1. Coca-Cola Việt Nam vào tay Tập đoàn Swire Pacific
Swire Coca-Cola Limited, công ty con 100% vốn của Tập đoàn Swire Pacific (Anh), ngày 2-1 ra thông báo về việc hoàn tất thương vụ mua lại Công ty TNHH Nước giải khát Coca-Cola Việt Nam, công ty nhượng quyền đóng chai của Tập đoàn Coca–Cola (Mỹ) tại Việt Nam. Theo đó, Swire Coca-Cola Limited sở hữu và vận hành 3 cơ sở sản xuất nước giải khát, 18 dây chuyền sản xuất, 6 trung tâm phân phối tại Việt Nam; đồng thời sử dụng lực lượng lao động trực tiếp và gián tiếp hơn 3.500 người.
Giao dịch này là khoản đầu tư thứ hai của Swire Coca–Cola vào Đông Nam Á và đánh dấu sự mở rộng về quy mô hiện diện của công ty tại khu vực, tiếp nối việc mua lại Công ty TNHH Nước Giải Khát Campuchia vào tháng 11-2022.
1. Dân thắt chặt chi tiêu, quà Tết giá rẻ đắt khách
Trên thị trường hiện nay, quà Tết đang bước vào đợt cao điểm tiêu thụ. Các mẫu giỏ quà rất đa dạng với nhiều mức giá khác nhau, từ vài chục nghìn cho tới vài triệu đồng. Song, khác với những mùa Tết trước đó, giỏ/hộp quà Tết ở phân khúc bình dân đang áp đảo thị trường Tết Quý Mão 2023.
Các doanh nghiệp, chuỗi siêu thị năm nay tập trung vào làm thêm các giỏ quà Tết vừa túi tiền người tiêu dùng hơn trong bối cảnh kinh tế khó khăn, người dân có xu hướng thắt chặt chi tiêu. Một số hệ thống siêu thị cũng thừa nhận, thị trường quà Tết đã bước vào cao điểm, song sức mua giỏ quà Tết cao cấp rất chậm. Còn ở phân khúc quà Tết bình dân, dưới 300.000 đồng/giỏ/hộp cùng với mức chiết khấu từ 5-10%, lại ghi nhận mức tăng trưởng mạnh, đạt 20-30% so với cùng kỳ năm ngoái.
2. Amazon tiết lộ số tiền người Việt bán hàng online thu về trong năm 2022
Theo báo cáo từ Amazon Global Selling, chỉ tính trong năm 2022, các đối tác bán hàng Việt Nam tđã bán gần 10 triệu sản phẩm trên các gian hàng trực tuyến của Amazon trên toàn cầu. Nhiều doanh nghiệp vừa va nhỏ của Việt Nam như AnEco, Lafooco, Sunhouse hay HMG,… tiếp tục thành công khi vừa đón sóng thương mại điện tử xuyên biên giới cùng Amazon, vừa tạo ra thêm nhiều việc làm cho người dân tại địa phương.
Top danh mục các ngành hàng bán chạy hàng đầu của các đối tác bán hàng Việt Nam trên Amazon bao gồm: Nhà bếp, Nhà cửa, Dệt may, Sản phẩm chăm sóc sức khỏe và cá nhân, Tiện ích gia đình. Những ngành hàng bán chạy này không chỉ góp phần thúc đẩy sự phát triển của các ngành sản xuất chủ lực tại Việt Nam mà còn chứng minh cho sự tăng trưởng bền vững của doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam.
1. Rà soát việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá sợi dài làm từ polyester
Bộ Công Thương vừa ban hành Quyết định rà soát lần thứ nhất việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm sợi dài làm từ polyester có xuất xứ từ Ấn Độ, Indonesia, Malaysia và Trung Quốc. Trước đó, ngày 13/10/2021, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 2302/QĐ-BCT về việc áp dụng thuế chống bán phá giá chính thức với một số sản phẩm sợi dài làm từ polyester có xuất xứ từ các thị trường nêu trên.
