Các tổ chức đầu tư Mỹ đã rót hơn 9 tỷ USD cho ByteDance, công ty mẹ của TikTok
Nhóm tin về ngành bán lẻ – thương mại điện tử
1. “Siêu thị trực tuyến” của Foodpanda bán hàng nhãn riêng
Foodpanda, nền tảng trực tuyến giao nhận thực phẩm và điện tử ở nhiều nước châu Á, đã tung ra một loạt nhãn hiệu riêng có tên Bright trên “cửa hàng tạp hóa trực tuyến” Pandamart. Nhãn hiệu riêng này có khoảng 1.000 sản phẩm được chia thành ba thương hiệu nhỏ hơn: Brightfarms cho sản phẩm tươi sống, Brightyums cho các mặt hàng đồ khô và bữa ăn sẵn, và Brightspots cho nhu yếu phẩm gia đình.
Các mặt hàng có nhãn Bright sẽ lên “kệ” của các cửa hàng trực tuyến Pandamart ở khắp các thị trường của Foodpanda, đầu tiên là ở Singapore và Malaysia, rồi sau đó mới sang các thị trường khác. Foodpanda nói việc mua hàng trực tiếp từ nhà cung cấp giúp các sản phẩm Bright có già thành mềm hơn, rẻ hơn khoảng 25% so với các sản phẩm cùng loại. Foodpanda nói điều này sẽ giúp công ty dễ tiếp cận hơn với tệp khách hàng rất nhạy cảm về giá.
Nguồn: https://bsa.org.vn/sieu-thi-truc-tuyen-cua-foodpanda-ban-hang-nhan-rieng/
2. Nhiều thương hiệu đình đám thế giới tăng cường hoạt động ở thị trường Nga
Theo số liệu của Tập đoàn bất động sản hạng sang NF Group, từ đầu năm 2024 đến nay, 11 thương hiệu mới đã xuất hiện tại thị trường Nga, trong đó có các thương hiệu của Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Italy, Tây Ban Nha và Đức. Trong số 11 nhãn hàng mới xuất hiện có đến 6 thương hiệu của châu Á. Để so sánh, trong quý 4/2023, thị trường Nga có 7 thương hiệu mới, chủ yếu là các thương hiệu Thổ Nhĩ Kỳ, và chỉ có hai thương hiệu châu Á.
Các chuyên gia Nga dự báo năm 2024 sẽ là năm then chốt cho các thương hiệu châu Á mở rộng tại các trung tâm thương mại của nước này. Các công ty châu Á đã lập kế hoạch mở rộng tại Nga từ năm 2022 và thông thường sẽ mất hai năm để chuẩn bị cho cuộc thâm nhập thị trường mới.
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/post-944897.vnp
3. Các đại siêu thị kiểu Mỹ thu hút người tiêu dùng ở Trung Quốc
Các đại siêu thị kiểu Mỹ chỉ dành cho hội viên như Walmart (với thương hiệu Sam’s Club), Costco hay PriceSmart đang mở rộng thị phần ở Trung Quốc. Các chuỗi này mang lại những trải nghiệm mua sắm mới và các dòng sản phẩm khác biệt so với siêu thị thông thường và các nhà bán lẻ trực tuyến ở Trung Quốc. Mức giá thấp dành cho hội viên đã trở nên đặc biệt hấp dẫn với người tiêu dùng Trung Quốc đang siết chặt hầu bao và đã dần có thói quen tích trữ hàng thực phẩm từ thời phong tỏa gắt gao chống Covid-19. Theo hãng nghiên cứu iiMedia Research, quy mô thị trường đại siêu thị kho hàng kiểu Mỹ tại Trung Quốc đại lục đã tăng lên 36,4 tỉ nhân dân tệ (5 tỉ đô la) trong năm 2023, tăng khoảng 40% so với năm 2019 trước dịch Covid.
Các nhà bán lẻ Trung Quốc cũng đang nhảy vào thị trường đại siêu thị kho hàng mới mẻ này. Hema – một đại siêu thị kho hàng thuộc tập đoàn Alibaba – đã cam kết sẽ hoàn tiền chênh lệch nếu sản phẩm Hema đắt hơn Sam’s Club. Hema điều hành cả siêu thị truyền thống và kinh doanh trực tuyến, bên cạnh các kho hàng chỉ bán cho người có thẻ hội viên. Đến nay, Hema đã mở 9 địa điểm, cả ở các trung tâm đô thị đông đúc. Do một công ty kinh doanh nông sản điều hành, Fudi hiện có bốn siêu thị ở Bắc Kinh. Phí hội viên lên đến 680 nhân dân tệ (94 đô la) – tức mắc gần 2,5 lần các chuỗi Mỹ, nhưng Fudi có những “tuyệt chiêu khác” như hoàn tiền (mua 1.000 nhân dân tệ thì hoàn lại 20 tệ cho lần mua sắm sau), 12 lần rửa xe và giao hàng miễn phí…
Nguồn: https://thesaigontimes.vn/cac-dai-sieu-thi-kieu-my-thu-hut-nguoi-tieu-dung-o-trung-quoc/
4. Walmart ra mắt thương hiệu thực phẩm chất lượng cao
Vào thứ Ba (7/5/2024), Walmart đã ra mắt The Better Goods – nơi sẽ cung cấp các loại thực phẩm chất lượng cao có nguồn gốc thực vật và không gluten. Lãnh đạo tập đoàn mô tả thương hiệu trên là bước đột phá lớn nhất trong lĩnh vực kinh doanh thực phẩm nhãn hiệu riêng trong 20 năm. Điều này được kỳ vọng sẽ giúp ông lớn bán lẻ Mỹ tiếp cận người tiêu dùng ở phân khúc cao.
Các mặt hàng của Better Goods sẽ bao gồm món tráng miệng đông lạnh làm từ sữa yến mạch, mì ống và pho mát làm từ thực vật cũng như các món khai vị đông lạnh như bánh cà ri gà và bánh mặn kiểu Mỹ. Tuy nhiên, nhà bán lẻ cho biết hơn 70% sản phẩm sẽ vẫn có giá dưới 5 USD.
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/walmart-ra-mat-thuong-hieu-moi-sau-20-nam.html
5. Bán lẻ điện máy, công nghệ so kè từng chút
Các chuỗi bán lẻ hàng điện máy, công nghệ đang chạy đua giành giật thị phần, sắp xếp lại hệ thống kể cả sẵn sàng đóng cửa những cửa hàng hoạt động không hiệu quả. Ông Đoàn Văn Hiểu Em, thành viên HĐQT Công ty CP Đầu tư Thế Giới Di Động, phụ trách 2 chuỗi thegioididong và Điện máy Xanh, nhận định sức mua hiện tại của ngành điện thoại, điện máy chưa có thay đổi quá lớn. Các hệ thống bán lẻ khác như: Siêu thị điện máy Chợ Lớn, Nguyễn Kim, Thiên Hòa, CellphoneS, Di Động Việt cho biết doanh số trong năm qua không khả quan. Do đó, họ phải nỗ lực giành giật thị phần với mức giá tốt nhất, dịch vụ hậu mãi vượt trội.
Bán hàng trực tiếp đã được các chuỗi bán lẻ cạnh tranh quyết liệt trong thời gian qua, hiện chỉ còn kênh bán hàng online là chưa được đầu tư bài bản. Do đó, các hệ thống bán lẻ quyết tâm đầu tư mạnh vào kênh bán hàng online để gia cố thị phần cũng như tạo được lợi thế cạnh tranh.
