Ông Tây nước mắm Didier Corlou: Nước mắm xuất khẩu chỉ nên là cá và muối

1864
Ông Tây nước mắm Didier Corlou chia sẻ tại hội thảo chiều ngày 26/4 tại Hội chợ HVNCLC TPHCM

Với kinh nghiệm của một đầu bếp lừng danh, sử dụng nước mắm trong nhiều món ăn phục vụ cho các nguyên thủ quốc gia trên thế giới, khi đến Việt Nam, “ông Tây nước mắm” Didier Corlou đã chia sẻ như thế tại hội thảo: “Tìm giải pháp phát triển thị trường cho nước mắm truyền thống Việt” trong khuôn khổ Hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao TP.HCM 2019.

Làm marketing cho nước mắm

Việt Nam có trên 3.000km đường bờ biển, với nguồn thủy hải sản dồi dào thì là một lợi thế để phát triển ngành công nghiệp nước mắm và đưa thương hiệu nước mắm ra thị trường quốc tế.

Ông Didier Corlou nhận xét rằng, cần phân biệt rõ đâu là nước mắm truyền thống và đâu là nước chấm công nghiệp. Từ đây mới có những chính sách để bảo vệ thương hiệu nước mắm quốc gia.

“Là đầu bếp, tôi nếm qua rất nhiều loại nước mắm cực phẩm nên biết đâu là nước mắm truyền thống chỉ có cá và muối và đâu là nước chấm công nghiệp. Nước mắm Phú Quốc, Phan Thiết luôn đứng đầu danh sách lựa chọn của tôi”, ông Didier Corlou cho biết.

Trao đổi, giải đáp những thắc mắc của doanh nghiệp nước mắm truyền thống tại hội thảo

Vị chuyên gia nước mắm khuyên các doanh nghiệp dự hội thảo rằng, sản phẩm nước mắm chỉ có cá và muối mới là “đỉnh” và mới có cơ hội xuất đi nhiều nước trên thế giới.

“Và sự thực, các nhà nhập khẩu nước ngoài, nhất là châu Âu, họ chỉ quan tâm đến chất lượng chứ không phải số lượng nước mắm”.

Doanh nghiệp nên quảng bá ra thế giới thông qua những người nổi tiếng hay những đầu bếp nổi tiếng, thậm chí là những chương trình của du lịch, ngoại giao…

Bên cạnh đó, “ông Tây nước mắm” cũng chỉ ra rằng, cơ hội ở thị trường nội địa cho nước mắm truyền thống vẫn còn rất lớn, bởi dân số Việt Nam đông. Do đó, cần giáo dục cho mọi người, nhất là thế hệ trẻ biết đâu là nước mắm truyền thống và đâu là nước chấm công nghiệp.

Ông hiến kế tiếp, cần làm marketing cho nước mắm truyền thống, cần có những câu chuyện để cho người tiêu dùng biết nước mắm truyền thống được sản xuất ra như thế nào? Quy trình ủ chượp ra sao để người tiêu dùng hiểu rõ giá trị của những giọt nước mắm.

“Mỗi địa phương cần có câu chuyện làm mắm khác nhau, bởi các nơi đều có những đặc trưng rất riêng. Nên lồng ghép những câu chuyện đó vào chiến lược marketing cho người tiêu dùng”.

Nhà sưu tầm nước mắm

Nếm thử nước mắm Phú Quốc tại hội chợ HVNCLC TPHCM

Ông Didier Corlou là người có kinh nghiệm 20 năm nghiên cứu về ẩm thực Việt Nam, nhất là nước mắm, ông có một kho sưu tầm tất cả các loại nước mắm từ các cùng miền.

Ông Didier Corlou cho biết, đi đến những vùng miền nào có nước mắm ông đều sưu tầm vì mỗi vùng miền đều có nét đặc trưng và hương vị nước mắm khác nhau.

Ông Didier Corlou nhận định, người dân Việt Nam coi nước mắm là một gia vị hàng ngày. Nhưng ở các nước phương Tây, người ta cho vào món ăn chỉ vài giọt, đó là những giọt nước mắm ngon nhất ở công đoạn cuối cùng để nó làm dậy nên mùi hương của món ăn.

“Khi nấu ăn, tôi thường sử dụng nước mắm vào những công đoạn nêm nếm cuối cùng như vậy sẽ dịu và ngon, không có mùi nhiều”, ông Didier Corlou nói.

Ông Didier Corlou trao đổi với các chuyên gia nước mắm tại hội chợ
Chụp hình cùng những chuyên gia, nghệ sĩ yêu nước mắm truyền thống

Tại Hội chợ HVNCLC TPHCM từ ngày 26/4 – 1/5, có gần 20 gian hàng của các doanh nghiệp nước mắm truyền thống tham gia: Khải Hoàn, Thanh Quốc, Quốc Vị, Hòa Hiệp, 584 Nha Trang, Hồng Hạnh, Lê Gia, Thuận Hưng, Phan Thiết…

Ban tổ chức cũng mời các chuyên gia về ẩm thực đến dùng gia vị, nước mắm để làm những món ăn, tổ chức cuộc thi để giúp người tiêu dùng hiểu và sử dụng nước mắm truyền thống một cách ngon nhất.

Trần Quỳnh