1. 5 xu hướng metaverse ‘hái ra tiền’ trong thập kỷ tới
Trong thời kỳ kinh tế bất ổn, những ý tưởng kinh doanh độc đáo sẽ thúc đẩy sự đổi mới và mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp cũng như cá nhân. Vì thế, khi metaverse tiếp tục mở rộng, dự đoán năm xu hướng metaverse sau sẽ được định hình trong 10 năm tới và hy vọng sẽ mang lại bộn tiền cho các công ty: ● Sáng Tạo Nội Dung Ảo ● Giáo Dục Trên Metaverse ● Các Sự Kiện Xã Hội Và Âm Nhạc Ảo ● Hẹn Hò Bằng… Avatar (Thế Thân) ● Tương Tác Metaverse
Theo Wall Street Journal, tại các nhà máy Foxconn, hệ thống máy móc gia công iPhone đã khôi phục 70% công suất. Đây là một bước tiến rất lớn của nhà máy được mệnh danh “thành phố iPhone” so với tháng trước. Song, công ty phân tích thị trường TrendForce cho rằng đây chưa phải là lúc để Apple ăn mừng. Các chuyên gia tại JP Morgan cảnh báo việc khôi phục 100% công suất như trước đây vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Giờ đây, sau khi chính quyền quốc gia tỷ dân nới lỏng các quy định, vấn đề tiếp theo lại ập đến với các nhà máy iPhone: bảo vệ sức khỏe công nhân. Theo Wall Street Journal, hiện vẫn chưa rõ số nhân viên Foxconn mắc Covid-19 nhưng nhiều nhân viên cho biết rất nhiều đồng nghiệp xung quanh họ bị cảm hoặc có triệu chứng Covid-19. Lo ngại về tình hình chuỗi cung ứng của Trung Quốc và sản lượng iPhone thấp hơn kỳ vọng đã khiến cổ phiếu Apple giảm hơn 3% giá trị xuống còn 125,92 USD tại sàn giao dịch New York trong phiên 28/12.
3. TSMC không ‘bỏ rơi’ Đài Loan trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu
Ngày 29/12, TSMC đã tìm cách xoa dịu lo ngại về việc những khoản đầu tư lớn của công ty này tại Mỹ có thể làm suy yếu ngành công nghiệp bán dẫn chiến lược quan trọng của Đài Loan trong thời điểm căng thẳng giữa eo biển này đang gia tăng. Chủ tịch TSMC Mark Liu cho biết, nhà sản xuất chip hợp đồng lớn nhất thế giới đã đầu tư tổng cộng 1,86 nghìn tỷ đô-la Đài Loan (60,4 tỷ USD) cho quy trình sản xuất chip 3 nanomet và 5 nanomet (nm), những vi xử lý tiên tiến nhất thế giới hiện tại, ở xưởng đúc của họ ở Đài Nam, Tây Nam Đài Loan.
Phần lớn hoạt động sản xuất của TSMC vẫn được đặt tại Đài Loan nhưng công ty đã bắt đầu xây dựng thêm nhiều nhà máy đúc chip khác tại Mỹ và Nhật Bản trong bối cảnh các quốc gia và khách hàng trên khắp thế giới đều đang đẩy mạnh sản xuất chip trong nước. Công ty của Đài Loan cũng đang xem xét xây dựng nhà máy đầu tiên ở châu Âu, đặt tại Đức.
4. Nhìn lại thế giới năm 2022: ‘Chuỗi domino’ tái cơ cấu các hãng công nghệ
Nhen nhóm từ giữa năm, làn sóng tái cơ cấu các công ty công nghệ bỗng trở nên dồn dập và trở thành câu chuyện ‘nóng’ vào những tháng cuối năm 2022, với hàng trăm hàng nghìn nhân viên bị sa thải chỉ trong 2-3 tháng. Những tên tuổi lớn nhất như Meta, Twitter, Google dẫn đầu ‘chuỗi domino’ lần lượt quét qua từ Mỹ đến châu Âu, châu Á.
Thống kê của Layoffs.fyi – trang web chuyên tổng hợp những thông tin cắt giảm nhân sự của các công ty trên thế giới – cho thấy các quyết định cắt giảm việc làm tại 917 công ty công nghệ đã ảnh hưởng đến hơn 144.500 người trên thế giới trong năm nay. Tuy nhiên, giới chuyên gia đánh giá rằng hiện tượng này không phải là chỉ dấu cho thấy sự suy thoái dài hạn của ngành công nghiệp công nghệ mà chỉ đơn thuần là sự chuyển dịch tất yếu sau thời kỳ công ty công nghệ bùng nổ.
