Doanh nghiệp lo ngại khả năng Hoa Kỳ áp thuế nhập khẩu lên hàng dệt may Việt Nam. Ảnh: CT

1/ Chứng khoán Trung Quốc phục hồi bất chấp e ngại can thiệp | Giá dầu, vàng, và đồng đều tăng

  • Bất chấp những can thiệp- sự siết chặt của Bắc Kinh lên ngành công nghệ, hoặc mới đây nhất là mảng giáo dục, chứng khoán Trung Quốc đang phục hồi với kỳ vọng vào tăng trưởng kinh tế; đặc biệt khi đồng bạc xanh Dollar vẫn tiếp tục suy yếu và Ngân hàng trung ương Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục duy trì lãi xuất thấp cho giới đầu tư.

  • Ngày 28 tháng 7, giá dầu thô WTI kỳ hạn tháng 9 trên Sở NYMEX tăng 1,03% lên mức 72,39 USD/thùng và giá dầu Brent trên Sở ICE tăng 0,35% lên mức 74,74 USD/thùng. Giá dầu thế giới đang ở mức cao nhất trong vòng 2 tuần. Nếu tính từ đầu năm tới nay, giá dầu đã tăng hơn 50%. Theo nhận định của nhiều tổ chức lớn, đây là yếu tố quan trọng để tạo đà cho giá dầu tăng lên vùng 80 USD/thùng trong quý III hoặc muộn nhất là quý IV năm nay.

  • Ngày 29 tháng 7, trong bối cảnh biến chủng Delta (Covid-19) còn hoành hành và Ngân hàng trung ương Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục duy trì lãi xuất thấp cũng như chính xách nới lỏng, vàng tăng nhẹ thêm 0,1% lên 1.801,10 USD/ounce; hợp đồng thì tương lai của vàng kết thúc tháng 8 giữ vững ở mức 1.800,50 USD/ounce.

  • Song song đó, giá hợp đồng thì tương lai của Đồng kết thúc trong quý 3 giảm nhẹ 0.5 điểm % xuống 9.714,50 USD/tấn; từ giá 9.924 USD của phiên trước,mức cao nhất kể từ ngày 15/6.

Nguồn: Reuters

2/ Việt Nam – Bỉ: Tăng cường giao thương

Riêng trong quý I năm nay, Bỉ có 78 dự án đầu tư tại Việt Nam, với tổng vốn đăng ký 1,1 tỷ USD, đứng thứ 23 trong số 131 quốc gia đầu tư vào Việt Nam.

Năm 2019, xuất khẩu của Việt Nam sang Bỉ đạt 2,9 tỷ USD, tăng 8,8% so với năm 2018. Theo đó, Việt Nam đã nhập khẩu hàng hóa của Bỉ trị giá 698 triệu USD, tăng 6,5% so với năm 2018. Trong 7 tháng đầu năm 2020, do đại dịch, Việt Nam đã ghi nhận giá trị xuất khẩu sang Bỉ trị giá 1,4 tỷ USD, giảm 17,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặt khác, Việt Nam nhập khẩu hàng hóa trị giá 459 triệu USD từ Bỉ, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Những con số này chứng minh rằng trong khi xuất khẩu của Việt Nam sang Bỉ trải qua một đợt suy thoái, nhập khẩu của Bỉ sang Việt Nam vẫn tăng trưởng, đó là một tín hiệu tích cực cho tương lai của thương mại song phương giữa hai nước. Năm 2019, trong EU, Bỉ là nhà xuất khẩu lớn thứ bảy vào Việt Nam và lớn thứ sáu vào năm 2018. Các mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Bỉ sang Việt Nam vào năm 2020 là hóa chất (46,2%) và máy móc thiết bị (13,7%). Trong khi đó, các mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam sang Bỉ là dệt may, giày dép và mũ đội đầu, và kim loại cơ bản.

Cơ hội đầu tư cho Bỉ vào Việt Nam còn ở trong nhiều ngành khác nhau như điện tử, ô tô, hậu cần, thực phẩm và thức ăn chăn nuôi, hóa chất và các thành phần năng lượng tái tạo. Ngoài các khu công nghiệp, các nhà đầu tư Bỉ cũng đóng một vai trò quan trọng trong ngành thực phẩm và đồ uống (F&B) của Việt Nam.

Cụ thể hơn, các khoản đầu tư của Bỉ tập trung vào chuỗi cung ứng của ngành, cung cấp nguyên liệu cho các nhà hàng, nhà máy F&B và bán lẻ. Với tốc độ tăng trưởng trung bình 7% và là một trong những lĩnh vực phát triển nhanh nhất tại Việt Nam, ngành F&B là một ứng cử viên đầy hứa hẹn cho các nhà đầu tư Bỉ tiếp tục đầu tư và mở rộng kinh doanh trong lĩnh vực này. Ngành công nghiệp chế biến chế tạo của Việt Nam cũng chứng tỏ là một lĩnh vực đầu tư tiềm năng của các tập đoàn Bỉ. Trong những năm qua, hầu hết các khoản đầu tư mà các nhà đầu tư Bỉ thực hiện tại Việt Nam là vào cảng biển, cơ sở hạ tầng, bất động sản, sản xuất và phát điện.

Cụ thể hơn, các lĩnh vực sản xuất như linh kiện ô tô, chuỗi cung ứng điện tử và hoàn thiện hàng may mặc là những cơ hội đầu tư hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Dược phẩm cũng là một lĩnh vực thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Các thị trường nhập khẩu dược phẩm lớn nhất của Việt Nam là EU, Ấn Độ, Mỹ và Hàn Quốc, trong khi thị trường xuất khẩu của Việt Nam là khu vực ASEAN, Nhật Bản, Síp và Mỹ. Hầu hết các nhà đầu tư EU tìm nguồn nguyên liệu dược phẩm thô từ EU, vận chuyển đến Việt Nam, sản xuất và chế biến sản phẩm tại Việt Nam trước khi họ nhập khẩu trở lại EU.

Nhờ có EVFTA, khoảng 71% thuế nhập khẩu đã được xóa bỏ. Hơn nữa, các hàng rào phi thuế quan cũng mang lại cơ hội trong việc cải thiện quyền sở hữu trí tuệ và nhập khẩu dược phẩm trực tiếp. Điều này có nghĩa là các nhà đầu tư Bỉ có thể thành lập một thực thể để nhập khẩu các sản phẩm dược phẩm và bán cho các nhà phân phối hoặc bán buôn địa phương.

Một lĩnh vực khác mà Bỉ chú trọng khi đầu tư vào Việt Nam là sản xuất xanh và năng lượng tái tạo. Việt Nam chưa tính đến năng lượng tái tạo cho đến năm 2017. Tuy nhiên, chỉ sau hai năm, vào năm 2019, Việt Nam đã vượt qua Malaysia và Thái Lan, có công suất lắp đặt các tấm pin mặt trời lớn nhất Đông Nam Á. Điều này chứng tỏ rằng công nghệ và đầu tư nước ngoài đang được khuyến khích tại Việt Nam và Việt Nam có đầy đủ các lợi thế để phát triển mạnh mẽ và nhanh chóng trong lĩnh vực này.

Vào năm 2020, Chính phủ Việt Nam thông báo sẽ đặt mục tiêu tăng gấp đôi công suất phát điện trong thập kỷ tới. Dự kiến ​​sẽ nâng tỷ trọng sản xuất năng lượng tái tạo ở Việt Nam lên 20% để giảm sự phụ thuộc vào than để sản xuất điện. Do đó, Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn đối với các dự án sản xuất năng lượng xanh và dự báo sẽ có nhiều nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các nước EU, sẽ tiếp tục thành lập và mở rộng hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực này tại Việt Nam.

Nguồn: Báo Công Thương

3/ 2021: xuất khẩu gỗ sang Anh tăng 53,5% nhờ UKVFTA

Phân tích từ số liệu thống kê cho thấy, trong 5 tháng đầu năm 2021, mặt hàng đồ gỗ sử dụng trong xây dựng như cửa gỗ, ván sàn, nép cửa,… có giá trị xuất khẩu đạt 3,46 triệu USD, tăng 42% so với cùng kỳ. Mặt hàng ghế ngồi đạt 20,12 triệu USD, tăng 37% so với cùng kỳ năm 2020. Nội thất nhà bếp xuất đạt 6,7 triệu USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2020.

