Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, người gắn bó với diễn đàn Mekong Connect từ những ngày đầu mừng vui vì sự trưởng thành lớn mạnh qua mỗi năm của diễn đàn.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, người gắn bó với diễn đàn Mekong Connect từ những ngày đầu khi Mekong Connect chỉ giới hạn ở 4 tỉnh ABCD Mekong bày tỏ mừng vui vì sự trưởng thành lớn mạnh qua mỗi năm, kết nối nhiều hơn, sáng tạo nhiều hơn, và tạo ra ngày càng nhiều hơn một tầng lớp doanh nông mới cho ĐBSCL và cả nước.

– Là người tham gia tất cả các kỳ Mekong Connect đến nay đã là kỳ thứ 8, bà đánh giá thế nào về hiệu quả thực tế mà diễn đàn Mekong Connect đã mang lại?

– Mỗi một năm có một sự trưởng thành nhất định, có một sự kết nối nhiều hơn. Ban đầu chỉ có bốn tỉnh ABCD Mekong, sau đó các tỉnh khác bắt đầu tham gia vào, lúc đầu chỉ tham gia như là những người đến nghe, sau này thì họ đã tham gia trực tiếp và hoạt động nhiều hơn. Khi đó, sự kết nối của các tỉnh trở thành một thực tế rất rõ. Doanh nghiệp khi đó không chỉ làm ở một tỉnh mà còn làm từ tỉnh A, kết nối sang tỉnh B, tỉnh C, như Lộc Trời của ông Huỳnh Văn Thòn, lúc đầu làm ở An Giang, cánh đồng mẫu lớn lúc đầu chỉ phát triển ở An Giang, nhưng sau đó ông đã qua Đồng Tháp. Sang Đồng Tháp lại được địa phương hóa, trở thành cánh đồng liên kết, chứ không nói lớn hay nhỏ bao nhiêu, tức là tinh thần liên kết. Từ đó tiếp tục lại lan sang các tỉnh khác với các mô hình tương tự và không chỉ trên lúa mà còn trên các lĩnh vực khác. Hoặc là những doanh nghiệp đã thành công ở tỉnh này họ mang mô hình, mang câu chuyện sang kể lại, chia sẻ kinh nghiệm cho các tỉnh khác làm sản phẩm tương tự. Đó là một mặt rất tích cực, rất hay mà Mekong Connect đã mang lại.

Thứ hai là các tỉnh đã nhận thức được là mình nên tập trung vào cái gì mình có thế mạnh, chứ không phải cứ thấy tỉnh bạn bên cạnh làm tốt cái này mình lại lao vào làm theo, như vậy sẽ thành thừa,  mà sản phẩm không hợp với điều kiện địa phương kém ra thị trường lại làm cho cả sản phẩm đang tốt bị nhiễu loạn, giá bán cùng nhau kéo xuống. Nhưng đến bây giờ họ đã nhận thức ra được phải tập trung hơn vào các sản phẩm mình có thế mạnh, tức là đã biết phân công, phân chia thị trường với nhau. Tôi cho rằng đó là cái rất quý mà Mekong Connect đã mang lại.

Điều thứ ba, một trong những điều tôi quý nhất ở Mekong Connect là tinh thần tạo ra tầng lớp doanh nông mới, những người khởi nghiệp nông nghiệp, mà nông nghiệp ở đây là hướng tới thị trường thương mại hóa sản phẩm chứ không chỉ đơn thuần là sản xuất, làm ra sản phẩm mà không biết bán đi đâu. Giờ đây mỗi một khi các bạn phát triển một sản phẩm các bạn đều tính được thị trường cần cái gì và mình nên làm thế nào để có sản phẩm phù hợp với thị trường, kênh phân phối của mình ở đâu. Chính từ cách làm đó, các bạn ngay từ đầu đã có thể mời được một vài nhà công nghệ đến giúp sức cho mình thiết kế sản phẩm tốt, hay mời được những người giỏi thị trường giúp cho mình các kênh phân phối. Tôi được biết, lần này  cũng có thư khen của ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ghi nhận đấy là một trong những thành quả lớn của Mekong Connect.

Bà Phạm Chi Lan trong vòng tay doanh nghiệp tham dự Mekong Connect.

