TP Hồ Chí Minh kích cầu mua sắm cuối năm với loạt các ngày hội mua sắm, giải trí Tết 2024

Nhóm tin về ngành bán lẻ – thương mại điện tử

1. Chuỗi cửa hàng điện tử lớn nhất Malaysia dừng mở mới cửa hàng truyền thống, chuyển hướng bán online
Ông Lim Kim Heng – người sáng lập chuỗi điện tử lớn nhất Malaysia, Senheng New Retail tiết lộ kế hoạch ngừng mở các cửa hàng truyền thống mới từ năm 2026. Thay vào đó, chuỗi cửa hàng điện tử này sẽ chuyển sang thương mại điện tử để thúc đẩy mở rộng trước sự cạnh tranh, phát triển bán hàng trực tuyến ngày càng tăng. Hiện tại, chuỗi cửa hàng điện tử lớn nhất Malaysia đang điều hành 125 cửa hàng trên toàn quốc. Ông Lim cho biết thêm, từ năm 2026 trở đi, công ty sẽ không mở thêm cửa hàng mới nữa, ông cho biết sẽ tập trung hơn vào việc phát triển ứng dụng di động để thu hút thêm nhiều khách hàng hơn. Chủ tịch công ty tiết lộ kế hoạch đạt tối thiểu 6 triệu lượt tải ứng dụng và số người dùng hoạt động hàng tháng sẽ vượt qua mốc 1 triệu người dùng.
Theo Statista, doanh thu thị trường tiêu dùng thương mại điện tử của Malaysia ước tính đạt 4,5 tỷ USD vào năm 2024, trong đó doanh số bán hàng trực tuyến đóng góp 21,6% tổng doanh thu. Điều này có nghĩa là gần 80% doanh thu vẫn phụ thuộc vào đồ điện tử bán lẻ truyền thống. Tuy nhiên, môi trường kinh doanh đang thay đổi nhanh chóng, đặc biệt khi những đối thủ như TikTok (thuộc ByteDance) bước vào thị trường mua sắm trực tuyến vào năm 2022. “Chúng tôi không thể cạnh tranh về giá thấp với các công ty thương mại điện tử, họ có rất nhiều tiền để trợ giá. Chúng tôi vẫn sẽ duy trì các cửa hàng vật lý của mình, nhưng sẽ chú ý hơn đến việc kinh doanh trực tuyến”, ông Lim cho hay.
Nguồn: https://vneconomy.vn/chuoi-cua-hang-dien-tu-lon-nhat-malaysia-dung-mo-moi-cua-hang-truyen-thong-chuyen-huong-ban-online.htm
2. Xu hướng cửa hàng tự phục vụ, không cần nhân viên ở Hàn Quốc
Cửa hàng bán lẻ không có nhân viên đã phát triển mạnh mẽ ở Hàn Quốc. Có nhiều cửa hàng tiện lợi ngay cạnh nhà dân mà không có nhân viên phục vụ vào ban đêm. Nhưng gần đây, mô hình cửa hàng tự phục phục đã mở rộng và đa dạng hóa sản phẩm. Các doanh nhân trẻ đưa loại hình dịch vụ này vào các lĩnh vực truyền thống như chợ cá, cửa hàng thịt, cửa hàng quần áo và cửa hàng thú cưng. Không có dữ liệu toàn diện về số lượng cửa hàng bán lẻ không có nhân viên trên toàn quốc, nhưng một cuộc khảo sát gần đây của Cơ quan Cứu hỏa Quốc gia Hàn Quốc từ năm 2022 đến năm 2023 cho thấy có ít nhất 6.300 cơ sở như vậy.
Theo một cuộc khảo sát 1.000 người của công ty nghiên cứu Embrain, 71,9% số người được hỏi cho biết họ đã ghé các cửa hàng không có nhân viên. Trong số đó, khoảng 80% bày tỏ sẵn sàng quay lại cửa hàng như vậy lần nữa. Lý do chính cho phản ứng tích cực này là vì không có nhu cầu tương tác với nhân viên phục vụ. Các chủ cửa hàng cho biết, dù không gặp mặt trực tiếp khách hàng nhưng điều quan trọng là vẫn phải đáp ứng nhu cầu của khách hàng và tương tác với họ thông qua các kênh khác.
Thách thức chính mà các chủ cửa hàng không có nhân viên phải đối mặt là nạn trộm cắp. Theo dữ liệu của cảnh sát, đã có 6.018 trường hợp trộm cắp được báo cáo tại các cửa hàng không có nhân viên vào năm 2022, tăng 71,25% so với năm trước. Sự gia tăng tội phạm đặc biệt đáng chú ý ở thanh thiếu niên. Phân tích dữ liệu của công ty quản lý an ninh S-1 Corporation, trong khoảng thời gian từ năm 2020 đến năm 2022, cho thấy thanh thiếu niên chiếm tỷ lệ lớn nhất trong các vụ trộm cắp với 34,8%.
Nguồn: https://baotintuc.vn/the-gioi/nhung-cua-hang-tu-phuc-vu-khong-can-nhan-vien-o-han-quoc-20240121105509915.htm
3. Singapore bắt đầu triển khai robot và dịch vụ bán lẻ kỹ thuật số
Ngày 22/1, Singapore đã ra mắt Trung tâm Đổi mới Bán lẻ Công nghệ cao Hive 2.0 tại Esplanade Xchange, Singapore. Trung tâm bao gồm 10 trải nghiệm bán lẻ độc đáo dành cho các công ty khởi nghiệp tập trung vào tự động hóa, robot và dịch vụ bán lẻ kỹ thuật số.
Robot giao hàng nằm trong một loạt các mô hình đang hoạt động tại Hive 2.0. Công ty khởi nghiệp QuikBot Technologies của Singapore đang triển khai một nhóm gồm 7 robot tự động điều hướng khi sử dụng các thang máy, lối đi và văn phòng và có thể giao vật phẩm cho nhau trên đường đi. Bên cạnh đó, cửa hàng tiện lợi 7-Eleven Shop & Go, không người phục vụ và không thu ngân đầu tiên của chuỗi này ở Singapore, là nơi khách hàng có thể mua sắm đơn giản với một lần chạm thẻ để lấy đồ trên kệ và rời đi. Công nghệ Trí tuệ Nhân tạo (AI) và camera thông minh đảm bảo rằng bạn chỉ trả tiền cho những gì bạn đã mua, có thể đáp ứng tối đa 5 người cùng một lúc.
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/singapore-bat-dau-trien-khai-robot-va-dich-vu-ban-le-ky-thuat-so-post922690.vnp
4. Dự báo 4 xu hướng mua sắm trên Shopee tại Việt Nam năm 2024
Dự báo 4 ngành hàng ‘hot’ nhất năm 2024 trên sàn thương mại điện tử Shopee là: sắc đẹp, thời trang, nhà cửa và đời sống, mẹ và bé. Sức “hot” của ngành hàng sắc đẹp là không hề giảm. Theo Metric, đầu năm nay, ngành hàng này vẫn chiếm doanh số cao nhất trên nền tảng Shopee. Nhu cầu làm đẹp ngày càng tăng, các sản phẩm chăm sóc da, mỹ phẩm trang điểm, nước hoa,… được người mua quan tâm và săn đón, nhất là các chị em phụ nữ. Thời trang cũng nổi lên là một mảng hàng tiềm năng trên Shopee. Các sản phẩm thời trang nam, nữ, trẻ em sẽ rất được ưa chuộng. Đặc biệt, nhu cầu mua sắm thời trang của phái nữ luôn không ngừng tăng cao.