Nội thất văn phòng đạt 17,69 triệu USD, tăng 17%. Giá trị xuất khẩu của mặt hàng nội thất bằng gỗ khác đạt 41,78 triệu USD, tăng 23%. Riêng sản phẩm bộ phần đồ gỗ giá trị xuất khẩu trong 5 tháng giảm 5%, chỉ đạt 2,58 triệu USD. Ở chiều ngược lại, nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ từ Anh trong 5 tháng đầu năm 2021 chỉ đạt 0,97 triệu USD, giảm 2% so với cùng kỳ.

Theo số liệu thống kê từ Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC), Anh nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ chủ yếu từ thị trường Trung Quốc và Ba Lan với tỷ trọng nhập khẩu từ 2 thị trường này chiếm 53,6% tổng trị giá nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Anh. Việt Nam là thị trường cung cấp lớn thứ 3 cho Anh, nhưng trị giá nhập khẩu từ Việt Nam chỉ chiếm 7,5% trong tổng trị giá nhập khẩu mặt hàng này của Anh.

Tận dụng Hiệp định UKVFTA

Hiệp định UKVFTA đi vào thực thi, nhiều mặt hàng gỗ và sản phẩm từ gỗ có thuế suất về 0% trong vòng 5 năm (gỗ nguyên liệu hiện có thuế suất 2-10%). Theo đánh giá của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), đồ gỗ là một trong các ngành hàng xuất khẩu được hưởng lợi lớn từ Hiệp định UKVFTA. Do đó, vẫn còn nhiều dư địa để các doanh nghiệp ngành gỗ của Việt Nam khai thác.

Mặt khác, nhờ giá cả có tính cạnh tranh cao, nguyên liệu tốt, chất lượng sản phẩm cao. Gỗ cao su từ Việt Nam cũng là loại gỗ mà Anh hay cả EU đều không trồng được nhiều. Đây là những lợi thế của gỗ và sản phẩm gỗ Việt tại thị trường Anh.

Thêm nữa, một số công ty lớn trong ngành gỗ tại Anh đã có cơ sở sản xuất hoặc ký hợp đồng đối tác dài hạn với các nhà sản xuất tại Việt Nam như IKEA, nhà bán lẻ đồ gỗ nội thất thị phần lớn nhất tại Anh.

Hiện Việt Nam là nước xuất khẩu gỗ nhiều thứ 6 vào thị trường Anh sau Trung Quốc, Ý, Đức, Ba Lan, Mỹ.

Nguồn: Báo Công Thương

Xưởng sản xuất của Công ty CP chế biến gỗ nội thất Pisico (Bình Định)

4/ Xúc tiến kinh doanh với doanh nghiệp Thụy Sĩ

Thụy Sĩ hiện là nhà đầu tư châu Âu lớn thứ 6 của Việt Nam (và thứ 19 trong danh sách các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam), quan hệ thương mại, đầu tư, hợp tác phát triển, viện trợ nhân đạo và giao lưu nhân dân giữa hai nước ngày càng được mở rộng. Hơn 100 doanh nghiệp Thụy Sĩ đang hoạt động ở Việt Nam.

Lĩnh vực mà các doanh nghiệp Thụy Sĩ vốn có thế mạnh là tài chính-ngân hàng, bảo hiểm thì còn chưa hiện diện nhiều. Để có thể quảng bá, thu hút đầu tư của Thụy Sĩ trong giai đoạn tiếp theo, việc tổ chức các tọa đàm, hội thảo như hôm nay là rất cần thiết.

Chỉ tính riêng từ năm 2016 đến 2019, vốn đầu tư vào các công ty khởi nghiệp công nghệ đã tăng 8 lần, đạt mức cao nhất là 861 triệu USD vào năm 2019.

Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng đã phát triển một hệ sinh thái mạnh mẽ cho các công ty khởi nghiệp công nghệ.

Các lĩnh vực như thương mại điện tử, công nghệ tài chính (fintech), trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ thực phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin đã thống trị các vòng gọi vốn trong những năm gần đây.

Ông Felix Urech, CEO công ty Enriching (tư vấn về quản lý doanh nghiệp cấp cao), từng nhiều lần đến Việt Nam đã chia sẻ kinh nghiệm và cảm nhận thực tế về những thay đổi lớn lao và thành tựu phát triển ở Việt Nam, cho rằng Việt Nam có những tiềm năng lớn thực sự hấp dẫn đối với doanh nghiệp Thụy Sĩ. Bên cạnh chiến lược tốt và nỗ lực của doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài, sự hỗ trợ của chính quyền địa phương ở Việt Nam là rất quan trọng để hiện thực hóa ý tưởng kinh doanh, đầu tư.

Về khía cạnh hội nhập quốc tế, Việt Nam đạt được rất nhiều thành tựu, đã ký kết hàng loạt các Hiệp định về các lĩnh vực kinh tế, trong đó có nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) với các nước như FTA giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), giữa Việt Nam và Vương quốc Anh (UKVFTA).

Việt Nam và Khối Thương mại tự do châu Âu (EFTA) bao gồm 4 nước Thụy Sĩ, Na Uy, Iceland và Liechtenstein cũng đang đẩy nhanh tiến trình đàm phán để sớm hoàn tất việc ký kết FTA.

Nguồn: VietnamPlus

5/ Xuất khẩu cá tra: Chưa kịp mừng đã vội lo

Tháng 6/2021, giá trị xuất khẩu cá tra sang Mỹ đạt 34,4 triệu USD, tăng 68%. Tính đến hết tháng 6/2021, tổng giá trị xuất khẩu sang thị trường này đạt 168,7 triệu USD, tăng 57,7% so với cùng kỳ năm 2020.

Là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3, nửa đầu năm nay, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang khối nước CPTPP tăng nhẹ 8,8%, đạt 108,4 triệu USD. Trong đó, nhiều doanh nghiệp đã tích cực chuyển hướng xuất khẩu sang Mexico, Canada và Australia khi thị trường EU, ASEAN bị gặp khó. Tính đến hết tháng 6/2021, tổng giá trị xuất khẩu sang Mexico đạt 37 triệu USD, tăng 78,3%; sang Canada đạt 18,1 triệu USD, tăng 17,7% và sang Australia đạt 15,4 triệu USD, tăng 5,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Khó khăn bủa vây

Bất cập đến từ nguyên liệu chờ kiểm dịch ở cảng. Hiện 80 – 85% thủy sản nhập khẩu vào Việt Nam hàng năm là các sản phẩm để sản xuất và gia công hàng xuất khẩu. Do tình hình chống dịch khó khăn, Cơ quan Thú y Vùng 6 chỉ chấp nhận tiến hành kiểm dịch các lô hàng thủy sản tại cảng. Còn nếu doanh nghiệp mang hàng về kho của doanh nghiệp (theo quy định từ trước tới nay) thì phải chờ đến hết dịch Covid-19, cán bộ thú y mới tới kiểm hàng được. Điều này thì bất khả thi cho sản xuất kinh doanh. Việc ách tắc ở khâu kiểm tra nhập khẩu sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động chế biến của các doanh nghiệp thuỷ sản. VASEP và các doanh nghiệp thuỷ sản đã đề xuất với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) và Cục Thú y xem xét có phương án hỗ trợ cho việc duy trì sản xuất kinh doanh, lưu thông được hàng hoá, nguyên liệu phục vụ sản xuất kinh doanh trong bối cảnh Covid-19 hiện nay.

Ở đầu xuất khẩu, 6 tháng đầu năm nay, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc đạt 206,5 triệu USD, giảm 0,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tháng 6/2021, giá trị xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc giảm 11,3%. Ông Dương Nghĩa Quốc- Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam – cho biết, mặc dù Trung Quốc là một trong những điểm sáng cho thị trường cá tra năm nay, tuy nhiên, xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc lại có xu hướng chững lại do các yêu cầu kiểm dịch khắt khe với thực phẩm đông lạnh.

