Nông dân ĐBSCL cần nhất hiện nay là được hỗ trợ về nghiên cứu thị trường để tìm đầu ra, hỗ trợ về con giống… và đặt biệt là công nghệ. Ảnh TTXVN

Nông dân đồng bằng không ngại cái mới, nhưng họ cũng cần sự hỗ trợ từ các cơ quan nghiên cứu, tiếp thị. Và ai sẽ tìm ai trong công cuộc tìm kiếm gia tăng giá trị cho nông thủy hải sản đồng bằng?

Thử nghiệm trang trại

Trang trại Kim’s Garden của anh Trương Hữu Thuận ở huyện Cái Răng, Cần Thơ có nhiều vật nuôi. Dưới ao có cá lóc, cá trê, ếch. Trên bờ là các ống gạch nuôi rắn mối. Trong các chuồng dưới đất là chim trĩ, gà sao, gà tre và bồ câu thì ở trên cao… Có lúc, trang trại của anh có đến 20 loại vật nuôi.

Nhưng anh Thuận không nuôi các loài trên để bán mà là để thử nghiệm các loại côn trùng của Kim’s Garden, bao gồm trùn quế, dế và ấu trùng ruồi cánh đen. “Tôi chỉ muốn trình diễn với nông dân địa phương để xem loại côn trùng nào thích hợp với loại vật nuôi gì. Mọi người cũng có thể xem chúng có thích hợp với thời tiết, khí hậu của địa phương hay không”, anh Thuận chia sẻ.

Người dân địa phương mua sản phẩm của Kim’s Garden cũng khá đông. Ông Nguyễn Văn Tuấn, một nông dân ở huyện Thới Lai, nói rằng ông thường mua trứng dế và rắn mối ở Kim’s Garden để nuôi bầy riêng của mình. Dế và rắn mối đã tiết giảm nguồn chi phí cho thức ăn gia cầm, gia súc đáng kể.

Nguồn nguyên liệu cho dế ở trang trại Kim’s Garden dễ tìm thấy trong khu vườn bạt ngàn cây khoai mì của anh Thuận hay phụ phẩm nông nghiệp địa phương. Riêng với ấu trùng ruồi cánh đen thì kỳ công hơn chút. Anh Thuận phải tìm các nhà máy nước ép trái cây để mua lại bã, xác trái cây hoặc các hãng làm đậu hũ, công ty bia rượu để mua lại bã đậu nành hay bã bia.

“Gia cầm khi ăn côn trùng sẽ cho thịt tươi ngon hơn so với cám hay thức ăn công nghiệp, giá côn trùng cũng khá rẻ. Mô hình này rất phù hợp với xu hướng nông sạch, nông nghiệp hữu cơ hiện nay. Mình làm ra được nhiều sản phẩm cho người sử dụng cuối”, anh Thuận nhận xét.

Tuy nhiên, anh nông dân hữu cơ này vẫn tự bơi một mình. “Tôi mua các loại bột dế về để nghiên cứu xem họ làm thế nào. Rồi hợp tác với vài anh em để sản xuất cho thị trường nước ngoài. Bột dế hiện được chuộng hơn bột cá trên thị trường. Giá bán trên mạng Amazon đâu khoảng 100 USD/kg”, anh Thuận kể.

Câu chuyện trên bàn nhậu

Thực đơn của Quán Dế sữa Rẹc Rẹc ở Q2, TP.HCM từ gần 10 năm nay càng dài hơn với đủ các loại côn trùng: Dế chiên giòn 10.000 đồng/con,  dế sữa chiên giòn 30.000 đồng/chén nhỏ, cào cào chiên giòn 40.000 đồng/chén nhỏ, đuông dừa 15.000 đồng/con, rắn mối 20.000 đồng/con, bò cạp 20.000 đồng/con và nhện khổng lồ đến 50.000 đồng/con. Chị Trúc Anh, chủ quán, nói người Sài Gòn ngày càng sành ăn côn trùng, quán lúc nào cũng đông. Không những thế, Dế sữa Rẹc Rẹc còn dự các hội chợ hàng hóa và ẩm thực Thái Lan tổ chức khắp nơi ở thành phố.

Các loại côn trùng trên được nhập từ Thái Lan và phải trải qua các khâu kiểm dịch nghiêm ngặt của cả hai nước. “Tôi cũng muốn tìm nguồn nuôi tại thành phố để chủ động nguyên liệu. Có một vài nơi nuôi dế nhưng không bán cho mình vì… xuất khẩu hết trơn”, chị Trúc Anh cho biết.

Đặt hàng

Câu chuyện của trang trại Kim’s Garden và quán Dế sữa Rẹc Rẹc hiện rõ cái mà nông dân vùng ĐBSCL cần nhất hiện nay: Hỗ trợ về nghiên cứu thị trường để tìm đầu ra, hỗ trợ về con giống, công nghệ chế biến và lưu trữ!