Từng là thị trường hái ra tiền của các Big Tech, thời kỳ tăng trưởng của dịch vụ đám mây đang có xu hướng chững lại, buộc họ phải đổi mới để giữ chân khách hàng. Amazon và Microsoft đã nhanh chóng nhận ra sự thay đổi này. Họ cho rằng người dùng đang có xu hướng “tối ưu hóa” khoản chi dành cho dịch vụ đám mây khi doanh thu từ lĩnh vực này trong quý III/2022 đột ngột giảm sút. Trước khi sụt giảm, lợi nhuận đến từ nền tảng điện toán đám mây Azure của Microsoft đã có dấu hiệu giảm tốc khi chỉ tăng 42%, thấp hơn dự kiến. Trong khi đó, tỷ lệ tăng trưởng của AWS cũng chỉ đạt 27%, mức tăng thấp nhất kể từ khi Amazon công bố doanh thu của dịch vụ này.
Để cứu vãn tình hình này, các tập đoàn đành ra sức lôi kéo khách hàng mua dịch vụ của mình, tìm kiếm những mối hợp tác lâu dài. Amazon cho biết họ đã giúp người dùng bằng cách chuyển số dữ liệu của họ vào những vi xử lý. Trong khi đó, Microsoft lại chọn hướng đi khác khi kết hợp dịch vụ điện toán đám mây Microsoft 365 với Dynamics để “đi sâu vào nhu cầu của khách hàng”, cựu Giám đốc Microsoft Barry Briggs cho biết. Theo giới phân tích, ngoài những tên tuổi lớn như Amazon, Microsoft, những nền tảng lưu trữ đám mây khác cũng tung ưu đãi hấp dẫn để lôi kéo người dùng lâu dài. Briggs cho biết một số dịch vụ cam kết sẽ giảm 70-80% chi phí nếu khách hàng mua dịch vụ của họ trong nhiều năm liền.
6. Nhật Bản bị ‘cho ra rìa’ trong cuộc chơi xe điện toàn cầu
Doanh số bán xe điện toàn cầu đã đạt tổng cộng 6,8 triệu xe trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 11/2022, tăng 50% so với cả năm 2021. Thị phần xe điện đã tăng từ 6% lên 10% tổng doanh số bán ô tô toàn cầu. Các nhà sản xuất ô tô trung Quốc và phương Tây hiện kiểm soát khoảng 90% thị phần xe điện toàn cầu trong khi các ông lớn Nhật Bản – vốn thống trị thị trường này giai đoạn 10 năm trước đây – hiện chỉ nắm khoảng 5% thị phần, theo tính toán của Nikkei.
Thị phần ô tô điện của các nhà sản xuất Trung Quốc trong năm 2022 là khoảng 40%, 30% thuộc về các hãng sản xuất Mỹ, 20% thuộc về châu Âu, dựa trên dữ liệu của công ty MarkLines. Các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản như Toyota, Honda, Nissan chỉ bán được khoảng 200.000 xe điện trong năm nay – tương đương 2-3% thị phần. Nhiều khả năng, họ sẽ kết thúc năm 2022 với thị phần dưới 5%.
7. Trung Quốc chiếm một nửa lượng ô tô mới ra mắt toàn cầu năm 2022
Trong năm 2022, 131 mẫu xe mới được ra mắt. Con số này không tính các bản concept, bản nâng cấp giữa vòng đời (facelift) và các mẫu xe thương mại hạng nhẹ. Điểm thú vị nhất là gần một nửa số xe mới này đến từ các thương hiệu Trung Quốc (47%).
Tính từ tháng 1/2022, có tổng cộng 62 mẫu xe mới đã được ra mắt bởi các thương hiệu Trung Quốc, trung bình 5 xe mỗi tháng. SAIC là nhà sản xuất giới thiệu nhiều mẫu xe nhất trong nhóm này với 10 mẫu, kế đến là Geely (8 mẫu mới) và Great Wall (6 xe ra mắt).
8. Ant huy động được 1,5 tỷ USD sau khi Trung Quốc nhẹ tay với Big Tech
Chính phủ Trung Quốc đã phê duyệt kế hoạch huy động 10,5 tỷ nhân dân tệ (1,5 tỷ USD) cho Ant Financil – hãng con của Ant Group. Bloomberg cho rằng đây là tín hiệu mới cho thấy Trung Quốc đang nới lỏng các đợt trấn áp đối với tập đoàn công nghệ này. Chi nhánh Ủy ban quản lý ngân hàng và bảo hiểm Trung Quốc (CBIRC) tại Trùng Khánh đã bật đèn xanh cho kế hoạch nâng vốn của công ty lên 18,5 tỷ nhân dân tệ – theo thông báo của CBIRC hôm 30-12. Ant sẽ đóng 5,25 tỷ nhân dân tệ cho kế hoạch và nắm giữ 50% cổ phần sau thỏa thuận mới. Một công ty thuộc sở hữu của chính quyền thành phố Hàng Châu sẽ nắm giữ 10%, trở thành cổ đông lớn thứ hai.
