Mỹ cho Bitcoin lên sàn

Nhóm tin về ngành bán lẻ – thương mại điện tử

1. Người tiêu dùng Nhật Bản tiếp tục cắt giảm chi tiêu
Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản công bố số liệu cho thấy chi tiêu hộ gia đình của nước này trong tháng 11/2023 đã giảm 2,9% so với cùng kỳ năm trước và giảm tháng thứ chín liên tiếp, khi người tiêu dùng tiếp tục cắt giảm chi tiêu giữa lúc giá cả ngày càng tăng. Bộ trên cho biết những hộ gia đình có từ hai nhân khẩu trở lên đã chi trung bình 286.922 yen (1.990 USD). Con số trên giảm nhiều hơn so với mức giảm 2,5% trong tháng 10/2023.
Xét theo danh mục, chi tiêu cho thực phẩm, vốn chiếm phần lớn nhất trong ngân sách hộ gia đình, khoảng 30%, đã giảm 1,2% trong tháng giảm thứ 14 liên tiếp do người dân chi tiêu ít hơn cho rau, rong biển và trái cây. Các hộ gia đình cũng cắt giảm 11% chi tiêu cho giáo dục, chuyển trẻ em từ các trường luyện thi sang dạy kèm trực tuyến với chi phí tương đối phải chăng. Số liệu chi tiêu hộ gia đình là chỉ số chính về tiêu dùng cá nhân, chiếm hơn 50% Tổng sản phẩm quốc nội của đất nước.
Nguồn: https://bnews.vn/nguoi-tieu-dung-nhat-ban-tiep-tuc-cat-giam-chi-tieu/321087.html#google_vignette
2. Doanh nhân đề xuất giảm thuế, chuyển thành voucher cho dân mua sắm
Mùa mua sắm Tết dần sôi động, doanh nghiệp đặt cược và dồn lực vào “trận đánh” quan trọng với quyết tâm phải thắng. Nếu sức mua tăng, nhà nhà đón Tết vui vẻ, doanh nghiệp có cơ hội cầm cự chờ trời sáng. Nhưng sau Tết thị trường lại trầm lắng, sức mua chỉ dồn vào mặt hàng thiết yếu, chẳng lẽ doanh nghiệp lại lay lắt? Vì vậy, nhiều doanh nhân mong muốn Nhà nước nên giảm thuế thu nhập cá nhân cho hàng triệu người, nhưng không giảm tiền thuế phải nộp mà giảm qua… voucher (phiếu mua hàng, phiếu tặng quà).
Được giảm thuế thu nhập cá nhân bằng voucher sẽ là niềm vui cho mọi người, mọi doanh nghiệp. Khi tất cả cùng hưng phấn, nền kinh tế có thêm sức cầu mới, mua sắm nhộn nhịp bù vào sức mua do xuất khẩu giảm, GDP sẽ tăng thêm… Giải pháp giảm thuế, rót tiền vào tài khoản cho người dân mua sắm để kích cầu tiêu dùng đã được nhiều nước thực hiện. Nhưng cách này làm cho có một lượng tiền lại nằm trong túi người dân mà không dùng vào mua sắm, không tham gia “vòng tuần hoàn” kinh tế. Còn khi giảm thuế bằng voucher, toàn bộ tiền giảm sẽ chạy ra thị trường để tiêu thụ hàng hóa, đó là viễn cảnh “trên cả tuyệt vời” cho doanh nghiệp.
Nguồn: https://tuoitre.vn/giam-thue-tang-voucher-cho-dan-mua-sam-20240114085239438.htm
3. Giỏ quà nước mắm truyền thống Phú Quốc đắt hàng dịp Tết
Ông Phạm Huỳnh Quốc Thanh – phó chủ tịch Hội Nước mắm Phú Quốc, giám đốc Hợp tác xã thực phẩm Phú Quốc G10 – cho hay ngoài bán nước mắm nguyên liệu thô, ông Thanh cũng như nhiều nhà thùng ở Phú Quốc linh hoạt chuyển sang hình thức đóng chai nước mắm để bán cho du khách, người tiêu dùng trong và ngoài nước. Tết này nhiều nhà thùng chuyển sang hình thức gói giỏ quà đẹp, bắt mắt và sang trọng. Các giỏ quà dạng này được khách hàng đặt mua khá nhiều trong thời gian qua và có khả năng tăng thêm trong thời gian tới.
Hội Nước mắm Phú Quốc cho biết Phú Quốc hiện có khoảng 50 thành viên (nhà thùng) với khoảng 7.000 thùng ủ chượp để làm nước mắm truyền thống. Mỗi thùng có sức chứa 12-15 tấn cá và sản lượng sản xuất nước mắm đạt 20-30 triệu lít nước mắm/năm (nước mắm đạt 25 độ đạm trở lên). Đặc biệt, cận Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, các nhà thùng nhộn nhịp gói giỏ quà nước mắm và một số loại gia vị đặc trưng ở đảo ngọc để xuất bán cho khách hàng, với giá dao động 400.000 – 700.000 đồng/giỏ (tùy loại).
.Nguồn: https://tuoitre.vn/gio-qua-nuoc-mam-truyen-thong-phu-quoc-dat-hang-dip-tet-20240113145523689.htm
4. TVV Việt Nam chính thức phân phối các sản phẩm của Jack N’ Jill tại Việt Nam
Với mục tiêu giới thiệu sản phẩm chất lượng từ thương hiệu Jack N’ Jill một thương hiệu kem đánh răng cho bé nổi tiếng của (Úc), tới người tiêu dùng Việt Nam. Mới đây Công ty TVV Việt Nam và Jack N’ Jill đã ký kết thỏa thuận hợp tác phân phối độc quyền, chính hãng giữa TVV Việt Nam và thương hiệu Jack N’ Jill.
Theo đó, Jack N’ Jill sẽ cung cấp các sản phẩm như kem đánh răng, bàn chải đánh răng Jack N’ Jill organic, sữa tắm Jack N’ Jill Blissful Bubbles, dầu gội đầu, sữa tắm cho trẻ em Jack N’ Jill, dầu xả, kem dưỡng ẩm cho trẻ em Jack N’ Jill Baby Lotion, gel mọc răng, khăn lau răng trẻ em, kẹo nhai canxi sạch răng Jack N’ Jill Tooth Sparkles,… cho TVV Việt Nam phân phối độc quyền tại thị trường Việt Nam. Các sản phẩm này Jack N’ Jill cam kết đều được chiết xuất hoàn toàn từ thiên nhiên, an toàn và lành tính cho trẻ em khi sử dụng.
Nguồn: https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/tvv-viet-nam-chinh-thuc-phan-phoi-cac-san-pham-cua-jack-n-jill-tai-viet-nam-116035.htm
5. Những xu hướng kinh doanh chiếm lĩnh mạng xã hội 2024
Dựa trên dữ liệu nghiên cứu của mình, Hãng Meta vừa đưa ra các xu hướng mua sắm, tiêu dùng mà bất kỳ ai thường xuyên tham gia thương mại điện tử nên lưu ý cho năm 2024.
  • Sự phát triển của thế hệ Gen Z
  • Nền kinh tế độc thân
  • Trí tuệ nhân tạo (AI)
  • Kinh doanh hội thoại
  • Video ngắn
Nguồn: https://tuoitre.vn/xu-huong-kinh-doanh-nao-chiem-linh-mang-xa-hoi-2024-202401151328494.htm
6. Không đủ sức cầm cự, nhà kinh doanh từ bỏ mùa cao điểm bán hàng
Người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu cùng với sự phát triển mạnh mẽ của kênh bán hàng online khiến nhiều chủ cửa hàng trên các tuyến phố khó cạnh tranh. Tình hình thị trường trầm lắng, kinh doanh thua lỗ dẫn đến chủ cửa hàng, doanh nghiệp trả mặt bằng, rút khỏi thương trường đang cho thấy tiếp tục diễn ra ở diện rộng. Ngay cả nằm ở những vị trí đắc địa, dân cư đông đúc và từng có hoạt động mua bán sầm uất, thế nhưng dịp cuối năm, hàng loạt mặt bằng tại các tuyến phố kinh doanh của TPHCM vẫn treo biển cho thuê, thậm chí là chào mời khách mua nhà.
Nguyên nhân nhà phố ế ẩm xuất phát từ hiệu quả kinh doanh nhà phố giảm do thay đổi trong hành vi người dùng và cạnh tranh từ trung tâm thương mại (TTTM). Hơn nữa, những năm gần đây thói quen mua sắm trực tuyến tăng nhanh. Trong khi đó, giá cho thuê nhà phố vẫn neo ở mức cao, đặc biệt là khu vực trung tâm và không có xu hướng điều chỉnh giảm giá. Được biết, tại Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ…, tình trạng ế ẩm kéo dài cũng đang bao trùm thị trường mặt bằng bán lẻ tại nhiều tuyến phố trung tâm.
Nguồn: https://thesaigontimes.vn/khong-du-suc-cam-cu-nha-kinh-doanh-tu-bo-mua-cao-diem-ban-hang/

