Ảnh minh họa. Nguồn Internet
 
Cứ 5 năm, dân số TP.HCM tăng 1 triệu người mà đa số là từ các tỉnh ĐBSCL. Chính lực lượng lao động này đã đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế TPHCM. TP.HCM luôn xác định là đối tác phát triển của ĐBSCL, vì vậy sự kết nối toàn diện và bền vững giữa các địa phương ĐBSCL là yếu tố vô cùng quan trọng đối với TP.HCM và ngược lại.
ĐBSCL được xem là nguồn cung cấp chính các ngành hàng tự nhiên cho thị trường nội địa và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Hàng năm khu vực này sản xuất trên 50% sản lượng lúa duy trì an ninh lương thực trong nước, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản, 70% các loại trái cây; xuất khẩu 95% lượng gạo và 60% lượng cá của cả nước…
Nhưng so với các vùng khác trong cả nước, ĐBSCL là nơi có tỷ lệ nhập cư thấp nhất và tỷ lệ xuất cư cao nhất. Đây cũng là vùng duy nhất trong cả nước có tốc độ tăng trưởng dân số là 0% trong giai đoạn 2009 – 2019. Cơ hội việc làm trở thành điểm yếu khi lực lượng lao động đang bị già hóa, lao động trẻ có xu hướng di cư sang khu vực khác.
Những mối liên kết, kết nối nào có thể tạo thêm động lực phát triển cho cả TP.HCM và các tỉnh thành ĐBSCL?

“LIÊN KẾT ĐÀO TẠO NGUỒN NHÂN LỰC”

Toàn vùng ĐBSCL có 42 trường ĐH, CĐ, bình quân khoảng 1,2 triệu dân có 1 trường ĐH. Các địa phương muốn nâng số sinh viên/10.000 dân của vùng ĐBSCL (2015) là 175 SV/10.000 dân lên bằng mức bình quân cả nước là 277 SV/10.000 dân); thay vì chỉ có 5,1 bác sĩ/10.000 dân và 0,64 dược sĩ/10.000 dân, ĐBSCL sẽ bằng mức bình quân của cả nước là 7,5 bác sĩ/10.000 dân và 1,6 dược sĩ/10.000 dân…
Xác định tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, góp phần phát triển bền vững ĐBSCL, nhiều địa phương xác định giai đoạn 2020 – 2025 cần có bước đột phá trong đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương cũng như toàn khu vực. Lâu nay, nhiều sinh viên theo học các trường tại TP.HCM, chỉ riêng ĐH Kinh tế TP.HCM (UEH) đã đào tạo trên 50.000 cử nhân kinh tế, hàng trăm tiến sĩ, thạc sĩ cho ĐBSCL.
Tuy nhiên, để ĐBSCL đạt được mục tiêu phát triển, cần có bước đột phá trong đào tạo.
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong: Giai đoạn 2020 – 2025, tỉnh triển khai 5 khâu đột phá chiến lược. Một trong những khâu đột phá được xác định là tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển trong điều kiện tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế. Tỉnh nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục, nhất là chất lượng đào tạo tại trường CĐ Cộng đồng, tTrường CĐ Y tế Đồng Tháp; liên kết với các trường đại học để đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; quan tâm đào tạo chuyển giao công nghệ và kiến thức quản lý kinh tế cho nông dân.
Bí thư Tỉnh ủy Long An Nguyễn Văn Được: Long An đặt mục tiêu đến năm 2025 giữ vững vị trí dẫn đầu vùng ĐBSCL, phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Tỉnh tập trung thực hiện một số chương trình đột phá trong đó có chương trình đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp và nông nghiệp của tỉnh.
Bí thư Thành ủy Cần Thơ Lê Quang Mạnh: Trong giai đoạn 2020 – 2025, thành phố tập trung thực hiện 3 khâu đột phá trong đó có phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao. Hiện nay, tại Cần Thơ có hệ thống các trường đại học, viện nghiên cứu (70 đơn vị) và khoảng 7.450 người hoạt động nghiên cứu khoa học, trong đó có những đơn vị thuộc hàng đầu của quốc gia và khu vực về lĩnh vực nông nghiệp như ĐH Cần Thơ, ĐH Kỹ thuật công nghệ Cần Thơ, ĐH Nam Cần Thơ, Viện Nghiên cứu Lúa ĐBSCL…
Giáo sư Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng ĐH Cần Thơ: Là cơ sở đào tạo đại học trọng điểm, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao thuộc nhiều ngành nghề, lĩnh vực, đặc biệt là nhân lực cho vùng ĐBSCL và thành phố Cần Thơ, hiện nay, trường có gần 200 ngành, chuyên ngành đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ và tiến sĩ. Trường tiếp tục phát triển ngành nghề đào tạo, quy mô đào tạo theo định hướng đa ngành, đa lĩnh vực ở các trình độ với nhiều hình thức đào tạo, trên cơ sở đảm bảo chất lượng, đáp ứng được nhiều người có nhu cầu học tập và nhu cầu nhân lực có trình độ cao phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, đặc biệt là của vùng ĐBSCL, trong đó có thành phố Cần Thơ.
ĐH Cần Thơ đang đặt mục tiêu trở thành một trong 20 trường đại học hàng đầu của Đông Nam Á trước năm 2030 và thuộc nhóm 1.000 trường đại học hàng đầu của thế giới trước năm 2045.
Trong khi đó, theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 24/QĐ-TTg ngày 6.1.2010 về điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng TP.HCM đến năm 2025. TP.HCM vốn có lợi thế lớn rất nhiều trường đại học hàng đầu phía Nam đang hoạt động ở đây và là điểm đến giao lưu, hợp tác đào tạo của nhiều trường đại học hàng đầu quốc tế, có các khu công nghệ cao, trung tâm phát triển khoa học – công nghệ… sẽ là trung tâm cung cấp nguồn nhân lực, công nghệ có chất lượng cao cho ngành logistics không chỉ cho thành phố mà cả Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

