Năm 2023 du lịch Đồng bằng sông Cửu Long tăng doanh thu 42%

Nhóm tin về ngành bán lẻ – thương mại điện tử

1. Hàng trăm nghìn nhà bán hàng rời sàn thương mại điện tử trong năm 2023
Báo cáo toàn cảnh thị trường sàn bán lẻ trực tuyến năm 2023 của Metric (nền tảng số liệu E-commerce) cho thấy, tổng doanh thu 5 sàn thương mại điện tử lớn nhất tại Việt Nam (Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, Tiktok Shop) năm 2023 đã tăng 53,4% so với cùng kỳ 2022 – mức tăng trưởng mạnh nhất trong 3 năm trở lại đây.
Tuy nhiên, cũng trong năm 2023, thị trường tiếp tục chứng kiến sự sụt giảm của nhà bán so với năm 2022. Tổng số shop có phát sinh đơn hàng trên 5 sàn thương mại điện tử là 637.273, giảm 1,3%, tương đương khoảng 10.000 nhà bán. Nguyên nhân đến từ các yếu tố khách quan như nền kinh tế còn chưa ổn định, bất ổn địa chính trị, sự đứt gãy của chuỗi cung ứng toàn cầu. Đặc biệt, sự sụt giảm này còn do yếu tố chủ quan từ doanh nghiệp như lựa chọn sai thị trường mục tiêu, chạy theo sản phẩm xu hướng mà không có kế hoạch sản xuất/nhập hàng phù hợp…
Nguồn:
https://vnbusiness.vn/thi-truong/vi-sao-hang-tram-nghin-nha-ban-hang-roi-san-thuong-mai-dien-tu-1098358.html
2. Bán hàng online giảm tốc sau Tết
Theo nền tảng số liệu TMĐT Metric, từ đầu tháng 1-2024 đến nay, doanh thu 2 sàn Shopee và TikTok Shop đạt 28.700 tỉ đồng với 317,6 triệu sản phẩm được bán ra và hơn 326.000 shop có đơn hàng thành công. Thời điểm doanh thu 2 sàn này đạt đỉnh là vào 1 tuần trước Tết âm lịch (ngày 1 đến 7-2) khi người tiêu dùng gấp rút mua sắm với tổng thu 4.200 tỉ đồng.
Đáng chú ý, sức mua chưa có dấu hiệu phục hồi sau kỳ nghỉ Tết kéo dài. Từ ngày 15 đến 18-2, doanh thu của Shopee và TikTok Shop chỉ đạt 1.500 tỉ đồng, giảm 65% so với tuần trước Tết và giảm 20% so với tuần trong Tết. Theo Metric, đầu năm, người tiêu dùng thường chưa có kế hoạch mua sắm hàng hóa có giá trị cao khiến doanh thu bán lẻ trực tuyến sụt giảm mạnh.
Nguồn: https://nld.com.vn/ban-hang-online-giam-toc-sau-tet-196240221211346359.htm
3. Làn sóng hàng giá rẻ khuấy động ngành vận tải hàng không toàn cầu
Kể từ 2023, các nền tảng mua sắm trực tuyến của Trung Quốc như Shein, Temu và TikTok Shop liên tiếp mở rộng mạng lưới ở Mỹ và quốc tế, vận chuyển phần lớn sản phẩm của họ trực tiếp từ các nhà máy Trung Quốc đến tay người mua hàng nước ngoài thông qua đường hàng không.
Và trên thực tế, hoạt động bùng nổ của cả 3 nền tảng nói trên đang đẩy chi phí vận tải hàng không từ các trung tâm sản xuất châu Á như Quảng Châu và Hồng Kông lên mức cao và gây thiếu hụt nguồn nhân lực. Theo dữ liệu do Cargo Facts Consulting tổng hợp, Temu vận chuyển khoảng 4.000 tấn sản phẩm mỗi ngày, Shein 5.000 tấn, Alibaba.com 1.000 tấn và TikTok 800 tấn. Con số này tương đương với khoảng 108 chuyên cơ vận tải Boeing 777 mỗi ngày. Tại Mỹ, Shein và Temu có tổng lượng giao hàng lên tới 600.000 đơn mỗi ngày, theo báo cáo tháng 6/2023 của Quốc hội nước này.
Nguồn: https://thuonggiaonline.vn/lan-song-hang-gia-re-khuay-dong-nganh-van-tai-hang-khong-toan-cau-post549198.html

Nhóm tin về ngành thực phẩm – ẩm thực

1. Thị trường giao đồ ăn Trung Quốc bùng nổ trên sự khổ sở của shipper
Thị trường giao đồ ăn của Trung Quốc đang mở rộng với tốc độ nhanh chóng ngay cả khi đại dịch Covid-19 kết thúc. Theo ước tính của hãng nghiên cứu iiMedia, thị trường giao đồ ăn Trung Quốc có quy mô 1,5 nghìn tỷ NDT (208 tỷ USD) năm 2023, gấp 2,3 lần năm 2020. Tuy nhiên, ngành công nghiệp này được xây dựng dựa trên mồ hôi công sức của những nhân viên giao hàng (shipper) với đồng lương ít ỏi, phúc lợi thấp và không có các biện pháp hỗ trợ khác.
Hãng chứng khoán Guolian dự báo thị trường có thể vượt quá 2,2 nghìn tỷ nhân dân tệ vào năm 2030. Cùng với đó là lực lượng giao hàng tiếp tục tăng. Meituan cho biết họ tuyển dụng 6,2 triệu shipper năm 2022, từ con số 2,7 triệu năm 2018. Ele.me nắm đội quân giao hàng hơn 4 triệu người từ tháng 5/2022 đến tháng 9/2023. Trong cuộc khảo sát năm 2021 do một tổ chức phi lợi nhuận ở Bắc Kinh thực hiện với hơn 300 nhân viên giao hàng ở các thành phố trên khắp Trung Quốc, khoảng 40% cho biết họ không có một ngày nghỉ nào trong tháng. Làm việc nhiều giờ và lương thấp là những vấn đề mà họ phải đối mặt. Ngoài ra, mạng lưới an sinh xã hội được cho là không đầy đủ khi nhiều shipper không có hợp đồng, bảo hiểm y tế hoặc bảo hiểm thất nghiệp.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/thi-truong-giao-do-an-trung-quoc-bung-no-tren-su-kho-so-cua-shipper-2253849.html
2. Xu hướng “đua trend” trong ngành đồ uống ngày càng rõ rệt
Theo báo cáo từ Euromonitor, vào cuối năm 2022, thị trường chuỗi cà phê tại Việt Nam đã đạt quy mô khoảng 1 tỉ đô la Mỹ mỗi năm. Đồng thời, theo thống kê của Q&Me tính đến tháng 3-2023, số lượng cửa hàng của 14 thương hiệu chuỗi cà phê nổi bật tại Việt Nam đã tăng thêm 133, đạt tổng cộng 1.657 cửa hàng trên toàn quốc so với năm 2022. Một báo cáo hành vi người tiêu dùng Việt Nam 2023 của McKinsey chỉ ra nhu cầu ăn uống xếp thứ 4 với tỉ lệ 34% trong các nhu cầu chi tiêu (dẫn đầu là áo quần, giày dép, phụ kiện với 56%, kế tiếp là mĩ phẩm skincare với 35%).
Trong thị trường F&B với ngành trà sữa đồ uống năm 2023 có nhiều sản phẩm mới xuất hiện làm nên tiêu điểm theo mùa. Có những mặt hàng đã tạo thành đặc trưng của thương hiệu, song cũng có sản phẩm “sớm nở tối tàn”. Bên cạnh đó, sân chơi có thêm nhiều chuỗi đồ uống “nội – ngoại” xuất hiện với mức đầu tư bài bản cho thấy sức cạnh tranh không chỉ dừng lại ở chuyện chạy theo xu hướng (trend). Các thương hiệu nhỏ lẻ mới thành lập hoặc nhượng quyền giá rẻ theo xu hướng, chuyên gia cho rằng không giữ được nhiệt lâu vì sản phẩm dễ thay thế bởi đối thủ theo sau.
Qua một năm bùng nổ của các trend ẩm thực, chất lượng sống người tiêu dùng ngày càng được quan tâm và nâng cao, mọi người có nhiều sự lựa chọn hơn từ các phân khúc giá cả. Theo các chuyên gia, ngành F&B đang có xu hướng phát triển khá giống với ngành thời trang nhanh, nghĩa là đòi hỏi tính linh hoạt và tính mới liên tục. Điều này cũng tạo sức ép khiến những người kinh doanh F&B phải luôn chịu áp lực tạo ra các sản phẩm mới.
Nguồn: https://thesaigontimes.vn/chuoi-do-uong-tran-lan-ai-du-suc-chay-dua-voi-trend/
3. Golden Gate “hóng” cú hích lớn từ iCOOK
iCOOK là thương hiệu thuộc Golden Gate Restaurant Group, được xây dựng dựa trên mong muốn đem những món ăn chất lượng tiêu chuẩn nhà hàng đến với bữa ăn gia đình hàng ngày. Với tiêu chí ngon – sạch – nhanh, iCOOK cung cấp các dòng sản phẩm sơ chế được đóng gói của chuỗi nhà hàng danh tiếng như Sumo BBQ, Kichi Kichi, Ashima, Gogi House…Trong 3 năm đại dịch Covid-19, iCook bắt đầu tỏ rõ lợi thế khi người tiêu dùng nấu ăn tại nhà nhiều hơn.
Vừa qua, Golden Gate chính thức ra mắt thương hiệu Golden Gate Foods và khánh thành nhà máy thực phẩm thứ hai tại Khu công nghiệp Thạch Thất – Quốc Oai (Hà Nội). Nhà máy thứ hai có diện tích gần 2 ha, với 3 dây chuyền sản xuất cốt canh, kem và đồ viên. Với công suất thiết kế 15.000 tấn thực phẩm mỗi năm, nhà máy tại Thạch Thất  – Quốc Oai nói riêng và Golden Gate nói chung sẽ phục vụ hàng triệu bữa ăn tại các nhà hàng và hộ gia đình. Bên cạnh đó, công ty sẽ phát triển chuỗi cửa hàng phân phối riêng cho iCook và kỳ vọng mảng sản phẩm này chiếm 30-40% trong tổng doanh thu của công ty thời gian tới.
Nguồn: https://baodautu.vn/golden-gate-hong-cu-hich-lon-tu-icook-d209549.html