Nhóm tin về ngành thực phẩm – ẩm thực

1. Hai doanh nghiệp bia rượu cùng báo lỗ quý cuối năm
Nhiều doanh nghiệp ngành bia báo lãi giảm sâu trong quý 3-2023 do cầu yếu, giá nguyên liệu tăng cao. Báo cáo tài chính quý 4-2023 vừa công bố cho thấy Công ty cổ phần Bia Hà Nội – Hải Dương (HAD) vừa trải qua kỳ kinh doanh không mấy thuận lợi. Quý 4 này, doanh thu thuần của HAD đạt 26,8 tỉ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, kỳ này giá vốn “đội” lên, đạt gần 25 tỉ đồng, tức tăng 28% so với quý 4-2022. Bởi vậy lợi nhuận gộp thu hẹp, chỉ còn gần 2 tỉ đồng, giảm 47%. Cả năm 2023, lợi nhuận gộp của HAD chỉ đạt 35 tỉ đồng, giảm khoảng 17%. Ngoài giá vốn, chi phí bán hàng cũng có xu hướng tăng lên. Quý 4-2023, HAD báo lỗ hơn 1,2 tỉ đồng trong khi cùng kỳ vẫn lãi. Cả năm 2023, công ty ghi nhận lãi sau thuế 6 tỉ đồng, giảm gần 43% so với năm trước.
Nằm trong nhóm doanh nghiệp đồ uống trên sàn UpCOM, Công ty cổ phần Rượu và Nước giải khát Hà Nội (Halico) – chủ thương hiệu Vodka Hà Nội – còn miệt mài báo lỗ tới hàng chục quý. Theo báo cáo tài chính quý 4-2023, Halico ghi nhận lợi nhuận sau thuế âm 4,2 tỉ đồng. Kỳ này, Halico đạt doanh thu thuần hơn 32 tỉ đồng, giảm 6% so với cùng kỳ. Tính chung cả năm 2023, doanh thu Halico đạt 100 tỉ đồng, giảm hơn 12% so với 2022, lỗ ròng gần 10 tỉ đồng. Dù đã giảm phần nào so với số lỗ 13 tỉ đồng cùng kỳ năm trước, nhưng hệ quả một thời gian dài thua lỗ khiến Halico vẫn đau đầu với khoản lỗ lũy kế hơn 457 tỉ đồng.
Nguồn: https://tuoitre.vn/hai-doanh-nghiep-bia-ruou-cung-bao-lo-quy-cuoi-nam-20240116104929114.htm