EU một trong những thị trường xuất khẩu cá tra lớn của Việt Nam, nhưng theo VASEP, tính tới cuối tháng 5/2021, khoảng gần 25 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam thoái lui khỏi thị trường EU. Cước vận tải biển quốc tế tăng gấp 5-7 lần, trong khi đó, giá xuất khẩu tại nhiều thị trường đứng im nên nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cá tra khó duy trì doanh thu, thị phần ở thị trường này. Tính đến nửa đầu tháng 6, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang EU đạt 51 triệu USD, giảm 21% so với năm 2020.

Ông Trần Đình Luân – Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) – cho hay, hiện nay cái khó của doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản sang EU vẫn là chi phí vận chuyển, giá container. Cước tàu đi EU tăng gấp 5 lần so với thời điểm trước khi bùng dịch Covid-19, từ 2.000 USD/cont lên 11.000 USD/cont. Với những chi phí như vậy, doanh nghiệp không có lãi và tạm dừng xuất khẩu. Tuy nhiên, việc này chỉ diễn ra trong ngắn hạn bởi khu vực này vẫn đang thực hiện giãn cách xã hội, nhu cầu tiêu thụ giảm mạnh. Khi dịch Covid-19 được kiểm soát, thị trường EU mở cửa trở lại, nhu cầu tiêu thụ sẽ phục hồi trở lại.

Nguồn: Báo Công Thương

6/ Giải toả về khả năng Hoa Kỳ áp thuế nhập khẩu đối với dệt may Việt Nam

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhấn mạnh, trọng tâm của khung chính sách tiền tệ là thúc đẩy ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát. Việt Nam xác nhận rằng, Việt Nam tuân theo các điều khoản thỏa thuận của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) để tránh thao túng tỷ giá hối đoái nhằm ngăn chặn việc điều chỉnh cán cân thanh toán hoặc đạt được lợi thế cạnh tranh không lành mạnh.

Sau khi Bộ Tài chính Hoa kỳ ra thông báo, Trưởng đại diện của Cơ quan đại diện Thương mại Hoa Kỳ USTR – bà Katherine Tai – cũng đã ra tuyên bố, hoan nghênh thỏa thuận giữa Bộ Tài chính Hoa Kỳ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đồng thời đề cao Việt Nam vì đã cam kết trong việc “giải quyết các mối quan ngại” của Hoa Kỳ.

Theo Vitas, tuyên bố này đã giúp giải tỏa phần lớn những lo ngại của đông đảo doanh nghiệp và nhà đầu tư về việc Hoa Kỳ có khả năng áp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam theo điều khoản 301, trong đó có mặt hàng dệt may.

Được biết, trong thời gian qua, Vitas đã tham gia tích cực vào nhóm công tác về Điều khoản 301, cùng các cơ quan quản lý nhà nước, các hiệp hội ngành hàng, tổ chức trong nước và quốc tế, các hiệp hội tổ chức ngành hàng lớn tại Hoa Kỳ để cùng đưa ra tiếng nói bảo vệ quyền lợi cho doanh nghiệp Việt Nam tránh nguy cơ áp thuế nhập khẩu. Điều này càng quan trọng hơn trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đòi hỏi các bên phải ưu tiên nhiều hơn cho vấn đề tiêm chủng vắc xin, giải quyết khủng hoảng container trên toàn cầu và các vấn đề về lao động và môi trường.

Nguồn: Báo Công Thương

7/ Châu Phi: tiềm năng cho nhiều loại hàng hoá Việt Nam

Với quy mô dân số lớn khoảng 1,3 tỷ người, đặc biệt có nhu cầu nhập khẩu cao nhiều loại mặt hàng phù hợp với hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, châu Phi thực sự là khối thị trường mang lại đa dạng cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam.

Lãnh đạo Cục Xúc tiến thương mại cũng thông tin: Các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực châu Phi ngày càng đa dạng. Bên cạnh các mặt hàng như nông sản, dệt may, da giày đã có thêm những mặt hàng công nghiệp có giá trị gia tăng cao như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, điện thoại di động, máy móc, thiết bị phụ tùng …

Phân tích tổng quan về tình hình xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và châu Phi trong thời gian vừa qua, bà Nguyễn Minh Phương- Vụ Thị trường châu Á – châu Phi (Bộ Công Thương) cho hay: Từ năm 2017 đến hết năm 2020 kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sang châu Phi luôn tăng. Việt Nam gần như xuất siêu tuyệt đối sang thị trường khu vực này. Trong đó, Nam Phi là thị trường xuất khẩu chính với kim ngạch năm 2020 đạt 681 triệu USD, giảm hơn mức 800 triệu USD năm 2019, tiếp đến là Ai Cập, Ga-na, Bờ Biển Ngà…

Nhu cầu lớn về mặt hàng nông sản, hàng tiêu dùng

Về các mặt hàng tiềm năng mà thị trường châu Phi có nhu cầu lớn, ông Cao Minh Tú – Vụ Thị trường châu Á – châu Phi chỉ ra: Nhóm hàng nông sản là ưu tiên hàng đầu. Trong đó, mặt hàng gạo – năm 2020 châu Phi nhập khẩu gạo từ Việt Nam với trị giá 596,1 triệu USD. Nhu cầu về mặt hàng này ngày một tăng, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, vấn đề đảm bảo an ninh lượng thực được Chính phủ các nước châu Phi đặt lên hàng đầu. Tiếp đến là mặt hàng cà phê, hạt tiêu, nhu cầu tiêu dùng lớn trong khi sản xuất nội khối của châu Phi không đáp ứng đủ. Về mặt hàng thuỷ sản, nhất là các loại cá nước ngọt ngày càng được người dân châu Phi ưa dùng do thay đổi thói quen tiêu dùng thịt sang các loại thuỷ sản. Hơn nữa, năng lực đánh bắt nuôi trồng một số loại thuỷ sản của các nước trong khối không cao.

Nhóm hàng tiêu dùng như dệt may, giày dép cũng còn nhiều dư địa xuất khẩu sang châu Phi, do thu nhập của người dân được cải thiện, gu thẩm mỹ và sở thích thời trang đa dạng.

Ngoài 2 nhóm hàng trên, nhóm hàng thiết bị và vật tư y tế, xe máy và linh kiện, phụ tùng, máy phát điện, máy bơm nước là những mặt hàng có khả năng cao xuất khẩu thành công sang châu Phi.

Dù tiềm năng xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam sang thị trường khối châu Phi được đánh giá còn lớn, Doanh nghiệp Việt Nam cần thận trọng trong giao thương với đối tác châu Phi khi tình trạng lừa đảo trong giao dịch đã xảy ra.

Nguồn: Báo Công Thương

Hạt tiêu – một trong những mặt hàng nông sản có tiềm năng xuất khẩu của Việt Nam sang châu Phi.

8/ Cuộc đua lập hãng hàng không chuyên chở hàng hóa

Với sự xuất hiện của đại dịch Covid-19, mảng chở hàng đã mang lại hiệu quả, trong khi đó mảng vận chuyển hành khách gần như đứng im trong vài tháng nay. Cụ thể, doanh thu hàng hóa của Vietnam Airlines tăng nhanh, từ 10% trước đây lên 30%. Thậm chí trong tháng 6 đầu năm, doanh thu hàng hóa còn vượt cả doanh thu hành khách.

Một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy Vietnam Airlines quyết tâm thành lập hãng cargo có lẽ đến từ sự rầm rộ gia nhập cuộc đua của “vua hàng hiệu” Johnathan Hạnh Nguyễn trong thời gian gần đây.

Hồi trung tuần tháng 6, Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPP) đã đưa ra đề xuất thành lập Hãng hàng không IPP Air Cargo, hướng tới mục tiêu vận tải hàng hóa hoạt động trong phạm vi nội địa và quốc tế. Dự án có tổng mức đầu tư ban đầu 2.400 tỉ đồng, dự kiến cất cánh vào năm sau. Hãng bay này sẽ kết nối với hệ thống kho bãi đang xây dựng, vận chuyển khoảng 115.000 tấn hàng hóa và đạt doanh thu 71 triệu đô la. Tuy nhiên trong giai đoạn này thì Cục Hàng không vẫn chưa xem xét đề xuất của doanh nghiệp này.

Trong khi đó, các hãng bay còn lại như Bamboo Airways hay Vietjet Air mới đây cũng úp mở với cổ đông về khả năng thành lập hãng bay chuyên chở hàng hóa.