Nguồn: https://nld.com.vn/ban-le-dien-may-cong-nghe-so-ke-tung-chut-196240504182054918.htm
6. Nhà bán lẻ thay đổi khi thị trường đổi thay
Kết thúc quí 1-2024, thị trường tiêu dùng, hàng hóa đã chứng kiến những kết quả trái ngược. Trong khi doanh thu bán lẻ hàng hóa ghi nhận tăng trưởng không mấy tích cực thì mua sắm TMĐT lại vượt xa kỳ vọng. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, quí 1/2024 tăng trưởng bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 1.537,6 ngàn tỉ đồng, chỉ tăng 8,2% so với cùng kỳ. Nếu loại trừ yếu tố về giá, con số này chỉ tăng 5,1%, bằng một nửa mức tăng trưởng cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng rất thấp so với mức tăng bình quân 11,5%/năm trong giai đoạn trước dịch Covid-19 (2015 – 2019).
Trước áp lực cạnh tranh mạnh mẽ ở kênh bán hàng trực tuyến và hành vi mua sắm của người tiêu dùng thay đổi nhiều, các nhà phân phối tiếp tục tăng tốc săn mặt bằng để tạo lợi thế kinh doanh, nhất là chuỗi bán lẻ ngoại. Các chuyên gia bán lẻ cho rằng, nhu cầu của người tiêu dùng ngày càng cao và cạnh tranh bán lẻ gay gắt, đòi hỏi nhà kinh doanh liên tục cải tiến để đáp ứng những thay đổi về giá trị. Trong đó tập trung vào cách doanh nghiệp chăm sóc khách hàng, cung cách phục vụ và tạo ra cảm xúc. Do đó, theo các chuyên gia, thị trường với quy mô hơn 190 tỉ đô la sẽ là một cuộc cạnh tranh quyết liệt của các nhà bán lẻ không chỉ về giá bán mà là tăng tiện ích, giá trị, cảm xúc và trải nghiệm mua sắm.
Nguồn:https://thesaigontimes.vn/nha-ban-le-thay-doi-khi-thi-truong-doi-thay/
Nhóm tin về ngành thực phẩm – ẩm thực
1. McDonald’s Việt Nam bị tẩy chay vì sơ sót trong chiến lược quảng cáo
Từ một câu chuyện đang xôn xao của cộng đồng mạng TQ, McDonald’s Việt Nam liền tung chương trình quảng cáo trên ứng dụng đặt đồ ăn trực tuyến với tên gọi: “Không thích ăn rau thì ăn gà dính phô mai BBQ”. Tuy nhiên, động thái của McDonald’s đã bị cư dân mạng liên tục “tấn công”, chỉ trích dữ dội vì dùng câu chuyện thương tâm để bắt trend phản cảm. Chỉ chưa đầy 2 ngày, bài viết dùng câu chuyện Mèo Béo để PR sản phẩm của McDonald’s đã thu về khoảng 2.100 lượt bày tỏ cảm xúc, trong đó có tới hơn 1.800 lượt thả phẫn nộ.
Giữa làn sóng “ném đá” dữ dội, hiện phía McDonald’s Việt Nam đã đổi lại tên đồ ăn, chương trình giảm giá trên các ứng dụng bán đồ ăn trực tuyến, tuy nhiên dân cư mạng vẫn đang tiếp tục tràn vào fanpage của hãng tại Việt Nam để bày tỏ sự bức xúc.
Nhóm tin về nông nghiệp – thủy sản – chăn nuôi
1. Giá ca cao thế giới giảm 25% so với mức đỉnh
Các nhà phân tích cho biết giá ca cao, nguyên liệu chủ yếu được sử dụng để chế biến chocolate, đã giảm mạnh sau khi đạt mức cao kỷ lục gần đây, do các nhà đầu tư quan ngại về việc thị trường này quá “nóng” và có thể trở nên kém thanh khoản. Ngày 1/5, giá ca cao ở mức 8.408 USD/tấn tại New York và 6.783 bảng Anh (8,5 USD)/tấn tại London. Mức giá này đã giảm 25% so với mức đỉnh điểm 11.722 USD/tấn tại New York (Mỹ) và 9.285 bảng Anh/tấn tại London (Anh) hôm 19/4 do những lo ngại về nguồn cung xuất phát từ tình hình thời tiết bất lợi.
Nhà phân tích Ole Hansen của ngân hàng Saxo Bank nhận định, các biến động mạnh và sự bất ổn về giá cả trong thời gian gần đây buộc nhiều thương nhân kinh doanh ca cao từ bỏ thị trường này vì thị trường quá khó giao dịch và quá đắt đỏ để duy trì vị thế trên thị trường, từ đó gây ra vấn đề về thanh khoản. Cũng theo nhà phân tích trên, tính kém thanh khoản đã khiến cho thị trường ca cao trở nên bất ổn định, có nghĩa là rất nhiều nhà giao dịch đã dừng hoặc giảm quy mô hoạt động.
2. Giá cà phê thế giới lao dốc
Sau khi tăng liên tục, giá cà phê đã lao dốc đột ngột. Giá cà phê Robusta trên thế giới đã có phiên giảm giá hơn 100 USD/tấn. So với mức đỉnh thiết lập cuối tháng 4-2024, giá cà phê đã giảm khoảng 500 USD/tấn.
Ông Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Mê Thuột (tỉnh Đắk Lắk). chỉ ra 4 nguyên nhân khiến giá cà phê thế giới hạ nhiệt. Thứ nhất, khi kỳ hạn giao hàng tháng 5 hết, chuyển sang tháng 7 các bên ôm hàng thường đẩy ra mạnh khiến giá giảm. Thứ hai, đồng tiền Brazil (BRL) đang giảm hơn so với USD đã kích thích các nhà xuất khẩu cà phê của nước cung cấp cà phê số 1 thế giới xuất khẩu. Thứ ba, thông tin về việc có mưa đầu mùa tại những vùng trồng cà phê của Việt Nam và Brazil đã xoa dịu phần nào lo lắng về việc mất mùa nghiêm trọng trong vụ tới. Thứ tư, thông tin về việc tồn kho trên sàn đang cao hơn mức bình thường khiến sự lo lắng về việc thiếu cà phê giảm bớt.
Nguồn: https://nld.com.vn/gia-ca-phe-the-gioi-lao-doc-vi-sao-196240502171453512.htm
3. Tiền Giang: Sầu riêng ít trái, giá giảm
Hiện nay, vườn sầu riêng tại tỉnh Tiền Giang đang bước vào vụ thu hoạch. Đợt thu hoạch chính vụ này nhà vườn kém vui vì năng suất giảm, giá lại giảm sâu. Tại địa bàn huyện Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) 2 tháng trước, giá sầu riêng Monthong giá trên 200.000 đồng/kg, nay giảm còn gần 100.000 đồng/kg; trái sầu riêng Ri6 giá 150.000 đồng/kg nay giảm còn 55.000 đồng/kg. Theo các doanh nghiệp chuyên thu mua trái sầu riêng xuất khẩu, nguyên nhân làm cho trái cây này sụt giảm giá mạnh là do “đụng hàng” với trái sầu riêng Thái Lan và Malaysia.
Không chỉ giảm giá mà năng suất vườn sầu riêng tại các huyện Cai Lậy, Châu Thành, Thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang giảm nhiều so với cùng vụ các năm trước. Để có đủ hàng xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp phải đến các tỉnh miền Tây như Hậu Giang, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Cần Thơ để thu mua trái sầu riêng.
