Tiêu điểm:
Ẩm thực Việt Nam xếp thứ 9 về mức độ phổ biến trên Instagram
Các món ăn Việt Nam được xếp hạng 9 về mức độ phổ biến trên Instagram, theo nghiên cứu mới đây của tạp chí ẩm thực quốc tế Chef’s Pencil.
Tạp chí này đã phân tích các tag trên Instagram để xác định nền ẩm thực và các món ăn nào đang là xu hướng trên toàn cầu. Bởi các mạng xã hội chia sẻ hình ảnh và video đã trở thành “phòng trưng bày chính” các món ăn khi hàng triệu người chia sẻ các trải nghiệm ăn uống của họ trên mạng.
Trong tháng 2/2021, theo Chef’s Pencil, từ khóa #food đã xuất hiện trong 430 triệu post trên Instagram. Các nhà nghiên cứu phát hiện rằng món ăn Nhật Bản xếp hạng cao nhất với 15,5 triệu tag có liên quan, tiếp đó là món ăn Ý với 14,7 triệu tag và món ăn Ấn Độ với 8,5 triệu tag.
Với hơn 2,8 triệu tag, các món ăn Việt Nam được xếp hạng 9 về mức độ phổ biến trên Instagram, xếp sau Indonesia có 3,8 triệu tag và đứng trên Philippines với hơn 1,6 triệu. Các món ăn Việt Nam cũng xếp hạng trên các nền ẩm thực lâu đời ở châu Âu như Pháp và Hy Lạp.
Tạp chí Chef’s Pencil nói rằng các món ăn châu Á đã trở nên nổi tiếng hơn trong thời gian gần đây bởi tính bổ dưỡng và có ích cho sức khỏe nhiều hơn so với các món ăn phương Tây. Tạp chí này cũng cũng ghi nhận rằng thế hệ MZ – những người sinh ra từ những năm 1980 đến những năm đầu 2000 – vốn quan tâm đến sức khỏe. Thế hệ MZ có sở thích đăng trên Instagram các lựa chọn món ăn bổ dưỡng, không chỉ nhìn ngon lành kiểu sống ảo mà còn giúp cho họ trở nên đẹp hơn và khỏe mạnh hơn.
Trong một cuộc nghiên cứu tương tự của hãng nghiên cứu thị trường YouGov của Anh vào năm 2019, ẩm thực Việt Nam được xếp hạng thứ 13 trong 34 nền ẩm thực phổ biến trên toàn cầu. Cuộc khảo sát của YouGov được thực hiện từ tháng 5 đến tháng 12/2018 với 25.000 người từ 24 nước và lãnh thổ tham gia. Theo YouGov, 55% những người tham gia khảo sát đã chọn món ăn Việt Nam là lựa chọn yêu thích của họ, xếp trên tỷ lệ 54% của đồ ăn Hong Kong và tỷ lệ 50% của các món Đài Loan.
Các món ăn Ý xếp đầu bảng với 84%, tiếp theo là các món Hoa 78% và đồ ăn Nhật 71%.
Các nhà nghiên cứu nói dịch Covid-19 đã khiến mọi người phải ở nhà nhiều hơn và giết thời gian bằng cách xem video giải trí, đặc biệt là các clip về các nền ẩm thực và cách chế biến các món ăn tại nhà ngon như ở nhà hàng. Liên hoan YouTube FanFest với các đầu bếp ngôi sao và người nổi tiếng vào tháng 11/2021 khiến các món ăn châu Á được chú ý nhiều hơn.
Bản Tin Thị Trường
1/ Giá vàng miếng SJC ở mức 54,9 – 55,3 triệu đồng/lượng, tăng nhẹ 60.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và 30.000 đồng/lượng chiều bán ra, chênh lệch hai đầu vẫn 400.000 đồng như vài hôm trước. Trong khi đó, trên thị trường thế giới, giá vàng giao dịch trên sàn Kitco hiện đang ở mức 1.712,6 USD/ounce, tăng 29,7 USD/ounce, tương đương 1,76% so với chốt phiên trước. Tuy nhiên, theo giới phân tích, biến động của vàng hiện tại chỉ là sự phục hồi ngắn hạn và không phải là sự đảo ngược xu hướng.