Nhóm tin về nông nghiệp – thủy sản – chăn nuôi

1. 3 xu hướng quan trọng trên thị trường cao su năm 2024
Đầu năm 2023, Liên minh châu Âu (EU) đã công bố các quy định mới, trong đó cao su là một trong những mặt hàng cần truy xuất nguồn gốc để xuất khẩu vào EU. Kể từ khi có thông báo Quy định phá rừng của EU (EUDR), các nhà cung cấp mặt hàng này khi chào bán cao su hàng thực đã bắt đầu áp dụng chiến lược định giá theo cấp bậc. Giá khi ký kết hợp đồng thường cao hơn trước kia do việc bổ sung chi phí truy xuất nguồn gốc và sự không chắc chắn về giá trong môi trường kinh tế suy thoái.
Tính đến tháng 10/2023, sản lượng cao su của Bờ Biển Ngà đạt mức cao nhất kể từ năm 2007. Trong số 5 khu vực sản xuất lớn nhất thế giới, Indonesia ghi nhận sản lượng giảm trong tất cả các tháng, trong khi Thái Lan, Việt Nam và Bờ Biển Ngà ghi nhận mức tăng. Với tốc độ hiện tại, dự kiến năm 2024 Bờ Biển Ngà sẽ vượt qua Indonesia để trở thành nước sản xuất cao su lớn thứ hai thế giới.
Năm 2023, các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt do áp lực lạm phát. Lãi suất bị đẩy lên cao đã và đang làm suy yếu nền kinh tế toàn cầu. Liên hệ với thị trường cao su, xu hướng giá mặt hàng này giảm trong suốt 8 tháng đầu năm 2023, cho đến tháng 8, khi Trung Quốc triển khai các chính sách hỗ trợ nền kinh tế. Là nước tiêu thụ cao su tự nhiên lớn nhất thế giới, những chính sách như vậy do Trung Quốc thực hiện đã hỗ trợ giá cả cao su vật chất và cao su kỳ hạn.
Nguồn:   https://markettimes.vn/3-xu-huong-quan-trong-tren-thi-truong-cao-su-nam-2024-51642.html
2. Giá cà phê, hồ tiêu tăng nóng, liên tục lập kỷ lục mới
Hồ tiêu Việt Nam đang trong vụ thu hoạch nhưng giá tăng liên tục. Ngày 22-2, giá hồ tiêu ghi nhận ở mức xoay quanh 90.000 đồng/kg, cao hơn hôm trước từ 1.500 – 2.000 đồng/kg và tăng khoảng 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, diện tích hồ tiêu đã giảm đến 40-50% do người dân chuyển đổi sang sầu riêng và không tái canh khi vườn hồ tiêu già cỗi, mắc bệnh. Đây cũng là một trong những lý do khiến hồ tiêu tăng giá.
Đối với cà phê, giá đang tiếp tục lập đỉnh lịch sử khi vượt 80.000 đồng/kg, lên 82.500 – 83.400 đồng/kg, tăng 800 – 900 đồng/kg so với ngày hôm trước. Mức giá này vượt dự đoán của dân trong ngành khi nguồn cung cà phê Robusta tại Việt Nam hạn chế vì mất mùa và diện tích trồng sụt giảm.
Nguồn: https://nld.com.vn/gia-ca-phe-ho-tieu-tang-nong-lien-tuc-lap-ky-luc-moi-196240222094117023.htm
3. Giá lúa gạo bất ngờ giảm mạnh sau Tết
Ngày 23-2, ông Phan Thành Bắc, Chủ tịch HĐQT HTX Sơn Hòa (huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang), cho biết nông dân trồng lúa hiện rất lo lắng khi giá lúa giảm quá nhanh, chỉ trong vòng 5 ngày giảm đến 1.000 đồng/kg. Hiện tại, giá lúa Đài Thơm 8 còn 7.500 đồng/kg, lúa IR50404 còn 7.300 đồng/kg. So với cùng kỳ năm ngoái, giá lúa vẫn cao hơn 1.000 đồng/kg nhưng năm nay cây lúa gặp dịch bệnh nhiều, chi phí đầu tư cao nên nếu giá lúa tiếp tục giảm, nông dân không còn lời.
Nguyên nhân giá lúa gạo giảm theo ông Thành do các khách hàng lớn từ Philippines, Indonesia, Malaysia, Trung Quốc,… có tâm lý chờ Việt Nam thu hoạch rộ, giá giảm mới mua vào.
Nguồn: https://nld.com.vn/gia-lua-gao-bat-ngo-giam-manh-sau-tet-196240223093637787.htm
4. Diện tích mía ở Khánh Hòa ngày một thu hẹp
Diện tích mía tại Khánh Hòa giảm đáng kể do thời tiết nắng hạn, thiếu nguồn nước khiến năng suất mía giảm. Giá mía thấp cũng là một yếu tố quan trọng dẫn đến việc giảm diện tích trồng mía. Trước đây, diện tích trồng mía đạt đến 3.000 ha, nhưng hiện nay đã giảm xuống còn 1.700 ha. Mặc dù một ha mía có thể mang lại lợi nhuận từ 10 đến 20 triệu đồng, nhưng chi phí đầu tư cao và giá nhân công lao động khiến cho thu nhập này vẫn còn khá thấp.
Vụ mía năm nay 2023 – 2024 toàn tỉnh có 7.641 ha, trong khi trước đây là 9.114 ha mía. Hiện mía đang trong thời gian thu hoạch, với giá khoảng 1.130.000 đồng/10 CCS. Năng suất mía năm nay đạt thấp hơn so với năm trước do tình hình thời tiết nắng nóng, ít mưa, một số giống mía bị sâu đục thân.
Nguồn: https://baotintuc.vn/kinh-te/dien-tich-mia-o-khanh-hoa-ngay-mot-thu-hep-20240225094419004.htm
5. Giá thơm ở Hậu Giang tăng cao nhưng thiếu hụt nguồn cung
Tại các cánh đồng trồng thơm Cầu Đúc trên địa bàn thành phố Vị Thanh và huyện Long Mỹ, hiện thương lái thu mua thơm của nông dân với giá 11.000 đồng/trái thơm loại I (trái khóm đạt trọng lượng từ 1kg trở lên). Mức giá này tăng 2.000 đồng/trái so với thời điểm cách nay khoảng 10 ngày.
Tuy giá thơm đang ở mức cao so với cùng kỳ năm ngoái từ 1.000 – 2.000 đồng/trái, nhưng bà con có rất ít khóm để bán. Nguyên nhân là hiện đang vào mùa nắng nóng, cây khóm phát triển chậm, cho trái ít và trái thường nhỏ. Đặc biệt năm nay, tình hình cây thơm bị chết bụi diễn ra khá nhiều, từ đó làm giảm sản lượng cung ứng đáng kể cho thị trường.
Nguồn:  https://vov.vn/kinh-te/gia-khom-o-hau-giang-tang-cao-nhung-thieu-hut-nguon-cung-post1079244.vov