Nguồn: https://vov.vn/kinh-te/tien-giang-sau-rieng-it-trai-gia-giam-post1093223.vov
4. Giá tiêu liên tục tăng mạnh
Tại khu vực Tây Nguyên và Đông Nam Bộ ngày 6/5, giá tiêu Đắk Lắk được thu mua ở mức 103.000 đồng/kg. Giá tiêu Chư Sê (Gia Lai) vẫn ở mức 103.000 đồng/kg, giá tiêu Đắk Nông giá 104.000 đồng/kg, không đổi so với ngày hôm qua. So với tuần trước, giá tiêu trong nước mấy ngày qua đã tăng thêm trung bình 6.000 đồng/kg. Còn so với đầu năm, giá tiêu tăng hơn 20.000 đồng/kg, tương đương tăng 30%.
Điều đáng nói, giá tiêu tăng ngay cả khi vụ thu hoạch đang diễn ra. Đại diện VPSA cho rằng, nguyên nhân chính xuất phát từ tình trạng đầu cơ, găm hàng dẫn đến giá hồ tiêu tăng nóng thời gian qua. Theo vị này, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, tại các vùng trồng trọng điểm thời gian qua khiến cây tiêu chết nhiều. Do đó, nguồn cung hạt tiêu từ Việt Nam và Brazil dự báo có thể giảm trong thời gian tới.
Nguồn: https://tienphong.vn/ly-do-gia-vang-den-lien-tuc-tang-manh-post1634703.tpo
5. Thanh long, đậu bắp sang EU không cẩn thận sẽ bị tạm dừng
Từ tháng 7 tới, trái thanh long và đậu bắp của Việt Nam tiếp tục bị tăng tần suất kiểm tra khi xuất khẩu sang Liên minh châu Âu (EU), nếu không có biện pháp cải thiện có thể EU tạm dừng nhập khẩu.
Tại hội nghị, bà Coulon Sylvie – chuyên gia cao cấp Tổng vụ Sức khỏe và An toàn thực phẩm (DG-SANTE) của Ủy ban châu Âu – cho biết EU đang áp dụng quy định 2019/1973 về việc tạm thời tăng cường các biện pháp kiểm soát chính thức và các điều kiện đặc biệt đối với một số sản phẩm thực phẩm hay thức ăn chăn nuôi không có nguồn gốc từ động vật (gọi tắt là sản phẩm) đối với một số quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Bà Coulon Sylvie cũng cho biết trong vòng 6 tháng, EU sẽ rà soát và cập nhật định kỳ danh mục các sản phẩm trong phụ lục kiểm soát.
Nguồn: https://tuoitre.vn/thanh-long-dau-bap-sang-eu-khong-can-than-se-bi-tam-dung-20240508005050675.htm
Nhóm tin về thị trường xuất nhập khẩu
1. Điều kiện để bưởi Việt Nam được xuất khẩu vào Australia
Việc nhập khẩu quả bưởi tươi được sản xuất từ Việt Nam có thể được phép nhập khẩu vào thị trường Australia nếu sản phẩm đáp ứng các điều kiện an toàn sinh học. Trái bưởi tươi của Việt Nam phải đáp ứng yêu cầu các biện pháp quản lý rủi ro an toàn sinh học đối với 19 loài sinh vật gây hại.
Nhằm giảm nguy cơ các loài sâu bệnh gây hại, đối với các loài rầy, vùng trồng, cơ sở đóng gói hoặc địa điểm sản xuất phải không nhiễm dịch hại; phải có phương pháp tiếp cận hệ thống có hiệu quả trong việc giảm thiểu rủi ro do loài rầy này gây ra trên quả bưởi và được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt. Đồng thời có biện pháp xử lý quả bưởi tươi để chống rầy, khử trùng bằng methyl bromide.
Nguồn: https://vtv.vn/kinh-te/dieu-kien-de-buoi-viet-nam-duoc-xuat-khau-vao-australia-20240503181414176.htm
2. Đồng Tháp lần đầu tiên đưa 15 tấn củ sen xuất khẩu Nhật Bản
Sáng 7-5, Đồng Tháp tổ chức lễ công bố lô hàng đầu tiên với 15 tấn củ sen xuất khẩu đi Nhật Bản, đánh dấu mốc đưa sản phẩm sen thâm nhập vào một trong những thị trường khó tính của thế giới. Ông Nguyễn Minh Thiện – đại diện Công ty cổ phần thực phẩm Sen Đại Việt – đơn vị xuất khẩu – cho biết lô hàng củ sen cấp đông khoảng 15 tấn chuẩn bị xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản với giá trị khoảng 980 triệu đồng. Dự kiến trong năm 2024, Công ty Sen Đại Việt sẽ xuất khẩu sang Nhật Bản đơn hàng giá trị gần 7 tỉ đồng, tương đương 8 container.
Toàn tỉnh Đồng Tháp hiện trồng 1.800ha sen, năng suất 5-7 tấn/ha. Sen lấy củ trồng theo quy trình được bao tiêu với giá 20.000 đồng/kg. Mô hình trồng sen lấy củ diện tích 3ha ở xã Trường Xuân, huyện Tháp Mười đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu đi thị trường nước ngoài.
Nguồn: https://tuoitre.vn/dong-thap-lan-dau-tien-dua-15-tan-cu-sen-xuat-khau-nhat-ban-20240507115023324.htm
3. Mĩ và Trung Quốc tăng mạnh nhập nông sản Việt Nam
Việc Mỹ và Trung Quốc đều tăng mạnh nhu cầu nhập khẩu đã giúp các mặt hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam tiếp tục tỏa sáng. Xuất khẩu rau quả tiếp tục bùng nổ nhờ mặt hàng sầu riêng (chiếm hơn 40% tổng kim ngạch của ngành) vẫn giữ giá bán cao. Đặc biệt, Trung Quốc tiếp tục tăng thu mua rau quả Việt Nam khi xuất khẩu trong quý đầu năm sang thị trường này uớc tính đạt gần 760 triệu USD, tăng 32,4%.
Xuất khẩu gỗ và lâm sản sang thị trường Mỹ trong quý I năm nay đạt 1,9 tỷ USD (tăng 46% so với cùng kỳ năm ngoái), thủy sản đạt 323,2 triệu USD (tăng 15%), rau quả đạt 67 triệu USD (tăng 34%), hạt điều đạt 208 triệu USD (tăng 22,3%), cà phê đạt 119 triệu USD (tăng 38,3%)… Đáng chú ý, Mỹ trở lại là thị trường nhập khẩu lớn nhất các mặt hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam.
Nguồn:https://tienphong.vn/hai-khach-sop-tang-manh-nhap-nong-san-viet-nam-post1634271.tpo
4. Giá gạo xuất khẩu tăng trở lại
Giá lúa ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tuần qua tiếp tục duy trì ở mức cao trong bối cảnh nguồn cung hạn chế do vụ Đông Xuân ở khu vực này đã cơ bản thu hoạch xong. Giá gạo xuất khẩu đã ghi nhận sự tăng giá nhẹ trở lại.
Về xuất khẩu, các thương nhân cho biết gạo 5% tấm Việt Nam được chào bán ở mức từ 577 – 580 USD/tấn vào ngày 2/5, tăng nhẹ so với một tuần trước đó. Trong 4 tháng 2024, xuất khẩu gạo đã đạt 3,23 triệu tấn, tăng 11,7% với 2,08 tỷ USD, tăng 36,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả này nhờ giá xuất khẩu gạo bình quân từ đầu năm đạt 644 USD/tấn, tăng 22,2%.
