Chocolate có thể đắt đỏ hơn khi giá ca cao đạt kỷ lục trong vòng 7 năm
Theo số liệu từ cơ sở dữ liệu NielsenIQ, giá chocolate đã tăng 14% trong năm qua. Một số nhà quan sát thị trường nhận định xu hướng này sẽ tiếp tục, do nguồn cung ca cao là nguyên liệu chính để sản xuất chocolate đang căng thẳng. Nhà phân tích Sergey Chetvertakov của S&P Global Commodity Insights cho rằng thị trường ca cao đang chứng kiến giá tăng đáng kể, khi lượng dự trữ có thể giảm xuống các mức thấp bất thường.
Giá ca cao phiên cuối tuần trước tăng lên 3.160 USD/tấn, mức cao nhất kể từ ngày 5/6/2016. Theo ông Chetvertakov, hiện tượng thời tiết El Nino được cho là sẽ làm giảm lượng mua trung bình và sức gió tại Tây Phi, nơi cây ca cao được trồng chủ yếu. Côte d’Ivoire và Ghana chiếm hơn 60% sản lượng ca cao của thế giới. Ông Chetvertakov nhận định thị trường ca cao có thể thiếu hụt trong vụ tới (kéo dài từ tháng 10/2023 đến tháng 9/2024), khiến giá tăng tới 3.600 USD/tấn.
Đề xuất dự luật cấm quảng cáo đồ ăn vặt dành cho trẻ em tại Australia
Tại Sydney, các quảng cáo đồ ăn vặt có thể biến mất khỏi các chương trình giải trí trên mọi thiết bị dành cho trẻ em ở Australia. Đây là một nỗ lực nhằm đẩy lùi tình trạng béo phì ở trẻ em của quốc gia châu Đại Dương này. Ngày 19/6, nghị sĩ độc lập Sophie Scamps đã trình Quốc hội dự luật đề xuất cấm quảng cáo thực phẩm không tốt cho sức khỏe trong khoảng thời gian từ 6h đến 21h30 hàng ngày trên các chương trình phát thanh và truyền hình. Các quảng cáo trên mạng xã hội và trang mạng trực tuyến sẽ bị cấm hoàn toàn. Tuy nhiên, dự luật sẽ không ảnh hưởng đến quảng cáo in ấn hoặc quảng cáo ngoài trời hay tiếp thị như một phần của hoạt động tài trợ thể thao và nội dung các công ty thực phẩm và đồ uống đăng tải trên các kênh riêng.
Theo nghị sĩ Scamps, trẻ em Australia tiếp xúc với hơn 800 quảng cáo đồ ăn vặt mới trên TV mỗi năm và có mối liên hệ trực tiếp giữa những quảng cáo đó với bệnh béo phì ở trẻ em. Ước tính, chứng béo phì tiêu tốn của hệ thống y tế quốc gia 11,8 tỷ AUD mỗi năm, với 25% số trẻ em có xu hướng mắc bệnh mãn tính do thừa cân. Đề xuất dự luật nói trên đã nhận được sự ủng hộ của nghị sĩ và cũng là cựu bác sĩ nhi khoa Monique Ryan cũng như một loạt hiệp hội y tế và sức khỏe. Ông Jane Martin, Giám đốc điều hành Liên minh thực phẩm vì sức khỏe cho rằng việc điều chỉnh hoạt động tiếp thị thực phẩm không tốt cho sức khỏe là bước quan trọng đầu tiên trên con đường bảo vệ tương lai của trẻ em. Ông nhấn mạnh thế hệ trẻ xứng đáng có một tương lai khỏe mạnh hơn, không phải chịu sự tấn công liên tục của việc tiếp thị đồ ăn vặt. Ngoài Úc, hiện có khoảng 40 quốc gia đã hoặc đang có kế hoạch điều chỉnh quảng cáo đồ ăn vặt, trong đó có Anh, Hàn Quốc, Na Uy và Chile.
Daesang Corp. với tham vọng mở rộng thị trường kim chi tại Mỹ
Nhà sản xuất kim chi hàng đầu Hàn Quốc Daesang Corp. vừa cho biết đã mua lại công ty thực phẩm Lucky Foods của Mỹ như một phần trong nỗ lực mở rộng kinh doanh kim chi tại Mỹ. Daesang cho biết họ đã mua lại tất cả cổ phần và cơ sở của Lucky Foods sau khi huy động được số vốn 38 tỷ won (29,7 triệu USD). Được thành lập vào năm 2000, Lucky Foods là một công ty thực phẩm châu Á có trụ sở tại bang Oregon (Mỹ) với các sản phẩm chủ chốt bao gồm kim chi, nước sốt kiểu Hàn Quốc, tương ớt và nem. Daesang cũng cho biết việc tiếp quản Lucky Foods được kỳ vọng sẽ giúp công ty mở rộng hoạt động kinh doanh thực phẩm tại Mỹ khi công ty đang nhắm tới mục tiêu đến năm 2030 trở thành nhà cung cấp thực phẩm châu Á cho các hộ gia đình Mỹ. Daesang có kế hoạch tăng số lượng các nhà máy của Lucky Foods để nâng năng lực sản xuất kim chi lên gấp đôi, đồng thời phát triển hoạt động kinh doanh mới.
Daesang là nhà xuất khẩu kim chi lớn nhất của Hàn Quốc. Công ty cho biết, vào năm 2022, Hàn Quốc đã xuất khẩu kim chi trị giá 141 triệu USD và thương hiệu Jongga Kimchi được ưa chuộng hàng đầu tại Hàn Quốc của Daesang chiếm khoảng một nửa con số xuất khẩu trên. Jongga Kimchi được xuất khẩu sang khoảng 40 quốc gia trên thế giới.
Chuyên trang về ngành công nghiệp thực phẩm The Food Institute đã dành nhiều đánh giá “có cánh” cho sự phát triển của ẩm thực Việt Nam tại Mỹ. Theo The Food Institute, Mỹ là một quốc gia đa văn hóa nên không có gì khó hiểu khi món bánh mì của Việt Nam lại nhận được sự đón nhận nồng nhiệt tại nước này. Ngoài ra có một món ăn nổi tiếng khác của Việt Nam – món phở (gồm bánh phở, thịt, rau thơm được phục vụ trong một bát nước dùng nóng hổi và thơm ngào ngạt) cũng đang trở nên phổ biến ở Mỹ. Đánh giá trên quy mô lớn hơn, các món ăn Việt Nam đang thu hút được sự chú ý trên khắp nền ẩm thực Mỹ.
Theo tổ chức tham vấn trong ngành ẩm thực The Tanner Food Group và SIAL America, Mỹ đã trở thành một “điểm nóng” cho ẩm thực Việt Nam khi hiện có gần 8.000 nhà hàng Việt Nam tại khắp các bang. Trong văn bản Dự báo về ẩm thực thịnh hành năm 2023, Hiệp hội Nhà hàng Quốc gia Mỹ cũng đã nhận định ẩm thực Đông Nam Á (bao gồm các món ăn Việt Nam, Singapore và Philippines) là xu hướng toàn cầu hàng đầu của mình. Michael Murdy, một nhà khoa học thực phẩm và là người sáng lập trang web robustkitchen.com, cho biết: “Các món ăn Việt Nam ngày càng phổ biến tại Mỹ và điều đó có được là do có sự gắn kết giữa sự đa dạng về hương vị và kết cấu đi kèm. Sự kết hợp của các hương vị chua, ngọt, mặn và cay cũng như việc sử dụng các loại rau và thảo mộc tươi khiến món ăn Việt Nam trở nên đặc biệt hấp dẫn đối với mọi người.”
TPHCM sẽ gắn sao cho các nhà hàng, quán ăn như Michelin
Ngày 16/6, bà Nguyễn Thị Anh Hoa – Phó giám đốc Sở Du lịch TPHCM cho biết, Sở sẽ phối hợp với Hiệp hội Ẩm thực TPHCM mở các lớp về ẩm thực dành cho các đầu bếp trực tiếp chế biến món ăn và lực lượng quản lý các nhà hàng, quán ăn nhằm hướng đến chuẩn quốc tế theo hình thức trực tiếp, trực tuyến. Sở Du lịch TPHCM cũng đang phối hợp với Sở Công Thương hoàn thiện bộ tiêu chuẩn đánh giá các nhà hàng, quán ăn theo tiêu chuẩn từ 1 đến 5 sao tương tự như cách đánh giá sao Michelin để xếp hạng các nhà hàng, quán ăn tại TPHCM.
Theo ông Lương Đình Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Ẩm thực TPHCM, việc xây dựng bộ tiêu chuẩn đánh giá các nhà hàng, quán ăn sẽ là động lực lớn cho tất cả đơn vị kinh doanh ẩm thực phấn đấu để giành được sao. Đồng thời, đây cũng là cơ hội, cú hích đầu tiên thúc đẩy du lịch ẩm thực, góp phần đưa ẩm thực Việt Nam lên tầm cao mới. “Hiệp hội sẽ phối hợp chặt chẽ với Sở Du lịch để xây dựng bộ tiêu chuẩn và tổ chức triển khai tới các nhà hàng, quán ăn trong thành phố. Ngoài ra, Hiệp hội sẽ tổ chức các tuyến phố ẩm thực bài bản và quy củ, tổ chức lễ hội ẩm thực quy tụ những nhà hàng được xếp hạng sao” – ông Tuấn chia sẻ.