Nhóm tin về thị trường xuất nhập khẩu

1. Tàu nước ngoài đột ngột tăng phí, doanh nghiệp xuất khẩu khó càng thêm khó
Do ảnh hưởng của tình hình kinh tế thế giới, doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn. Đầu tháng 2/2024, đồng loạt các hãng tàu nước ngoài công bố tăng 10-20% phí và phụ phí đối với mỗi loại dịch vụ container xuất khẩu và chỉ áp dụng tại Việt Nam. Đáng nói là, các hãng tàu liên tục tăng phí và phụ phí thiếu cơ sở, đột xuất nhiều lần, không tuân thủ theo quy định của cơ quan quản lý Nhà nước. Mức tăng cao hơn rất nhiều so với phí bốc dỡ container mà các hãng tàu trả lại cho cảng biển Việt Nam.
Doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam cho rằng, trong thời điểm nền kinh tế Việt Nam đang chịu tác động trực tiếp từ suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu, việc giá biểu phí, phụ phí, dù biến động nhẹ cũng ảnh hưởng đến hiệu quả của việc thương thảo, tìm kiếm hợp đồng của doanh nghiệp.
Nguồn: https://vov.vn/kinh-te/tau-nuoc-ngoai-dot-ngot-tang-phi-doanh-nghiep-xuat-khau-kho-cang-them-kho-post1078603.vov
2. Hai hãng tàu lớn châu Âu liên minh giúp cải thiện chuỗi cung ứng logistics toàn cầu
Trung tuần tháng Giêng vừa qua, hai hãng tàu châu Âu Maersk và Hapag-Lloyd bất ngờ tuyên bố thành lập liên minh mới mang tên Hợp tác Song Tử (Gemini Cooperation) trên trang web của hãng, gây chấn động các liên minh hãng tàu toàn cầu. Hợp tác mới này sẽ có hiệu lực từ tháng 2-2025 sau khi liên minh 2M giữa Maersk và MSC hết hiệu lực sau 10 năm hợp tác.
Hợp tác Song Tử được thông báo là dài hạn nhưng chưa xác định khoảng thời gian cụ thể (thông thường từ 5-10 năm). Hợp tác Song Tử cam kết sẽ mang lại giá trị và lợi ích (value proposition) gì cho khách hàng? Đó là độ tin cậy theo lịch trình (schedule reliability) trên 90% và mạng lưới tuyến dịch vụ linh hoạt với kết nối liền mạch (seamless connection) cùng thời gian trung chuyển cạnh tranh.
Nguồn: https://thesaigontimes.vn/hop-tac-song-tu-mang-lai-loi-ich-gi-cho-nha-xuat-nhap-khau/
3. Xuất khẩu hàng hóa có tín hiệu phục hồi tích cực ngay từ đầu năm 2024
Số liệu từ Bộ Công Thương cho thấy, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 1/2024 ước đạt 33,57 tỷ USD, tăng 6,7% so với tháng trước. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 1/2024 tăng tới 42%.
Kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng mạnh và đồng đều cả ở nhóm nông lâm thủy sản (tăng tới 98,6%) và nhóm công nghiệp chế biến (tăng 38,4%). Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực thuộc nhóm công nghiệp chế biến đạt mức tăng trưởng cao, thậm chí tăng 2 – 3 con số như hàng dệt may tăng 28,6%; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 74,6%; giầy dép các loại tăng 35%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 57,4%.
Nguồn:
https://vov.vn/kinh-te/xuat-khau-hang-hoa-co-tin-hieu-phuc-hoi-tich-cuc-ngay-tu-dau-nam-2024-post1078577.vov
4. Xuất khẩu gạo Việt Nam tăng mạnh khi thế giới lo ngại cơn ‘sốt’ giá không sớm hạ nhiệt
Thị trường gạo thế giới nóng lên ngay từ đầu năm khi Ấn Độ mới đây một lần nữa gia hạn áp thuế xuất khẩu gạo đồ và giá gạo của nước này tiếp tục tăng lên kỷ lục cao mới. Theo đó, nhà xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới là Ấn Độ hôm 21/2/2024 đã gia hạn thuế xuất khẩu 20% đối với gạo đồ, có hiệu lực trong thời gian không xác định (dự kiến tới 31/3/2024) để ngăn chặn bất cứ khả năng tăng giá nào trên thị trường trong nước trước cuộc tổng tuyển cử. Với tình trạng nguồn cung thắt chặt và nhu cầu cải thiện, giá gạo Ấn Độ tuần này đã tăng lên mức cao kỷ lục mới, với gạo đồ 5% tấm tuần này có giá 546-554 USD/tấn, tăng so với mức 542-550 USD của tuần trước.
Đợt sốt gạo lần này trên thị trường thế giới, ngoài lý do bởi Ấn Độ sắp bầu cử, thì nguyên nhân sâu xa là do yếu tố thời tiết, khi những lo ngại về thời tiết khắc nghiệt và thiếu mưa do El Niño gây ra đe dọa sản lượng vụ mùa 2023-2024 của Châu Á. Ngân hàng Thế giới dự kiến giá gạo sẽ tăng thêm 6% vào năm 2024, do “mối đe dọa từ El Niño, phản ứng chính sách từ các nhà xuất khẩu và nhập khẩu gạo quan trọng cũng như sự tập trung về mặt địa lý và thị trường của sản xuất và xuất khẩu gạo”.
Theo dữ liệu hải quan của Việt Nam, Việt Nam đã xuất khẩu 4,6 tỷ USD gạo vào năm ngoái, cao hơn 35% so với mức năm 2022. Năm 2024, ngay từ đầu năm, xuất khẩu gạo Việt Nam đã tăng rất mạnh. Cụ thể, tháng 1/2024, cả nước xuất khẩu 512.265 tấn gạo, tương đương 362,26 triệu USD, giá trung bình 707,2 USD/tấn, tăng 4% về lượng, tăng 7% về kim ngạch và tăng 2,8% về giá so với tháng 12/2023, theo thống kê của Tổng cục Hải quan.
Nguồn: https://markettimes.vn/xuat-khau-gao-viet-nam-tang-manh-khi-the-gioi-lo-ngai-con-sot-gia-khong-som-ha-nhiet-51700.html
5. Indonesia thiếu hụt gạo nghiêm trọng
Giá lúa gạo trong nước đã quay đầu tăng khi Indonesia bổ sung hạn ngạch nhập khẩu gạo thêm 1,6 triệu tấn, nâng tổng lượng gạo nhập khẩu năm 2024 của nước này lên 3,6 triệu tấn. Trong vài ngày gần đây, giá gạo tại Indonesia tăng mạnh do nguồn cung thiếu hụt nghiêm trọng, hiện tượng gạo khan hiếm đã diễn ra tại một số siêu thị. Tính tới tháng 2-2024, Indonesia đã trải qua 8 tháng thâm hụt gạo liên tiếp do sản xuất trong nước thấp hơn so với nhu cầu.
Cơ quan hậu cần quốc gia Indonesia (Bulog) vừa gửi thư mời đến các doanh nghiệp/đối tác có nhu cầu để tham gia đấu thầu cung cấp 300.000 tấn gạo cho quốc gia này. Đây là lần nhập khẩu thứ hai trong năm 2024, sau khi quốc gia này đã đấu thầu nhập khẩu 500.000 tấn hồi tháng 1 vừa qua.Trong thư mời, giám đốc chuỗi cung ứng và dịch vụ công của Bulog, Mokhamad Suyamto cho biết, 300.000 tấn gạo được Indonesia nhập khẩu lần này là loại 5% tấm. Theo đó, điều kiện gạo cung cấp phải thuộc niên vụ 2023-2024 và được xay xát không quá 6 tháng.
Nguồn: https://nld.com.vn/indonesia-thieu-hut-gao-nghiem-trong-19624022712424759.htm
6. Đầu năm, tôm và cá tra xuất khẩu sang Trung Quốc tăng gần 4 lần
Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tháng 1-2024 xuất khẩu thủy sản đạt gần 750 triệu USD, tăng 64% so với cùng kỳ năm 2023. Nổi bật nhất là thị trường Trung Quốc và Hong Kong, bứt phá với mặt hàng cá tra, tôm.
Các mặt hàng chủ lực có bứt phá so với cùng kỳ năm ngoái, trước hết là tôm tăng 71%, cá tra tăng 97%, cá ngừ tăng 57%, mực, bạch tuộc tăng 45%, các loại cá khác tăng 50%. Về thị trường, tăng đột phá nhất là Trung Quốc và Hong Kong, gấp hơn 3 lần; còn sang Mỹ tăng 63%, sang Nhật Bản tăng 43%, sang EU tăng 34%… Riêng với thị trường Trung Quốc, xuất khẩu tôm và cá tra tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Nguồn:
https://tuoitre.vn/dau-nam-tom-va-ca-tra-xuat-khau-sang-trung-quoc-tang-gan-4-lan-20240223192617298.htm
7. Dự báo xuất khẩu tôm Việt Nam tăng nhẹ 10-15% trong năm 2024
Đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam đưa ra dự báo xuất khẩu tôm của Việt Nam sẽ có tăng trưởng nhẹ trong năm 2024. Xuất khẩu tôm Việt Nam sẽ có cơ hội phục hồi và tăng trưởng nhẹ trong năm 2024, với mức từ 10% đến 15% bởi kinh tế của các nước có nhu cầu tiêu thụ tôm dần hồi phục; các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất sản phẩm giá trị gia tăng, chế biến sâu. Ngoài ra, nhu cầu sản phẩm có nguồn protein từ thủy sản đang dần thay thế nguồn protein từ động vật, nên trong thời gian tới thủy sản, đặc biệt là tôm, có cơ hội phát triển.
Về thị trường, Mỹ và Trung Quốc tiếp tục là hai thị trường lớn nhất của xuất khẩu tôm Việt Nam trong năm 2024, chiếm khoảng 40% đến 45% kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành.
Nguồn:
https://tuoitre.vn/du-bao-xuat-khau-tom-viet-nam-tang-nhe-10-15-trong-nam-2024-20240223112116024.htm
8. Cà phê xuất khẩu cán mốc 1 tỷ USD, giá cao nhất trong 30 năm
Giá cà phê tại thị trường trong nước đang lập kỷ lục cao nhất trong vòng 30 năm. Điều này giúp ngành cà phê như “diều gặp gió” khi chỉ trong 45 ngày, xuất khẩu cà phê Việt Nam sắp cán mốc gần 1 tỷ USD. Trong nửa đầu tháng 2, cả nước xuất khẩu gần 57.000 tấn cà phê, với kim ngạch đạt 184,4 triệu USD. Từ đầu năm đến 15/2, lượng cà phê xuất khẩu đạt gần 295.000 tấn, kim ngạch đạt 911 triệu USD.
So với cùng kỳ năm ngoái, lượng cà phê xuất khẩu chỉ tăng 16,7% nhưng kim ngạch tăng tới 66,8%. Theo đó, giá cà phê xuất khẩu trung bình đạt gần 3.100 USD/tấn, tăng tới gần 43% so với cùng kỳ năm ngoái. Châu Âu là thị trường nhập khẩu cà phê Việt Nam lớn nhất với 87.700 tấn, kim ngạch đạt hơn 263 triệu USD; tiếp đến là các nước như Đức, Italy, Tây Ban Nha… Hiện giá cà phê tại thị trường trong nước đạt đỉnh lịch sử 30 năm qua khi vượt mốc 83.000 đồng/kg, tăng 70% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nguồn:
https://tienphong.vn/ca-phe-xuat-khau-can-moc-1-ty-usd-gia-cao-nhat-trong-30-nam-post1615171.tpo
9. Xuất khẩu đồ gỗ và nội thất vượt mốc 1 tỷ USD chỉ trong một tháng
Ngành đồ gỗ và nội thất dù còn gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên đã có những điểm sáng về xuất khẩu và có dấu hiệu hồi phục, phát triển mạnh từ cuối năm 2023, đầu năm 2024. Theo ông Trần Ngọc Liêm, phân tích từ dữ liệu thống kê hải quan cho thấy, trong tháng 12/2023, xuất khẩu mặt hàng này đạt trên 1,6 tỷ USD, tăng 10,3% so với tháng trước; tháng 1/2024 đạt gần 1,8 tỷ USD, tiếp tục tăng 10,2% so với tháng trước (chiếm trên 29% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành nông nghiệp).
Dù thu về gần 1,8 tỷ USD trong tháng đầu năm 2024, nhưng ông Trần Ngọc Liêm cho rằng, ngành gỗ và nội thất của Việt Nam đang đối mặt với một số vấn đề ảnh hưởng trực tiếp tới tính bền vững. Đó là rủi ro về nguyên liệu gỗ nhập khẩu, quy định chống phá rừng của EU, yêu cầu sản phẩm gỗ có phát thải carbon thấp.
Nguồn: https://baotintuc.vn/kinh-te/xuat-khau-do-go-va-noi-that-vuot-moc-1-ty-usd-chi-trong-mot-thang-20240226133723672.htm