Việc bật đèn xanh là một dấu hiệu khác cho thấy Bắc Kinh đang làm dịu lập trường hay “dễ dãi hơn” với mảng kinh tế Internet khổng lồ vốn là động lực tăng trưởng lớn theo truyền thống, trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang sa sút. Tuần trước, các nhà chức trách đã phê duyệt đợt phát hành trò chơi bom tấn mới quan trọng nhất trong nhiều tháng, cho phép Tencent Holdings Ltd. bổ sung nguồn vốn đã cạn kiệt do cuộc đàn áp.
Sau 8 năm hình thành và phát triển, Amanotes – công ty công nghệ âm nhạc nổi tiếng của Việt Nam đã cán mốc 2,7 tỷ lượt tải ứng dụng trên toàn cầu, từ đó tiếp tục vững vàng ở vị trí nhà phát hành game âm nhạc có lượt tải về hàng đầu Đông Nam Á nói riêng và toàn cầu nói chung. Theo đại diện công ty, từ 2018 – 2022, lượt tải các ứng dụng từ Amanotes tăng trưởng trên 20%/ năm. Đỉnh điểm vào năm 2020, doanh thu của Amanotes đã tăng 100% so với cùng kỳ.
Bên cạnh việc duy trì vị thế như hiện tại, Amanotes đang tập trung xây dựng hệ sinh thái âm nhạc tương tác để nâng cao trải nghiệm người dùng và giúp họ có thêm nhiều sự lựa chọn phù hợp với nhu cầu của bản thân. Theo đó, công ty sẽ chú trọng giáo dục âm nhạc trực tuyến (Music Education) để mọi người có thể học chơi nhạc cụ ở bất kỳ đâu, đồng thời cũng đẩy mạnh khả năng tương tác trên nền tảng thống nhất các game âm nhạc (Music Entertainment Platform). Ngoài ra, công ty đã và đang tìm kiếm các đối tác tiềm năng trong lĩnh vực công nghệ âm nhạc.
Sau một thời gian dài liên tục lao dốc trước hàng loạt sức ép từ vĩ mô đến bài toán về nhu cầu, giá sắt thép trên thế giới đã bắt đầu bước vào giai đoạn phục hồi trong khoảng 2 tháng trở lại đây. Biến động của thị trường vẫn còn tiềm ẩn, song tín hiệu tích cực hứa hẹn sẽ thổi một làn gió mới cho ngành sắt thép trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng.
2. Một trật tự năng lượng thế giới mới đang hình thành
Năm 2023 có thể được ghi nhớ là năm có một sự thay đổi lớn bắt đầu, khi một trật tự năng lượng thế giới mới giữa Trung Quốc và Trung Đông hình thành. Trong khi Trung Quốc đã có thời gian mua ngày càng nhiều dầu mỏ và khí đốt tự nhiên hóa lỏng từ Iran, Venezuela, Nga và một phần châu Phi bằng đồng tiền của mình, thì cuộc gặp của nhà lãnh đạo Trung Quốc với Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) và Ả Rập Xê Út vào tháng 12 đã đánh dấu sự ra đời của của petroyuan (các nước mua dầu mỏ sẽ dùng đồng nhân dân tệ của Trung Quốc để trả cho các nước xuất khẩu dầu). Điều đó có ý nghĩa rằng sẽ có nhiều giao dịch dầu mỏ hơn được thực hiện bằng đồng nhân dân tệ.
Mặc dù điều này không làm cho đồng nhân dân tệ thay thế cho đồng đô la như một loại tiền tệ dự trữ, nhưng giao dịch dầu mỏ vẫn có ý nghĩa kinh tế và tài chính quan trọng đối với các nhà hoạch định chính sách và nhà đầu tư. Việc Trung Quốc kiểm soát nhiều dự trữ năng lượng hơn và các sản phẩm phát sinh từ chúng có thể là một yếu tố mới góp phần quan trọng vào lạm phát ở phương Tây. Mặc dù tiến trình này chậm, nhưng có lẽ không chậm như một số người tham gia thị trường nghĩ.
Nhiều hiệp hội kiến nghị giảm thuế VAT 2% đến hết năm 2023. Các hiệp hội cho rằng việc kéo dài chính sách giảm VAT 2% sẽ giúp doanh nghiệp có cơ hội phục hồi sản xuất, kinh doanh. Cụ thể, Hiệp hội Lương thực thực phẩm TP.HCM (FFA) vừa có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc xem xét gia hạn chính sách giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng (VAT) 2% đến 31/12/2023. Tương tự, Hiệp hội Bia rượu nước giải khát Việt Nam (VBA) cũng vừa có công văn gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính kiến nghị tiếp tục gia hạn chính sách giảm thuế VAT 2% tới năm 2023.
