(Từ 10/8-16/8/2020)

CÂU CHUYỆN TUẦN NÀY: GIÁ GẠO VIỆT VƯỢT GẠO THÁI LAN, SẦU RIÊNG LÉP VẾ TRÊN SÂN NHÀ

Ngày 13/8, cập nhật bảng giá gạo xuất khẩu của VFA cho thấy, gạo 5% tấm của Việt Nam được giao dịch ở mức 493 – 497 USD/tấn, trong khi gạo cùng loại của Thái Lan chỉ giao dịch mức 473 – 477 USD/tấn; Ấn Độ từ 378 – 382 USD/tấn; Pakistan từ 423 – 427 USD/tấn…

Như vậy, với mức giá này, gạo 5% tấm của Việt Nam đang cao hơn gạo cùng loại của các nước: Thái Lan 20 USD/tấn, Ấn Độ 115 USD/tấn, Pakistan 70 USD/tấn.

Báo Thanh Niên dẫn lời ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng (Tiền Giang), cho biết: “Đúng là trong lịch sử 30 năm xuất khẩu gạo, gạo Việt Nam nay đã có giá xuất ngang ngửa với gạo Thái Lan, thậm chí bỏ xa gạo Thái Lan loại 5% tấm đến 20 USD/tấn”.

Theo ông Đôn, có hai lý do khiến giá gạo Việt Nam vượt mặt gạo Thái Lan. Thứ nhất do đồng baht Thái tiếp tục tăng giá so với đồng USD khiến xuất khẩu bị thiệt thòi. Thứ hai, loại gạo 5% tấm hiện nay cũng đã hết, vụ hè thu ít người trồng loại này nên cung không đủ cầu, giá tăng mạnh.

Ông Phạm Thái Bình, TGĐ Công ty CP nông nghiệp công nghệ cao Trung An (TP.Cần Thơ), bổ sung thêm: giá gạo Việt đang có chiều hướng tốt hơn nhờ truyền thông thế giới đưa thông tin về gạo thơm của Việt Nam vào EU được hưởng thuế suất 0% theo Hiệp định Thương mại tự do VN – EU (EVFTA).

Tuy nhiên, ông Phạm Thái Bình cũng tỏ ra băn khoăn do các nhà xuất khẩu gạo Việt vẫn còn quá dễ dãi trong mua bán, chấp nhận bán giá thấp hơn giá gạo Thái Lan mà “không hề áy náy”.

“Họ biết rõ gạo thơm ST24 của mình ăn đứt gạo “hom mali” của Thái Lan, ST24 của Việt Nam đã được vinh danh là gạo ngon nhất thế giới rồi, hà cớ gì lại rẻ hơn gạo Thái? Làm gì có gạo ngon hơn bán giá 800 USD/tấn, trong khi gạo loại 2 lại có giá 1.100 – 1.200 USD/tấn? Ở đây do tư duy của mỗi chúng ta” – ông Bình nói.

Trong một diễn biến có liên quan, Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan thông tin, Chính phủ Thái Lan đang cân nhắc thay đổi chính sách gạo, trong đó tập trung vào marketing, giảm chi phí sản xuất và nghiên cứu các giống gạo mới. Đây là nội dung trọng tâm của chiến lược sản xuất gạo giai đoạn 2020 – 2024 đã được Bộ Thương mại Thái Lan công bố vừa qua.

Nhóm các loại gạo sẽ được tập trung phát triển chia làm 3 phân khúc bao gồm loại cao cấp như gạo hom mali, gạo hương; loại đại trà như gạo trắng mềm, gạo trắng cứng, gạo đồ; và loại đặc biệt như gạo nếp và gạo đặc biệt.

Bộ Thương mại Thái Lan sẽ làm việc cùng Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo có cuộc họp sớm tìm kiếm các đối tác mới nhằm mở rộng thị trường do gạo Thái Lan. Song song đó, trưởng đại diện các cơ quan Thương vụ của Thái Lan tại nước ngoài cũng được khuyến khích quảng bá, tìm kiếm thị trường tiềm năng.