Philippine Airlines chốt đơn hàng đặt mua 9 máy bay A350-1000
Đại diện Hãng sản xuất máy bay Airbus tại Việt Nam cho biết, Philippine Airlines (PAL) đã ký hợp đồng với Airbus đặt mua 9 máy bay tầm xa A350-1000 tại Triển lãm Hàng không Paris. Lễ ký kết có sự tham dự của ông Stanley K. Ng, Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành của Philippine Airlines, ông Christian Scherer, Giám đốc Thương mại kiêm Trưởng bộ phận quốc tế của Airbus dưới sự chứng kiến của ông Lucio C Tan III, Chủ tịch & Giám đốc Giám đốc Điều hành của PAL Holdings. Theo đề án Đội Bay siêu tầm xa của hãng hàng không Philippines, A350-1000 sẽ được khai thác trên các đường bay thẳng từ Manila đến Bắc Mỹ, bao gồm cả Bờ Đông của Hoa Kỳ và Canada. Các máy bay mới sẽ gia nhập đội bay cùng với 2 chiếc A350-900 đang được PAL khai thác. Đội tàu bay A350-1000 của PAL có sức chứa 380 hành khách ở ba hạng ghế với các cabin riêng biệt cho hạng Thương gia, hạng Phổ thông Đặc biệt và hạng Phổ thông.
Philippines Airlines hiện đang khai thác nhiều loại máy bay Airbus trên mạng bay của hãng với đầy đủ dịch vụ. Ngoài A350 phục vụ các đường bay liên lục địa tầm xa, PAL còn khai thác các máy bay A330-300 trên các đường bay đến Trung Đông, Australia và nhiều điểm đến khác ở châu Á. Hãng hàng không quốc gia Philippines cũng khai thác đội máy bay một lối đi A320 và A321 trên mạng bay nội địa và khu vực rộng lớn của hãng vượt khỏi các trung tâm ở Manila và Cebu.
Him Lam và đối tác Nhật Bản chính thức tiếp quản Bamboo Airways
Tại đại hội cổ đông thường niên Bamboo Airways sáng 21/6, danh tính của nhà đầu tư mới tham gia vào hãng hàng không này được chính thức tiết lộ. Nhà đầu tư mới của Bamboo Airways là Tập đoàn Him Lam của ông Dương Công Minh. Ông Nguyễn Ngọc Trọng, chủ tọa đại hội cổ đông tiết lộ các nhà đầu tư Nhật Bản sẽ tham gia vào hãng do nhận được lời mời từ phía Him Lam. Theo đó, hai cựu lãnh đạo Japan Airlines sẽ tham gia vào Bamboo Airways, trong đó ông Masaru Onishi, từng làm cựu Chủ tịch hãng bay Nhật Bản, còn ông Hideki Oshima, cựu Giám đốc khối Quan hệ quốc tế và liên minh hàng không của Japan Airlines.
Ông Nguyễn Minh Hải, CEO Bamboo Airways chia sẻ việc tái cấu trúc công ty ở thượng tầng đã xong. Sắp tới, ông và ban điều hành sẽ đưa Bamboo Airways về điểm hòa vốn hoặc có lãi từ năm 2024. Để Bamboo Airways ngắt mạch thua lỗ, ông Hải cho biết công ty kiên quyết phải đi theo hướng tăng quy mô sản xuất, tăng tàu bay, bởi quy mô đội bay 30 chiếc hiện nay không đảm bảo hiệu quả. Cùng với tăng quy mô sản xuất để tăng doanh thu, Bamboo Airways cũng sẽ chủ động cắt giảm các chi phí. Quyết tâm của nhà đầu tư mới tại Bamboo Airways là đi theo hướng chuẩn mực quốc tế, công khai, minh bạch hơn.
Từ ngày 16/6, Taxi Xanh SM chính thức vận hành tại Đà Nẵng với dịch vụ taxi tiêu chuẩn GreenCar và taxi cao cấp LuxuryCar. GreenCar sử dụng xe VinFast VF e34 và VinFast VF 5 Plus, trong khi LuxuryCar sử dụng xe VinFast VF 8. Trong giai đoạn đầu, Taxi Xanh SM đưa vào vận hành VinFast VF e34 và VinFast VF 8 tại Đà Nẵng. Hãng sẽ bổ sung vào đội xe VinFast VF 5 Plus và tăng số lượng xe căn cứ trên nhu cầu thực tế. Dự kiến, trong năm 2023, Taxi Xanh SM sẽ triển khai 500 xe tại Đà Nẵng.
Excelsior Capital Việt Nam Partners (ECVP) – quỹ đầu tư tư nhân thứ 6 của Excelsior Asia Capital có trụ sở tại Hong Kong đang muốn rót vốn vào 30Shine, theo DealStreetAsia. ECVP – đứng đầu là ông Hoàng Xuân Chinh, sẽ nắm một lượng cổ phần đáng kể trong chuỗi salon này. Nguồn tin cho biết giá trị của khoản đầu tư tối đa là 15 triệu USD. Một nguồn tin khác cho biết thương vụ đã gần như hoàn tất mọi thủ tục.
Hồi năm 2020, tờ Asia Economy của Hàn Quốc từng nhận định 30Shine là hiện tượng của ngành làm đẹp cho nam giới tại Đông Nam Á. Tờ này nhận định đây là mô hình mới lạ với việc kết hợp ngành làm đẹp truyền thống của nam giới với công nghệ hiện đại. 30Shine là chuỗi cắt tóc nam lớn nhất và duy nhất tại Việt Nam được thành lập tháng 5/2015. Đến năm 2019, 30Shine sở hữu 66 cửa hàng trên toàn quốc với quy mô nhân sự 2.300 người. Hiện, chuỗi này có hơn 80 chi nhánh trên toàn quốc.
Walmart đặt cược vào ngành hàng thời trang và đồ nội thất
Bên cạnh việc sử dụng các cửa hàng tạp hóa có chi phí thấp và biên lợi nhuận không cao để thu hút khách hàng, tập đoàn siêu thị Walmart đang bổ sung thêm hơn chục dòng hàng hóa mới đắt tiền hơn để mang lại lợi nhuận cao hơn. Động thái trên diễn ra giữa bối cảnh Walmart muốn thay đổi hình ảnh của mình từ một nhà cung cấp hàng giảm giá thành một điểm đến cho khách hàng mua hàng gia dụng và quần áo thời trang. Áo phông Reebok, phụ kiện Justice, áo sơ mi nam từ Chaps là ba trong nhiều thương hiệu mà Walmart đang bày bán trong các “Cửa hàng của tương lai”. Để thiết lập các “Cửa hàng của tương lai”, Walmart đang cải tạo 700 cửa hàng như một phần của kế hoạch chi tiêu kỷ lục 17 tỷ USD. Đến cuối năm, các sản phẩm quần áo mới và đồ trang trí nhà cửa sẽ được trưng bày trong các cửa hàng được tân trang lại.
Tại một hội nghị với các nhà đầu tư diễn ra ngày 6/6 mới đây, bà Denise Incandela, Phó Chủ tịch phụ trách may mặc và thương hiệu tư nhân của Walmart cho biết hầu hết hàng hóa đều có giá từ 15-50 USD. Walmart đã bày bán phần lớn các thương hiệu quần áo riêng với giá từ 15 USD trở xuống. Nhưng theo bà Incandela, cựu Giám đốc điều hành của Saks và Ralph Lauren, nghiên cứu của Walmart cho thấy 80% khách hàng của họ đang mua quần áo giá cao hơn ở nơi khác. Phát biểu trước các nhà đầu tư của Walmart, bà cho rằng chiến lược của Walmart là chuyển đổi những người mua sắm có ý thức về giá sang những người mua sắm có ý thức về phong cách. Đây là một sự chuyển đổi lớn về thời trang.
Số liệu của GlobalData cho thấy Walmart đang chiếm 4,6% thị trường may mặc trị giá 560,4 tỷ USD của Mỹ, tiếp theo là TJX, Target và Ross với tỷ lệ lần lượt là 4,4%, 4,1% và 2,8%. Trong khi đó, theo Statista, thị trường trang trí nội thất và trang trí nhà cửa của Mỹ có trị giá 169 tỷ USD vào năm 2019 và được dự báo sẽ đạt 194,9 tỷ USD vào năm 2023. Ông Arun Sundaram – nhà phân tích của công ty dịch vụ tài chính CFRA – cho rằng Walmart có thể tăng doanh số bán đồ trang trí nhà cửa sau sự phá sản của thương hiệu Bed Bath and Beyond, đồng thời có thể giành được thị phần từ các chuỗi quần áo khác đang thừa hàng tồn kho.