Trên thị trường gạo châu Á, giá gạo Ấn Độ đang ở mức thấp nhất ba tháng qua do nhu cầu yếu và nguồn cung dồi dào, trong khi giá gạo Thái Lan tăng lên mức cao nhất hơn một tháng qua nhờ nhu cầu nội địa cao.
Nguồn: https://baotintuc.vn/thi-truong-tien-te/gia-gao-xuat-khau-tang-tro-lai-20240505103317313.htm
5. Xuất khẩu hồ tiêu giảm lượng nhưng tăng giá trị
Theo Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA), 4 tháng đầu năm nay xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam giảm về lượng nhưng tăng về giá trị nhờ giá xuất khẩu tăng cao. Lũy kế 4 tháng đầu năm, Việt Nam đã xuất khẩu được 83.067 tấn hồ tiêu các loại, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 352 triệu USD. So với cùng kỳ năm ngoái lượng xuất khẩu giảm 19,4%, tuy nhiên kim ngạch tăng 10,3%. Giá xuất khẩu bình quân tiêu đen là 4.065 USD/tấn, tiêu trắng đạt 5.678 USD/tấn, tăng lần lượt 19,4% đối với tiêu đen và 14,5% đối với tiêu trắng so với cùng kỳ năm trước.
Châu Á hiện chiếm tới 36,2% tổng sản lượng xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam, tuy nhiên trong 4 tháng đầu năm 2024 sản lượng xuất khẩu sang khu vực này đã giảm tới 52% so cùng kỳ 2023; trong đó, giảm mạnh nhất là thị trường Trung Quốc, giảm tới 95,2%, UAE giảm 23%. Xuất khẩu hồ tiêu sang các nước châu Mỹ tăng 40,6% và chiếm 30,2% thị phần xuất khẩu; trong đó, Mỹ đang là thị trường xuất khẩu hồ tiêu riêng lẻ lớn nhất của Việt Nam với sản lượng đạt 22.774 tấn, tăng 45,2% so với cùng kỳ 2023 và chiếm 27,4% tổng sản lượng xuất khẩu. Khu vực châu Âu chiếm 26,8% thị phần xuất khẩu tiêu Việt Nam, so cùng kỳ năm ngoái tăng 33,6%; trong đó, đứng đầu là các thị trường Đức tăng 104,7%; Hà Lan tăng 52,8%, Nga tăng 68,7%.
Nguồn: https://baotintuc.vn/kinh-te/xuat-khau-ho-tieu-giam-luong-nhung-tang-gia-tri-20240508113906904.htm
6. Khai mạc Hội chợ Hàng Việt Nam Tiêu biểu Xuất khẩu năm 2024
Sáng 8/5, Hội chợ Hàng Việt Nam Tiêu biểu Xuất khẩu 2024 do Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp cùng các đơn vị xúc tiến trong và ngoài nước tổ chức, đã khai mạc tại Trung tâm Hội chợ Triển lãm Sài Gòn (SECC), Quận 7, và dự kiến kéo dài đến hết ngày 11/5.
Với kỳ vọng sẽ là đòn bẩy mạnh mẽ cho các ngành hàng xuất khẩu bứt phá về đơn hàng, doanh thu và thị trường, Hội chợ Hàng Việt Nam Tiêu biểu Xuất khẩu 2024 quy tụ 450 gian hàng của khoảng 400 doanh nghiệp xuất khẩu uy tín hàng đầu của Việt Nam, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu mua hàng đa dạng của các nhà mua hàng quốc tế.
7. Sắp diễn ra sự kiện giao thương doanh nghiệp Việt Nam – Myanmar
Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp thành viên nói riêng và cộng động doanh nghiệp hai nước Việt Nam – Myanmar nói chung, Hội hữu nghị Việt Nam – Myanmar (VMFA) và Hội hữu nghị Myanmar – Việt Nam (MVFA) sẽ đồng tổ chức buổi Hội thảo giao thương doanh nghiệp hai bên. Sự kiện sẽ diễn ra vào sáng ngày 13/5 tại Trụ sở Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, 105 Quán Thánh, TP Hà Nội.
Các doanh nghiệp tham gia sự kiện thuộc các ngành hàng như thương mại, xây dựng, ngân hàng, logistics, điện lực, phát triển hạ tầng, nước, phân bón và nông nghiệp, nhân lực, phân phối dược phẩm và hàng tiêu dùng, nông sản (gạo, đỗ, ngô..), cà phê (arabica), dịch vụ du lịch, năng lượng mặt trời, nông nghiệp và thủy hải sản, sản xuất và chế biến quả bơ… Theo Thương vụ Việt Nam tại Myanmar, đây là dịp tốt để các doanh nghiệp Việt Nam nắm bắt lại, trao đổi thông tin về thị trường, tìm kiếm và kết nối đối tác Myanmar, thúc đẩy hợp tác kinh tế – thương mại giữa hai bên.
Nguồn: https://mekongasean.vn/sap-dien-ra-su-kien-giao-thuong-doanh-nghiep-viet-nam-myanmar-post34410.html
Nhóm tin về xu hướng xanh – bền vững
1. Doanh nghiệp Việt tăng sản xuất, xuất khẩu hàng tái chế
Nhiều doanh nghiệp đã tăng sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm tái chế để đáp ứng xu hướng dùng các sản phẩm thân thiện với môi trường của khách hàng ngày một tăng ở thị trường nội địa lẫn quốc tế. Theo Công ty CP dệt may – đầu tư – thương mại Thành Công, những quần áo cũ sẽ được doanh nghiệp tái chế để làm ra một chiếc áo mới và xuất đi các thị trường lớn. Bên cạnh các sản phẩm tái chế do doanh nghiệp chủ động thiết kế và sản xuất, có nhiều sản phẩm tái chế do các đối tác lớn từ Mỹ, EU và Nhật Bản đặt hàng doanh nghiệp này sản xuất.
Tương tự, nhiều doanh nghiệp trong ngành đồ uống cũng dần dần thay thế các sản phẩm tái chế trong các sản phẩm của mình. Đại diện Nestlé cho biết doanh nghiệp này đã chuyển đổi từ ống hút nhựa sang ống hút giấy trên các sản phẩm sữa uống liền. Công ty Lamipak cũng sẽ giới thiệu các loại hộp sữa không tráng nhôm, giúp hộp sữa dễ tái chế gấp bội lần so với hộp sữa bình thường. Ngoài ra, doanh nghiệp này cũng cung cấp cho nhiều doanh nghiệp lớn các sản phẩm hộp sữa không tẩy dễ phân hủy, giảm tối đa mực in hóa học…
Tuy nhiên, để hàng tái chế “phủ sóng” nhiều hơn nữa trên kệ hàng, các doanh nghiệp vẫn đau đầu giải quyết bài toán chi phí và đầu ra khi các sản phẩm xanh này luôn gặp rào cản về giá thành cao hơn sản phẩm thông thường từ 10 – 30%.
Nguồn:
https://tuoitre.vn/doanh-nghiep-viet-tang-san-xuat-xuat-khau-hang-tai-che-20240503081748162.htm
Nhóm tin về ngành dịch vụ
1. Nhu cầu tư vấn tâm lý gia tăng đáng lo ngại ở Trung Quốc
Sự gia tăng nhanh chóng các cơ sở tư vấn tâm lý phản ánh sự thực trạng đáng lo ngại của các tình trạng như lo âu và trầm cảm trong công chúng – bao gồm cả tầng lớp trung lưu, vốn được nhiều người coi là nền tảng cho tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội của Trung Quốc. Tổ chức Y tế Thế giới ước tính có 54 triệu người ở Trung Quốc bị trầm cảm và 41 triệu người mắc chứng rối loạn lo âu. Trong những năm gần đây, các cơ quan y tế cũng đã nỗ lực giải quyết thực trạng này.