2. Chuyên gia dự báo lạm phát Việt Nam năm 2023 xoay quanh 3,5%
Mặc dù kinh tế thế giới 2022 ảm đạm, nhiều nền kinh tế rơi vào đình trệ song Việt Nam dường như đã vượt qua thách thức, đạt mức tăng trưởng cao và lạm phát thấp. Chuyên gia kinh tế dự báo năm 2023 lạm phát của Việt Nam nhích tăng nhẹ so với năm 2022, quanh mức 3,5%.
1. Thái Lan lo ngại khi nông dân mở rộng diện tích canh tác các giống lúa Việt Nam
Nông dân Thái Lan đang âm thầm chuyển sang tác các giống lúa Việt Nam bởi dễ canh tác hơn, nhưng có hạt cơm mềm tương tự gạo Thái và được người tiêu dùng ưa chuộng. Tuy vậy, nhà chức trách Thái Lan đang lo ngại về danh tiếng của các loại gạo có thương hiệu của Thái Lan. Nikkei Asia bình luận tương lai của ngành lúa gạo Thái Lan đang thay đổi liên tục – ý nói bất định – khi những “kẻ xâm nhập” gần như không thể phát hiện được lan rộng trên khắp các cánh đồng của cường quốc xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới.
Giống lúa Việt Nam trồng ở Thái Lan được cho là giống Jasmine 85, có thể thu hoạch chỉ 90 ngày sau khi trồng. Điều này giúp nông dân Thái dễ dàng trồng trọt nhiều vụ trong năm, đặc biệt là ở miền trung Thái Lan, nơi có hệ thống thủy lợi tốt cho phép canh tác quanh năm. Về cơ bản, không thể phân biệt được loại giống khác nhau đang gieo trồng trên đồng ruộng. Nhưng xu hướng các giống lúa Việt Nam đang được canh tác trên đất Thái Lan đặt ra câu hỏi về toàn bộ chiến lược xây dựng thương hiệu gạo xuất khẩu của Thái Lan mà người Thái tự hào quảng cáo là hàng thật và chất lượng hàng đầu trong nhiều năm qua.
2. Cúc mâm xôi tím ‘cháy hàng’ khi lần đầu xuất hiện ở Cần Thơ
Luôn nghiên cứu, tìm kiếm giống hoa mới để mang về trồng thử nghiệm và phân phối cho các hộ trồng hoa ở khắp các tỉnh, thành miền Tây, ông Đoàn Hữu Bốn – Giám đốc Hợp tác xã hoa kiểng Bình An, phường Long Hòa, kiêm Phó Chủ nhiệm Làng nghề hoa kiểng Phó Thọ – Bà Bộ (phường Long Hoà, quận Bình Thuỷ, TP Cần Thơ) đã đem giống hoa cúc mâm xôi tím về làng hoa để trồng thử nghiệm.
Lần đầu tiên xuất hiện, loại hoa cúc mới này với màu tím rực rỡ đã được khách hàng tìm đến mua sạch ngay khi vừa nở rộ. Mặc dù chưa đến Tết Nguyên đán 2023 nhưng hiện nay ông Bốn đã ký hợp đồng nhận cung cấp 20.000 cây cây giống cúc mâm xôi tím cho Tết 2024.
Chỉ còn chưa đầy một tháng là đến Tết Nguyên đán 2023, nỗi lo mất Tết của người chăn nuôi trở nên rõ ràng. Trong nhiều tuần qua, giá heo hơi liên tục giảm mạnh. Hiện giá heo xuất chuồng thấp hơn giá thành sản xuất từ 7.000 – 8.000 đồng/kg khiến người chăn nuôi thua lỗ nặng. Tại Đồng Nai, hàng chục ngàn hộ dân đang “khóc ròng” bởi giá heo hơi ngày càng giảm sâu, tiêu thụ khó khăn trong khi vật giá leo thang, chi phí chăn nuôi tăng cao.