Nhóm tin về nông nghiệp – thủy sản – chăn nuôi

1. WTO kỳ vọng sớm đạt được thỏa thuận về trợ cấp nghề cá
164 thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã bắt đầu một tháng đàm phán trong tuần này tại trụ sở của tổ chức thương mại toàn cầu này ở Geneva, Thụy Sỹ. Người chủ trì các cuộc đàm phán về nghề cá của WTO, Đại sứ Iceland Einar Gunnarsson, bày tỏ sự lạc quan về việc đạt được thỏa thuận hạn chế trợ cấp do tình trạng dư thừa công suất, đánh bắt quá mức. Ông cũng cho biết các nước đã đồng ý đàm phán trên cơ sở văn bản dự thảo mà ông đưa ra hồi tháng 12/2023. Văn bản dự thảo này nhằm giúp các thành viên đạt được thỏa thuận về cái gọi là “văn bản sơ bộ” để trình lên các bộ trưởng ở Abu Dhabi.
Tại hội nghị bộ trưởng trước đây của WTO tại trụ sở Geneva trong tháng 6/2022, các nước đã đạt được thỏa thuận đầu tiên về trợ cấp đánh bắt cá. Thỏa thuận này cấm các khoản trợ cấp cho hoạt động đánh bắt cá trái phép, không được báo cáo hoặc không được kiểm soát, hoặc trữ lượng bị đánh bắt quá mức, nhưng nó không ngăn cản việc cấm các khoản trợ cấp góp phần gây ra tình trạng đánh bắt quá mức ở phạm vi rộng hơn. Thỏa thuận này cũng cấm trợ cấp cho việc đánh bắt cá ở những vùng biển xa không được kiểm soát.
Để thỏa thuận năm 2022 được thực thi, khoảng 70% trong số 164 thành viên của WTO phải nộp “văn bản chấp nhận” cho tổ chức này. Cho đến nay, 55 thành viên đã nộp văn bản nêu trên, trong đó có Liên minh châu Âu, Trung Quốc, Mỹ, Canada, Australia và Chile.
Nguồn: https://bnews.vn/wto-ky-vong-som-dat-duoc-thoa-thuan-ve-tro-cap-nghe-ca/321388.html
2. Chuối xuất khẩu lại dội chợ
Sau 2 năm người trồng chuối thắng lớn, đến nay lại có hiện tượng chuối xuất khẩu phải đổ ra lề đường vì Trung Quốc giảm mua. Những ngày gần đây, thị trường TP.HCM lại xuất hiện nhiều điểm bán chuối vỉa hè với số lượng lớn với giá chỉ 6.000 đồng/kg. Trong 2 năm 2022 và 2023, hầu như không có tình trạng này vì chuối được xuất khẩu rất tốt. Các tiểu thương cho biết chuối được mua từ nhà vườn ở Đồng Nai – vùng chuyên canh chuối xuất khẩu. Hầu hết chuối được bán có kích cỡ lớn và quả còn xanh và lượng tiêu thụ khá chậm.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho hay năm nay, mùa đông của Trung Quốc đến trễ nên chuối nội địa Trung Quốc vẫn có, không tăng nhập nhiều như các năm. “Trung Quốc là thị trường tiêu thụ chính của chuối nhưng tại đây cung đang vượt cầu, giá giảm sâu. Tình hình này, dự báo việc tiêu thụ chuối sẽ còn khó khăn trong 1-2 tháng tới” – ông Nguyên nói.
Nguồn: https://nld.com.vn/chuoi-xuat-khau-lai-doi-cho-do-ra-le-duong-196240114112521284.htm
3. Người chăn nuôi khổ vì dịch tả heo châu Phi
Bệnh dịch tả heo châu Phi đang xuất hiện tại nhiều tỉnh thành Nam Bộ những tháng cuối năm 2023. Theo báo cáo của Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), năm 2023 cả nước đã xảy ra 714 ổ dịch tả heo châu Phi tại 45 tỉnh, TP, buộc tiêu hủy khoảng 34.500 con. So với cùng kỳ năm trước, số ổ dịch và số heo bị tiêu hủy giảm một nửa. Theo Cục Thú y, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến dịch bệnh lây lan, dây dưa, kéo dài trong thời gian vừa qua là do việc chăn nuôi chủ yếu nhỏ lẻ, không đảm bảo về khoảng cách, điều kiện an toàn sinh học, chủ vật nuôi không chủ động khai báo hoạt động chăn nuôi đến chính quyền địa phương.
Cục Thú y cảnh báo nguy cơ bệnh dịch tả heo châu Phi tái phát và lây lan diện rộng trong thời gian tới rất cao. “Bộ NN&PTNT đã có văn bản cho phép sử dụng vắc xin dịch tả heo châu Phi trên phạm vi toàn quốc từ tháng 7-2023, nhưng số lượng sử dụng còn hạn chế do một số địa phương, người chăn nuôi chưa thực sự quan tâm, còn tâm lý e ngại, lo lắng về hiệu quả của vắc xin nên chưa tiêm phòng cho đàn heo” – Cục Thú y nhấn mạnh.
Nguồn: https://tuoitre.vn/nguoi-chan-nuoi-kho-vi-dich-ta-heo-chau-phi-20240115074653711.htm
4. Mặc kệ cam kết, nhiều nông dân ồ ạt bẻ kèo bán sạch lúa cho thương lái
Không chỉ lúa được sản xuất thông thường mà ngay cả những mô hình lúa hữu cơ đạt chứng nhận quốc tế, được doanh nghiệp đầu tư giống, phân bón nhưng nông dân vẫn bẻ kèo đem bán lúa cho các thương lái với giá cao hơn. Đó là hiện tượng đang diễn ra trong mùa vụ thu hoạch lúa đông xuân, trong đó có ST24 và ST25, tại ĐBSCL. Nhiều doanh nghiệp bức xúc cho biết sẽ không bao giờ hợp tác, bao tiêu lúa với những nông dân không giữ uy tín, ham lợi trước mắt mà phá bỏ cam kết với doanh nghiệp.
Theo ghi nhận, chênh lệch giá giữa thương lái và hợp đồng của doanh nghiệp chỉ từ 500 – 1.000 đồng/kg. Nhiều doanh nghiệp cho biết khi giá lúa biến động, doanh nghiệp điều chỉnh ngay, đảm bảo hài hòa lợi ích đôi bên nhưng nhiều nông dân đã bẻ kèo. Các doanh nghiệp cho biết những thương lái thu mua lúa kiểu phá đám này lâu lâu mới xuất hiện, mua một vài ghe rồi biệt tăm, không quay trở lại nữa.
Nguồn: https://tuoitre.vn/mac-ke-cam-ket-nhieu-nong-dan-o-at-be-keo-ban-sach-lua-cho-thuong-lai-20240111225625496.htm
5. Thấp thỏm vụ hoa Tết
Các làng hoa ở Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu đang tất bật công việc bón phân, tưới nước, làm cỏ và tìm đầu ra cho vụ hoa tết năm 2024. Dù giảm diện tích trồng hoa nhưng nhiều nhà vườn vẫn lo lắng bị ế hàng vì kinh tế khó khăn, người dân chắt bóp chi tiêu, thị trường thu hẹp dần. Anh Ngô Hồng Khánh có hơn 20 năm kinh nghiệm trồng hoa cho biết, trước đây các hộ trồng đa dạng loại hoa hơn, năm nay số lượng trồng giảm khoảng 20%-30% và chỉ trồng một số loại như tulip, mồng gà, vạn thọ, cúc… để bán cho khách hàng truyền thống…
Còn tại xã Láng Lớn (huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) có khoảng 50 hộ trồng hoa tết với diện tích khoảng gần 30ha, dự kiến sẽ bán ra thị trường khoảng 200.000 chậu hoa các loại. Người trồng hoa ở đây cũng đang thấp thỏm âu lo vì thị trường tiêu thụ nhận định khá ảm đạm.
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/dong-nam-bo-thap-thom-vu-hoa-tet-post722883.html

