• Từ 1/9 đến 7/9/2018

Câu chuyện tuần này: Trái cây của bầu Đức rộng đường qua Trung Quốc với cánh cửa Campuchia:

 Mới đây, Campuchia đã đạt được thỏa thuận về việc cho phép xuất khẩu chuối sang Trung Quốc.

Điều đáng nói, lô hàng xuất khẩu chuối đầu tiên từ Campuchia sang Trung Quốc là của HAGL. Sản phẩm được trồng tại tỉnh Ratanakkiri. Hiện công ty này sở hữu khoảng 1.000 ha diện tích trồng chuối tại các tỉnh Đông Bắc Campuchia thông qua 3 thành viên là Hoàng Anh Andong Meas, Hoàng Anh Romphat và Hoàng Anh Daun Penh Agrico.

Việc thỏa thuận xuất khẩu chuối được chính thức thông qua lần này có thể sẽ giúp HAGL càng tự tin hơn trong việc mở rộng đầu tư hơn vào các trang trại trồng chuối và cây ăn quả khác tại Campuchia để phục vụ cho nhu cầu ngày càng cao của thị trường 1,3 tỷ dân Trung Quốc.

Chuối đã trở thành nông sản thứ tư Campuchia được cấp phép xuất khẩu sang Trung Quốc, sau ngô, sắn và gạo thành phẩm.

Mặt hàng tiếp theo Campuchia kỳ vọng sẽ được cấp phép nhập khẩu vào thị trường Trung Quốc là xoài. Đây cũng là loại trái cây HAGL có diện tích trồng rất lớn ở Campuchia. Rất có thể sản phẩm này cũng nối gót các lô hàng chuối thâm nhập thị trường tỷ dân này. Đồng thời Campuchia cũng là cứ điểm chiến lược để doanh nghiệp này mở rộng đường cho trái cây xuất khẩu.

Theo khảo sát của đội nghiên cứu HAGL, nhu cầu chuối của thị trường Trung Quốc là 15 triệu tấn mỗi năm. Trong khi đó, tập đoàn chỉ cung ứng được tối đa 240.000 tấn. Đó là lý do vì sao công ty nông nghiệp HNG (trực thuộc tập đoàn HAGL) vẫn liên tục mở rộng trồng chuối trong 2 năm qua. Từ lúc bắt đầu trồng đến khai thác là 9 tháng, những đợt sau 6 tháng thu hoạch, quay vòng vốn nhanh, hiệu quả rất cao và thị trường đang rộng mở.

Bầu Đức thừa nhận đã bị chất vấn rất nhiều về việc bán chuối sang thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, ông đánh giá chuối không có rủi ro do nhu cầu ăn hoa quả của một thị trường một tỷ dân vô cùng lớn. “Thị trường tiêu thụ này hiện có rất nhiều quốc gia cung ứng, không riêng gì Hoàng Anh Gia Lai đại diện cho Việt Nam mà còn có Philippines và một số quốc gia Nam Mỹ nhưng cung vẫn không đủ cầu. Rủi ro duy nhất là họ không ăn chuối nữa” – bầu Đức nói.

TIN BSA

Trong những nội dung thông tin mà website bsa.org.vn thông tin đến quý doanh nghiệp trong tuần qua, vẫn có những sự kiện nóng diễn ra ở Hội chợ HVNCLC Đồng Nai, bên cạnh đó là thông tin liên quan đến cuộc thi Dự án khởi nghiệp lần thứ 4 của Trung tâm BSA đã bắt đầu đến vòng bán kết….

+ Trung thu còn khoảng nửa tháng nữa mới đến, nhưng tối 2/9 vừa qua, tại Hội chợ HVNCLC Đồng Nai 2018, Ban tổ chức cùng các doanh nghiệp thực hiện một chương trình nhiều ý nghĩa cho 40 em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, hiếu học trên địa bàn thành phố Biên Hòa. Cùng trẻ em Biên Hòa “Vui hội trăng vàng – sẵn sàng đến lớp”. Trong số 40 em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, có 20 trẻ em đến từ Trung tâm học tập cộng đồng và 20 trẻ em từ Trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật Đồng Nai. Rất nhiều doanh nghiệp HVNCLC đã có những phần quà ý nghĩa gửi đến các em. Mời xem thêm tại đây. https://bit.ly/2M4AsxV

+ Vẫn là những hoạt động cuối cùng tại Hội chợ HVNCLC, trong những ngày nghỉ lễ Quốc khánh vừa qua, hàng chục doanh nghiệp phối hợp cùng Hội DN HVNCLC tổ chức cuộc thi nấu ăn mang tên: Đại hội bếp chiến cho các chị em phụ nữ ở thành phố Biên Hòa tham dự. Link chi tiết tại đây. https://bit.ly/2Qc3GhC

+ Từ thành công dự án “HVNCLC – Chuẩn hội nhập” do hội DN.HVNCLC triển khai, vận hành (tháng 9.2016 đến nay), bộ Khoa học và công nghệ (KH&CN) và hội DN.HVNCLC vừa có ký kết “thoả thuận khung chương trình hợp tác hỗ trợ nông dân và DN xây dựng tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm”. Và chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng bộ KH&CN Trần Văn Tùng về vấn đề này, tại đây: https://bit.ly/2wTS5eV

+ Sau 5 tháng triển khai, phát động, cuộc thi Dự án khởi nghiệp nông nghiệp lần 4, do Trung tâm BSA tổ chức đã thu hút 157 dự án, ý tưởng đăng ký tham gia. Sauk hi sàng lọc, Ban tổ chức đã tìm ra 108 dự án, ý tưởng vào bán kết cuộc thi Dự án khởi nghiệp nông nghiệp lần 4. Xem thêm thông tin tại đây: https://bit.ly/2NSGXW1

+ Cũng trong tuần qua, BSA Media còn có nhiều clip, chương trình truyền hình hấp dẫn khác. Mời quý doanh nghiệp và bạn đọc xem thêm dưới đây: + Tổng hợp chương trình NIỀM TIN HÀNG VIỆT do BSA sản xuất phát trên Truyền hình Vĩnh Long: Thứ 2 hàng tuần lúc 16g15 – trên kênh THVL1. – Phát lại thứ 3 khoảng 8g15 https://bit.ly/2NqaYjc .