Nhóm tin về xu hướng xanh – bền vững

1. ACB triển khai tín dụng xanh/xã hội, đồng hành cùng doanh nghiệp tăng trưởng bền vững
Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) vừa công bố dành 2.000 tỷ đồng cho tín dụng xanh/xã hội với nhiều ưu đãi hấp dẫn cho các doanh nghiệp có phương án sản xuất kinh doanh có lợi cho môi trường và xã hội. Gói tín dụng này là giải pháp tài chính toàn diện mà ACB đưa ra, nhằm đồng hành cùng các doanh nghiệp tăng trưởng bền vững.
Tại Việt Nam, những năm trở lại đây, thị trường tín dụng xanh bắt đầu chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ khi hàng loạt các ngân hàng tham gia vào “cuộc đua” đẩy mạnh dòng vốn xanh. Đáng chú ý, trong số 12 lĩnh vực xanh Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn các tổ chức tín dụng cho vay, dư nợ tập trung chủ yếu vào các ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (chiếm gần 45%) và nông nghiệp xanh (hơn 30%).
Nguồn:  https://markettimes.vn/acb-trien-khai-tin-dung-xanh-xa-hoi-dong-hanh-cung-doanh-nghiep-tang-truong-ben-vung-50113.html

Nhóm tin về ngành dịch vụ

1. Các khóa học về AI nở rộ ở Trung Quốc
Nhận thức rõ nỗi lo bị bỏ lại phía sau trong bối cảnh công nghệ phát triển nhanh chóng, các doanh nhân bắt đầu cung cấp các khóa đào tạo trên các nền tảng thương mại điện tử hàng đầu của Trung Quốc, gần như ngay sau khi các ứng dụng phổ biến về AI như Midjourney, Pika hay ChatGPT ra mắt.
Tìm kiếm từ khóa “lớp học AI” trên Taobao – nền tảng mua sắm trực tuyến hàng đầu của Trung Quốc – sẽ có đến hơn 4.000 sản phẩm liên quan. Còn trên Douyin (TikTok phiên bản Trung), các tài liệu đào tạo liên quan đến AI được cung cấp với mức giá từ 99 – 999 nhân dân tệ (hơn 340.000 – 3,4 triệu đồng). Các khóa học chủ yếu bao gồm các video hướng dẫn về các ứng dụng AI tổng hợp, giảng dạy các kỹ năng như chỉnh sửa video, thiết kế sản phẩm và cách học tập hiệu quả bằng các công cụ AI.
Nguồn: https://baotintuc.vn/the-gioi/cac-khoa-hoc-ve-ai-no-ro-o-trung-quoc-20240228104153127.htm
2. Chuỗi vui chơi trẻ em tiNiWorld đóng cửa hàng loạt chi nhánh
Đầu tháng 2, tiNiWorld – thuộc CTCP Thương Mại Dịch Vụ Thiếu Nhi Mới (N Kid Group) – công ty chuyên kinh doanh dịch vụ vui chơi giải trí phục vụ trẻ em và thanh thiếu niên đã đưa ra thông báo chính thức về việc đóng cửa nhiều chi nhánh. Theo đó, các địa điểm tiNiWorld và tiNiStore tại các hệ thống trung tâm thương mại Vincom đã dừng hoạt động từ ngày 5/2. Động thái này của doanh nghiệp nhằm kinh doanh hiệu quả hơn trong năm 2024 và đảm bảo trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng.
Hiện, tiNiWorld có 16 khu vui chơi tại các trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị lớn như Aeon Mall, Thiso Mall, Giga Mall, Lotte… ở các tỉnh thành như TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Vinh, Đắk Lắk, Bình Dương và Cần Thơ. Trước khi đóng cửa hàng loạt chi nhánh tại trung tâm thương mại Vincom, tiNiWorld có khoảng hơn 40 khu vui chơi trên toàn quốc.
Nguồn: https://znews.vn/chuoi-vui-choi-tre-em-tiniworld-dong-cua-hang-loat-chi-nhanh-post1461565.html