Nhóm tin về thị trường xuất nhập khẩu

1. Xuất khẩu cà phê của Ấn Độ dự kiến tăng mạnh trong năm 2024
Sản lượng cà phê xuất khẩu của Ấn Độ dự báo tăng tới 10% trong năm 2024, nhờ giá cà phê thế giới tăng mạnh khiến các nhà buôn châu Âu sẵn sàng trả mức giá cao hơn để tăng lượng nhập khẩu từ nước này. Cà phê Ấn Độ thường có giá cao hơn giá chuẩn toàn cầu do được trồng dưới bóng râm, hái bằng tay và phơi nắng. Tuy nhiên, các nhà xuất khẩu cho biết năm nay, mức giá cao hơn bình thường do sản lượng giảm.
Hội đồng Cà phê Ấn Độ ước tính sản lượng cà phê của nước này có thể tăng lên 374.200 tấn trong niên vụ 2023/24, bắt đầu từ ngày 1/10, so với 352.000 tấn của niên vụ trước. Ấn Độ xuất khẩu ba phần tư sản lượng, chủ yếu đến Italy, Đức và Bỉ. Ông Ramesh Rajah, Chủ tịch Hiệp hội xuất khẩu cà phê Ấn Độ cho biết nhu cầu đối với cà phê Ấn Độ, đặc biệt là hạt robusta, đang rất mạnh do giá cà phê thế giới tăng cao.
Nguồn: https://bnews.vn/xuat-khau-ca-phe-cua-an-do-du-kien-tang-manh-trong-nam-2024/320903.html
2. Hàn Quốc hỗ trợ kho bãi cho các nhà xuất khẩu do căng thẳng tại Biển Đỏ
àn Quốc vừa có kế hoạch cung cấp thêm chỗ để hàng cho các nhà xuất khẩu địa phương và đảm bảo có thêm bãi chứa, giải quyết mối lo ngại ngày càng gia tăng do gián đoạn vận chuyển kéo dài ở Biển Đỏ. Bộ Đại dương Hàn Quốc ra thông báo này sau khi xảy ra những xung đột căng thẳng gần đây dẫn đến thời gian vận chuyển lâu hơn và chi phí vận chuyển hàng hóa tăng.
Thứ trưởng Bộ Đại dương Hàn Quốc, Song Myeong-dal, nhận định không thể loại trừ khả năng xảy ra sự gián đoạn du lịch khi những xung đột từ Biển Đỏ lan rộng sang các khu vực khác ở Trung Đông. Ông cũng cho biết thêm: “Để giảm thiểu tác động đối với hoạt động xuất nhập khẩu của Hàn Quốc, chúng tôi có kế hoạch chủ động cung cấp chỗ vận chuyển hàng hóa cho các hãng vận tải và người gửi hàng trong nước”. Hàn Quốc cũng sẽ cung cấp các tàu phục vụ cho xuất khẩu ô tô, đồng thời cung cấp thêm bãi chứa hàng vì lĩnh vực này dự kiến sẽ phải chịu ảnh hưởng lớn nhất.
Nguồn: https://bnews.vn/han-quoc-ho-tro-kho-bai-cho-cac-nha-xuat-khau-do-cang-thang-tai-bien-do/320780.html
3. Trung Quốc dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu thịt lợn Bỉ
Trung Quốc đã dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu đối với thịt lợn Bỉ. Đây là một trong những kết quả chuyến thăm tới Bắc Kinh tuần qua của Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo và Bộ trưởng Ngoại giao Hadja Lahbib. Lệnh cấm vận này được ban hành sau khi dịch tả lợn châu Phi ảnh hưởng đến miền Nam Trung Quốc vào năm 2018 cản trở đáng kể hoạt động xuất khẩu của ngành thịt lợn của Bỉ, trong đó Trung Quốc chiếm một nửa sản lượng thịt sản xuất và tiêu thụ trên thế giới.
Việc dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu sẽ cho phép nối lại quá trình đã bắt đầu từ 7 năm trước. Năm 2016, sau chuyến thăm Brussels, giới chức Trung Quốc đã cho phép Bỉ xuất khẩu thịt lợn vào quốc gia này. Lĩnh vực chăn nuôi lợn ở Bỉ tạo ra khoảng 7.000 việc làm, chưa kể 4.000 việc tại các trang trại chăn nuôi lợn, chủ yếu ở vùng Flanders. Khoảng 7% lượng xuất khẩu thịt lợn của Bỉ là bên ngoài Liên minh châu Âu (EU).
Nguồn: https://bnews.vn/trung-quoc-do-bo-lenh-cam-nhap-khau-thit-lon-bi/321263.html
4. Giá gạo thế giới bất ngờ hạ nhiệt
Thông tin cập nhật từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá gạo 25% tấm giảm 5 USD xuống còn 625 USD/ tấn. Cùng phân khúc này, gạo của Thái Lan giảm tới 11 USD xuống còn 578 USD/ tấn, thấp hơn gạo Việt Nam 47 USD. Trong khi đó, gạo Pakistan tăng 32 USD lên 545 USD/ tấn. Đối với gạo tiêu chuẩn 5% tấm, gạo Việt Nam duy trì giá cũ là 653 USD/ tấn. Trong khi đó, gạo Thái Lan giảm 14 USD xuống còn 639 USD/ tấn. Gạo Pakistan giảm 3 USD xuống 590 USD/tấn.
Giải thích về sự hạ nhiệt của thị trường gạo thế giới, một số thương nhân xuất khẩu gạo cho biết, do trong những ngày đầu năm thị trường giao dịch kém bởi nhiều người vẫn còn nghỉ Tết Dương lịch. Bên cạnh đó, giai đoạn cuối năm 2023, giá gạo Thái Lan được đẩy lên cao cùng mức với Việt Nam khiến những nguồn cung khác như Myanmar, Campuchia… được lợi.
Nguồn: https://thanhnien.vn/gia-gao-the-gioi-bat-ngo-ha-nhiet-vi-sao-185240111062359439.htm
5. Xuất khẩu chè Việt Nam thấp nhất 7 năm
Theo số số liệu mới nhất từ Hải quan Việt Nam, năm 2023, xuất khẩu chè Việt Nam đạt 121.000 tấn, trị giá 211 triệu USD, lần lượt giảm 17% và 11% so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, 2023 là năm có sản lượng xuất khẩu thấp nhất 7 năm. Giá chè xuất khẩu bình quân năm ngoái đạt 1.737 USD một tấn, tăng hơn 7% so với năm 2022, nhưng mức giá này mới chỉ bằng 67% so giá chè xuất khẩu bình quân trên thế giới. Giá chè xuất khẩu bình quân toàn cầu năm 2023 đạt 2.600 USD một tấn.
Theo Cục Chất lượng Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), nguyên nhân khiến hoạt động xuất khẩu chè của Việt Nam giảm mạnh do nhu cầu thế giới yếu và các quy định nhập khẩu ngày càng khắt khe tại các thị trường chính. Bên cạnh đó, chủng loại chè xuất khẩu của Việt Nam đa phần ở dạng thô, hàm lượng chế biến thấp.
Nguồn: https://vnexpress.net/xuat-khau-che-viet-nam-thap-nhat-7-nam-4700541.html
6. Xuất khẩu ớt tăng đột biến
Theo số liệu vừa được Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam công bố, năm 2023, xuất khẩu ớt đạt 20 triệu USD, tương đương 10.173 tấn, tăng 107% so với năm trước đó. Trung Quốc và Lào là 2 thị trường xuất khẩu chính của quả ớt Việt Nam, lần lượt đạt hơn 8.600 tấn và 1.100 tấn, chiếm 85% và 10,9% thị phần.
Hai năm trở lại đây, Việt Nam được xuất khẩu ớt chính ngạch sang Trung Quốc giúp kim ngạch quả này tăng vọt. Giá ớt bán ra cũng tốt hơn nhiều so với năm 2022, giúp nông dân có lợi nhuận ổn định. Trung bình, mỗi sào trồng ớt sẽ cho thu hoạch trên 1 tấn quả một năm. Với giá bán 8.000-12.000 đồng một kg, nông dân sẽ thu 8-15 triệu đồng mỗi sào, còn với mức giá 30.000-40.000 đồng, họ có doanh thu 30-50 triệu đồng.
Nguồn: https://vnexpress.net/xuat-khau-ot-tang-dot-bien-4701072.html
7. Cảnh báo doanh nghiệp cẩn trọng khi xuất khẩu sang Tây Ban Nha
Thương vụ Việt Nam tại Tây Ban Nha vừa đưa ra cảnh báo đối với các doanh nghiệp Việt Nam về việc cẩn trọng khi ký kết hợp đồng xuất khẩu với đối tác Tây Ban Nha. Điều này xuất phát từ những vấn đề gần đây liên quan đến việc thanh toán chậm trễ từ phía Công ty Isasa Siglo XXI, một doanh nghiệp của Tây Ban Nha, trong giao dịch mua bán hạt điều và hạt tiêu từ Việt Nam. Công ty Isasa Siglo XXI, có trụ sở tại Malaga, Tây Ban Nha, đã viện dẫn lý do chất lượng hàng hóa không đạt yêu cầu hoặc giá cả thị trường giảm để trì hoãn thanh toán. Hành động này đã gây ra khó khăn và tổn thất cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam, buộc một số phải thu hồi hàng hóa đã xuất khẩu.
Trước tình hình này, Thương vụ Việt Nam tại Tây Ban Nha khuyến cáo các doanh nghiệp nên thận trọng và tăng cường phối hợp với Thương vụ để xác minh thông tin về đối tác trước khi thực hiện ký kết hợp đồng. Đồng thời, nhấn mạnh việc nắm rõ các quy định và chính sách mới của Tây Ban Nha để có kế hoạch xuất khẩu hiệu quả.
Nguồn: https://petrotimes.vn/canh-bao-doanh-nghiep-can-trong-khi-xuat-khau-sang-tay-ban-nha-704034.html