>> Đăng ký để theo dõi những videos mới hàng ngày: http://bit.ly/bsachannel

>> Fanpage: http://bit.ly/HVNCLC_fanpage http://bit.ly/bsachannel_fanpage

+ Trong hàng trăm doanh nghiệp tham dự Hội chợ HVNCLC Đồng Nai lần thứ 11 diễn ra trong các ngày từ 28/8 – 2/9 vừa qua, chúng tôi nhận thấy, nhiều doanh nghiệp có các sản phẩm không những phục vụ nhu cầu hàng ngày, mà họ còn phục vụ theo các  mùa trong năm. Mà chúng ta biết, tháng 9 mùa thu về cũng là lúc các em học sinh trên cả nước bắt đầu bước vào mùa tựu trường. Mời quý vị cùng tìm hiểu về các sản phẩm của DN tại Hội chợ HVVNCLC Đồng Nai dịp đầu năm học mới tại đây. https://bit.ly/2M5Ig2n

A-NHẬT KÝ HÀNG VIỆT

– New Zealand giúp Việt Nam phát triển trái thanh long nhiều màu, nhiều vị: Trong chuyến thăm Việt Nam mới đây, ông Damien O’Connor, Bộ trưởng phụ trách Nông nghiệp, An ninh sinh học, An toàn thực phẩm, Các vấn đề nông thôn – thương mại và tăng trưởng xuất khẩu New Zealand, cho biết, một số doanh nghiệp nghiên cứu và phát triển của New Zealand đã được sắp xếp gặp gỡ chính thức với một số địa phương Việt Nam và đang giúp các tỉnh này nâng cao chất lượng quả thanh long và bơ để hướng tới xuất khẩu. Trong vài năm tới, người tiêu dùng trên thế giới có thể sẽ được thưởng thức trái thanh long Việt Nam với nhiều sắc thái màu, nhiều vị khác nhau, chứ không đơn thuần chỉ là ruột trắng hoặc ruột đỏ.

– Chợ nông sản Đà Lạt chỉ được giao dịch nông sản địa phương: Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó chủ tịch UBND thành phố Đà Lạt cho biết, từ 15/9 chợ nông sản Đà Lạt sẽ chỉ giao dịch nông sản của tỉnh. Quy định này được ban hành nhằm hỗ trợ, kích cầu tiêu thụ và quảng bá thương hiệu nông sản rau – củ – quả của Đà Lạt. Theo ông Sơn, đây là loại chợ đặc thù không như chợ bán lẻ nên quy định trên là phù hợp trong bối cảnh một số thương lái nhập nông sản Trung Quốc về chợ nông sản Đà Lạt rồi có những thủ thuật làm thay đổi mẫu mã cho giống khoai tây Đà Lạt nhằm đánh lừa người tiêu dùng. Hành vi này được xem là gian lận thương mại khi ngành chức năng đã công bố nhận diện và đăng ký thương hiệu cho nông sản Đà Lạt.

–  Khai mạc Hội nghị Bất động sản Quốc tế IREC 2018: Hơn 300 khách quốc tế cùng hàng nghìn đại biểu trong nước đã tham dự lễ khai mạc Hội nghị Bất động sản Quốc tế IREC 2018 tổ chức tại Hà Nội ngày 6/9. IREC 2018 là cơ hội kết nối, xúc tiến đầu tư, trao đổi kinh nghiệm và đẩy mạnh quan hệ hợp tác giữa cộng đồng các nhà phát triển bất động sản Việt Nam với quốc tế mà còn là một cơ hộitốt để giới thiệu, quảng bá về tiềm năng phát triển, về đất nước con người Việt Nam nói chung và thị trường bất động sản Việt Nam nói riêng.

 – Vinfast công bố thiết kế ngoại thất của hai mẫu xe đầu tiên: hãng xe VinFast công bố một số hình ảnh thiết kế ngoại thất của hai mẫu xe đầu tiên sắp ra mắt tại Paris Motor Show 2018. Với tỷ lệ kích thước hoàn hảo, cân xứng; cấu trúc hiện đại, bền vững; vẻ đẹp kiêu hãnh, tràn đầy năng lượng và điểm nhấn đặc biệt là logo chữ V bất đối xứng – Sedan và SUV VinFast tượng trưng cho tinh thần bứt phá mạnh mẽ của một Việt Nam mới, năng động và phát triển. Tiêu chí “Việt Nam – Phong cách – An toàn – Sáng tạo – Tiên phong” của VinFast đã được thể hiện xuất sắc thông qua ngôn ngữ thiết kế đẳng cấp thế giới do Pininfarina – đội ngũ sáng tạo danh tiếng của Italia thực hiện.

– Thiếu cơ quan bảo vệ doanh nghiệp: Câu chuyện cạnh tranh không lành mạnh trong kinh doanh đang diễn ra ở mức báo động. Khi doanh nghiệp (DN) bị chơi xấu, bị tố cáo sai sự thật, báo chí vào cuộc, gây ảnh hưởng thương hiệu, muốn kêu cứu thì không có cơ quan, tổ chức nhà nước nào bảo vệ họ. Đã vậy, khi có “lùm xùm”, ngay lập tức DN sẽ bị rất nhiều cơ quan vào cuộc kiểm tra, xử lý, khiến DN điêu đứng. Dù sau đó, kết quả kiểm tra xác định DN “sạch” đi nữa, thì… “được vạ, má đã sưng”! Thời mở cửa, DN trong nước phải chịu sự cạnh tranh khốc liệt, thế nhưng cơ chế bảo vệ DN của ta hiện nay chưa rõ ràng. Hàng giả, hàng nhái bày bán công khai trên thị trường và các trang mạng, DN làm ăn chân chính muốn kêu cứu không biết tìm đến đâu.

