Một trong những dự án mà tôi đang thực hiện là hỗ trợ Bến Tre phát triển nông nghiệp hữu cơ cho nông dân và học sinh. Làm hữu cơ với bà con nông dân Bến Tre là chủ yếu phát trồng, tạo ra sản phẩm, phát triển thị trường nội địa cho gạo, dừa, sắp tới có xoài, gà hữu cơ…

Huyện Bình Đại đang làm dừa hữu cơ, chúng tôi mong muốn mở rộng sản phẩm cho dừa. Trước đây, chúng ta thường thấy dừa chủ yếu được ép dầu xuất sang nước ngoài. Gần đây, trong lúc các công ty lớn có thể khai thác được nhiều các giá trị từ dừa thì nông dân địa phương không tham gia được vào chuỗi đó.

Từ mục đích phát triển cộng đồng, chúng tôi đề xuất mô hình trồng dừa hữu cơ để có thể bán ép dầu, tạo ra các sản phẩm từ dừa như mứt, kẹo… mà ở đó chị em phụ nữ có thể làm được.

Việt Nam có những công ty lớn, đang đầu tư mạnh cho công nghệ, mẫu mã, bao bì… tôi thấy cần thêm những hành động hỗ trợ cho cho cộng đồng, các vùng nông thôn, để các xã, huyện có những nhà xưởng, giúp phụ nữ, thanh niên nông thông có việc làm, thu nhập, gắn bó với ruộng vườn.

Giá mua bán dừa lúc cao, lúc thấp, tức rất bấp bênh, nên không thể kỳ vọng thường xuyên vào việc bán dừa trái mà câu chuyện ở đây là chế biến, tạo ra sản phẩm gia tăng từ dừa. Tuy nhiên, để sản phẩm ngon, lành, chinh phục được người tiêu dùng thì chúng ta lại phải quay về vấn đề từ gốc là sản xuất, tức “làm nông tử tế” – nông nghiệp hữu cơ.

Và không chỉ dừa, các sản phẩm khác cũng vậy, muốn bền vững, nông dân ĐBSCL cần sản xuất theo mô hình nông nghiệp hữu cơ.

Tất nhiên, muốn làm nông hữu cơ thì nông dân phải học và tập tính kiên trì, để biết khái niệm về nông nghiệp hữu cơ, đất khoẻ và hệ sinh thái là gì, các kỹ thuật như cách ủ phân, làm thuốc thảo mộc, dung dịch dinh dưỡng, kỹ thuật trồng rau các loại, v.v. Học lý thuyết rồi kèm thực hành luôn: quan sát, ghi nhận và đi xem, học hỏi kinh nghiệm từ “đôi bạn” đã làm thành công. Chỉ riêng chuyện con sâu, học và hiểu sâu về sâu để xử lý tuỳ trường hợp, cả sử dụng con thiên địch để diệt trừ sâu có hại. Mayu nói, tất nhiên nhà nông thì biết nhiều về sâu rầy, nhưng giờ cần hiểu và thực hành chính xác: quan sát trứng các con sâu, nuôi sâu, lấy trứng sâu, theo dõi khi nó thành nhộng, thành bướm để biết bố mẹ nó là ai, vòng đời nó thế nào, xếp thiên địch riêng, sâu có hại riệng, độ hại ít hại nhiều, xử sao cho không hại hệ sinh thái chung…

Khi bốc một nắm đất trên tay, bóp nó vụn ra, thấy đất ẩm, tơi xốp, thấy màu đen hay nâu sậm mịn màng, và nếu mà đào xuống còn thấy côn trùng ngo ngoe là biết đất đang sống tốt. Còn đất khô, chai cứng, bạc màu, từng hạt đất rời rạc là biết đất nguy, sắp chết và cứu nó phải một năm, vài năm không nôn nóng được.

Tôi vẫn thường nói với nông dân là “muốn chăm cây hãy chăm đất”. Khi đất đã được nghỉ ngơi, không ngậm đầy hoá chất hay thuốc diệt cỏ, chung quanh có hàng rào tươi bằng cây, có ao để lắng và nên trồng hoa thu hút côn trùng thiên địch. Tất cả là một chuỗi bài bản phải được học và hành nghiêm túc, không xuề xoà tuỳ tiện được. Làm hồi sinh đất, bằng mọi cách hồi phục sinh mệnh sống cho đất, cả một kỳ công của kiến thức, kỹ năng và tính kiên nhẫn.

Chúng ta thường nghe những công thức dễ nhớ, dễ thuộc, nhưng không rõ lắm ý nghĩa và triết lý sâu xa của chúng: nào là 3 giảm, rồi 1 phải, lại 5 giảm đến 4 đúng. Trong khi đó, hướng sản xuất an toàn bền vững hay hữu cơ có triết lý rõ ràng hơn: làm nông cần bảo vệ sức khoẻ các đối tượng liên quan – bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên – đối xử công bằng với mọi sinh vật và bảo vệ môi trường sống cho con người. Làm sao làm nông mà bảo vệ được sức khoẻ cho người nông dân, gia đình họ và người tiêu dùng; cũng như bảo vệ được đất, nước, không khí, hệ vi sinh vật và cả cho môi trường nói chung.

(*) Mayu Ino – cô gái đến từ Nhật Bản sinh năm 1974 – nói tiếng Việt giọng Bắc khá chuẩn, có rất đông bạn bè là nông dân Việt Nam. Mayu đến Việt Nam năm 1997 để theo học tại trung tâm Nghiên cứu về Việt Nam và giao lưu văn hoá thuộc khoa Sử, trường đại học Quốc gia Hà Nội. Sau khi tốt nghiêp, từ năm 2003 – 2009, Mayu làm việc cho tổ chức tình nguyện quốc tế Nhật Bản tại Việt Nam, với những phần việc hỗ trợ, xây dựng các dự án cộng đồng cho các nơi khó khăn ở một số tỉnh. Năm 2009, tổ chức này ngưng hoạt động ở Việt Nam, nhưng cô không trở về Nhật Bản, mà tự đứng ra thành lập tổ chức Seed to Table (Từ hạt giống đến bàn ăn), một mô hình phát triển cộng đồng phổ biến ở Nhật Bản, nhưng còn lạ lẫm ở Việt Nam. Tổ chức Seed to Table do bộ Ngoại giao Nhật Bản tài trợ, với mục đích giúp đỡ nông dân Việt Nam trồng rau hữu cơ và chăn nuôi để cải thiện sinh kế. Hiện, Mayu vẫn duy trì Seed to Table, vẫn gắn bó với nông dân và truyền kiến thức nông nghiệp bền vững cho các em học sinh ở Bến Tre và Đồng Tháp.

B.S.A – V.K