2/ Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp trên cả nước gặp khó khăn chung kéo theo lượng lớn nhân công không có việc làm. Tuy nhiên, niên vụ mía 2020-2021 tại Gia Lai đã giúp hàng ngàn người dân có thu nhập khá do năng suất mía năm nay tăng cao hơn so với năm trước. Hiện tại, tỉnh Gia Lai có hơn 30.000ha mía, đã cuối vụ, diện tích đã thu hoạch khoảng 20.000ha với năng suất trung bình từ 65-80 tấn/ha. Mỗi ngày, một nhân công chặt được khoảng 200-250 bó sẽ có thu nhập từ 280.000-350.000 đồng/ngày. Năng suất mía tăng, hàng nghìn người dân có thu nhập thêm từ việc thu hoạch mía được xem là một cứu cánh trong đợt dịch Covid-19, trong khi các loại nông sản khác đang thất thu. Các đơn vị thu mua mía nguyên liệu trên địa bàn tỉnh Gia Lai cũng đã hỗ trợ nông dân chế phẩm sinh học, phân bón, chi phí vận chuyển để giảm tải khó khăn của người dân vùng nguyên liệu mía trên địa bàn trước ảnh hưởng của dịch.
3/ Số liệu thống kê sơ bộ vừa được Tổng cục Hải quan cho biết, trong tháng 2/2021, cả nước có 31 doanh nghiệp chính tham gia xuất khẩu khẩu trang y tế các loại với số lượng là 48,08 triệu chiếc. Như vậy, tính chung trong 2 tháng đầu năm 2021, các doanh nghiệp Việt Nam đã xuất khẩu gần 113 triệu chiếc khẩu trang y tế các loại. So với tháng 1, lượng khẩu trang xuất khẩu trong tháng 2 đã giảm mạnh 25,7%. Năm 2020, các doanh nghiệp Việt Nam đã xuất khẩu hơn 1,37 tỉ chiếc khẩu trang y tế các loại. Thị trường được các doanh nghiệp Việt Nam hướng đến là Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ…
4/ Công ty Cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) phối hợp cùng Báo VietNamNet công bố Bảng xếp hạng FAST500 – Top 500 Doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam năm 2021. Thứ hạng của các doanh nghiệp trong Bảng xếp hạng được sắp xếp dựa trên tiêu chí tăng trưởng kép (CAGR) về doanh thu và hiệu quả kinh doanh. Trong giai đoạn 2016-2019, tốc độ tăng trưởng doanh thu kép (CAGR) trung bình của Top 500 Doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam (FAST500) đạt 28,2%. Xét theo khu vực kinh tế, giai đoạn này chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ của khu vực kinh tế tư nhân, thể hiện rõ vai trò tiếp tục là động lực tăng trưởng kinh tế nước nhà. Với tốc độ tăng trưởng dương năm 2020 bất chấp tác động của đại dịch Covid-19, kinh tế Việt Nam được coi là “ngôi sao sáng” của Châu Á, trong bối cảnh nhiều quốc gia và khu vực trên thế giới phải hứng chịu những thiệt hại vô cùng nặng nề.
5/ Thủ tướng đã phê duyệt triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money). Các doanh nghiệp có giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán ví điện tử và giấy phép thiết lập mạng viễn thông công cộng di động mặt đất sử dụng băng tần vô tuyến điện hoặc các công ty con (được công ty mẹ cho phép sử dụng hạ tầng, mạng lưới, dữ liệu viễn thông) sẽ được phép tham gia thí điểm. Chính phủ cũng quy định hạn mức giao dịch không quá 10 triệu đồng/tháng đối với mỗi tài khoản Mobile Money cho tổng các giao dịch như rút tiền, chuyển tiền và thanh toán. Thời gian thực hiện thí điểm dịch vụ Mobile Money là 2 năm kể từ thời điểm doanh nghiệp đầu tiên thực hiện thí điểm được chấp thuận triển khai thí điểm dịch vụ này.
6/ Theo Reuters, nhà sản xuất và bán lẻ đồ trang sức của Đan Mạch Pandora đã thông báo rằng 25% trong số 2.700 cửa hàng trên toàn cầu của họ đã đóng cửa vào cuối tháng 2 so với con số 30% hồi đầu tháng. Theo đó, gần 700 cửa hàng trong số 2.700 điểm bán lẻ của Pandora đã phải đóng cửa vì Covid-19. Tuy nhiên, việc đóng cửa hàng loạt các điểm bán lẻ không làm ảnh hưởng đến hoạt động bán hàng của hãng. Ngược lại, Pandora cho hay, doanh số bán hàng trong tháng 2 đã tăng 12% so với cùng kỳ, trong đó, doanh số bán hàng trực tuyến đã tăng 7%. Tốc độ tăng trưởng tự nhiên ở mức 4% trong khi doanh số bán hàng thực tế cho khách chỉ tăng 1%.
