Tọa đàm: “Thúc đẩy bán hàng online qua các nền tảng trực tuyến cho cộng đồng doanh nông trẻ và các chủ thể OCOP”, sáng 15/11, thu hút đông đảo sự quan tâm của các doanh nghiệp và đại biểu
Với kênh livestream bán hàng trực tuyến, lần đầu tiên những doanh nghiệp khởi nghiệp, những chủ thể OCOP và ngay cả những người nông dân Việt không chỉ biết bán những sản phẩm mình làm ra mà còn biết kể những câu chuyện quê mình, bán cho khách hàng không chỉ sản phẩm mà còn cả cảm xúc bản địa.
Chia sẻ tại tọa đàm: “Thúc đẩy bán hàng online qua các nền tảng trực tuyến cho cộng đồng doanh nông trẻ và các chủ thể OCOP”, sáng 15/11, trong khuôn khổ diễn đàn Mekong Connect 2023, ông Nguyễn Minh Tiến – Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại Nông nghiệp cho biết: “Đại dịch Covid-19 đã thay đổi thói quen tiêu dùng của thế giới và cả người Việt với nền tảng số. Tuy nhiên, khi bán hàng trên các sàn thương mại điện tử, đối với nông sản, các sản phẩm OCOP sẽ gặp những hạn chế về năng lực và khả năng tài chính, chẳng hạn như cạnh tranh về giá, làm các chương trình khuyến mại. Đây là cũng chính khó khăn chúng tôi gặp phải khi triển khai chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Tuy nhiên, đến tháng 4/2022 khi Tiktok Shop được cấp giấy phép ở Việt Nam thì chúng tôi đã tìm ra một phương thức để có thể trợ giúp hiệu quả cho các chủ thể nhỏ. Kể từ đó đến nay, 10.800 sản phẩm OCOP là 10.800 giá trị bản địa, 10.800 quy trình sản xuất, nguồn gốc xuất sứ được khi người tiêu dùng tiếp cận  trực tiếp thông qua các buổi livestream của Trung tâm phối hợp với các chủ thể OCOP địa phương”.
“Tôi muốn nhấn mạnh đến việc lần đầu tiên những chủ thể OCOP, những người nông dân, qua kênh livestream đã biết không chỉ sản phẩm, mà còn biết kể câu chuyện về sản phẩm, nguồn gốc xuất sứ và đặc biệt là bán cảm xúc, bán niềm đam mê, niềm tự hào về sản phẩm của địa phương mình” – ông Tiến nói.
Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp của Bộ NN&PTNT là một trong những đơn vị tiên phong thúc đẩy “go online”, với hàng loạt hoạt động khác nhau, trên rất nhiều địa phương trong cả nước. Thời gian qua Trung tâm đã trở thành cầu nối và đơn vị tư vấn tin cậy cho các doanh nông, các doanh nghiệp khởi nghiệp nông nghiệp và các chủ thể OCOP trên khắp cả nước. Từ tháng 3/2023 khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn giao cho Trung tâm việc hỗ trợ cho các chủ thể OCOP truyền thông hiệu quả các sản phẩm của địa phương, Trung tâm hiện đã tổ chức 24 phiên chợ OCOP ở 24 địa phương với 700 phiên livestream sản phẩm thu về 100 tỷ đồng. “Với nhãn hàng phi nông sản thì đó là con số khiêm tốn, nhưng với nông sản thì đã là con số lớn” – ông Tiến cho biết.
Ông Nguyễn Minh Tiến (áo trắng) chia sẻ tại tọa đàm.
Chia sẻ thêm những câu chuyện từ thực tế các phiên chợ ông Tiến nói: “Tại các phiên chợ chúng tôi chọn những nhà bán hàng gắn trực tiếp địa phương để khai thác niềm tự hào, tìm được những nhà bán hàng gắn bó với vùng đất. Chẳng hạn khi đến Hải Phòng chúng tôi đã liên kết với Pew Pew – người con của Hải Phòng, và kết quả thật bất ngờ một phiên bạn ấy đã bán được hơn 700 triệu đồng nông sản, bánh mì cột đèn, hay mật ong rừng ngập mặn… Trước đây chúng tôi cũng làm truyền thông làm hội chợ, mỗi ngày 1 vạn, 3 ngày 3 vạn người là nhiều, nay trong các buổi livestream thì có khi một buổi số người xem lên đến 3 vạn. Hashtag #Ocop khi mới đưa ra không có mấy người xem, nhưng hiện đã có đến 1,1 tỷ người click”.
Tuy nhiên, theo ông Tiến, định hướng của Bộ Nông nghiệp và Trung tâm là không chỉ mời các người nổi tiếng, hiện mỗi địa phương Trung tâm đang chọn ra 10-15 chủ thể để đào tạo trở thành những người livestream bán hàng hỗ trợ tập huấn 1-2 tháng, để trở thành những người chính thức mở kênh. “Hiện tại đã có nhiều bạn thành công như bạn Đại ở Bắc Kan, bạn Thảo ở Lâm Đồng, Hoa ở Phú Thọ… Khi bắt đầu lên kênh chỉ vài chục, vài trăm lượng xem, nay đã có lượng xem 1.500 đến 2.000. Giá trị doanh số lúc đầu 30-40 triệu đồng nay đã lên tới 150-200 triệu đồng, thậm chí có bạn lên đến 300-500 triệu đồng. Đó chính là các hạt giống chúng tôi đang gieo tại các địa phương” – ông Tiến nói.
Bà Nguyễn Thị Thúy Phượng – Viện trưởng Viện Ứng dụng KHCN và đào tạo Mekong, cho rằng cần phải có kiềng ba chân để sản xuất – chế biến – bán hàng hiệu quả.
Sắp tới, không chỉ dừng ở nhóm sản phẩm thực phẩm, Bộ Nông nghiệp còn muốn mở rộng ra các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, và không chỉ ở trong nước, theo ông Nguyễn Minh Tiến, vừa rồi Trung tâm đã đi khảo sát ở thị trường Trung Quốc và thấy được tiềm năng rất lớn. “Trước đây 90% nông sản của chúng ta tiêu thụ ở các vùng phía nam như Quảng Đông, Quảng Tây… nhưng chúng ta có thể đi sâu vào vùng nội địa của Trung quốc. Đó là thị trường lớn, với dư địa rất lớn. Chúng tôi hướng tới thí điểm thuê các kho ngoại quan tại các địa điểm nằm sâu trong nội địa trung quốc, trước hết là yến, trái cây chế biến… sau này khi tổ chức logistics tốt hơn chúng tôi sẽ đưa cả vào đó sản phẩm trái cây tươi” – ông Tiến nói.