Các mặt hàng như đồ nội thất, đồ nhà bếp, vật dụng trang trí nhà cửa,… đều có thể dễ dàng tìm thấy trên Shopee với giá cả phải chăng. Sự phong phú về sản phẩm khiến ngành hàng này ngày càng được quan tâm nhiều hơn. Với xu hướng mua sắm trực tuyến ngày càng tăng, các sản phẩm dành cho mẹ bầu, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ cũng được nhiều phụ huynh lựa chọn mua trên sàn thương mại điện tử Shopee. Các sản phẩm dành cho mẹ bỉm sữa như sữa bầu, thuốc bổ, thực phẩm chức năng,… được người mua quan tâm nhiều hơn. Đây là những sản phẩm cần thiết để đảm bảo sức khỏe cho mẹ bầu và thai nhi.
Nguồn: https://viettimes.vn/bat-mi-4-xu-huong-mua-sam-tren-shopee-nam-2024-post172834.html
5. TP Hồ Chí Minh kích cầu mua sắm cuối năm với loạt các ngày hội mua sắm, giải trí Tết 2024
Để kích cầu mua sắm cuối năm, đặc biệt là thúc đẩy tiêu dùng nội địa, tạo ra những trải nghiệm mua sắm mới mẻ, ngày 19/1, Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh và Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh đã tổ chức “Ngày hội mua sắm, giải trí Tết TP Hồ Chí Minh 2024” từ trực tuyến đến trực tiếp. Điểm nhấn của sự kiện là có sự tham gia của hơn 100 doanh nghiệp, nhãn hàng cùng với hơn 300 nhà sáng tạo nội dung số (KOL, KOC), thời gian từ ngày 19/1 đến ngày 4/2/2024.
Ông Trương Minh Huy Vũ, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh cho biết: “Hoạt động “Ngày hội mua sắm, giải trí Tết 2024” hứa hẹn mang đến cơ hội thương mại số, số hóa quảng bá và tiêu thụ sản phẩm cho các đơn vị kinh doanh; đồng thời đẩy mạnh thu hút du lịch thông qua các hoạt động mua sắm, vui chơi giải trí tại TP Hồ Chí Minh. Chúng tôi hy vọng, chương trình sẽ mang lại trải nghiệm mua sắm kết hợp giải trí an toàn, tiện lợi, liền mạch cho người dùng trước thềm năm mới”.
Nguồn: https://baotintuc.vn/thi-truong-tien-te/tp-ho-chi-minh-kich-cau-mua-sam-cuoi-nam-voi-loat-cac-ngay-hoi-mua-sam-giai-tri-tet-2024-20240119130628353.htm
6. Thế Giới Di Động và Xiaomi Việt Nam đặt mục tiêu bán 1.2 triệu máy năm 2024
Năm 2023 dù thị trường gặp rất nhiều khó khăn, sức mua giảm mạnh, hệ thống Thế Giới Di Động vẫn bán ra đến 1 triệu smartphone Xiaomi, tăng 10% doanh số so với năm 2022. Đặc biệt, hai bên còn đánh dấu cột mốc quan trọng khi đạt 100.000 máy được bán ra mỗi tháng. Điều này đã giúp Xiaomi tăng gấp đôi thị phần (từ 10% lên 20%), vươn lên trở thành thương hiệu smartphone đứng top 2 tại Việt Nam.
Sau một năm 2023 hợp tác với nhiều thành công, bước sang 2024 Thế Giới Di Động và Xiaomi Việt Nam đã tiến hành ký kết hợp tác chiến lược với mục tiêu bán ra 1.2 triệu máy, tăng 20% doanh số so với năm ngoái. Trong khuôn khổ hợp tác lần này, Thế Giới Di Động và Xiaomi sẽ tiếp tục đem đến cho người dùng những sản phẩm vượt trội cùng các ưu đãi đặc biệt chỉ có tại chuỗi bán lẻ này.
Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/the-gioi-di-ong-va-xiaomi-viet-nam-at-muc-tieu-ban-1-2-trieu-may-nam-2024-a646079.html
7. Thế giới Di động sẽ dồn lực mở rộng gấp đôi chuỗi EraBlue tại Indonesia trong năm nay
Công ty Cổ phần Đầu tư Thế giới Di động (mã cổ phiếu MWG – sàn HoSE) vừa cho biết đã chính thức khai trương cửa hàng điện máy thứ 50 của chuỗi bán lẻ EraBlue tại Indonesia. Ông Đoàn Văn Hiểu Em, Giám đốc điều hành (CEO) Thế giới Di động cho biết, cửa hàng thứ 50 của chuỗi EraBlue đánh dấu sự thành công và phát triển nhanh chóng của dự án liên doanh giữa hai doanh nghiệp Việt Nam và Indonesia trong lĩnh vực bán lẻ điện máy. Trong vòng hơn 1 năm, chuỗi EraBlue đã thành công trong việc xây dựng thương hiệu tại Indonesia với chuỗi địa điểm mua sắm với diện tích khoảng 400 m2 mỗi cửa hàng và đạt doanh thu khoảng 4,5 tỷ đồng/tháng/cửa hàng.
Ông Đoàn Văn Hiểu Em cũng cho biết, trong năm nay, Thế giới Di động sẽ dồn lực để nâng số cửa hàng EraBlue lên 100. Nếu đạt kết quả này thì Erablue sẽ là cửa hàng lớn nhất ở Indonesia cả về doanh thu và số lượng cửa hàng. Ngoài ra, Erablue cũng đặt mục tiêu hòa vốn ở cấp độ công ty ngay trong năm sau. Tới thời điểm này, Thế giới Di động đặt mục tiêu phát triển 500 cửa hàng tại thị trường Indonesia vào năm 2027, CEO Thế giới Di động cho biết.
Nguồn: https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/the-gioi-di-dong-mwg-se-don-luc-mo-rong-gap-doi-chuoi-erablue-tai-indonesia-trong-nam-nay-116376.htm
8. Lotte Department Store đặt trong tâm kinh doanh vào Việt Nam
Hãng Lotte Department Store ngày 22/1 cho biết Lotte Mall Tây Hồ (Hà Nội) đã đạt doanh thu tích lũy 100 tỷ won (74,77 triệu USD) chỉ 4 tháng sau khi khai trương vào ngày 22/9/2023. Đây là mốc thời gian kỷ lục trong số các trung tâm mua sắm địa phương ở Việt Nam. Lotte Department Store có kế hoạch mở rộng hơn nữa hoạt động kinh doanh ở nước ngoài nhờ sự thành công của Lotte Mall Tây Hồ. Đặc biệt, tập đoàn cho biết sẽ tăng cường hoạt động kinh doanh tại Đông Nam Á bằng cách sử dụng Việt Nam làm bước đệm.
Lotte Department Store hiện đang vận hành bốn cửa hàng ở Đông Nam Á, trong đó có ba cửa hàng ở Việt Nam và một ở Indonesia. Hiện Lotte đang xem xét mở thêm một đến hai trung tâm mua sắm cao cấp tại Việt Nam trong tương lai.
Nguồn: https://bnews.vn/lotte-department-store-dat-trong-tam-kinh-doanh-vao-viet-nam/321903.html