– Bphone 3 sẽ ra mắt vào đầu tháng 10 tới: Đại diện của Tập đoàn công nghệ Bkav vừa xác nhận sẽ chính thức ra mắt Bphone 3 vào đầu tháng 10 tới. Nguồn tin này cho biết, trong lần ra mắt tới đây, điện thoại Bphone sẽ có nhiều phân khúc giá và mỗi phân khúc lại có nhiều phiên bản khác nhau. Theo đó, sản phẩm Bphone 3 sẽ có ba màu sau là đen, bạc và vàng. Tuy chưa tiết lộ về khoảng giá bán nhưng đại diện Bkav cho biết sẽ có những bất ngờ đáng kể.

– Giới siêu giàu Việt Nam tăng trưởng nhanh nhất thế giới: Theo báo cáo World Ultra Wealth Report của Wealth-X, Việt Nam nằm trong nhóm các nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng người siêu giàu nhanh nhất thế giới giai đoạn 2012-2017.Cụ thể, Theo báo cáo của Wealth-X, Việt Nam đứng thứ 3 thế giới về tốc độ tăng trưởng người siêu giàu giai đoạn 2012 – 2017, ở mức 12,7% mỗi năm, xếp sau Bangladesh (17,3%) và Trung Quốc (13,4%).Người siêu giàu theo định nghĩa của hãng nghiên cứu này là các cá nhân có tài sản trên 30 triệu USD.

B – CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG

– Xăng dầu đồng loạt tăng giá:  Liên bộ Tài chính – Công thương vừa đưa ra quyết định điều hành giá xăng dầu. Theo đó, từ 15 giờ chiều, 6/9, giá mỗi lít xăng tăng thêm 300 đồng trong khi các loại dầu cũng tăng từ 173 – 383 đồng/lít,kg.  Lý do của việc điều chỉnh tăng đồng loạt các mặt hàng xăng dầu là bởi giá thành phẩm xăng dầu thế giới thời gian gần đây tăng mạnh.

– Lồng đèn Trung Quốc tái xuất nhưng vắng người mua: Còn khoảng 3 tuần nữa là đến rằm tháng tám Âm lịch, thị trường các sản phẩm cho mùa trung thu 2018 mới có dấu hiệu nhộn nhịp sau hơn 1 tháng trầm lắng. Hiện các xưởng sản xuất bánh trung thu và lồng đèn đã hoàn tất việc sản xuất để tập trung cho khâu bán hàng. Một đầu mối chuyên bán sỉ lồng đèn trên đường Lãnh Binh Thăng (quận 11, TP HCM) cho biết lồng đèn do Việt Nam sản xuất vài năm gần đây rất đa dạng, nhiều phân khúc để khách lựa chọn và hoàn toàn có thể cạnh tranh với hàng Trung Quốc. “Loại rẻ nhất là lồng đèn giấy dạng hình trụ, sử dụng đèn cầy, giá chỉ 9.000 đồng/chiếc. Nếu mua sỉ (100 cái), giá chỉ còn 5.000 đồng/chiếc, thậm chí 4.500 đồng/chiếc nếu mua từ 500 cái trở lên. Loại lồng đèn có nhạc bán lẻ cũng chỉ 25.000 đồng/chiếc, còn mua sỉ 500 cái giá chỉ 15.000 đồng/chiếc” – đầu mối này chào mời.

– Xe công nghệ sắp “bão” lớn: Khi Uber rút lui khỏi Việt Nam, Grab được cho là độc quyền. Tuy nhiên, thế độc quyền này sẽ không còn khi hàng loạt đơn vị kinh doanh dịch vụ xe công nghệ đã và đang nhảy vào cạnh tranh quyết liệt. Sau khi Uber rút khỏi Việt Nam, hàng loạt ứng dụng gọi xe trong và ngoài nước như Aber, FastGo, T.Net, Xelo… tham gia thị trường kinh doanh vận tải tại Việt Nam – vốn được xem là màu mỡ và cạnh tranh với “ông lớn” Grab. Tuy nhiên, Đường dài mới biết ngựa hay…http://thegioihoinhap.vn/kinh-doanh/go-viet-grab-va-fastgo-duong-dai-moi-biet-ngua-hay/

– Grab muốn đạt doanh thu 2 tỷ USD vào năm 2019: Công ty ứng dụng gọi xe Grab công bố kế hoạch huy động vốn đầy tham vọng và dự báo doanh thu sẽ tăng gấp đôi vào năm tới. Đây được xem là một bằng chứng cho thấy công ty khởi nghiệp (startup) đắt giá nhất Đông Nam Á đang vươn xa khỏi lĩnh vực hoạt động chính và tiếp tục đẩy mạnh cuộc đấu với đối thủ Go-Jek. Grab, công ty có trụ sở ở Singapore, cho rằng doanh thu sẽ tăng gấp đôi lên mức 2 tỷ USD vào năm 2019, nhờ thương vụ mua lại hoạt động ở Đông Nam Á của đối thủ Uber và tiến sâu hơn vào những lĩnh vực kinh doanh mới, từ chia sẻ xe đạp tới thanh toán trực tuyến, giao hàng thực phẩm và chăm sóc sức khỏe.

– Ông Johnathan Hạnh Nguyễn sắp mở cửa hàng Apple: Sau kinh doanh thời trang, hàng miễn thuế, đào tạo ca sỹ, ông Johnathan Hạnh Nguyễn lấn sân mảng công nghệ. Đại diện tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) xác nhận sẽ khai trương chuỗi cửa hàng kinh doanh bán lẻ và dịch vụ sửa chữa chuẩn Apple (Apple Premium Reseller và Apple Service Provider) ngày 10.9 tới tại TP HCM. Đây là bước đi đầu tiên của ông Johnathan Hạnh Nguyễn khi quyết định tham gia kinh doanh hàng công nghệ ở Việt Nam.

– Bán vốn khỏi cụm rạp CGV, Phương Nam lần đầu chia cổ tức sau 7 năm: Phương Nam đang lấy ý kiến cổ đông bằng văn bảnđể điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm nay và lần đầu tiên sau 7 năm lên kế hoạch chi trả cổ tức với tỷ lệ 20%. Tuy nhiên, phương pháp chi trả bằng tiền mặt hay cổ phiếu chưa được công ty tiết lộ. Lần gần nhất các cổ đông của công ty này được hưởng niềm vui cổ tức tiền mặt là năm 2010 với tỷ lệ 5%, chi trả ngày 30/6/2011. Còn đối với cổ tức bằng cổ phiếu, lần chia gần nhất cũng cách đây hơn 6 năm với tỷ lệ 10%. Từ đó đến nay, ban lãnh đạo công ty chưa một lần chia cổ tức cho cổ đông của mình.