Theo dữ liệu từ Qcc.com, nhà cung cấp thông tin tín dụng doanh nghiệp, số lượng cơ sở tư vấn tăng gấp 10 lần từ năm 2011 đến năm 2020. Con số này tăng hơn 60% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 30.700. Giới chuyên gia dự đoán 2 năm tới có thể là thời kỳ đỉnh cao của tình trạng lo âu trong các gia đình Trung Quốc, với sự bi quan chưa từng thấy về sự nghiệp và thu nhập trong nền kinh tế gập ghềnh sau đại dịch. Theo báo cáo về sức khỏe tâm thần dựa trên kết quả khảo sát 40.000 người, lo lắng, cảm giác vô định và trầm cảm là những vấn đề tâm lý được báo cáo phổ biến nhất ở Trung Quốc vào năm ngoái.
2. Giá vé máy bay tăng cao, thuế phí đang được tính ra sao?
Thời gian qua, nhiều ý kiến phản ánh giá vé máy bay của các hãng hàng không nội địa tăng cao, có ý kiến cho rằng một trong các nguyên nhân là do thuế, phí cao. Trước báo cáo kinh doanh Quý I của các doanh nghiệp hàng không, có thông tin cho rằng Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) “lãi đậm ngàn tỉ” do giá, phí sân bay cao.
Trong cơ cấu giá vé, các khoản phí khác như phí dịch vụ hệ thống (áp dụng cho nội địa) 215 ngàn đồng, phí quản trị hệ thống 215 ngàn đồng đều do hãng bay thu để trang trải các hoạt động duy trì bộ máy vận hành của hãng, dịch vụ mặt đất, duy trì hệ thống đặt vé của hãng bay…
Ngoài 2 khoản thu với hành khách, ACV đang thu phí dịch vụ hàng không đối với các hãng hàng không các khoản sau: Dịch vụ hạ cất cánh, các dịch vụ cảng do Nhà nước quy định khung giá và dịch vụ kỹ thuật thương mại mặt đất. Trong đó, dịch vụ hạ cất cánh là dịch vụ ACV đang thu hộ nhà nước và thực hiện theo dõi, hạch toán kế toán, phản ánh đầy đủ doanh thu chi phí theo quy định tại Quyết định số 2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án giao, quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không do Nhà nước đầu tư, quản lý.
Nguồn: https://nld.com.vn/gia-ve-may-bay-tang-cao-thue-phi-dang-duoc-tinh-ra-sao-19624050715421381.htm
Nhóm tin về ngành thời trang – làm đẹp
1. Doanh thu của hãng trang sức Pandora tăng vọt nhờ thị trường Mỹ
Ngày 2/5, Pandora, hãng đồ trang sức lớn nhất thế giới tính theo số lượng bán ra, đã nâng dự báo doanh thu trong cả năm nay sau khi doanh thu và lợi nhuận trong quý 1/2024 tăng vượt kỳ vọng nhờ nhu cầu phục hồi. Trong quý vừa qua, doanh thu của Pandora đã tăng 11% lên 6,8 tỷ crown (977,77 triệu USD). Kết quả này có được chủ yếu nhờ mức tăng doanh thu 9% tại Mỹ, thị trường lớn nhất của Pandora, nơi thương hiệu này đang giành được thị phần ngay cả khi nhu cầu về đồ trang sức nhìn chung suy giảm.
Pandora dự báo tăng trưởng doanh thu hữu cơ (còn gọi là doanh thu tự thân) của hãng đạt 8%-10% trong năm nay, so với mức tăng trưởng 6%-9% trước đó. Hãng cũng duy trì dự báo tăng trưởng lợi nhuận hoạt động ở mức khoảng 25%.
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/post-943239.vnp
2. Hãng trang sức lớn nhất thế giới Pandora chọn Việt Nam để xây nhà máy 150 triệu USD
Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam cho biết vào chiều 16-5 tới đây, hãng trang sức lớn nhất thế giới Pandora sẽ tổ chức lễ khởi công nhà máy Pandora Production Việt Nam tại Khu công nghiệp VSIP 3 ở phường Hội Nghĩa, thành phố Tân Uyên (Bình Dương). Nhà máy Pandora Production Việt Nam có tổng vốn đầu tư hơn 150 triệu USD (khoảng 3.750 tỉ đồng). Dự án mới này sẽ là cơ sở sản xuất thứ ba, đồng thời là nhà máy đầu tiên của Pandora được xây dựng ngoài Thái Lan.
Chia sẻ lý do chọn Việt Nam, theo tập đoàn Đan Mạch này, Việt Nam có một lịch sử nghề thủ công rất phong phú và doanh nghiệp này có thể tìm được nhiều nhóm thợ bạc, nghệ nhân có tay nghề. Bên cạnh đó, nhà máy đặt tại Bình Dương có lợi thế là vị trí gần sân bay, trong khi hầu hết các sản phẩm của tập đoàn này đều xuất khẩu, do đó vị trí gần sân bay rất quan trọng trong vận chuyển. Với việc xây mới nhà máy tại Việt Nam, các loại trang sức từ Việt Nam sẽ chiếm đến 1/3 năng suất toàn cầu của Pandora.
3. Shein có khả năng “soán ngôi” thương hiệu thời trang Zara trong tương lai gần
Hãng thời trang Shein của Trung Quốc đang vươn lên trở thành “ông trùm” của ngành thời trang nhanh toàn cầu, đe doạ vị trí thống trị của Inditex, tập đoàn sở hữu thương hiệu thời trang Zara trị giá 133 tỷ euro (143,27 tỷ USD), của Tây Ban Nha. Trong nhiều năm nay, Shein và các nhà bán lẻ trực tuyến giá rẻ khác của Trung Quốc như Temu đang tận dụng các nhà cung cấp hàng hóa giá rẻ trong nước để giành thị phần của các thương hiệu phương Tây có mạng lưới cửa hàng rộng khắp toàn cầu.
Một số nghiên cứu cho thấy Shein chủ yếu thu hút khách hàng trẻ, quan tâm tới phân khúc hàng thời trang nhanh giá rẻ. Trong khi, 1/3 khách hàng của Zara là phụ nữ trên 30 tuổi và một tỷ lệ tương tự là ở độ tuổi 20. Tuy nhiên, giờ đây Shein đã bắt đầu mở rộng tệp khách hàng của mình, nhắm mục tiêu vào đến những phụ nữ đi làm, ưa chuộng trang phục công sở và xã hội cao cấp nhưng giá cả phải chăng. Nếu chất lượng sản phẩm của Shein tiếp tục được cải thiện và hãng tiếp tục giữ được giá bán thấp, thì những người mua trung thành của hãng này có lẽ sẽ không quay về hay chuyển sang sử dụng các thương hiệu của Inditex.
