Hiện các doanh nghiệp SME chiếm đa số tại địa phương, nhưng còn rất nhiều hạn chế về nguồn lực và thiếu khả năng tiếp cận để có thể tham gia hội nhập.

Một trong những mục tiêu hành động của ABCD-Mekong, được xác định ngay từ đầu là hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) và các startup, với hy vọng tạo ra đội ngũ doanh nhân trẻ, năng động…

Một năm sau khi khởi động ABCD- Mekong, vào tháng 11/2015, ông Lê Minh Hoan, bí thư Tỉnh uỷ Đồng Tháp, nhận xét: “Trong xu hướng hội nhập, chúng ta tăng cường hợp tác. Và, xem xét độ mở của hệ thống, đổi mới cách làm, vì bối cảnh hiện nay cho thấy ngay cả doanh nghiệp lớn của tỉnh cũng mỏng manh và đầy khó khăn, việc kinh doanh gặp nhiều rủi ro, bất trắc. Tôi cần trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) giúp tổ chức những khoá huấn luyện, cung cấp kiến thức nền tảng cho mỗi doanh nghiệp khởi nghiệp, giúp họ biết rõ mình phải chuẩn bị gì, lộ trình trước sau, mọi thứ tiến hành ra sao, hình dung được khá đầy đủ để không bị lơ mơ, võ đoán”.

Theo ông Hoan, trong quá trình tái cấu trúc nông nghiệp, nông dân Đồng Tháp có nhiều sáng tạo; nhưng họ cần nhà khoa học, đặc biệt là doanh nghiệp dẫn dắt. Các sở ngành đều có chương trình hỗ trợ, nhưng nên xem lại, cái gì phù hợp tình hình hội nhập thì đổi mới, tái cấu trúc hoạt động, cái gì đã không còn phù hợp thì gói ghém lại và cùng nhau bàn, tập trung hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp. Đó là lúc thể hiện độ sẵn lòng của từng cán bộ, sở ngành.

“Cứ cách làm cũ thì kết quả cũ. Cách làm mới, phương pháp mới, thì đạt được giá trị mới, năng lượng mới.Lắng nghe và tận dụng tiếng nói chuyên gia và doanh nghiệp, không thể chỉ gượng gạo, mà thể hiện bằng hành động. Tất nhiên, chúng ta vẫn phải đảm bảo công việc chạy được và bộ máy làm việc có tính thuyết phục”, ông bí thư nói.

Hiện các doanh nghiệp SME chiếm đa số tại địa phương, nhưng còn rất nhiều hạn chế về nguồn lực và thiếu khả năng tiếp cận để có thể tham gia hội nhập, theo cách đánh giá của lãnh đạo UBND các tỉnh trong Mạng lưới liên kết ABCD-Mekong. Đặc biệt trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu, dự báo nhiều cơ hội, thách thức, bất cập, rủi ro. Vì vậy, doanh nghiệp cần phải liên kết để cùng nâng cao năng lực canh tranh, gia tăng sức mạnh đàm phán thị trường, sức mạnh kiến nghị chính sách, sức mạnh trên chuỗi giá trị…

Các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp đã được nhiều cơ quan, đơn vị nhà nước ở các ngành, các cấp thực hiện ở nhiều lĩnh vực khác nhau, chẳng hạn như: hỗ trợ quảng bá thương hiệu kết nối thị trường, đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ, hỗ trợ đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực quản lý, điều hành doanh nghiệp, khởi sự doanh nghiệp, hay đào tạo tay nghề cho người lao động… Tuy nhiên, các hoạt động này đa phần được triển khai rời rạc, thiếu tập trung, không tạo ra được một “lực đẩy” tổng hợp, tập trung nhằm tạo ra một nhóm doanh nghiệp dẫn đầu, tạo đà phát triển chung cho nền kinh tế.

Chính vì thế, cần có một chương trình kết nối các hoạt động hỗ trợ thành một “chỉnh thể” để thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển kinh tế của tỉnh nhà. Kế hoạch hành động lần đầu kéo dài ba năm (2015 – 2017) đề cập những hoạt động mới dành cho mạng lưới liên kết đặc biệt giữa hội DN.HVNCLC và ABCD-Mekong (A: An Giang; B: Bến Tre; C: Cần Thơ; Đ: Đồng Tháp). Trong đó, hình thành nhóm LBC-ABCD-Mekong (câu lạc bộ Doanh nghiệp dẫn đầu ABCD-MeKong) thành một lực lượng mạnh, tiên phong tiêu biểu của trí tuệ tinh hoa và tiên phong hành động, để cùng hợp tác kinh doanh, đầu tư, phát triển thị trường nội địa và khu vực, đẩy mạnh R&D và đổi mới sáng tạo. Lớp học đầu tiên theo chương trình học bổng được khởi động vào quý 3/2015.

Chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp như thế mạnh mỗi địa phương, tiếp tục mở hướng phát triển: từ hộ gia đình, doanh nghiệp công nghiệp nông thôn tiêu biểu, nâng tầm khi chinh phục người tiêu dùng để tham gia đội hình DN.HVNCLC, trở thành doanh nghiệp dẫn đầu, doanh nghiệp hội nhập cộng đồng kinh tế ASEAN, doanh nhân toàn cầu Viet Premium Products (về đẳng cấp quản trị, kinh doanh).

Trong đó, kết nối R&D của viện trường, kết nối sản xuất, kết nối thị trường, ứng dụng cơ sở dữ liệu bản đồ phân phối, để xây dựng hệ thống phân phối dựa trên nền tảng chuyển đổi số và hỗ trợ nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo. Sau đó, kế hoạch “ngũ niên” được góp ý  hoàn thiện. Tới năm 2020 là thời điểm đánh giá hành trình năm năm.

Tháng 12/2018, lớp học với chủ đề “Giá trị tài nguyên bản địa trong phát triển du lịch vùng Nam bộ” tổ chức tại Cần Thơ, nhiều mô hình được giới thiệu, cũng là cách chia sẻ để các doanh nghiệp ở địa phương làm quen cách suy nghĩ khác, hành động vì giá trị mới, khác biệt.

Sự xuất hiện của diễn giả Nguyễn Phi Vân, người khích lệ tinh thần công dân toàn cầu, gợi ra ý tưởng tập trung thương hiệu và làm quen lối tư duy mua – bán franchise; diễn giả Dương Đức Minh kêu gọi liên kết ngành, liên kết vùng dựa vào thế mạnh tài nguyên bản địa, sẽ giúp nâng cấp chuỗi giá trị để phát triển bền vững. Trong đó, giá trị cốt lõi mà người khởi nghiệp cần: cảnh quan sinh thái nông nghiệp; nông phẩm và đặc sản địa phương; giá trị văn hoá địa phương… để từ đó tạo nên được những câu chuyện hấp dẫn thu hút du khách.

Những câu chuyện ngày càng gần gũi hơn với những ý tưởng khai thác và kiểm soát tài nguyên bản địa, sinh kế không “phản bội” thiên nhiên. Những diễn giả làm thực, nói thiệt như Ino Mayu, bác sĩ Trần Ngọc Diệp… không chỉ là sản xuất kinh doanh đơn thuần, mà vì nhau dù chỉ là cọng rau lành, sạch, ẩn chứa bên trong là cả tấm lòng và độ mở kiến thức, để các startup cùng bảo vệ sức khoẻ con người và thiên nhiên.

Lan Hoàng