Tại hội thảo Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo 2019: Chia sẻ nguồn lực – Kết nối thông tin, ngày 30/3, do Trung tâm BSA và Trung tâm Sáng kiến hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp (SIHUB) tổ chức, các chuyên gia, doanh nhân đã “trút bầu tâm sự” cho bạn trẻ khởi nghiệp.
Ông Nguyễn Lâm Viên: 5 tư duy cho doanh nghiệp và người khởi nghiệp
Chia sẻ tại hội thảo Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo 2019, ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng giám đốc công ty Cổ phần Vinamit nói với các bạn trẻ đã và đang khởi nghiệp rằng, chu kỳ phát triển của doanh nghiệp là một đồ thị hình sin.
Ông Viên nói: Khi doanh nghiệp khởi nghiệp đang thuận lợi, là đang đứng ở đỉnh của hình sin, ở vị trí này nhiều người nghĩ đó là thành công, thỏa mãn.
Nhưng đứng trên đỉnh này có 2 điều nguy hiểm. Một là sẽ ngã nhào về phía trước, hai là bị người khác đạp xuống phía sau.
Với kinh nghiệm hơn 30 năm của mình, ông Viên đã đưa ra 5 tư duy, truyền lại kinh nghiệm cho bạn trẻ khởi nghiệp.
Tư duy thứ nhất, làm việc khó. Theo ông Viên, hãy nuôi mầm khởi nghiệp khi còn nhỏ, đang trong trường học, đang định hướng cho tương lai. Giai đoạn này phải rèn luyện cho mình làm những việc khó để tạo cho mình sự khác biệt.
“Làm việc khó, nhưng phải là việc lợi cho người khác nữa. Điều này khó, bởi người ta thường nghĩ làm việc có lợi cho mình, ít ai nghĩ làm việc có lợi lợi cho người khác”, ông Viên nói.
Tư duy thứ hai: Sau khi có thói quen thứ nhất, người khởi nghiệp phải nhìn ra xã hội, cộng động, xem đâu là những cái khó không ai làm, đó chính là cơ hội của các bạn, ông Viên quả quyết.
Tư duy thứ ba, đầu tư. Nói về tư duy này, ông Nguyễn Lâm Viên cho rằng, nghe có vẻ lạ, nhưng thực tế ở Việt Nam mới có những cơ hội này bởi sự biến thiên của doanh nghiệp bấp bênh. Đầu tư mà vị tổng giám đốc Vinamit nói đến ở đây có thể là vàng, đất đai…
“Nên trong quá trình phát triển của doanh nghiệp, lúc thịnh vượng, hãy để ra từ 10 – 20% tiền lời giữ lại làm ngân quỹ phòng tránh rủi ro. Các quỹ đầu tư, doanh nghiệp lớn đều có ngân quỹ chống rủi ro như thế”, ông Viên nói.
Ông Nguyễn Lâm Viên cho hay, những câu chuyện kinh doanh thất bại của Vinamit chia sẻ trên báo chí để nhắc nhân viên đừng bao giờ lạc quan, tự mãn, bởi trên đỉnh cao luôn có thung lũng ở trước và sau.
Chia sẻ thêm, ông nói: “Việt Nam ra nhập CPTPP, chúng ta có đất, có nhà xưởng, đó là cơ hội cho doanh nghiệp Việt và những người khởi nghiệp, vì có cơ hội chuyển giao nhà xưởng, đất đai cho các công ty nước ngoài”.
Tư duy thứ tư là năng lực (sở hữu cái gì). Ông Viên cho rằng, người khởi nghiệp khi nhìn vào doanh nghiệp khác cần thấy được họ đang có gì, sở hữu gì mà được như thế.
Sau đó xem mình đã đủ các yếu tố về quản trị tài chính, kinh doanh, nhân sự, công nghệ chưa…, nếu chưa thì phải bổ sung những điều đó.
“Kinh doanh bây giờ còn phải sở hữu những tiêu chuẩn trong từng lĩnh vực”, đó là việc cần có, ông Viên khẳng định.
Nói thêm về tư duy sở hữu, ông Viên bổ sung, người khởi nghiệp nên hợp tác với người có nhiều sở hữu để họ không chiếm sản phẩm của mình. Còn người ít sỡ hữu hơn họ sẽ chiếm quyền sở hữu sản phẩm, công nghệ đó.
Tư duy cuối cùng là doanh nghiệp phải có trách nhiệm với cộng đồng, hành động theo kiểu nhỏ làm nhỏ, lớn làm lớn.
Nắm bắt được “vấn đề của người khác”
Trong khi đó, theo ông Trần Anh Tuấn, giám đốc công ty Tư vấn thương hiệu The Pathfinder, vấn đề của người khác chính là cơ hội cho người khởi nghiệp, phải nắm bắt được cơ hội đó.
Ông Tuấn dẫn chứng về việc tư duy thay đổi mô hình hoạt động của các bệnh viện tại Mỹ.
“Thông thường người ta nghĩ, định bệnh viện là nơi chữa bệnh, nhưng tư duy mới cho rằng bệnh viện là nơi để nâng cao sức khỏe, phục hồi và chăm sóc sức khỏe tốt nhất cho mọi người chứ không chỉ phục vụ người bệnh. Từ tư duy đó, các bệnh viện triển khai những dịch vụ mới, thậm chí, thay đổi cả mô hình hoạt động”.
Theo ông Tuấn công nghệ kỹ thuật trong thời buổi hiện nay là không thể thiếu, nhưng quan trọng hơn là công nghệ quản lý, đổi mới sáng tạo về mô hình kinh doanh.
Từ đây, chuyên gia Trần Anh Tuấn đưa ra trình tự để phát triển sản phẩm bao gồm: Xác định vấn đề, tìm kiếm giải pháp, xác định giá trị rồi mới tới đưa ra sản phẩm. Tuy nhiên, giai đoạn xác định giá trị vẫn thường bị bỏ qua, dẫn đến sản phẩm đưa ra không được thị trường đón nhận.
Chia sẻ tại hội thảo ông Phạm Dũng Nam, Giám đốc Văn phòng Đề án 844 của Chính phủ kỳ vọng rằng, những đơn vị đã triển khai những hoạt động khởi nghiệp trong nhiều năm qua ở TPHCM, như Trung tâm BSA, Sihub… sẽ tiếp tục dấn bước, chia sẻ cho nhiều đơn vị khác, để hoạt động khởi nghiệp thực sự lan tỏa trong cộng đồng.
Thông tin thêm đến các bạn khởi nghiệp, bà Nguyễn Thị Xuân Yến, Giám đốc Chương trình tăng tốc khởi nghiệp của Trung tâm BSA cho biết, trong năm 2019 sẽ triển khai chương trình khởi nghiệp với chủ đề “Tăng tốc khởi nghiệp phát triển tài nguyên bản địa bằng sức mạnh công nghệ”. Các dự án được chọn sẽ được tham gia các lớp đào tạo kỹ năng về quản trị, tầm nhìn, sứ mệnh, cùng các kỹ năng khác về bao bì, thị trường, phân phối… để khởi nghiệp thành công.