Chuỗi cửa hàng tiện lợi GS25 tại VN được bơm thêm 20 triệu USD
Công ty CP Sơn Kim Retail (Sơn Kim Retail) và Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) vừa ký kết thỏa thuận đầu tư trị giá 460 tỉ đồng (tương đương 20 triệu USD) nhằm mục tiêu phát triển kinh doanh của Công ty TNHH GS 25 Việt Nam (GS25 Việt Nam) thuộc hệ sinh thái Sơn Kim Retail. Buổi lễ ký kết có sự tham dự của đại diện tập đoàn GS Retail Hàn Quốc, đối tác sở hữu 30% cổ phần trong liên doanh GS25 Việt Nam. Tại buổi lễ, GS25 Việt Nam cũng đã ký kết hợp đồng tư vấn với IFC nhằm nâng cao các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, giảm thất thoát và lãng phí thực phẩm.
Với khoản đầu tư của IFC, GS25 Việt Nam sẽ triển khai kế hoạch mở rộng chuỗi cửa hàng với độ phủ sóng trên toàn quốc, đem đến những sản phẩm thiết yếu, chất lượng, an toàn cho người dân một cách nhanh chóng.
Thế Giới Di Động và chiến lược phân phối độc quyền trong cuộc cạnh tranh thị phần bán lẻ điện máy
Redmi 12 chỉ bán độc quyền trên 2 chuỗi là Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh tại Việt Nam. Đó là nội dung ký kết giữa Xiaomi và Thế Giới Di Động, diễn ra trong sự kiện ra mắt Redmi 12 tại TP.HCM vào tối ngày 15/6. Trong khi lãnh đạo Xiaomi và Thế Giới Di Động hạnh phúc trên sân khấu, thì cú bắt tay này được xem như là một đòn giáng mạnh vào các hệ thống bán lẻ khác. Trong thời gian qua Thế Giới Di Động không chỉ ký kết độc quyền phân phối với mỗi Xiaomi, mà họ đã tiến hành ký kết độc quyền gần như hầu hết với các hãng khác khi ra sản phẩm mới tại Việt Nam trong năm 2023. Mới đây họ đã ký kết bán độc quyền sản phẩm Realme C53 khi ra mắt. Tiếp theo, họ ký kết bán độc quyền sản phẩm Y36 của vivo, giờ là Redmi 12 của Xiaomi. Sắp tới, ông Phùng Ngọc Tuyên – Giám đốc ngành hàng Viễn thông di động của Thế Giới Di Động cho biết, họ sẽ ký kết độc quyền tiếp với sản phẩm mới của Oppo ra mắt vào cuối tháng này.
Trong thời điểm kinh tế khó khăn, các hãng đều than vãn về số lượng cũng như doanh số sản phẩm bán ra, việc sở hữu 3.380 cửa hàng bán lẻ bao gồm cả hệ thống Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh trở thành một lợi thế quá lớn. Chính vì vậy các hãng chấp nhận bỏ qua các hệ thống bán lẻ nhỏ hơn, để tập trung vào hệ thống lớn là một lựa chọn gần như không thể tránh khỏi. Theo ông Phùng Ngọc Tuyên, hiện những sản phẩm ký độc quyền khi bán ra trên hệ thống Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh đều đạt kỳ vọng của hãng. Một số hệ thống bán lẻ nhỏ cho biết, họ đã gặp khó bởi chính sách hợp tác này của các hãng và Thế Giới Di Động. Với cách làm này của Thế Giới Di Động, họ không có sản phẩm để bán khi hãng đã tiến hành ký kết độc quyền, nhất là trong hoàn cảnh thị trường khó khăn như hiện nay. Nếu chính sách này kéo dài, nhiều cửa hàng nhỏ lẻ sẽ rất khó để trụ lại trên thị trường.
Hơn 200 doanh nghiệp tham gia hội chợ khuyến mại ‘Shopping Season’ năm 2023
Ngày 20/6, hội chợ khuyến mại ‘Shopping Season’ năm 2023 đã khai mạc tại Nhà thi đấu thể dục thể thao Phú Thọ, Quận 11, Tp. Hồ Chí Minh. Cụ thể, hội chợ khuyến mại “Shopping Season” năm 2023 do Trung tâm phát triển công nghiệp hỗ trợ, Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh tổ chức từ nay đến ngày 25/6. Hội chợ thu hút sự tham gia của hơn 200 doanh nghiệp, với khoảng 360 gian hàng trưng bày, quảng bá sản phẩm thuộc đa dạng ngành hàng, gồm: lương thực, thực phẩm, nước giải khát, nông sản, trái cây; đồ gia dụng, đồ dùng gia đình; thời trang may mặc, giày dép; hóa mỹ phẩm, dược phẩm…
Nét độc đáo của hội chợ năm nay, là khu vực trưng bày hàng hóa được thiết kế theo chủ đề như chủ đề “Đặc sắc Tp. Hồ Chí Minh” tập trung giới thiệu nhóm sản phẩm của doanh nghiệp Thương hiệu Vàng Tp. Hồ Chí Minh; nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực và công nghiệp tiềm năng; sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu… Hay chủ đề “Sản phẩm du lịch của thành phố” chủ yếu là sản phẩm dịch vụ du lịch… Trong khuôn khổ hội chợ khuyến mại “Shopping Season” năm 2023 còn có một số khu gian hàng chuyên ngành, gồm: khu gian trưng bày dụng cụ thiết bị học tập, phục vụ học sinh mua sắm hè kết hợp tổ chức chương trình đổi sách lấy cây; khu gian hàng ẩm thực Việt trưng bày, quảng bá đặc sản vùng miền, địa phương…
Triển lãm Quốc tế Sản phẩm và Đồ chơi trẻ em Việt Nam (IBTE 2023) lần thứ 2 tại Việt Nam
Tiếp nối thành công tại Indonesia, Ấn Độ, Malaysia và tại TP.Hồ Chí Minh tháng 12/2022, Triển lãm Quốc tế Sản phẩm và Đồ chơi trẻ em Việt Nam (IBTE 2023) lần thứ 2 tại Việt Nam sẽ diễn ra từ ngày 19 – 21/7/2023 tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC), Tp HCM, đồng thời cùng Triển lãm Quốc tế Quà tặng & Đồ gia dụng (IGHE) và Triển lãm Điện tử & Thiết bị Thông minh (IEAE). năm nay chuỗi triển lãm gia tăng quy mô với hơn 550 gian hàng được chia thành các khu ngành hàng tương ứng: Sản phẩm Mẹ Bé & Đồ chơi Trẻ em (IBTE); Quà tặng & Đồ gia dụng (IGHE); Điện tử & Thiết bị thông minh (IEAE). Trong đó, triển lãm B2B chuyên nghiệp nhất về đồ chơi và sản phẩm trẻ em tại Việt Nam IBTE 2023 với quy mô trưng bày 1.000m2 dự kiến sẽ có sự góp mặt của 200 xưởng sản xuất chuyên xuất khẩu các sản phẩm đồ dùng cho mẹ và bé sơ sinh; đồ chơi, sản phẩm trẻ em đáp ứng nhu cầu của trẻ từ 0-14 tuổi.
Triển lãm Quốc tế Sản phẩm và Đồ chơi trẻ em Việt Nam (IBTE) nhằm giúp các công ty sản xuất, các nhà mua hàng kết nối cung – cầu hiệu quả, với mục tiêu dài hạn là xây dựng IBTE thành triển lãm B2B chuyên nghiệp và có ảnh hưởng nhất về đồ chơi và sản phẩm trẻ em ở Đông Nam Á. Các doanh nghiệp sản xuất đồ chơi của thế giới có cơ hội trao đổi, chia sẻ những lợi thế kinh nghiệm trong gia công xuất khẩu, số hóa các khâu sản xuất, cập nhật các tính năng và xu hướng của thế giới để không ngừng cho ra các sản phẩm giúp mang lại “niềm vui của con trẻ”.
TikTok đầu tư 12,2 triệu USD hỗ trợ khối doanh nghiệp vừa và nhỏ Đông Nam Á
TikTok – nền tảng nội dung video ngắn vừa công bố khoản đầu tư mới trị giá 12,2 triệu USD hướng đến việc hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMB) ở khu vực Đông Nam Á. Qua đó, thúc đẩy các chủ doanh nghiệp và cộng đồng người trẻ trong khu vực khởi nghiệp và phát triển bền vững trên nền tảng. Khoản đầu tư này gồm trợ cấp tiền mặt, chi phí đào tạo kỹ năng kỹ thuật số và các khoản tín dụng quảng cáo cho các SMB, gồm các doanh nghiệp siêu nhỏ và doanh nghiệp khu vực nông thôn – ngoại thành cũng sẽ được hưởng lợi từ khoản hỗ trợ. Hoạt động này một lần nữa khẳng định nỗ lực của TikTok nhằm giúp đỡ hơn 120.000 SMB trong giai đoạn ba năm của kế hoạch chuyển đổi số – đưa các doanh nghiệp tham gia vào thị trường kinh tế trực tuyến.
TikTok cho biết, trong một khảo sát gần đây, SMB trong khu vực ghi nhận doanh thu tăng trưởng gần 50% thông qua việc sử dụng TikTok như phương tiện quảng bá và chào bán sản phẩm – dịch vụ. Bên cạnh đó, có gần 4/5 doanh nghiệp (79%) đã chuyển đổi từ các kênh bán hàng truyền thống sang nền tảng trực tuyến bằng việc gia nhập TikTok. Cùng lúc đó, hơn 80% các nhà sáng tạo nội dung trên nền tảng cũng cho thấy kết quả tích cực tương tự. Đại diện TikTok cho biết, kế hoạch trong vòng 3 năm tới, chương trình “Hỗ trợ Doanh nghiệp địa phương” sẽ hướng tới đến việc trao quyền phát triển cho các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp ở khu vực nông thôn – nơi loại hình thương mại điện tử chưa được phổ cập rộng rãi.