“LIÊN KẾT THÁO ĐIỂM NGHẼN HẠ TẦNG GIAO THÔNG”

Theo Bộ Giao thông vận tải, tính đến tháng 12.2020, tổng chiều dài đường bộ cả nước có khoảng 595.125 km, trong đó hệ thống cao tốc có khoảng 1.757 km (chiếm 0,3%), đường quốc lộ 24.328km (chiếm 4,09%). Riêng ĐBSCL đường cao tốc (cả phần đang thi công) chỉ mới có 117km, đường quốc lộ có chiều dài 2.652km.
Hiện nay hệ thống hạ tầng giao thông kết nối vùng ĐBSCL với TP.HCM và các tỉnh Đông Nam bộ chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội của vùng. Để tháo điểm nghẽn hạ tầng giao thông, Nhà nước đã đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL giai đoạn 2011 – 2015 là 67.552 tỷ đồng, chiếm 12,26%; giai đoạn 2016 – 2020, là 65.056 tỷ đồng, chiếm 15,15% tổng vốn đầu tư thực hiện của cả nước.
Bộ GTVT dự thảo quy hoạch và đề xuất bố trí vốn khoảng 500.000 tỷ để đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông cho cả vùng trong 10 năm tới, trong đó ngân sách nhà nước khoảng 120.000 tỷ đồng và xã hội hóa 380.000 tỷ đồng. Riêng nhu cầu vốn ngân sách để đầu tư kết cấu hạ tầng vùng ĐBSCL giai đoạn 2021 – 2025 khoảng 198.823 tỷ đồng.
Trong điều kiện nguồn lực khó khăn như hiện nay, Bộ GTVT đề nghị Chính phủ cân đối tối thiểu khoảng 57.346 tỷ đồng để đầu tư cho các dự án động lực, gồm:
+ Hệ thống đường bộ tập trung vào 3 trục lớn gồm: Trục N2 xuyên tâm vùng ĐBSCL, kết nối từ Củ Chi – Rạch Giá; Tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, Mỹ Thuận – Cần Thơ, Cần Thơ – Cà Mau;
Còn lại các trục ngang và hành lang ven biển.
+ ĐBSCL có tuyến cao tốc Cần Thơ – Cà Mau chiều dài 150km, Châu Đốc (tỉnh An Giang) – Cần Thơ – Sóc Trăng có chiều dài 64km, Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp) – Trà Vinh có chiều dài 30km, Hà Tiên (tỉnh Kiên giang) – Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang) – Bạc Liêu có chiều dài 100km,…
+ Hệ thống quốc lộ (QL) sẽ ưu tiên đầu tư các tuyến QL 62, QL 60, đường Nam sông Hậu, QL 91C, QL 54, QL 1, QL 61B, tuyến N2… với tổng chiều dài hơn 431km, quy mô quy hoạch tối thiểu cấp III, 2 đến 4 làn xe, một số tuyến có lưu lượng vận tải lớn quy mô cấp III, 4 đến 6 làn xe,…
Hiện nay, mạng lưới giao thông khu vực gắn kết với nhiều dự án đường bộ theo tuyến ngang – dọc, đường cao tốc và đường hàng không, tuyến đường sắt TP.HCM – Cần Thơ dài 174 km, bổ sung quy hoạch đường sắt đô thị 3A (Bến Thành – Tân Kiên) kết nối với TP Tân An (Long An)…

“LIÊN KẾT QUY HOẠCH – KHAI THÁC – NÂNG TẦM KINH TẾ BIỂN”

