Mekong Connect luôn mang mang lại những thông tin hữu ích cho nông dân, doanh nghiệp và lãnh đạo các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Năm nay cũng vậy, tôi hy vọng và kỳ vọng các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp… khi đến Mekong Connect 2019 sẽ mang đến những ý tưởng, kiến giải mới, hiệu quả để giúp ĐBSCL phát triển mạnh về mảng nông nghiệp, ngày càng bền vững. 

Ông Nguyễn Thanh Mỹ, TGĐ Công ty Cổ phần RYNAN AgriFoods đã đặt vấn đề như vậy khi tham dự Workshop “Công nghệ hỗ trợ kinh tế nông nghiệp” trước thềm Mekong Connect 2019, do Hội DN HVNCLC tổ chức. Cũng tại đây, ông ông Nguyễn Thanh Mỹ đã giải đáp nhiều thắc mắc liên quan giữa công nghệ và nông nghiệp – vấn đề đang được nhiều người quan tâm.

Là một người “lăn lộn” với ĐBSCL, theo ông, đâu là những khó khăn nhất mà người dân, nền nông nghiệp ĐBSCL đang đối diện?

Ông Nguyễn Thanh Mỹ: Ba khó khăn lớn nhất của ĐBSCL mà chúng ta nhìn thấy: Xâm nhập mặn, biến đổi khí hậu sâu bệnh nhiều và thiếu lao động nông nghiệp trầm trọng. Nguyên nhân thiếu lao động là do đất nước mình công nghiệp, hóa đô thị hóa quá nhanh, các bạn trẻ không chịu làm nông dân nữa, việc tìm người đi cày, đi cấy, nhổ cỏ… giờ tìm không ra.

Ông đánh giá sao về vai trò của công nghiệp đối với nông nghiệp?

Công nghiệp giúp chúng ta rất nhiều trong canh tác. Điều đáng mừng là người Việt Nam mình rất thông minh, phát triển công nghệ rất là nhanh, ít tốn kém mà rất phù hợp với điều kiện canh tác nhỏ lẻ cũng như điều kiện thời tiết, khí hậu và cách canh tác của ĐBSCL.

Trong thời gian qua, chúng tôi đã xây dựng mạng lưới quan trắc nước thông minh để bà con nông dân thông qua điện thoại di động có thể biết được thông tin về nước sông. Chúng tôi cũng hình thành mạng lưới giám sát sâu rầy thông minh để bà con nông dân biết sắp tới có loại sâu rầy nào, mật độ ra sao. Chúng tôi còn sản xuất phân bón thông minh, hợp tác với Đại học Cần Thơ làm máy bón phân thông minh 3 trong 1 để nông dân đỡ cực. Rồi làm màng đa lớp cản khí cao có thể tăng thời gian bảo quản cho thực phẩm…

ĐBSCL đang rất cần những công cụ hỗ trợ từ công nghiệp, công nghệ như thế và cả những nền tảng thương mại điện tử để nông dân mình bán nông sản.

Theo ông, để làm ra những công nghệ, sản phẩm công nghiệp ứng dụng hiệu quả nhất cho nông nghiệp ĐBSCL thì đâu là yếu tố quan trọng nhất?

-Phải có trải nghiệp. Sống chung càng tốt. Ví dụ như bản thân tôi, sau khi tìm hiểu một thời gian, rồi khi thực sự vô làm nông dân thì nhìn thấy rất nhiều cơ hội, nhiều việc cần làm và làm rất khác so với trước đây. Thử nghiệm 3 năm 4 năm vừa qua thì nói chung công ty phát triển dần dần, tốt lên, cơ hội mở ra.

Điều còn lại là gì nữa?

Chúng ta cần những chuyên gia để giúp cho các sản phẩm, ứng dụng, công nghệ được thông minh hơn, hiệu quả hơn, phù hợp hơn để ĐBSCL phát triển nhanh, bền vững. Nhất là về nông nghiệp, không riêng gì canh tác, không riêng về truy xuất nguồn gốc, không riêng về đóng gói bao bì, không riêng về thương mại điện tử, mà nó là cả một chuỗi giá trị – thứ mà cả nông dân và người tiêu dùng đều cần.