–  Ai đang thật sự thống lĩnh thị trường mua sắm trực tuyến Việt Nam? Dù có nhiều nhà đầu tư từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, thương mại điện tử Việt Nam đang chịu sự ảnh hưởng rất lớn từ dòng vốn của các đại gia Trung Quốc như Alibaba, Tencent, JD. Và điều này kéo theo những băn khoăn về việc hàng Trung Quốc cũng như các ứng dụng thanh toán di động đến từ quốc gia này sẽ dần chiếm ưu thế đối với thương mại điện tử Việt Nam.

– Việt Nam nhập nhiều nhất từ Trung Quốc, xuất nhiều nhất sang Hoa Kỳ: Theo số liệu mới được công bố từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 8/2018 ước tính đạt 20,90 tỷ USD, luỹ kế 8 tháng năm 2018 đạt 155,41 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2017. Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 30,2 tỷ USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là EU đạt 27,7 tỷ USD, tăng 10,8%. Đứng thứ ba là Trung Quốc đạt 23,4 tỷ USD, tăng 25,2%. Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hoá tháng 8 ước đạt 21 tỷ USD, tăng 0,2% so với tháng trước. Tính chung 8 tháng, kim ngạch hàng hoá nhập khẩu ước tính đạt 152,66 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm trước. Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 41,4 tỷ USD, tăng 12,8% so với cùng kỳ

– Emirates bắt tay Jetstar Pacific: Ngay 5/9, Emirates – Hãng hàng không quốc tế có trụ sở tại Dubai và Jetstar Pacific (mã IATA: BL) – Hãng hàng không trực thuộc Jetstar Group, vừa công bố thỏa thuận hợp tác liên danh mới, mở rộng mối quan hệ đối tác hiện có giữa hai hãng hàng không. Thỏa thuận hợp tác mới với Jetstar Pacific sẽ giúp các hành khách của Emirates dễ dàng di chuyển đến những tỉnh thành tại Việt Nam, bên cạnh các đường bay từ Việt Nam tới Singapore, Thái Lan và Úc. Sau khi hãng hàng không Emirates vận chuyển hành khách đến Tp. Hồ Chí Minh hoặc Hà Nội, các chuyến bay liên danh với Jetstar Pacific sẽ tiếp tục đưa hành khách đến 14 tỉnh thành khác. Ngoài ra, để bay đến Brisbane, Melbourne hoặc Sydney (Úc) bằng hãng hàng không Emirates, hành khách có thể chọn quá cảnh tại Singapore hoặc Bangkok (Thái Lan) bằng các chuyến bay liên danh khởi hành từ Tp. Hồ Chí Minh của hai hãng hàng không.

– Phú Mỹ Hưng thâu tóm công ty làm dự án 3.000 tỷ tại Bắc Ninh của Vietinbank: Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng – chủ đầu tư dự án Khu đô thị Phú Mỹ Hưng, quận 7, TP.HCM – đã thâu tóm gần như toàn bộ 100% cổ phần Công ty Cổ phần Đầu tư Công đoàn Ngân hàng Công thương (Vietinbank Trade -Union Invesment JSC) – một công ty thuộc ngân hàng Vietinbank. Người đại diện theo pháp luật hiện nay của Công ty Cổ phần Đầu tư Công đoàn Ngân hàng Công thương là ông Tseng Fan Chih. Ông Tseng Fan Chih cũng là người đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng. Công ty Cổ phần Đầu tư Công đoàn Ngân hàng Công thương là chủ đầu tư Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị sinh thái Hồng Lạc – Xuân Lâm tại các xã Ngũ Thái – Song Liễu – Xuân Lâm, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.

Trung Quốc bình thường hóa thị trường dược phẩm: Chính phủ Trung Quốc đang dành nhiều ngân sách hơn cho dược phẩm, bao gồm cả thuốc ngoại, để đảm bảo việc chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Các công ty trong nước không đủ năng lực sẽ dần bị loại ngay trên sân nhà. Nói cách khác, Trung Quốc đang trở thành một thị trường bình thường hơn. Các nhà sản xuất thuốc toàn cầu đang xoa tay ăn mừng. Theo ước tính, Trung Quốc đã trở thành nước tiêu thụ thuốc lớn thứ hai trên thế giới vào năm 2017. Theo công ty nghiên cứu IQVIA, thị trường này trị giá 122,6 tỷ đôla. Việc bình thường hóa này đã gây tác động rất lớn đến quá trình tái cấu trúc Cục Quản lý Dược phẩm Trung Quốc (CDA). Theo ông Bi Jingquan, người đã tiếp quản cơ quan này vào năm 2015, CDA đã giới thiệu quy trình thẩm định nhanh các loại thuốc nhập khẩu, bỏ qua quá trình thử nghiệm lâm sàng với bệnh nhân Trung Quốc và các quy định bắt buộc các công ty phải đầu tư vào các nhà máy địa phương. Những thay đổi quan trọng được cho là không chỉ giúp cho các nhà sản xuất dược đa quốc gia, mà trong thời gian tới còn có thể thúc đẩy ngành công nghiệp trong nước.