Nhóm tin về ngành dịch vụ

1. Công ty vận tải khổng lồ COSCO Trung Quốc mua lại công ty logisgtics Italy
COSCOS, liên doanh giữa hãng vận tải khổng lồ COSCO Shipping của Trung Quốc và tập đoàn vận tải Italy Fratelli Cosulich, đã mua lại công ty logistics Trasgo, có trụ sở tại thành phố Novara. Phát biểu về thương vụ mua lại này, bà Anna Ida Russo, Giám đốc điều hành của Trasgo cho biết rằng mục tiêu hàng đầu của công ty luôn là sự phát triển, một sự tăng trưởng thận trọng để không làm sai lệch các nguyên tắc và giá trị luôn định hướng công việc của doanh nghiệp là hướng tới nhân viên, khách hàng và nhà cung cấp.
Công ty Trasgo có vị trí quan trọng trên thế giới trong lĩnh vực hậu cần tích hợp, cung cấp nhiều loại dịch vụ như vận chuyển, kho bãi, hoạt động hải quan, xử lý hàng hóa, hậu cần hội chợ thương mại và quản lý kho hàng trực tiếp tại cơ sở của khách hàng. Hiện tại, công ty Trasgo có 14 cơ sở kho bãi, có diện tích gần 300.000 m2, được hỗ trợ bởi đội xe hơn 320 xe tải và các đơn vị xử lý hàng hóa.
Nguồn: https://bnews.vn/cong-ty-van-tai-khong-lo-cosco-trung-quoc-mua-lai-cong-ty-logisgtics-italy/321144.html
2. Hàn Quốc mở dịch vụ cho thuê miễn phí trang phục phỏng vấn xin việc
Sáng kiến cho thuê trang phục được chính quyền Thủ đô Seoul khởi xướng vào năm 2016 nhằm mục đích giảm bớt sức ép tài chính cho những người tìm việc trẻ bằng cách cung cấp dịch vụ cho thuê trang phục miễn phí để tham gia các cuộc phỏng vấn. Dịch vụ này dành cho bất kỳ ai cư trú tại Seoul, từ học sinh tốt nghiệp trung học đến người trưởng thành 39 tuổi. Khách hàng có thể thuê quần áo, bao gồm cà vạt, thắt lưng và giày trong 4 ngày, với tối đa 10 lần một năm.
Để tăng cường phạm vi tiếp cận với người dân, chính quyền thành phố đã mở 3 cơ sở mới ở Cheonho-dong, quận Yeongdeungpo và quận Nowon vào năm 2023, cũng như có kế hoạch mở một chi nhánh khác ở quận Jongno trong năm 2024, nâng số lượng cửa hàng lên 14. Sáng kiến này đã khiến giới trẻ vô cùng yêu thích. 98,6% người dùng tỏ ý hài lòng với dịch vụ trong một cuộc khảo sát do chính quyền thành phố thực hiện. Số lượng khách hàng tìm đến dịch vụ này không ngừng tăng lên, đạt mức cao nhất mọi thời đại vào năm ngoái, đánh dấu 55.114 người dùng. Con số này đã tăng gần 14 lần so với con số 4.032 người dùng ban đầu vào năm 2016.
Nguồn: https://baotintuc.vn/chuyen-la-the-gioi/han-quoc-mo-dich-vu-cho-thue-mien-phi-trang-phuc-phong-van-xin-viec-20240116155403752.htm

