Bytedance Ltd., startup Trung Quốc sở hữu các ứng dụng nội dung trực tuyến như Jinri Toutiao và Tik Tok, vừa hoàn tất vòng gọi vốn 3 tỷ USD từ SoftBank Group Corp. và một số nhà đầu tư lớn khác với định giá 75 tỷ USD, là startup giá trị nhất thế giới, Bloomberg dẫn nguồn tin thân cận cho biết.
Theo CB Insights, startup 6 năm tuổi này đã vượt qua Uber Technologies Inc. trở thành startup giá trị nhất trị nhất thế giới. Uber hiện được định giá 72 tỷ USD.
Bytedance hiện là một trong những công ty internet hàng đầu tại Trung Quốc và dự định sẽ sử dụng số tiền huy động được để cạnh tranh với các đối thủ phương Tây. Ứng dụng nổi tiếng nhất bên ngoài Trung Quốc là dịch vụ video Tik Tok – được gọi là Douyin tại Trung Quốc, thu hút sự chú ý lớn của các gã khổng lồ như Tencent Holdings Ltd. và Facebook Inc.
Theo Bloomberg, năm ngoái, Bytedance đạt doanh thu 2,5 tỷ USD nhưng chưa có lợi nhuận. Công ty này đặt mục tiêu doanh thu 7,2 tỷ USD cho năm 2018.
Bytedance khởi đầu là công ty phát triển các ứng dụng chia sẻ chuyện cười trước khi chuyển sang dịch vụ tin tức nổi tiếng Jinri Toutiao – có nghĩa là “Tin tức hôm nay”. Công ty đã dành nhiều năm để xây dựng cơ sở dữ liệu người dùng và hoàn thiện hệ thống gợi ý tin tức dựa trên những gì mà người dùng đã xem. Hiện tại, người dùng Toutiao dành thời gian trên ứng dụng này tương đương với WeChat – ứng dụng tin nhắn của WeChat.
Bytedance ra mắt ứng dụng video ngắn Tik Tok vào năm 2016 và nhanh chóng qua mặt các đối thủ. Một năm sau đó, công ty này thâu tóm ứng dụng karaoke Musical.ly với giá 800 triệu USD. Hiện công ty này có hàng triệu người dùng và được xem là startup chủ chốt đóng góp vào tăng trưởng của nhóm các hãng công nghệ khổng lồ của Trung Quốc như dịch vụ gọi xe Didi Chuxing hay giao hàng Meituan Dianping.
Điều đáng chú ý là người sáng lập của Bytedance – Zhang Yiming có thể làm tất cả những điều trên mà không cần tiền đầu tư từ Alibaba và Tencent. 2 gã khổng lồ này là nhà đầu tư của hầu hết startup “kỳ lân” (được định giá hơn 1 tỷ USD) tại Trung Quốc.
Bản thân Tencent cũng có các dịch vụ tương tự như của Bytedance nhưng không mấy thành công và thậm chí còn đâm đơn kiện Bytedance. Cả Tencent và Baidu – sở hữu công cụ tìm kiếm lớn nhất Trung Quốc, đều cáo buộc Bytedance vi phạm bản quyền.
Rủi ro lớn nhất đối với Bytedance là chính sách kiểm duyệt nổi tiếng khắt khe của Trung Quốc. Hồi tháng 4, công ty này bị buộc phải dừng dịch vụ Neihan Duanzi – ứng dụng chia sẻ chuyện cười nổi tiếng, và tạm thời bỏ Toutiao ra khỏi các gian hàng ứng dụng.
Từ đó đến nay, quan hệ của Bytedance với giới chức năng có vẻ cải thiện khi mới đây Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Trung Quốc vinh danh Zhang là một trong 100 doanh nhân hàng đầu trong vòng 40 năm qua.
Theo Vneconomy