Tại Việt Nam TikTok sẽ phối hợp với Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp Việt Nam (Agritrade) thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai chương trình phát triển kinh tế nông thôn có tên “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) của Chính phủ. Trong khuôn khổ hợp tác này, TikTok sẽ cho ra mắt chuỗi sự kiện Chợ phiên OCOP. Thông qua dự án này, TikTok đặt mục tiêu cải thiện sinh kế của 20.000 nông dân địa phương, người dân thuộc các làng nghề thủ công và các doanh nghiệp nhỏ trải dài trên khắp 63 tỉnh thành của Việt Nam, đồng thời góp phần bảo tồn văn hóa truyền thống địa phương và thúc đẩy du lịch trên các vùng miền…
Bốn mục tiêu sức khỏe hàng đầu của Người tiêu dùng Việt Nam
Herbalife, một trong những công ty hàng đầu về sức khỏe và thể chất, đã công bố kết quả của Khảo sát về ưu tiên sức khỏe tại khu vực châu Á Thái Bình Dương. Theo khảo sát, đại đa số (86%) người tiêu dùng tại Việt Nam đã quan tâm nhiều hơn về sức khỏe sau đại dịch Covid -19. Theo cuộc khảo sát, 83% số người Việt tham tham gia đã thay đổi các ưu tiên về sức khỏe của họ sau đại dịch. Họ tập trung nhiều hơn vào lối sống lành mạnh, năng động cũng như có được một phương pháp bảo vệ sức khỏe toàn diện. Những người tham gia khảo sát cũng chia sẻ rằng tăng cường hệ miễn dịch (54%), cải thiện sức khỏe tổng thể (53%), xây dựng thói quen ăn uống lành mạnh (50%) và cải thiện sức khỏe tinh thần (50%) là bốn mục tiêu sức khỏe hàng đầu mà họ mong muốn đạt được, tiếp theo sau là tăng cường vận động (48%) và cải thiện giấc ngủ (46%).
Cuộc khảo sát chỉ thêm rằng các thế hệ khác nhau có những ưu tiên khác nhau trong việc cải thiện sức khỏe của họ. Những người tham gia lớn tuổi hơn thuộc Thế hệ X và Boomers tập trung nhiều hơn vào việc tăng cường khả năng miễn dịch (50%), so với những người trẻ hơn thuộc Thế hệ Z và Millennials (42%). Ngược lại, 46% thế hệ trẻ coi việc cải thiện sức khỏe tinh thần là một phần quan trọng trong mục tiêu sức khỏe, trong khi chỉ có 34% thế hệ lớn tuổi hơn có cùng quan điểm. Ngoài ra, trong khi 96% người tiêu dùng Việt Nam, cao nhất khu vực châu Á Thái Bình Dương, được khảo sát cho biết đang thực hiện các bước để đạt được mục tiêu sức khỏe của họ, thì vấn đề thiếu thời gian (52%) và thiếu động lực (40%) là những thách thức hàng đầu ngăn cản họ thực hiện mục tiêu của mình.
Chủ nghĩa ‘guochao’ khiến giới trẻ Trung Quốc rời bỏ thương hiệu thời trang Uniqlo
Fast Retailing, chủ sở hữu của thương hiệu thời trang Uniqlo, có khả năng không đạt mục tiêu tăng doanh thu gấp ba lần, lên 10.000 tỷ yen (71 tỷ USD), trong 10 năm tới, khi ngày càng mất dần những người mua sắm trẻ Trung Quốc – thị trường mang lại doanh thu lớn nhất cho Uniqlo. Giám đốc Tài chính Takeshi Okazaki cho biết doanh thu trên mỗi cửa hàng ở Trung Quốc đại lục, bao gồm cả Hong Kong và Đài Loan, đạt 169 triệu yen (1,19 triệu USD) trong quý từ tháng 12/2022 đến tháng 2/2023, giảm 12% so với giai đoạn tháng 12/2018-2/2019, giai đoạn trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Con số này thậm chí thấp bằng một nửa so với doanh thu của mỗi cửa hàng Uniqlo tại thị trường quê hương Nhật Bản của Uniqlo, đã tăng 6% lên 315 triệu yen trong cùng thời điểm.
Xu hướng guochao, hay còn được gọi là China chic – sự thay đổi sở thích mua sắm của giới trẻ Trung Quốc với tinh thần chủ đạo là chủ nghĩa tiêu dùng dân tộc, thiên về tiêu dùng các thiết kế mang đậm yếu tố Trung Quốc – bùng nổ vào năm 2021 cũng là một yếu tố lớn khiến giới trẻ Trung Quốc “quay lưng” với các thương hiệu thời trang quốc tế. Người mua sắm Gen Z (thế hệ sinh trong khoảng từ năm 1995 – 2012) tại Trung Quốc đang quay sang tiêu dùng nhiều hơn các sản phẩm nội địa đã được cải thiện chất lượng và thiết kế. Sự yêu thích của nhóm này đối với các thương hiệu nước ngoài cũng sụt giảm nghiêm trọng. Mặc dù Fast Retailing cho biết hoạt động kinh doanh của Uniqlo ở Trung Quốc đại lục đã “phục hồi rõ rệt kể từ tháng Một”, nhưng sức hấp dẫn của nhãn hàng có thể đang bị giảm sút.
Trung Quốc là thị trường quan trọng nhất trong toàn bộ hoạt động kinh doanh của Fast Retailing. Thị trường này chiếm 23% tổng doanh thu và 28% lợi nhuận của công ty trong năm tài chính kết thúc vào tháng 8/2022. Tuy nhiên, doanh thu tại thị trường này đã giảm 17%, xuống còn 83,4 tỷ yen (590 triệu USD) so với cùng kỳ của năm 2019. Fast Retailing có 1.028 cửa hàng kinh doanh thương hiệu Uniqlo tại Trung Quốc, tính đến cuối tháng 2/2023, nhiều hơn số lượng cửa hàng hiện có ở Nhật Bản và chiếm hơn 1/4 tổng số cửa hàng trên toàn cầu của công ty. Nếu Fast Retailing không nhanh chóng thu hút trở lại phân khúc khách hàng trẻ Trung Quốc, thì chiến lược tăng trưởng tổng thể của công ty có thể gặp rủi ro.
Cú lừa của H&M trong việc chuyển đổi thành hãng thời trang xanh
Năm 2022, tổ chức Chelsea Commodore đã đâm đơn kiện H&M chi nhánh Thụy Điển lên tòa án Mỹ về hành vi gian dối người dùng. Theo đó, H&M Thụy Điển đã quảng cáo sai sự thật về chiến dịch bảo vệ môi trường của mình khiến khách hàng trả nhiều tiền hơn cho các sản phẩm “thân thiện môi trường” nhưng trên thực tế lại không phải như vậy. Cụ thể, nhiều trang phục của H&M được marketing là dùng ít nước hơn nhưng thực tế là ngược lại. Thậm chí tại Thụy Điển, hãng thời trang nhanh này còn thực hiện chiến dịch quyên góp quần áo cũ để tái chế vào năm 2013. Những khách hàng đem quần áo cũ của hãng đến bỏ vào thùng sẽ nhận được phiếu giảm giá cho lần mua hàng sau. Hàng nghìn chiếc thùng đựng đồ tái chế được hãng dựng lên khắp 40 thị trường kinh doanh của mình để đánh bóng thương hiệu. Tuy nhiên theo điều tra của The Fast Company, những sản phẩm cũ này của H&M cũng như nhiều hàng thời trang nhanh khác đa phần bị bán lại sang Châu Phi hoặc những nước nghèo, để rồi phần lớn trong số đó bị vứt bỏ ra môi trường.
Giám đốc phát triển bền vững Pascal Brun của H&M từng cho biết tập đoàn cực kỳ nghiêm túc trong việc tái chế nguyên liệu, sản phẩm may mặc để bảo vệ môi trường. Hãng đặt mục tiêu chỉ dùng Polyester tái chế vào cuối thập kỷ này. Ngoài ra, Quỹ H&M cũng cho biết họ đã đầu tư 12 triệu USD cho các công nghệ tái chế Polyester như với HKRITA tại Hong Kong để có thể mở rộng quy mô tái chế lên 3.000 khối quần áo mỗi ngày. Tuy nhiên đích thân CEO Edwin Keh của HKRITA cũng đã phải thừa nhận nói thì dễ hơn làm và với công nghệ cũng như quy mô của ngành tái chế hiện nay thì còn cần một chặng đường rất dài để có thể giảm dù một chút chất thải nhà kính do ngành thời trang nhanh đang gây ra. Theo ông Keh, sản lượng tái chế cho ngành thời trang nhanh hiện nay nếu muốn bảo vệ môi trường thì sẽ phải lên đến hàng nghìn tấn mỗi ngày trước tốc độ sản xuất và thay mới sản phẩm của ngành. Trớ trêu thay, hiện mới chỉ có 1% sản phẩm của ngành thời trang nhanh được tái chế do công nghệ còn thấp, tốn quá nhiều chi phí đầu tư và không có lợi nhuận. Tờ Business Insider cho hay phần lớn nguyên liệu vải tái chế hiện nay là đến từ đồ thừa của các nhà máy may mặc chứ chẳng phải từ quần áo cũ như nhiều hãng tuyên bố.