Nhóm tin về ngành thực phẩm – ẩm thực

1. Chuỗi cà phê quốc tế đua mở rộng để giành ‘miếng bánh’ ở Ấn Độ
Các chuỗi cà phê quốc tế như Starbucks, Tim Hortons và Costa Coffee đang nhanh chóng mở rộng tại thị trường Ấn Độ để thuyết phục người tiêu dùng ở trong những đất nước uống trà nhiều nhất thế giới chi tiêu cho những tách Flat White (đồ uống kết hợp giữa cà phê espresso và sữa tươi nóng) và cà phê Frappuccino. Jasper Reid, người sáng lập IMM, công ty điều hành chuỗi cà phê ở Ấn Độ dưới thương hiệu Jamie Oliver, cho biết, các cửa hàng cà phê được các nhà đầu tư quốc tế đặc biệt ưa chuộng vì chi phí vận hành chúng thấp hơn so với các loại nhà hàng thức ăn nhanh khác. Ông cho biết, một cửa hàng cà phê thông thường có thể tiêu tốn khoảng 25% trong số hàng chục triệu rupee cần thiết để mở một cửa hàng bánh mì kẹp.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho biết, trong cuộc đua mở hàng trăm cửa hàng cà phê mới trên khắp đất nước Ấn Độ, các thương hiệu có thể đã đánh giá quá cao về khả năng và nhu cầu chi tiêu của người tiêu dùng cho đồ uống tùy ý. Cà phê cao cấp vẫn nằm ngoài tầm với của hầu hết người dân Ấn Độ. Ngân hàng Goldman Sachs ước tính, hiện tại, chỉ có 60 triệu người Ấn Độ có thu nhập trên 10.000 đô la/năm và con số này sẽ tăng lên 100 triệu vào năm 2027. Ankur Bisen, nhà phân tích bán lẻ của Technopak Advisors, nhận định thị trường cà phê Ấn Độ hiện vẫn bị hạn chế bởi khu vực địa lý và thu nhập hộ gia đình.
Nguồn: https://thesaigontimes.vn/chuoi-ca-phe-quoc-te-dua-mo-rong-de-gianh-mieng-banh-o-an-do/
2. Hàn Quốc tăng gấp đôi quy mô ngành chế biến gạo
Bộ Nông nghiệp, Thực phẩm và Nông thôn Hàn Quốc dự định tăng gấp đôi quy mô ngành công nghiệp chế biến gạo của nước này lên 17.000 tỷ won (12,7 tỷ USD) vào năm 2028. Theo kế hoạch, Hàn Quốc cũng sẽ mở rộng xuất khẩu các sản phẩm liên quan lên 400 triệu USD, so với 182 triệu USD đạt được vào năm 2022.
Ngành chế biến gạo bao gồm nhiều sản phẩm khác nhau, bao gồm cơm trắng ăn liền, cơm hộp, mì cũng như rượu mạnh. Bộ cho biết có kế hoạch hợp tác với các doanh nghiệp tư nhân để phát triển các sản phẩm mới từ bột gạo, nhằm thay thế khoảng 10% nhu cầu nhập khẩu bột mì của Hàn Quốc vào năm 2027.
Nguồn: https://bsamedia.vn/han-quoc-tang-gap-doi-quy-mo-nganh-che-bien-gao/
3. Chuỗi bánh Hàn Quốc mở rộng thị trường ở Mỹ và Đông Nam Á
Các chuỗi bánh lớn của Hàn Quốc đang mở rộng sự hiện diện tại thị trường Mỹ, với hàng trăm cửa hàng cung cấp đủ loại bánh mì, bánh ngọt và món tráng miệng cho người tiêu dùng địa phương. Bên cạnh Mỹ, Đông Nam Á cũng được xem là thị trường trọng điểm để các thương hiệu bánh ngọt Hàn Quốc thâm nhập và mở rộng khắp các thị trường còn lại.
Cơ quan Hải quan Hàn Quốc hôm 21-1 cho biết kim ngạch xuất khẩu bánh, đạt gần 2 tỉ đô la trong năm 2023, tăng hơn 260% so với con số 761 triệu đô la của năm 2013. Xuất khẩu bánh của Hàn Quốc sang Mỹ đứng đầu với thị phần 20% trong năm ngoái, tăng trưởng thị trường đạt 36%. Tiếp theo là Trung Quốc với thị phần 18%, Nhật Bản 7%, Úc và Hà Lan đồng hạng với 4%. Lý do lớn nhất khiến các tiệm bánh Hàn Quốc được người tiêu dùng Mỹ ưa chuộng là sự đa dạng của các mặt hàng bánh tại mỗi cửa hàng, vượt xa các cửa hàng địa phương khác về số lượng loại bánh.
Nguồn: https://thesaigontimes.vn/chuoi-banh-han-quoc-mo-rong-thi-truong-o-my-va-dong-nam-a/
4. Hội chợ THAIFEX HOREC Asia 2024 – Kiến tạo tương lai ngành HoReCa tại Đông Nam Á
Hội chợ THAIFEX – HOREC Asia 2024 (gọi tắt là HOREC) sẽ diễn ra từ 6 – 8/3/2024, tại trung tâm hội chợ IMPACT Muang Thong Thani, Bangkok, Thái Lan. Hội chợ được tổ chức bởi Cục Xúc tiến Thương mại Quốc tế – DITP, Phòng Thương mại Thái Lan (TCC – the Thai Chamber of Commerce), và Công ty tổ chức hội chợ Koelnmesse.
HOREC 2024 là hội chợ chuyên ngành HoReCa (Hotels, Restaurants and Catering – Khách sạn, Nhà hàng và Dịch vụ ăn uống), là nơi quy tụ nhiều chuyên gia đầu ngành, bao gồm các nhà sản xuất, các công ty cung cấp toàn cầu trong lĩnh vực Horeca, quản lý khách sạn, quản lý nhà hàng, các bếp trưởng… HOREC 2024 mang đến các khu trưng bày đa dạng, không gian sự kiện được bày trí để kết hợp 9 lĩnh vực khác nhau trong ngành HORECA. Ngoài ra, hội chợ còn đem đến 6 xu hướng quan trọng nhất hiện tại trong ngành như trải nghiệm không chạm kỹ thuật số, tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu thực phẩm thừa, menu thuần chay và tính bền vững.
Nguồn: https://baodautu.vn/hoi-cho-thaifex-horec-asia-2024—kien-tao-tuong-lai-nganh-horeca-tai-dong-nam-a-d207786.html
5. Đặc sản miền Tây hút hàng dịp tết
Cuối năm, các làng nghề làm thực phẩm khô ở miền Tây trở nên nhộn nhịp, hoạt động hết công suất để phục vụ nhu cầu tiêu thụ thị trường tết. Thời điểm này, người dân, tiểu thương sống bằng nghề làm khô tại các địa phương vùng Đồng Tháp Mười (tỉnh Long An) tất bật sản xuất để đáp ứng nhu cầu của khách hàng vào dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024. Các sản phẩm khô tại các địa phương vùng Đồng Tháp Mười hầu hết làm từ cá đồng và sản xuất bảo đảm an toàn thực phẩm nên được nhiều khách hàng trong và ngoài địa phương biết đến và chọn mua.
Hiện nhiều đặc sản của miền Tây tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP). Sau khi các đặc sản được công nhận đạt chứng nhận OCOP thì doanh thu tăng khoảng 10-30%, giá bán sản phẩm cũng tăng từ 10%-20%. Qua đó, góp phần tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động, nhất là đối tượng phụ nữ vùng nông thôn.
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/dac-san-mien-tay-hut-hang-dip-tet-post723827.html

