Ông Út Huy với những trái chuối khôn chợ, dại nhà – hàng xuất dễ hơn tiêu thụ trong nước.

(Cafenews)-Ông Út Huy (tên thật là Võ Quan Huy) với thương hiệu Fohla đang là gương mặt nổi bật với chuỗi sản phẩm cùng tên trở thành “hiện tượng” sáng giá của nông nghiệp Việt Nam: tự tin với sản phẩm sạch có truy xuất nguồn gốc, xuất khẩu đi thị trường Nhật Bản.

Thông tin “tháng 4/2016, 15 tấn chuối FOHLA bày bán trên các kệ hệ thống siêu thị Don Kihote (Nhật Bản)”, quả là một con số đáng mơ ước. Để đưa được hàng vào Nhật, sản phẩm trải qua những kiểm soát thế nào?

Thật ra, việc tham gia vào thị trường Nhật Bản đã được xem là một bước có thành quả, nhưng để đi tới đó phải kể đến khởi nguồn từ khi hiệp định CPTPP được ký kết, nó đem lại một cơ hội lớn mà tôi phải bắt tay ngay vào việc thay đổi sản phẩm kinh doanh, mở rộng thị trường. Tôi bắt tay vào tìm hiểu cơ cấu sản xuất nông nghiệp, thấy cái nào có lợi và cái nào thất thế. Tập trung chủ yếu vào vật nuôi cây trồng.

Nhận thấy cây chuối có tiềm năng lớn vì riêng thị trường Nhật, hàng năm đã tiêu thụ hơn 1 triệu rưỡi tấn, Hàn Quốc hơn 1 triệu, Trung Quốc hơn 1 triệu… Nhưng, chơi với Trung Quốc hồi này hồi nọ lắm. Khi cần họ đi thu mua dữ lắm nhưng khi họ tỏ ra không cần, ép giá, mình không biết bán cho ai. May mắn là lúc nuôi tôm tôi đã biết cách làm ăn với Nhật Bản. May mắn hơn tôi có một ông bạn chỉ bán thị trường Nhật và rất thành công, tuy lời lãi không nhiều, tùy năm nhưng đó là khách hàng bền vững. Tôi học cách của anh làm gì cũng chuẩn mực, đàng hoàng, đặc biệt là hàng hóa phải có truy xuất nguồn gốc minh bạch và đúng chuẩn.

Tôi chuẩn bị rất kỹ, vì vậy dù lúc đầu là một thương hiệu nhỏ, nhưng làm việc với mình, các doanh nghiệp của Nhật cũng đã tin cậy. Họ đưa thương hiệu của tôi vào cũng từ từ. Lúc đầu họ chỉ đưa vào khoảng 5 đến 7 siêu thị trong hệ thống của họ, một ngày trong tuần mới bán. Khi thấy có dấu hiệu người mua tìm hỏi, họ mới tăng lên hai, ba ngày trong tuần. Họ kiểm tra thường xuyên để coi nguồn lực sản phẩm của mình có ổn định hay không và về phía mình có duy trì cam kết với nhiều yếu tố minh bạch như đã hứa hay không. Khi thấy mình đủ uy tín và đàng hoànng, họ sẽ ký lâu dài, tạo thị trường ổn định cho mình. Làm việc với thị trường Nhật sướng ở chỗ chính là sự minh bạch và thân thiện, chỉ cần mình biết chịu trách nhiệm về hàng hóa của mình.

Có một điều mà các bà nội trợ Việt Nam cũng ao ước đến một ngày có thể có chuối, bưởi, v.v. của Fohla trên bàn ăn, phần nào tin tưởng vào thực phẩm sạch trên chính quê hương mình, chứ không phải “vừa ăn vừa sợ chết” nữa. Fohla sẽ cung cấp cho thị trường Việt Nam như thế nào, đặc biệt là các tỉnh miền Nam, nơi mà các trang trại của Fohla đang lan tỏa nhanh?