Năm ngoái, Vietjet Air là hãng bay đầu tiên trong nước áp dụng phương án tháo dỡ ghế hành khách để vận tải hàng hóa. Trong giai đoạn này, lượng hàng hóa hãng vận chuyển đạt hơn 60.000 tấn giữa các nước, doanh thu vận tải hàng hoá tăng 75% so với năm trước. Chỉ trong quí 4-2020, doanh thu bán vận chuyển hàng hóa trong và ngoài nước của Vietjet Air tăng nhanh, đạt 75%, cả năm 2020 tăng trưởng 16%.

Mới đây, Vietjet và hãng chuyển phát UPS (Mỹ) ký một thỏa thuận gia tăng năng lực khai thác vận tải hàng hóa trong nước và quốc tế. Theo đó, Vietjet có quyền tiếp cận các chuyến bay trên mạng lưới vận chuyển hàng hóa quốc tế của UPS từ châu Á, trong khi hãng chuyển phát nhanh của Mỹ sẽ có thể sử dụng các dịch vụ của Vietjet tại Việt Nam, Thái Lan và khu vực châu Á.

Với Bamboo Airways, mới đây lãnh đạo doanh nghiệp này cũng đã chia sẻ về tham vọng của hãng về lĩnh vực vận chuyển hàng hóa. Trước đó, hãng này cũng đã triển khai và xây dựng bộ tiêu chuẩn vận chuyển hàng hóa theo tiêu chuẩn của IATA, phát triển các đường bay chở hàng định kỳ như tuyến Hà Nội – Incheon (Hàn Quốc). Vì vậy, Bamboo Airways sẽ phát triển những máy bay chuyên dụng chở hàng hoá và lên kế hoạch cho ra đời Bamboo Airways Cargo.

Nguồn: Tạp chí Kinh tế Sài Gòn

9/ Loay hoay bảo quản trái nhãn xuất khẩu

Chưa có phương thức bảo quản hữu hiệu

Ông Phạm Văn Hiển – Giám đốc, đại diện Công ty Xuất nhập khẩu LTP Import Export B.V, Hà Lan – cho hay: Doanh nghiệp đã nhập khẩu thử nhãn Sơn La sang EU, sử dụng phương thức đóng gói cắt rời quả, đóng thùng xốp và nhập khẩu theo đường hàng không. Tại thời điểm hàng xuống đến sân bay, cơ quan hải quan kiểm tra đạt chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, chỉ sau 2 ngày đưa về hệ thống phân phối, trái nhãn đã bị ướt vỏ và hỏng. Nguyên do, đối tác tại Việt Nam sơ chế, rửa trái nhãn nhưng không sấy khô trước khi đóng thùng, khiến sản phẩm bị ẩm ướt và nhanh hỏng.

Một vấn đề nữa, theo đại diện Công ty Xuất nhập khẩu LTP Import Export B.V, do thời gian bảo quản ngắn, nhập khẩu nhãn phải đi bằng đường hàng không, chi phí rất cao khiến nhãn Việt Nam khó cạnh tranh được với nhãn Thái Lan.

Hướng đến chế biến sâu

Tương tự như trái vải, trái nhãn của Việt Nam khá đa dạng về chủng loại và được người tiêu dùng nhiều quốc gia ưa chuộng. Nhãn Việt Nam đã được một số thị trường lớn và người tiêu dùng trên thế giới biết đến như Trung Quốc, Australia, Mỹ, Singapore, Hàn Quốc, Malaysia, Nhật Bản, EU, Trung Đông… Theo ông Đặng Phúc Nguyên – Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, năm 2020 Việt Nam xuất khẩu 28 triệu USD giá trị sản phẩm nhãn tươi, 2 triệu USD nhãn sấy khô, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu nhiều nhất. “Vụ nhãn năm nay, dự kiến Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu chính của quả nhãn Việt Nam”, ông Nguyên nói.

Khẳng định Ôn Châu (Trung Quốc) là thị trường tiềm năng với trái cây tươi trong đó có trái nhãn của Việt Nam, tuy nhiên, ông Dư Tâm Thâm – Phó Chủ tịch Ủy ban Xúc tiến thương mại quốc tế Ôn Châu – vẫn lưu ý: Ngoài chất lượng sản phẩm, doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất của Việt Nam chú trọng chế biến sâu sản phẩm, ứng dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất, bảo quản, nhất là đối với sản phẩm nước trái cây đóng hộp, sấy khô…

Chế biến sâu trái cây tươi, trong đó có quả nhãn, vẫn là giải pháp hữu hiệu đảm bảo giá trị cho nông sản xuất khẩu của Việt Nam. Làm được điều này cần chiến lược dài hạn và sự chung sức của cả doanh nghiệp, cơ quan nghiên cứu khoa học và người dân vùng trồng. Với niên vụ nhãn trước mắt, để có thể xuất khẩu sản phẩm, đại diện cho nhiều thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, ông Trần Ngọc Quân – Tham tán thương mại Việt Nam tại Bỉ và EU – lưu ý: Doanh nghiệp đầu tư nhiều hơn cho công nghệ bảo quản, giữ được chất lượng quả nhãn trong thời gian dài hơn; đảm bảo hàm lượng dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong ngưỡng cho phép. Riêng xuất khẩu vào thị trường EU, doanh nghiệp cần 2 giấy chứng nhận, gồm: Giấy chứng nhận đảm bảo không có sinh vật ngoại lai gây hại và giấy chứng nhận về không có dư lượng theo tiêu chuẩn của EU.

Nguồn: Báo Công Thương

10/ EU ra quy định mới, xuất khẩu sắt thép, xi măng sẽ gặp khó?

Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) vừa được EU đề xuất ngày 14/7/2021, ban đầu sẽ áp dụng đối với nhập khẩu hàng hóa gồm: Xi măng, sắt thép, nhôm, phân bón và điện.

Ngày 11/3/2021, Nghị viện châu Âu đã bỏ phiếu thông qua Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), theo đó sẽ đánh thuế đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu từ các quốc gia không có cơ chế định giá carbon.

Ngày 14/7/2021, Ủy ban châu Âu đã trình bày đề xuất lập pháp về CBAM. Theo đề xuất, các nhà nhập khẩu sẽ phải báo cáo lượng khí thải có trong hàng hóa nhập khẩu của họ mà không phải trả một khoản điều chỉnh phí nào trong giai đoạn chuyển tiếp từ năm 2023 đến hết năm 2025. Điều này sẽ tạo điều kiện và thời gian cho hệ thống cuối cùng được áp dụng vào năm 2026.

CBAM được EU đề xuất ngày 14/7 vừa qua, ban đầu sẽ áp dụng đối với nhập khẩu hàng hóa gồm: Xi măng, sắt thép, nhôm, phân bón và điện. Đây là những ngành, lĩnh vực có nguy cơ rò rỉ carbon cao và có lượng khí khải carbon cao, chiếm 94% lượng khí thải công nghiệp của EU.

CBAM sẽ áp dụng đối với việc phát trải trực tiếp khí CO2 ra môi trường trong quá trình sản xuất các sản phẩm trên.

Vào cuối giai đoạn chuyển đổi của cơ chế, tức năm 2025, Ủy ban châu Âu sẽ đánh giá CBAM đang hoạt động như thế nào và có thể mở rộng phạm vi hoạt động của mình sang nhiều sản phẩm và dịch vụ hơn, bao gồm cả chuỗi giá trị và có thể bao gồm “phát thải gián tiếp” (ví dụ như khí thải carbon từ việc sử dụng điện để sản xuất hàng hóa).

Dù không nằm trong danh sách “top” 5 quốc gia xuất khẩu nhiều nhất các mặt hàng trong một số lĩnh vực bị xem xét của EU, Việt Nam lại nằm trong “top” 5 quốc gia xuất khẩu nhiều nhất các sản phẩm trong ngành công nghiệp sản xuất vào Thụy Điển.

Bên cạnh CBAM của EU, Thụy Điển là quốc gia đi đầu về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững có thể sẽ đưa ra các quy định và mức thuế riêng lên một số sản phẩm nhất định để bảo vệ môi trường.

Nguồn: Báo Hải quan

11/ Đơn hàng dệt may có dấu hiệu di chuyển ra khỏi Việt Nam

Đó là chia sẻ của ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam – về một phần tác hại của đợt bùng dịch lần thứ tư đối với các doanh nghiệp dệt may trong nước.