Khi Việt Nam định hướng mới – phát triển kinh tế biển, ĐBSCL có hơn 700km/3.000 km bờ biển trong cả nước và trên 360.000 km2 vùng biển, vùng đặc quyền kinh tế, hơn 200 đảo và quần đảo, có hệ thống giao thông nội thủy vận tải huyết mạch…
“Nếu phát triển kinh tế thủy sản, năng lượng tái tạo được xem là chiến lược biến “nguy cơ, thách thức” của biến đổi khí hậu (BĐKH) thành cơ hội phát triển bền vững thì với một vùng có vị trí chiến lược về quốc phòng – an ninh, giàu tiềm năng về tài nguyên và năng lượng tái tạo, có nhiều lợi thế phát triển kinh tế biển, biên mậu, giao thương quốc tế… Khai thác kinh tế biển sẽ mở ra không gian phát triển mới cho Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)”, ông Phan Văn Mãi từng nhận định khi là Bí thư tỉnh ủy Bến Tre.
Ông Phan Văn Mãi đề nghị Trung ương có cơ chế đầu tư phát triển tuyến giao thông động lực ven biển nối TP.HCM với các tỉnh vùng ĐBSCL (qua Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang), phát triển hành lang kinh tế ven biển, gắn với đảm bảo quốc phòng – an ninh và thích ứng với BĐKH, nước biển dâng; Trung ương quan tâm, giới thiệu các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn lớn đến đầu tư tại ĐBSCL, gắn với tái cấu trúc nền kinh tế toàn vùng trên nền kinh tế nông nghiệp và kinh tế biển. Thúc đẩy hình thành các khu kinh tế – quốc phòng vùng ven biển, vùng biên giới đáp ứng yêu cầu phát triển và nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trong tình hình mới.
Hiện nay, cả nước có 170 cảng biển các loại, kể cả cảng chuyên dùng; trong đó có 9 cảng có khả năng cải tạo, nâng cấp để tiếp nhận tàu 50.000 DWT hoặc tàu container 3.000 TEU, phân bố trên 24 tỉnh, thành phố vùng duyên hải Việt Nam. Tuy nhiên, sự phân bố hệ thống cảng Việt Nam không đồng đều. Ở khu vực phía Bắc, chiếm 25 -30% công suất, ở khu vực miền Trung chiếm 13%; còn lại ở khu vực phía Nam chiếm khoảng 57% về hàng hóa và khoảng 90% về container. Nhưng thực tế ở miền Bắc và miền Trung thiếu hàng hóa qua cảng còn ở phía Nam không đủ tải cho hàng hóa. Nhiều cảng biển chỉ hoạt động được 20 – 30% công suất.
Trong khi đó, hệ thống đường thủy nội địa toàn vùng ĐBSCL có 57 cảng thủy nội địa, khoảng 3.988 bến thủy nội địa và 1.404 cảng, bến, nhưng trên 85% các cảng có quy mô nhỏ lẻ, manh mún từ 10.000 tấn đến dưới 100.000 tấn/năm. Hàng hóa xuất khẩu của ĐBSCL vận chuyển bằng đường bộ lên các cảng ở TP.HCM và Đông Nam bộ, mỗi năm khoảng 17 – 18 triệu tấn/năm, bình quân tăng từ 10 – 15%/năm. Việc vận chuyển xa kéo theo chi phí vận chuyển tăng từ 10 – 40%/chuyến hàng tạo áp lực lớn cho doanh nghiệp. Trong 5 năm gần đây, chi phí logistics cho xuất khẩu các mặt hàng thủy sản và trái cây chiếm khoảng 20 – 25%, đã làm giảm khả năng cạnh tranh.
Với dự báo tốc độ tăng trưởng của ĐBSCL trong vòng 10 – 20 năm tới thì lượng hàng hóa lớn lại trở thành áp lực với TP.HCM. Khi các tỉnh phía Bắc tập trung vào các cảng khu vực Hải Phòng, phía Nam tập trung vào khu vực Cái Mép – Thị Vải, được các hãng vận tải lớn quốc tế đánh giá rất thuận lợi, các cảng cửa ngõ quốc tế tiếp nhận hàng hóa xuất nhập khẩu còn hướng tới đáp ứng một phần trung chuyển quốc tế… ĐBSCL chỉ có những cảng, bến phục vụ nhu cầu xếp dỡ hàng rời, thiếu các cảng chuyên dùng cho container.
Theo Quyết định 1012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics định hướng đến năm 2030, tiểu vùng kinh tế trung tâm ĐBSCL sẽ có một trung tâm logistics hạng II với quy mô tối thiểu 30ha đến năm 2020 và trên 70ha đến năm 2030. Phạm vi hoạt động chủ yếu gồm: TP Cần Thơ và các tỉnh Trà Vinh, Hậu Giang, Vĩnh Long, Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng và An Giang; từ đó kết nối các cảng cạn, cảng sông (Cần Thơ, Mỹ Thới), cảng hàng không, nhà ga, bến xe, các khu công nghiệp, các cửa khẩu (thuộc các tỉnh Kiên Giang, An Giang), lấy hệ thống đường cao tốc là trục xương sống kết nối liên vùng.
Hiện nay, việc nghiên cứu hình thành các trung tâm logistics gắn kết mạng lưới giao thông, đầu tư cảng biển nước sâu – nghiên cứu ở cả hai cửa biển Định An và Trần Đề – việc thông luồng ra biển để nâng cao hiệu quả của Nhóm cảng số 6, giúp việc luân chuyển hàng hóa tốt hơn, chi phí hợp lý hơn… cần được nghiên cứu, chia sẻ để có giải pháp hữu hiệu từ TP.HCM.
Từ nhiều năm nay, Ngân hàng Thế giới và các định chế tài chính quốc tế đã hỗ trợ chính phủ phát triển mạng lưới vận tải thủy nhằm kết nối các hành lang vận tải liên vùng từ ĐBSCL và khu vực Đông Nam bộ hoặc nội vùng với mục tiêu thúc đẩy vận tải thủy nội địa kết nối với các cảng biển lớn trong khu vực, có thể kể đến các dự án như hành lang Sài Gòn – Kiên Lương, hành lang Sài Gòn – Cà Mau.
Chính phủ Campuchia, với sự hỗ trợ của tổ chức JICA (Nhật Bản), cũng đã nghiên cứu phát triển hành lang vận tải thủy từ cảng Phnom Penh đến cửa ngõ Cái Mép – Thị Vải phục vụ xuất nhập hàng hóa của Campuchia. Các hành lang vận tải chính này được nghiên cứu phát triển cho các phương tiện thủy tự hành có trọng tải 500 – 1.500 tấn, đội sà lan 2×500 tấn hay phương tiện thủy trọng tải đến 5.000 tấn, có thể chở đến 250 TEU.
Cụm cảng phía Nam có vai trò then chốt bởi là đầu mối của cả trung tâm sản xuất công nghiệp Đông Nam bộ và trung tâm sản xuất nông – ngư nghiệp Tây Nam bộ. Sản xuất của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam chiếm hơn 40% GDP và 40% giá trị kim ngạch xuất khẩu cả nước, trong đó gần 90% sản lượng gạo, hơn 60% thủy hải sản và 70% trái cây trong tổng lượng xuất khẩu cả nước từ ĐBSCL.
Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp được người tiêu dùng bình chọn Hàng Việt Nam chất lượng cao trong cả nước, trong đó có TP.HCM và các tỉnh ĐBSCL tăng độ phủ sản phẩm trên thị trường. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp trong vùng được bình chọn Hàng Việt Nam chất lượng cao – Chuẩn hội nhập, đóng vai trò tiên phong trong chương trình tăng trưởng xanh.