Cũng liên quan đến giá nông sản, báo Người Lao Động ngày 10/8 cho biết, trong khi giá sầu riêng Việt Nam (chủ yếu là Ri 6) rẻ kỷ lục, siêu thị này bán thường xuyên với giá từ 55.000 – 72.000 đồng/kg (tùy loại), thậm chí trong một số chương trình khuyến mãi, sầu riêng Việt Nam (loại từ 1,2 kg/quả) giá chỉ 39.000 đồng/kg thì sầu riêng Thái Lan, Malaysia giá cao vẫn cháy hàng.

Sầu riêng Monthong nhập khẩu Thái Lan với giá 160.000 đồng/kg (giá gốc 180.000 đồng/kg). Sầu riêng Malaysia (thương hiệu Musang King) tách múi, đông lạnh và đóng gói 400g vẫn được nhập khẩu về nhiều với giá từ 1,2 – 1,5 triệu đồng/kg.

Bà Ngô Tường Vy, Phó Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu (Bến Tre), cho biết: “Thị trường Việt Nam rất lớn, người tiêu dùng rất thích ăn sầu riêng nhưng sợ thuốc nên không mạnh dạn ăn. Vấn đề này rất cần được cơ quan quản lý nhà nước có thông tin chính xác, xác thực để người tiêu dùng hiểu. Có qua Thái Lan mới thấy họ dùng thuốc rất nhiều để bảo quản, chống mốc, chống ẩm và Việt Nam chỉ học công nghệ bảo quản từ Thái Lan. Điều quan trọng đó là thuốc gì, cách sử dụng ra sao để không ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Để xuất khẩu được sầu riêng, doanh nghiệp phải dùng công nghệ bảo quản và điều này là hết sức bình thường, được nước nhập khẩu chấp nhận. Trong khi đó, thị trường Việt Nam còn nhập nhèm nên người tiêu dùng chưa có sự tin tưởng hàng Việt”.

A – NHẬT KÝ HÀNG VIỆT

Ấn Độ cảnh báo hồ tiêu Việt Nam không đạt chất lượng: Chiều 11/8, văn phòng Bộ Công Thương thông tin: do có cáo buộc hạt tiêu Việt Nam xuất sang Ấn Độ không đáp ứng được tiêu chuẩn có 6% hàm lượng piperine tối thiểu như quy định, nên cơ quan chức năng của Ấn Độ sẽ xem xét lại việc nhập hồ tiêu Việt Nam.

Biti’s Hunter ra mắt loạt thiết kế mới mang đậm dấu ấn Hà Thành: Mới đây, thương hiệu Biti’s Hunter cho ra mắt giới trẻ toàn quốc những thiết kế mới mang đậm dấu ấn văn hoá Hà Thành. Những thiết kế này với 3 phiên bản được khai thác hoàn toàn dựa chất liệu văn hoá Hà Nội. Theo đó, mỗi phối màu là đại diện cho một màu sắc văn hoá khác nhau, giúp Biti’s Hunter kể một câu chuyện khác nhau về huyết mạch văn hoá cũng như những đứa con sống trong lòng thủ đô.

Tà Xùa mở rộng vùng chè đặc sản, quyết giữ nghề truyền thống: Xã Tà Xùa (Bắc Yên) hiện có khoảng 140 ha chè, trong đó trên 70 ha chè cổ thụ, tập trung chủ yếu ở bản Bẹ và bản Tà Xùa, sản lượng chè búp tươi hằng năm đạt gần 100 tấn. Từ nhiều năm nay, chè Tà Xùa đã trở thành đặc sản, góp phần nâng cao đời sống cho người dân nơi đây.

Nước trái cây đóng chai được sản xuất như thế nào?

Măng giòn Kon Gang tham gia OCOP: Chủ cơ sở sản xuất măng Vân Long (làng Kop, xã Kon Gang, huyện Đak Đoa) đang đầu tư nâng cấp sản phẩm măng giòn Kon Gang trở thành sản phẩm OCOP. Đây là cơ hội để từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường và tiêu thụ hết sản phẩm măng tươi cho nông dân xã Kon Gang.