Hiện nay, đối với thị trường Việt, làm ăn tại đây, có cái được và chưa được. Cái được trước nhất là tín hiệu vui: hàng Việt đã có thêm rất nhiều kênh phân phối đi cùng sự phát triển của các cửa hàng tiện ích. Nhưng cái chưa được là sự thiếu minh bạch của sản phẩm hàng hóa và vàng thau lẫn lộn khiến cho tính cạnh tranh không lành mạnh.

Một mặt hàng nhiều thương hiệu, nhưng nếu tôi làm sản phẩm sạch giá cao đặt cạnh một sản phẩm không rõ nguồn gốc truy xuất, giá thấp, người tiêu dùng sẽ mua cái nào? Điều này cần thêm văn hóa tiêu dùng nữa. Ví dụ tôi đưa ra một loại trái cây, người có hiểu biết thấy trái cây có chút vết cắn của côn trùng thì biết ngay là trồng theo quy chuẩn sạch. Nhưng phần lớn NTD thích mua trái cây đẹp, bóng loáng, trơn tru, xanh mướt… muốn giữ được như vậy thì ít nhiều phải dùng đến hóa chất thôi, nhưng rẻ.

Đó chính là một hạn chế. Để được ăn sạch, uống sạch, sống an toàn, thì văn hóa NTD phải  thay đổi, NTD phải hiểu biết hơn và nhà sản xuất phải minh bạch. Tất nhiên xu hướng ăn sạch đã có chuyển biến nhưng chưa rộng, chủ yếu là thành phần có kiến thức và theo dõi nhiều trên truyền thông, tuy họ cũng đi tìm những sản phẩm này mà chưa thấy an tâm lắm.

Riêng thương hiệu Fohla đang cho ra trái chuối và bưởi da xanh, 100% là bón phân hữu cơ nhưng vẫn còn xài thuốc bảo vệ thực vật có kiểm soát nên sắp tới tôi sẽ tiến tới tìm thuốc bảo vệ thực vật sinh học (cây cỏ) và đang thử nghiệm có thể năm sau chúng tôi sẽ tiến tới 100% là hữu cơ, đó là hướng tới bữa ăn sạch cho các gia đình Việt mà tôi xin nhắc lại, cần nhất la sự thay đổi văn hóa tiêu dùng của các bà nội trợ.

Một giới hạn nữa của việc phân phối thị trường Việt Nam là do vốn cho logistic quá cao, ví dụ tôi đi bán trong các cửa hàng tiện ích một ngày vài tấn chuối mà có khi tới 500 hóa đơn, chi phí kinh khủng. Chúng tôi đang bế tắc chuyện này. Nếu đơn vị lớn mà làm được logistic cho mình với giá phải chăng thì tốt. Cao quá thì giá sản phẩm cũng đội lên và khách hàng không mua nổi.

Với nhiều năm kinh nghiệm của mình, ông có khi nào nghĩ đến sẽ giúp cho các bà con nông dân miền Nam làm ăn cũng như mình?

Tôi muốn nói thêm với người nông dân, sản xuất thì phải lấy thị trường làm chủ đạo, con đường duy nhất làm nông nghiệp thì phải hợp tác (vì một người nông dân với một mảnh ruộng thì không thể kinh doanh với ai)…  Vì vậy, người nông dân bây giờ cũng phải thay đổi tư duy. Phải có hợp tác trên tinh thần học hỏi thật sự. Học xong thì phải tuân thủ với quy trình, trung thực với khách hàng, chia sẻ với nhau.

Khi tôi hợp tác với nông dân, tôi chia sẻ với họ rằng anh làm với tôi thì tuân thủ các nguyên tắc, bằng cách học cùng tôi, làm cùng tôi và hưởng lợi cùng tôi. Họ nói làm vậy khó quá, nhưng muốn đi đường dài một cách bền vững thì phải có chiến lược đặt ra. Biết làm cùng với người khác, biết kết nối với mọi người trên tinh thần tự nguyện, minh bạch, trung thực với nhau. Quan trọng nhất là liên kết với nhau để cùng phát triển thì mới ổn định
chứ nông nghiệp nhỏ, lẻ là thua.

Ngân Hà 


Theo TGTT