“LIÊN KẾT ĐẦU TƯ NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO”

Tại Diễn đàn Mekong Connect 2020, bà Mary Tarnowka, chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ – Việt Nam (AmCham) tại TP.HCM và Đà Nẵng, nói rằng các sản phẩm nông nghiệp từ khu vực Mekong như tôm, cá tra, thanh long và xoài đang được đón nhận tại Hoa Kỳ. Việt Nam đang trở thành điểm đến hấp dẫn cho thương mại và đầu tư, với một nền kinh tế tăng trưởng; hệ thống các hiệp định thương mại tự do; lực lượng lao động trẻ, yêu thích công nghệ, chất lượng cao và mức lương thích hợp; tầng lớp trung lưu gia tăng; và có vị trí gần với nguồn sản xuất và các nước tiêu thụ.
Theo bà Tarnowka, khu vực sông Mekong là một trong những khu vực đa dạng sinh học phong phú nhất trên thế giới. Đây cũng là một trong những khu vực dễ bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu. Đồng thời, khu vực sông Mekong có một số quỹ đất và tài nguyên thiên nhiên thích hợp nhất cho năng lượng tái tạo – dồi dào nắng và gió. Nếu có những thay đổi chính sách đúng đắn, năng lượng tái tạo có thể mở rộng hơn nữa, góp phần tạo ra an ninh năng lượng sạch thúc đẩy đổi mới, việc làm và tăng trưởng bền vững.
Amcham đang đóng vai trò là “tiếng nói của doanh nghiệp Hoa Kỳ” tại Việt Nam. AmCham đã là một trong những tổ chức kinh doanh lớn nhất tại Việt Nam đã góp phần thúc đẩy sự đổi mới và tăng trưởng bền vững. Nhiều công ty thành viên của AmCham như Cargill, Coca-Cola, Suntory Pepsi và Pharmacity đã có các hoạt động rộng khắp ở khu vực sông Mekong. Khu vực sông Mekong có tiềm năng thu hút đầu tư nhiều hơn và tăng trưởng bền vững nhờ đầu tư vào năng lượng tái tạo.
Khu vực sông Mekong có một số nguồn năng lượng tái tạo tự nhiên phong phú nhất trên thế giới, về mặt trời và gió. Các công ty thành viên của AmCham rất mong muốn được hợp tác để phát triển năng lượng tái tạo ở khu vực sông Mekong – từ việc cung cấp các tấm pin mặt trời hoặc tua bin gió đến phát triển dự án và sản xuất năng lượng.
First Solar đã đầu tư gần 1 tỷ USD ở Việt Nam, và hiện là nhà sản xuất các tấm phim mặt trời siêu mỏng đứng đầu thế giới. Công ty không chỉ xuất các sản phẩm sang Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hàn Quốc, mà còn cung ứng cho thị trường Việt Nam, góp phần tạo việc làm, an toàn năng lượng, phát triển bền vững và chuỗi cung ứng năng lượng sạch.
Năm 2020, First Solar Việt Nam đã định vị Việt Nam trên bản đồ năng lượng thế giới trong vị thế là nhà sản xuất hàng đầu về mô-đun năng lượng mặt trời màng mỏng tiên tiến. Với số vốn đầu tư 1,06 tỷ USD, nhằm sản xuất mô-đun năng lượng mặt trời màng mỏng tiên tiến, thu hút 1.700 công nhân viên, công suất hàng năm là 2,6 GW. Nhà máy tọa lạc trên khu đất rộng 44 ha tại Huyện Củ Chi. Đã bắt đầu quá trình sản xuất năng lượng vào năm 2018.
Việc hoàn thành các quy định của Thỏa thuận mua năng lượng trực tiếp sẽ cho phép năng lượng mặt trời được sử dụng nhiều hơn nữa và tăng sức thu hút của Việt Nam đối với các công ty đa quốc gia cam kết với phát triển bền vững.