Dự báo về tình hình sản xuất, xuất khẩu của ngành trong nửa cuối năm 2021, ông Vũ Đức Giang cho rằng sẽ có rất nhiều thách thức, bao gồm cả thách thức của năm 2020, nửa đầu năm 2021 kéo dài và tác hại từ đợt dịch bệnh mới đang bùng phát, mà điểm nóng là tại các tỉnh, thành phố phía Nam.

Trong đó, cho dù đơn hàng đã có đến hết quý III, thậm chí là hết năm nay nhưng giá giảm sâu, doanh nghiệp rất áp lực cân bằng giữa sản xuất, đảm bảo việc làm cho người lao động với lợi nhuận thu được. Các nhãn hàng áp dụng tiêu chuẩn đánh giá ngày một cao về nhà xưởng, trang thiết bị, an toàn cháy nổ, lao động, kể cả tổ chức công đoàn. Trường hợp không đáp ứng, doanh nghiệp sẽ không nhận được đơn hàng.

Các nhãn hàng cũng yêu cầu cho thanh toán chậm 2-3 tháng, thậm chí 6 tháng. Điều này nằm ngoài kế hoạch bố trí tài chính ban đầu của doanh nghiệp. “Cái khó của doanh nghiệp là nếu không chấp nhận thì không có đơn hàng, chấp nhận thì rất khó xoay sở dòng tiền bởi các ngân hàng thương mại trong nước không chấp nhận khoản vay dài hạn như vậy, rủi ro rất cao”, ông Giang nói.

Mặt khác, dù đơn hàng đã tăng trở lại, tuy nhiên những mặt hàng thế mạnh của dệt may Việt Nam như veston, sơmi vẫn chưa khôi phục. Số đơn hàng veston quay trở lại Việt Nam mới đạt 27%. Từ cuối tháng 6/2021, nhiều nhà máy sản xuất veston đã phải bỏ vốn đầu tư thiết bị dây chuyền mới để sản xuất các mặt hàng khác, bao gồm cả khẩu trang vải. Tuy nhiên, trong vòng 1 tháng trở lại đây chỉ những doanh nghiệp đầu tư thiết bị sản xuất khẩu trang đáp ứng các tiêu chuẩn cao của ngành y tế, như khẩu trang N95 còn sản xuất tốt, các loại khẩu trang thông thường cũng ít dần đơn hàng.

Đặc biệt, thời điểm hiện tại, 97% số doanh nghiệp dệt may phía Nam phải đóng cửa. Chỉ còn số ít doanh nghiệp chuẩn bị trang thiết bị, thực hiện “3 tại chỗ” theo chỉ đạo của Chính phủ và địa phương, cố gắng duy trì sản xuất để các nhãn hàng thấy dệt may Việt Nam đang nỗ lực vượt dịch, giữ đơn hàng. “Chúng tôi mới nhận được thông tin, trước rủi ro lớn do tình hình dịch bệnh ngày một phức tạp, một số nhãn hàng đã chuyển đơn hàng ra khỏi Việt Nam, có đơn quay lại thị trường Trung Quốc”, ông Giang thông tin.

Dịch bệnh đang làm đảo lộn cả ngành công nghiệp dệt may của Việt Nam. Nếu trong thời gian ngắn tới dịch bệnh tại các tỉnh, thành phố phía Nam chưa được kiểm soát tốt hơn, đơn hàng dệt may tiếp tục di chuyển ra khỏi Việt Nam thì hậu quả sẽ rất nghiêm trọng. Không có đơn hàng, không thể sản xuất, doanh nghiệp không có doanh thu, người lao động không có việc làm. Việc đảm bảo đời sống an sinh cho người lao động sẽ là áp lực lớn cho nền kinh tế và xã hội.

Nguồn: Báo Công Thương

12/ COVID-19 thúc đẩy các doanh nghiệp chuyển đổi số

Theo một khảo sát do Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) mới tiến hành gần đây đối với các doanh nghiệp công nghệ thông tin và viễn thông cho thấy, hơn 82% ý kiến phản hồi rằng “cú hích” của đại dịch COVID-19 đã đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số ở các doanh nghiệp.

Cốt lõi của chuyển đổi số là hệ thống nghiệp vụ của doanh nghiệp hay còn gọi là hệ thống hoạch định nguồn lực doanh nghiệp.

Cũng theo các chuyên gia tham gia khảo sát của Vietnam Report, chuyển đổi số dành cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) thường sử dụng các ứng dụng để ở chế độ đám mây (on cloud).

Bản thân các doanh nghiệp đó không xây dựng mạng nội bộ như trước đây và phần lớn đẩy hết lên cloud.

Họ cũng không mua các ứng dụng được đặt hàng riêng cho từng doanh nghiệp mà dùng trực tiếp các ứng dụng khá chuyên nghiệp và được thiết kế chung cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Đây chính là mảng thị trường mà các doanh nghiệp công nghệ thông tin viễn thông Việt Nam đang làm khá tốt.

Tuy nhiên, vì số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa quá lớn dẫn đến mỗi doanh nghiệp lại có một nhu cầu riêng, nên khoảng trống này sẽ là điều kiện cho các doanh nghiệp công nghệ thông tin phát huy năng lực của mình.

Trong một nghiên cứu mới đây do Vietnam Report tiến hành liên quan tới ngành công nghệ thông tin và viễn thông đã chỉ ra 5 chiến lược cần ưu tiên của các doanh nghiệp công nghệ để ứng phó với bối cảnh dịch bệnh.

Theo đó, lần lượt sẽ là tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; nâng cao hệ thống quản trị, đặc biệt là hệ thống quản trị rủi ro; tăng cường hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D); nâng cao năng lực cạnh tranh so với những đối thủ công nghệ khác và cải thiện chất lượng dịch vụ chăm sóc khách hàng.

Theo ông Vũ Đăng Vinh, Tổng Giám đốc Vietnam Report, trước những khó khăn từ sự thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, các doanh nghiệp công nghệ thông tin và viễn thông trong thời gian tới sẽ tập trung đẩy mạnh việc tăng cường đào tạo nguồn nhân lực để đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao trong công việc.

Cụ thể, đã có nhiều doanh nghiệp sử dụng mô hình đào tạo Fresher, nghĩa là tiếp cận và mời các bạn sinh viên có tiềm năng đến thực tập tại công ty ngay từ khi còn đang học năm 3, năm 4 để đào tạo và áp dụng các kiến thức được học trong môi trường thực tế.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng tạo điều kiện để nhân viên học thêm các khóa đào tạo về công nghệ thông tin và nâng cao trình độ ngoại ngữ thông qua việc mua các tài khoản học trực tuyến.

Song song với đó, hệ thống sẽ thống kê và có phần thưởng nhằm khuyến khích và ghi nhận sự tiến bộ của từng nhân viên trong công ty.

Chiến lược ưu tiên tiếp theo của các doanh nghiệp công nghệ thông tin là nâng cao hệ thống quản trị, đặc biệt là hệ thống quản trị rủi ro.

Sau nhiều biến động trong thời gian vừa qua, với sự xuất hiện và tác động rất lớn từ đại dịch COVID-19, trong năm 2021, nhiều doanh nghiệp công nghệ thông tin và viễn thông vẫn sẽ tiếp tục nâng cao hệ thống quản trị; đồng thời, tăng cường hoạt động nghiên cứu và phát triển để nâng cao năng lực cạnh tranh so với các đối thủ công nghệ khác.

Nguồn: VietnamPlus

13/ Xuất khẩu tôm khó duy tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm

Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội thủy sản Việt Nam (VASEP), tăng trưởng xuất khẩu tôm sang EU trong 6 tháng cuối năm có thể sẽ chững lại, tác động từ dịch bệnh Covid-19 và thẻ vàng IUU là những nguyên nhân chính. Trong đó, dịch bệnh Covid-19 đang là mối lo của tất cả các nhà máy chế biến, xuất khẩu ở ĐBSCL. Ở thời điểm hiện tại, khâu nuôi trồng đến chế biến và xuất khẩu đều đang phải gấp rút chạy cho kịp các đơn hàng.

