Gần đây có nhiều người thắc mắc LocalG.A.P là gì, nhiều GAP quá nông dân biết phải theo GAP nào. Tôi sẽ giải thích về bộ tiêu chuẩn LocalG.A.P (hay GAP nội địa) để người sản xuất nông nghiệp có cái nhìn đầy đủ.
VietG.A.P và GlobalG.A.P
VietGAP là thực hành nông nghiệp duy nhất hiện nay mà nông dân, đặc biệt là nông dân có quy mô sản xuất nhỏ và rất nhỏ tại Việt Nam, có thể lựa chọn để chứng minh nông sản do mình sản xuất an toàn. Tiêu chuẩn VietG.A.P do các tổng cục và cục có liên quan, thuộc bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn ban hành, được thừa nhận trên toàn Việt Nam, bao gồm các phạm vi trồng trọt, chăn nuôi và thuỷ sản.
GlobalG.A.P là tiêu chuẩn tự nguyện, do các nhà bán lẻ Anh, Pháp và Đức xây dựng, tổ chức Food Plus GmBh quản lý.
VietG.A.P và GlobalG.A.P đều là tiêu chuẩn chứng nhận, có chung mục tiêu đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, VietG.A.P tiếp cận dựa trên nhu cầu của quản lý nhà nước, được thừa nhận rộng rãi ở Việt Nam.Còn GlobalG.A.P dựa trên nhu cầu của nhà bán lẻ quốc tế (được hiểu là thị trường), được thừa nhận rộng rãi ở nhiều nước trên thế giới (hơn 135 quốc gia).
Chứng nhận GlobalG.A.P được đa số nhà nhập khẩu, nhà bán lẻ quốc tế yêu cầu đối với sản phẩm nông thuỷ sản trong chuỗi giá trị xuất khẩu. Với gần 300 yêu cầu liên quan đến bốn vấn đề chính: an toàn thực phẩm; sức khoẻ và an sinh của người lao động; bảo vệ môi trường và sức khoẻ – an sinh vật nuôi (đối với chăn nuôi và nuôi trồng thuỷ sản), nên gần như chỉ những trang trại có quy mô lớn và năng lực sản xuất tiến bộ, mới áp dụng thành công tiêu chuẩn GlobalG.A.P.
Ở các quốc gia đang phát triển, mà Việt Nam là một điển hình, GlobalG.A.P trở thành rào cản đối với những nông hộ nhỏ có mong muốn tìm kiếm cơ hội tiếp cận thị trường tốt và ổn định hơn.
LocalG.A.P
LocalG.A.P là chương trình hợp tác giữa hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao (DN.HVNCLC) với GlobalG.A.P để tạo thuận lợi cho nông hộ nhỏ, nhóm chiếm hơn 70% trong cơ cấu nông nghiệp của Việt Nam, có thểtham gia vào thị trường.
Từ năm 2016, hội DN.HVNCLC đã bắt đầu phiên thảo luận đầu tiên với đại diện của Food Plus tại trụ sở chính của GlobalG.A.P ở Cologne (Đức), về lộ trình để người sản xuất nông nghiệp nhỏ tại Việt Nam có thể tham gia vào hệ thống tiêu chuẩn chứng nhận quốc tế.
Năm 2018, trong khuôn khổ hội chợ trái cây và rau Logistica tại Berlin (Đức), đại diện hội DN.HVNCLC đã làm việc với bà Christi Venter, chuyên gia cao cấp của GlobalG.A.P về chương trình LocalG.A.P đầu tiên áp dụng cho lĩnh vực trồng trọt. Chương trình tương tự cho hai lĩnh vực chăn nuôi và thuỷ sản dự kiến hoàn tất trong năm 2019.
LocalG.A.P được chia thành hai mức: cơ bản và chuyển tiếp với trọng tâm tập trung vào an toàn thực phẩm, có bao gồm truy xuất nguồn gốc. Theo đó, việc đảm bảo an toàn thực phẩm được thực hiện dựa trên các đánh giá rủi ro và thiết lập các biện pháp kiểm soát phù hợp. Còn các yêu cầu liên quan đến môi trường, sức khoẻ và an sinh người lao động được giảm đến mức thấp nhất cho phù hợp với năng lực của nông hộ sản xuất nhỏ.