Nhóm tin về nông nghiệp – thủy sản – chăn nuôi

1. Hải Dương lần đầu tiên tổ chức lễ hội thu hoạch hành, tỏi
Ngày 20/1, tại cánh đồng thôn Đích Sơn, xã Hiệp Hòa, Thị xã Kinh Môn (tỉnh Hải Dương) tổ chức Lễ hội thu hoạch hành, tỏi nhằm giới thiệu tiềm năng lợi thế về nông nghiệp của thị xã Kinh Môn, vùng đất được ví là thủ phủ hành, tỏi của cả nước và qua đó nâng tầm thương hiệu nông sản thế mạnh. Hiện nay, toàn bộ 23 xã, phường của thị xã đều trồng hành, tỏi. Sản lượng hàng năm khoảng 100.000 tấn hành, 4.000 tấn tỏi tươi. Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương kỳ vọng lễ hội thu hoạch hành, tỏi lần đầu tiên được tổ chức mang đến trải nghiệm thú vị cho người dân và du khách, cổ vũ động viên ngành sản xuất nông nghiệp, khẳng định và tôn vinh giá trị hành, tỏi Kinh Môn. Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương cũng tri ân những người nông dân cần mẫn, doanh nghiệp nâng tầm giá trị và thương hiệu cây hành, tỏi nói riêng, đặc trưng tiềm năng, thế mạnh của cây đặc sản của Hải Dương.
Cũng tại chương trình đã diễn ra lễ ký kết ghi nhớ tiêu thụ hành, tỏi năm 2024 giữa các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp của Kinh Môn với doanh nghiệp về thương mại điện tử, hệ thống siêu thị, doanh nghiệp xuất khẩu nông sản… để tiêu thụ, xuất khẩu hành, tỏi và nông sản Kinh Môn; trưng bày các gian hàng, sản phẩm chế biến từ hành, tỏi.
Nguồn: https://bnews.vn/hai-duong-lan-dau-tien-to-chuc-le-hoi-thu-hoach-hanh-toi/321686.html
2. Giá hồ tiêu tăng mạnh
Ngày 20/1, Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPSA) cho biết trong 15 ngày đầu tháng 1/2024, Việt Nam đã xuất khẩu 7.616 tấn hồ tiêu, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 29,9 triệu USD. Theo khảo sát, giá tiêu liên tục tăng lên trong 5 ngày gần đây, hiện dao động trong khoảng 79.500 – 82.500 đồng/kg tại thị trường nội địa. Cụ thể, giá hồ tiêu tại tỉnh Đồng Nai và Gia Lai từ 79.500 – 80.000 đồng/kg; tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và tỉnh Bình Phước, ở mức 81.500 đồng/kg và 82.000 đồng/kg; tại tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông 82.500 đồng/kg.
Trên các diễn đàn, nhiều hộ nông dân dự báo giá hồ tiêu sẽ còn tăng cao, vượt qua mốc 100.000 đồng/kg và quay lại thời kỳ hoàng kim, tương tự như mặt hàng cà phê hiện nay.
Nguồn: https://thanhnien.vn/gia-ho-tieu-se-tang-den-dau-18524012018485049.htm
3. Giá lúa gạo đông xuân sụt giảm, nông dân gặp bất lợi
Ở thời điểm hiện tại, thống kê của Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) cho thấy, gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán với mức giá 652-656 đô la Mỹ/tấn; gạo 25% tấm là 617-621 đô la Mỹ/tấn và gạo thơm là 737-741 đô la Mỹ/tấn. Tuy nhiên, Philippines- thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam- hiện đang trả giá mua gạo của Việt Nam thấp hơn so với mức giá chào bán nêu trên. Chẳng hạn, giá mong muốn của các nhà nhập khẩu Philippines đối với phân khúc gạo thơm của Việt Nam ở mức chỉ 670-680 đô la Mỹ/tấn (giá FOB), tức thấp hơn khá nhiều so với giá chào xuất khẩu của Việt Nam.
Trong khi đó, ở thị trường trong nước, ông Nguyễn Thanh Phong, Giám đốc công ty lương thực Vạn Lợi cho rằng, nhu cầu thu mua của các nhà kho đang chậm, cho giá thấp, thậm chí một số nhà kho đang ngưng mua vào…, chính là nguyên nhân khiến giá lúa gạo thị trường nội địa sụt giảm trong những ngày qua. Còn ông Hậu, thương lái ở huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang cho rằng, chất lượng gạo thời điểm hiện nay xấu cũng là một phần nguyên nhân có tác động góp phần khiến việc tiêu thụ, giá cả lúa gạo “đi xuống”. Giá lúa, gạo đông xuân sớm 2023-2024 ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) bất ngờ giảm mạnh, trong khi thương lái đặt cọc trước với giá cao hơn nên tình trạng bẻ kèo, ép nông dân giảm giá bán đã xảy ra.
Ngoài ra, việc thị trường Philippines bắt đầu vụ thu hoạch mới, trong khi Indonesia, quốc gia có kế hoạch nhập khẩu 2 triệu tấn gạo trong năm 2024, đang bị nông dân biểu tình để phản đối việc gia tăng nhập khẩu gạo của nước này cũng là những nguyên nhân “làm xấu hơn” tình hình thị trường ngành hàng lúa gạo Việt Nam. Trước những yếu tố bất lợi nêu trên, một số dự báo cho rằng, nhiều khả năng giá lúa trong nước sẽ có thể còn “rớt” tiếp, thậm chí xuống dưới mức giá 8.500 đồng/kg, tức tiếp tục giảm thêm đáng kể so với mức giá hiện nay.
Nguồn: https://thesaigontimes.vn/gia-lua-gao-dong-xuan-sut-giam-nong-dan-gap-bat-loi/
4. Lợn nhập lậu tăng mạnh: Người chăn nuôi lo phá sản
Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai cho biết, tình trạng lợn nhập lậu qua biên giới đang diễn biến rất phức tạp. Bằng nhiều nguồn tin hiệp hội này nắm được, do đang vào dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn, nhu cầu tiêu thụ trong nước tăng nên tình trạng lợn nhập lậu cũng tăng đột biến. Trung bình mỗi đêm có khoảng 6.000 – 7.000 con lợn từ Campuchia được nhập lậu vào Việt Nam qua một số cửa khẩu ở các tỉnh phía Nam. Số lượng lợn nhập lậu đang chiếm khoảng 30% sản lượng lợn chăn nuôi trong nước bán ra mỗi ngày, với giá bán chỉ dao động trên dưới 50.000 đồng/kg lợn hơi, lợi nhuận từ lợn nhập lậu đang khiến người chăn nuôi trong nước gặp vô vàn khó khăn, phải bán dưới giá thành sản xuất.
Tình trạng này đang khiến người chăn nuôi và các doanh nghiệp (DN) trong nước đứng ngồi không yên, vì chưa kịp gượng dậy sau hàng loạt khó khăn lại tiếp tục bị hàng lậu “đánh úp”. “Năm ngoái, các doanh nghiệp phải đối diện với giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng, giá bán lợn dưới giá thành, dịch tả lợn châu Phi…Chưa hết khó khăn, giờ lại thêm tình trạng lợn lậu “đánh gục” ngành chăn nuôi trong nước khiến toàn ngành khó có thể gượng dậy”, ông Công chia sẻ.
Nguồn:  https://tienphong.vn/lon-nhap-lau-tang-manh-nguoi-chan-nuoi-lo-pha-san-post1607071.tpo