Tuy vậy, việc thực hiện các quy định về phòng chống dịch bệnh theo Chỉ thị 16 khiến cho công suất sản xuất ở mỗi doanh nghiệp chỉ khoảng 20-30%. Mặc dù các doanh nghiệp thủy sản đã có những kịch bản ứng phó kỹ càng, nhưng chỉ cần một khâu bị đứt gãy thì thiệt hại sẽ kéo theo chuỗi giá trị từ doanh nghiệp – người nông dân – công nhân đều bị sụp đổ.

Ngoài ra, giá cước vận chuyển tăng cao trong thời gian qua cũng khiến việc xuất khẩu sang châu Âu gặp khó. Theo ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần thủy sản và thương mại Thuận Phước (Đà Nẵng), hiện giá cước vận chuyển mỗi container 40 feet từ Việt Nam đến cảng Hamburg (Đức) đã trên 10 ngàn đô la Mỹ, chiếm gần 30% giá trị đơn hàng. Trong khi đó, một số đối tác tại EU không đồng ý chia sẻ mức phí này với doanh nghiệp Việt Nam. 

Trong 6 tháng đầu năm nay, mặc dù vẫn có sự tác động tiêu cực từ dịch bệnh Covid-19, nhưng trừ thị trường Trung Quốc, xuất khẩu tôm Việt Nam sang các thị trường như Mỹ, EU và khối các thị trường tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đều tăng trưởng ở mức 2 con số từ 14% đến 36%. Nhật Bản và Hàn Quốc đều giảm tăng trưởng kinh tế cộng với ảnh hưởng của Covid-19 nhưng xuất khẩu tôm Việt Nam sang các thị trường này vẫn tăng nhẹ 3% đến 4%. Đáng chú ý, hai thị trường Úc và Nga, mặc dù không phải là những thị trường nhập khẩu lớn nhưng lại ghi nhận các mức tăng trưởng ấn tượng 80% đến 90%.

Nguồn: Tạp chí Kinh tế Sài Gòn

14/  Nguy cơ gãy chuỗi cung ứng do quy định chống dịch thiếu đồng nhất

Công ty cổ phần Tổng công ty May Bắc Giang hiện đang đẩy nhanh tiến độ để kịp trả đơn hàng cho đối tác. Thế nhưng đến nay, công ty này đã phải xin gia hạn giao hàng đến một tháng vì phải tạm dừng hoạt động gần 3 tuần để phòng chống dịch COVID-19.

Dù vậy, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tổng công ty May Bắc Giang cho biết, nguy cơ tiếp tục trả đơn hàng chậm, thậm chí hủy đơn hàng vẫn có thể xảy ra.

Lý do là vừa qua, ngày 24/7, công ty cần 8 xe container để chở hàng xuất và nhập khẩu đi về giữa Bắc Giang-Hải Phòng nhưng phía đối tác vận tải chỉ thu xếp được 5 xe do khó khăn về thủ tục khi qua các chốt kiểm dịch tại tỉnh Hải Dương.

Theo đại diện Công ty Bình Minh – đối tác của May Bắc Giang, từ ngày 20/7, khi tỉnh Hải Dương thực hiện Công điện số 03/CĐ-UBND đã triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 và lập các chốt kiểm soát, việc vận chuyển hàng hóa gặp khó khăn liên quan đến giấy xét nghiệm.

Cụ thể, từ 0 giờ ngày 20/7, tỉnh Hải Dương yêu cầu người vào tỉnh phải có giấy xét nghiệm PCR âm tính SAR-CoV-2 có hiệu lực trong 72 giờ (kể từ khi lấy mẫu), nếu không phải thực hiện test nhanh kháng nguyên tại chốt, âm tính mới được vào tỉnh.

Trong khi đó, doanh nghiệp này ở Hải Phòng và khi làm xét nghiệm PCR cho tài xế thường phải mất 2 ngày kể từ khi lấy mẫu mới có kết quả.

Như vậy, tài xế chỉ có một ngày chạy xe container từ Hải Phòng qua Hải Dương để sang các nhà máy tại Bắc Giang, Thái Nguyên, tương đương với một chuyến xe/ngày.

Rõ ràng, hiệu quả kinh tế rất thấp khi chi phí xét nhiệm lên tới 720.000 đồng/lần xét nghiệm PCR. Do đó, doanh nghiệp đã chọn làm xét nghiệm nhanh cho tài xế với mức phí chỉ hơn 200.000 đồng/lần.

Tuy nhiên, các chốt tại Hải Dương lại có cách làm khác nhau. Chẳng hạn, trong ngày 24/7, tại chốt Tiền Trung (từ Quốc lộ 5 cũ sang Quốc lộ 37 đi Bắc Giang) yêu cầu kết quả xét nghiệm nhanh chỉ có hiệu lực trong ngày, trong khi tại chốt Phả Lại chấp nhận kết quả này trong vòng 24 giờ.

Cũng tại chốt Tiền Trung, những ngày trước vẫn chấp nhận kết quả xét nhiệm nhanh trong vòng 24 giờ.

Tại Nam Định, chấp nhận kết quả này trong vòng 48 giờ, trong khi đó, theo hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế tại Công văn số 5753/BYT-MT ngày 19/7/2021, kết quả xét nghiệm PCR hoặc test nhanh kháng nguyên có hiệu lực trong 72 giờ kể từ khi lấy mẫu, đại diện Công ty Bình Minh thông tin.

Đây cũng là tình trạng nhiều doanh nghiệp vận tải gặp phải khi đi qua các chốt tại Hải Dương.

Việc áp dụng quy định chống dịch chưa thống nhất giữa các địa phương đang khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn, làm gia tăng chi phí.

Các doanh nghiệp cho rằng, cần sớm thống nhất cách làm giữa các tỉnh nằm trong cung đường vận tải hàng hóa từ nhà máy đến cảng.

Bên cạnh đó, theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại Công văn số 5753/BYT-MT, hiệu lực của giấy xét nghiệm âm tính SAR-CoV-2 chỉ trong 72 giờ nên các địa phương cần quy định rõ thời gian trả kết quả, ưu tiên trả sớm cho tài xế vận tải hàng hóa và áp dụng thống nhất việc này.

Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tổng công ty may Bắc Giang Nguyễn Thị Thanh Thủy cho biết, để xét nghiệm cho 3.000 công nhân mỗi tuần một lần theo phương pháp PCR, công ty đã làm việc với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Bắc Giang đến lấy mẫu chiều tối ngày hôm trước và trả kết quả vào đầu giờ sáng hôm sau.

Do là mẫu gộp nên công ty đề nghị đơn vị lấy mẫu tách riêng kết quả xét nghiệm của những người thường xuyên đi lại như tài xế. Như vậy, chỉ mất khoảng nửa ngày đã nhận được kết quả.

Doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn vì sự siết chặt trong thực hiện Chỉ thị 16, đặc biệt xác nhận giấy xét nghiệm ở mỗi nơi mỗi khác, nơi thì cho qua nơi không cho qua, chưa kể chi phí phát sinh khi test COVID-19 cho người lao động, các cơ sở có chức năng test nhanh thì thiếu, thông báo thực hiện Chỉ thị 16 chỉ ban hành trong vòng 24h đồng hồ… Những yếu tố này khiến doanh nghiệp không thể xoay sở được…

“Khả năng chậm trễ và bồi thường đơn hàng giao không kịp là khó tránh khỏi, bên cạnh đó, sẽ tạo ra tâm lý lo sợ, khách hàng sẽ đi tìm thị trường mới, thiệt hại là không thể đo lường nổi…,” đại diện Hiệp hội nói.

Nguồn: VietnamPlus

15/ Xuất khẩu hồ tiêu đen gặp khó vì bị xếp vào danh mục dược liệu

Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam vừa có văn bản kiến nghị với các bộ, ngành về việc loại mặt hàng hồ tiêu đen ra khỏi danh mục xuất khẩu có điều kiện và không thuộc đối tượng quản lý rủi ro.

Hồ tiêu là 1 trong 13 mặt hàng chủ lực có trong danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia. Theo thống kê của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam thì tỉ lệ mặt hàng hồ tiêu đen (mã HS 0904.11.20) xuất khẩu chiếm 80% trên tổng số lượng xuất khẩu Hồ tiêu của Việt Nam (các mặt hàng còn lại bao gồm: Tiêu đen xay, tiêu trắng, tiêu trắng xay, tiêu ngâm giấm,….), được các doanh nghiệp xuất khẩu theo dạng tiêu hạt.