Sắn nghịch mùa gặp dịch Covid, giá rớt thê thảm: Một số nông dân huyện Hồng Ngự chủ động trồng sắn mùa nghịch mùa để bán giá cao do sản lượng cung ít nhưng ngay đến thời điểm thu hoạch lại chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên giá sắn chỉ ở mức thấp khoảng 3.000 đồng/kg loại 1, đối với sắn củ nhỏ, không đẹp giá chỉ khoảng 2.000 đồng/kg và rất khó bán.

11 tiểu thương đầu tiên của Phiên chợ Xanh – Tử tế lên sàn thương mại điện tử Foodmap: Sau thời gian gặp gỡ, thương thảo và chuẩn bị, 11 tiểu thương là các bạn trẻ khởi nghiệp, HTX đang bán hàng tại Phiên chợ Xanh – Tử tế chính thức ký kết hợp tác với sàn thương mại điện tử (TMĐT) Foodmap. Lễ ký kết diễn ra tại Hội trường Trung tâm BSA vào sáng 11/8.

Xuất khẩu chính ngạch nhãn sang Australia và Trung Quốc: Văn phòng Bộ Công Thương thông tin, trong tuần này, khoảng 9 tấn nhãn từ tỉnh Hải Dương sẽ lên tàu xuất khẩu chính ngạch sang Australia.Trước đó, ngày 6/8, đã có 7,5 tấn nhãn trồng ở các tỉnh thành miền Nam được thông quan vào Australia. Còn theo Bộ NN-PTNT, vừa qua, Trung Quốc đã tiêu thụ hơn 60.000 tấn vải thiều của tỉnh Bắc Giang. Còn với trái nhãn, Bộ NN-PTNT đã làm việc với Sở Công thương tỉnh Hưng Yên, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) để đẩy mạnh xuất khẩu nhãn.

DN được tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa khi xuất khẩu vào EU: Bộ Công thương đã ban hành công văn số 812/XNK-XXHH gửi các Hiệp hội ngành hàng và thương nhân xuất khẩu để hướng dẫn về chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa vào thị trường EU.

Thép Việt xoay trục, chuyển hướng vào thị trường EU: Mặt hàng thép của Việt Nam đang có nguy cơ thu hẹp thị trường xuất khẩu do đối mặt với hàng loạt vụ điều tra phòng vệ thương mại và áp thuế chống bán phá giá. Trước thực tế này, nhiều doanh nghiệp (DN) sản xuất thép đang nỗ lực cải tiến chất lượng sản phẩm nhằm xoay trục, đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường châu Âu (EU).

7 tháng, xuất siêu đạt 8,4 tỷ USD: Tính lũy kế 7 tháng của năm, xuất khẩu cả nước đạt 147,6 tỷ USD, tăng 1,5% so với cùng kỳ 2019; nhập khẩu đạt 139,2 tỷ USD, giảm 3%, như vậy xuất siêu đạt 8,4 tỷ USD.

Du lịch khốn khổ vì khách hủy tour: Dịch Covid-19 quay trở lại đúng vào mùa cao điểm khiến ngành du lịch Việt Nam chưa kịp hồi phục lại hứng thêm “cú đánh bồi” nặng nề.

– Hàng loạt ‘ông lớn’ VNPT, Mobifone, Argibank… vẫn chưa thể cổ phần hóa

Eximbank lại hoãn đại hội cổ đông lần 3, lần này vì COVID-19

B – HỘI NHẬP

Mỹ ngừng áp thuế bổ sung đối với hàng hóa của EU: Ngày 12/8, Mỹ cho biết sẽ không áp mức thuế cao hơn đối với hàng hóa nhập khẩu từ Liên minh châu Âu (EU) trị giá 7,5 tỷ USD.

Gà đông lạnh dính virus SARS-CoV-2 được nhập từ Brazil vào Trung Quốc: Nhà chức trách Trung Quốc phát hiện virus SARS-CoV-2 trên cánh gà đông lạnh nhập khẩu ở TP Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, miền Nam nước này.