Nhóm tin về thị trường xuất nhập khẩu

1. Indonesia nhập khẩu 500.000 tấn gạo từ Việt Nam và 6 nước khác
Cơ quan hậu cần quốc gia (Bulog) Indonesia ngày 18/1 cho biết, cần nhập khẩu 500.000 tấn gạo trong quý I/2024 để đáp ứng nhu cầu trong nước và tăng dự trữ quốc gia. Thông báo của Bulog cho hay, gạo trắng được yêu cầu giao hàng vào tháng 2 và tháng 3, với thời hạn chào hàng là ngày 29/1. Nguồn gốc được chấp nhận là Việt Nam, Thái Lan, Myanmar, Campuchia, Pakistan, Ấn Độ và Trung Quốc.
Sản lượng gạo của Indonesia trong tháng 1 và tháng 2/2024 ước tính giảm 46,3% so với cùng kỳ năm trước do hình thái thời tiết El Nino ảnh hưởng đến thu hoạch. Bulog cũng cho biết, gạo nhập khẩu dự kiến sẽ đến nơi trước vụ thu hoạch chính. Mới đây, chính phủ đã đặt ra hạn ngạch nhập khẩu gạo của Indonesia vào năm 2024 là 2 triệu tấn. Bulog cho biết đã mua hơn 500.000 tấn gạo trong cuộc đấu thầu vào tháng 12/2023, với gạo có nguồn gốc từ Thái Lan, Việt Nam, Pakistan và Myanmar. Dự kiến, đơn hàng sẽ được giao trước ngày 30/1/2024.
Nguồn: https://vtv.vn/kinh-te/indonesia-nhap-khau-500000-tan-gao-tu-viet-nam-va-6-nuoc-khac-20240119193838684.htm
2. Sầu riêng xuất sang EU phải kiểm tra dư lượng thuốc trừ sâu
Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU thông tin, ngày 17/1/2024, EU đã đăng công báo Quy định thực hiện Quy chế (EU) 2024/286 ký ngày 16/1/2024, sửa đổi Quy định thực hiện (EU) 2019/1793 về việc tạm thời tăng cường các biện pháp kiểm soát chính thức và các biện pháp khẩn cấp quản lý nhập khẩu vào Liên minh đối với một số hàng hóa từ một số nước thứ ba thực hiện Quy định (EU) 2017/625 và (EC) số 178/2002 của Nghị viện và Hội đồng châu Âu.
Theo quy định mới sửa đổi, các mặt hàng của Việt Nam vào EU sẽ chịu giám sát cửa khẩu là ớt chuông, mỳ ăn liền và sầu riêng với tần suất kiểm tra tương ứng là 50%, 20% và 10%. Như vậy, đây là lần đầu tiên sầu riêng của Việt Nam xuất khẩu vào EU bị đưa vào diện kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tại cửa khẩu với tần suất 10%. Cũng tại quy định này, đậu bắp và thanh long vẫn nằm trong phụ lục II (thêm yêu cầu giấy chứng nhận chất lượng từ Việt Nam) với tần suất kiểm tra tương ứng là 50% và 20% tại cửa khẩu EU. Quy định mới của châu Âu sẽ có hiệu lực 20 ngày sau ngày đăng công báo, tức khoảng đầu tháng 2/2023.
Nguồn: https://vtv.vn/kinh-te/sau-rieng-xuat-sang-eu-phai-kiem-tra-du-luong-thuoc-tru-sau-20240119153113904.htm
3. Xuất khẩu rau quả tăng đột biến tháng đầu năm
Theo số liệu sơ bộ từ Hiệp hội Rau quả công bố dựa trên tính toán từ hải quan, tháng 1, Việt Nam xuất khẩu rau quả đạt 459 triệu USD, tăng 89,2% so với cùng kỳ 2023. Đây cũng là tháng đầu năm có tăng trưởng cao nhất so với các năm trước.
Xuất khẩu rau quả tháng đầu năm tăng mạnh do các sản phẩm sầu riêng, chuối, thanh long được Trung Quốc mua nhiều. Hiện, các đợt lạnh liên tục khiến nguồn cung chuối nội địa của Trung Quốc hạn chế. Nhiệt độ xuống thấp, trái chuối trên cây bị bầm đen không bán được. Thị trường Trung Quốc khan hàng giúp hoạt động xuất khẩu chuối Việt Nam thuận lợi hơn. Ngoài ra, giữa năm, thanh long Trung Quốc dồi dào, nay đang hết vụ. Theo truyền thống, người Trung Quốc rất thích dùng quả thanh long làm vật phẩm thờ cúng trong Tết nên nhu cầu tăng cao.
Nguồn: https://vnexpress.net/xuat-khau-rau-qua-tang-dot-bien-thang-dau-nam-4703584.html
4. Số lượng thương nhân đủ điều kiện xuất khẩu gạo giảm gần 24%
Bộ Công Thương vừa công bố danh sách 161 thương nhân được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo. So với lần công bố vào tháng 8-2023 thì số thương nhân được nhận giấy chứng nhận giảm gần 24%.
Trong số 161 thương nhân này, TPHCM có 36 thương nhân đủ điều kiện, tiếp đến là Cần Thơ với 34 thương nhân, Long An 22 thương nhân, Đồng Tháp 15 thương nhân, An Giang 14 thương nhân, theo TTXVN. Một số địa phương chỉ có 1 thương nhân đủ điều kiện xuất khẩu gạo là Hà Nam, Hậu Giang, Khánh Hòa, Lạng Sơn, Thanh Hóa.
Nguồn: https://thesaigontimes.vn/so-luong-thuong-nhan-du-dieu-kien-xuat-khau-gao-giam-gan-24/
5. Trung Quốc đồng ý sớm ký nghị định thư, mở cửa cho tôm hùm bông, trái bơ, chanh leo
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam, chuyến công tác, làm việc của bộ tại Trung Quốc từ ngày 14 đến 20-1 đạt nhiều kết quả quan trọng, đặc biệt là hợp tác, thúc đẩy xuất khẩu nông, thủy sản giữa hai nước. Cụ thể, trong buổi làm việc với Tổng cục Hải quan Trung Quốc, phía bạn đồng ý sẽ khẩn trương hoàn thiện hồ sơ để ký nghị định thư về xuất khẩu thủy sản khai thác tự nhiên, nghị định thư về xuất khẩu cá sấu nuôi và nghị định thư về xuất khẩu khỉ nuôi từ Việt Nam sang Trung Quốc trong đầu năm 2024. Đồng thời ông Nam cho biết khi nghị định thư được ký kết thì tôm hùm bông sẽ tiếp tục được xuất khẩu sang Trung Quốc.
Đối với các sản phẩm rau củ, quả, theo ông Nam, phía bạn đồng ý mở thêm các loại trái cây chủ lực của Việt Nam và đẩy nhanh tiến độ hoàn tất các thủ tục, đặc biệt sẽ xem xét mở cửa cho trái bơ và trái chanh leo của Việt Nam vào thị trường Trung Quốc. Đối với chăn nuôi, ông Nam cho biết phía bạn cũng đồng ý xem xét hồ sơ việc cho Việt Nam xuất khẩu các sản phẩm gia cầm vào thị trường Trung Quốc.
Một điểm nữa đó là đoàn công tác có đến thăm, làm việc tại tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) – nơi có rất nhiều chợ đầu mối và trung tâm nông sản lớn. Đoàn công tác cũng thống nhất với lãnh đạo tỉnh và giám đốc trung tâm nông sản, chợ đầu mối rằng sẽ phối hợp để đưa nông sản Việt vào các chợ đầu mối và phối hợp xây dựng được các chuỗi logistics nông sản bền vững.
Nguồn: https://tuoitre.vn/trung-quoc-dong-y-som-ky-nghi-dinh-thu-mo-cua-cho-tom-hum-bong-trai-bo-chanh-leo-20240122153913038.htm
6. Chi phí logistics tăng cao – doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó ngay từ đầu năm 2024
Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như dệt may, da giày, đồ gỗ, thuỷ sản… xuất khẩu sang các thị trường Liên minh châu Âu (EU), Canada và Mỹ gặp khó khăn do căng thẳng Biển Đỏ. Chi phí logisctics tăng cao, thời gian giao/nhận hàng kéo dài làm giảm sức cạnh tranh của hàng hoá ngay đầu năm 2024. Đại diện Bộ Công Thương cũng cho biết, giá cước vận chuyển đường biển từ Việt Nam sang khu vực châu Âu và khu vực bờ Đông của Hoa Kỳ cũng đã có sự gia tăng đáng kể. Nếu như trước đây một container hàng vận chuyển từ Việt Nam sang châu Âu vào khoảng từ 1.800-2.200 USD thì hiện nay đã tăng lên trên 4.000 USD/container, làm cho chi phí hàng hoá tăng lên, không chỉ giảm cạnh tranh về giá mà còn nguy cơ ảnh hưởng tới chất lượng của các mặt hàng nông sản (thuỷ sản, trái cây…).
Theo các chuyên gia, trong trước mắt, để ứng phó với tình hình căng thẳng Biển Đỏ ảnh hưởng tới quá trình vận chuyển hàng hoá xuất khẩu, doanh nghiệp cần chủ động phương án đàm phán với các đối tác để giãn thời gian giao/nhận hàng. Doanh nghiệp cũng cần tính đến việc mua bảo hiểm để tránh rủi ro khi chậm trễ trong việc giao/nhận hàng hoá.
Nguồn: https://vov.vn/kinh-te/chi-phi-logistics-tang-cao-doanh-nghiep-xuat-khau-gap-kho-ngay-tu-dau-nam-2024-post1072512.vov
7. Bộ Giao thông yêu cầu hỗ trợ vận chuyển hàng hóa container đi châu Âu, châu Mỹ
Bộ GTVT vừa có công văn gửi Cục Hàng hải VN yêu cầu hỗ trợ doanh nghiệp trước tình trạng giá dịch vụ vận chuyển hàng hóa container đi châu Âu, châu Mỹ tăng cao. Theo đó, Bộ GTVT yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành hàng hải chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan bảo đảm hệ thống cảng biển thông suốt trên toàn quốc, tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu; đồng thời, nghiên cứu, triển khai ngay các giải pháp để nâng cao hiệu quả khai thác kết cấu hạ tầng hàng hải.
Cục Hàng hải có trách nhiệm đẩy nhanh thủ tục ra, vào cảng và việc xếp, dỡ hàng hóa đối với tàu thuyền vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu, đặc biệt là hàng container đi châu Mỹ, châu Âu. Đồng thời, khẩn trương làm việc với hãng tàu có tuyến vận tải đi châu Mỹ, châu Âu để kêu gọi và thu hút các hãng tàu duy trì tuyến, bổ sung chỗ, vỏ container về VN, nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa.
Nguồn: https://thanhnien.vn/yeu-cau-ho-tro-van-chuyen-hang-hoa-container-di-chau-au-chau-my-18524012123303882.htm