Nhóm tin về ngành thời trang – làm đẹp

1. PNJ đạt doanh thu 3.829 tỉ đồng trong tháng 1
Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) vừa công bố kết quả kinh doanh tháng 1-2024 với doanh thu thuần đạt 3.829 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 245 tỉ đồng. Theo đại diện PNJ, hành vi mua sắm tại thị trường Việt Nam trong 2 tháng đầu năm phụ thuộc vào chu kỳ âm lịch với các dịp lễ lớn như Tết Nguyên Đán và ngày vía Thần Tài.
Bên cạnh đó, PNJ triển khai nhiều hoạt động nhằm đón đầu mùa mua sắm dịp Tết 2024, tiếp tục triển khai và đẩy mạnh truyền thông nhằm tăng độ nhận diện của thông điệp Tết 2024: Ra mắt TVC Xuân “Vui Như Tết – Quý Như Vàng”.
Nguồn:
https://tuoitre.vn/pnj-dat-doanh-thu-3-829-ti-dong-trong-thang-1-20240221194624937.htm
2. Zara sử dụng vũ khí bí mật để cạnh tranh với Shein
Sự tăng trưởng nhanh chóng của Shein, một nền tảng mua sắm thời trang nhanh trực tuyến, đang gây áp lực lên các nhà bán lẻ hàng đầu như Inditex và H&M. Để chủ động củng cố lại vị thế dẫn đầu, tập đoàn của Tây Ban Nha đang âm thầm gia tăng phạm vi ngân sách của mình. Việc mở rộng của Lefties, thương hiệu thời trang cho giới trẻ, là một phần quan trọng trong chiến lược phát triển tiếp theo của doanh nghiệp.
Inditex đã mở thêm các cửa hàng Lefties ở nước ngoài ngay cả khi Zara và một số thương hiệu “chung một nhà” khác như Bershka và Pull&Bear phải thu hẹp quy mô toàn cầu. Tại Tây Ban Nha, với hơn 25 cửa hàng, Lefties nâng số lượng khách hàng từ khoảng 3,5 triệu vào năm 2019 lên 5 triệu vào năm 2023, chỉ xếp sau Shein với 5,2 triệu lượng khách truy cập, dựa trên ước tính từ công ty nghiên cứu thị trường Kantar.
Nguồn:
https://thuonggiaonline.vn/chu-so-huu-zara-tung-chieu-su-dung-vu-khi-bi-mat-de-canh-tranh-voi-shein-post549252.html

Nhóm tin về ngành du lịch

1. Du lịch Thái Lan đặt mục tiêu 35 triệu lượt khách quốc tế
Khi đặt mục tiêu đón 35 triệu lượt khách quốc tế vào năm 2024, hai thị trường khổng lồ ở châu Á là Trung Quốc và Ấn Độ sẽ đóng vai trò quan trọng hàng đầu của ngành du lịch Thái Lan. Ngành du lịch Thái Lan đang khởi đầu năm 2024 đầy khởi sắc, khi lần đầu tiên sau đại dịch Covid-19 nước này cán mốc 1 triệu lượt khách Trung Quốc sau chưa đầy 2 tháng. Việc miễn thị thực cho khách du lịch Trung Quốc vào Thái Lan đã được triển khai vào tháng 9/2023 và hiện nay đã trở thành một chính sách lâu dài.
Năm ngoái, Trung Quốc chiếm vị trí thứ 2 trong top 5 nguồn khách quốc tế của Thái Lan với 3,5 triệu du khách. Ấn Độ với 1,6 triệu lượt khách giữ vị trí thứ 4, tuy nhiên Mỹ mới là thị trường nguồn lớn nhất năm 2023 của Thái Lan với 4,6 triệu lượt khách du lịch. Thị trường Ấn Độ cũng được ngành du lịch Thái Lan ưu tiên khai thác, với mục tiêu đón 2 triệu lượt khách vào năm 2024. Từ tháng 11/2023 đến ngày 10/5/2024, người Ấn Độ có thể đi du lịch Thái Lan mà không cần xin thị thực với thời gian lưu trú lên tới 30 ngày. Hãng hàng không Thai Airways sẽ khai thác đường bay mới Bangkok – Kochi với tần suất 3 chuyến/tuần.
Nguồn:
https://vov.vn/du-lich/thi-truong-nao-se-giup-thai-lan-dat-muc-tieu-35-trieu-luot-khach-quoc-te-post1078541.vov
2. Thái Lan giảm thuế rượu, các tụ điểm giải trí về đêm để kích cầu du lịch
Cục Thuế tiêu thụ đặc biệt thuộc Bộ Tài chính Thái Lan chính thức giảm thuế đối với rượu và các địa điểm giải trí đêm từ ngày 23-2, nhằm thúc đẩy du lịch và chi tiêu trong nước. Thuế suất đối với rượu hoa quả cũng giảm từ 10% còn 0%, mức thuế đối với các loại rượu địa phương (có nồng độ cồn dưới 7 độ) cũng giảm từ 10% còn 0%. Ngoài ra thuế với các địa điểm giải trí về đêm, bao gồm hộp đêm và quán rượu giảm từ 10% còn 5% từ ngày 23-2 đến ngày 31-12.
Chính phủ Thái Lan hy vọng sẽ tạo ra một bầu không khí phù hợp đối với một điểm đến du lịch, biến Thái Lan thành trung tâm của các nhà hàng và quán ăn, mang đến một giải pháp thay thế cho người tiêu dùng, nhằm khuyến khích chi tiêu du lịch nhiều hơn, thu hút nhiều du khách nước ngoài chất lượng cao hơn
Nguồn:      https://tuoitre.vn/thai-lan-giam-thue-ruou-cac-tu-diem-giai-tri-ve-dem-de-kich-cau-du-lich-20240225134404049.htm
3. Tăng trần giá vé máy bay, du lịch nội địa lo “đói” khách
Từ 1/3/2024, Thông tư số 34/2023/TT-BGTVT sửa đổi khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách hạng phổ thông cơ bản sẽ có hiệu lực. Theo đó, giá trần vé máy bay sẽ được điều chỉnh tăng. Cụ thể, các đường bay có khoảng cách dưới 500 km có mức giá trần là 1,6 triệu đồng/vé/chiều với đường bay phát triển kinh tế – xã hội và 1,7 triêu đồng/vé/chiều với các đường bay khác. Các nhóm đường bay còn lại tùy thuộc vào độ dài đường bay sẽ chịu mức tăng giá từ 50.000 – 250.000 đồng/vé/chiều so với quy định cũ, phụ thuộc vào độ dài từng đường bay.
Giá vé máy bay tăng đang là một thách thức đối với ngành du lịch. Đặc biệt, trong mùa thấp điểm khi có thể làm giảm sức hấp dẫn của du lịch nội địa khiến thị trường trong nước đói khách, các địa phương sẽ là đối tượng đầu tiên chịu ảnh hưởng.
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/tang-tran-gia-ve-may-bay-du-lich-noi-dia-lo-doi-khach.html
4. Ngành du lịch Đà Nẵng tham gia hội chợ lớn nhất khu vực Nam Á
Từ ngày 22-24/2/2024, ngành du lịch Đà Nẵng tham gia Hội chợ du lịch và lữ hành Nam Á SATTE 2024 nhằm đẩy mạnh quảng bá đến thị trường tiềm năng Ấn Độ đang giữ vị trí thứ 4 trong Top 10 thị trường khách quốc tế đến với TP.
Hội chợ SATTE 2024 được tổ chức bởi Informa Markets diễn ra tại Trung tâm triển lãm India Expo Mart, Greater Noida, Ấn Độ từ ngày 22 – 24/2. Đây được đánh giá là hội chợ du lịch lớn nhất khu vực Nam Á. Theo bà Nguyễn Thị Hoài An, sức hấp dẫn và xu hướng của điểm đến Đà Nẵng sẽ được ngành du lịch tiếp tục đẩy mạnh tại hội chợ SATTE 2024 cũng như nhiều hoạt động xúc tiến, quảng bá khác đến thị trường này, đặc biệt hướng đến du lịch MICE, golf và cưới.
Nguồn: https://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/nganh-du-lich-da-nang-tham-gia-hoi-cho-lon-nhat-khu-vuc-nam-a/20240223073820045
5. Năm 2023 du lịch Đồng bằng sông Cửu Long tăng doanh thu 42%
Theo báo cáo của Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long, năm 2023 khu vực đón gần 45 triệu khách, tăng 20%; 1,88 triệu khách quốc tế, tăng 257%; doanh thu hơn 45.700 tỉ đồng, tăng 42% (so với cùng kỳ 2022).
Năm 2023, Đồng Tháp đón tiếp 4 triệu lượt khách; tổng doanh thu đạt 1.900 tỉ đồng, tăng 14,15% so với cùng kỳ năm 2022. Năm 2023, Kiên Giang đón tiếp 8,5 triệu lượt khách, trên 573.000 lượt khách quốc tế, tổng doanh thu 17.400 tỉ đồng.
Nguồn: https://tuoitre.vn/nam-2023-du-lich-dong-bang-song-cuu-long-tang-doanh-thu-42-20240223164712203.htm
6. Khách Trung Quốc tìm kiếm về du lịch Việt Nam tăng vọt
Trong dịp Tết Nguyên Đán vừa qua, số liệu từ nền tảng du lịch trực tuyến Agoda cho thấy nhu cầu du khách Trung Quốc đại lục du lịch đến Việt Nam đang có những dấu hiệu hồi phục. Cụ thể, dữ liệu tìm kiếm của Agoda cho thấy lượng tìm kiếm từ Trung Quốc đến Việt Nam trong dịp Tết Nguyên Đán đã gần như quay lại mức trước đại dịch. Khách Trung Quốc quan tâm du lịch đến Việt Nam vào năm 2024 đạt 95% so với 2020, thời điểm trước khi các hạn chế đi lại do đại dịch Covid-19 được áp dụng.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã thành công trong việc thu hút du khách từ các thị trường mới như Ấn Độ và Hàn Quốc sau khi mở cửa trở lại nhờ vào chính sách thị thực thuận lợi. Nhờ sự đa dạng hóa du khách này, theo báo cáo Tổng cục Thống kê, Việt Nam đã đạt được mục tiêu tổng khách du lịch năm 2023 chỉ sau 3 quý đầu.
Nguồn: https://dttc.sggp.org.vn/khach-trung-quoc-den-viet-nam-co-dau-hieu-hoi-phuc-post112203.html