UPC Renewables hiện đang phát triển các trang trại gió Lạc Hòa và Hòa Đông ở tỉnh Sóc Trăng với vốn đầu tư 120 triệu USD, tạo ra hàng trăm việc làm. UPC quan tâm việc đầu tư tới 10 tỷ USD vào năng lượng gió, cung cấp năng lượng sạch cho sản xuất và phát triển kinh tế bền vững tại TP.HCM và các tỉnh miền Nam. Việc gia hạn mức giá mua điện gió (WFT) sau tháng 10.2021 sẽ tạo nên sự ổn định chính sách và sức thu hút đầu tư nước ngoài.
Một công ty thành viên khác của AmCham, Shire Oak, đang phát triển một danh mục lớn các dự án năng lượng mặt trời trên khắp Việt Nam, với 23 dự án đang hoạt động, tổng công suất 64 MW và 52 dự án khác đang được xây dựng, với công suất 100 MW. Chúng bao gồm các dự án tại Cần Thơ và các khu vực khác trong khu vực sông Mekong.
Trên thực tế, Shire Oak đã khởi động một dự án với tập đoàn Cẩm Nguyên tại Đồng Tháp, tiết kiệm cho công ty khoảng 80.000 USD mỗi năm, tăng khả năng cạnh tranh và giảm lượng khí thải carbon của công ty.
VinaCapital, thông qua quan hệ đối tác với Bechtel, cũng mong muốn xúc tiến đầu tư vào các dự án năng lượng mặt trời và gió trên toàn khu vực sông Mekong.
“Các doanh nghiệp lớn về năng lượng của Hoa Kỳ đang đầu tư vào tương lai. Chúng tôi tin rằng năng lượng tái tạo có thể thay đổi cuộc chơi cho sự phát triển kinh tế ở Việt Nam, đặc biệt là ở khu vực sông Mekong. AmCham mong muốn tăng cường quan hệ đối tác kinh tế ở khu vực Mekong để thúc đẩy sự thịnh vượng, đổi mới và tăng trưởng bền vững của các bên”, bà Tarnowka nhấn mạnh.

“KẾT NỐI HÀNG KHÔNG”

Tại ĐBSCL, sau sân bay Cần Thơ, Phú Quốc, sân bay Cà Mau, Rạch Giá được nâng cấp, nhiều nhà đầu tư chờ đợi cơ hội xây dựng Trung tâm logistics hàng không tại Cần Thơ. Theo quy hoạch sân bay Việt Nam tới năm 2050, sẽ có 30 sân bay; trong đó có 15 sân bay quốc tế.
Theo thống kê, mật độ xây dựng sân bay của Việt Nam chỉ mới đạt 16.000 km2/ cảng hàng không (CHK), là mức trung bình so với các nước trong khu vực. Trong khi Thái Lan có hơn 60 sân bay lớn nhỏ (đa số có chứng nhận của ICAO, IATA), gồm các sân bay phục vụ thương mại quốc tế, sân bay nội địa, sân bay riêng của các hãng hàng không, sân bay chuyên dùng cho hàng không chung, sân bay quân sự…
Dự thảo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống CHK/sân bay toàn quốc giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050 của Bộ GTVT chỉ đề xuất bổ sung lên thành 26 sân bay vào năm 2030 và 30 sân bay vào năm 2050. PGS-TS Nguyễn Thiện Tống cho rằng “Việt Nam có rất nhiều sân bay quân sự do lịch sử để lại hiện đang hoạt động rất ít, các địa phương có thể chuyển kết hợp thành sân bay lưỡng dụng nhưng quy mô nhỏ, phục vụ du lịch, giao thương điểm nối điểm, kết nối giữa các địa phương mà không cần trung gian qua các sân bay lớn tại các TP lớn”.
Việt Nam có 5 hãng hàng không thương mại đang hoạt động là Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways, Pacific Airlines và Vietravel Airlines. Tổng công ty tư vấn thiết kế GTVT (TEDI) cho rằng đẩy mạnh các hoạt động hàng không chung, sân bay nhỏ có thể mở đường cho những sân bay chỉ có mỗi đường cất hạ cánh và khu đỗ xe, phục vụ cho các chuyến bay tư nhân, dịch vụ y tế, nông nghiệp… với mạng lưới 5.000 sân bay, mô hình của Mỹ là ví dụ để Việt Nam có thể xem xét, đến năm 2050 giới hạn 30 sân bay thương mại, nhưng không có nghĩa không được phép triển khai các sân bay chuyên dùng.