Nhóm tin về xu hướng xanh – bền vững

1. TP.HCM phối hợp Ngân hàng Thế giới kêu gọi đầu tư tăng trưởng xanh
Trong khuôn khổ hoạt động phát triển tăng trưởng xanh và bền vững tại TP.HCM của Nhóm công tác chung TP.HCM – Ngân hàng Thế giới (Nhóm HWG), UBND TP.HCM sẽ tổ chức Hội nghị kêu gọi đầu tư vì phát triển tăng trưởng xanh TP.HCM ngày 24-1. Sự kiện nhằm trao đổi, thảo luận với các đối tác phát triển, nhà đầu tư tiềm năng, chuyên gia, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước về các lĩnh vực của kinh tế xanh, hướng đến phát triển bền vững, thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng xanh.
Thông tin từ Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM (ITPC), tại hội nghị TP.HCM sẽ giới thiệu định hướng phát triển kinh tế, xã hội, cơ chế chính sách đặc thù, dự thảo khung chiến lược phát triển kinh tế xanh của thành phố để kêu gọi đầu tư các dự án phát triển tăng trưởng xanh theo các hình thức kết hợp giữa đầu tư công và tư nhân. Trong đó, thành phố sẽ giới thiệu dự án kêu gọi đầu tư xanh gồm: quản lý rủi ro ngập lụt đô thị tại TP Thủ Đức, dự án đô thị carbon thấp tại thành phố trong các lĩnh vực ưu tiên và thông tin về một số dự án trọng điểm thu hút đầu tư xanh của thành phố. Đây cũng là dịp để các doanh nghiệp, chuyên gia đề xuất, hiến kế các giải pháp để TP.HCM đạt các mục tiêu tăng trưởng xanh hướng đến phát triển bền vững, thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng xanh.
Nguồn: https://tuoitre.vn/tp-hcm-phoi-hop-ngan-hang-the-gioi-keu-goi-dau-tu-tang-truong-xanh-20240123112957653.htm
2. Trường đầu tiên đào tạo về tín chỉ carbon tại Việt Nam
Ông Nguyễn Khánh Cường, hiệu trưởng Trường cao đẳng Lilama 2 (Đồng Nai), cho biết trường vừa ký kết chuyển giao chương trình đào tạo tín chỉ carbon với tổ chức BTEC Pearson (Vương quốc Anh). Đến nay, đây là cơ sở giáo dục đầu tiên có chương trình đào tạo tín chỉ carbon tại Việt Nam. Trước đó, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (đơn vị quản lý các trường cao đẳng) cũng đã có định hướng phát triển chương trình đào tạo tín chỉ carbon trong nước. Ông Cường cho biết chương trình đào tạo sẽ được triển khai cho 2 đối tượng, một là nhóm đã tốt nghiệp THPT sẽ học chương trình theo hệ trung cấp, kéo dài 2 năm; một là nhóm đã tốt nghiệp cử nhân các ngành liên quan có thể học các chương trình ngắn hạn trong khoảng 6 tháng.
Ông Cường cho biết thêm, tổ chức BTEC Pearson sẽ hỗ trợ bồi dưỡng các giảng viên có kiến thức chuyên môn để đảm nhận chương trình đào tạo. Ngoài ra, đơn vị này cũng hỗ trợ thêm các phần mềm, công cụ tính toán tín chỉ carbon trong quá trình đào tạo. “Nhu cầu nhân sự trong lĩnh vực này trong tương lai dự báo rất lớn khi để thực hiện cam kết net zero đến năm 2050, Việt Nam sẽ cần khoảng 150.000 người tham gia vào lĩnh vực chuyển đổi năng lượng. Người học hoàn thành chương trình có thể làm việc trong các nhà máy hay các tổ chức làm về tín chỉ carbon trong và ngoài nước”, ông Cường nói.
Nguồn: https://tuoitre.vn/truong-dau-tien-dao-tao-ve-tin-chi-carbon-tai-viet-nam-20240122095937686.htm

Nhóm tin về ngành dịch vụ

1. Đổ xô đi chữa lành tâm linh tại Trung Quốc
Chữa lành bằng tâm linh, thiền định, bùa chú, tarot đang nở rộ ở Trung Quốc. Để cân bằng giữa một xã hội cạnh tranh quá mức, ngày càng nhiều thanh niên tìm kiếm phương pháp chữa lành tâm linh, bắt nguồn từ niềm tin cá nhân nhiều hơn là căn cứ khoa học. Khắp Trung Quốc, những lớp học chữa lành nở rộ và được gọi chung là “shenxinling” – có nghĩa “cơ thể, tâm trí và tinh thần”, hay thực hành tâm linh. “Shenxinling” bao gồm những buổi khiêu vũ ngẫu hứng, các buổi thiền hoặc đọc bài tarot. Một số người còn chi tiền cho các vật phẩm “thanh tẩy” như pha lê, vòng tay bồ đề và các bùa chú khác với niềm tin chúng sẽ mang lại hạnh phúc.
Ngành này đang mở rộng nhanh chóng. Theo công ty tư vấn Frost & Sullivan, thị trường dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần toàn diện của Trung Quốc, bao gồm các hoạt động tâm linh, sẽ đạt 10,41 tỷ nhân dân tệ (gần 1,5 tỷ USD) vào năm 2025. Chính quyền đang áp đặt các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn đối với những nội dung tâm linh, bao gồm cả việc đọc tarot và sử dụng tinh thể, những thứ thường được dán nhãn là mê tín. Bất chấp sự phản đối, ngành thực hành tâm linh vẫn phát triển, bởi tư vấn tâm lý chuyên nghiệp ở Trung Quốc vẫn còn đắt đỏ và tốn kém khiến người trẻ khó tiếp cận. Nhóm khách có tài chính hạn chế chỉ có thể chuyển sang các biện pháp tâm linh với giá cả phải chăng hơn.
Nguồn: https://znews.vn/do-xo-di-chua-lanh-tam-linh-tai-trung-quoc-post1455777.html

Nhóm tin về ngành thời trang – làm đẹp

1. Shein có nguy cơ bị cấm niêm yết
“Gã khổng lồ” mới nổi thời trang nhanh Shein của Trung Quốc đang chuẩn bị IPO ở Mỹ, kỳ vọng giá trị công ty đạt 90 tỷ USD. Nhưng kế hoạch này đang đứng trước rủi ro bị ngừng vì các nhà chức trách Trung Quốc đang “xem xét tình hình”.  Để đáp lại việc Mỹ hạn chế các nguồn vốn của Mỹ vào Trung Quốc, Bắc Kinh yêu cầu tất cả các công ty Trung Quốc phải được nước này chấp nhận trước mỗi khi niêm yết ở nước ngoài.
Đối với Shein, Trung Quốc đang kiểm tra, đánh giá các rủi ro an ninh mà có thể xảy ra từ việc lên sàn Mỹ, ví dụ như các loại dữ liệu mà Shein sẽ phải tiết lộ cho Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC). Trong trường hợp xấu nhất, việc IPO của Shein này sẽ bị hủy bỏ. Trường hợp này tương tự như DiDi, hãng gọi xe khổng lồ của Trung Quốc ngay sau khi được niêm yết trên sàn NYSE đã bị Bắc Kinh bắt hủy niêm yết.
Nguồn: https://diendandoanhnghiep.vn/shein-co-nguy-co-bi-cam-niem-yet-258150.html