Nhóm tin về ngành kĩ thuật – công nghệ

1. Grab lần đầu tiên báo lãi
Grab vừa công bố báo cáo kinh doanh quý IV/2023. Theo đó, “gã khổng lồ” gọi xe Đông Nam Á ghi nhận khoản lãi 11 triệu USD, tăng so với khoản lỗ 391 triệu USD cùng kỳ năm 2022. Theo Grab, kết quả đạt được chủ yếu nhờ cải thiện EBITDA, thay đổi hợp lý trong đầu tư và giảm chi phí thưởng dựa trên cổ phiếu. Doanh thu trong quý đạt 653 triệu USD. Tính cả năm 2023, Grab lỗ 485 triệu USD, giảm 72% so với mức 1,74 tỷ USD một năm trước.
Trong quý IV/2023, tổng ưu đãi trên tổng giá trị hàng hóa bán ra – bao gồm ưu đãi đối tác và người dùng – đã giảm từ 8,2% của năm trước xuống 7,3%, báo cáo của Grab nêu. Grab đưa ra các ưu đãi nhằm thu hút tài xế và hành khách đến với nền tảng của mình nhưng điều này đang giảm dần khi công ty chuyển sang thúc đẩy lợi nhuận. Đối với năm 2024, Grab dự kiến doanh thu sẽ đạt từ 2,7 tỷ USD đến 2,75 tỷ USD.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/grab-lan-dau-co-lai-ke-tu-nam-2012-2252297.html
2. Ván cược nhằm hồi sinh ngành bán dẫn của Nhật Bản
Nhật Bản đang xây dựng nhà máy bán dẫn mới tại nơi nổi tiếng với nông nghiệp, căn cứ quân sự và sân bay Chitose. Dự án này còn nhằm mục đích thay đổi bộ mặt của ngành công nghiệp chip trong nước. Liên doanh mới có tên Rapidus muốn sản xuất hàng loạt chip logic 2nm vào năm 2027 từ con số 0. Theo tiêu chuẩn ngành, đây là thách thức lớn đối với một doanh nghiệp 18 tháng tuổi ở một quốc gia đã tụt hậu xa so với các đối thủ nước ngoài về sản xuất chất bán dẫn. Cho đến nay, chính phủ đã hứa hẹn 330 tỷ yên và dành thêm 646 tỷ yên trong quỹ để hỗ trợ dự án Rapidus. Nó đủ trang trải một nửa khoản đầu tư 2 nghìn tỷ yên ban đầu, nhưng Rapidus vẫn chưa cho biết làm thế nào để huy động số tiền mặt còn lại hoặc thêm 3 nghìn tỷ yên để mở rộng hoạt động sau khi xưởng đúc ra mắt.
Trái ngược với sự hỗ trợ của chính phủ mà Rapidus được hưởng, phản ứng từ các công ty Nhật Bản rất thờ ơ. Các công ty lớn như Toyota Motor chỉ cam kết 7,3 tỷ yên cho liên doanh. Tuy nhiên, các khoản trợ cấp khổng lồ của Nhật Bản cho thấy một quyết tâm mới từ Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản để tận dụng cơ hội giành lại sức cạnh tranh của quốc gia trên thị trường chip thế giới. Họ cũng phản ánh quan điểm rằng trong một thế giới ngày càng thù địch, tốt hơn là ném tiền vào công nghệ chip hơn là không có kế hoạch dự phòng nào cả, Bloomberg nhận định.
Nguồn:
https://vietnamnet.vn/van-cuoc-67-ty-usd-hoi-sinh-nganh-ban-dan-cua-nhat-ban-2251769.html
3. TSMC giúp lĩnh vực sản xuất chip của Nhật Bản ‘bừng sáng’
TSMC đã công bố kế hoạch mở rộng ra nước ngoài trị giá hơn 70 tỷ USD – với một số nguồn vốn đến từ chính phủ và đối tác – trong ba năm kể từ năm 2020 tại Mỹ, Nhật Bản và Đức. Sự khác biệt về văn hóa là một thách thức khác khi dấn thân vào các thị trường mới. Tuy nhiên, vẫn có những dấu hiệu ban đầu cho thấy việc mở rộng tại Nhật Bản của TSMC đang diễn ra suôn sẻ hơn so với hoạt động kinh doanh tại Mỹ.
TSMC đang bắt đầu chuẩn bị sản xuất hàng loạt tại nhà máy Kumamoto (Kyushu – Nhật Bản) vào cuối năm nay để phục vụ các khách hàng như Sony, Denso và Renesas. Điều này sẽ khiến đây trở thành nhà máy mới ở nước ngoài đầu tiên của TSMC đi vào hoạt động kể từ sau khi nhà máy tại Nam Kinh, Trung Quốc đi vào hoạt động vào năm 2018.
Một số công ty nhìn nhận sự tiến bộ của TSMC ở Nhật Bản như là kim chỉ nam cho chiến lược mở rộng toàn cầu. Powertech, nhà cung cấp dịch vụ đóng gói và thử nghiệm chip nhớ hàng đầu thế giới, đang đánh giá xem có nên mở rộng sang Nhật Bản cho các dịch vụ lắp ráp cao cấp hay không. Peter Hanbury, đối tác chuyên sản xuất của công ty tư vấn quản lý Bain, cho biết sự tiến bộ của TSMC tại Nhật Bản khá “đáng chú ý” và sẽ là dấu hiệu tích cực đối với bất kỳ nhà sản xuất chất bán dẫn nào khi họ xem xét nhiều khu vực địa lý mới đầy tiềm năng.
Nguồn: https://thuonggiaonline.vn/tsmc-giup-linh-vuc-san-xuat-chip-cua-nhat-ban-bung-sang-post549273.html
4. Cú bắt tay lịch sử của Intel và Microsoft
Không phải Nvidia, Intel mới là đối tác được Microsoft “chọn mặt gửi vàng” hợp tác để sản xuất chip riêng, do Microsoft thiết kế, dành riêng cho các sản phẩm của hãng. Hợp tác với Intel để hiện thực hóa tham vọng tự sản xuất chip AI, Microsoft đã lựa chọn được thiết kế chip mà hãng dự tính sẽ sản xuất trên tiến trình Intel 18A, nhưng không nêu rõ con chip này sẽ được sử dụng vào mục đích gì. Với thương vụ này, Intel dự kiến ​​đạt doanh thu 15 tỷ USD cho các đơn đặt hàng, tăng từ mức 10 tỷ USD đã thông báo trước đó cho các nhà đầu tư.
Đối với Intel, việc hợp tác với Microsoft – một trong những khách hàng đặt mua lượng chip AI lớn nhất của Nvidia- sẽ thúc đẩy hoạt động kinh doanh chip theo đơn đặt hàng, đồng thời chứng minh sức cạnh tranh trong thị trường.
Nguồn: https://znews.vn/cu-bat-tay-tri-gia-hang-ty-usd-cua-microsoft-va-intel-post1461354.html
5. Intel tham gia cuộc đua chip tiến trình 1,4 nanomet với TSMC và Samsung
Intel có kế hoạch bắt đầu sản xuất chip với tiến trình 1,4 nanomet trong những năm tới, trong bối cảnh cạnh tranh với Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan (TSMC). Nhà sản xuất chip Hoa Kỳ đã tụt lại phía sau TSMC và Samsung Electronics của Hàn Quốc, hai nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất hiện nay. TSMC và Samsung hiện đang sản xuất chip 3 nm, trong khi Intel mới ở mức 5 nm. Cả ba đều đang chạy đua để sản xuất chip 2 nm vào năm 2025.