– Dân châu Á không thay đổi chi tiêu trước bão thương mại: Người tiêu dùng chi tiêu ở châu Á, với một sức đẩy lớn từ Trung Quốc, là một động lực kinh tế ngày càng quan trọng đối với khu vực. Nhưng với môi trường thương mại toàn cầu mong manh và xung đột thuế quan Mỹ-Trung đang leo thang, câu hỏi đặt ra là, liệu đà tiêu dùng ấy còn có thể tiếp diễn hay không. Câu trả lời, theo một số chiến lược gia, nhà đầu tư và nhà phân tích, đà ấy sẽ tiếp diễn – mặc dầu có những va chạm tiềm năng.  Triển vọng chi tiêu của người tiêu dùng ở châu Á, một vùng chiếm đến 60% dân số thế giới về tổng thể vẫn sáng sủa, theo một báo cáo do Daiwa Capital Markets phát hành hôm 3/9 bên Hong Kong. http://thegioihoinhap.vn/hoi-nhap/thuong-mai/dan-chau-a-khong-thay-doi-chi-tieu-truoc-bao-thuong-mai/

– Gần một nửa người dùng trẻ ở Mỹ đã xóa ứng dụng Facebook: Bê bối năm 2017 của Facebook đã khiến người dùng trẻ xóa ứng dụng này trên điện thoại của họ, theo một nghiên cứu của Pew. Pew khảo sát hơn 3.400 người dùng Facebook ở Mỹ vào tháng 5 và tháng 6, và nhận thấy rằng có tới 44% những người độ tuổi từ 18 đến 29 cho biết họ đã xóa ứng dụng trên điện thoại của họ hồi năm ngoái. Một số sau đó đã cài đặt lại. Nhìn chung, 26% số người trả lời khảo sát cho biết họ đã xóa ứng dụng, trong khi 42% đã tạm ngưng trong nhiều tuần lễ, và 54% đã điều chỉnh các cài đặt bảo mật.

– Trong khi đó, Facebook chi 1 tỷ USD mở trung tâm dữ liệu ở Singapore: Mạng xã hội lớn nhất thế giới Facebook ngày 6/9 tuyên bố sẽ đầu tư hơn 1 tỷ USD để mở trung tâm dữ liệu ở Singapore. Đây sẽ là trung tâm dữ liệu đầu tiên của Facebook tại châu Á và dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào năm 2022. Theo tin từ Reuters, trung tâm dữ liệu nói trên của Facebook sẽ được đặt ở phía Tây của đảo quốc sư tử, gần nơi công ty tìm kiếm Google đang mở rộng trung tâm dữ liệu của mình tại nước này. Google hiện đang đầu tư 850 triệu USD cho việc mở rộng trung tâm dữ liệu ở Singapore, trong bối cảnh tăng trưởng di động, hoạt động thương mại điện tử và nhu cầu điện toán đám mây gia tăng trong toàn khu vực.

– Toyota thu hồi 1 triệu xe hydrid trên toàn cầu vì nguy cơ cháy: Nhà sản xuất ôtô Nhật Bản Toyota ngày 5/9 công bố thu hồi hơn 1 triệu xe chạy nhiên liệu kết hợp Prius (hydrid), xe lai sạc điện Prius (plug-in hybrid) và C-HR SUV trên toàn cầu để sửa lỗi trong hệ thống điện – có nguy cơ gây cháy. Theo CNN, hơn một nửa số xe bị thu hồi được bán ở Nhật Bản, trong khi khoảng 200.000 chiếc ở Mỹ. Số còn lại được bán ở châu Âu và các thị trường khác. Các lái xe sẽ nhận được thông báo thu hồi qua email trong tháng này.

C – HỘI NHẬP

– Thành phố Hồ Chí Minh: Cửa ngõ đến với du lịch châu Á: Sáng 6/9, tại Trung tâm Hội nghị và Triển lãm Sài Gòn (SECC), Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh đã khai mạc Hội chợ Du lịch Quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh (ITE) lần thứ 14 – 2018 với chủ đề “Cửa ngõ đến với du lịch châu Á”. Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, qua 13 lần tổ chức, Hội chợ Du lịch quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh đã trở thành sự kiện du lịch hàng đầu Việt Nam và trong khu vực. Đây còn là diễn đàn giao thương, thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp kinh doanh du lịch giới thiệu sản phẩm, dịch vụ trong khu vực Mê Công và các quốc gia, thành phố du lịch trong và ngoài khu vực châu Á Thái Bình Dương. Hội chợ năm nay tập trung vào thị phần khách du lịch quốc tế, mở rộng, tiếp cận các thị trường trọng điểm khu vực Bắc Mỹ, châu Âu, Đông Nam Á, Bắc Á.

– Singapore – Nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ ba vào Việt Nam: Tối 5/9, Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore đã tổ chức tiếp khách và chiêu đãi trọng thể nhân dịp kỷ niệm 73 năm Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam, với sự tham dự của gần 500 quan khách Singapore, đoàn ngoại giao, giới học giả và đại diện cộng đồng người Việt tại “đảo quốc Sư tử”. Theo số liệu được công bố,  Singapore hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ ba của Việt Nam và là nhà đầu tư hàng đầu ASEAN, với hơn 2.000 dự án có tổng vốn đầu tư lên tới 45 tỷ USD.

– Doanh nghiệp Nga đầu tư gần 1 tỷ USD vào các dự án tại Việt Nam: Theo thông tin của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tổng vốn đăng ký các dự án đầu tư trực tiếp của Liên bang Nga tại Việt Nam đạt gần 1 tỷ USD, xếp thứ 22 trong số các nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Các dự án đầu tư của Liên bang Nga tập trung chủ yếu vào các ngành dầu khí, công nghiệp chế tạo, khai khoáng, giao thông vận tải, viễn thông, nuôi trồng và đánh bắt hải sản.Việt Nam có 18 dự án đầu tư sang Liên bang Nga với tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng vốn là 2,4 tỷ USD (tính đến cuối tháng 3/2018); trong đó chủ yếu là đầu tư của các dự án của Liên doanh Rusvietpetro, Công ty cổ phần Đầu tư Trung tâm thương mại Hà Nội-Moskva và Tổ hợp chăn nuôi bò sữa và chế biến tại Moskva của TH True Milk.