Kế nữa là khuyến khích người dân, doanh nghiệp làm nông nghiệp thông minh, nông nghiệp phát thải, thích ứng với điều kiện thời tiết hiện nay và sắp tới khi biến đổi khi hậu khốc liệt hơn

Một vấn đề nữa cũng đáng quan tâm là tăng doanh thu và lợi nhuận cho nông dân mình.

Tất cả những vấn đề trên, tôi hy vọng và kỳ vọng các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp… có thể góp sức để có những giải pháp thật cụ thể, có những cách làm thiết thực để giúp ĐBSCL phát triển mạnh về mảng nông nghiệp, càng ngày càng bền vững.

————————

Ước mơ giúp nông dân thoát nghèo bằng điện thoại thông minh

Năm 2015, khi 60 tuổi, TS Nguyễn Thanh Mỹ quyết định về hưu như bao công chức nhà nước khác. Nhà ông nằm ở cù lao Long Trị, xung quanh mênh mông là nước, vậy mà người dân không có nước tưới cây. Hàng ngày đi ghe qua lại trên cù lao này, ông nhận ra có một màu nước khác biệt vào một thời điểm nào đó trong ngày. Đó chính là lúc nước sông không bị ngập mặn. 

“Tôi suy nghĩ làm cái phao quan trắc cứ 15phút  đo độ mặn, rồi gửi thông số đó về điện thoại thông minh. Do đó, người nông dân ở bất kỳ đâu cũng có thể biết được lúc nào nước mặn và lúc nào nước hết mặn. Lúc đó, tôi bắt đầu nghĩ đến sử dụng công nghệ 4.0 để quản lý nước”, ông Mỹ nhớ lại.

Sau nước, ông Mỹ lại nghe nhiều đến thực phẩm bẩn. Ông Mỹ quyết định tiến hành một lúc 3 dự án nông nghiệp công nghệ cao tại Cù Lao Long Trị:  Smart Fertilizer (chuyên về phân bón thông minh), Rynan Techonologies (chuyên về đồng hồ nước thông minh, cảm biến nhiệt trong xe) và Rynan Agrifoods (chuyên sản xuất bao bì đa lớp giúp bảo quản nông sản trong thời gian dài mà không cần hóa chất).

Ý tưởng sản xuất phân bón thông minh của ông Mỹ cũng xuất phát từ việc đọc sách báo và nhận thấy phân đạm bón tan rất nhanh nên lúa chỉ hấp thụ được 40%, 60% đạm còn lại mất đi do bốc hơi hoặc bị nước mưa trôi rửa. Phân lân, phân cali cũng vậy, mưa trôi xuống sông sẽ gây ô nhiễm nguồn nước, bốc hơi lại sản sinh lượng khí gây hiệu ứng nhà kính. 

Mất 3 năm nghiên cứu, tìm hiểu tại nhiều quốc gia có nền nông nghiệp tiên tiến như Israel, Mỹ, công ty của ông Mỹ mới tạo ra được loại phân bọc polymer và lớp vỏ nano 3 lớp bên ngoài giúp tan chậm và kiểm soát được lưu lượng hấp thụ.

Ngoài ra, loại phân bón này chỉ cần dùng một lần mà lại ít sâu bệnh, trong khi bình thường người nông dân trồng lúa phải bón 4 lần/vụ. Do đó, loại phân bón này còn giải quyết được tình trạng thiếu lao động nông nghiệp đang trở nên trầm trọng ở các vùng quê. (Theo TPO)

(*) Ông Nguyễn Thanh Mỹ sinh năm 1955 ở Trà Vinh, tốt nghiệp khoa Hóa đại học Bách khoa TP.HCM năm 1978. Di cư sang Canada năm 1979, sau 25 năm làm việc tại Canada, Mỹ, ông trở về quê làm ăn. Ông là nhà phát minh và đồng phát minh trên 150 bằng sáng chế ở Hoa Kỳ, Canada và hàng chục nước trên thế giới. Tính đến nay, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ đã sáng lập và đồng sáng lập nên 8 doanh nghiệp công nghệ cao,

B.S.A ghi