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/post-943764.vnp
4. Chiến lược tăng giá của các thương hiệu xa xỉ đã không còn hiệu quả
Thời điểm này, khi bước vào bất kỳ thương hiệu lớn sang trọng nào, người mua hàng cũng phải đối mặt với những mức giá khiến họ phải choáng váng. Theo HSBC, giá trung bình của hàng hóa cá nhân xa xỉ ở châu Âu đã tăng 52% kể từ năm 2019. Sự gia tăng này được cho là do dư chấn của đại dịch đã khiến lạm phát tăng vọt, đẩy chi phí nguyên vật liệu và nhân công tăng cao. Các nhà phân tích tại HSBC cho rằng, giá cả là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng doanh số bán hàng của ngành xa xỉ trong giai đoạn 2021 đến 2023, nhưng điều này sẽ giảm đi nhiều trong những năm tới.
Khi sự bùng nổ về hàng xa xỉ sau đại dịch suy giảm và đặc biệt là những khách hàng tham vọng đang dần rút lui, đánh đổi chi tiêu cho các sản phẩm xa xỉ bằng việc đi du lịch và trải nghiệm thì việc tăng giá đã khiến cho các thương hiệu sang trọng gặp khó. Điều tồi tệ nhất mà các thương hiệu phải làm là tăng giá và sau đó lại đưa ra các đợt giảm giá, ngay cả khi việc giảm giá được thực hiện một cách âm thầm.
Hermes đã thực sự chiến thắng trong cuộc chơi xa xỉ khi có mức tăng giá chậm và ổn định. Điều đó thể hiện ở việc mức tăng trưởng của thương hiệu này đã tăng 17% trong quý đầu tiên của năm 2024, vượt xa hàng thời trang và đồ da LVMH vốn chỉ tăng 2%. Trong khi đó, Kering đã bị sụt giảm doanh thu thảm khốc 10% trong quý 1/2024 và hiện tại các chuyên gia dự báo lợi nhuận của công ty mẹ Gucci sẽ có mức giảm tới 45% trong nửa đầu năm 2024.
Nhóm tin về ngành du lịch
1. Xung đột ở Trung Đông làm ngành du lịch Ai Cập thất thu hàng tỷ USD
Trong một nghiên cứu mới công bố, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đưa ra dự báo doanh thu từ ngành du lịch của Ai Cập và kênh đào Suez trong năm tài chính 2023-2024 hiện tại (kết thúc vào ngày 30/6), và năm tài chính 2024-2025 có thể giảm tới 13,7 tỷ USD. Nghiên cứu đưa ra ba kịch bản tương ứng với ba mức độ khác nhau của những tác động từ cuộc xung đột ở Dải Gaza. Theo đó, ở kịch bản chịu tác động cường độ nhẹ, Ai Cập sẽ mất 3,7 tỷ USD, với kịch bản cường độ trung bình, thiệt hại sẽ là 9,9 tỷ USD, trong khi ở kịch bản cường độ cao, Ai Cập sẽ tổn thất doanh thu 13,7 tỷ USD. Du lịch và Kênh đào Suez hiện chiếm khoảng 20% nguồn thu ngoại tệ của Ai Cập.
Trước khi xung đột ở Gaza bùng nổ, du lịch đóng góp 8,3% (612,6 tỷ bảng Ai Cập tương đương gần 13 tỷ USD) vào GDP của Ai Cập, tăng từ 3,8% trong năm 2020 ở vào thời điểm đại dịch COVID-19 bùng phát. UNDP cũng ước tính rằng các hoạt động lữ hành và du lịch đã tạo ra 2,37 triệu việc làm vào năm 2022 (chiếm 8,5% tổng số việc làm trực tiếp và gián tiếp). Nghiên cứu cho rằng sự sụt giảm này có thể dẫn tới sự gia tăng đáng kể tỷ lệ thất nghiệp trong nước, sự sụt giảm trong tiêu dùng hộ gia đình và sự gia tăng tỷ lệ nghèo.
2. AirAsia Campuchia – cú hích mới cho ngành du lịch Campuchia, khối ASEAN
Ngày 1/5/2024 AirAsia giới thiệu hãng hàng không thứ bảy AirAsia Campuchia (mã chuyến bay KT), đánh dấu một bước tiến quan trọng đối với ngành hàng không Campuchia, góp phần đưa khối ASEAN trở thành một trung tâm hàng không náo nhiệt trong khu vực.
AirAsia Campuchia sẽ bắt đầu hoạt động từ ngày 2/5/2024 sau khi được cấp chứng chỉ hoạt động hàng không (AOC) vào ngày 1/5/2024. Với đội tàu bay ban đầu bao gồm hai chiếc Airbus A320, hãng sẽ khai thác chặng bay từ sân bay Quốc tế Phnom Penh (PNH) nhộn nhịp tới các thành phố mang tính biểu tượng như Siem Reap và Sihanoukville và các điểm đến xa hơn thông qua các trạm trung chuyển tại Kuala Lumpur và Bangkok.
Nhóm tin về ngành kĩ thuật – công nghệ
1. Amazon, Microsoft, Alphabet đang hái “quả ngọt” từ đầu tư vào AI
Theo hãng truyền thông trực tuyến của Mỹ, trong 2 tuần qua, các nhà cung cấp dịch vụ đám mây lớn, gồm Amazon, Microsoft và Alphabet (công ty mẹ của Google), đã báo cáo thu nhập hàng quý vượt ngoài kỳ vọng của Phố Wall. Điều đó một phần là do các khoản đầu tư của họ vào AI dường như đã giúp tăng doanh thu cho dịch vụ đám mây vốn được tạo thành từ các máy chủ dữ liệu mà khách hàng sử dụng để cung cấp năng lượng và đào tạo các mô hình AI của họ.
Tờ báo Mỹ lấy Amazon Web Services (AWS) làm ví dụ. Cụ thể, phân khúc đám mây của gã khổng lồ thương mại điện tử đạt doanh thu ròng 25 tỷ USD trong quý I/2024 – tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái, theo báo cáo thu nhập mới nhất của Amazon. Tháng 9 năm ngoái, Amazon đã ra mắt Bedrock, một bộ mô hình ngôn ngữ lớn mà khách hàng của AWS có thể tinh chỉnh cho phù hợp với nhu cầu kinh doanh của mình. Hai tháng sau, Amazon phát hành Q, trợ lý AI tạo sinh (Generative AI) của mình, cho một số người dùng chọn lọc, và hiện đã có sẵn cho mọi khách hàng AWS kể từ tuần này.
Các đối thủ cạnh tranh của AWS cũng không nằm ngoài xu hướng. Microsoft Cloud đã tạo ra doanh thu 35,1 tỷ USD – tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái. CEO Microsoft Satya Nadella cho rằng kết quả này một phần nhờ đầu tư vào các công cụ AI như Microsoft Copilot. Tương tự, Google Cloud báo cáo doanh thu 9,6 tỷ USD – tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái, theo báo cáo thu nhập mới nhất của Alphabet. Quả thực, Google Cloud hiện đi kèm với các dịch vụ AI tạo sinh thông qua Gemini, một nhóm mô hình ngôn ngữ lớn mà gã khổng lồ công nghệ tìm kiếm này đã ra mắt vào tháng 12 năm ngoái để cạnh tranh với ChatGPT của OpenAI.
Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/amazon-microsoft-alphabet-dang-hai-qua-ngot-tu-dau-tu-vao-ai-a661733.html
2. Nhiều ‘ông lớn’ sẵn sàng thâu tóm TikTok
Một số “ông trùm” tài chính và công nghệ Mỹ đang chuẩn bị tiền để mua TikTok sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden ký đạo luật buộc chủ sở hữu Trung Quốc phải bán ứng dụng TikTok. Tờ New York Post đưa tin đứng đầu trong số những nhân vật này phải kể tới cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin; cựu Giám đốc điều hành (CEO) của Activision Blizzard, ông Bobby Kotick; CEO của Open AI Sam Altman; nhà sáng lập Quỹ quản lý vốn Pershing Square, tỷ phú Bill Ackman, và những “cá mập triệu USD” như Kevin O’Leary.