Theo nghiên cứu của Tổ chức Ellen MacArthur Foundation, chưa đến 1% số quần áo cũ hiện nay trên thế giới được tái chế thành đồ mới trong khi 9% bao bì nhựa, 70% đồ hộp lại được tái chế sử dụng thành công. Tỷ lệ này là quá thấp so với hơn 100 tỷ sản phẩm được các hãng thời trang nhanh tạo ra mỗi năm, đủ cho mỗi người trên trái đất có 14 bộ trang phục, cao gấp đôi so với tổng lượng quần áo sản xuất năm 2000. Thế nhưng bình quân mỗi khách hàng lại mặc chỉ có 7 lần những sản phẩm này trước khi thải ra môi trường. Chính giám đốc Keh cũng thừa nhận chỉ việc tái chế thôi là chưa đủ mà các hãng thời trang nhanh sẽ cần phải thay đổi cách thức kinh doanh nếu muốn thực hiện đúng cam kết thân thiện môi trường như họ vẫn quảng cáo.
Tham vọng trở thành trung tâm xe điện, Pháp ra sức lôi kéo Elon Musk
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết, sẽ gặp Elon Musk lần thứ hai trong vòng một tháng, để thuyết phục ông chủ Tesla đầu tư xây dựng nhà máy ở nước này. Reuters đưa tin, Pháp đang tìm cách thu hút gã khổng lồ xe điện (EV) Trung Quốc BYD và Tesla xây dựng nhà máy tại đây, song gặp phải sự cạnh tranh từ một số thành viên EU khác như Tây Ban Nha, nước cũng đang đàm phán với hãng xe điện của Elon Musk.
Macron xác nhận ông mong muốn Tesla xây dựng một “gigafactory” tại Pháp và sẽ thuyết phục Musk đầu tư vào nước này. Chính quyền Macron hiện đang thực hiện chính sách trợ cấp hào phóng, tạo lập môi trường kinh doanh thân thiện, cũng như vận động hành lang tích cực để trở thành trung tâm của ngành công nghiệp xe điện. Đến nay, nước này đã thu hút bốn dự án xây dựng “đại công xưởng” xe hơi đặt tại khu vực phía Bắc. Dự án đầu tiên đã được khánh thành vào tháng trước bởi liên minh nhiều thương hiệu xe hơi lớn, bao gồm Peugeot Stellantis, Mercedes-Benz và TotalEnergies.
Pháp nỗ lực hết mình để trở thành trung tâm AI của châu Âu
Phát biểu tại VivaTechnology, một sự kiện kinh doanh thường niên giới thiệu sự đổi mới công nghệ của Pháp, châu Âu và toàn cầu, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đưa ra kế hoạch huy động vốn để hỗ trợ sự phát triển của AI và công bố khoản tiền mới trị giá hơn 7 tỷ euro cho những công nghệ hàng đầu của Pháp. Các quốc gia trên thế giới đang tìm cách định vị mình là trung tâm AI bởi vì công nghệ này được coi là một cuộc cách mạng, do đó AI có tầm quan trọng chiến lược đối với các chính phủ trên toàn thế giới. Bên cạnh đó, AI được cho là có tác động đến các ngành công nghiệp từ tài chính đến chăm sóc sức khỏe.
Theo ông Macron, Pháp không có gã khổng lồ AI như Mỹ, nhưng Pháp muốn tạo ra hai hoặc ba ông lớn trong lĩnh vực công nghệ. Nhấn mạnh vào tiềm năng và sự phát triển của AI, công ty khởi nghiệp Mistral AI mới 4 tuần tuổi của Pháp đã huy động được 105 triệu euro để tài trợ cho công ty. Một số công ty khởi nghiệp địa phương khác đã trưng bày sản phẩm của họ tại Viva Tech. Một phần trong nỗ lực trở thành trung tâm AI của Pháp chính là thúc đẩy xây dựng quy định xung quanh công nghệ AI. Nghị viện Châu Âu bật đèn xanh cho Đạo luật AI của EU, một quy định đầu tiên có ảnh hưởng sâu rộng về trí tuệ nhân tạo. Pháp mong muốn có một quy định toàn cầu về AI được thông qua bởi nhóm G7 bao gồm Mỹ và Anh, cũng như Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế.
Intel ‘chốt’ đầu tư 33 tỷ USD vào hai nhà máy chip tại Đức
Ngày 19/6, Intel cho biết sẽ đầu tư hơn 30 tỷ EUR (33 tỷ USD) tại Đức như một phần trong kế hoạch mở rộng tại châu Âu. Đây là dự án quan trọng đối với tham vọng biến Đức thành trung tâm bán dẫn toàn cầu. Theo nguồn tin của Reuters, hãng chip Mỹ sẽ được Đức tài trợ 10 tỷ EUR. Con số cho thấy quy mô của dự án tăng so với kế hoạch ban đầu năm 2022. Khi ấy, Intel muốn rót 17 tỷ EUR vào nhà máy Magdeburg. Thỏa thuận tại Đức là khoản đầu tư lớn thứ ba của Intel chỉ trong 4 ngày. Ngày 16/6, “ông lớn” công nghệ Mỹ tiết lộ kế hoạch xây nhà máy chip 4,6 tỷ USD tại Ba Lan. Ngày 18/6, Israel cho biết Intel sẽ chi 25 tỷ USD cho một nhà máy tại đây.
Sản xuất bán dẫn được dự đoán trở thành ngành công nghiệp nghìn tỷ vào năm 2030 từ 600 tỷ USD năm 2021, theo hãng nghiên cứu McKinsey. Cả Mỹ và châu Âu đều đang muốn lôi kéo những người chơi lớn trong ngành thông qua các chương trình tài trợ và quy định thuận lợi. Đức lo ngại đánh mất sức hấp dẫn đầu tư nên đã chi hàng tỷ EUR hỗ trợ nhằm tránh lệ thuộc chuỗi cung ứng vào Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc). Thủ tướng Đức Olaf Scholz tuyên bố “thỏa thuận hôm nay là bước tiến quan trọng đối với Đức như một cứ điểm sản xuất công nghệ cao”. Với khoản đầu tư của Intel, Đức sẽ bắt kịp công nghệ tốt nhất thế giới và mở rộng năng lực cho hệ sinh thái vi chip. Berlin còn đang đàm phán với TSMC của Đài Loan và hãng sản xuất pin xe điện Northvolt của Thụy Điển để sản xuất ở Đức. Đức cũng đã thuyết phục Tesla xây đại công xưởng đầu tiên của châu Âu ở nước này.
‘Đội quân’ robot chăm sóc người cao tuổi Trung Quốc
Số người trên 60 tuổi ở Trung Quốc được dự đoán sẽ tăng vọt từ 280 triệu vào năm 2022 lên 402 triệu vào năm 2040. Hệ thống chăm sóc xã hội của nước này đã quá tải và mọi thứ có thể trở nên tồi tệ hơn nếu không có hành động khẩn cấp. Vấn đề lớn nhất là thiếu điều dưỡng viên. Theo tiêu chuẩn của Trung Quốc, cứ 4 người trong trại dưỡng lão thì phải có 1 điều dưỡng viên. Nhưng hiện tại chỉ có 320.000 người làm công việc chăm sóc phục vụ 8,1 triệu cư dân tại các viện dưỡng lão trên cả nước, tính theo tiêu chuẩn thì vẫn còn thiếu hụt 1,7 triệu người. Chính phủ Trung Quốc hy vọng công nghệ có thể đưa ra một giải pháp hữu ích và một số gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc đã đáp lại lời kêu gọi này. iFlytek, một công ty trí tuệ nhân tạo lớn, đã công bố kế hoạch “Ultra Brain 2030” vào năm ngoái, tập trung vào việc phát triển các loại robot chăm sóc cao cấp mới. Baidu, gã khổng lồ tìm kiếm của Trung Quốc, cũng đã quảng bá màn hình thông minh Xiaodu của mình, thứ mà người cao tuổi có thể sử dụng để đặt lịch hẹn với bác sĩ, truy cập báo cáo thời tiết và chơi trò chơi.
Như nhiều nơi khác, cho đến nay các công nghệ chăm sóc người già thông minh được áp dụng rộng rãi nhất ở Trung Quốc hiện là các thiết bị đeo được như vòng đeo tay và đồng hồ thông minh. Những thứ này có thể cung cấp một số chức năng hữu ích, chẳng hạn như theo dõi các dấu hiệu sinh tồn của người cao tuổi, nhắc nhở họ uống thuốc đúng giờ và định vị người dùng. Nhưng những người trong ngành tin rằng robot là tương lai của dịch vụ chăm sóc cao cấp. Nhiều người kỳ vọng Trung Quốc sẽ noi gương Nhật Bản, nơi robot được triển khai rộng rãi trong các viện dưỡng lão. Hiện đã có khoảng 100 công ty khởi nghiệp về robot của Trung Quốc chuyên về người máy phục hồi chức năng, đồng hành và điều dưỡng. Nhưng ngành công nghiệp này vẫn đang vật lộn để mở rộng quy mô. Những người trong ngành chế tạo cho biết giá robot vẫn ở mức cao, hầu hết các công ty vẫn chưa đi vào sản xuất hàng loạt và chính quyền địa phương không cung cấp đủ kinh phí để triển khai robot trong các viện dưỡng lão trên quy mô lớn.