7/ Dịch vụ truyền phát video trực tuyến (streaming) Disney+đã vượt mức 100 triệu người dùng chỉ trong 16 tháng kể từ khi ra mắt. thành công to lớn của Disney+ đã thôi thúc tập đoàn giải trí này trở nên tham vọng hơn nữa và tăng cường đầu tư đáng kể vào việc phát triển nội dung chất lượng cao. Dịch vụ streaming của Disney đã phát hành một số loạt phim truyền hình nổi tiếng kể từ khi ra mắt, bao gồm hai mùa phim “The Mandalorian” và series phim đầu tiên thuộc dòng phim siêu anh hùng nhà Marvel có tên “WandaVision”. Theo báo cáo từ công ty nghiên cứu thị trường Nielsen, cả hai đều là những tựa có lượng người xem cao nhất và giúp thúc đẩy lượt đăng ký dịch vụ cho Disney+. Việc Disney+ vượt mục tiêu số người đăng ký ban đầu đưa ra trước đó là 60 – 90 triệu vào tháng 11/2024 đã khiến tập đoàn phải dự tính lại. Theo dự đoán, Disney+ sẽ có 230 – 260 triệu người đăng ký vào năm 2024.
8/ JPMorgan Chase & Co sẽ khai tử ví điện tử Chase Pay của ngân hàng này vào cuối tháng 3này. Thông báo cho biết lựa chọn thanh toán thông qua ví điện tử Chase Pay sẽ bị dỡ khỏi tất cả các website và ứng dụng mua hàng. Thay vào đó, khách hàng có thể liên kết thẻ tín dụng Chase của họ với các trang hay ứng dụng mua sắm yêu thích, và cả tài khoản PayPal. Động thái mới nhất này của JPMorgan được đưa ra một năm sau khi ngân hàng này đóng ứng dụng di động của Chase Pay. Ví điện tử này ra đời năm 2015 để cạnh tranh với nhiều đối thủ, trong đó có Apple Pay.
9/ Theo Tổ chức Đường Quốc tế (ISO) nhận định, sản lượng đường thế giới năm nay sẽ đạt 169 triệu tấn, thấp hơn mức 171,1 triệu tấn dự báo trước đây. Sự sụt giảm này một phần là do điều chỉnh giảm dự báo sản lượng của Tây Âu, xuống 15,2 triệu tấn, so với 16,5 triệu tấn dự báo trước đó. Dịch bệnh và hạn hán đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất đường ở khu vực này. ISO cũng dự báo rằng tiêu thụ đường toàn cầu năm 2020/21 sẽ ở mức 173,8 triệu tấn, thấp hơn mức 174,6 triệu tấn dự báo tháng trước, nhưng vẫn cao hơn 2,1% so với tiêu thụ ở mùa trước. Như vậy, toàn cầu sẽ thiếu hụt 4,8 triệu tấn đường trong niên vụ 2020/21, nhiều hơn so với dự báo thiếu hụt 3,5 triệu tấn được đưa ra trước đó.
10/ Hãng hàng không Cathay Pacific của Hong Kong đã cho biết rằng họ đã phải gánh chịu khoản lỗ kỷ lục 21,7 tỷ dollar Hong Kong (HKD – 2,8 tỷ USD) do đại dịch Covid-19 khiến nhu cầu đi lại lao dốc trong năm 2020. Chủ tịch của Cathay Pacific đã mô tả 2020 là năm “thách thức nhất” trong lịch sử 70 năm của hãng hàng không và giờ đây, triển vọng kinh doanh sẽ phụ thuộc vào mức độ hiệu quả và độ bao phủ của các chương trình tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 đang diễn ra trên toàn cầu. Để xoay xở vượt qua khó khăn do dịch bệnh, Cathay Pacific đã cắt giảm chi phí, đóng cửa chi nhánh Cathay Dragon, cắt giảm khoảng 8.500 nhân viên và giảm lương của bộ phận quản lý. Tuy nhiên, lượng hành khách vẫn giảm 98% so với mức trước đại dịch kể từ tháng 4 năm ngoái. Vào thời điểm cuối năm 2020, cổ phiếu của Cathay Pacific đã giảm 29%.
Ricky Hồ – Lê Hiếu/BSA
Hộ chiếu vaccine chỉ giúp Thái Lan đón 2 triệu lượt du khách trong năm 2021