Thứ trưởng Bộ KH-CN BÙi Thế Duy: Bộ chúng tôi càng vui mừng khi ý tưởng xây dựng tiêu chuẩn không chỉ nhằm đưa hàng hoá Việt Nam xuất khẩu mà còn thực sự quan tâm việc đảm bảo an toàn cho NTD Việt Nam. Sản phẩm không chỉ nhằm bán lấy được mà phải chấm dứt tình trạng "rau 2 luống, chuồng 2 ngăn”, hàng đem bán khác với hàng ăn ở nhà mình, tức là thật sự trân trọng, bảo vệ NTD trong nước. Cũng là triết lý vững chắc: Lấy thị trường trong nước làm bàn đạp từ đó bước ra thị trường toàn cầu rồi lại sử dụng tiêu chuẩn quốc tế tạo tin cậy với người tiêu dùng trong nước.

Ngày 9/6, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH-CN), Tổ chức tiêu chuẩn GLOBALG.A.P., Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam – VCCI cùng Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao (DN.HVNCLC) đã tổ chức Hội nghị “Tiêu chuẩn mới cho doanh nghiệp và nông dân để khởi động kinh doanh sau Covid-19”. Hội nghị cũng là dịp Hội DN.HVNCLC và Bộ KH-CN tổng kết 2 năm hợp tác thực hiện Dự án hỗ trợ doanh nghiệp và nông dân xây dựng tiêu chuẩn.

Thứ trưởng Bộ KH-CN, ông Bùi Thế Duy đánh giá, Hội DN.HVNCLC và các chuyên gia của Bộ, các chuyên gia độc lập đã làm được rất nhiều việc, rất ý nghĩa cho nông dân, hợp tác xã (HTX) và cộng đồng DN Việt Nam… Theo đó:

Ý nghĩa thứ nhất, Hội DN.HVNCLC đã có cách tiếp cận toàn diện hơn khi đánh giá phần đầu vào của tiêu chuẩn. Nếu trước đây khi được bình chọn vào danh sách HVNCLC, chúng ta dựa trên đánh giá của NTD, nhưng NTD không thể trực tiếp đánh giá được các yếu tố về khoa học kỹ thuật, yếu tố an toàn sức khỏe từ đầu vào. Khi bộ tiêu chí HVNCLC – Chuẩn hội nhập ra đời đã bổ sung và tạo ra một hệ thống tiêu chuẩn hài hòa, vừa giúp việc bình chọn được khoa học vừa giúp cho DN có động lực nâng tầm sản phẩm.

Ý nghĩa thứ hai, Hội DN.HVNCLC đã kết hợp giữa các yếu tố đánh giá chủ quan, với yếu tố khách quan, dựa trên yếu tố khoa học kỹ thuật. Như vậy DN phải chuyển từ cách thức sản xuất chủ quan trước đây sang hướng đến thị trường với các yếu tố chất lượng và chuẩn mực cho sản phẩm. Đây là cách tiếp cận kịp thời, khi mà yêu cầu của NTD ngày càng cao. Nếu trước đây hàng Việt Nam xuất sang Trung Quốc không phải truy xuất nguồn gốc thì nay gần như 100% phải làm, đó là do yêu cầu của NTD Trung Quốc đã thay đổi.

Và như vậy, các DN đạt tiêu chuẩn HVNCLC – Chuẩn hội nhập là được cả niềm tin của NTD lẫn yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, về khoa học kỹ thuật… 

Tại Hội nghị, BTC đã trao chứng nhận HVNCLC – Chuẩn hội nhập cho 4 DN, nâng số DN đạt chứng nhận này lên 146 

Ý nghĩa thứ ba, là Hội DN.HVNCLC đã vào cuộc rất nhanh, rất chủ động khi xây dựng tiêu chuẩn nâng tầm cho DN Việt, hàng Việt để hướng đến thị trường châu Âu, và thị trường khác. Việc này được khởi động cách đây 4 năm, và kết quả khẳng định rằng, sự chuẩn bị sớm của Hội đã đúng khi Việt Nam hiện nay đã ký EVFTA. Cùng với đó, việc hợp tác với tổ chức quốc tế GLOBALG.A.P., khi Hội hợp tác bộ tiêu chuẩn Localg.a.p làm bước đệm cho nông sản và đã được GLOBALG.A.P. công nhận tư cách. Điều này giúp DN Việt Nam, nông sản Việt Nam rộng đường hơn khi tiếp cận với các thị trường khu vực, quốc tế.

Bộ KH-CN đã đồng hành cùng Hội DN.HVNCLC ngay từ đầu, hỗ trợ mọi cách, về con người, chuyên gia… thể hiện một cách làm mới giữa cơ quan quản lý nhà nước và các hiệp hội, đi sát với DN.

Khác với cách làm của các tổ chức tiêu chuẩn khác, ở đây Hội DN.HVNCLC cùng các chuyên gia đã bám sát, đi xuống tận cơ sở, DN, trang trại. HTX để tư vấn, hướng dân, chia sẻ khó khăn, cách làm…

Cách làm này sẽ được nông dân, HTX tiếp nhận dễ dàng hơn, cảm thấy đây là việc cần làm để nâng sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa do chính họ sản xuất ra.

Chương trình Hỗ trợ sinh kế, cải thiện đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số thuộc Ủy ban Dân tộc Quốc hội cùng Hội DN.HVNCLC ký kết tài trợ cho Chương trình xây dựng tiêu chuẩn Localg.a.p. của các HTX phía Bắc.

Ý nghĩa thứ 4, Bộ tiêu chuẩn HVNCLC – Chuẩn hội nhập với mục tiêu đầu tiên là cho NTD Việt Nam được hưởng những sản phẩm chất lượng cao với tiêu chuẩn quốc tế. Cho nên, DN hãy lấy thị trường trong nước làm bàn đạp để tiến ra toàn cầu. Và để tận dụng thị trường nội địa, DN phải áp dụng những tiêu chuẩn quốc tế với thị trường này, nhằm đưa sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế đến NTD trong nước. Đó là cách làm tăng sức cạnh tranh cho hàng Việt để vươn xa.

“Làm sao để Việt Nam có những sản phẩm đạt chất lượng quốc tế, có giá trị cao, không đi theo hướng hàng giá rẻ, vì nhiều khách hàng ở thị trường khó tính nghĩ hàng giá rẻ là hàng kém chất lượng”, Thứ trưởng Bộ KH-CN Bùi Thế Duy
Thứ trưởng Bộ KH-CN Bùi Thế Duy: Bộ chúng tôi càng vui mừng khi ý tưởng xây dựng tiêu chuẩn không chỉ nhằm đưa hàng hoá Việt Nam xuất khẩu mà còn thực sự quan tâm việc đảm bảo an toàn cho NTD Việt Nam. Sản phẩm không chỉ nhằm bán lấy được mà phải chấm dứt tình trạng “rau 2 luống, chuồng 2 ngăn”, hàng đem bán khác với hàng ăn ở nhà mình, tức là thật sự trân trọng, bảo vệ NTD trong nước. Cũng là triết lý vững chắc: Lấy thị trường trong nước làm bàn đạp từ đó bước ra thị trường toàn cầu rồi lại sử dụng tiêu chuẩn quốc tế tạo tin cậy với người tiêu dùng trong nước.
Trần Quỳnh