– Tôi thấy hôm nay bà đến rất sớm, và tỏ ra vô cùng hào hứng với các sản phẩm trong Triển lãm “Nền kinh tế xanh và bền vững của Việt Nam”, bà có thấy triển lãm năm nay có nét gì mới so với các năm trước?

– Cách làm của Mekong Connect năm nào cũng vậy là tạo cơ hội cho các bạn trẻ khởi nghiệp giới thiệu sản phẩm của mình qua các triển lãm, nhưng năm nay các sản phẩm triển lãm có một sắc thái rõ so với các lần trước đó là sản phẩm của các bạn được nâng cấp lên khá tốt. Gần như sản phẩm nào cũng nhấn mạnh về “tính Xanh” của mình, không có sản phẩm nào quên “yếu tố xanh” trong sản phẩm. Những lần trước có thể các bạn nặng về quảng bá sản phẩm này là hay, là tốt, là đẹp, là mới, nhưng lần này thì ai cũng nhấn mạnh “yếu tố xanh”.

Đó là điều rất đáng mừng cho chúng ta, phải đạt chuẩn xanh, bền vững như vậy thì chúng ta mới tận dụng được 16 FTA (Hiệp định thương mại tự do) mà chúng ta đã ký kết với 60 nước trên thế giới. Nếu không đạt được các tiêu chuẩn xanh bền vững này thì chúng ta không thể xuất khẩu sẽ hoài phí vô cùng, trong khi Việt Nam lại được đánh giá là một trong 15 nước có nền nông nghiệp mạnh, có thế mạnh lâu dài về nông nghiệp. Thế nên, nếu chúng ta không có những sản phẩm mạnh, đạt chuẩn hội nhập để đưa ra thế giới thì quả là một sự phí phạm lớn. Chúng ta thấy rằng lâu nay trong các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam thì phần lớn là vai trò của các nhà đầu tư nước ngoài, chiếm tới 73% trong kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, nhưng trong nông nghiệp thì các nhà đầu tư nước ngoài chưa tham gia nhiều thì đây chính là cơ hội cho Việt Nam, cho doanh nghiệp, cho người Việt tận dụng tài nguyên bản địa của mình mà làm ra những sản phẩm bằng chính bàn tay và giá trị gia tăng do người Việt làm ra.

– Năm nay Mekong Connect đánh dấu một bước chuyển mình lớn khi chính thức có sự tham gia của TP.HCM và mở rộng mạng lưới liên kết đến 13 tỉnh, thành ĐBSCL, bà kỳ vọng gì về sự thay đổi này?

– Như các bạn đã biết, Mekong Connect ban đầu ra đời từ sáng kiến của Mạng lưới liên kết cấp vùng ABCD Mekong (An Giang – Bến Tre – Cần Thơ – Đồng Tháp), đến năm nay điều đặc biệt là TP.HCM chính thức tham gia vào đăng cai tổ chức Mekong Connect. Tôi tin như vậy chúng ta sẽ tận dụng được các sức mạnh về khoa học công nghệ, về nguồn lực con người, trí thức, các bạn trẻ rất năng động có nhiều kết nối với thị trường bên ngoài của TP.HCM sẽ giúp đỡ, hỗ trợ cho các tỉnh ĐBSCL làm tốt hơn việc phát triển bền vững của mình. Bên cạnh đó cũng giúp cho việc nâng cấp các sản phẩm của Việt Nam theo hướng xanh đạt chuẩn xanh trong nước và bên ngoài, từ đó giá tăng giá trị sản phẩm, tạo dựng niềm tin và mở rộng thị trường, từ đó thu nhập của người nông dân cùng tất cả những người tham gia vào quá trình sản xuất, chế biến nông phẩm được cải thiện hơn.

– Nhưng, ở một góc độ nào đó, để diễn đàn có thể nâng cấp hơn nữa, bà mong sẽ chờ đợi điều gì?

– Tôi chờ đợi ở sự tham gia nhiều hơn nữa như các đại học, các viện nghiên cứu, nơi có nguồn lực tiến hành các nghiên cứu, khảo sát từ đó có thể hoạch định ra các chương trình của mình để nghiên cứu dựa trên thực tế nhiều hơn, ứng dụng vào thực tế nhiều hơn. Từ đó, giúp cho các bạn trẻ ở các nơi, các vùng còn thiếu thốn có thể tiếp cận được với những sản phẩm công nghệ của các viện, các trường.

BSA MEDIA