“KẾT NỐI HỆ SINH THÁI KHỞI NGHIỆP”

Khởi đầu từ một giải thưởng (Tiger@Mekong) do Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam tổ chức, Trung tâm nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) đã thực hiện chương trình dài hạn khích lệ tinh thần Startup Đổi mới sáng tạo – khởi nghiệp từ nông nghiệp.
Hàng năm, BSA đều tổ chức cuộc thi để hun đúc tinh thần Startup theo những chủ đề hướng tới sự phát triển bền vững, gắn với mục tiêu đào tạo thế hệ doanh nhân mới từ nông nghiệp, thúc đẩy đa dạng hóa mô hình tăng giá trị, sử dụng hợp lý tài nguyên, phát huy thế mạnh tài nguyên bản địa, ứng dụng công nghệ mới – chuẩn hóa, số hóa và thuận lợi hóa thương mại. Nhiều hội thi phối hợp giữa Trung tâm BSA với Bộ KHCN đã kích hoạt nhiều tổ chức, các địa phương ĐBSCL tổ chức nhiều cuộc thi dành cho Startup đổi mới sáng tạo. Nhiều Startup đã gắn kết ý tưởng đổi mới sáng tạo và chủ thể phát triển sản phẩm “Mỗi xã một sản phẩm” tạo động lực mới cho kinh tế nông thôn.
Năm 2019, Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (KH – CN) thuộc Bộ KH – CN đã chính thức ký biên bản ghi nhớ hợp tác với Pegasus Tech Venture (đơn vị tổ chức cuộc thi Startup World Cup) và Ai20X (Trung tâm Ươm tạo khởi nghiệp tại Silicon Valley) nhằm kết nối mạng lưới khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam với toàn cầu. Hoạt động này diễn ra trong khuôn khổ Techfest Vietnam tại Hoa Kỳ ngày 13.9 với sự tham gia của hơn 200 trí thức, doanh nhân, startup Việt Nam với các nhà đầu tư, chuyên gia tại Silicon Valley.
Theo Thứ trưởng Bộ KH – CN Trần Văn Tùng, trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục tổ chức các cuộc thi để chọn ra các startup tiềm năng và cử sang dự thi tại Startup World Cup. Ông Anis Uzzaman, Chủ tịch Start World Cup và nhà đầu tư của Pegasus Tech Ventures, cho biết, rất ấn tượng về các Startup công nghệ đến từ Việt Nam, mong muốn được đến Việt Nam và tham gia các chương trình, cuộc thi chất lượng, nhất là Techfest Vietnam. Techfest Vietnam là Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia được tổ chức thường niên dưới sự chủ trì của Bộ KH – CN trong khuôn khổ Đề án 844, thu hút hơn 5.000 người tham dự mỗi năm cùng hàng trăm nhà đầu tư, chuyên gia.

“LIÊN KẾT CÔNG NGHIỆP HỖ TRỢ”