Theo một chuyên gia trong ngành chăn nuôi, do kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp sụt giảm đơn hàng phải thu hẹp sản xuất, sa thải lao động… khiến các bếp ăn tập trung, bếp ăn công nhân giảm công suất, chưa kể thu nhập giảm khiến công nhân cắt giảm chi tiêu, khiến cho nhu cầu thịt heo giảm mạnh. Trong khi đó, nhiều công ty chăn nuôi FDI quy mô lớn đã tăng đàn khá nhiều thời gian qua. Và để kích cầu, các doanh nghiệp này buộc phải hạ giá bán xuống thấp.
4. Trồng trẩu, nguồn sinh kế cho người dân huyện miền núi Quảng Trị
Ngày 4-1, ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, tỉnh đã ban hành kế hoạch phát triển sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ dầu trẩu trên địa bàn huyện miền núi Hướng Hóa và Đakrông. Theo đó, cây trẩu là cây gỗ trung bình, đa tác dụng, vừa sinh trưởng nhanh, vừa có giá trị sử dụng và giá trị kinh tế cao, có thể đáp ứng được nhu cầu lấy nguyên liệu trong thời gian sớm nhất, sớm tạo thu nhập liên tục cho người trồng; giúp người dân cải thiện đời sống, xóa đói giảm nghèo, vừa góp phần vào việc phủ xanh đất trống đồi núi trọc, đáp ứng yêu cầu phòng hộ của rừng.
Được biết, hiện nay huyện Hướng Hóa và Đakrông (tỉnh Quảng Trị) có khoảng 2.948,8ha rừng trẩu, chiếm 1,6% tổng diện tích rừng của 2 huyện, chiếm khoảng 21,3% tổng diện tích cây trồng trẩu trên cả nước (13.850ha).
1. Các nội dung văn hóa trở thành mũi nhọn xuất khẩu của Hàn Quốc
Báo cáo công bố ngày 4/1 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc cho thấy kim ngạch xuất khẩu các nội dung văn hóa của nước này năm 2021 tăng 4,4% so với năm 2020, đạt mức cao kỷ lục 12,4 tỷ USD. Lĩnh vực này đã trở thành mũi nhọn xuất khẩu của Hàn Quốc với tổng kim ngạch vượt xa xuất khẩu các đồ gia dụng (8,67 tỷ USD), pin sạc (8,67 tỷ USD), xe điện (6,99 tỷ USD) và màn hình (3,6 tỷ USD).
Các nội dung văn hóa có bản quyền được công bố cho công chúng bao gồm hoạt động chế bản, âm nhạc, trò chơi, truyền hình, phim ảnh, phim hoạt hình, hoạt họa, các nhân vật, quảng cáo, thông tin tri thức và các giải pháp nội dung.
2. Xuất khẩu nông sản thắng lớn, năm 2023: Hướng đến mục tiêu 54 tỷ USD
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), trong tháng 12/2022, xuất khẩu các mặt hàng nông nghiệp đạt 4,3 tỷ USD, đưa kim ngạch xuất khẩu toàn ngành năm nay đạt khoảng 53,2 tỷ USD (tăng 9,3% so với năm 2021); mức cao nhất từ trước đến nay. Năm nay, ngành nông nghiệp có tới 11 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD/nhóm hàng. Trong đó, có 7 mặt hàng xuất khẩu đạt trên 3 tỷ USD. Đặc biệt, năm 2022, xuất siêu ngành nông nghiệp ước đạt 8,5 tỷ USD, tăng 30% so với năm 2021.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, năm 2023, dự báo nền kinh tế thế giới tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Trên cơ sở cân đối các nguồn lực và trao đổi với các bộ, ngành, ngành nông nghiệp đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành đạt 3%; Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản là 54 tỷ USD.
3. Nông sản Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc dự báo ‘bùng nổ’
Theo thông báo của Hải quan Trung Quốc, từ ngày 8/1/2023, nước này sẽ gỡ bỏ tất cả các biện pháp xét nghiệm Axit Nucleic phòng chống Covid-19 tại các cửa khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu , bao gồm cả hàng hóa đông lạnh. Xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản dự báo sẽ có cơ hội lớn sau khi Trung Quốc gỡ bỏ tất cả các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 từ đầu tháng 1/2023 tại các cửa khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu. Đặc biệt, trong bối cảnh hàng loạt Nghị định thư vừa có hiệu lực, nông sản Việt sang thị trường 1,4 tỷ dân dự báo bùng nổ trong thời gian tới.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhận định, Trung Quốc là thị trường tiềm năng với 1,4 tỉ dân, chiếm 19,2% trong cơ cấu thị trường xuất khẩu hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam nên còn nhiều tiềm năng, dư địa. Thủ tướng rất quan tâm, vừa qua có chỉ đạo liên tục để thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa sang Trung Quốc.