Samsung đặt mục tiêu sản xuất hàng loạt ở mức 1,4 nm vào năm 2027. Theo một số báo cáo, TSMC đang nhắm đến mốc 2027 đến 2028. Được biết, mục tiêu của Intel trở thành xưởng đúc lớn thứ hai thế giới vào năm 2030 và nói rằng AI đang thúc đẩy nhu cầu về chip ngày càng tăng.
Nguồn: https://viettimes.vn/intel-tham-gia-cuoc-dua-chip-tien-trinh-14-nanomet-voi-tsmc-va-samsung-post173486.html
6. Mercedes-Benz vượt Tesla thành thương hiệu ô tô giá trị nhất thế giới
Theo báo cáo mới của công ty tư vấn Brand Finance, hãng sản xuất ô tô Đức Mercedes-Benz đã vượt qua đối thủ Tesla của Mỹ để giành lại vị trí thương hiệu ô tô giá trị nhất thế giới. Hãng này đã duy trì vị thế cao cấp và nâng cao các chỉ số tài chính và hoạt động của mình. Chiến lược tập trung đặc biệt vào xe du lịch cao cấp và xe tải cao cấp của công ty là công cụ thúc đẩy tăng trưởng doanh thu.
Trong khi đó, định giá thương hiệu của nhà sản xuất xe điện Mỹ Tesla đã giảm 12% xuống còn 58,3 tỷ USD trong báo cáo mới nhất, đẩy công ty này trở lại vị trí thứ hai. Ngoài ra, việc Tesla tiếp xúc với thị trường Trung Quốc và tốc độ tăng trưởng dài hạn thấp hơn đi kèm cũng ảnh hưởng tiêu cực đến dự báo doanh thu.
Nguồn: https://vietnamfinance.vn/ga-khong-lo-duc-vuot-tesla-thanh-thuong-hieu-o-to-gia-tri-nhat-the-gioi-20180504224295438.htm
7. Ngành SX màn hình của Hàn Quốc yếu thế trước các đối thủ từ Trung Quốc
Các nhà sản xuất màn hình hàng đầu Hàn Quốc là LG và Samsung đang dần tụt hạng, nhường lại phần nào vị thế cho các hãng sản xuất màn hình và smartphone của Trung Quốc, thậm chí với cả công nghệ mà họ tự hào nhất là màn hình OLED. Trong cuộc chiến này, Samsung đã đóng cửa nhà máy sản xuất màn hình LCD cuối cùng ở Trung Quốc vào năm 2021 và dự kiến dựa vào các đối thủ từ chính Trung Quốc để sản xuất màn hình cho sản phẩm của mình. Cùng thời điểm, LG cũng tìm cách bán nhà máy LCD còn lại của mình ở Trung Quốc, sau khi doanh số bán hàng sụt giảm mạnh.
Chinh phục được thị trường màn hình LCD giá rẻ, giờ đây các nhà sản xuất màn hình Trung Quốc đang từng bước xâm nhập vào “thành trì cuối cùng” thế hiện ưu thế công nghệ của Hàn Quốc là màn hình OLED. Người đi đầu không ai khác là BOE Technology khi xây dựng nhà máy trị giá 9 tỷ USD tại thành phố Thành Đô để sản xuất màn hình OLED. Nhà máy mới của BOE sẽ sản xuất tấm nền OLED sử dụng công nghệ thế hệ 8.6 mới nhất – tạo ra cuộc chiến trực tiếp với Samsung để cung cấp tấm nền OLED cho iPad, MacBook thế hệ tiếp theo của Apple.
Nguồn: https://markettimes.vn/bi-xam-chiem-den-thanh-tri-cuoi-cung-o-mot-linh-vuc-ma-nguoi-han-quoc-vo-cung-tu-hao-chua-bao-gio-samsung-va-lg-can-nhau-den-the-51717.html
8. Sau OpenAI và Microsoft, đến lượt Nvidia, Samsung, Amazon đầu tư vào startup robot hình người Figure AI
Cũng được hỗ trợ bởi OpenAI và Microsoft, Figure AI đang huy động được khoảng 675 triệu USD trong một vòng gọi vốn, với mức định giá trước đó là khoảng 2 tỉ USD, theo những nguồn tin của Bloomberg News. Thông qua công ty Explore Investments của mình, Jeff Bezos đã cam kết đầu tư 100 triệu USD vào Figure AI. Trong khi Nvidia và một quỹ liên kết với Amazon đều đầu tư 50 triệu USD vào Figure AI. Microsoft đang đầu tư 95 triệu USD vào Figure AI.
Tại Figure AI, các kỹ sư đang nghiên cứu chế tạo một robot có ngoại hình và cử động giống người. Figure AI hy vọng robot mang tên Figure 01 sẽ có khả năng thực hiện các công việc nguy hiểm không phù hợp với con người và công nghệ của họ sẽ giúp giảm bớt tình trạng thiếu hụt lao động.
Nguồn:
https://1thegioi.vn/sau-openai-va-microsoft-den-luot-nvidia-samsung-jeff-bezos-dau-tu-vao-startup-robot-hinh-nguoi-figure-ai-214421.html
9. Honor giới thiệu loại smartphone, PC đọc được suy nghĩ của người dùng
Hãng smartphone Honor của Trung Quốc đã ra mắt giao diện có thể đoán trước ý định của người dùng trên smartphone và máy tính cá nhân. Đây là công nghệ xây dựng giao diện dựa trên ý định (intent-base) đầu tiên trên thế giới. Honor nói công nghệ AI có thể giúp phân tích và hiểu được tin nhắn, hình ảnh và ý định của người dùng dựa trên lịch sử hành vi sử dụng thiết bị hàng ngày. Với giao diện AI mới, smartphone và PC có thể phân tích khách sạn hoặc các xác nhận đặt phòng khác, tự động mở ứng dụng Google Map, tiết kiệm ít nhất tám bước.
Các hãng smartphone đang chạy đua đưa các tính năng AI vào thiết bị điện tử với hy vọng tạo làn sóng tăng trưởng doanh thu mới. Bryan Ma, nhà phân tích của IDC, nói với Nikkei Asia rằng ngành công nghiệp điện thoại thông minh đang đặt cược vào AI để vực dậy sự quan tâm trên thị trường, đặc biệt là trong bối cảnh mức giảm 3,4% trong năm ngoái. IDC dự đoán số lượng điện thoại thông minh AI thế hệ tiếp theo sẽ tăng đáng kể, với 170 triệu chiếc dự kiến sẽ xuất xưởng vào năm 2024. Con số này thể hiện số lượng tăng gần gấp ba lần so với con số ước tính 51 triệu chiếc vào năm 2023 và sẽ tương đương với 15% thị phần trên tổng thị trường điện thoại thông minh.
Nguồn: https://bsamedia.vn/honor-gioi-thieu-loai-smartphone-pc-doc-duoc-suy-nghi-cua-nguoi-dung/?fbclid=IwAR0SSKXnWNvpxfVj_Mjc4oeocVStmq8tF6BjTeqZYOQ6tWbZRdXArnpvvi8_aem_AZbQFeF81D-pnpl4ylr-l00lE5Jlq_1zmorjt_RdWuI-iuS5u82oKVLxPkFaQvvsbRI&mibextid=K35XfP

