Phú Tường Nguyễn Dũng bỏ vai ông chủ của gara uy tín ở TP Bến Tre để về vùng nông thôn hẻo lánh sản xuất sa sâm.

(Cafenews)- Với niềm đam mê khởi nghiệp từ chính mảnh đất quê hương, ước mơ xây dựng thương hiệu từ sản phẩm bản địa, đã khiến Phú Tường Nguyễn Dũng ông chủ của gara uy tín ở TP Bến Tre về vùng nông thôn hẻo lánh sản xuất sa sâm, một sản phẩm mới lạ ở xứ dừa Bến Tre.

Ở Bến Tre, cộng đồng khởi nghiệp không ai lạ gì Phù Tường Nguyên Dũng. Dũng có cách khởi nghiệp khác người, sản phẩm cũng mang tính khác biệt, đó là sa sâm, một loài cây có nhiều dược tính…

Sa sâm, sản phẩm độc lạ

Nguyễn Dũng chỉ học lớp 12 hệ bổ túc, nhưng sở hữu một gara uy tín cùng tên từ cuối thập niên 1990 ở TP Bến Tre. Ga ra Nguyễn Dũng làm đại lý chính thức ở Bến Tre cho Trường Hải, đang bán chạy thì ông chủ sinh năm 1973 rẽ ngang sang làm sa sâm Việt.

Kể về mối nhân duyên với cây sa sâm, Dũng nói: khoảng năm năm trước được tỉnh Bến Tre khuyến khích và hỗ trợ phát triển du lịch ở vùng biển Thạnh Phú, nhưng vướng nhiều khó khăn, nhất là vấn đề đền bù, giải toả nên dự án không thành. Tuy nhiên, quá trình tham gia khảo sát, tìm hiểu, Dũng thấy loại cây sa sâm mọc nhiều ở bờ biển nên tìm hiểu.

Qua nghiên cứu và nhờ bạn bè là giảng viên tại các trường đại học Bách khoa, Nguyễn Tất Thành, TP.HCM, anh thấy trên thế giới chưa có quốc gia nào phát triển cây sa sâm, dù nhiều quốc gia như Nhật Bản, Bangladesh, Ấn Độ đã nghiên cứu kỹ lượng.

Sau nhiều năm mày mò tìm hiểu, Dũng biết sa sâm tại Thạnh Phú có dược chất quý saponin. Ngoài ra, nó còn chứa nhiều hợp chất quý khác như tinh dầu, acid triterpenic, β-sitosterol, polysaccharid, nhiều dẫn chất coumarin, dẫn chất của psoralen và scopoletin… Những chất này có tác dụng làm giãn mạch, tăng trương lực cơ tim, trừ đàm và kháng trực khuẩn. Một số báo cáo nghiên cứu của các nhà khoa học Ấn Độ tìm thấy trong sa sâm một số hoạt chất như saponin triterpen 3-O cho tác dụng kháng một số loại nấm, hopenol b, glutenol, các hợp chất phenol và fllavonoid acid gallic, quecertin.

Trước đó, vào năm 2002, một nghiên cứu liên kết giữa Việt – Nhật tìm kiếm tác dụng chống oxy hoá từ 77 loài thảo dược tại Việt Nam, trong đó sa sâm đứng đầu về thành phần dược liệu. Sau đó là nhiều nhóm nghiên cứu, đánh giá của các quốc gia khác như Bangladesh, Ấn Độ đều cho kết quả khả quan về các tác dụng giảm đau, chống sốt rét và chống viêm từ loại cây này.

Bột sa sâm Việt của Nguyễn Dũng.

Làm chuẩn chất ngay từ đầu

Nắm bắt cơ hội, Dũng bắt tay nghiên cứu và tổ chức vùng nguyên liệu. Sa sâm thuộc loài cây quý, hiếm, mọc hoang dã tại các bãi cát ven biển khô cằn ở Việt Nam, sống trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt. Dù trên thị trường không có hệ thống nhận diện, thương mại hoá không cao nhưng từ khi phát hiện, Dũng tìm cách quy hoạch và định hình phương pháp canh tác, chế biến khoa học theo hướng hữu cơ… Dũng kể: thu hoạch sa sâm chủ yếu diễn ra vào khoảng tháng 8 và 9 hàng năm, nhiều nhất là vào mùa mưa.

Hiện nay, tại Việt Nam nói chung và Bến Tre nói riêng, nguồn giống sa sâm chưa ổn định, chủ yếu vẫn là các giống mọc hoang dọc bờ biển, người nông dân vẫn chưa chủ động trong nguồn giống để đáp ứng yêu cầu của thị trường nên rất khó khăn. Với nông trại 1,5ha của mình, Dũng sử dụng hơn 20 nhân công. Mỗi nhân công chỉ thu hoạch, tuyển lựa được 4kg lá sa sâm mỗi ngày nên các chi phí đều tăng.

Sau khi thu hoạch được lá sa sâm, Dũng đem phơi, sấy và sử dụng công nghệ Nhật Bản nghiền nhỏ dạng bột, đóng gói. Người dùng có thể mua và hoà nước uống, đắp mặt nạ…

Hồi hộp chờ… thị trường

Dự trù tháng 10 tới Nguyễn Dũng sẽ đưa sa sâm ra thị trường. Suốt hai năm qua, Dũng miệt mài “thử mù” sản phẩm với một lý do đơn giản là “muốn mọi thứ ổn định, chắc chắn để đảm bảo tính hiệu quả”.

Hiện Dũng đã thành lập công ty cổ phần Sa Sâm Việt, sản xuất các sản phẩm từ cây sa sâm với gần 40 nhân viên và nhân công sản xuất. Nói về cách thức phân phối, Dũng cho rằng sa sâm là sản phẩm hoàn toàn mới, lạ với người dùng, nên phải làm từng bước, tiếp cận từng bước trên cơ sở tài liệu, nghiên cứu và đánh giá đầy đủ của giới chuyên môn.

Phần nghiên cứu và chứng minh sản phẩm có lợi như thế nào anh đã làm xong, bây giờ là việc phân phối và anh phải bắt đầu từ cửa hàng riêng của mình, sau đó là liên kết mua bán trên các sàn thương mại điện tử như Amazon, Alibaba, Lazada, web, mạng xã hội. Với sàn thương mại riêng của Sa Sâm Việt, Dũng cùng cộng sự đang xây dựng để chú tâm vào việc tìm kiếm, chăm sóc cũng như đảm bảo quyền lợi cho khách hàng.

Vị chủ tịch hội Doanh nghiệp TP Bến Tre và cũng là chủ tịch câu lạc bộ Cựu chiến binh làm kinh tế của tỉnh này, chia sẻ thêm rằng, việc kinh doanh phải có tầm nhìn và anh không muốn giống những bạn khởi nghiệp khác là sản xuất được sản phẩm sẽ đưa ra thị trường ngay.Như vậy sẽ rất nguy hiểm và có thể gặp thất bại.

Mục tiêu của Dũng là đến năm 2019 sẽ nhân giống, xây dựng quy trình trồng cho ra sản phẩm liên tục có thể thu hái, nâng cao giá trị kinh tế của cây sa sâm Việt. Tiếp đó là chuyển giao cho người dân, đưa khoa học và công nghệ vào chế biến những sản phẩm giá trị gia tăng. Đặc biệt là xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý nhằm đảm bảo tính độc nhất, cũng như uy tín thương hiệu của Sa Sâm Việt.

Anh Tuấn (theo TGTT)