Tọa đàm: “Thúc đẩy bán hàng online qua các nền tảng trực tuyến cho cộng đồng doanh nông trẻ và các chủ thể OCOP” diễn ra tại sảnh Hoa Sen, Trung tâm Hội nghị 272 Võ Thị Sáu, từ 9-11h ngày 15/11 với sự tham gia của ông Nguyễn Minh Tiến – Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại Nông nghiệp; bà Nguyễn Thị Thúy Phượng – Viện trưởng Viện Ứng dụng KHCN và đào tạo Mekong; ông Phạm Ngọc Anh Tùng, Nhà sáng lập sàn TMĐT nông sản Foodmap; cô Nguyễn Thị Thu Hà – Hana Ban Mê – cô gái “rời phố về quê” lập nghiệp, sở hữu kênh bán hàng “triệu view”.

Từ kinh nghiệm triển khai chương trình đào tạo bán hàng trực tuyến tại Đồng Tháp, bà Nguyễn Thị Thúy Phượng – Viện trưởng Viện Ứng dụng KHCN và đào tạo Mekong chia sẻ: “Ngoài kỹ năng cần đào tạo cho các chủ thể về công nghệ, cách vận hành, không chỉ sản xuất và bán hàng, mà cả quy trình vận đơn, đóng gói cho đến việc giải quyết cả phàn nàn của khách hàng. Đó là một đào tạo chuyên sâu. Khi chúng tôi đến Đồng Tháp, một địa phương giành nhiều quan tâm cho các sản phẩm OCOP, thì chúng tôi 24/7 có group 64 “chiến binh”, nhưng không phải ai cũng bán hàng được hết, mà chỉ có vài ba người. Như vậy, chúng tôi thấy cần thay đổi nhận thức cả cấp quản lý và doanh nghiệp. Kỹ năng bán hàng không phải ai cũng có, như vậy thì chúng ta phải tìm cách liên kết, tức là phải tìm đến kiềng ba chân: Nông dân người nuôi trồng, sản xuất + Doanh nghiệp chế biến và doanh nghiệp bán hàng.”
Ông Phạm Ngọc Anh Tùng, Nhà sáng lập sàn TMĐT nông sản Foodmap, thấu hiểu những khó khăn của người sản xuất nhỏ lẻ với mặt hàng thực phẩm.
Ông Phạm Ngọc Anh Tùng, Nhà sáng lập sàn TMĐT nông sản Foodmap thì cho biết: “Bán thực phẩm online thực ra rất khó, đó là vì mối lo về vệ sinh an toàn thực phẩm. Hiện Foodmap bán hơn 1000 sản phẩm của hơn 500 nhà sản xuất, nên chúng tôi thực sự hiểu nỗi khó khăn này. Với các nhà sản xuất nhỏ sẽ gặp khó khăn về chuyện đảm bảo đúng tiêu chuẩn, khi phối hợp với các cơ sở chúng tôi phải hỗ trợ ngược lại họ chuyện này. Thứ hai là hạn sử dụng ngắn của nông sản chỉ khoảng từ 3-6 tháng, đó là một khó khăn lớn. Đối với sản phẩm tươi còn khó hơn với bán kính vận chuyển ngắn”.
Cô Nguyễn Thị Thu Hà – Hana Ban Mê – cô gái “rời phố về quê” lập nghiệp, sở hữu kênh bán hàng “triệu view”.
Chia sẻ tại tọa đàm cô Nguyễn Thị Thu Hà – Hana Ban Mê – cô gái “rời phố về quê” lập nghiệp, sở hữu kênh bán hàng “triệu view”: “Tôi về quê lập nghiệp với xuất điểm bằng 0, không vốn, không kinh nghiệm, trong tay chỉ có duy nhất một chiếc điện thoại và chiếc áo của bố khi đi rẫy. Đó là những thứ theo tôi đến bây giờ. Khi đó, tôi chỉ đơn giản đi rẫy và quay và chia sẻ những câu chuyện của bố mẹ con khi làm rẫy, nhưng không ngờ câu chuyện của mình lại thu hút được sự quan tâm của rất nhiều người xem, đến nay kênh của tôi đã có hơn 1,5 triệu views. Từ đó tôi thấy cơ hội để quảng bá, câu chuyện không chỉ sản phẩm của bố mẹ mà của bà con địa phương cho người xem khắp mọi miền tổ quốc, và một lần nữa tôi lại không ngờ, các sản phẩm của chúng tôi được mọi người ủng hộ nhiệt tình”.

BSA MEDIA