Nhóm tin về ngành thời trang – làm đẹp

1. Thị trường mỹ phẩm Việt Nam còn nhiều dư địa để phát triển
Tại Việt Nam, ngành làm đẹp đã chứng kiến sự phát triển vượt bậc trong những năm gần đây, trở thành phân ngành phát triển nhanh nhất trong nhóm hàng tiêu dùng nhanh. Trong một cuộc khảo sát được Q&Me thực hiện với sự tham gia của 353 người ở độ tuổi từ 25 đến 45 tại Tp.HCM, Hà Nội và Đà Nẵng cho thấy, có tới 95% số người tham gia khảo sát sử dụng các sản phẩm chăm sóc sắc đẹp ít nhất một lần/tuần. Trong số này, có 62% sử dụng ít nhất hai lần/tuần. Điều này chỉ ra rằng nhu cầu mua sắm các sản phẩm mỹ phẩm và chăm sóc sắc đẹp ngày càng tăng tại Việt Nam.
Tỉ lệ tăng trưởng kép (CAGR) của thị trường bán lẻ mỹ phẩm Việt giai đoạn 2023 – 2027 ước đạt 3,32%. Trong khi đó, theo Mintel, công ty nghiên cứu thị trường toàn cầu, thị trường mỹ phẩm Việt Nam đang có giá trị khoảng 2,3 tỷ USD. Trong đó, các sản phẩm chăm sóc da được ưa chuộng nhất, với hơn 60% người tiêu dùng sử dụng mỗi ngày. Các báo cáo cũng chỉ ra rằng Gen Z (những người sinh ra trong giai đoạn 1997 – 2012) lớn lên trong thời kỳ internet bùng nổ, dễ bị ảnh hưởng bởi các quảng cáo trực tuyến, sẽ là động lực thúc đẩy tăng trưởng cho thị trường bán lẻ mỹ phẩm Việt trong những năm tiếp theo.
Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/thi-truong-my-pham-viet-nam-con-nhieu-du-dia-de-phat-trien-a645639.html

Nhóm tin về ngành du lịch

1. Du lịch Nhật Bản muốn hút người Việt giàu
Sự gia tăng số lượng người giàu và xu hướng chi tiêu khi đi du lịch Nhật Bản của người Việt khiến cơ quan du lịch xứ mặt trời mọc thay đổi chiến lược tiếp cận thị trường Việt Nam. Sau thời gian đẩy mạnh vào tăng trưởng số lượng, từ năm 2024, du lịch Nhật Bản sẽ tập trung vào chất lượng du khách Việt thay vì số lượng. Ông Uchida Shusuke – phó trưởng đại diện Cơ quan Xúc tiến du lịch Nhật Bản (JNTO) tại Việt Nam – cho biết thông tin trên.
Với định hướng này, Nhật Bản sẽ tập trung truyền bá sức hấp dẫn điểm đến với tư cách là một quốc gia có giá trị cao tới du khách Việt Nam và thế giới, phát triển dòng du lịch cao cấp, sản phẩm dịch vụ cao cấp. Năm 2023, Tổng cục Du lịch Nhật Bản cũng đã lựa chọn 11 khu vực để tập trung thu hút khách du lịch cao cấp và hiện nay đang có kế hoạch tập trung xây dựng hệ thống đón tiếp khách du lịch cũng như phát triển các nội dung, trải nghiệm liên quan đến du lịch cao cấp, kết nối với các công ty chuyên tổ chức các tour du lịch cao cấp. Theo JNTO tại Việt Nam, Nhật Bản đang có vô số yếu tố mà khách du lịch cao cấp tìm kiếm như văn hóa lịch sử độc đáo, thiên nhiên phong phú. Và “họ cảm nhận rằng những nỗ lực tạo ra giá trị gia tăng cao cũng đang bắt đầu từng chút một ở Việt Nam”.
Nguồn: https://tuoitre.vn/du-lich-nhat-ban-muon-hut-nguoi-viet-giau-20240114113915499.htm
2. Hà Nội và Hội An vào danh sách các điểm đến hàng đầu của Tripadvisor
Giải thưởng Travelers’s Choice Best of the Best Destinations của nền tảng du lịch trực tuyến Tripadvisor đã công bố danh sách 25 điểm đến hàng đầu thế giới, trong đó Hà Nội đứng ở vị trí thứ 4 và Hội An đứng ở vị trí thứ 10. Travelers’s Choice Best of the Best Destinations là giải thưởng uy tín nhằm vinh danh các điểm đến nhận được nhiều ý kiến đánh giá cao nhất của cộng đồng, biểu thị mức độ xuất sắc trong lĩnh vực du lịch.
Mang trong mình nét đẹp cổ kính, thủ đô Hà Nội là điểm đến yêu thích của khách du lịch thập phương, đặc biệt là đối với những ai đam mê tìm hiểu về lịch sử, văn hóa và con người Việt Nam. Nằm bên bờ biển miền Trung Việt Nam, Hội An là một trong những thành phố hấp dẫn và thu hút nhất bởi nơi đây mang dấu ấn của một thị trấn vừa cổ kính, vừa quyến rũ. Phố Hội hiện lên hình ảnh đặc trưng với những ngôi nhà màu tường vàng mái ngói đượm thời gian, những ngôi chùa cổ linh thiêng, độc đáo.
Nguồn: https://dttc.sggp.org.vn/tripadvisor-xuong-ten-2-diem-du-lich-noi-tieng-cua-viet-nam-post111260.html
3. Tour Tết tăng giá mạnh
Theo đại diện một số doanh nghiệp lữ hành, dịp nghỉ Tết Nguyên đán 2024 kéo dài 7 ngày khiến cho nhu cầu đi du lịch của người dân tăng cao, do những dịch vụ trong tour như giá vé máy bay tăng, vé các điểm tham quan, giá phòng khách sạn… tăng cao khiến giá tour cũng có biến động tăng từ 20 – 30% so với những ngày thường.
Điều này khiến không ít du khách đã cân nhắc chuyển từ tour nội địa trong dịp Tết Nguyên đán năm nay sang thị trường nước ngoài, nhất là các nước khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Singapore hoặc Hàn Quốc… Nhiều doanh nghiệp cho biết, đến nay, các tour nước ngoài đang được lấp đầy, nhất là các tour đường xa, trong khi các tour nội địa vẫn đang chờ khách.
Nguồn: https://vtv.vn/kinh-te/tour-tet-tang-gia-manh-20240117090517143.htm