Nhóm tin về ngành du lịch

1. Vietnam Report công bố Top 10 công ty du lịch và 5 resort uy tín năm 2023
Vietnam Report vừa công bố danh sách Top 10 công ty du lịch và Top 5 khách sạn, resort uy tín năm 2023. Theo kết quả công bố, Top 10 công ty du lịch uy tín năm 2023 gồm: Công ty CP du lịch và tiếp thị GTVT Việt Nam (Vietravel), Công ty TNHH MTV dịch vụ lữ hành Saigontourist, Công ty CP dịch vụ du lịch Bến Thành (Ben Thanh Tourist), Công ty du lịch Hà Nội (Hanoitourist), Công ty CP lữ hành Vietluxtour; Công ty CP du lịch Hòa Bình Việt Nam; Công ty CP du lịch và thương mại Vinacomin; Công ty CP xây dựng thương mại và du lịch Hồng Ngọc Hà; Công ty CP du lịch Exotissimo Việt Nam và Công ty TNHH du lịch Vina Phú Quốc.
Top 5 khách sạn, resort uy tín Việt Nam năm 2023 gồm: Khách sạn Sofitel Legend Metropole Hà Nội, khách sạn Park Hyatt Sài Gòn, khách sạn JW Marriot Hà Nội, khách sạn Caravelle Sài Gòn và Furama Resort Đà Nẵng.
Nguồn: https://viettimes.vn/vietnam-report-cong-bo-top-10-cong-ty-du-lich-va-5-resort-uy-tin-nam-2023-post172845.html
2. 6 xu hướng du lịch nổi trội năm 2024
Mới đây, The Outbox Company (công ty nghiên cứu thị trường và phân tích dữ liệu du khách tiên phong ở Việt Nam) đã đưa ra các phân tích chủ đề “Bối cảnh du lịch Việt Nam 2024”, trong đó chỉ ra các xu hướng du lịch nổi trội trong năm 2024, cụ thể như sau:
Phân khúc du lịch tích hợp: Du lịch sinh thái, thể thao và phiêu lưu với trải nghiệm cá nhân phù hợp với sức khỏe, sự sang trọng, sẽ có nhu cầu cao.
  • Lựa chọn khách sạn bền vững
  • Khách du lịch đa dạng và quyền lực
  • Tiêu dùng du lịch hướng tới giá trị
  • Quan tâm đến yếu tố địa phương, bản địa
  • Hướng dẫn viên thông minh, Chat GPT trong du lịch
Nguồn: https://plo.vn/6-xu-huong-du-lich-noi-troi-nam-2024-post773275.html

Nhóm tin về ngành kĩ thuật – công nghệ

1. Làn sóng sa thải công nghệ vẫn tiếp diễn
Những năm trước, công việc với mức lương cao ngất ngưởng trong giới công nghệ là mơ ước của nhiều người. Sau năm 2023 với nhiều sóng gió, đội ngũ nhân sự các công ty công nghệ giờ đang đứng trước một tương lai khá bấp bênh khi tiếp tục đối mặt với nguy cơ sa thải trong năm 2024. Theo tờ New York Times, nhiều công ty công nghệ đã cắt giảm nhân sự ngay từ đầu năm nay.
Theo trang web theo dõi Layoffs.fyi, các công ty công nghệ đã sa thải trên 7.500 nhân viên trong tháng 1. Hãng tin Reuters nhận định, các đợt sa thải mới báo hiệu các công ty công nghệ sẽ tiếp tục cắt giảm nhiều việc làm trong năm 2024 khi các hãng tập trung đầu tư lớn vào AI tạo sinh (genAI). Layoffs.fyi ước tính, trong năm 2023, tổng số nhân sự công nghệ bị sa thải là hơn 224.000 người; con số này của năm 2022 là 164.969. Amazon là nơi có nhiều công nhân bị sa thải nhất (27.410 người), tiếp theo là Meta (21.000), Google (12.115) và Microsoft (11.158).
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/lan-song-sa-thai-cong-nghe-van-tiep-dien-post723497.html
2. Các nhà cung cấp ngành công nghiệp ô tô tại Đức vật lộn để tồn tại theo EV
Việc chuyển đổi sang ô tô chạy bằng pin đã tạo thêm thách thức cho mạng lưới các nhà cung cấp ô tô rộng khắp của Đức, vốn đang bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế, lạm phát và lãi suất tăng cao. Trong ba năm tính đến năm 2023, số lượng nhà cung cấp cấp một của Đức có hơn 20 nhân viên đã giảm từ dưới 700 xuống còn khoảng 615, với hơn 30.000 việc làm bị mất trong cùng thời kỳ. Một số công ty lớn nhất của Đức trong lĩnh vực này, chẳng hạn như Schaeffler và Continental trong những năm gần đây đã cảnh báo về việc hơn hàng chục nghìn người sẽ bị cắt giảm việc làm khi họ cố gắng tăng cường đầu tư vào các công nghệ trong tương lai.
Theo báo cáo của Lazard và công ty tư vấn Roland Berger, lợi nhuận của các nhà cung cấp ô tô truyền thống trên toàn cầu, một phân khúc mà các công ty Đức thống trị, đã giảm trung bình 3% trong 5 năm tính đến năm 2022. Theo báo cáo của Strategy&, các nhà cung cấp Đức vẫn nắm giữ 25% thị phần toàn cầu, nhưng con số này đã giảm 3 điểm phần trăm kể từ năm 2019, đồng thời chỉ ra rằng phần lớn đã bị mất vào tay các đối thủ châu Á.
Nguồn: https://vneconomy.vn/automotive/cac-nha-cung-cap-nganh-cong-nghiep-lon-nhat-chau-au-vat-lon-de-ton-tai-theo-ev.htm
3. TSMC dự báo tăng trưởng mạnh trở lại khi thị trường chip toàn cầu phục hồi
Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan TSMC dự báo sẽ tăng trưởng mạnh trở lại trong năm nay, với doanh thu dự kiến sẽ tăng tới 25% khi thị trường chip toàn cầu phục hồi nhờ nhu cầu mạnh mẽ về chất bán dẫn AI. Trong cả năm 2024, Giám đốc tài chính TSMC Wendell Huang cho biết vốn đầu tư dự kiến của công ty sẽ nằm trong khoảng từ 28 tỷ đến 32 tỷ USD, với 70% đến 80% được phân bổ cho công nghệ sản xuất chip tiên tiến, 10% đến 20% cho công nghệ đặc biệt và 10% cho khả năng đóng gói chip tiên tiến. Ngoài ra, TSMC vẫn tiếp tục phục vụ tất cả các nhà phát triển chip lớn trên toàn cầu, bao gồm Apple, Nvidia, Qualcomm, Broadcom và MediaTeki.
Các nhà phân tích cho biết trí tuệ nhân tạo và điện toán hiệu năng cao dự kiến sẽ trở thành chất xúc tác tăng trưởng quan trọng nhất của TSMC trong tương lai, thay thế chip truyền thông di động và điện thoại thông minh, vốn từng thống trị nhu cầu bán dẫn.
Nguồn: https://vneconomy.vn/tsmc-du-bao-tang-truong-manh-tro-lai-khi-thi-truong-chip-toan-cau-phuc-hoi.htm
4. Các công ty khởi nghiệp về robot vận chuyển tự động của Trung Quốc ‘ồ ạt’ xuất khẩu sang Nhật Bản
Liên đoàn Robot quốc tế (IFR) báo cáo rằng khoảng 550.000 robot công nghiệp mới đã được lắp đặt trên toàn thế giới vào năm 2022. Dữ liệu IFR cho thấy, số lượng robot do Trung Quốc chịu trách nhiệm sản xuất chiếm tới 52%. Các mẫu robot đa dạng, cộng với chi phí thấp hơn nhờ quy mô kinh tế mang lại cho Trung Quốc nhiều lợi thế. Cụ thể,  Công ty Syrius Robotics, có trụ sở tại Thâm Quyến, dự kiến sẽ cung cấp 3.000 robot vận chuyển hàng cho Nhật Bản mỗi năm trong vòng hai năm. Bên cạnh đó, không ít các công ty Trung Quốc tìm cách sản xuất robot ngay tại Nhật Bản. Công ty Libiao Robotics cho biết họ đã hoàn thành việc khảo sát các địa điểm ở Nhật Bản để xây dựng nhà máy. Công ty đặt mục tiêu có cơ sở hạ tầng sẵn sàng để đáp ứng nhanh chóng nhu cầu ở đây.
Libiao, do CEO Xia Huiling thành lập vào năm 2016, cung cấp một loạt robot di động nhỏ hỗ trợ việc phân loại. Khách hàng của Libiao bao gồm gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc JD.com. Tại Nhật Bản, hơn 4.500 robot của công ty làm việc trong các nhà kho của Uniqlo, nhà sản xuất mỹ phẩm Orbis và các khách hàng khác. Thêm một công ty Trung Quốc hoạt động tại đất nước mặt trời mọc là Quicktron. Công ty đã ra mắt robot di động tự động tại Nhật Bản vào tháng 9 năm ngoái. Các robot hoạt động theo cặp, trong đó một robot di chuyển các thùng theo chiều ngang trong nhà kho và robot còn lại nâng các thùng theo chiều dọc để đặt lên kệ.
Nguồn: https://vneconomy.vn/cac-cong-ty-khoi-nghiep-ve-robot-van-chuyen-tu-dong-cua-trung-quoc-o-at-xuat-khau-sang-nhat-ban.htm
5. Samsung giới thiệu nhẫn thông minh theo dõi sức khỏe
Samsung Electronics dự định tung ra thị trường cuối năm nay loại nhẫn thông minh có thể theo dõi sức khỏe người đeo suốt ngày đêm. Đây cũng là bước tiến mới của một hãng sản xuất smartphone lớn trên toàn cầu trong chiến lược đẩy mạnh hoạt động kinh doanh thiết bị chăm sóc sức khỏe di động. Samsung đã hé lộ những hình ảnh đầu tiên của Galaxy Ring tại sự kiện Samsung Unpacked ở San Jose, California tuần trước sau khi trình làng dòng diện thoại thông minh Galaxay S24 đầu tiên được trí tuệ nhân tạo hỗ trợ.
Nhà phân tích Liz Lee, Phó Giám đốc của hãng nghiên cứu Counterpoint Research, nói rằng Samsung đã khai thông cánh cửa cho thị trường nhẫn thông minh với sản phẩm mới mà bà cho rằng có thể ra mắt vào quí 3. Tuy nhiên, bà Lee cũng lưu ý rằng Samsung không phải là “người đi đầu” trong thị trường nhẫn thông minh như trên thị trường điện thoại gập. Công ty Oura của Phần Lan nói rằng loại nhẫn thông minh Oura Ring của họ đã bán được hơn 1 triệu chiếc trên toàn thế giới kể từ khi ra mắt. Bên cạnh đó, bà dự báo rằng các hãng Trung Quốc sẽ giới thiệu một số thiết bị mới trong năm nay. Thậm chí có thể Apple sẽ sớm làm vậy, bởi trước đây Apple đã đăng ký bằng sáng chế liên quan đến “hệ thống phát hiện tiếp xúc da”, được cho rằng có thể liên quan đến việc phát triển nhẫn thông minh.
Nguồn: https://bsamedia.vn/samsung-gioi-thieu-nhan-thong-minh-theo-doi-suc-khoe/
6. Hãng ô tô Kia điều chỉnh hoạt động tại Thái Lan
Theo các nguồn tin và quản lý cấp cao của Kia Corp., Kia có kế hoạch chính thức ra mắt công ty con ở Thái Lan vào ngày 31/1 tới. Công ty này sẽ phụ trách giám sát việc bán hàng, tiếp thị và dịch vụ khách hàng hậu mãi tại Thái Lan. Tuy nhiên, nhà sản xuất ô tô Hàn Quốc này được cho là đã tạm dừng kế hoạch thành lập một nhà máy sản xuất tại quốc gia Đông Nam Á, muốn có thêm thời gian xem xét tính khả thi về kinh doanh của kế hoạch này.
Ban đầu, Kia đã thúc đẩy và theo đuổi kế hoạch thành lập một nhà máy lắp ráp với công suất hàng năm khoảng 250.000 chiếc tại tỉnh Rayong, phía Đông Thái Lan. Hiện tại, đại diện Kia cho biết hãng sẽ xem xét lại kế hoạch trong bối cảnh “ môi trường đầu tư thay đổi”.
Nguồn: https://baomoi.com/hang-o-to-lon-thu-hai-han-quoc-dieu-chinh-hoat-dong-tai-thai-lan-r48119980.epi