Thông tư số 03/2021/TT-BYT ngày 04/03/2021 về việc loại bỏ một số mặt hàng thuộc Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư số 48/2018/TT-BYT, trong đó có mặt hàng hồ tiêu (mã HS 0904.11.20). Cũng tại điều 2 Thông tư số 03 quy định: “Trường hợp hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo thông tư này được sử dụng với mục đích làm thuốc và nguyên liệu làm thuốc thì thực hiện theo các quy định của văn bản quy phạm pháp luật về dược”.

Tuy nhiên, theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, mặt hàng hồ tiêu đen xuất khẩu hiện nay là một loại hàng hóa nông sản xuất khẩu thông thường chủ yếu được dùng làm gia vị trong chế biến thực phẩm tại thị trường nhập khẩu. Mặc dù, hồ tiêu được sử dụng như dược liệu, nhưng các thị trường nhập khẩu đặt ra tiêu chuẩn rất khắt khe đối với mặt hàng dược liệu trong khi từ trước tới nay vẫn chưa có doanh nghiệp Việt Nam nào đáp ứng được. Hồ tiêu đen được dùng làm dược liệu hiện tại chỉ sử dụng ở trong Việt Nam qua các bài thuốc y học cổ truyền và chiếm tỉ lệ cực kỳ nhỏ. Thêm vào đó, các doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam không có chức năng kinh doanh dược mà chỉ đăng ký kinh doanh xuất nhập khẩu hàng hóa nông sản.

Do đó, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam đề nghị Bộ Y tế xem xét bỏ mặt hàng hồ tiêu đen (mã HS 0904.11.20) ra khỏi danh mục xuất khẩu có điều kiện và không thuộc đối tượng quản lí rủi ro trong việc phân luồng kiểm tra của Hải quan nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu.

Trong trường hợp yêu cầu của doanh nghiệp không được xem xét, Hiệp hội đề nghị Bộ Y tế có hướng dẫn cụ thể thủ tục chứng từ trong việc xác nhận hồ tiêu xuất khẩu của doanh nghiệp không nhằm mục đích làm thuốc và nguyên liệu làm thuốc để doanh nghiệp nộp về cơ quan Hải quan như được hướng dẫn.

Nguồn: Báo Công Thương

6 tháng đầu năm 2021, Việt Nam xuất khẩu 154 ngàn tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 497 triệu USD, so với cùng kỳ năm ngoái, lượng xuất khẩu giảm 7,5% tuy nhiên kim ngạch tăng 39,8%.

16/ Đa dạng tiêu thụ thanh long Việt Nam tại Úc

6 tháng đầu năm 2021, thanh long Việt Nam xuất khẩu sang Úc tiếp tục ổn định, giá tốt. Hệ thống siêu thị hàng đầu của Úc, Coles, bán đến 4,90 AUD/1 quả (tương đương 80.000 đồng/1 quả). Các hệ thống siêu thị lớn như MCQ và các siêu thị, cửa hàng tại Melbourne, Adelaide, Sydney có giá khoảng 9-15 AUD/1kg. Công ty Rồng Đỏ là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu thanh long chất lượng cao sang Úc.

​Hiện nay, trong bối cảnh đóng cửa ở nhiều thành phố tại Úc, nhằm thúc đẩy tiêu thụ thanh long, Thương vụ Việt Nam tại Úc đã tổ chức Tuần lễ thanh long Việt Nam tại Úc từ ngày 21 – 27/7 và kéo dài đến ngày 10/8/2021.

Thương vụ Việt Nam tại Úc cho biết, chương trình tập trung vào khách hàng của hệ thống phân phối lớn và đồng hành cùng 10 tấn thanh long, trong đó có 2 tấn thanh long vàng do Công ty Hoa Australia nhập khẩu với chất lượng và hương vị ngon. Chương trình được thiết kế hướng đến thế hệ trẻ tại Úc để xây dựng thương hiệu bền vững. Cụ thể, khách hàng mua thanh long Việt Nam tại Úc, chụp hoá đơn gửi về địa chỉ email: vntrade@bigpond.net.au sẽ được bốc thăm trúng thưởng, như: Trúng thưởng đồ chơi trẻ em do Việt Nam sản xuất để dành tặng con em đang học tập tại nhà; trúng thưởng yến sào Việt Nam.

​Bên cạnh đó, chương trình còn tổ chức gian hàng dùng thử thanh long tại khuôn viên trường tiểu học Paddington (trung tâm Sydney) để phụ huynh và học sinh tiểu học biết đến quả thanh long Việt Nam trong khuôn khổ hội chợ.

​Công tác quảng bá cũng sẽ được thực hiện đến các hội phụ huynh, hiệp hội, cộng đồng và mạng xã hội,.. Ngoài ra, Thương vụ Việt Nam tại Úc tiếp tục tăng cường giao thương liên tục để thanh long được xuất sang Úc không bị gián đoạn do ảnh hưởng không mong muốn của Covid-19.

Trước đó, tại buổi giao thương thường kỳ từ xa giữa Thương vụ, một số công ty nhập khẩu và siêu thị vào chiều ngày 22/7/2020, các nhà nhập khẩu đều bày tỏ thị trường Úc đang tiếp tục có nhu cầu nhập khẩu thanh long.

Nguồn: Báo Công Thương

 

17/ ASEAN Online Sale Day 2021: Thúc đẩy thương mại điện tử trong ASEAN

Nằm trong chuỗi kỷ niệm 54 năm thành lập ASEAN, Chương trình Ngày mua sắm trực tuyến lớn nhất ASEAN 2021 (ASEAN Online Sale Day 2021) sẽ diễn ra từ ngày 8 đến 10/8 tới do Brunei, Singapore và Việt Nam đồng chủ trì.

ASEAN Online Sale Day 2021dự kiến sẽ có 2 nhóm hoạt động chính gồm mua sắm thương mại điện tử trong nước và mua sắm thương mại điện tử xuyên biên giới. Trong khuôn khổ thời gian diễn ra chương trình, người tiêu dùng của Việt Nam hay các nước thuộc khu vực ASEAN có thể mua sắm trên các nền tảng số của các doanh nghiệp, các sàn thương mại điện tử lớn trong và ngoài nước với những ưu đãi dành riêng cho sự kiện ASEAN Online Sale Day 2021.

Theo đó, từ ngày 8/8, người tiêu dùng có thể truy cập trực tiếp vào địa chỉ http://onlineasean.com/ để đặt mua hàng từ các sàn thương mại điện tử, các doanh nghiệp trong nước và các nước thuộc khu vực ASEAN. Các doanh nghiệp muốn tìm hiểu thêm về chương trình có thể truy cập vào địa chỉ website trên và đăng ký tham gia chương trình ASEAN Online Sale Day 2021 tại https://forms.gle/y97Jn2ajjgw3wUfF7 .

Sự kiện ASEAN Online Sale Day 2020 đã thu hút hơn 200 doanh nghiệp các nước nằm trong khối ASEAN cùng 2 nhóm hoạt động chính là ASEAN Pavilion và ASEAN Cross-border. Đối với ASEAN Pavilion, các doanh nghiệp sẽ thực hiện các chương trình giảm giá đặc biệt cho thị trường nội địa trong ngày 8-8. ASEAN Cross-border sẽ dành cho các doanh nghiệp cho phép thực hiện mua bán, kinh doanh xuyên biên giới qua các nền tảng thương mại điện tử.

Nguồn: Báo Công Thương

18/ Đăng ký FDI giảm hơn 11% do Covid-19

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến gần cuối tháng 7-2021, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký đạt 16,7 tỉ đô la Mỹ, giảm hơn 11% so với cùng kỳ năm 2020. Mức giảm này là mạnh nhất kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại vào cuối tháng 4-2021 và đầu tháng 5-2021.

Trước đó, vốn FDI đăng ký sáu tháng giảm 2,6%, trong khi năm tháng vẫn tăng 0,8% so với cùng kỳ năm trước.

Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, trong tổng số 16,7 tỉ đô la vốn FDI thu hút được trong bảy tháng có 1.006 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, giảm gần 38%, với tổng vốn đăng ký đạt hơn 10 tỉ đô la, tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cùng với đó, 561 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, giảm 9,4% so với cùng kỳ năm trước, với tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt 4,54 tỉ đô la, giảm 3,7% và 2.403 lượt giấy phép mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, giảm hơn 46% với tổng giá trị vốn góp đạt hơn 2 tỉ đô la, giảm gần 56% so với cùng kỳ năm trước.

Về đối tác đầu tư, đã có 86 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam, trong đó Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư gần 6 tỉ đô la Mỹ, tiếp đến là Nhật Bản với tổng vốn đầu tư 2,54 tỉ đô la. Hàn Quốc đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 2,2 tỉ đô la, giảm trên 22% so với cùng kỳ…

Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 57 tỉnh, thành phố trên cả nước; trong đó Long An tiếp tục là địa phương thu hút FDI nhiều nhất cả nước với tổng vốn đầu tư đăng ký 3,58 tỉ đô la. TPHCM đứng thứ hai với tổng vốn đăng ký gần 1,8 tỉ đô la và Bình Dương đứng thứ ba với 1,33 tỉ đô la. Tiếp theo lần lượt là Cần Thơ, Hải Phòng, Hà Nội…

Nguồn: Tạp chí Kinh tế Sài Gòn

19/ “Chìa khóa” xuất khẩu hàng hóa sang ASEAN

Hiểu đúng về các quy tắc xuất xứ trong các FTA với ASEAN sẽ giúp doanh nghiệp tận dụng cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường tiềm năng này.

Theo thống kê của Tổng cục Thống kê, trong nửa đầu năm 2021, Việt Nam xuất khẩu sang các thị trường ASEAN đạt 13,9 tỷ USD, tăng 28,2% so với cùng kỳ năm ngoái. ASEAN chiếm 8,8% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, lớn hơn cả thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản. Tuy nhiên, nhập siêu của Việt Nam từ các thị trường ASEAN đã lên đến 7,3 tỷ USD so với mức 3,2 tỷ USD của 6 tháng đầu năm 2020.

Với vị trí địa lý gần gũi, hàng hóa và nhu cầu sử dụng hàng hóa có nhiều điểm tương đồng, hiện nhiều sản phẩm hàng hóa của ASEAN đã chiếm lĩnh tốt thị trường Việt Nam như hoa quả và hàng tiêu dùng Thái Lan, hàng tiêu dùng của Singapore… Do đó hàng hóa VIệt Nam muốn tăng sức cạnh tranh phải tìm được hướng đi riêng, tăng chất lượng và hạ giá bán. Bên cạnh đó, tận dụng tốt hơn các FTA để tranh thủ ưu đãi về giá.

Đáng chú ý, hiện tại các nước ASEAN đang hướng tới việc áp dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ, cho phép nhà xuất khẩu được tự chứng nhận xuất xứ mà không cần phải thông qua một cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu.

Theo Vụ thị trường châu Á – châu Phi (Bộ Công Thương) để tận dụng tốt nhất cơ hội về thuế quan, tăng lượng hàng xuất khẩu vào nội khối, hàng hóa Việt Nam cần đảm bảo các quy tắc xuất xứ và thủ tục chứng nhận xuất xứ. Vì vậy, doanh nghiệp nước ta cần hiểu biết các thông tin, nhất là quy định về tiêu chuẩn, chất lượng để trên cơ sở đó có chiến lược, kế hoạch đầu tư nâng cấp dây chuyền sản xuất phù hợp và hiệu quả. Cụ thể, một hàng hóa được coi là có xuất xứ ASEAN nếu hàng hóa có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ trong khu vực ASEAN; hoặc đáp ứng được các yêu cầu cụ thể về quy tắc xuất xứ trong hiệp định tại phụ lục 3 – Quy tắc xuất xứ cụ thể mặt hàng.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần chú ý đến việc bảo quản, chú trọng tới bao bì, mẫu mã, quy cách đóng gói. Ngoài ATIGA, RCEP cũng đã và đang tạo ra nhiều cơ hội tốt để hàng hóa nước ta tận dụng trên con đường chinh phục thị trường ASEAN; đồng thời có thể tận dụng để nhập khẩu nguyên phụ liệu nhằm duy trì sản xuất và xuất khẩu trong thời gian bị gián đoạn do đại dịch trong thời gian vừa qua.

Nguồn: Báo Công Thương

20/ EU siết danh mục sản phẩm và các chất sử dụng trong sản phẩm hữu cơ

Ủy ban Châu Âu mới đây ban hành Quy định thực thi mới số 2021/1165 (Commission Implementing Regulation (EU) 2021/1165) về việc ban hành danh mục các sản phẩm, các chất được phép sử dụng trong sản xuất hữu cơ, theo thông tin thương vụ Việt Nam tại Bỉ, Luxembourg và EU.

Quy định mới 2021/1165 thiết lập danh mục chi tiết các loại sản phẩm và các chất được phép sử dụng trong sản xuất hữu cơ ở tất cả các công đoạn trong quá trình sản xuất hữu cơ đối với sản xuất trồng trọt, chăn nuôi thủy sản. Đối với trồng trọt, quy định danh mục các chất được phép sử dụng trong phân bón, xử lý đồng ruộng, dinh dưỡng, bảo vệ cây trồng. Đối với chăn nuôi, Quy định chi tiết danh mục các loại phụ gia bổ sung trong thức ăn chăn nuôi, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi không phải là sản phẩm hữu cơ có nguồn gốc thực vật, tảo, động vật hoặc nấm men hoặc nguyên liệu thức ăn chăn nuôi có nguồn gốc vi sinh vật hoặc khoáng chất, các chất vệ sinh khử trùng trong chăn nuôi, chế biến thức ăn chăn nuôi. Trong chế biến, quy định danh mục các loại phụ gia thực phẩm, vệ sinh, khử trùng, các thành phần sản phẩm phi hữu cơ được sử dụng để chế biến, sản xuất thực phẩm hữu cơ.

Quy định này cũng đưa ra quy định về Thủ tục cấp phép cụ thể cho việc sử dụng các sản phẩm và các chất ở một số lĩnh vực sản xuất nông nghiệp hữu cơ nhất định của các nước thứ ba.

Ngoài ra, Quy định này cũng đưa ra danh sách các thành phần nông nghiệp phi hữu cơ được sử dụng để sản xuất thực phẩm hữu cơ đã qua chế biến. Danh sách chất hỗ trợ chế biến để sản xuất men và các sản phẩm từ men, các sản phẩm và chất dùng trong sản xuất rượu hữu cơ cũng được đề cập trong quy định mới này.

Để được cấp phép cho việc sử dụng các sản phẩm và các chất tại một số khu vực nhất định tại các nước thứ ba, các doanh nghiệp phải chứng minh được sản phẩm hoặc chất đó đến từ khu vực, quốc gia thứ ba đáp ứng được các điều kiện cụ thể đã được quy định theo luật châu Âu. Các doanh nghiệp sẽ phải nộp một hồ sơ mô tả sản phẩm và chất liên quan, đưa ra lý do vì sao cần được cấp phép và giải thích tại sao các sản phẩm và chất đã được cấp phép không thể được sử dụng. Hồ sơ này phải được công bố công khai theo luật về bảo vệ dữ liệu của Liên minh châu Âu và các quốc gia thành viên.

EU ban hành Quy định mới này thực hiện chi tiết Quy định số 2018/848 của Hội đồng Châu Âu sản xuất sản phẩm hữu cơ và việc dán nhãn sản phẩm hữu cơ nhằm hướng tới thực hiện Chiến lược “Farm to Fork” (từ nông trại đến bàn ăn) là trọng tâm của Thoả thuận xanh châu Âu (EU Green Deal) với mục tiêu tạo ra các hệ thống thực phẩm công bằng, lành mạnh và thân thiện với môi trường, trong đó EU đặt ra mục tiêu đạt 25% diện tích đất nông nghiệp được canh tác hữu cơ vào năm 2030.

Quy định sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 và một phần có hiệu lực từ tháng 1/2024 liên quan đến các sản phẩm và chất được sử dụng trong quá trình khử trùng, vệ sinh đồng ruồng, ao nuôi chuồng trại.

Nguồn: Báo Công Thương

BSA Media