Trong khi đó, các nhà phân tích vẫn lạc quan về triển vọng dài hạn cho ngành chăm sóc sức khỏe thông minh của Trung Quốc. Vào tháng 4, một công ty nghiên cứu ở tỉnh Quảng Đông đã công bố báo cáo dự đoán thị trường sẽ “bùng nổ” trong thập kỷ tới, khi chính phủ Trung Quốc tăng tài trợ, các sản phẩm mới được phát triển và mô hình tiêu dùng thay đổi. Công ty ước tính đến năm 2027, thị trường sẽ lớn hơn gấp 3 lần so với năm 2021. Các công ty cho biết nhu cầu về robot đang bắt đầu lan rộng trên toàn quốc. Đại diện của một công ty trí tuệ nhân tạo có trụ sở tại tỉnh An Huy nói rằng robot của công ty chủ yếu được sử dụng trong các bệnh viện ở những vùng giàu có của đất nước như Thượng Hải và Chiết Giang. Nhưng gần đây nó đã bắt đầu nhận được nhiều yêu cầu hơn từ các viện dưỡng lão ở các thành phố xa xôi hơn.
Tham vọng thống trị ngành công nghiệp game của Arab Saudi
18 tháng qua, Arab Saudi đã chi tổng cộng gần 8 tỉ để thâu tóm cổ phần của hàng loạt công ty game trên toàn thế giới. Đó là một phần trong kế hoạch tăng cường đầu tư nhằm mục tiêu trở thành một thế lực thống trị ngành công nghiệp giải trí đang phất lên nhanh chóng. Savvy Games là cái tên lãnh xướng làn sóng đầu tư này. Tập đoàn được hậu thuẫn bởi Arab Saudi này đã mua cổ phần của VSPO (Trung Quốc), Embracer (Thụy Điển) và mới nhất là Scopely (Mỹ). Động thái diễn ra trong bối cảnh chính quyền Riyadh chi tiền mạnh tay để đa dạng hóa nền kinh tế.
Vương quốc này đặt mục tiêu trở thành nhà của 250 công ty và studio game, đồng thời tạo 39.000 việc làm trong ngành công nghiệp, đóng góp khoảng 1% GDP vào năm 2030. Kế hoạch của họ bao gồm cả việc thâm nhập vào lĩnh vực e-sport thông qua quan hệ hợp tác với VSPO. Giới chức Arab Saudi cho hay sẽ có thêm nhiều thỏa thuận được công bố trong thời gian tới. Họ nói rằng tập trung đầu tư cho game là một phần trong kế hoạch tổng thể nhằm đa dạng hóa nền kinh tế đất nước vượt khỏi dầu khí, hướng Arab Saudi đầu tư vào nhiều ngành công nghiệp đang tăng trưởng, như sản xuất xe điện. Nỗ lực này phù hợp với kế hoạch tăng cường quyền lực mềm của Arab Saudi, khi vương quốc này chi mạnh tay vào các bộ môn thể thao như bóng đá và golf.
Tech in Asia đưa tin, siêu ứng dụng Grab đang thử nghiệm tính năng mới trong lĩnh vực kinh doanh nhà hàng với các đối tác trên GrabFood tại Singapore, Indonesia và Philippines. Hồi tháng 5, công ty đã công bố các tính năng ăn tối mới, cho phép khách hàng mua trước các phiếu ăn uống, xem thực đơn, đọc các bài đánh giá và thậm chí đặt các chuyến đi đến địa điểm ăn uống dự định của khách hàng thông qua nền tảng. Tính năng mới của Grab được đánh giá là trải nghiệm “từ đầu đến cuối” với lĩnh vực dịch vụ nhà hàng. Động thái này được đưa ra khi khối lượng giao hàng thực phẩm trên toàn khu vực Đông Nam Á đang chậm lại trong bối cảnh người dùng quay trở lại thói quen ăn uống trực tiếp tại các nhà hàng sau dịch Covid-19.
Chuyển sang lĩnh vực kinh doanh nhà hàng, Grab kỳ vọng bước đi này sẽ giúp đảo ngược đà đi xuống của mảng giao đồ ăn. Giới chuyên gia cho biết, hiện lợi ích dành cho các đối tác nhà hàng của Grab chủ yếu nằm ở việc cung cấp phiếu mua hàng thông qua ứng dụng. Điều này có thể thúc đẩy doanh số bán hàng trong các khoảng thời gian cụ thể. Tính năng này đang được thử nghiệm tại 3 thị trường trong khu vực Đông Nam Á là Singapore, Philippines và Indonesia. Tại Singapore, Grab đã hợp tác với hơn 100 nhà hàng để cung cấp phiếu mua hàng. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, con số chỉ là một phần nhỏ trong số 2 triệu người bán trên nền tảng của Grab. Điều này đặt ra câu hỏi: Liệu bước đột phá của Grab vào lĩnh vực kinh doanh nhà hàng có thể bù đắp cho sự sụt giảm liên tục về khối lượng giao đồ ăn trực tuyến của họ không? Grab dự định dấn thân vào lĩnh vực công nghệ nhà hàng như thế nào và nên tiến sâu đến đâu?
Ngày 20/6, hãng taxi công nghệ Grab có trụ sở tại Singapore thông báo sẽ sa thải hơn 1.000 nhân viên, tức khoảng 11% lực lượng lao động của hãng. Đây được xem là đợt cắt giảm nhân sự quy mô lớn nhất của Grab kể từ sau đại dịch COVID-19. Trong thư gửi đến nhân viên được đăng tải trên trang web của Grab, Giám đốc điều hành (CEO) của Grab, Anthony Tan, khẳng định việc tái cấu trúc là bước đi khó khăn, nhưng cần thiết. CEO của Grab cũng nhấn mạnh, mục tiêu chính của quyết định này là tổ chức lại công ty một cách chiến lược, để có thể đi nhanh hơn, làm việc thông minh hơn, và tái cân bằng các nguồn lực trong danh mục đầu tư để phù hợp với những chiến lược lâu dài.
Dù dẫn đầu thị trường gọi xe và giao hàng ở Đông Nam Á, nhưng Grab vẫn chưa đạt được lợi nhuận do chi tiêu cho tăng trưởng và sự cạnh tranh từ các đối thủ như tập đoàn GoTo của Indonesia. Cổ phiếu của Grab đã giảm khoảng 70% kể từ khi ra mắt thị trường chứng khoán ở New York vào cuối năm 2021. Ngoài ra, Grab cũng đang phải đối mặt với khả năng tăng trưởng chậm khi khách hàng chật vật với lạm phát cao và lãi suất tăng.
Ngày 17-6, “Ngày hội công nghệ quốc tế Buidl Việt Nam 2023” diễn ra tại Trường ĐH Hồng Bàng (TP HCM), thu hút được giới yêu công nghệ trong và ngoài nước. Sự kiện dự kiến có hơn 1.000 người tham dự, hướng đến xây dựng cộng đồng công nghệ blockchain lành mạnh và bền vững, giới thiệu và kết nối với những nhà phát triển sản phẩm có năng lực đóng góp cho hệ sinh thái blockchain trên toàn cầu và Việt Nam. Theo bà Erica Kang, nhà đồng sáng lập Tổ chức KryptoSeoul, đơn vị sở hữu thương hiệu Buidl Asia, năm 2023, Việt Nam vẫn chứng minh được sức hấp dẫn trên toàn cầu ở lĩnh vực phát triển công nghệ và đào tạo nhân tài trong ngành công nghiệp blockchain và web3. Buidl Việt Nam 2023 được tổ chức trong bối cảnh Việt Nam là quốc gia đứng đầu thế giới về việc chấp nhận tiền điện tử trong hai năm liên tiếp 2021 và 2022. Ngoài ra, Việt Nam còn là quốc gia có tỉ lệ người nắm giữ tiền điện tử lớn thứ hai ASEAN sau Thái Lan, và là một trong 5 quốc gia đi đầu về blockchain. Theo dự báo của MarketsandMarkets, thị trường liên quan đến blockchain tại Việt Nam dự kiến đạt giá trị gần 2,5 tỉ USD vào năm 2026, tăng gấp 5 lần quy mô so với năm 2021.
Theo báo cáo thị trường Crypto Việt Nam 2022, hiện có hơn 200 dự án blockchain hoạt động, trải dài trên nhiều lĩnh vực khác nhau và phát triển chủ yếu ở mảng GameFi, DeFi và NFT, web3, cơ sở hạ tầng, ví… Trong top 200 doanh nghiệp blockchain và tiền điện tử hàng đầu thế giới, có 7 doanh nghiệp do người Việt sáng lập. Bên cạnh đó, Việt Nam có trên 10 doanh nghiệp có vốn hóa trên 100 triệu USD với mức ảnh hưởng trên toàn cầu. Đặc biệt, ba dự án Việt Nam từng đạt mức vốn hóa trên 1 tỉ USD là Coin98, Axie Infinity và Kyber Network.