Nhóm tin về ngành công nghiệp nặng – năng lượng

1. Nga cấm xuất khẩu xăng trong 6 tháng
Đài RBC đưa tin ngày 27-2, Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin đã phê chuẩn lệnh cấm xuất khẩu xăng trong vòng sáu tháng, bắt đầu từ ngày 1-3. Cụ thể thời điểm nhu cầu nhiên liệu tăng cao sẽ sớm đến trên thị trường nội địa, đó cũng là giai đoạn các nhà máy lọc dầu bảo trì theo kế hoạch và cũng chuẩn bị cho kỳ nghỉ hè của người dân.
Khác với lần cấm xuất khẩu xăng trước, lệnh cấm mới được ban hành lần này sẽ không mở rộng sang các quốc gia thành viên của Liên minh Kinh tế Á –  u (EAEU) gồm Mông Cổ, Uzbekistan và hai khu vực ly khai do Nga hậu thuẫn ở Georgia là Nam Ossetia và Abkhazia.
Nguồn: https://tuoitre.vn/nga-cam-xuat-khau-xang-trong-6-thang-20240227160714301.htm
2. CH Congo sản xuất khí đốt tự nhiên hóa lỏng xuất khẩu sang châu Âu
Ngày 27/2, Cộng hòa Congo đã bắt đầu sản xuất khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG), với chuyến hàng đầu tiên dự kiến được chuyển tới Italy – một trong nhiều quốc gia châu Âu đang tìm cách đa dạng hóa nguồn cung năng lượng của mình. Tổng thống Cộng hòa Congo Denis Sassou N’Guesso và Giám đốc điều hành Công ty dầu mỏ Eni của Italy – đơn vị phát triển dự án sản xuất LNG trên, đã cùng khai trương nhà máy sản xuất LNG ở vùng ngoại ô phía Đông thành phố Pointe-Noire, miền Nam nước này.
Theo Bộ trưởng Dầu mỏ Cộng hòa Congo Bruno Jean Richard Itoua, riêng trong năm nay, sản lượng LNG của Cộng hòa Congo sẽ đạt 600.000 tấn. Chính phủ Cộng hòa Congo ước tính xuất khẩu khí đốt sẽ đóng góp khoảng 48 triệu USD vào ngân sách nước này trong năm 2024.
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/ch-congo-san-xuat-khi-dot-tu-nhien-hoa-long-xuat-khau-sang-chau-au-post929849.vnp
3. Giá dầu châu Á tiếp tục giảm
Giá dầu châu Á nối dài đà giảm vào đầu phiên giao dịch sáng 26/2 sau khi kết thúc tuần qua giảm 2-3%, trong bối cảnh thị trường lo ngại rằng lạm phát tăng dự kiến có thể làm Mỹ trì hoãn hạ lãi suất.
Các nhà phân tích của ngân hàng ANZ cho biết, giá dầu thô giảm do thiếu động lực mới. Giá dầu đã bị kẹt giữa các yếu tố tăng giá như sản lượng của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) giảm và rủi ro địa chính trị gia tăng cũng như lo ngại về nhu cầu yếu ở Trung Quốc”. ANZ cũng cho rằng dự trữ dầu mỏ có thể bắt đầu giảm trong những tuần tới do các nhà máy lọc dầu hoạt động trở lại sau bảo trì, điều này có thể hỗ trợ giá dầu.
Nguồn: https://bnews.vn/gia-dau-chau-a-tiep-tuc-giam-sang-26-2/324743.html
4. Năm 2024 Lào dự kiến xuất khẩu sang Việt Nam 11 triệu tấn than
Mỏ than Kaleum (tỉnh Sê Kông, Lào) dự kiến xuất khẩu 11 triệu tấn than vào Việt Nam, qua hai cửa khẩu quốc tế của tỉnh Quảng Trị. Mỏ than Kaleum khai thác khoảng 22,6 triệu tấn, xuất khẩu ra nước ngoài 19 triệu tấn, riêng thị trường Việt Nam là 11 triệu tấn. Tập đoàn Phonesack đề nghị chính quyền hai bên sớm xúc tiến dự án xây dựng hệ thống băng chuyền vận chuyển than đá từ Lào về Việt Nam, cắt qua đường biên giới tại cửa khẩu quốc tế La Lay.
Hoạt động thương mại biên giới, giao thương qua cửa khẩu La Lay (Quảng Trị) – La Lay (Salavan, Lào) đang trở nên sôi động hơn bao giờ hết. Kim ngạch xuất nhập khẩu đạt gần 250 triệu USD, tăng 132%. Đặc biệt thu ngân sách nhà nước đạt 575 tỉ đồng, tăng 189% so với năm 2022.
Nguồn: https://tuoitre.vn/nam-2024-lao-du-kien-xuat-khau-sang-viet-nam-11-trieu-tan-than-20240223145201328.htm

Nhóm tin về liên kết, đầu tư, start-up, DN mới

1. Ngân hàng lớn nhất Thái Lan sắp đạt thỏa thuận mua Home Credit
Hai ngân hàng lớn nhất Thái Lan là KBank và SCB X nằm trong danh sách những nhà đầu tư tham gia vòng cuối để đấu giá mua lại chi nhánh của công ty tài chính tiêu dùng Home Credit tại Việt Nam. Tới nay, báo chí Thái Lan cho rằng SCB X đang có khả năng sắp đạt thỏa thuận cuối cùng để mua lại Home Credit với giá 900 triệu USD.  Theo tờ Bangkok Post, ngân hàng SCB X đang nổi lên trở thành bên mua tiềm năng nhất do trả giá cao hơn các đối thủ. Thương vụ tiềm năng có giá trị vào khoảng 800 – 900 triệu USD dự kiến được công bố sớm nhất trong tuần này.
Home Credit tại Việt Nam bắt đầu quá trình “bán mình” vào năm ngoái, thu hút sự quan tâm từ các ngân hàng lớn như KBank của Thái Lan, KB Kookmin từ Hàn Quốc. Việc thoái vốn tại Việt Nam nằm trong nỗ lực của Home Credit nhằm tối ưu hóa hoạt động kinh doanh của công ty mẹ PPF – tập đoàn do gia đình cố tỉ phú người Cộng hòa Séc Petr Kellner kiểm soát. Tập đoàn đang chuyển trọng tâm đầu tư trở lại châu Âu và đánh giá lại hoạt động kinh doanh của mình ở châu Á sau khi hủy bỏ đợt IPO trị giá 1,5 tỉ USD tại Hồng Kông vào năm 2019.
Nguồn: https://thanhnien.vn/ngan-hang-lon-nhat-thai-lan-sap-dat-thoa-thuan-mua-home-credit-185240227203453604.htm
2. TP.HCM ưu tiên thu hút đầu tư công nghệ cao
Với những lợi thế sẵn có, TP.HCM đủ sức thu hút các nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghệ và kỹ thuật cao, công nghiệp xanh nhưng cần ít đất, giảm công nghiệp thâm dụng lao động, thâm dụng đất đai. Thời gian tới TP.HCM sẽ ưu tiên thu hút các dự án đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp sạch, các dự án sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường… Các dự án đầu tư có quy mô vốn đầu tư thấp, công nghệ lạc hậu, thâm dụng lao động… sẽ bị hạn chế.
Đến nay đã có 6 doanh nghiệp FDI trong KCX-KCN được chứng nhận là doanh nghiệp công nghệ cao, hơn 20 doanh nghiệp khác đầu tư vào những lĩnh vực kỹ thuật công nghệ cao. Trong năm 2023, suất đầu tư bình quân vào các KCX-KCN đã đạt 8,1 triệu USD/ha, tăng mạnh so với 7,2 triệu USD/ha vào năm 2022 và 6 triệu USD/ha trong giai đoạn 2016-2021.
Nguồn:  https://tuoitre.vn/tp-hcm-uu-tien-thu-hut-dau-tu-cong-nghe-cao-20240223080702273.htm
3. Startup fintech 1Long được rót 500.000 USD
Ngày 26/2, nền tảng ứng dụng công nghệ tài chính 1Long thông báo đã huy động thành công 500.000 USD (khoảng 12 tỷ đồng) vốn đầu tư từ các quỹ đầu tư lớn, bao gồm: Iterative, Monk’s Hill Ventures, R2VP và Orionis Capital. Số vốn này sẽ được 1Long dùng vào việc phát triển công nghệ, xây dựng mối quan hệ đối tác với chuyên gia quản lý tài sản và tổ chức tài chính và mở rộng đội ngũ.
Mục tiêu của 1Long là tạo ra cơ hội tích luỹ tài sản cho người dùng một cách dễ dàng với số tiền ban đầu chỉ từ 10.000 đồng. Trong tương lai, 1Long đặt kế hoạch mở rộng dịch vụ, bao gồm các sản phẩm đầu tư như cổ phiếu, trái phiếu và bất động sản. Ngoài ra, công ty cũng sẽ cung cấp các dịch vụ gia tăng như lập kế hoạch về hưu và thuế với mục tiêu sẽ phục vụ cả nhà đầu tư nội địa và quốc tế quan tâm đến thị trường Việt Nam.
Nguồn: https://vietnamfinance.vn/startup-fintech-1long-duoc-rot-500000-usd-20180504224295543.htm
BSAi