Nhóm tin về ngành kĩ thuật – công nghệ

1. Doanh số xe điện toàn cầu tăng 31% năm 2023
 Doanh số thuần điện và lai điện (hybrid) toàn cầu năm qua đạt 13,6 triệu chiếc, tăng 31% so với 2022, theo hãng nghiên cứu thị trường Rho Motion. Trong đó, xe thuần điện chiếm 9,5 triệu chiếc và xe lai là 4,1 triệu chiếc. Rho Motion cho biết riêng tháng 12/2013 đạt kỷ lục tháng bán nhiều xe điện nhất lịch sử với 1,5 triệu chiếc.
Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng doanh số xe điện toàn cầu cả năm qua đã chậm lại so với mức 60% vào 2022. Charles Lester, Giám đốc dữ liệu Rho Motion nói điều này là hợp lý. “Bạn không thể trông chờ tăng gấp đôi mỗi năm”, ông nói. Doanh số xe thuần điện tăng 50% ở Mỹ và Canada, đồng thời tăng lần lượt 27% và 15% ở châu Âu, Trung Quốc vào 2023. Tesla là công ty dẫn đầu doanh số phân khúc này với 1,8 triệu chiếc, tăng gần 38% so với 2022.
Nguồn: https://vnexpress.net/doanh-so-xe-dien-toan-cau-tang-31-nam-2023-4699838.html
2. Meta chuyển hướng tập trung vào AI
Theo Bloomberg, CEO Meta đang chuyển hướng sang AI và coi công nghệ này là ưu tiên hàng đầu. Lúc đầu, Meta chủ yếu quan tâm đến AI như một cách để đạt được tầm nhìn của Zuckerberg về metaverse. Tuy nhiên, sự ra mắt của ChatGPT vào cuối năm 2022 đã khiến công ty phải suy nghĩ lại. Những nỗ lực về AI của Meta bao gồm nhiều đột phá quan trọng, chẳng hạn như việc tạo ra PyTorch, phần mềm phổ biến mà các nhà phát triển sử dụng để xây dựng ứng dụng AI và phát hành bot trò chơi. Song, thứ mà Meta chưa phát triển bao gồm nhiều sản phẩm tiêu dùng phổ thông được hỗ trợ bởi AI. Thay vào đó, họ chủ yếu sử dụng AI để xếp hạng và đề xuất nội dung cho người dùng Facebook cũng như Instagram, đồng thời giúp các nhà quảng cáo theo dõi hành vi người tiêu dùng.
Không giống như Microsoft, OpenAI và Google, Meta không cần bán các công cụ AI của mình để kiếm tiền. Thay vào đó, công ty được hưởng lợi nhiều nhất từ việc sử dụng trí tuệ nhân tạo để thu hút người dùng ở lại ứng dụng. Chiến lược của Meta là giữ cho các mô hình AI của mình miễn phí và sau đó đạt được lợi thế bằng cách xây dựng sản phẩm cũng như dịch vụ dựa trên chúng. Tejas Dessai, nhà phân tích nghiên cứu tại Global X ETFs, cho biết Meta có thể tung ra các công cụ AI theo hình thức thuê bao, hoặc bán mô hình của mình cho các công ty khác. “Những hoạt động kinh doanh mới này có thể trở thành nguồn doanh thu đáng kể cho Meta trong những năm tới”, Dessai cho biết.
Nguồn: https://znews.vn/mark-zuckerberg-dat-mot-van-cuoc-moi-post1454621.html
3. Kế hoạch 471 tỷ USD xây cụm sản xuất chip lớn nhất thế giới của Hàn Quốc
Đầu tuần này, chính phủ Hàn Quốc công bố kế hoạch chi tiết liên quan đến đầu tư 622 nghìn tỷ won (471 tỷ USD) từ khu vực tư nhân từ nay đến năm 2047. Hàn Quốc sẽ chi tiền để xây dựng 13 nhà máy chip mới và ba cơ sở nghiên cứu, bên cạnh 21 nhà máy hiện có. Trải dài từ Pyeongtaek đến Yongin, khu vực này dự kiến sẽ lớn nhất thế giới, có khả năng sản xuất 7,7 triệu tấm wafer hằng tháng vào năm 2030.
Khoản đầu tư dự kiến này đã tăng mạnh so với thời điểm lần đầu công bố kế hoạch của Samsung và Hynix năm 2023. Chính phủ Hàn Quốc đã tăng cường hỗ trợ cho lĩnh vực chip nội địa, vốn chiếm khoảng 16% tổng kim ngạch xuất khẩu. Seoul cam kết bảo vệ một trụ cột của nền kinh tế trong khi vật lộn với sự cạnh tranh toàn cầu ngày một tăng. Khi Nhật Bản và Đài Loan (Trung Quốc) tích cực đầu tư vào lĩnh vực chip của riêng mình, Hàn Quốc cam kết tiếp tục giảm thuế cho các công ty chip địa phương. Chính phủ cho biết khu vực này cũng sẽ là nơi đặt các công ty thiết kế và vật liệu chip quy mô nhỏ hơn. Tham vọng chung là cải thiện khả năng tự cung chất bán dẫn của đất nước, đồng thời tăng thị phần sản xuất chip logic toàn cầu lên 10% vào năm 2030 từ mức 3% hiện nay.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/ke-hoach-471-ty-usd-xay-cum-san-xuat-chip-lon-nhat-the-gioi-cua-han-quoc-2240441.html
4. VinHMS sẽ đầu tư ra thị trường Đông Nam Á
Thành lập vào năm 2018, VinHMS là công ty sản xuất và kinh doanh phần mềm, chuyên cung cấp những sản phẩm công nghệ cho ngành quản trị khách sạn như: giải pháp quản lý khách sạn CiHMS, giải pháp quản lý tài sản CiAMS, quản lý khu vui chơi giải trí CiTMS và quản lý khách sạn nhỏ CiTravel. Sau 5 năm hình thành và phát triển tại Việt Nam, lãnh đạo VinHMS mới đây đã công bố sẽ vươn mình ra thị trường Đông Nam Á, trong đó khởi đầu sẽ là Thái Lan, Indonesia, Singapore và Campuchia.
Theo dữ liệu từ Statista, thị trường khách sạn khu vực đang phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19, kết thúc năm 2023 đã vượt quy mô của thời kỳ đỉnh cao năm 2019. Ước tính giai đoạn 2024-2027, thị trường tiếp tục tăng trưởng đều đặn khoảng 4%/năm để chạm mốc gần 16 tỷ USD trong năm 2028. Để đón đầu làn sóng tăng trưởng ở khu vực, ông Hoàng Nguyễn, Tổng giám đốc VinHMS, cho biết đã vạch sẵn các chiến lược cụ thể dựa trên 2 nguyên tắc chính là “Mở” và “Chuẩn hóa” để phát triển sản phẩm tối ưu cho các thị trường Đông Nam Á.
Nguồn: https://dttc.sggp.org.vn/vinhms-se-dau-tu-ra-thi-truong-dong-nam-a-post111185.html
5. Việt Nam có thêm mạng di động FPT
Trong thông báo sáng 11/1, Công ty Cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail) cho biết mạng sẽ hoạt động trên toàn quốc từ hôm nay, sáu tháng sau khi được cấp phép. FPT hoạt động với đầu số 0775 và trở thành mạng di động ảo thứ năm tại Việt Nam. Mạng FPT hoạt động theo mô hình di động ảo (MVNO), tức nhà mạng không sở hữu hạ tầng, mà cung cấp dịch vụ viễn thông bằng cách mua lưu lượng từ đơn vị có sẵn, sau đó bán lẻ cho người dùng. Trong trường hợp của FPT, nhà mạng sử dụng hạ tầng từ MobiFone.
Ngoài FPT, thị trường Việt Nam có bốn nhà mạng di động ảo đang hoạt động gồm iTel (đầu số 087) và Wintel (đầu số 055), Local (đầu số 089), VNSKY (077). Theo thống kê của Cục Viễn thông – Bộ Thông tin và Truyền thông tính đến đầu 2023, các mạng di động ảo ở Việt Nam thu hút 2,56 triệu thuê bao, chiếm 2,1% tổng thuê bao di động.
Nguồn: https://vnexpress.net/viet-nam-co-them-mang-di-dong-fpt-4699562.html
6. VinFast bán xe đạp điện tại Mỹ
Tại sự kiện CES 2024 diễn ra ở Mỹ, VinFast giới thiệu thêm mẫu xe đạp điện có tên DrgnFly. Tên sản phẩm DrgnFly lấy cảm hứng từ hình tượng rồng bay lên, biểu trưng cho lịch sử Thăng Long hào hùng của dân tộc Việt Nam. VinFast DrgnFly sẽ bán tại thị trường Mỹ với mức giá dự kiến từ 2.800 USD, có chế độ bảo hành chính hãng 2 năm, không giới hạn phạm vi di chuyển. Sản phẩm sẽ lần lượt được ra mắt tại các quốc gia khác trong thời gian tới.
Đây là sản phẩm hợp tác thiết kế giữa VinFast và Eskild Hansen, một studio sáng tạo đến từ Đan Mạch từng đạt nhiều giải thưởng Red Dot danh giá. DrgnFly mang phong cách cổ điển, lấy cảm hứng từ thời kỳ hoàng kim của xe máy và tương lai giao thông bền vững.
Nguồn: https://nld.com.vn/vinfast-ban-xe-dap-dien-tai-my-196240111130526264.htm
7. Doanh nghiệp Việt chưa nhận thức rõ cách AI tạo giá trị cho công việc hằng ngày
Bà Bee Kheng, Chủ tịch phụ trách khu vực ASEAN của hãng công nghệ Cisco phân tích, ngành công nghiệp AI được dự báo sẽ là một trong những động lực chính của nền kinh tế toàn cầu trong thập kỷ tới. Tuy vậy, không phải tất cả các tổ chức đều đã chuẩn bị đầy đủ để tận dụng cơ hội này. Nghiên cứu của Cisco chỉ ra rằng, chỉ 27% tổ chức ở Việt Nam đã chuẩn bị đầy đủ để triển khai và tận dụng AI, trong đó 84% thừa nhận quan ngại về tác động của AI với hoạt động kinh doanh nếu họ vẫn bị động trong 12 tháng tới.
Phân tích về thị trường lao động Việt Nam, Tiến sĩ Jung Woo Han (Chủ nhiệm cấp cao bộ môn Quản trị nguồn nhân lực và Khởi nghiệp, khoa Kinh doanh, Đại học RMIT) cho hay, là nền kinh tế mới nổi vẫn phụ thuộc đáng kể vào lĩnh vực sản xuất và nông nghiệp, Việt Nam sẽ ít bị ảnh hưởng hơn bởi AI. Do đó, tác động ngắn hạn của AI tới thị trường việc làm Việt Nam sẽ tương đối thấp so với các quốc gia phát triển. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là thị trường việc Việt Nam an toàn trước công nghệ đột phá và một số lĩnh vực dịch vụ nhất định chẳng hạn như du lịch, sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn khi dự kiến sẽ phát triển nhanh chóng trong vài năm tới. Khi AI tiên tiến kết hợp với công nghệ robot mới nhất, thị trường việc làm trong các lĩnh vực có thể bị ‘rúng động’.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/doanh-nghiep-viet-chua-nhan-thuc-ro-cach-ai-tao-gia-tri-cho-cong-viec-hang-ngay-2239213.html