Tuy nhiên, việc mua bán này sẽ gặp nhiều khó khăn khi Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết việc ByteDance thoái vốn khỏi Tiktok cần phải được bộ phê duyệt. Ngoài ra, Bộ Thương mại Trung Quốc phản đối mạnh mẽ bất kỳ thương vụ mua bán nào. Điều đó có nghĩa là người mua tiềm năng sẽ chỉ có được tên thương hiệu và cơ sở người dùng, đồng thời phải xây dựng lại công nghệ mà Tiktok sử dụng.
Mặc dù mức định giá của TikTok không được công khai nhưng một số nhà phân tích đã định giá Tiktok ở mức 100 tỷ USD nhờ thuật toán mà ứng dụng này sử dụng. Theo dữ liệu của công ty nghiên cứu thị trường Pitchbook, ByteDance được định giá 220 tỷ USD vào năm ngoái.
Nguồn: https://sggp.org.vn/nhieu-ong-lon-san-sang-thau-tom-tiktok-post738249.html
3. Nhiều công ty công nghệ lớn của Mỹ tạm ngừng xin thẻ xanh cho lao động nước ngoài
PERM là chứng nhận lao động do Bộ Lao động Hoa Kỳ cấp phép cho một công ty có trụ sở tại Hoa Kỳ thuê lao động nước ngoài làm việc lâu dài tại quốc gia này. Làn sóng cắt giảm việc làm của Google, Amazon, Meta và các công ty công nghệ khác đã khiến quy trình PERM trở nên phức tạp hơn. Đầu năm nay, Google thông báo đến nhân viên rằng sẽ tiếp tục dừng hỗ trợ nhân viên ngoại quốc xin chứng nhận PERM cho đến ít nhất quý 1/2025.
Đầu năm nay, gã khổng lồ thương mại điện tử Amazon thông báo với nhân viên rằng họ sẽ tiếp tục tạm dừng hỗ trợ tất cả các hồ sơ PERM mới đến hết năm 2024. Trong khi Amazon hay Google đã đóng băng các hồ sơ PERM của nhân viên, Meta vẫn tiếp tục hỗ trợ xin thẻ xanh cho các nhân viên quốc tế, tuy nhiên, tốc độ ngày càng chậm chạp.
Thế nhưng, cũng không loại trừ khả năng các công ty sẽ tích cực hỗ trợ nhân sự ngoại quốc làm PERM. Vì khi cơn khát nhân tài công nghệ đạt đến đỉnh điểm, quy trình PERM là một vũ khí hữu ích để sử dụng, theo Business insider. Theo Business Insider, người phát ngôn của Amazon cho biết công ty đang làm việc với những nhân viên ngoại quốc để tìm ra “con đường nhập cư thay thế” nhằm kéo dài thời gian lưu trú của họ ở Mỹ.
4. Indonesia bắt tay với tập đoàn Nvidia xây dựng trung tâm phát triển AI
Bộ trưởng Truyền thông và Tin học Budi Arie Setiadi ngày 5/5 cho biết trung tâm phát triển AI (Indonesia AI Nation) sẽ được đặt tại Solo Techno Park, Trung Java, với sự hợp tác của Tập đoàn công nghệ Nvidia (Mỹ) và Công ty viễn thông Indosat Ooredoo Hutchison (IOH). Trung tâm gồm tòa nhà Sembrani để tiến hành nghiên cứu và tòa nhà Gumarang để phục vụ phát triển công nghệ và đổi mới.
Theo Bộ Truyền thông và Tin học, Indonesia đã áp dụng một số mô hình nền tảng và tham gia phát triển chúng, như AI tạo sinh để xử lý ngôn ngữ tại một số công ty khởi nghiệp và xử lý dữ liệu bằng cách sử dụng AI trong tiếp thị.
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/post-943872.vnp
5. Amazon chi 12 tỷ USD đầu tư vào cơ sở hạ tầng đám mây và AI tại Singapore
Công ty dịch vụ điện toán đám mây Amazon (AWS) của Tập đoàn công nghệ Amazon (Mỹ) có kế hoạch thực hiện một trong những thương vụ đầu tư lớn nhất từ tước đến nay vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật số tại Singapore với khoản đầu tư 12 tỷ USD trong 4 năm tới tập trung vào các dự án đám mây và trí tuệ nhân tạo (AI), cũng như mở rộng hoạt động của mình tại Đảo quốc Sư tử này. Trong một thông báo được đưa ra tại Hội nghị AWS diễn ra ở Marina Bay Sands (Singapore) ngày 7/5, AWS cho biết gói đầu tư trên sẽ nâng tổng vốn đầu tư của công ty này vào Singapore lên mức 23,5 tỷ USD.
Khoản đầu tư của AWS được xem là tín hiệu cho thấy hoạt động số hóa tiếp tục phát triển mạnh mẽ tại Singapore trong bối cảnh doanh số bán hàng trên toàn cầu chậm lại do các doanh nghiệp cắt giảm chi tiêu cho các dịch vụ đám mây, kéo theo làn sóng cắt giảm nhân sự trong lĩnh vực công nghệ những năm gần đây. Kể từ năm 2022, Amazon đã cắt giảm hơn 27.000 việc làm.
6. Microsoft đầu tư 2,2 tỷ USD vào điện toán đám mây và AI tại Malaysia
Tuần qua, Công ty công nghệ Mỹ Microsoft đã tuyên bố sẽ đầu tư 2,2 tỷ USD trong 4 năm tới để hỗ trợ chuyển đổi kỹ thuật số của Malaysia. Đây là khoản đầu tư lớn nhất trong lịch sử 32 năm của hãng vào quốc gia này…Cụ thể, khoản đầu tư này sẽ giúp xây dựng cơ sở hạ tầng AI và điện toán đám mây ở Malaysia, tạo ra một trung tâm AI nổi trội và đào tạo AI cho khoảng 200.000 người Malaysia. Đồng thời, các khoản đầu tư của Microsoft vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật số và kỹ năng sẽ giúp các doanh nghiệp, cộng đồng và nhà phát triển Malaysia “áp dụng những công nghệ mới nhất để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đổi mới toàn diện trên khắp đất nước”.
Cam kết đầu tư tại Malaysia được đưa ra sau khi Microsoft công bố khoản đầu tư 1,7 tỷ USD vào Indonesia, cũng như mở một trung tâm dữ liệu khu vực đầu tiên tại Thái Lan nhằm mở rộng cơ sở hạ tầng đám mây và trí tuệ nhân tạo trong khu vực.
7. Alibaba dự tính đầu tư 1 tỷ USD xây trung tâm dữ liệu ở Việt Nam
“Ông lớn” công nghệ Trung Quốc Alibaba có kế hoạch xây dựng một trung tâm dữ liệu tại Việt Nam, dự kiến kinh phí lên tới hơn 1 tỷ USD, theo Nikkei Asia. Hiện tại, Alibaba thuê không gian máy chủ từ các công ty viễn thông nhà nước Việt Nam là Viettel và VNPT. Động thái mới của Alibaba nhằm đáp ứng các yêu cầu pháp lý về lưu trữ dữ liệu địa phương và đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng tại một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất châu Á, theo Nikkei Asia. Theo Nghị định, nếu các tập đoàn công nghệ muốn mở rộng ở thị trường Việt Nam phải sử dụng dịch vụ lưu trữ dữ liệu của các nhà cung cấp tại đây.
