Ông Seo Fumio, Phó Tổng giám đốc Khối thu mua Công ty TNHH Aeon Việt Nam

Tham dự Workshop với chủ đề: Nâng giá trị gia tăng, đẩy mạnh thương mại hóa nông sản đồng bằng diễn ra chiều ngày 21/10 tại TP.HCM, ông Seo Fumio, Phó Tổng giám đốc Khối thu mua Công ty TNHH Aeon Việt Nam đã đưa ra nhiều lời khuyên nhằm cho nông dân, nông nghiệp ĐBSCL.

Đây là một trong những buổi Workshop trước thềm Diễn đàn kinh tế Mekong Connect 2019, tổ chức cho tỉnh Đồng Tháp, nhằm có báo cáo toàn diện hơn khi Diễn đàn được tổ chức chính thức vào ngày 7/11 tại Cần Thơ.

Ông Seo Fumio, và bà Mayu là hai người Nhật Bản (ngồi ngoài bên phải) làm việc hơn 10 năm ở Việt Nam nên họ có cái nhìn khá xác thực về nông nghiệp Việt

Ông Seo Fumio cho rằng, có rất nhiều vấn đề cần cải thiện của người nông dân ĐBSCL.

Thứ nhất, nông dân Việt Nam nói chung, và ĐBSCL nói riêng đa phần muốn phát triển về sản lượng.

“Họ muốn xem được bao nhiêu kg, tạ, tấn… Nhưng lại không nghĩ, quan trọng nhất cần cải thiện là mặt chất lượng sản phẩm”, ông Seo Fumio nhấn mạnh.

Thứ hai, một số nông dân Việt Nam đang muốn phát triển sản phẩm theo hướng hữu cơ, GlobalGAP, Việt GAP… nhưng đầu ra gặp khó do chưa tìm được đối tác tiêu thụ, nên khi mang ra chợ thì không bán được giá mong muốn.

Vấn đề thứ ba, khi nông dân sản xuất ra những sản phẩm chất lượng tốt, nhưng quá trình vận chuyển, đơn cử như từ Cần Thơ về TP.HCM bán hàng lại có nhiều chuyện phát sinh. Ông Seo Fumio dẫn chứng, từ thay đổi nhiệt độ xe chở hàng, khi cần xe chuyên dụng lạnh, lại dùng xe bình thường, hoặc đường đi không tốt nên xe va đập dẫn đến sản phẩm bị hư.

Vị lãnh đạo Khối thu mua cho hay, hệ thống AEON hiểu được nhà cung cấp của mình là ai, đơn vị vận chuyển là ai, nên biết được sản phẩm của mình sẽ ra sao trong quá trình này. Nhưng nhiều người nông dân đồng bằng, khi bán sản phẩm ra ngoài, qua nhiều thương lái, trung gian nên không biết sản phẩm tới tay người tiêu dùng sẽ ra sao. Còn người tiêu dùng không biết sản phẩm họ mua do vùng nào, đơn vị nào sản xuất ra…

Đông đảo chuyên gia, lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp tham dự góp ý cho chương trình

Chia sẻ thêm, ông Seo Fumio cho biết, hệ thống AEON có chủ trương sản phẩm phải an toàn và dễ dàng. AEON tập trung vào những chứng nhận cho rau, quả, chứng nhận này phản ánh chất lượng an toàn của sản phẩm. Có nhiều chứng nhận, nhưng AEON tập trung vào 3 chứng nhận, hữu cơ, GlobalGAP, Việt GAP.

Ông Seo Fumio kể, ở Nhật Bản có nhiều người nông dân sản xuất họ dán hình của mình lên sản phẩm, tại khu vực gian hàng trong siêu thị, người tiêu dùng sẽ dễ nhớ, có niềm tin vào sản phẩm hơn. Việt Nam hiện nay có rất ít người nông dân làm theo cách này.

Bên cạnh đó, chuyên gia thu mua của AEON còn cho biết, sản phẩm của người nông dân cũng cần có gói đựng sản phẩm thân thiện, mang tính bảo vệ môi trường.

Cuối cùng, ông Seo Fumio tiết lộ rằng, tập đoàn AEON còn ký bản ghi nhớ với Chính Phủ Việt Nam về việc tiêu thụ sản phẩm Việt Nam tại Nhật Bản. Theo đó dự kiến đến năm 2025 sản phẩm Việt Nam có mặt ở Nhật Bản sẽ đạt khoảng 1 tỉ USD. Và AEON không chỉ tập trung vào sản phẩm cho thị trường ở Việt Nam, mà còn xuất những sản phẩm này sang AEON bên Nhật Bản.

Trần Quỳnh. Ảnh: Anh Tuấn