhưng mùa đông thì họ sẽ thiếu hụt, đó là cơ hội của chúng ta.
Một ngành mới đang có khả năng bùng nổ ở Trung Quốc đó là nước trái cây. Bạn nào ở Bến Tre có thể thấy rất khan hiếm dừa nước, bởi vì các thương nhân Trung Quốc đã trực sẵn mua về, một ngày có thể đến 500-700 tấn.
Tất cả chúng ta đều tham gia vào thị trường mà chúng ta không biết. Tôi muốn chúng ta có hiểu biết nhiều hơn để đi vào thị trường Trung Quốc một cách chủ động và bài bản hơn.
CEO Vinamit Nguyễn Lâm Viên.
Đang có những thay đổi lớn, Trung Quốc đang xây những kho ngoại quan tại biên giới, để chuẩn bị làm livestream bán hàng, để chuẩn bị xâm nhập vào thị trường chúng ta. Nhưng đừng lo lắng, chúng ta cũng cần xây dựng những kho ngoại quan như thế để bán lại cho Trung Quốc. Chúng ta cũng đưa hàng vào kho ngoại quan. Các cảng của Trung Quốc cũng đang xây những kho ngoại quan để chuẩn bị cho phương thức kinh doanh mới, đi từ nhà máy đến ngay khách hàng. Đúng như bạn ViruSs vừa nói, hiện họ đã bùng nổ các shop trên các sàn thương mại điện tử, các nền tảng xã hội của các đơn vị lớn, nhỏ đủ loại.
Người Việt Nam cần phải làm quen, phải thử mua hàng trên các nền tảng taobao chẳng hạn, xem cách thức họ làm thế nào, để mình cũng có thể bán lại cho họ theo phương thức tương tự.
Chúng ta cũng có thể làm điều như bạn ViruSs, livestream bán hàng cho người Trung Quốc, và tôi phải bán được cái đó sang Trung Quốc, có thể nhờ qua các kho ngoại quan chẳng hạn?
Chúng ta giờ phải nghĩ đến chuyện ngồi ở Việt Nam livestream bán hàng cho người Trung Quốc, Ấn Độ. Để làm chuyện đó thì đúng như ViruSs nói, chúng ta phải làm quen, phải tập bán hàng ngay từ bây giờ.
Về các diễn giả
Chuyên giaNguyễn Phi Vân tốt nghiệp MBA tại Australia, từng giữ các vị trí cao cấp về quản trị thương hiệu, bán lẻ, nhượng quyền & phát triển kinh doanh cho các tập đoàn lớn tại châu Á, Trung đông, châu Phi & Đông Âu. Hiện bà Nguyễn Phi Vân là Chủ tịch Retail & Franchise Asia (Công ty hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ và nhượng quyền), đồng thời là chuyên gia, cố vấn về quản trị thương hiệu và xây dựng thương hiệu quốc gia cho chính phủ Malaysia.
Bà Nguyễn Phi Vân đã đạt giải thưởng quốc tế 2015 về Lãnh đạo xuất sắc ngành bán lẻ của hiệp hội bán lẻ toàn cầu. Bà cũng lọt vào Tốp 100 phụ nữ có tầm ảnh hưởng nhất thế giới trong ngành nhượng quyền toàn cầu năm 2019 & 2020. Bà Nguyễn Phi Vân còn là tác giả nhiều quyển sách tiếng Anh & tiếng Việt bao gồm: “Nhượng quyền khởi nghiệp – Con đường ngắn để bước ra thế giới”, “Quảy gánh băng đồng ra thế giới”, “Go Global – An MSME Guide to Global Franchising”, “Tôi tương lai & thế giới”, “Tôi đi tìm tôi”, “Nym – Tôi của tương lai”, và gần đây nhất là “Mở cửa tương lai”.
Ông Nguyễn Lâm Viên – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Vinamit, một trong những doanh nông tiên phong của Việt Nam. Năm 1991, ông thành lập công ty Vinamit tại Bình Dương và hiện là một tên tuổi lớn trong lĩnh vực khai thác và chế biến nông sản ứng dụng công nghệ cao. Sản phẩm của Vinamit hiện có mặt tại khắp các hệ thống các siêu thị, cửa hàng tiện lợi trong nước và đã xuất khẩu sang một loạt các thị trường như Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, Mỹ, các nước EU… với các chứng chỉ vệ sinh an toàn thực phẩm hàng đầu thế giới như Organic USDA, Organic EU, Kosher, FDA, Halal…
Livestreamer ViruSs tên thật là Đặng Tiến Hoàng, là một nam YouTuber, streamer, nhạc sĩ, nhà sản xuất âm nhạc. Khởi đầu sự nghiệp với tư cách một streamer trong các trò chơi điện tử, ViruSs nhanh chóng lấn sân sang lĩnh vực âm nhạc và hiện được coi là chuyên gia về thương mại mạng xã hội và livestreaming.
Hội DN HVNCLC trân trọng cám ơn Quý Doanh nghiệp trong cộng đồng DN HVNCLC, DN HVNCLC – Chuẩn hội nhập đã đồng hành, tài trợ hiện kim, hiện vật…. chung tay tổ chức trang trọng Lễ công bố HVNCLC 2024!