– Việt Nam nên tận dụng các FTA để tránh ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung: Cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung sẽ còn kéo dài và ít nhiều có ảnh hưởng tới các doanh nghiệp, hàng hóa Việt Nam. Tuy nhiên, “lá bùa” để giúp doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Việt Nam hóa giải những liên lụy của cuộc chiến này chính là các hiệp định thương mại tự do (FTA) để rộng cửa làm ăn, xuất khẩu…Theo PGS-TS Nguyễn Văn Lịch (Học viện Ngoại giao), bên cạnh giữ vững thị trường truyền thống như EU, Đông Âu, “kế sách” lâu dài cho doanh nghiệp Việt Nam là phải tích cực tìm kiếm các thị trường mới và đặc biệt là khai thác những lợi ích từ các FTA đã ký kết, vì các hiệp định này tạo nhiều thuận lợi cho thương mại của chúng ta. Trong đó, các thị trường từ FTA có thể bù đắp vào phần giảm sút do chiến tranh thương mại gây ra. Đáng kể trong số này là FTA Việt Nam – Nhật Bản, FTA Việt Nam – EAEU (Liên minh kinh tế Á – Âu), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)…

– Đọc sách mới: ’21 bài học cho thế kỷ 21′ của Yuval Noah Harari: “Thách thức lớn nhất của ngày hôm nay và những thay đổi quan trọng nhất là gì? Chúng ta nên chú ý đến điều gì? Chúng ta nên dạy con cái gì?” – Đó là những câu hỏi mà sử gia Harari sẽ cùng chúng ta thảo luận trong cuốn sách mới của ông vừa được Bill Gates giới thiệu trên New York Times. >> http://thegioihoinhap.vn/van-hoa-giao-duc/doc-sach-moi-21-bai-hoc-cho-the-ky-21-cua-yuval-noah-harari/

– Quốc hội Anh cân nhắc kỹ lưỡng tương lai quan hệ với EU: Ngày 5/9, người phát ngôn của Thủ tướng Anh cho biết Quốc hộinước này sẽ dựa trên những thông tin đầy đủ và xác thực nhất để đưa ra những quyết định rõ ràng và cụ thể đối với nội dung tương lai quan hệ giữa Anh và Liên minh châu Âu (EU) khi bỏ phiếu thỏa thuận Brexit. Phát biểu trên được đưa ra trong bối cảnh Thủ tướng Anh Theresa May vừa phải trả lời với hàng loạt câu hỏi từ các chính trị gia đối lập về cách chính phủ đương nhiệm dẫn dắt Brexit ngay trong phiên chất vấn Thủ tướng đầu tiên khi Hạ viện Anh làm việc trở lại sau kỳ nghỉ Hè. Tại đây, bà May đã phải đối mặt với những câu hỏi gay gắt của lãnh đạo Công đảng Jeremy Corbyn và lãnh đạo đảng Dân chủ Scotland Ian Blackford. Các ông này đều chỉ trích Sách Trắng Brexit hay còn gọi là kế hoạch Chequers là “thảm họa.”

– Mỹ và Ấn Độ thảo luận chi tiết về việc ngừng nhập khẩu dầu từ Iran: Reuters đưa tin, một quan chức của Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 6/9 thông báo, Mỹ và Ấn Độ đang có “cuộc thảo luận chi tiết” liên quan tới đề nghị của Washington ngừng hoàn toàn hoạt độngnhập khẩu dầu từ Iran. Phát biểu với báo giới trước khi tiến hành đối thoại cấp cao giữa Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng hai nước, quan chức giấu tên trên nêu rõ: “Chúng tôi đang yêu cầu tất cả đối tác, không chỉ Ấn Độ, ngừng nhập khẩu dầu từ Iran và tôi tinđây sẽ là một phần trong cuộc thảo luận của chúng tôi với phía New Delhi.

– Nhập khẩu đạt mức kỷ lục khiến thâm hụt thương mại của Mỹ tăng mạnh: Theo số liệu được Bộ Thương mại Mỹ công bố ngày 5/9, thâm hụt thương mại của nước này đã tăng lên 50,1 tỷ USD trong tháng Bảy do nhập khẩu đạt mức kỷ lục. Cụ thể, xuất khẩu đã giảm mạnh trong tháng Bảy khi hàng hóa Mỹ đối mặt với các biện pháp đáp trả thuế quan ở nhiều nước. Chênh lệch giữa nhập khẩu và xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ đã tăng hơn 4 tỷ USD, tương đương 9,5%, lên 50,1 tỷ USD. Đây là tháng thứ hai liên tiếp thâm hụt thương mại của Mỹ tăng sau khi xuất khẩu đã tăng vọt trong tháng Năm, giúp bù đắp được ảnh hưởng từ các biện pháp thuế quan nhằm vào sản phẩm Mỹ xuất sang nước ngoài. Nhập khẩu của Mỹ trong tháng Bảy đã tăng 0,9% lên 261,2 tỷ USD, mức kỷ lục cả về sức mua hàng hóa lẫn dịch vụ. Trong khi đó, xuất khẩu đã giảm 1% xuống 211,1 tỷ USD, với số lượng hàng hóa công nghiệp và dầu mỏ đạt mức kỷ lục.

– Nông dân trồng táo Mỹ lo bị Trung Quốc trả đũa: Nông dân trồng táo ở vùng Tây Bắc của nước Mỹ đang lo ngại rằng họ có thể trở thành “nạn nhân” tiếp theo của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, như những gì đã xảy ra với những người trồng cherry ở vùng này. Năm nay, việc Tổng thống Donald Trump áp thuế lên hàng hóa Trung Quốc đã dẫn tới việc Bắc Kinh trả đũa bằng cách áp thuế lên nhiều mặt hàng xuất khẩu quan trọng của Mỹ, trong đó có những nông sản như đậu tương và quả cherry. Điều này đã gây nhiều khó khăn cho nông dân Mỹ.

– Các đối tác Mỹ hối thúc tạo thuận lợi cho xuất khẩu nông sản sang Cuba: Một nhóm gồm đại diện của 60 hội đoàn nông nghiệp, doanh nghiệp và các quan chức dân cử thuộc 17 bang của Mỹ đã gửi thư ngỏ yêu cầu nghị viện nước này thông qua điều khoản trong dự luật hướng tới mở rộng quan hệ thương mại nông sản với Cuba. Theo tổ chức vận động hành lang EngageCuba, nhóm đại diện trên đã đề nghị lãnh đạo các Ủy ban Nông nghiệp tại Thượng viện và Hạ viện Mỹ bổ sung vào dự thảo Luật Nông nghiệp 2018 điều khoản mà theo chính Văn phòng Ngân sách của Quốc hội Mỹ, sẽ giúp tiết kiệm được 690 triệu USD trong 10 năm. Điều khoản được nhóm lưỡng đảng trên đề xuất sẽ xóa bỏ những hạn chế về thanh toán trong hoạt động xuất khẩu nông sản từ Mỹ sang Cuba, đồng thời đề nghị Thượng viện Mỹ cho phép nhà sản xuất nông sản Mỹ được sử dụng quỹ khuyến khích thị trường liên bang cho hoạt động xuất khẩu sang Cuba. Theo một đạo luật năm 2001, các tổ chức và cá nhân Mỹ được xuất khẩu nông sản sang Cuba nhưng chỉ với điều kiện đối tác tại đảo quốc Caribe phải thanh toán trước bằng tiền mặt.