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nói rằng đã qua rồi quan niệm “nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống” bởi nguồn tài nguyên nước ngày càng khan hiếm, các yếu tố kế đến không còn giữ trật tự quan trọng như trước. Bà nói “nhất giống tốt, nhì phân hữu cơ” giờ trở thành cốt lõi của nền nông nghiệp sạch và trong tình cảnh biến đổi khí hậu mà vùng đồng bằng đang ứng phó.

“Chúng ta không vì ám ảnh lương thực mà cứ giữ mãi 3,8 triệu ha lúa mà không quan tâm đến chất lượng giống lúa. Nhiều năm qua, gạo của Việt Nam bị Campuchia qua mặt về mặt phẩm chất và giá cả. Chúng ta chỉ cần sản xuất đủ ăn, dư dôi một đến hai triệu tấn để xuất khẩu – nhưng đó là loại gạo phẩm chất cao, có giá trị xuất khẩu cao. Rồi kế đến là xen canh, một vụ lúa, rồi một vụ màu khác hay cá tôm”, bà Lan nhận định.

Điều đó đặt ra cho các viện nghiên cứu nông nghiệp, các trường đại học nông lâm ở Việt Nam nhiều vấn đề. “Nông dân cần phải chủ động đặt hàng. Các viện các trường cũng phải tự bươn chải, vươn ra thế giới bên ngoài. Giới nghiên cứu cũng cần thấy trách nhiệm của mình với nền nông nghiệp nước nhà”, vị chuyên gia phát biểu.

Đường ra với thế giới bên ngoài cần sự hợp lực. Thị trường Trung Quốc từng chiếm đến 70% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam nay là một thị trường rủi ro và mỗi ngày dựng lên hàng rào mới để bảo vệ hàng của họ. Hàng nông sản và các mặt hàng xuất khẩu khác của Việt Nam cần đi xa hơn, nếu không chúng ta phải đương đầu với tình trạng trồng rồi chặt, phá rồi gieo giống cây mới. “Nếu xuất sang châu Âu và Hoa Kỳ, chi phí vận tải hàng hóa đường không từ 3-4 USD/kg. Nếu bằng đường biển thì chỉ còn 1-1,5 USD/kg, nhưng phải mất 3-4 tuần. Nếu chúng ta có màng đa lớp để bảo vệ rau trái, các loại trái cây chủ lực của đồng bằng như xoài, thanh long, sầu riêng và bơ sẽ có mặt khắp siêu thị trời Tây”, Tổng Giám đốc Rynan Agrifoods Nguyễn Thanh Mỹ cho biết.

Ông cũng nói rằng các doanh nghiệp Việt Nam thường dấu kỹ chuyện mình đang làm gì bởi sợ cạnh tranh và không ưng hợp tác. “Nhưng cứ cởi mở thì mình sẽ có nhiều bạn đồng hành đi chung, có người cùng nghiên cứu tìm hướng ra với mình”, ông mời gọi mọi người đặt hàng nghiên cứu với ông và cùng làm nếu có thể.


Techmart – Techfest cho Mekong

Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vùng ĐBSCL năm 2019 (Techmart – Techfest Mekong 2019) diễn ra trong hai ngày 22 và 23/10 vừa rồi tại Cần Thơ.

Techmart – Techfest Mekong 2019 thu hút gần 200 đơn vị tham gia trưng bày hơn 800 kết quả nghiên cứu với hơn 250 gian hàng của các doanh nghiệp có hoạt động nghiên cứu ứng dụng và đổi mới công nghệ tiêu biểu, tập trung vào hai ngành công nghiệp của vùng là chế biến lương thực và chế biến thuỷ, hải sản.

Bên cạnh các kết quả nghiên của Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Cần Thơ, Viện lúa ĐBSCL, Học viện Nông nghiệp Việt Nam… thì Techmart – Techfest Mekong 2019 còn trưng bày, giới thiệu sản phẩm của hơn 30 cá nhân, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.

Techmart – Techfest Mekong 2019 là sự kiện nằm trong chuỗi Ngày hội Khởi nghiệp tại các vùng trọng điểm như Techfest vùng Đông Nam Bộ tại Bà Rịa – Vũng Tàu, Techfest Tây Nguyên tại Lâm Đồng, Techfest vùng Đồng bằng sông Hồng và Trung du miền núi Bắc Bộ tại Hà Nội. Đây cũng sẽ là tiền đề cho việc tổ chức sự kiện Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia sẽ được tổ chức từ ngày 3 – 6/12, tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.

Hồ Nguyên Thảo – Quỳnh Luân