Tham gia chứng nhận LocalG.A.P, thông tin của nông hộ sẽ được cập nhật trên cơ sở dữ liệu của GlobalG.A.P. Phía hội DN.HVNCLC đang hoàn tất các thủ tục cuối cùng với GlobalG.A.P để triển khai chương trình chứng nhận LocalG.A.P, chậm nhất cuối quý 1/2019 là có thể bắt đầu.
Phiên bản tiếng Việt của LocalG.A.P đã sẵn có, nông hộ quan tâm có thể liên hệ trực tiếp với ban quản lý dự án chương trình HVNCLC – Chuẩn hội nhập ngành thực phẩm để được cung cấp tài liệu.
Như vậy, kể từ năm 2019, bên cạnh chứng nhận VietG.A.P, nông dân có thể chọn chứng nhận LocalG.A.P như một đảm bảo cho nông sản an toàn. Với uy tín toàn cầu của GlobalG.A.P, chương trình LocalG.A.P sẽ nâng cấp năng lực sản xuất của nông dân Việt, cũng như cấp “thị thực” vào thị trường hội nhập của nông sản Việt Nam.
Chương trình LocalG.A.P nhằm tạo bước đệm cho các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận từng bước với thực hành nông nghiệp tốt theo chuẩn quốc tế, được sự thừa nhận rộng rãi của đa số các thị trường khó tính thế giới. Theo đó, các sản phẩm được chứng nhận LocalG.A.P sẽ được tổ chức GlobalG.A.P cấp mã số GLN (Localgap Number) và được đăng thông tin các sản phẩm trên website của G.G.
Hàng Việt Nam chất lượng cao – Chuẩn hội nhập (GIS) với bộ tiêu chí LocalG.A.P là một dự án nhằm tạo sức mạnh cho các doanh nghiệp địa phương hội nhập bền vững vào thị trường toàn cầu. GIS khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư và xây dựng hệ thống quản lý chất lượng và tiêu chuẩn ở mức độ địa phương và quốc tế, sau đó hỗ trợ cho doanh nghiệp trong thương mại và hợp tác trên phạm vi toàn cầu.
Ông Nguyễn Công Luận, phó tổng giám đốc công ty rau quả thực phẩm an giang – Antesco: “Chỉ có tiêu chuẩn mới đưa nông sản đi xa!”
Tại hội thảo về đẩy mạnh xuất khẩu nông sản chính ngạch diễn ra tại TP.HCM, ông Nguyễn Công Luận cho biết, sản phẩm bắp non và trái đậu nành đông lạnh của Antesco hiện đã có mặt trên toàn cầu, trong đó có châu Âu và Mỹ. Các thị trường mà ông Nguyễn Công Luận nói đến gồm, Đức, Bỉ, Hà Lan, Thuỵ Sĩ, Pháp… Ông Luận nhấn mạnh, để xuất hàng vào các thị trường trên, doanh nghiệp buộc phải tuân thủ những quy định của một số tiêu chuẩn như: ISO, HACCP, GlobalG.A.P, BRC… và cả các quy định về tuân thủ trách nhiệm xã hội.
CEO Phạm Minh Thiện: “Với Cỏ May, các sản phẩm phải đúng chuẩn và chất”
Ông Phạm Minh Thiện cho rằng, tiêu chuẩn, chất lượng, chuẩn mực hàng hoá là điều tối quan trọng. Với Cỏ May, tất cả những sản phẩm phải đúng “chuẩn” và “chất”. Vị CEO trẻ tuổi này cho biết, hiện Cỏ May áp dụng nhiều tiêu chuẩn chất lượng vào sản xuất, như ISO, GlobalG.A.P, HACCP… Tại Cỏ May, có một bộ phận quản lý hệ thống tiêu chuẩn. “Bộ phận này chỉ làm sao để cho tất cả những sản phẩm trong hệ thống sản xuất phải đảm bảo một tiêu chuẩn phù hợp.Điều này giúp cho Cỏ May có được những sản phẩm đồng bộ, tránh trường hợp có sản phẩm 10 điểm và sản phẩm chỉ 1 điểm”, ông Thiện nói.