– Tổng thống Trump sẵn sàng chiến tranh thương mại với Nhật Bản: Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết rằng đối thủ thương mại tiếp theo mà ông sẽ gây chiến là Nhật Bản. Nhà báo James Freeman của Wall Street journal cho hay rằng, ông đã nhận được một cuộc điện thoại từ Tổng thống Trump “mô tả mối quan hệ tốt đẹp của ông với lãnh đạo Nhật Bản, nhưng sau đó nói thêm: “Tất nhiên điều đó sẽ kết thúc ngay khi tôi nói với họ rằng họ phải trả bao nhiêu”. Theo Freeman, cuộc điện thoại nói trên được Tổng thống Mỹ thực hiện sau khi nhà báo này lên Fox News ca ngợi chính sách cải cách thuế và thương mại của chính phủ Mỹ. Trong cuộc điện thoại với ông Freeman, ông Trump “vẫn rất tập trung vào việc loại bỏ thâm hụt thương mại với các đối tác thương mại của Mỹ”.”Có vẻ như ông ấy vẫn còn bị làm phiền bởi các điều khoản thương mại giữa Mỹ với Nhật Bản”, ông Freeman nhận định. Chính vì vậy, theo chuyên gia này, ông Trump có thể sẽ khởi động một cuộc chiến tranh thương mại với Nhật, nếu nước này không đàm phán lại các hiệp định kinh tế song phương với Mỹ trong thời gian tới. Ngay sau khi tin này được đưa ra, đồng yen Nhật ngay lập tức tăng giá mạnh. Hiện đồng yen đã tăng 0,8% giá trị so với hôm trước, lên mốc 110,65 Yên/USD.

– 9 nước lân cận Trung Quốc họp khẩn đối phó dịch cúm lợn châu Phi: Ngày 5/9, Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO) đã tổ chức hội nghị khẩn cấp tại thủ đô Bangkok (Thái Lan) để thảo luận về cách ứng phó với nguy cơ dịch cúm lợn châu Phi bùng phát trên toàn châu Á trong bối cảnh dịch đang diễn biến nhanh tại Trung Quốc và có khả năng trở thành đại dịch. Hội nghị diễn ra trong 3 ngày với sự tham gia của cách chuyên gia về dịch bệnh động vật, cũng như các cơ quan chính sách nông nghiệp từ 9 quốc gia lân cận Trung Quốc gồm Campuchia, Nhật Bản, Lào, Mông Cổ, Myanmar, Philippines, Hàn Quốc, Thái Lan và Việt Nam. FAO khẳng định nguy cơ dịch bệnh lây lan ra các quốc gia láng giềng với Trung Quốc là hiện hữu và các quốc gia trong khu vực phải sẵn sàng đối phó. Tại hội nghị này, các bên sẽ đánh giá tình hình và xác định cách thức phối hợp và phản ứng đồng bộ trong toàn khu vực.

– Dân mạng Trung Quốc xôn xao vụ tỷ phú công nghệ Liu Qiangdong bị bắt tại Mỹ: Nhà sáng lập kiêm Tổng giám đốc Liu Qiangdong của công ty thương mại điện tử lớn thứ nhì Trung Quốc JD.com đã trở về Trung Quốc sau khi bị bắt giữ và thả ngay sau đó tại Mỹ vì bị nghi có “hành vi tình dục không phù hợp”.Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) nói rằng vụ bắt giữ vị tỷ phú 45 tuổi đang là một trong những chủ đề “nóng” nhất trên các mạng xã hội ở Trung Quốc những ngày qua. Theo hồ sơ của cảnh sát hạt Hennepin, ông Liu bị bắt vào lúc 11h32 tối ngày 31/8 và thả vào lúc 4h05 chiều ngày 1/9 vì bị nghi có hành vi tình dục không có sự đồng thuận của đối tác. Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 3/9 cho biết đang tìm hiểu sự việc dẫn đền việc ông Liu bị bắt.

– Vượt New York, Hồng Kông trở thành nơi có nhiều người siêu giàu nhất: New York đã để tuột mất ngôi vị là thành phố có nhiều người siêu giàu nhất thế giới vào tay Hồng Kông, trong bối cảnh sự sản sinh tài sản diễn ra vào tốc độ mạnh mẽ tại khu vực châu Á. Hãng tin Bloomberg dẫn một báo cáo mới được công ty nghiên cứu Wealth-X công bố cho biết, dân số sở hữu tài sản cá nhân từ 30 triệu USD trở lên của Hồng Kông đã lớn hơn bất kỳ thành phố nào khác trên thế giới. Trong năm 2017, số người siêu giàu ở Hồng Kông tăng thêm 31%, lên mức khoảng 10.000 người, so với con số gần 9.000 người sở hữu mức tài sản tương tự ở New York. Thủ đô Tokyo của Nhật đứng ở vị trí thứ ba, thủ đô Paris của Pháp đứng thứ tư.

– Suýt bị hủy, dự án đường sắt cao tốc Malaysia-Singapore chuyển sang hoãn 2 năm: Dự án xây dựng một tuyến đường sắt cao tốc nối giữa Malaysia và Singapore sẽ bị hoãn 2 năm, thay vì hủy như dự định gần đây – tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) cho hay. Sau nhiều tuần đàm phán, chính phủ Malaysia và Singapore đã đi đến nhất trí không hủy dự án như Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad dự tính sau khi lên cầm quyền hồi tháng 5. Theo thỏa thuận vừa được ký giữa hai nước, việc khởi công dự án trên sẽ được lùi đến cuối tháng 5/2020.

