Một xu hướng đang nổi lên là tỷ lệ các cửa hàng bách hóa đầu tư cho việc đặt hàng qua điện thoại, giao hàng trực tiếp trong các khu dân cư ngày càng phổ biến.

Câu chuyện nóng mấy hôm nay trong ngành bán lẻ là Shop&Go bán lại cho Vingroup với giá tượng trưng 1 USD. Một cụm từ có thể dùng để mô tả cho thương vụ này chính là: áp lực cạnh tranh.

Khoản lỗ hàng trăm tỷ của Shop&Go, khiến cho chuỗi bán lẻ này không thể trụ vững.

Nếu đi sâu phân tích, thất bại của Shop&Go không phải chỉ đến từ phía các đối thủ trực tiếp trong kênh bán hàng tiện lợi (CVS – convenience store, như CircleK, Vin+…), mà còn đến từ nhóm cửa hàng bách hoá (FG – Family Grocery), vốn là kênh bán hàng chính của nhóm truyền thống, liên tiếp trong những năm qua giữ mức tăng trưởng tốt (chiếm khoảng 35% dung lượng thị trường, tăng trưởng bình quân khoảng hơn 10%, cao hơn mặt bằng chung).

Câu chuyện nghe có vẻ lạ? Vì lâu nay chỉ nghe nói kênh hiện đại đang lấy khách của kênh truyền thống, chứ làm gì có chuyện ngược lại? Với sự phát triển năng động, có chút hơi “khó lường” của thị trường bán lẻ Việt Nam, đã đưa đến đáp án rằng: đây là vấn đề có thật. Nó phản ánh cho xu hướng bán lẻ truyền thống trỗi dậy và cạnh tranh sòng phẳng với kênh hiện đại.

Trong xu hướng yếu tố tiện lợi chiếm vai trò hàng đầu trong việc định hướng người mua chọn điểm mua sắm, cửa hàng bách hoá đã có sự thích nghi rất nhanh chóng. Không hẹn mà gặp, đông đảo các cửa hàng bách hoá đã đầu tư quầy kệ mới, chăm chút không gian mua sắm, tối ưu hoá danh mục sản phẩm, để giúp cho khách hàng có thể mua sắm dễ dàng nhất có thể. Đây được xem là loại cửa hàng duy nhất trên thị trường mà người mua có thể vẫn ngồi trên xe máy yêu cầu cái mình cần, hoặc có thể tiến vào bên trong thực hiện việc mua tự chọn. Đó là chưa kể các khâu như thanh toán, đóng gói giỏ hàng cũng được làm ngày càng chu đáo. Cũng rất dễ tìm thấy một cửa hàng bách hoá có thể cung cấp dịch vụ thanh toán bằng thẻ cho một món hàng dưới 100.000 đồng. Mới đây trao đổi với chúng tôi, giám đốc kinh doanh một ngân hàng thuộc nhóm Top 5, khẳng định đây là mảnh đất cực kỳ hứa hẹn cho các dịch vụ ngân hàng bán lẻ, các ngân hàng đang sẵn sàng đầu tư để chiếm lĩnh các cửa hàng tạp hoá. Ai cũng có tham vọng muốn sở hữu chuỗi thanh toán từ shopper đến cửa hàng bán lẻ, các nhà phân phối và cuối cùng là các nhà sản xuất.Chính sự cạnh tranh này giúp cho các cửa hàng bán lẻ có thể hưởng dịch vụ hoàn toàn miễn phí, gia tăng độ thuận tiện trong mua bán với chi phí rất thấp.

Bên cạnh đó, có một xu hướng đang nổi lên là tỷ lệ các cửa hàng bách hoá đầu tư cho việc đặt hàng qua điện thoại, giao hàng trực tiếp trong các khu dân cư ngày càng phổ biến. Tại nhiều quận, huyện của các thành phố lớn, không khó để tìm các cửa hàng có ít nhất một nhân viên giao hàng, sẵn sàng nhận đơn hàng và giao bất kỳ thức gì cho khách hàng trong thời gian rất ngắn. Một người làm thành công, tạo ra phong trào chung lan toả trong ngành bán lẻ về loại hình dịch vụ, tuy hơi tốn kém nhưng rất hiệu quả để phát triển quy mô kinh doanh, giữ chân khách hàng. Chúng tôi nhận thấy không đâu nhanh như Việt Nam về cách các chủ cửa hàng tạp hoá có thể nhận ra xu hướng và tích cực hưởng ứng những phương pháp cải thiện dịch vụ kiểu như vậy.Họ hiểu rằng cải thiện dịch vụ là cách quan trọng nhất, để “nồi cơm” của họ không bị lấy mất bởi các cửa hàng hiện đại.

Theo những khảo sát thị trường được công bố gần đây, tất cả đều có điểm chung là: sở dĩ kênh bách hoá truyền thống tăng trưởng được là nhờ họ thu hút được khách hàng từ các kênh khác. Và yếu tố then chốt không phải giá thấp, mà chính là dịch vụ tiện lợi.Một tỷ lệ lớn người mua hàng cho rằng, với các sản phẩm thiết yếu, điểm mua sắm đầu tiên họ nghĩ đến là cửa hàng bách hoá chứ không phải là các kênh khác, ngay cả cửa hàng tiện lợi. Thậm chí nếu so sánh về giá thì nếu lấy mức 100 làm chuẩn (mức bình quân giá bán ra các sản phẩm thiết yếu và phổ biến trên thị trường) thì kênh tiện lợi ở mức 110 – 120, trong khi bách hoá ở mức 90 – 95. Nghĩa là shopper đi mua ở bách hoá tiết kiệm khoảng 20% giá trị giỏ hàng so với cửa hàng tiện lợi, trong khi dịch vụ thì không thua gì. Điều này đặc biệt đúng và được nhận diện rất rõ với nhóm khách hàng là bà nội trợ hoặc nhóm nhân viên văn phòng.

Có rất nhiều phương pháp sáng tạo khác đang được các cửa hàng bán lẻ truyền thống áp dụng, để giúp họ có thể phục vụ khách hàng tốt hơn. Tâm lý “lấy công làm lời” và dùng sự tận tuỵ để giữ khách hàng, thật sự là chìa khoá để làm cho bán lẻ truyền thống Việt Nam vẫn vững vàng ở mức 80% thị phần, đi ngược lại với tất cả các dự đoán trước đây, rằng thị trường bán lẻsẽ nhanh chóng rơi vào tay bán lẻ hiện đại.

Tâm lý “trọng dịch vụ” này cũng tạo ra một sân chơi bình đẳng hơn cho các nhà sản xuất, nơi mà kênh phân phối rộng khắp, bao phủ sâu, chú trọng hỗ trợ nhà bán lẻ nâng cao chất lượng dịch vụ, sẽ giúp một nhà sản xuất giành được thắng lợi về lâu dài. Thay vì chỉ chăm chăm tập trung vào cạnh tranh giá.

Phan Tường – Ninh Trần (Theo TGTT)