Indonesia chi hơn 1 tỷ USD hỗ trợ tiền điện: Hơn 33 triệu hộ gia đình, doanh nghiệp và cơ quan dịch vụ công của Indonesia sẽ được miễn giảm tiền điện với tổng kinh phí 15.400 tỷ rupiah (1,05 tỷ USD) để đẩy nhanh phục hồi kinh tế.

Dân Hong Kong biểu tình bằng… cổ phiếu: Để thể hiện sự ủng hộ đối với Jimmy Lai, nhà xuất bản và nhà phê bình thẳng thắn với chính phủ, người đã bị bắt hôm thứ hai 10/8 theo luật an ninh quốc gia mới của thành phố, người dân Hong Kong đã đầu tư vào cổ phiếu công ty truyền thông của ông, Next Digital Ltd. Kết quả: cổ phiếu tăng hơn 1.500% hai ngày, lên mức cao nhất trong bảy năm.

Hàng hóa Hong Kong xuất sang Mỹ phải dán nhãn ‘Made in China’: Theo quy định mới của Mỹ, hàng hóa xuất khẩu từ Hong Kong sang Mỹ sẽ được dán nhãn sản xuất từ Trung Quốc và chịu thuế tương tự hàng hóa Trung Quốc.

Phê duyệt kế hoạch thực hiện EVFTA: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phê duyệt kế hoạch thực hiện Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA). Thủ tướng yêu cầu trong thời gian tới, bên cạnh các nhiệm vụ thường xuyên, các bộ ngành, địa phương cần cụ thể hóa và tổ chức triển khai thực hiện những nhiệm vụ cơ bản.

Mỹ cấm cơ quan chính phủ mua thiết bị của 5 hãng công nghệ TQ: Từ ngày 13/8, Mỹ cấm các cơ quan chính phủ mua sản phẩm của các công ty sử dụng các dịch vụ viễn thông, giám sát hình ảnh cũng như thiết bị do 5 công ty công nghệ của Trung Quốc cung cấp gồm Huawei, ZTE Corp., Hytera Communications Corp., Hangzhou Hikvision Digital Technology Co. và Zhejiang Dahua Technology Co.

Châu Âu và Nhật Bản vượt lên trong cuộc đua robot công nghiệp: Một số chuyên gia từng cho rằng Trung Quốc đe dọa vị thế dẫn đầu của Mỹ trong lĩnh vực tự động hóa công nghiệp. Tuy nhiên, Nhật Bản và châu Âu đã vượt Mỹ trong lĩnh vực này từ lâu, chứ không phải Trung Quốc. Hiện các công ty Nhật Bản và châu Âu là nhà cung cấp thiết bị tự động hóa công nghiệp hàng đầu thế giới, theo tờ Asia Times.

Tencent ‘điêu đứng’ vì Mỹ cấm WeChat: Khi tấn công vào WeChat, chính quyền Trump nhắm vào Tencent. Điều này khiến vốn hóa của Tencent “bốc hơi” tới 66 tỷ USD sau lệnh cấm. Đặc biệt, lệnh cấm này sẽ tác động tiêu cực đến các dịch vụ thanh toán sử dụng ứng dụng WeChat ở bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc, mà điển hình là ví điện tử WeChat Pay, được chấp nhận ở nhiều nơi, kể cả ở Mỹ.

Pháp điều tra TikTok: Vụ việc này đánh dấu một rắc rối khác đối với ứng dụng truyền thông xã hội của ByteDance Ltd., ứng dụng đang phải đối mặt với sự giám sát rộng rãi hơn đối với các chính sách bảo mật của mình.

Toshiba rút khỏi thị trường máy tính xách tay: Toshiba là thương hiệu Nhật Bản tiếp theo từ bỏ ngành công nghiệp PC, khi âm thầm bán 19,9% cổ phần còn lại trong thương hiệu máy tính xách tay Dynabook cho Sharp.