4. Tổ yến, khoai lang sắp sang Trung Quốc, đàm phán tiếp cho thịt heo
Theo ông Huỳnh Tấn Đạt – phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, thị trường Trung Quốc là thị trường quan trọng với ngành nông nghiệp Việt Nam nên thường xuyên phối hợp các chính sách để thúc đẩy hợp tác. Trong đó, đáng chú ý nhất là mới đây ta đã ký các nghị định thư để đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch khoai lang, sầu riêng , chanh leo… sang nước này. Về việc ký nghị định thư xuất khẩu tổ yến, bộ cũng đã ban hành văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện và hiện đã có doanh nghiệp gửi hồ sơ để xin hướng dẫn. Phấn đấu năm 2023 có những lô hàng đầu tiên xuất vào thị trường này.
Đối với sản phẩm chăn nuôi, ông Nguyễn Văn Long, cục trưởng Cục Thú y, cho biết cục đã phối hợp cơ quan có thẩm quyền để xây dựng vùng an toàn dịch lở mồm long móng. Hai bộ ngành của hai nước sẽ ký kết, tạo thuận lợi cho sản xuất và xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi (thịt heo) sang Trung Quốc. Đồng thời, bộ cũng đang đàm phán để xuất khẩu thịt gà, sản phẩm chế biến…
5. Thông quan hàng hóa qua cửa khẩu Quảng Tây (Trung Quốc) xuyên suốt Tết 2023
Cửa khẩu Quảng Tây (Trung Quốc) và Việt Nam sẽ duy trì hoạt động thông quan trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán năm 2023, theo thông tin từ Bộ Công Thương. Cụ thể, Văn phòng cửa khẩu Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây đã thông báo sẽ duy trì thông quan trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán 2023.
Từ ngày 31-12-2022 đến 2-1-2023, Cửa khẩu Hữu Nghị Quan (bao gồm lối mở Pò Chài, Lũng Vài) và Cửa khẩu Ái Điểm tiếp giáp với tỉnh Lạng Sơn, Khu thương mại cư dân biên giới Đông Hưng tiếp giáp với thành phố Móng Cái của tỉnh Quảng Ninh, triển khai bình thường các nghiệp vụ kiểm tra kiểm nghiệm hàng hóa thông quan, các cửa khẩu biên giới khác sẽ thông quan theo nhu cầu thực tế.
Từ ngày 21-1 đến 27-1 (tức ngày 30 Tết đến mùng 6 Tết Nguyên đán năm 2023), tất cả cửa khẩu biên giới trên địa bàn Quảng Tây thực hiện thông quan hẹn trước.
6. Xuất khẩu chính ngạch lô nhãn đầu tiên sang Nhật Bản
Sau 6 năm đàm phán, quả nhãn tươi của Việt Nam đã được phía Nhật Bản nhập khẩu vào thị trường này. Ngày 3/1, tại Long An, doanh nghiệp đã khởi động xuất khẩu chính ngạch lô nhãn đầu tiên vào Nhật Bản. Như vậy, sau thanh long, xoài và vải, quả nhãn tươi đã có mặt tại thị trường khó tính này.
Lô nhãn 1 tấn đầu tiên sẽ đi bằng đường hàng không để lên kệ tại siêu thị Nhật Bản sau 4 ngày tới. Sau lô nhãn này, mỗi tháng Công ty TNHH Hoàng Phát tại Long An sẽ cung ứng khoảng 70 – 100 tấn nhãn tươi bằng đường biển và đường hàng không sang Nhật Bản.
7. Xuất khẩu cao su thiên nhiên lập kỷ lục 3,31 tỷ USD
Năm 2022, cả nước xuất khẩu được 2,14 triệu tấn cao su thiên nhiên, đem về 3,31 tỷ USD, tăng 9,6% về lượng và tăng 1,1% về trị giá so với năm 2021. Tuy chỉ tăng nhẹ so với năm trước, nhưng kim ngạch xuất khẩu cao su cũng đã thiết lập mốc kỷ lục mới với 3,31 tỷ USD. Tuy nhiên, giá cao su xuất khẩu bình quân năm 2022 chỉ đạt 1.547 USD/tấn, giảm 7,8% so với năm 2021.
Xét về thị trường xuất khẩu cao su trong năm 2022 vừa qua, xuất khẩu cao su của Việt Nam chủ yếu được xuất khẩu sang khu vực châu Á, chiếm tới 90,6% tổng trị giá xuất khẩu cao su của cả nước. Cụ thể, xuất khẩu cao su sang khu vực châu Á đạt 1,86 triệu tấn, trị giá gần 3 tỷ USD, tăng 12,9% về lượng và tăng 6,2% về trị giá so năm 2021.