Nhóm tin về liên kết, đầu tư, start-up, DN mới

1. Quỹ đầu tư toàn cầu đua rót tiền vào các trung tâm dữ liệu ở châu Á
Với dân số đông và nền kinh tế số phát triển nhanh, châu Á trở thành miền đất hứa đối với các nhà đầu tư toàn cầu đang tìm kiếm cơ hội kinh doanh trong lĩnh vực trung tâm dữ liệu. Các công ty quản lý tài sản khổng lồ từ KKR & Co cho đến Bain Capital đặt cược rằng, nhu cầu lưu trữ dữ liệu và điện toán đám mây ở khu vực này sẽ ngày càng tăng sau cơn bùng nổ công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI).
Theo dữ liệu của Cushman & Wakefield, nhu cầu trung tâm dữ liệu ở Đông Nam Á và Bắc Á dự kiến tăng trưởng khoảng 25% mỗi năm cho đến năm 2028, cao hơn so với mức tăng trưởng ước tính 14% ở Mỹ trong cùng giai đoạn. Châu Á được kỳ vọng sẽ mang lại miếng bánh lớn hơn trong tương lai cho các nhà đầu tư trung tâm dữ liệu . Hiện nay, khoảng 29% doanh thu từ các siêu trung tâm dữ liệu được tạo ra từ châu Á-Thái Bình Dương so với 49% từ Mỹ. Nhưng đến năm 2028, thị phần của châu Á dự kiến sẽ tăng lên tới 33%, tương đương 173 tỉ đô la Mỹ.
Nguồn: https://thesaigontimes.vn/quy-dau-tu-toan-cau-dua-rot-tien-vao-cac-trung-tam-du-lieu-o-chau-a/

Nhóm tin về tài chính

1. Mỹ cho Bitcoin lên sàn
Thị trường tiền điện tử thế giới trở nên sôi động khi Mỹ lần đầu tiên cho phép Bitcoin lên sàn chứng khoán Nasdaq, NYSE và CBOE. Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) vừa phê duyệt cho các quỹ giao dịch trao đổi (ETF) Bitcoin đầu tiên được niêm yết trên sàn chứng khoán.
ETF (Exchange Traded Fund) là quỹ đầu tư mô phỏng theo biến động của chỉ số chứng khoán hoặc trái phiếu. Thay vì phải tìm đến một số sàn giao dịch như Binance hay Coinbase để mua và nắm giữ Bitcoin, các nhà đầu tư hiện có thể tiếp cận với đồng tiền điện tử lớn nhất thế giới mà không cần trực tiếp nắm giữ nó. “Quyết định được SEC phê duyệt ngày 11/1 (giờ Việt Nam)” – hãng Reuters dẫn thông tin từ SEC. Chủ tịch SEC Gensler cho biết cơ quan này đã phê duyệt 11 đơn đăng ký ETF Bitcoin, trong đó có của BlackRock, Ark Investments, 21Shares, Fidelity, Invesco hay VanEck.
Nguồn: https://nld.com.vn/my-cho-bitcoin-len-san-thi-truong-tien-so-soi-dong-han-19624011115022139.htm
BSAi