Trung Quốc: livestream bán than do quá dư thừa nguồn cung
Với việc tồn kho than tại các cảng và nhà máy điện của Trung Quốc đạt mức cao kỷ lục trong những tuần gần đây do nền kinh tế trì trệ. Nhu cầu từ các nhà máy thép và các lĩnh vực khác suy giảm nhu cầu về than, bởi vậy các công ty khoáng sản đang cần sáng tạo hơn để tiếp cận đến khách hàng của họ. Trong một buổi phát trực tiếp gần đây của Huaze Coal Industry, một người phụ nữ trẻ đội một chiếc mũ màu xanh lam và mặc bộ đồ khai thác mỏ, cầm một cục than đặt trên nền nhà tại nhà kho than, quảng cáo than dạng bột có hàm lượng 5.500 kcal khai thác tại mỏ ở tỉnh Sơn Tây với giá 570 – 600 nhân dân tệ, tương đương với 79,55 – 83,73 USD/tấn. Mỗi đơn hàng có trọng lượng tối thiểu từ 30 đến 35 tấn, sẽ được vận chuyển bằng tàu hỏa, khối lượng này cho thấy người bán đang tìm kiếm những khách hàng bán buôn để tiêu thụ than nhanh chóng. Theo các nguồn tin thương mại, than nhiệt 5.500 kcal trong nước được giao dịch ở mức khoảng 800 nhân dân tệ (111,64 USD)/tấn vào tuần trước.
Ba trong số các kênh về than hoạt động tích cực nhất trên Douyin – nền tảng mạng xã hội phổ biến của Trung Quốc được Reuters xác định là Huaze Coal, Guohai Daily Coal Price và Jixing Coal – đã cùng nhau tổ chức 164 sự kiện trực tuyến như vậy trong quý này, tăng từ 120 sự kiện trong quý trước và 107 sự kiện trong quý 4 của năm 2022 với mỗi lần phát trực tiếp hơn 2 giờ đồng hồ.
Hệ sinh thái khởi nghiệp Singapore vươn lên hàng đầu châu Á
Singapore đang củng cố vị thế trung tâm đầu tư mạo hiểm và khởi nghiệp hàng đầu châu Á. Lần đầu tiên, hòn đảo này lọt vào Top 10 cùng với các hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ lớn nhất thế giới như Silicon Valley, New York và London – theo bảng xếp hạng của hãng nghiên cứu Startup Genome có trụ sở tại Mỹ. Theo báo cáo mới nhất của Startup Genome, Singapore hiện xếp thứ 8 sau khi tăng 10 bậc so với năm ngoái. Ở châu Á, Singapore đứng thứ hai sau Bắc Kinh (xếp hạng 7, giảm hai bậc) và trên Thượng Hải (hạng 9, giảm một bậc) trong cùng thời kỳ. Trong khi đó, theo bảng xếp hạng quốc gia khởi nghiệp mới nhất của hãng nghiên cứu thị trường StartupBlink của Israel, Singapore xếp thứ 6 toàn cầu, bỏ xa Trung Quốc xếp thứ 12 và Nhật Bản hạng 18.
Là mái nhà của khoảng 4.000 công ty khởi nghiệp công nghệ và hơn 400 công ty đầu tư mạo hiểm, Singapore hiện có 18 kỳ lân – công ty có giá trị từ 1 tỉ đô la, nhiều hơn bốn lần so với mức trung bình toàn cầu là bốn. Các thương vụ đầu tư cho startup giai đoạn đầu cũng tăng 33%. Sự cải thiện về thứ hạng của Singapore diễn ra bất chấp việc trung tâm khởi nghiệp Đông Nam Á này đang trải qua “một mùa đông tài trợ khắc nghiệt” – tức nguồn vốn mạo hiểm đang vơi dần – do lạm phát gia tăng và kinh tế chững lại.
Theo Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Công ty Nova F&B mới đây đã có sự thay đổi nhân sự cấp cao. Theo đó, bà Nguyễn Thanh Hà Ngọc trở thành Tổng giám đốc kiêm người đại diện pháp luật mới. Đáng chú ý, bà Ngọc chính là Tổng giám đốc Công ty CP IN Hospitality, chủ thương hiệu trung tâm hội nghị GEM Center và White Palace. Tuy nhiên, một nguồn tin tiết lộ rằng bên mua là một đối tác đến từ Singapore, và thương vụ này do VinaCapital đứng ra sắp xếp. Theo đó, Nova F&B sẽ chuyển giao các thương hiệu và một số mặt bằng còn hiệu lực thuê. Nhưng nhìn chung, đa số mặt bằng của Nova F&B đang bị tạm dừng do vấn đề pháp lý, chỉ hiếm hoi vài mặt bằng được giữ lại khi chuyển giao. Chia sẻ với truyền thông, IN Hospitality cũng xác nhận được đối tác ở Singapore thuê để vận hành Nova F&B, chứ không mua lại.
IN Hospitality tiền thân là Công ty PQC Convention, đơn vị sở hữu trung tâm hội nghị GEM Center có quy mô lớn nhất tại khu vực trung tâm quận 1, TP.HCM. Doanh nghiệp này là đơn vị thành viên của IN Holdings do hai anh em doanh nhân Nguyễn Hữu Phú và Nguyễn Hữu Quý thành lập, hiện có vốn điều lệ 510 tỷ đồng. Bên cạnh GEM Center, IN Holdings còn sở hữu chuỗi trung tâm hội nghị tiệc cưới White Palace từ năm 2007 và nhà hàng The Log Restaurant.
Từ cuối năm ngoái đến nay, kim ngạch xuất khẩu thủy sản liên tục giảm, trong đó có ngành tôm. Trong năm tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm giảm 34% so với cùng kỳ năm ngoái, khi chỉ đạt 1,2 tỷ USD. Tình hình tiêu thụ đến gần cuối quý II vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc về sức mua lẫn giá cả. Nguyên nhân thứ nhất là do lạm phát, suy thoái toàn cầu khiến người tiêu dùng Mỹ, EU thắt chặt hầu bao. Bên cạnh đó, các nước như Indonesia, Ecuador thu hoạch tôm sớm, sản lượng tôm nuôi trúng mùa, cả về lượng và kích cỡ tôm lớn, cạnh tranh lớn với tôm Việt Nam. Các nước này cũng cung ứng với giá rẻ hơn tôm Việt Nam từ 1 USD – 2 USD/kg, khiến việc tìm đơn hàng của các doanh nghiệp xuất khẩu tôm khó khăn. Dự kiến, phải đến quý III/2023, việc tiêu thụ tôm trong nước sẽ khởi sắc hơn bởi thị trường sẽ vào giai đoạn cao điểm tiêu thụ ở EU, Bắc Mỹ; mùa lễ Tết ở Nhật Bản và sau đó là nhu cầu tập kết hàng cho đợt tiêu thụ cuối năm.
Xuất khẩu tôm gặp khó, giá tôm trong nước cũng lao dốc không phanh trong nhiều tháng qua, vì vậy bà con nuôi tôm một lần nữa lại đối mặt với điệp khúc “được mùa mất giá” khi đang bước vào vụ thu hoạch. Hiện đang là mùa thu hoạch tôm chính vụ tại ĐBSCL, dù người nuôi trúng mùa nhưng giá tôm lại rất thấp. Người nuôi đang gặp rất nhiều khó khăn, không ít hộ lên kế hoạch không tiếp tục sản xuất. Giá tôm nguyên liệu giảm sâu không chỉ gây bất lợi trực tiếp cho nông dân, mà còn kéo theo hàng loạt hệ lụy một khi nhà nông treo ao, bỏ đầm. Đây cũng là lo lắng chung của các doanh nghiệp chế biến về vấn đề nguyên liệu trong thời gian tới.
Khoảng 1 tháng trở lại đây, giá lợn hơi đã bắt đầu tăng trở lại và biến động quanh ngưỡng 60.000 đồng/kg. Thậm chí, có những địa phương ghi nhận mức giá 63.000 đồng/kg. Đây là mức tăng cao nhất từ đầu năm đến nay và là vùng giá các doanh nghiệp và các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ bắt đầu có lãi. Lý giải về xu hướng tăng giá hiện nay, ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam cho biết, do từ cuối năm 2022 đến đầu năm nay, giá lợn hơi liên tục giảm mạnh. Điều này khiến người chăn nuôi lỗ nặng, dẫn tới “treo chuồng” khiến tổng đàn lợn sụt giảm, nhất là các hộ nuôi nhỏ lẻ. Chính vì vậy, hiện tại nguồn cung thịt lợn trên thị trường có tình trạng thiếu hụt cục bộ, đặc biệt là ở các tỉnh miền Bắc.