D- DOANH NGHIỆP& NHÀ NƯỚC

– Ủy ban Quản lý vốn nhà nước có thể hoạt động trong tháng 10:  Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về thành lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước vừa chủ trì cuộc họp tiếp thu các khuyến nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập cơ quan này. Theo ông Vương Đình Huệ, Bộ KH&ĐT sau khi tiếp thu ý kiến các bộ, ngành, sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ để gửi văn bản xin ý kiến các thành viên Chính phủ, từ đó tổng hợp, bổ sung để trình Thủ tướng Chính phủ kýban hành Nghị định trong tháng 9/2018. Các bộ, ngành liên quan vận dụng tối đa các quy định của pháp luật hiện hành, tạo điều kiện cho Uỷ ban sớm hoạt động vào tháng 10/2018.

– Vinalines chỉ bán được 1,1% tổng số cổ phần: Ngày 5-9, tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) đã tổ chức chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) hơn 488 triệu cổ phần, tương đương 34,8% vốn điều lệ sau cổ phần hóa. Mức giá khởi điểm là 10.000 đồng/cổ phần. Phiên đấu giá có 40 nhà đầu tư cá nhân và 2 tổ chức tham dự. Khối lượng đăng ký mua hợp lệ đạt hơn 5,4 triệu cổ phần, bằng 1,1% tổng khối lượng chào bán.Giá đặt mua cao nhất là 13.000 đồng/cổ phần, giá đặt mua thấp nhất là 10.000 đồng/cổ phần. Tổng giá trị cổ phần bán được đạt hơn 54,3 tỷ đồng.

– Huy động thành công hơn 3.600 tỷ đồng từ đấu thầu trái phiếu Chính phủ: Ngày 5/9, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã tổ chức phiên đấu thầu trái phiếu chính phủ do Kho bạc Nhà nước phát hành với tổng khối lượng gọi thầu 5.000 tỷ đồng. Theo đó, trái phiếu Chính phủ tại các kỳ hạn 5 năm gọi thầu 500 tỷ đồng, 10 năm (2.000 tỷ đồng), 15 năm (2.000 tỷ đồng), 20 năm (500 tỷ đồng).  Kết quả, phiên đấu thầu đã huy động được tổng cộng 3.650 tỷ đồng. Cụ thể, trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm có 8 thành viên dự thầu, huy động được 1.250 tỷ đồng với lãi suất trúng thầu 4,67%/năm. Phiên thầu phụ kỳ hạn 10 năm gọi thầu 600 tỷ đồng, có 1 thành viên tham gia dự thầu, huy động được 600 tỷ đồng với lãi suất 4,67%/năm. Trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 15 năm có 4 thành viên dự thầu, huy động được 1.200 tỷ đồng với lãi suất trúng thầu 4,92%/năm. Phiên thầu phụ kỳ hạn 15 năm gọi thầu 600 tỷ đồng, có 1 thành viên tham gia dự thầu, huy động được 600 tỷ đồng với lãi suất 4,92%/năm. Kể từ đầu năm 2018, Kho bạc Nhà nước đã huy động được 109.711 tỷ đồng thông qua đấu thầu trái phiếu Chính phủ tại HNX.

– Không tính dầu thô, đất đai, thu ngân sách 8 tháng đạt thấp nhất 4 năm: Số liệu mới nhất từ Tổng cục Thuế cho biết, trong 8 tháng đầu năm 2018, tổng thu ngân sách nhà nước do ngành thuế thực hiện ước đạt 724.553 tỷ đồng, bằng 67,7% dự toán, tăng 15,7% so với cùng kỳ. Trong đó, thu từ dầu thô ước đạt 40.876 tỷ đồng, tăng 35,1% so với cùng kỳ; thu nội địa ước đạt 683.676 tỷ đồng, tăng 14,7% so với cùng kỳ. Số thu không kể tiền sử dụng đất, cổ tức, lợi nhuận còn lại và thu từ xổ số kiến thiết ước đạt 546.146 tỷ đồng, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước. Với kết quả này, số thu ngân sách trung ương luỹ kế 8 tháng ước đạt 322.000 tỷ đồng, tăng 15,7% so với cùng kỳ, cao hơn mức thu của 8 tháng những năm gần đây. Mặc dù đạt kết quả khả quan, tuy nhiên nếu loại trừ các khoản thu từ dầu thô, đất đai, theo Tổng cục Thuế, ước thu 8 tháng đang đạt thấp so dự toán, chủ yếu do thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh đạt thấp. Thậm chí tiến độ 8 tháng năm nay còn đạt thấp nhất trong 4 năm trở lại đây.

– EVN hợp tác với Hoa Kỳ phát triển hệ thống tích trữ năng lượng: Sáng ngày 5/9/2018 tại Hà Nội, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Cơ quan Thương mại và Phát triển Hoa Kỳ (USTDA) đã tổ chức lễ ký hiệp định tài trợ cho dự án hợp tác kỹ thuật nghiên cứu phát triển hệ thống tích trữ năng lượng tại Việt Nam. Đây là dự án hợp tác kỹ thuật được USTDA viện trợ không hoàn lại có giá trị 755.160 USD (tương đương hơn 17 tỷ đồng) với mục tiêu sẽ đánh giá chi tiết các vấn đề hiện nay của hệ thống điện Việt Nam.

VCCI phản đối quy định ngân hàng cấp thông tin tài khoản khách hàng cho cơ quan thuế: Dự thảo hiện quy định ngân hàng thương mại (NHTM) có trách nhiệm cung cấp thông tin tài khoản của khách hàng là người nộp thuế mở tại ngân hàng cho cơ quan quản lý thuế. Các thông tin này bao gồm: thông tin về mở tài khoản; số tài khoản; nội dung giao dịch qua tài khoản, số dư tài khoản; mã số thuế của người nộp thuế. Quy định này VCCI cho rằng chưa bảo đảm tính minh bạch, ở chỗ không rõ trong các trường hợp nào thì cơ quan quản lý thuế có quyền yêu cầu NHTM cung cấp các thông tin này và căn cứ vào nhu cầu quản lý nhà nước cụ thể là gì. Nếu quy định mở như hiện nay thì có khả năng hiểu theo nhiều cách khác nhau, việc áp dụng trên thực tế có thể rất tùy tiện.

TTOL