CUỘC ĐỐI ĐẦU MỸ – TRUNG: CUỘC CHIẾN TIÊU CHUẨN

Sau công bố 5 biện phápmạng lưới sạch 30 quốc gia để đối phó với các mối đe dọa từ Trung Quốc mà ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đưa ra tuần trước, tuần này, Mỹ tiếp tục leo thang “gây hấn” khi cấm các cơ quan chính phủ mua sản phẩm của các công ty sử dụng các dịch vụ viễn thông, giám sát hình ảnh cũng như thiết bị do 5 công ty công nghệ của Trung Quốc cung cấp gồm Huawei, ZTE Corp., Hytera Communications Corp., Hangzhou Hikvision Digital Technology Co. và Zhejiang Dahua Technology Co, từ ngày 13/8/2020.

Sau TikTok và đặc biệt là lệnh cấm WeChat 45 ngày của Tổng thống Mỹ Donald Trump giới quan sát cho rằng, Mỹ đã chạm đến “điểm tới hạn” của Bắc Kinh, và họ chờ đợi một “phản ứng mạnh mẽ” từ phía Trung Quốc. Tuy nhiên, đến nay Bắc Kinh vẫn chưa có sự đáp trả nào được cho là xứng tầm với những gây hấn từ phía Mỹ.

Bình luận trên FB của mình TS Phạm Sỹ Thành cho rằng, “đằng sau TikTok và WeChat là hai cuộc chiến chứ không phải về bản chất công nghệ mà ByteDance hay Tencent sở hữu.”

Theo TS Thành việc Mỹ cấm cửa TikTok hay WeChat là không kỳ lạ khi mà chính Trung Quốc đã dùng các nghiệp vụ hành chính và chính trị để đẩy Yahoo, Google, Youtube, Facebook v.v. ra khỏi lãnh thổ của mình.

“Các lệnh cấm đều được hai nước đưa ra dựa trên tiêu chuẩn của mình về các vấn đề thông tin, dữ liệu, bảo mật, quyền can thiệp của chính phủ. Vì vậy bản chất của cuộc đua này phải là về áp đặt tiêu chuẩn chứ không phải cuộc đua công nghệ. Mỹ là cường quốc trong việc tạo ra các tiêu chuẩn toàn cầu. Mỹ hiển nhiên không muốn “Tiêu chuẩn Trung Quốc” trở thành tiêu chuẩn quốc tế.” – TS Thành viết.

Cũng liên quan đến cuộc chiến tiêu chuẩn, Chính phủ Nhật Bản đang tỏ ra lo ngại xung quanh các tiêu chuẩn quốc tế do Trung Quốc đề xuất liên quan tới tiêu chuẩn áp dụng đối với thành phố thông minh.

Cụ thể, mới đây Trung Quốc đã đệ trình các đề xuất liên quan tới tiêu chuẩn xây dựng thành phố thông minh lên Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế ISO và Ủy ban Kỹ thuật Điện Quốc tế (IEC). Theo đó, Trung Quốc xác nhận ba trong số bảy đề xuất sẽ được đưa ra bỏ phiếu vào cuối năm nay. Một tiêu chuẩn mới cần siêu đa số 2/3 phiếu có thể được chính thức công nhận.

Nếu các đề xuất của Trung Quốc được thông qua và trở thành tiêu chuẩn quốc tế, theo Tokyo điều này sẽ gây ra hậu quả không chỉ cho các công ty, mà còn cả an ninh quốc gia của Nhật Bản và một số quốc gia Phương Tây.

Kể từ năm 2014, Trung Quốc đã độc lập đệ trình 16 đề xuất thành lập các ủy ban thuộc ISO và IEC, chiếm tới 25% tổng số các đề xuất thành lập. Trong khi đó, Nhật Bản chỉ gửi hai đề xuất. Theo quy định thông thường, quốc gia đề xuất ủy ban sẽ giữ chức vụ tổ chức của mình.

Nếu như Nhật Bản liên kết với Mỹ, Anh, Pháp và Đức tại các tổ chức quốc tế thì Trung Quốc lại dựa vào sự ủng hộ của châu Phi và Trung Đông. Nếu được thông qua, các tiêu chuẩn nói trên của Trung Quốc sẽ chính thức có hiệu lực sau khoảng ba năm chạy thử nghiệm.

Nhóm thông tin hội nhập (theo BSA)