Người tiêu dùng Việt Nam đã chi gần 2 tỷ USD để nhập khẩu rau quả trong năm 2022. Đây là số liệu mới nhất từ Tổng cục Hải quan. Nếu so với năm ngoái, con số nhập khẩu này đã tăng gần 40% – một mức nhập khẩu rau quả kỷ lục. Tính đến hết năm nay, Việt Nam thu về hơn 3,3 tỷ USD từ xuất khẩu rau quả nhưng ở chiều ngược lại. Việt Nam cũng chi gần 2 tỷ để nhập khẩu. Từ thực tế này có thể thấy, sức ép rau quả nhập khẩu cũng khiến nông nghiệp Việt Nam phải tăng chất lượng để cạnh tranh tốt hơn nữa tại thị trường nội địa.
Nhóm 10 thị trường nhập khẩu rau quả của Việt Nam trong năm nay có đến 8 thị trường ghi nhận mức tăng trường mạnh. Cụ thể, Việt Nam chi 122 triệu USD nhập rau quả từ New Zealand, 150 triệu USD nhập từ Australia hay 60 triệu USD nhập từ Nam Phi. Đây đều là những thị trường nhập khẩu có mức tăng mạnh từ 30 đến gần 70% so với năm ngoái. Nếu so vào bảng giá ở siêu thị, trái cây ngoại nhập từ các nước này cũng đang có mức giá cạnh tranh rất tốt với hàng Việt Nam. Đặc biệt, Trung Quốc là thị trường có mức tăng trưởng rau quả nhập khẩu mạnh nhất với mức tăng 83% và có thể chạm mốc gần 800 triệu USD trong năm 2022.
9. Xe lắp ráp và nhập khẩu Việt Nam tăng trưởng mạnh năm 2022
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, thị trường Việt Nam vừa nhận thêm 64.700 ô tô cả lắp ráp và nhập khẩu nguyên chiếc trong tháng 12/2022, cao nhất tính từ đầu năm đến nay, và giúp đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng trong nước dịp cận Tết Nguyên đán. Tính trong cả năm 2022, tổng số ô tô xuất xưởng tại Việt Nam đạt 439.600 xe, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Sản lượng xe nhập khẩu đạt 176.590 xe với tổng kim ngạch 3,87 tỷ USD, tăng 10,5% về lượng và 6,8% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Năm 2022 ghi nhận nhiều mẫu xe bán chạy tại Việt Nam được nhập khẩu từ nước ngoài, đặc biệt từ thị trường Indonesia. Tuy nhiên, trong năm 2023, dự kiến một số mẫu xe “hot” sẽ được chuyển sang lắp ráp thay vì nhập khẩu như hiện nay, giúp tăng sản lượng xe lắp ráp, điển hình như: Toyota Veloz Cross, Hyundai Creta, Hyundai Stargazer, các mẫu BMW….
10. Thách thức xuất khẩu năm 2023: Đâu là giải pháp?
Mặc dù xuất khẩu hàng hoá tiếp tục ghi nhận tăng trưởng 2 con số (với tổng kim ngạch đạt 371,85 tỷ USD trong năm 2022, tăng 10,6% so với năm trước). Song xuất khẩu 2023 đang đứng trước rất nhiều khó khăn, thách thức ở cả nội tại – bên trong của nền kinh tế và những tác động từ bên ngoài. Thách thức đầu tiên của xuất khẩu 2023 đã bộc lộ rõ từ những tháng cuối năm 2022, đó là tình trạng thiếu đơn hàng. Thách thức thứ 2 là áp lực tài chính đối với doanh nghiệp xuất khẩu. Cùng với đó là các thách thức cộng thêm đối với doanh nghiệp sản xuất chế biến hàng các mặt hàng nông sản/thuỷ sản xuất khẩu – khi mà yêu cầu về chất lượng hàng hoá xuất khẩu vào các thị trường đối tác ngày càng đòi hỏi tiêu chuẩn cao hơn.
Để có thể đạt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu năm 2023 khoảng 6% so với năm 2022 và tiếp tục duy trì xuất siêu, đòi hỏi phải có sự hỗ trợ nhiều hơn cho cộng đồng doanh nghiệp, nhất là việc tiếp cận vốn và mở rộng tìm kiếm, đa dạng hoá thị trường cũng như sản phẩm xuất khẩu.