Năm 2020, Hội nghị tìm kiếm nhà cung cấp công nghệ hỗ trợ của TP.HCM thu hút 16 doanh nghiệp là nhà đầu tư (FDI) và các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, đăng ký tham gia chương trình với tư cách là nhà mua hàng (Buyer). Các doanh nghiệp tham gia hội nghị đã lập danh mục hơn 400 chi tiết linh kiện, sản phẩm có nhu cầu tìm nhà cung cấp trong nước thuộc đa dạng ngành nghề, lĩnh vực như điện – điện tử, cơ khí chế tạo – cơ khí chính xác, 3D trên chất liệu carbon, robot và tự động hóa nhà máy, thiết bị truyền động, tự động hóa công nghiệp…
Sự kiện do Sở Công Thương TP.HCM cùng Ban quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp thành phố (HEPZA) và Ban quản lý Khu công nghệ cao (SHTP) phối hợp tổ chức.
Hội nghị là hoạt động thường niên nhằm cập nhật nhu cầu thị trường, công nghệ sản xuất mới, các tiêu chuẩn mới từ các nhà mua hàng là các công ty đầu tư nước ngoài và các DN sản xuất công nghiệp đầu cuối… luôn có nhu cầu nội địa hóa, mở rộng chuỗi cung ứng, phát triển các chuỗi sản xuất giá trị toàn cầu.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho rằng, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ phải nỗ lực đổi mới, ứng dụng công nghệ vào sản xuất công nghiệp nhằm kịp thời đáp ứng nhu cầu thay đổi của khách hàng, chuyển đổi quy trình sản xuất, máy móc thiết bị, công nghệ, đào tạo người lao động để đáp ứng yêu cầu đổi mới. TP.HCM cũng có chính sách ưu tiên với các doanh nghiệp sớm tiếp cận và đổi mới công nghệ.
TP.HCM đã có nhiều chính sách ưu đãi nhằm hỗ trợ tối đa cho cộng đồng doanh nghiệp đầu tư, phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ hướng tới mục tiêu trong năm 2020, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ phải đáp ứng 45% nhu cầu nội địa và 65% vào năm 2025. Năm 2020, TP.HCM phấn đấu cung cấp sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đáp ứng 45% nhu cầu nội địa hóa 4 ngành công nghiệp trọng yếu và 02 ngành công nghiệp truyền thống. Năm 2020, ngành cơ khí tăng 5%; ngành điện tử – công nghệ thông tin tăng 2%; ngành cao su – nhựa tăng 5%; ngành chế biến lương thực thực phẩm tăng 2%; ngành dệt may tăng 5%; ngành da giày là 5%) và phấn đấu đến năm 2025, tăng bình quân 7% – 9% (trong đó: ngành cơ khí tăng 10%; ngành điện tử – công nghệ thông tin tăng 5%; ngành cao su – nhựa tăng 10%; ngành chế biến lương thực thực phẩm tăng 4%; ngành dệt may tăng 10%; ngành da giày tăng 10%).
Trước đó, năm 2019, thành phố đã phê duyệt 22 dự án của doanh nghiệp đầu tư công nghiệp hỗ trợ với tổng vốn vay được hỗ trợ lãi suất là 938 tỷ đồng, đồng thời thúc đẩy chương trình đào tạo tư vấn về năng suất và chất lượng cho các doanh nghiệp, giúp nhiều doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ thay đổi quy trình sản xuất, quản trị doanh nghiệp hiệu quả. Nhiều sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cung cấp cho doanh nghiệp, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu đem lại giá trị cao như sản phẩm khuôn mẫu chính xác cao của công ty Lập Phúc cung cấp cho Colgate; Hiệp Phước Thành và Minh Nguyên đã tham gia được vào chuỗi sản phẩm của Samsung; Thống Nhất và Amura Precision sản xuất linh kiện nhựa cho nhà cung ứng cấp 1, cấp 2 của các công ty ô tô… Từ thực tế này, TP.HCM có nhiều kinh nghiệm chia sẻ với các tỉnh ĐBSCL.

“LIÊN KẾT PHÁT TRIỂN DU LỊCH”

TP.HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL đã liên kết xây dựng bộ nhận diện thương hiệu chung nhằm quảng bá, xúc tiến, giới thiệu du lịch. Theo Sở Du lịch TP.HCM, tuy ngành du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19 nhưng trong khoảng thời gian không bị ảnh hưởng nặng bởi dịch COVID-19 (tháng 1 và tháng 5) đã có trên 50.000 lượt du khách đăng ký mua tour tại 5 doanh nghiệp (DN) lữ hành lớn của TP.HCM để đi du lịch đến các tỉnh, thành trong vùng ĐBSCL. Thời gian lưu trú của khách ở một số tỉnh, thành dài hơn.
Liên kết cũng giúp thu hút du khách từ miền Bắc và miền Trung đến vùng ĐBSCL. Việc kết nối giúp từng địa phương nhận ra đặc trưng riêng. Từ đó, doanh nghiệp sẽ lựa chọn mỗi đặc trưng để tạo thành chuỗi giá trị cho sản phẩm, dịch vụ.
Để triển khai Kế hoạch số 840/KH-UBND của UBND TP.HCM (tháng 3.2020) về liên kết hợp tác phát triển du lịch TP và 13 tỉnh, thành ĐBSCL năm 2020, TP đã phối hợp triển khai đẩy mạnh kích cầu khách du lịch nội địa đến khu vực này trong nửa cuối năm, gồm: Những nẻo đường phù sa; Sắc màu vùng biên; Non nước hữu tình… Trong đó đề nghị các địa phương vận động cơ sở lưu trú du lịch tham gia chương trình kích cầu với giá thành tour thực sự hấp dẫn, các cơ sở kinh doanh dịch vụ, các khu – điểm tham quan du lịch xây dựng các chính sách kích cầu kép (vừa giảm chi phí ăn uống vừa miễn phí vé tham quan)…
TP.HCM và các tỉnh, thành ĐBSCL sẽ xây dựng bộ nhận diện thương hiệu chung để quảng bá, giới thiệu du lịch; tổ chức khảo sát 3 tuyến du lịch kết nối; phối hợp xây dựng phim quảng bá chung về liên kết phát triển du lịch vùng đến các thị trường trọng điểm trong nước và quốc tế; phối hợp tổ chức hội nghị xúc tiến mời gọi đầu tư du lịch…

