Trong buổi workshop “Công nghệ hỗ trợ kinh tế nông nghiệp” trước thềm cho diễn đàn Mekong Connect 2019, các chuyên gia công nghệ đã đưa ra nhiều ý tưởng, cách làm, nhằm giúp nông nghiệp ĐBSCL khởi sắc.
Ông Nguyễn Bá Quỳnh, Tổng giám đốc Công ty Global CyberSoft: Cần nền tảng kết nối
Nông sản Việt Nam năm nào xuất khẩu đi Trung Quốc cũng gặp không ít vấn đề, gây ra những thiệt hại cho nông dân, doanh nghiệp. Những vấn đề này khi áp dụng công nghệ thông tin vào, kết quả sẽ khác.
Người nông dân hiện nay đa phần có điện thoại thông mình, thông tin cập nhật. Việc cần làm là xây dựng hệ thống thu thập thông tin trong quá khứ, kết hợp với công nghệ trí tuệ nhân tạo, sẽ đưa ra những lời khuyên có độ chính xác cao.
Vì thế, cần có một nền tảng bền vững giúp nông dân có thông tin đầy đủ.
Theo tôi, những người làm kinh tế trong lĩnh vực nông nghiệp phải là người bắt tay nhau xây dựng nền tảng đó, biến nền tảng đó trở thành thứ có thể kinh doanh được.
Chuyên gia công nghệ Trần Viết Huân: Nên có những platform
Platform là nền tảng cung cấp thông tin, bởi đó là nhu cầu của người nông dân.
Cho nên phải có những doanh nghiệp đầu tư vào. Hoặc có thể kêu gọi, vận động, hỗ trợ con cái của nông dân sau khi học hành thành tài quay về đầu tư, tạo những điểm sáng. Nhưng cơ chế nào để biến những điểm sáng đó thành nền tảng công nghệ có thể ứng dụng ở quy mô rộng hơn là câu hỏi cân lời giải.
Mekong connect nên như một platform kết nối, có thể đóng vai trò mời gọi để starup đầu tư, kết nối các nguồn lực… Đó là hệ sinh thái ban đầu liên kết các điểm sáng để có nền tảng cho tương lai.
Ông Nguyễn Thanh Mỹ, TGĐ Công ty Cổ phần RYNAN AgriFoods: Công nghệ 4.0 giải quyết được nhiều vấn đề
Mỗi năm Mekong connect tổ chức đều mang lại những thông tin hữu ích cho nông dân, doanh nghiệp và lãnh đạo các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.
Đồng bằng sông Cửu Long có ba thách thức lớn, thứ nhất là xâm nhập mặn, thứ hai là biến đổi khí hậu dẫn đến sâu, rầy khiến nông sản thất thoát nhiều. Và thứ ba là vấn đề về thiếu hụt nguồn lao động.
Tất cả những thách thức trên, công nghệ 4.0 giải quyết được.
Như dùng công nghệ 4.0 để xây dựng mạng lưới quan trắc nước. Với điện thoại thông minh người nông dân có thể biết được thông tin về chất lượng nước, độ mặn, độ kiềm, pH…để có thể canh tác lúa, nuôi cá, tôm…
Công nghệ 4.0 còn có thể hình thành mạng lưới giám sát về sâu, rầy giúp bà con nông dân phản ứng kịp thời khi xảy ra dịch bệnh…
Cũng nhờ ứng dụng công nghệ mà công ty chúng tôi làm được phân bón thông minh, máy sạ, máy cấy tích hợp bón phân, phun vi sinh 3 trong 1 để thích ứng với việc thiếu lao động ở địa phương.
Giám đốc điều hành Real-Time Analytics Lê Đặng Trung: Công nghệ dữ liệu
Phải đi sâu vào từng lĩnh vực của công nghệ, công nghệ sản xuất, bảo quản, chế biến, và đặc biệt là công nghệ thông tin để có thể xử lý nhiều bài toán về dữ liệu, thông tin, kết nối để nông sản đi xa.
Nhưng trước hết, nên tập trung vào công nghệ dữ liệu, bởi dữ liệu là mấu chốt xuyên suốt mọi công đoạn, từ quá trình sản xuất đến thu hoạch, nhất là việc đưa sản phẩm ra thị trường.
Trong bối cảnh hiện nay, thị trường đòi hỏi ngày càng cao về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc xảy ra với mọi sản phẩm, công nghệ dữ liệu sẽ len lỏi vào tất cả những ngóc ngách và giúp bài toán nông sản được giải quyết.
TS Phan Thị Thanh Quế, bộ môn công nghệ thực phẩm, khoa nông nghiệp ĐH Cần Thơ: Công nghệ chế biến không kém phần quan trọng
Công nghệ thông tin, công nghệ bảo quản, bao bì… tất cả đều rất cần với nông dân, nhưng còn một thực tế khác là trái cây khi không đạt về kích cỡ xuất khẩu thì rất cần công nghệ chế biến phù hợp để mang lại giá trị gia tăng cho nông sản.
Đây là một trong những vấn đề mà người nông dân đang gặp khó khăn.
Bài Trần Quỳnh, Ảnh: AT