Nhóm tin về liên kết, đầu tư, start-up, DN mới

1. Sony và Zee Entertainment chấm dứt thỏa thuận hợp nhất
Theo TechCrunch, trong tuyên bố ngày 22/1, Sony Pictures Networks India – công ty giải trí của tập đoàn Sony tại Ấn Độ chính thức chấm dứt thỏa thuận trị giá 10 tỷ USD mua lại Zee Entertainment sau 2 năm đàm phán. Sony Pictures Networks India – công ty giải trí của tập đoàn Sony tại Ấn Độ tỏ ra thất vọng khi Zee Entertainment đã không hoàn thành trách nhiệm của mình trong thương vụ này. Cả Sony Pictures Networks India và Zee đều không nêu rõ những điều kiện nào chưa được đáp ứng, nhưng việc chọn ra người lãnh đạo công ty sáp nhập nhiều khả năng khiến thương vụ đi vào “ngõ cụt”.
Sony Pictures Networks India đã yêu cầu Zee Entertainment bồi thường 90 triệu USD phí chấm dứt hợp đồng với cáo buộc vi phạm thỏa thuận sáp nhập. Về phía Zee Entertainment sẽ có hành động pháp lý chống lại cáo buộc này của Sony Pictures Networks India.
Nguồn: https://mekongasean.vn/sony-va-zee-entertainment-cham-dut-thoa-thuan-hop-nhat-post31220.html
2. Goertek rót 280 triệu USD mở cơ sở sản xuất ở Việt Nam
Theo thông tin do Goertek chia sẻ, doanh nghiệp này đang có nhu cầu mở rộng kinh doanh và hoạt động lâu dài ở khu vực Đông Nam Á. Để đáp ứng kế hoạch trên, Goertek dự kiến sẽ đầu tư 280 triệu USD để thành lập một công ty tại Việt Nam. Công ty tại Việt Nam của Goertek dự kiến sẽ sản xuất các sản phẩm điện tử tiêu dùng, từ đồng hồ thông minh đến các thiết bị thực tế ảo và thực tế tăng cường. Đây là một dự án không chỉ đáp ứng nhu cầu của khách hàng, mà còn đảm bảo kế hoạch phát triển trong tương lai của nhà lắp ráp Trung Quốc, theo hồ sơ doanh nghiệp trình lên Sở giao dịch chứng khoán Thâm Quyến.
Goertek đang lên kế hoạch đặt trụ sở công ty con ở Việt Nam tại Bắc Ninh. Chiến lược của Goertek được đưa ra khi các nhà cung cấp lớn của Apple đều đang có động thái dịch chuyển cơ sở sang các quốc gia khác với mục đích giảm phụ thuộc vào Trung Quốc. Báo cáo của AppleInsider cho thấy các nhà cung cấp của “táo khuyết” đã rót tới 16 tỷ USD chuyển cơ sở sang Ấn Độ, Việt Nam, Mexico và Mỹ để hạn chế sự phụ thuộc vào Trung Quốc.
Nguồn: https://vietnamfinance.vn/goertek-rot-280-trieu-usd-mo-co-so-san-xuat-o-viet-nam-20180504224294326.htm
3. Bệnh viện FV gia nhập Thomson Medical Group
Ngày 17/1, Bệnh viện FV tổ chức công bố ‘FV là thành viên của Tập đoàn Y tế Thomson’. Đây là thương vụ mua bán – sáp nhập (M&A) lớn trong lĩnh vực y tế, với trị giá hơn 9.000 tỉ đồng (hơn 381 triệu USD) giữa Thomson Medical Group và Bệnh viện FV.
Ông Kiat Lim, Phó chủ tịch điều hành Tập đoàn Y tế Thomson cho biết: “Việc mua lại Bệnh viện FV giúp mở rộng sự hiện diện của tập đoàn tại ba khu vực địa lý quan trọng nhất trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe của Đông Nam Á, giúp tiếp cận một thị trường đang phát triển và nguồn nhân tài dồi dào, đồng thời tạo ra những bước tiến quan trọng vào các quốc gia láng giềng như Campuchia, Lào và Myanmar.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/benh-vien-fv-gia-nhap-thomson-medical-group-2241007.html
BSAi