Tôi kỳ vọng rằng người sản xuất nhỏ sẽ có thể sử dụng LocalG.A.P. như một công cụ đảm bảo an toàn thực phẩm xuyên suốt toàn bộ quá trình sản xuất nông nghiệp, từ đó có thể chứng minh cho người tiêu dùng và nhà bán lẻ hành vi sản xuất có trách nhiệm, đáng tin cậy của họ.
Nhóm thanh niên địa phương hồ hởi thồ mấy người chúng tôi lên gần tuốt trên một đỉnh núi sát vách điện Bồ Hong – Núi Cấm, An Giang. Vợ chồng anh Tư, một trong những hộ đang trồng, bảo tồn nhiều loại cây dược liệu quý cho dự án của cô bạn tôi, đang ngồi ở chái nhà với bình trà xạ đen vừa mới pha xong và nụ cười ‘sơn cước’ toả nắng.
Nhà thấp và đơn sơ giữa bốn bề gió lộng, anh bạn Hà Lan đi cùng nói gió vầy mà lắp cái cối xay kèm bình tích điện là được xài điện thả ga không mất tiền. Uống xong tách trà, anh Tư và người con trai dẫn chúng tôi ra thăm vườn dược liệu. Dọc đường, cây cỏ um tùm, anh không ngừng chỉ trỏ mấy cây dược liệu, mà thật tình nếu anh Tư không nói tôi cứ nghĩ chúng là cỏ.
Qua một chỗ, anh chỉ tôi một củ ngải tầm chục ký hơn mà tôi đoán phải già lắm.Cách đó không xa là một dây huyết rồng ba bốn chục tuổi, vắt vẻo từ cây này qua cây khác, tuyệt không có cái lá nào.Anh ngắt một bông hoa vàng nhỏ đưa tôi, nói là có tinh dầu, đưa lên miệng nhai thử, cảm giác như vừa nhấm nháp dầu gió.
Anh nói ở đây hồi xưa là vùng dược liệu tự nhiên, mấy người đi kiếm thuốc nam xin, anh cho hết, sau thấy họ phá dữ quá, nếu cứ để vậy chắc hơn chục năm nữa những giống này sẽ từ từ biến mất. Nghĩ vậy nên vợ chồng anh tìm và trồng những giống bản địa của vùng Bảy Núi.
Từ giã nhà anh Tư, cô bạn đưa chúng tôi qua một khu trồng cây dược liệu của nhóm họ đạo Hoà Hảo. Anh bạn Hà Lan bất ngờ khi thấy những cây xạ đen mới trồng xen lẫn trong đám cây rừng, nắng vừa đủ, không rập mà không quá sáng, cây cỏ sống hài hoà cùng nhau, vầy mà đưa thêm nấm vô trồng nữa thì tuyệt. Anh trầm trồ rằng đây đúng chuẩn đưa nông nghiệp vô nông lâm nghiệp – xu hướng đang được nghiên cứu nhiều ở châu Âu – đơn giản là như vầy thôi.
Trên đường về, cô bạn chia sẻ với chúng tôi, hiện tại vấn đề đau đầu nhất cho việc kinh doanh của cô là kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, cũng như chất kích thích ra củ, rễ, vì không phải ai cũng được như anh Tư và nhóm họ đạo. Cô nói tiềm năng từ thương mại dược liệu bản địa là rất lớn, nhưng quản lý việc trồng như thế nào không phải chuyện dễ dàng, vì việc trồng hầu hết do các hộ gia đình đảm trách, cô cho rằng rất hiếm người trong số họ biết về tiêu chuẩn.
Tôi thấy rằng, nếu giải quyết được mối bận tâm của cô bạn, trước hết sẽ giúp ổn định sinh kế của người địa phương, sau nữa là xây dựng danh tiếng cho dược liệu vùng Bảy Núi và tạo thuận lợi cho những doanh nghiệp bào chế dược liệu tự nhiên. Nghĩ tới đây, tôi giật mình nhận ra rằng làm được hết các việc này hoá ra đã tạo được một chuỗi giá trị bản địa rồi còn gì!
