Đó là thống kê tại báo cáo của Chính phủ về an toàn giao thông năm 2018 vừa được gửi đến Quốc hội.
Số liệu được thống kê tính từ ngày 16/12/2017 đến 15/9/2018 (9 tháng).
Thời gian này toàn quốc xảy ra 13.242 vụ tai nạn giao thông, làm chết 6.012 người, bị thương 10.319 người. So với 9 tháng đầu năm 2017, giảm 1.120 vụ (giảm 7,8%), giảm 113 người chết (giảm 1,84%), giảm 1.467 người bị thương (giảm 12,45%).
Tách riêng từng lĩnh vực thì tai nạn đường bộ, đường thuỷ nội địa, hàng hải, so với cùng kỳ giảm cả số vụ, số người chết và người bị thương.
Đường sắt xảy ra 114 vụ, làm chết 94 người, bị thương 49 người. So với cùng kỳ tăng 1 vụ (0,88%), giảm 4 người chết (4,08%), tăng 16 người bị thương (48,48%).
Riêng hàng không không có người chết và người bị thương, dù trong 9 tháng đã xảy ra 70 sự cố. Trong đó có 1 sự cố nghiêm trọng (mức B), 8 sự cố uy hiếp an toàn cao (mức C) và 61 sự cố có nguy cơ uy hiếp an toàn (mức D).
So với cùng kỳ năm 2017, về sự cố nghiêm trọng tăng 100%, sự cố uy hiếp an toàn cao giảm 11,1%, sự cố có nguy cơ uy hiếp an toàn tăng 17,3%, tổng sự cố tăng 14,8%.
Tính theo tỉnh, thành phố thì 9 tháng có 19 địa phương giảm trên 10% số người chết, nhưng vẫn còn 23 địa phương có số người chết tăng so với cùng kỳ 2017, trong đó 9 tỉnh tăng trên 20% là: Kiên Giang, Đăk Nông, Hậu Giang, Hải Dương, Quảng Nam, Lai Châu, Cao Bằng, Tây Ninh, Bắc Giang. Trong đó, có 3 tỉnh có số người chết tăng trên 50% là: Cao Bằng, Tây Ninh, Bắc Giang.
Phân tích nguyên nhân gây tai nạn, về phương tiện, ôtô 33,26% (tăng cao so với bình quân năm 2017, 24,3%), mô tô 60,2% (giảm so với năm 2017, 69,94%), phương tiện khác 6,5%.
Báo cáo của Chính phủ cũng dành một mục đánh giá về mức sử dụng và tai nạn giao thông liên quan đến mô tô, xe máy giai đoạn từ nay đến 2030.
Theo đó, kết quả nghiên cứu về vai trò của mô tô, xe máy trong hiện tại và tương lai ở Việt Nam do nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Việt Đức công bố ngày 27/9/2018 cho thấy mô tô, xe máy tiếp tục là phương tiện đi lại chủ yếu của người dân trong khi tỷ lệ tai nạn giao thông liên quan đến mô tô, xe máy vẫn chiếm đa số.
Cụ thể, trong giai đoạn 1995-2016, số lượng mô tô, xe máy tăng 13 lần (từ 4 triệu xe lên trên 52 triệu xe), tỷ lệ sở hữu mô tô, xe máy hiện nay ở mức cao (565 xe/1000 dân) và tiếp tục gia tăng. Riêng Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, tỷ lệ sở hữu mô tô, xe máy lên đến 700-870 xe/1000 dân, đáp ứng 80-90% nhu cầu đi lại của người dân. trung bình mỗi gia đình Việt Nam sở hữu 2.40 mô tô, xe máy.
Với 3 ưu điểm là rẻ, nhanh, linh động trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, sẽ vẫn còn khoảng trên 60% người dân chọn mô tô, xe máy để đi lại thường xuyên so với các phương tiện khác.
Tuy nhiên, nghiên cứu cũng chỉ ra mô tô, xe máy là phương tiện có tỷ lệ hành khách bị tử vong do tai nạn giao thông cao nhất với mức nguy hiểm cao gấp 4 lần ô tô con, 10 lần xe buýt, 13 lần tàu điện đô thị. Khoảng 70-80% các vụ tai nạn mô tô, xe máy do các hành vi nguy hiểm của người điều khiển.
Nghiên cứu cũng công bố kết quả khảo sát ngẫu nhiên cho thấy khoảng 14% người điều khiển mô tô, xe máy tham gia giao thông không có bằng lái.