“LIÊN KẾT BÌNH ỔN THỊ TRƯỜNG”

TP.HCM vẫn là trung tâm kinh tế lớn của cả nước, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng gần 13%, cao hơn mức tăng bình quân của cả nước. Theo đánh giá của Sở Công thương TP.HCM, 80% nguồn cung cho thị trường TP.HCM đến từ các tỉnh ĐBSCL đã tác động tích cực thúc đẩy phát triển và ổn định thị trường. Ngược lại, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ các tỉnh ĐBSCL tăng rất nhanh.
Trước Tết 2019, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL đạt 829.724 tỷ đồng, tăng bình quân 12,28% cao hơn mức tăng bình quân của cả nước; 7/13 tỉnh thuộc khu vực ĐBSCL có mức tăng cao hơn bình quân của cả nước.Sở Công thương 13 tỉnh, thành khu vực ĐBSCL và TP.HCM đã ký kết biên bản thỏa thuận kết nối cung cầu hàng hóa, bình ổn thị trường giữa các tỉnh, thành phố từ năm 2019. Các giải pháp bình ổn giá đã được thống nhất: Khi xảy ra tình hình biến động bất thường về giá cả một số mặt hàng thiết yếu và hàng hóa phục vụ tết tại địa phương trong khu vực thì các địa phương có trách nhiệm thông báo nhau để hỗ trợ, huy động doanh nghiệp cung ứng hàng hóa kịp thời nhằm ổn định thị trường, không để sốt giá cục bộ xảy ra.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Thị Thắng, hoạt động kết nối cung cầu hàng hóa giữa TP.HCM và các tỉnh, thành trong đó có ĐBSCL là một sáng kiến quan trọng trong việc giúp tìm kiếm đầu ra một cách phù hợp, hiệu quả cho các sản phẩm nông nghiệp của các địa phương.
Chương trình được triển khai từ năm 2012, đến nay đã cơ bản đáp ứng kỳ vọng ban đầu, các hệ thống phân phối TP.HCM đã tìm được nhiều nhà cung cấp uy tín, các sản phẩm chất lượng, đặc sản vùng miền từ các địa phương để cung ứng cho người tiêu dùng, từ đó giải quyết đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp.
Để thực hiện mục tiêu của chương trình và tiếp tục tạo niềm tin cho doanh nghiệp an tâm đầu tư, sản xuất, mở rộng thị trường trong giai đoạn phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19. Sở Công thương TP tiếp tục phối hợp chặt chẽ Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn các tỉnh, thành tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, ứng dụng thương mại điện tử để hỗ trợ đắc lực cho hoạt động kết nối cung cầu; kết hợp giữa phương thức phân phối hiện đại – thương mại điện tử và phương thức phân phối truyền thống để đảm bảo ổn định sản xuất, lưu thông hàng hóa, thúc đẩy khôi phục và phát triển kinh tế – xã hội, chủ động thích ứng với mọi tình huống biến động. Duy trì và củng cố kênh phân phối trực tiếp truyền thống như chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi…
Đồng thời, thúc đẩy khai thác phân phối trực tuyến trên các website, các sàn thương mại điện tử, hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp sản xuất, cung ứng mở rộng, tiếp cận kênh phân phối mới, từng bước thực hiện chuyển đổi số. Xây dựng và triển khai hiệu quả đề án logistics, nhằm chủ động và tạo điều kiện thuận lợi nhất trong dự trữ, vận chuyển, lưu thông hàng hóa xuyên suốt từ sản xuất, nuôi trồng đến phân phối, giảm chi phí trung gian nâng cao hiệu quả hoạt động của các chuỗi cung ứng, phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Bên cạnh đó, cần khuyến khích doanh nghiệp TP phân phối, hỗ trợ, hướng dẫn cho các hợp tác xã nông nghiệp, hộ nông dân thông qua hoạt động đào tạo quy trình, kỹ thuật nuôi trồng theo chuẩn VietGAP, GlobalGAP, truy xuất nguồn gốc… Ưu tiên hỗ trợ tiêu thụ, bao tiêu các mặt hàng nông sản, đặc sản đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, sản phẩm OCOP, sản phẩm được sản xuất nuôi trồng theo quy trình VietGAP, GlobalGAP; định hướng sản xuất theo nhu cầu thị trường.BSA Media tổng hợp