Nhân dịp này, tôi muốn nói thêm về một chuỗi giá trị bản địa khác mà tiêu chuẩn cũng đóng vai trò như trường hợp chuỗi dược liệu vùng Bảy Núi, đó là chuỗi tôm lúa.Bến Tre có đề tài nghiên cứu về mô hình này ở huyện Bình Đại và Thạnh Phú. Khi bệnh dịch bùng phát, nông dân có thể cho nước vào ngập cây lúa và giữ trong khoảng hai giờ, rút nước là thức ăn cho tôm, cá trong ruộng dồi dào ngay.
Nhưng khổ nỗi, lúa canh tác theo kiểu này cứng cơm quá. Tôi hỏi cán bộ kinh tế của huyện có giống nào mềm và dẻo cơm hơn không. Anh cán bộ cười cười, nói giống lúa đang sử dụng là loại dài ngày, dân làm bún rất thích vì không bị đổ nhựa như mấy giống dẻo thơm. Tự nhiên tôi thấy mình rập khuôn quá, lúa gạo đâu phải chỉ để nấu cơm! Chuỗi này hiện đang gút mắc ở chỗ, chứng nhận chỉ có thể làm được cho một sản phẩm, do tiêu chuẩn của mô hình kết hợp chưa sẵn có.
Trong năm 2019, hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao dự định bàn bạc với tổ chức cấp chứng nhận GlobalG.A.P. để có thể chứng nhận hệ thống canh tác kết hợp tôm – lúa trong chương trình LocalG.A.P. (một chương trình đối tác giữa GLOBALG.A.P. với BSA), như một ghi nhận cho sáng tạo và gia tăng giá trị sản phẩm bản địa. Nếu mọi việc có thể tiến hành thuận lợi như kế hoạch, tôi nghĩ người địa phương có thể mơ đến việc các sản phẩm như tôm, cá, bún, bánh hỏi, bánh canh, bánh tráng chễm chệ ở các quầy đặc sản trong những chuỗi bán lẻ cao cấp! Riêng tôi đã có thể hình dung được khuôn mặt phấn khích của học sinh ở những trường phổ thông và du khách nước ngoài khi tham quan chuỗi ruộng tôm lúa – nhà máy xay xát nhỏ và các lò bún, bánh truyền thống ở những vùng quê yên ả.
Tôi kỳ vọng rằng, khi chương trình ‘thực hành sản xuất nông nghiệp tốt nội địa’ LocalG.A.P. – Chuẩn hội nhập cho ngành thực phẩm được triển khai vào năm 2019 này, người sản xuất nhỏ sẽ có thể sử dụng LocalG.A.P. như một công cụ đảm bảo an toàn thực phẩm xuyên suốt toàn bộ quá trình sản xuất nông nghiệp.
Từ đó có thể chứng minh cho người tiêu dùng và nhà bán lẻ hành vi sản xuất có trách nhiệm, đáng tin cậy của họ. Bên cạnh đó, việc đưa LocalG.A.P.vào chuỗi giá trị bản địa sẽ hỗ trợ chuẩn hoá và hiện đại hoá sản xuất truyền thống, làm gia tăng năng lực cạnh tranh cho người sản xuất nhỏ, giúp thích ứng với hội nhập, và gìn giữ các giá trị văn hoá truyền thống.
Tôi muốn nhìn thấy lại những xóm làng ngày cũ, nơi mà người dân yên tâm về những rổ rau, con gà con vịt được hàng xóm biếu tặng, được sớm mai nghe tiếng máy chà chạy xình xịch, gió mang mùi cám mới đến từng nhà và mấy đứa con nít háo hức chờ bánh ra lò, nóng hổi vừa thổi vừa ăn. Chuẩn, chất, lành, có gì là khó đâu!
Bài, ảnh Kim Thanh (theo TGTT)