Động thái này là một phần trong chiến lược của Alibaba nhằm đảm bảo an ninh và kiểm soát dữ liệu tốt hơn, đồng thời có khả năng giảm chi phí và các vấn đề trách nhiệm pháp lý liên quan đến việc quản lý dữ liệu của nhiều công ty. Bên cạnh việc cân nhắc về chi phí, bảo mật và kiểm soát thông tin cũng là yếu tố khiến những công ty như Alibaba muốn xây dựng trung tâm dữ liệu riêng biệt.
8. Việt Nam – Đối tác công nghệ thông tin nhiều tiềm năng của Australia
Khoảng 200 đại biểu gồm đại diện của chính quyền Australia, ông Nguyễn Đăng Thắng, Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Sydney, các công ty công nghệ Việt Nam và Australia đến tham dự Ngày Công nghệ thông tin Việt Nam 2024 (Vietnam IT Day 2024).
Bà Đặng Thị Thanh Vân, Tổng giám đốc Savvycom, thành viên của GITS cho biết, việc tổ chức Ngày Công nghệ thông tin Việt Nam (Vietnam IT Day) là cơ hội để quảng bá năng lực công nghệ thông tin của Việt Nam và tìm hiểu sâu hơn về thị trường Australia. Tham dự sự kiện, các đại diện còn được nghe nhiều chia sẻ bổ ích về nhu cầu về công nghệ thông tin tại thị trường Australia, cách thức để làm việc với các đối tác Australia cũng như hoạt động hiệu quả tại thị trường Australia và đây sẽ là những thông tin hữu ích với các doanh nghiệp Việt Nam muốn hợp tác với các đối tác Australia.
Không chỉ có đủ năng lực để cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin cho Australia, các doanh nghiệp Việt Nam cũng có nhiều ưu thế khi hợp tác với Australia và đây chính là điều mà nhiều doanh nghiệp Australia đang làm việc tại Việt Nam chia sẻ tại sự kiện, trong đó có công ty Away Digital chuyên gia công phần mềm với khoảng 500 nhân viên tại Việt Nam.
9. Đối tác phân phối xe BYD tại Việt Nam bất ngờ rút lui
Cách đây không lâu, New Energy Holdings (NEH) vẫn gấp rút tuyển dụng nhân sự cho dự án làm hệ thống đại lý BYD tại Việt Nam. Nhưng từ 6/5, toàn bộ dự án sẽ dừng hoạt động. Trao đổi với báo chí, BYD Việt Nam xác nhận thông tin kể trên và cho biết: “Đã chấp thuận đề nghị rút khỏi dự án của NEH. BYD Việt Nam vẫn còn những đơn vị khác tham dự đầu tư đại lý BYD tại Việt Nam. Những kế hoạch sắp tới của BYD tại thị trường Việt Nam hoàn toàn không bị ảnh hưởng”.
Hiện chưa rõ các đơn vị tham gia đầu tư khác mà BYD Việt Nam nhắc tới là doanh nghiệp nào. Song theo kế hoạch, tháng 6 tới đây, BYD Việt Nam sẽ khai trương 15/50 đại lý tại Việt Nam.
Nhóm tin về ngành công nghiệp nặng – năng lượng
1. PVN công bố hai phát hiện dầu khí mới tại mỏ Rồng và Bunga Aster
Ngày 6-5, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) vừa công bố hai phát hiện quan trọng tại giếng R79, mỏ Rồng thuộc lô 09-1 và giếng BA-1X, mỏ Bunga Aster, lô PM3 CAA. Tại giếng R79, người điều hành Vietsovpetro đã tiến hành thử vỉa đối tượng móng và nhận được dòng dầu tự phun với lưu lượng đạt gần 6.300 thùng/ngày. Đánh giá sơ bộ, mỏ này giúp dự kiến gia tăng tiềm năng dầu khí tại chỗ đạt khoảng 16,5 triệu thùng dầu và ước tính trữ lượng tăng thêm từ giếng khoan R-79 khoảng 4,6 triệu thùng.
Tại giếng BA-1X, kết quả tính toán sơ bộ tài nguyên dầu tại chỗ khoảng 84 triệu thùng (tăng gần gấp đôi dự báo ban đầu), dự kiến gia tăng trữ lượng cho toàn bộ vỉa là khoảng 20,2 triệu thùng. Đặc biệt, giếng BA-1X đã được đưa vào khai thác từ ngày 5-5 với lưu lượng khai thác ban đầu khoảng 2.100 thùng/ngày. Trong thời gian tới nhà điều hành lô PM3 CAA sẽ tiếp tục thẩm lượng phát hiện dầu Bunga Aster để có thêm đánh giá chắc chắn về tiềm năng trữ lượng dầu của đối tượng.
Nhóm tin về liên kết, đầu tư, start-up, DN mới
1. Start-up Việt phát triển ứng dụng AI học tập được 300 trường học sử dụng
Start-up có tên Tomia phát triển ứng dụng học tập kết hợp AI và phương pháp giáo dục Montessori vốn được nhiều trường mầm non và phụ huynh sử dụng trong nuôi dạy trẻ. Hoàn thiện vào giai đoạn cuối năm 2023, đến nay Tomia đã và đang được 300 trường học khắp cả nước sử dụng.
Phương pháp giáo dục Montessori vốn được nhiều trường mầm non và phụ huynh trên cả nước sử dụng trong nuôi dạy trẻ. Tuy nhiên, không phải cơ sở nào cũng có điều kiện tiếp cận và đầu tư công nghệ để quản lý, kết nối, chuẩn hóa quy trình, qua đó tối ưu chi phí và nâng cao hiệu quả hoạt động.
Với mục tiêu trở thành giải pháp toàn diện trong quản lý trường học, đội ngũ xây dựng Tomia tập trung phát triển tính năng quản lý song song với các giáo trình, bài giảng được chuẩn hóa. Ngoài chức năng quản lý chính, Tomia còn thông qua AI để phát triển các tính năng hữu ích như nhận diện khuôn mặt, tự động hoàn chỉnh bài nhận xét… nhằm giảm tải cho giáo viên, giúp thầy cô có thêm thời gian để giảng dạy và chăm sóc trẻ.
Nhóm tin về tài chính
1. Giá vàng miếng SJC tiếp tục tăng sốc
Giá vàng miếng SJC tăng giảm loạn xạ, rơi xuống 85,5 triệu đồng/lượng rồi đột ngột tăng thêm 2 triệu đồng/lượng trong sáng 7-5, lên 87,5 triệu đồng/lượng. Giá vàng thế giới đang ở mức 2.323 USD/ounce, chỉ tăng khoảng 10 USD/ounce so với trưa hôm qua. Quy đổi theo tỉ giá niêm yết tại ngân hàng, giá vàng thế giới tương đương 71,29 triệu đồng/lượng.
So với hôm qua, giá vàng thế giới chỉ tăng khoảng 300.000 đồng/lượng nhưng giá vàng miếng SJC lại tăng đến 2 triệu đồng/lượng. Những ngày gần đây, giá vàng miếng SJC tăng dồn dập sau hàng loạt phiên đấu thầu vàng bị hủy.
Nguồn: https://tuoitre.vn/gia-vang-mieng-sjc-tang-soc-len-87-5-trieu-dong-luong-20240507102849221.htm
BSAi