Tuy giá lợn hơi tăng, nhưng theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, người chăn nuôi vẫn đang còn thận trọng trong việc tái đàn. Nguyên nhân là thị trường vẫn chưa ổn định khi sức mua vẫn ở mức yếu. Chưa kể, tình hình dịch tả lợn châu Phi vẫn còn diễn biến phức tạp tại một số địa phương. Theo ông Đoán, tín hiệu mừng nhất hiện nay là giá thức ăn chăn nuôi có xu hướng giảm. Mới đây nhất vào ngày 14/6, các doanh nghiệp lớn cung cấp thức ăn chăn nuôi đã thông báo giảm giá chính thức lần thứ hai kể từ đầu năm đến nay với mức giảm bình quân 300 – 400 đồng/kg/lần tùy loại.
TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, việc người chăn nuôi vẫn còn dè dặt trong tái đàn hiện nay là tất yếu, bởi thị trường thịt lợn vẫn còn nhiều yếu tố chưa ổn định. Theo ông Doanh, nếu người chăn nuôi không tái đàn trong vài tháng tới, nguồn cung thịt lợn trong nước chắc chắn sẽ giảm, nguy cơ thiếu thịt lợn dịp cuối năm rất dễ xảy ra. Để ổn định thị trường, các cơ quan chức năng cần có giải pháp giảm bớt khó khăn cho người chăn nuôi như giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu đầu vào là thức ăn chăn nuôi, hỗ trợ cho vay vốn để người chăn nuôi tái đàn.
Trung Quốc mua tới 95% lượng sầu riêng xuất khẩu của Việt Nam
Tổng cục Hải quan vừa công bố số liệu xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam tháng 5 và 5 tháng năm 2023. Trong đó, ngành hàng rau quả trong tháng 5 mang về tới 656 triệu USD, tăng 67,7% so với tháng trước. Tính chung 5 tháng đầu năm, trị giá xuất khẩu nhóm hàng này đạt tới 2,03 tỉ USD, cao nhất từ trước tới nay và tăng tới 42,9% so với cùng kỳ năm trước, tương đương 608 triệu USD.
Theo Tổng cục Hải quan, đóng góp chính cho nhóm hàng rau quả là sầu riêng (mã HS 0810.60.00), tăng cao đột biến. Trong tháng 5, trị giá xuất khẩu quả sầu riêng đạt mức cao nhất từ trước tới nay, với 332 triệu USD, gấp hơn 10 lần so với tháng trước. Tính chung trong 5 tháng đầu năm, trị giá xuất khẩu quả sầu riêng đạt tới hơn nửa tỉ USD (503,4 triệu USD), tăng 475,8 triệu USD, gấp hơn 18 lần so với con số 27,6 triệu USD của cùng kỳ năm 2022. Đáng chú ý là Trung Quốc mua gần như toàn bộ lượng sầu riêng xuất khẩu của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm, với giá trị kim ngạch lên tới 477 triệu USD, chiếm 95% tổng trị giá xuất khẩu nhóm hàng này.
Ớt Việt Nam được Trung Quốc săn lùng đến 90% sản lượng, xuất khẩu tăng đột biến hơn 100% trong 5 tháng đầu năm
Theo thống kê sơ bộ của Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam (VPA), trong tháng 5 Việt Nam đã xuất khẩu được 1.630 tấn ớt với kim ngạch đạt 3,1 triệu USD, so với tháng 4/2023, sản lượng tăng 1,1% tuy nhiên lại giảm 8,8% về kim ngạch. Tính đến hết tháng 5/2023, xuất khẩu ớt đạt 5.914 tấn với 11,8 triệu USD, tăng mạnh 101,9% về lượng và tăng 57,3% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2022. Trung Quốc là khách hàng lớn nhất của ớt Việt. Trong tháng 5, xuất khẩu ớt sang Trung Quốc đạt 1.478 tấn, tính chung trong 5 tháng đầu năm, xuất khẩu ớt sang Trung Quốc đạt 5.362 tấn, chiếm 90,7% về thị phần. Tiếp theo là Lào với 398 tấn, chiếm 6,7%. Trong năm 2022, Việt Nam xuất khẩu được 4.904 tấn ớt với kim ngạch đạt 11,9 triệu USD.
Theo số liệu từ Statista, năm 2020, sản lượng ớt của thế giới là khoảng 60 triệu tấn, bao gồm cả ớt cay, ớt chuông và ớt xanh. Châu Á hiện là khu vực sản xuất ớt lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 80% sản lượng toàn cầu. Thương mại ớt toàn cầu trị giá khoảng 35 tỷ USD mỗi năm. Trung Quốc hiện là quốc gia đi đầu trong cả sản xuất và thương mại ớt tươi. Diện tích trồng ớt của Trung Quốc là hơn 1,3 triệu ha, chiếm 35% tổng diện tích trồng của thế giới. Ớt được sử dụng là một quả gia vị quan trọng trong các món ăn của Trung Quốc. Ngoài ra ớt cũng có nhiều công dụng khác trong y học như thúc đẩy lưu thông máu, bảo vệ tim, chống viêm và có khả năng chống ung thư,…Mỗi năm, quốc gia này xuất khẩu khoảng 70.000 tấn ớt bột và ớt khô, sang các thị trường như: Tây Ban Nha, Mexico, Mỹ và các nước trong khu vực Đông Nam Á…
Ngày 16/6, lô vải không hạt đầu tiên của Việt Nam đã ra mắt tại thị trường Anh, trở thành loại quả đặc sản Việt Nam thứ 4, sau bưởi đỏ Tân Lạc, bưởi Diễn Yên Thủy và cam Cao Phong (Hòa Bình), xuất khẩu chính ngạch sang thị trường khó tính này trong năm nay. Lô vải không hạt nói trên do Công ty TNHH Nông nghiệp Công nghệ cao Hồ Gươm – Sông Âm trồng tại Ngọc Lặc (Thanh Hóa) và được công ty TT Meridian nhập khẩu vào Anh. TT Meridian là doanh nghiệp chuyên phân phối vải thiều và nông sản Việt Nam tại Anh.
Vị giám đốc của TT Meridian cho biết đối với các mặt hàng trái cây tươi nhiệt đới nhập khẩu từ Việt Nam, công ty đang áp dụng quy trình Just-in-time (cung cấp số lượng sản phẩm theo thời gian và địa điểm yêu cầu của khách hàng) nhằm đảm bảo trái cây đến tay người tiêu dùng vẫn giữ được độ tươi ngon. Theo quy trình này, toàn bộ quá trình từ lúc xuất hàng tại vườn ở Việt Nam đến khi bày bán sản phẩm tại Anh chỉ kéo dài 36 giờ, gồm thời gian đóng gói hàng và vận chuyển từ Việt Nam, thông quan và phân phối đến nhà bán lẻ ở Anh. Lô vải không hạt lần này được thu hoạch và đóng gói ở Ngọc Lặc (Thanh Hóa) vào chiều tối ngày 14/6 và giữ lạnh trong 36-48 tiếng. Lô hàng hoàn thành thủ tục kiểm dịch bay tại sân bay Nội Bài và vận chuyển trên chuyến bay thẳng Hà Nội-London của Hãng hàng không Vietnam Airlines đến London chiều ngày 15/6 theo giờ địa phương. Sau đó, hàng được thông quan và về kho của TT Meridian vào sáng 16/6.
Chanh không hạt Việt Nam chiếm lĩnh thị trường Vùng Vịnh
Nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam thời gian qua đã và đang tạo được chỗ đứng tại các thị trường Vùng Vịnh. Nhưng nếu nói về danh tiếng sẽ không gì có thể vượt qua quả chanh không hạt. Chanh không hạt của Việt Nam hiện đang chiếm ưu thế cạnh tranh tuyệt đối tại không ít thị trường nơi đây. Tại khu chợ đầu mối Ras Al Khor, hàng tuần đều nhập chanh không hạt của Việt Nam. Xứ nóng có nhu cầu tiêu thụ chanh lớn, song các doanh nghiệp tại Dubai hầu như ít nhập chanh không hạt từ nơi nào khác ngoài Việt Nam. Chanh không hạt từ Việt Nam là loại chanh xanh. Chanh vàng thị trường Vùng Vịnh vẫn có thể nhập từ Ấn Độ hay Nam Phi. Nhưng với người Trung Đông, chanh xanh và chanh vàng là 2 loại quả không thể thay thế nhau. Chanh xanh dành cho những món ăn cần độ thơm và đặc biệt để pha nước uống. Chanh xanh nay tạo nên một dấu ấn rõ của Việt Nam tại các siêu thị Vùng Vịnh.
Al Maya là một trong những tập đoàn bán lẻ hàng đầu tại Dubai. Thời gian gần đây, tập đoàn dành nhiều sự quan tâm với các mặt hàng nông sản Việt Nam. Bắt đầu từ gạo và chanh không hạt nhập từ Việt Nam, những thành công đã khiến Al Maya nay mở rộng sang nhập dừa, ổi hay xoài của Việt Nam. Ông Kamal Vachani – Giám đốc Tập đoàn Al Maya nói: “Hiện chúng tôi nhận thấy có nhiều khách hàng muốn mua các nông sản của Việt Nam. Nó tạo cho Al Maya sự tự tin để nhập khẩu thêm nhiều loại nông sản, thực phẩm khác nữa. Trong đó, chanh rõ ràng là một sản phẩm rất quan trọng từ Việt Nam”.