Đó là những chia sẻ của GS.TS Hồ Tú Bảo, Viện Khoa học và Công nghệ Tiên tiến Nhật Bản, Viện trưởng Viện John Von Neumann – Đại Học Quốc gia T.HCM, tại hội thảo: Chuyển đổi số trong sản xuất, do Câu lạc bộ doanh nghiệp dẫn đầu LBC tổ chức ngày 6/7 vừa qua tại TP.HCM.

GS.TS Hồ Tú Bảo dẫn chứng, việc ứng dụng công nghệ số vào quản lý hoạt động giao thông trên toàn quốc hiện đang làm trên 01 triệu xe tải, xe khách và taxi có gắn thiết bị định vị GPS. Dữ liệu GPS khoảng 1,5 tỷ records/ngày (khoảng 500Gb) cho biết hành trình của những xe này hằng ngày, tốc độ xe, quãng đường di chuyển, đơn vị quản lý, biển số xe…

“Hiện Sở giao thông vận tải Cần Thơ đã ứng dụng công nghệ số vào quản lý hoạt động vận tải, đã cho thấy cơ sở dữ liệu về tổng số xe là 2.250 xe của 335 doanh nghiệp, cho phép phân biệt loại xe và xây dựng mô hình đánh giá tài xế”…

Theo GS.TS Hồ Tú Bảo, có thể nói, yếu tố quan trọng để số hoá trong sản xuất kinh doanh là cơ sở dữ liệu.

“Nhưng trong các ngành kinh tế Việt Nam, nhất là doanh nghiệp, việc xây dựng nguồn dữ liệu hiện nay còn yếu và thiếu, nhiều đơn vị lúng túng trong việc thu thập, sắp xếp và khai thác dữ liệu”, GS.TS Bảo cho hay.

GS.TS Hồ Tú Bảo chia sẻ tại hội thảo

Chuyển đổi số là chuyển đổi văn hóa doanh nghiệp

Cũng theo GS.TS Hồ Tú Bảo, chuyển đổi số không chỉ là số hoá và công nghệ số mà còn là chuyển đổi về văn hoá kinh doanh của doanh nghiệp. Chuyển đổi số đòi hỏi phải thay đổi phương thức sản xuất, phải đào tạo về nguồn nhân lực, chiến lược kinh doanh.

“Trước kia doanh nghiệp có chiến lược kinh doanh theo 5 năm, 10 năm thì nay nếu làm chuyển đổi số thì nó không như thế nữa”.

“Nhưng tại Việt Nam, hạ tầng số chưa được nhận thức ở mọi cấp. Dữ liệu quốc gia và địa phương đều thiếu chất lượng, việc chia sẻ, kết nối còn hạn chế. Hiện vẫn thiếu hành lang pháp lý cho kinh tế số. Một vấn đề quan trọng và cấp thiết trong chuyển đổi số là nhân sự. Việt Nam thiếu nhân sự cho triển khai kỹ thuật số cả trên diện rộng và tinh nhuệ”.

“Tại Việt Nam, doanh nghiệp lại lo ngại về đảm bảo an toàn, bảo mật cho dữ liệu của họ. Đây cũng thực sự là rào cản không nhỏ khiến công nghệ số chưa được sẵn sàng ở Việt Nam”, TS. Bảo nói.


Kết nối thêm 3 doanh nghiệp thành viên LBC

Nhân dịp này, Câu lạc bộ doanh nghiệp dẫn đầu LBC còn kết nạp thêm 3 thành viên mới: là Công ty tư vấn IDG, công ty cổ phần phát triển nông nghiệp Hải Âu và Công ty Ngọc Trai Hoàng Gia.

Kết nạp thêm ba doanh nghiệp mới tham gia Câu lạc bộ doanh nghiệp dẫn đầu – LBC

Ông Trần Phong Lan – Chủ tịch HĐQT công ty Cổ phần phát triển nông nghiệp Hải Âu cho biết: Với việc tham gia CLB này, là tập hợp của những doanh nghiệp lớn, tôi nghĩ sẽ có những đóng góp nhất định cho nền kinh tế của Việt Nam. Thông qua CLB doanh nghiệp dẫn đầu LBC, tôi nghĩ sẽ có sự kết nối để làm thật, tạo ra giá trị thật, giúp ích cho xã hội. Qua đó hy vọng sẽ góp phần vào tiếng nói vào chính sách của nhà nước để Việt Nam ngày càng phát triển hơn.

BSA